30 April 2012

Tội ác của Lịch sử Thừa sai

Tội ác của Lịch sử Thừa sai


Lời mở đầu:
Những người truyền đạo Chúa thường được miêu tả là những người đơn giản với một mong muốn duy nhất là truyền bá một cách hòa bình phúc âm và thông điệp của tình thương.

Nhưng trong thực tế, phương pháp truyền giáo của họ thường không có gì gọi là hòa bình và đã để lại những sắc dân bản địa bị tước đoạt văn hóa hay bị tàn sát. Với đạo Kitô đang suy giảm ở phương Tây, các nhà truyền giáo tìm kiếm các vùng đất mới đang còn nguyên vẹn và xanh ngát ở các nước nghèo của thế giới thứ ba, và họ được hỗ trợ bởi ngân quỹ khổng lồ từ những tín đồ ngây thơ; những người này bị tuyên truyền rằng đem văn minh và tôn giáo đến những người nghèo ở phương xa là một mục đích cao cả, dù các người bản địa đó không muốn.

Những người truyền giáo thường trộn lẫn chiến dịch quân sự với chiến dịch truyền giáo và với nhiệt tình của họ để "văn minh hóa các kẻ ngoại đạo" thường là những người thổ dân đơn giản, hạnh phúc, chỉ có tội là họ không phải tín đồ Kitô. Chinh phục ngoại đạo bằng bất kỳ phương tiện nào, bất cứ giá nào, được khuyến khích trong Kinh Thánh: 

"Ngươi không phải cứu sống những ai đang thở. Nhưng ngươi phải hoàn toàn tiêu diệt chúng ... "(Deut. 20)
"Nhưng những kẻ thù của Ta (
kẻ không thờ Chúa, MK), nếu không muốn Ta cai trị họ, hãy mang họ đến đây, và giết chúng trước mặt Ta" (Luke 19.27).

Dưới đây là số người chết trong vài thảm họa do các người Âu châu theo đạo Kitô gây ra trong lịch sử theo Wikipediahttp://en.wikipedia.org/wiki/List_of_wars_and_disasters_by_death_toll

Thảm Họa
Số người chết
Thời gian
Thập tự chinh (Crusades) ở Trung Đông và Âu châu
9 triệu
1095-1291
Tàn sát người Do Thái ở Âu châu trong Thế chiến II
6 triệu
1939-1945
Chiếm châu Mỹ bởi người châu Âu
10 triệu
1492-1900
Chiếm châu Á bởi người châu Âu
50 triệu
1758-1970
Chiếm châu Phi bởi người châu Âu
10 triệu
1758-1970
Chiến tranh Công giáo-Tin lành ở Pháp
4 triệu
1562-1598
Chiến tranh Công giáo-Tin lành ở Đức (30-Year War, Guerre de trente ans, Dreissigjaehriger Krieg)
11.5 triệu
1618-1648

Tổng cọng:100 triệu 500 ngàn người: 553 năm.

Theo lời của một người dân Thái Lan, "Họ [các người truyền đạo Chúa] dường như không chú ý mấy đến nền văn hóa của chúng tôi. Tại sao? Họ chỉ mong muốn xây dựng nhà thờ to lớn ở mỗi làng. Có vẻ như họ đang có hai khuôn mặt, dưới chiêu bài giúp đở họ đàn áp chúng tôi. Với thế giới, họ đã đạt được tiếng tốt là ân nhân của các bộ lạc đang biến mất. Họ dùng chúng tôi để tạo danh tiếng của họ trong nhiều năm. Cách họ cư xử với chúng tôi như là chúng tôi không biết gì về Thượng đế trước khi họ đến đây."[1]

"Tại sao những người truyền đạo cho rằng họ là những người duy nhất có thể cảm nhận được Thượng Đế?" Trong thực tế, hầu hết các nền văn minh bị tiêu diệt bởi các người Kitô (Cơ đốc) đã có nhiều phát triển về các tiêu chuẩn đạo đức, với cấu trúc xã hội ổn định, trình độ cao về sạch sẽ, vệ sinh, trang trí nghệ thuật và khoa học, và người bản xứ đã mãn nguyện với tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của mình.

Sự xuất hiện của Kitô giáo thực sự làm cho những nền văn minh này lùi lại phía sau. Về vấn đề này chúng ta chỉ cần nhìn sang châu Âu, trong thời kỳ Đen Tối (Dark Ages) của châu Âu là một giai đoạn khi Giáo hội nắm toàn quyền kiểm soát. Thời kỳ Phục Hưng (Age of Enlightenment - Renaissance) bắt đầu khi người dân thường thoát khỏi sự chuyên chế của nhà thờ Thiên chúa giáo.

Các người truyền đạo Chúa đã đàn áp nhiều nền văn hóa, xây dựng nhà thờ trên các chùa chiền Phật giáo, nhà thờ Hồi giáo và đền thờ các tín ngưỡng bản địa. Ví dụ, các nhà thờ lớn ở Rome được xây dựng trên các đền thờ ngoại giáo và nhiều sử gia nói rằng chính Vatican được xây dựng trên những tàn tích của một đền thờ Mithra (Thần Mặt Trời của người La Mã). Những ngày lễ chính của đạo Kitô đều được lấy từ những ngày lễ của ngoại đạo. Trên thực tế, nhiều nhà sử học và các học giả tôn giáo đã tuyên bố rằng toàn bộ Kitô giáo là vay mượn từ các tôn giáo và các nền văn hóa khác và đạo Kitô là một gian lận – Chúa Giêsu hay Kitô là một sự pha trộn của một số nhân vật có trước Chúa Kitô.


HỆ THỐNG PHÁP LUẬT KITÔ (Cơ đốc)
Vì Kitô giáo tin rằng Chúa Giêsu phải chịu tội vì lỗi của kẻ khác, họ lợi dụng niềm tin này cho các mục đích riêng của họ "để cho Chúa Kitô đau khổ trong khi họ, các người Kitô, đi phạm các tội ác"Vì vậy khi các người Kitô giết người ngoại đạo, họ hoàn toàn không lo lắng và với một lương tâm không có chút cắn rứt nào, bởi vì Chúa Giêsu sẽ miễn tội cho họ, và vì họ không phải đối mặt với luật nhân quả và tái sinh hay những hậu quả thực sự của những luật này. Thậm chí một người tín đồ đạo Chúa tầm thường không hề tự hỏi một câu hỏi đơn giản, rằng nếu có một người giết người và người đó nói với tòa án rằng cha của tôi sẽ chịu tội thế, tòa án sẽ chấp nhận việc thay thế chịu hình phạt này không? Một người đạo Kitô trung bình cũng không hề nghĩ rằng nếu bất kỳ tòa án nào chấp nhận việc thay thế như vậy, thì hệ thống công lý của thế giới, như chúng ta đang có, sẽ hoàn toàn bị phá hủy và hỗn loạn sẽ xảy ra.

Lịch sử đã làm chứng cho sự hủy diệt hàng loạt vô số các nền văn hóa, và nạn diệt chủng gần như hoàn toàn của các chủng tộc "ngoại đạo" dưới bàn tay của Thiên Chúa giáo. Lịch sử đã chứng minh rằng hầu hết các nền văn hóa bị phá hủy bởi Thiên Chúa giáo đã có nhiều phát triển về đạo đức và phẩm giá hơn những gì họ đã được thay thế.

Những ảnh hưởng của đa phần việc cải đạo là cố ý thay thế các truyền thống văn hóa của một dân tộc bởi một hình thức của Kitô giáo. Điều này theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc là diệt chủng và diệt chủng là nghề của các người truyền giáo: cải đạo các dân tộc khác theo Kitô giáo và do đó tiêu diệt các nhóm dân tộc, và không cho họ quyền của các dân tộc bản địa gìn giữ những gì họ đang có -- nền văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo của riêng họ. Với nhiều lý do, một suy giảm to lớn về dân số, nói cách khác phần lớn dân số bản địa đã chết, thường tiếp theo sau việc cải đạo [2]. Và công việc được gọi là "chân chính" này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay trên khắp thế giới dưới danh nghĩa công tác nhân đạo của Kitô giáo.

Sự thật đơn giản là người ta không bao giờ từ bỏ tôn giáo của mình, cũng như không bỏ con cái hoặc cha mẹ của mình ... trừ khi họ đang bị áp lực, vũ lực hoặc bị dụ dỗ quá hấp dẫn. Khẩu hiệu của Kitô "Đức tin vào Chúa Giêsu là cách duy nhất để được cứu rỗi "; ngoài việc nó hoàn toàn sai, nó cũng hoàn toàn không có mấy hiệu quả trong việc cải đạo. Các thủ đoạn gian trá, phản bội, hối lộ và đâm thọc … do đó đã được sử dụng để cải đạo (xem bài 43 Phương Pháp Cải Đạo của Tin Lành và Công Giáo,http://giaodiemonline.com/2011/03/caidao.htm ).

Các người truyền giáo Kitô biết sự thật trắng trợn này và lịch sử của đạo Kitô đã ghi lại các tàn bạo và man rợ trong vòng 20 thế kỷ qua để chiếm đoạt tín đồ là một minh chứng cho những phương pháp dã man của Kitô giáo [3].

"Người đạo Kitô quyết tâm tìm tội ác và xấu xí ở thế giới đã làm cho thế giới đầy tội ác và xấu xí "- Friedrich Nietzsche.


THẬP TỰ CHINH 
Nhiều người nghĩ rằng những cuộc "thánh" chiến là cuộc chiến tranh giải phóng vùng đất thánh từ những người không phải là Kitô. Nhưng ít người biết rằng nhiều cuộc thánh chiến là để chống lại các giáo phái Kitô khác, và nhiều cuộc Thập tự chinh đã được hình thành vì các mục đích khác, chẳng hạn như vụ chết đuối của gần 6000 người Tin Lành bởi quân đội Tây Ban Nha Công giáo ở Hà Lan năm 1568, việc chiếm thành phố Magdeburg ở Đức trong thế kỷ 17, việc giết 30.000 người Tin Lành, tiếp theo là một cuộc chiến tranh 30 năm 1618-1648 tại châu Âu (30-Year War, Guerre de trente ans, Dreissigjaehriger Krieg) giữa Công giáo và Tin lành, trong đó hơn 40% dân chúng (chủ yếu là người Đức) đã bị tiêu diệt (link:http://de.wikipedia.org/wiki/Drei%C3%9Figj%C3%A4hriger_Krieg )

Rõ ràng nhất là vụ chinh phục và cướp bóc thành Constantinople của Chính thống giáo bởi các thành viên trong cuộc Thập tự chinh thứ tư vào năm 1204; việc này đã tạo ra một tình trạng thù địch giữa người Công giáo và Chính thống giáo cùng thờ một Chúa và đã kéo dài cho đến thế kỷ 20.

Trên thực tế, các cuộc Thập tự chinh là những tham vọng lớn nhất của hệ thống kinh doanh chiến tranh của đạo Kitô và cũng là những thất bại dễ thấy nhất. Đây chỉ là những nỗ lực buộc tất cả thế giới và nhân loại phải phục tòng vị giám mục của Roma, Giáo Hoàng Công giáo Vatican.


THIÊU ĐỐT PHÙ THỦY 
Tất nhiên chúng ta đã nghe đến các cuộc săn đuổi các phù thủy ở Salem, bang Massachusetts ở Mỹ vào năm 1691-1692 và việc thiêu sống một số "phù thủy" bởi người Thanh giáo (Puritans). Nhưng bạn có biết rằng tất cả các phù thủy Salem đã được chứng minh vô tội? Tất nhiên, đây là phát hiện sau khi họ bị chết thiêu. Bạn có biết rằng việc đốt phù thủy này được thực hiện trên toàn thế giới làm hàng trăm ngàn người chết (80% phụ nữ), được khởi xướng bởi các nhà thờ Công giáo để tiêu diệt những người mà họ gọi là dị giáo. Các phụ nữ làm nghề đở đẻ (nữ hộ sinh hay bà mụ) đã bị buộc tội làm cản trở tỷ lệ sinh đẻ - tất cả các kiến thức về kiểm soát sinh đẻ đã bị xóa hết, đến nỗi các học giả ở thế kỷ 20 tin rằng kiểm soát sinh đẻ là một phát minh hiện đại. Các toà án dị giáo đã viết:"Không ai nguy hiểm và có hại cho đức tin Công giáo bằng các bà mụ".

Bản kể tội phù thủy của Giáo hoàng Innocent VIII vào năm 1484 đã dẫn đến việc đàn áp qua nhiều thế kỷ cái gọi là phù thủy. Hàng trăm ngàn phụ nữ, trẻ em và đàn ông (khoảng 20%) đã bị tra tấn, thiêu sống hoặc bị treo cổ. Cuốn Malleus Maleficarum (Cái búa phù thủy hay Cẩm nang của các quan toà án dị giáo) được viết bởi hai giáo sĩ dòng Đa minh (Dominican), và có lẽ nó đã gây đổ máu nhiều nhất so với bất kỳ cuốn sách nào khác (Thiên chúa giáo hay không). Các chính sách tra tấn, thiêu đốt và treo cổ người dị giáo đã được xem là chính sách của Giáo hội trong nhiều thế kỷ, bất cứ khi nào họ có thể làm được. Từ thế kỷ 15 đến 18 khoảng nửa triệu người đã bị giết vì tội phù thủy, phần nhiều là phụ nữ


ĐÀN ÁP NGƯỜI DO THÁI 
Đàn áp người Do Thái bởi đạo Kitô có một lich sử lâu dài, bắt đầu với việc đốt các giáo đường Do Thái giáo trong thế kỷ thứ 4, với nhiều vụ giết người Do Thái không chịu cải đạo sang Kitô giáo, đến sự hủy diệt các cộng đồng Do Thái ở nhiều nước châu Âu, cho đến các trại tử thần của Hitler trong Thế chiến thứ II. Riêng tại Nam Tư, đứng đầu các trại tử thần là một giáo sĩ Franciscan và điều hành bởi người Công giáo, giống như các lò giết người của Đức ờ Auschwitz – và họ đã giết chết khoảng nửa triệu người trên một đất nước nhỏ bé [5,5].

Chính Hitler đã biện hộ việc giết người Do Thái bằng các trích dẫn Kinh Thánh và Chúa Giêsu (trong bài phát biểu ngày 12 tháng 4 năm 1922:

"Với tình thương vô biên của một tín đồ Kitô và là một người đàn ông tôi đọc đoạn [Kinh Thánh] cho chúng ta biết Chúa Giêsu cuối cùng đã vùng lên và nắm lấy cây roi để đuổi ra khỏi đền thờ bầy rắn độc. Cuộc chiến đấu của Ngài thật tuyệt vời cho thế giới chống lại độc hại của người Do Thái."


DIỆT CHỦNG Ở RWANDA 
Bạn đã xem phim về Rwanda chưa? Bạn có biết rằng một số đáng kể gồm các linh mục, nữ tu sĩ và thậm chí cả giám mục đã bị kết tội và nhiều người đã bị kết án (do tòa án tội phạm chiến tranh) vì họ đã trực tiếp chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát vô nghĩa của hàng ngàn người Tutsi vô tội? Nhiều giáo sĩ đã trao ra những người trú ẩn trong các nhà thờ của họ cho dao phay của các dân quân Hutu. Lòng căm thù và chia rẽ giữa người Hutu và người Tutsi đã được lan truyền bởi những người truyền giáo để làm thuận lợi cho các mục tiêu cải đạo của họ.

Thậm chí một linh mục đã đốt cháy nhà thờ của mình để giết chết hàng trăm người Tutsi đang ẩn náu ở đó. Hai linh mục đã bị kết án tử hình vào năm 1998 vì vai trò của họ trong vụ diệt chủng này và hai nữ tu sĩ dòng Biển Đức (Benedictine) đã cung cấp xăng dầu cho vụ đốt người thường dân Tutsi đang ở trong nhà thờ của họ; họ đã trốn chạy về Bỉ nhưng sau đó đã bị kết tội đồng lõa với tội giết người ở Bỉ.

"Nữ tu Maria Kisito, người bị án 12 năm tù, và "Mẹ" bề trên, bà Gertrude bị án 15 năm tù, đã bị kết án trợ giúp giết 7000 người ẩn náu tại tu viện của họ ở miền nam Rwanda. Các công tố viên lập luận rằng họ gọi dân quân Hutu để đuổi người dân Tutsi ra khỏi tu viện dầu biết rằng những người này sẽ bị giết chết, và sau đó cung cấp xăng dầu cho dân quân sử dụng để đốt cháy một nhà chứa xe, trong đó có khoảng 500 người Tutsi đang ẩn náu " (Washington Post, 09 tháng 6 năm 2001) [6].

Tất nhiên Giáo Hội Công Giáo đã tuyên bố các giáo sĩ của họ đã hành động một cách độc lập với Giáo hội, mặc dù phần lớn các tội diệt chủng đáng chú ý nhất đã xảy ra trong các nhà thờ và cũng thường được biết là chính sách của Giáo hội qua nhiều thế kỷ là chia rẽ và cải đạo, tạo bất đồng giữa các nhóm dân tộc và sau đó các người truyền đạo đến để lợi dụng sự hỗn loạn, cung cấp nguồn an ủi Kitô và cải đạo. Cuối cùng gần một triệu thường dân Tutsi đã bị giết chết.


TAHITI 
Chúng ta đều nhớ câu chuyện về thuyền trưởng Bligh và cuộc nổi loạn trên tàu Bounty. Tuy nhiên, hầu như ít ai biết rằng các thủy thủ đã nổi loạn vì họ bị thu hút bởi cuộc sống thôn dã ở Tahiti - các thủy thủ đã nhất định ở lại Tahiti chứ không muốn trở về nước Anh. Thuyền trưởng Cook đã viết về "những hòn đảo hạnh phúc này và những người tốt ở trên đảo". Hơn nữa, sau này ông đã viết: "Tốt hơn là những người bất hạnh này không bao giờ biết đến chúng ta. "

Năm 1797, Hội Truyền giáo Luân Đôn đã đưa người truyền giáo đầu tiên lên đảo Tahiti. Mười bốn năm sau đó, họ đã không cải đạo được một người, mặc dù dân Tahiti vẫn sung sướng làm người hầu hạ cho họ, xây dựng nhà ở và cung cấp thức ăn cho họ. Cuối cùng các người Kitô đã nghĩ ra một kế hoạch tài tình để cải đạo toàn bộ hòn đảo trong một ngày. Theo một lá thư gởi về nhà viết bởi anh em JM Orsmond, một trong những người truyền đạo, họ đã làm cho người lãnh đạo địa phương, Pomare, thành một người nghiện rượu, cung cấp cho ông ta vũ khí để chống lại các đảo khác. Với sự đồng ý rằng sau khi chiến thắng tất cả sẽ buộc phải cải đạo. Sau đó là khủng bố khi các người không chịu cải đạo đã bị giết. Các người đạo Kitô đã tuyên bố bất hợp pháp bất cứ ai trang điểm bằng hoa, ca hát (trừ các bài thánh ca), lướt sóng hoặc ca múa. Trong vòng 25 năm nền văn hóa bản địa của Tahiti và các đảo Thái Bình Dương đã bị dập tắt toàn bộ.

Nỗ lực biến dân Tahiti thành người phục vụ trồng mía đã thất bại. Một tín đồ Kitô, ông Orsmond, cho rằng "cuộc sống phong phú làm con người ít ham muốn làm việc," và ông đã ra lệnh chặt bỏ tất cả các cây bánh mì (breadfruit tree). Các việc ác độc như vậy và các bệnh tật (mang từ bên ngoài), chẳng hạn như bệnh lao, giang mai và bệnh đậu mùa, đã làm giảm dân số ban đầu (theo ước tính của Cook là 200.000 người) còn lại 6.000 sau ba mươi năm bị người truyền giáo đô hộ.

Sau khi căn cứ quyền lực của họ được thiết lập vững chắc ở Tahiti, những người truyền giáo đã nhanh chóng đến những hòn đảo khác và cũng sử dụng những kỹ thuật tương tự. Họ giới thiệu chai rượu với người thủ lãnh địa phương, phong ngôi vua cho người ấy và dụ ông ta thực hiện công việc chinh phục và cải đạo bằng thanh kiếm.

Những người Polynesia và Melanesian cũng rất văn minh và sáng tạo. Họ trang trí tất cả mọi thứ với các chạm khắc gỗ tinh xảo và với hoa, và họ đã sản xuất nhiều thứ đẹp. Tuy nhiên, vào năm 1850 tất cả các điều này đã biến mất, di tích duy nhất còn lại của các nền văn hóa lớn này chỉ là cái váy bằng cỏ và điệu múa lắc hông cho các du khách. Trước khi Kitô hoá ở Polynesia và Hawaii các điệu múa địa phương thường được thực hiện bởi những người đàn ông thuộc tôn giáo bản địa, nhưng các người đạo Kitô đã biến các điệu múa này như Hula thành một chương trình kích động tình dục cho các du khách. Cuộc chinh phục các đảo Thái Bình Dương của đạo Kitô đã hoàn thành. 


COLUMBUS và CÁC ĐẢO CARIBBEAN 
Christopher Columbus là một người buôn bán các nô lệ châu Phi và ông được biết đến là người phát hiện "cái gọi là châu Mỹ". Trong nhật ký cá nhân của mình, Columbus đã viết rằng mục đích của ông trong việc tìm kiếm thế giới chưa được khám phá là "để mang Tin Mừng của Chúa Giêsu đến các người ngoại đạo" [xem cuốn sách Tiên tri của Columbus].

Trong chuyến đi đầu tiên, ông Columbus đã mô tả người bản địa như sau:
"Những người dân của hòn đảo này và của tất cả các hòn đảo khác mà tôi đã tìm thấy và nhìn thấy, ... tất cả ... đều ngây thơ và sẳn sàng cho tất cả những gì mà họ có; không ai có thể tin được điều này nếu không nhìn thấy tận mắt. Với bất cứ thứ gì họ có, nếu bạn yêu cầu họ cho, họ không bao giờ nói "không"; họ mời mọi người chia sẻ nó, và cho thấy họ có nhiều tình thương vì họ có thể cho trái tim của họ ... " Nhưng sứ mệnh của Columbus là lấy đất cho Thiên Chúa giáo và cải đạo tất cả những người bản địa theo Kitô giáo hoặc tiêu diệt họ và thay thế văn hóa của họ. Ở bất cứ hòn đảo nào ông đến (trong chuyến đi thứ hai) các người thủ hạ của ông đã giết một cách bừa bãi bất cứ động vật và người bản địa nào mà họ tìm thấy, "cướp bóc và phá hủy tất cả những gì mà họ tìm thấy" theo lời con trai của Columbus là Fernando. Các người bản địa bị giết hoặc bị bắt làm nô lệ. Columbus nhận xét về vấn đề này rằng người bản địa "làm người hầu hạ tốt ... và dễ dàng cải đạo theo Kitô," bởi vì ông nhận thấy công việc của mình là "thực hiện lời tiên tri trong Ê-sai (Isaiah)." Đối với những phản đối từ người bản địa, Columbus trả lời, "... với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng tôi ... sẽ khởi động chiến tranh chống lại các người với tất cả các cách thức và phương pháp mà chúng tôi có, và đặt các người dưới cái ách và tuân phục với Giáo Hội và Giáo Hoàng. Chúng tôi sẽ bắt giữ các người, con các người, và sẽ làm họ trở thành nô lệ " [7].

Những người chứng kiến đã kể lại, "Khi người da đỏ đã ở trong rừng, bước tiếp theo là tạo những đội quân để săn đuổi họ, và bất cứ khi nào người Tây Ban Nha tìm thấy người da đỏ, họ tàn sát không thương tiếc tất cả mọi người da đỏ như giết cừu ... Vì vậy, họ cắt hai bàn tay của một người da đỏ và để chúng lơ lửng ... Một số người Kitô gặp một phụ nữ da đỏ, và nếu con chó của họ đang đói, họ giựt người con từ tay của người mẹ và ném người con vẫn còn sống cho con chó ... "Cuối cùng, những người da đỏ chỉ là những kẻ ngoại đạo."

Chuyến đi thứ hai của Columbus đã được ghi thêm: "Các người Tây Ban Nha tìm thấy niềm vui trong việc sáng tạo ra các loại tàn bạo kỳ lạ ... Họ đã dựng lên một giàn treo cổ vừa đủ cao để các ngón chân chạm vào mặt đất để tránh kìm hãm, và treo cổ mười ba [thổ dân] một lần để vinh danh Chúa, Đấng Cứu Thế, và mười hai tông đồ ... sau đó, rơm được quấn quanh thi thể rách nát của họ và họ bị đốt "[8].

Chưa đầy một thập kỷ sau lần đổ bộ đầu tiên của Columbus, số người dân bản địa của đảo Hispaniola (Santo Domingo và Haiti) đã giảm xuống một phần ba tới một nửa. Trước khi thế kỷ sau đó kết thúc, thổ dân ở Cuba và nhiều hòn đảo Caribê khác hầu như bị tiêu diệt hoàn toàn.


MEXICO CITY 
Không giống như các thành phố châu Âu cuối những năm 1400 đầy với những người kêu la và bệnh tật (đa số người châu Âu không bao giờ tắm lấy một lần trong cuộc đời của họ, do đó có việc phát minh ra nước hoa ở Pháp) [DE Stannard, American Holocaust, Columbus and the Conquest of the New World, New York / 1992 Oxford, trang 59], nước Mexico đã được sạch sẽ. Hai thành phố sinh đôi Tenochtitlan và Tlateloico, ngày nay là Mexico City, đã duy trì các tiêu chuẩn cao: chất thải được chở đi bằng sà lan và ủ làm phân bón, một ngàn người quyét và rửa sạch các đường phố mỗi ngày. Các người Aztec lịch sự thường tắm hàng ngày, thường đưa hoa lên mũi mỗi khi họ gặp người châu Âu; những người Âu này cho bẩn thỉu là một đặc điểm. Hầu hết các đường phố của Mexico là kênh đào và một đường hầm đã mang nước uống từ các suối trên núi [21].

Hernan Cortez cảm thấy đây là thành phố đẹp nhất trên trái đất và ông đã nói: "Tất cả những ngôi nhà có phòng rất lớn và rất tốt, và có vườn rất đẹp với các loại hoa khác nhau ..."[22]. Các người khách Kitô rất ngạc nhiên vì sự sạch sẽ cá nhân và vệ sinh của dân chúng, quần áo nhiều màu sặc sỡ, và họ dùng quá mức (so với các người Kitô) các loại xà phòng, chất khử mùi, và chất làm thơm hơi thở [23]. Những người Mexico [Aztec] rất khoan dung với người khác, chẳng hạn như người Otomi đang chung sống với họ. Các người này có tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ của riêng họ ..., hận thù bộ tộc dường như không có trong cơ chế chính trị của Mexico [24].

Như một hệ quả của "khám phá" của Columbus, ít hơn một thế kỷ sau chuyến đi của ông ta, thành phố đã bị chinh phục bởi các người Kitô, các tòa nhà và khu vườn xinh đẹp bị đốt cháy và bị tàn phá. Các người dân thành phố, trước thời Columbus, chỉ biết chế độ nô lệ tạm thời như một hình phạt. Nhưng sau Columbus thì họ đã bị giết chết hoặc trở thành nô lệ vĩnh viễn cho một chính quyền phong kiến thuộc địa được Giáo hội Công giáo chấp thuận, hoặc trực tiếp cho một Giáo hội đã thiêu sống bất kỳ người nào không muốn cải đạo theo Kitô, một tôn giáo mà ngay cả các tín đồ Kitô trung thành ngày hôm nay chỉ có thể mô tả như là một hỗn hợp vô vọng của mê tín dị đoan, vô lý hoặc ghê tởm; người ta chỉ cần nghĩ đến các di hài, bộ sưu tập sọ, xương, răng, hoặc các vật còn lại của cái gọi là thánh, được ghi nhận và được tôn thờ công khai ở bất kỳ nhà thờ Kitô vào thời đó.


MIẾN ĐIỆN và THÁI LAN 
Báo cáo của các dân tộc thiểu số cho biết: Người truyền giáo Baptist Mỹ Paul Lewis đã làm mất khả năng sinh đẻ hơn 20.000 phụ nữ thuộc bộ lạc Akha Hill tại miền Đông Shan State ở Miến Điện. Vụ này đã được thực hiện bí mật, và máu đã bị đánh cắp từ những phụ nữ này để bán lại, trong lúc làm phẩu thuật cho họ. Hơn 3000 phụ nữ đã chết. [25].

Theo văn hóa truyền thống Akha, năm người họp thành ban lãnh đạo trong một ngôi làng. Lãnh đạo với thể chế nhiều người này ở các làng bị loại bỏ và thay thế bằng các mục sư là những người thống trị duy nhất với bàn tay sắt, không cho phép bất đồng ý kiến hoặc trở lại những truyền thống như trước đây. Những thay đổi này đã tàn phá những truyền thống của người dân địa phương.

"Những tập quán truyền thống, bài hát, hoặc ca múa như hiện nay sẽ bị cấm, nhưng một cái gì đó sẽ được cho phép vào dịp Giáng Sinh. Các người phụ nữ áp dụng những kiến thức và y học truyền thống ở làng bị cấm. Người ta đã nói với họ rằng đó là xấu xa và họ không còn có thể điều trị bệnh cho người dân nữa. Nhân danh những niềm tin Kitô giáo -- nhưng thực tế là hoàn toàn trái với tinh thần của những niềm tin ấy - những người truyền giáo đã xóa bỏ văn hóa Akha từ làng này qua làng khác" [26].

Một người dân tộc Thái nói về các hoạt động truyền giáo ở Thái Lan: "Đặc biệt là ở Thái Lan, do mức độ cao của tệ nạn mại dâm, dưới chiêu bài bảo vệ người phụ nữ trẻ, nhiều trường học nội trú cho các em gái đã mọc lên. Nhưng sau đó các cô gái không còn muốn kết hôn với người đàn ông Akha không theo đạo Kitô nữa" [27].

"Về tôn giáo, ban đầu dường như là rất tốt. Sau đấy, đó là mầm mống chia rẽ trong nhân dân. Một số đã trở thành người Công giáo, một số người theo Tin lành, một số vẫn còn giữ thờ cúng tổ tiên, trong khi những người khác trở thành Phật tử. Họ không còn gặp mặt nhau. Các nhà truyền giáo thường gây mâu thuẫn trong làng dầu không được phép của trưởng làng. "

"Bây giờ chúng tôi muốn nêu một câu hỏi, đó là đạo Thiên Chúa giáo tốt như thế nào? Nếu là tốt, tại sao vẫn có nhiều nhóm như vậy, giảng dạy về Chúa Giêsu nhưng vẫn đánh nhau? Đầu tiên họ chia rẽ dân chúng tôi, bây giờ họ đang phân chia làng và gia đình của chúng tôi. Chúng tôi dường như giống như một con mồi của họ."


TRUNG QUỐC 
Mặc dù tất cả mọi người hầu hết đã nghe nói về các cuộc nổi dậy của các võ sĩ (Boxer Rebellion) tại Trung Quốc vào năm 1900, nhưng ít ai biết rằng cuộc nổi loạn này là một phản ứng trực tiếp của người Trung Quốc đối với các nhà truyền giáo Kitô đã tràn vào trong nước họ để cải đạo các người nghèo, mù chữ và bơ vơ. Tất nhiên cuộc nổi loạn đã bị đàn áp bởi các nước hỗ trợ các nhà truyền giáo.

Vào tháng 10 năm 2000, hơn hai mươi học giả Trung Quốc gồm các chuyên gia về lịch sử và tôn giáo đã tổ chức một hội nghị chuyên đề vạch trần tội ác của các nhà truyền giáo nước ngoài và những người theo họ mới được phong thánh. Các học giả liệt kê một số sự kiện để chứng minh rằng trong lịch sử hiện đại các hoạt động của các nhà truyền đạo Công giáo được gắn liền chặt chẻ với các cuộc xâm lược Trung Quốc bởi các lực lượng nước ngoài.

Giáo sư Dai Yi nói: "Rất nhiều nhà truyền giáo nước ngoài theo các tàu chiến của kẻ xâm lược nước ngoài đến Trung Quốc trong và sau chiến tranh Nha phiến, và thực sự xâm lược của nước ngoài và các hoạt động truyền giáo được kết hợp thành một. Đó là, "hoạt động truyền giáo là một phần của cuộc xâm lược, các nhà truyền giáo đã dẫn đường và làm công cụ cho kẻ xâm lược nước ngoài và ngược lại, kẻ xâm lược đã mở đường cho những người truyền giáo hoạt động". Những người truyền giáo nước ngoài nên trả lời cho những hậu quả của hành động của họ bởi vì các tội ác to lớn của họ làm bực tức người dân Trung Quốc và cuối cùng đã làm bùng nổ phong trào võ sĩ nổi loạn.

Những người tham gia hội nghị chuyên đề chỉ ra rằng những người truyền giáo nước ngoài bị xử tử trong một vài "trường hợp tôn giáo", như Auguste Chapdelaine, Franciscus de Capillas và Albericus Crescitelli, chỉ có thể tự trách mình vì họ vẫn đang còn bị ghét bởi người dân Trung Quốc ngày hôm nay, vì họ đã không dừng lại với bất cứ một tội ác nào.

Tòa Thánh Vatican đã không đếm xỉa đến sự phản đối mạnh mẽ từ người dân Trung Quốc và đã "phong thánh" cho những người truyền giáo này. Các học giả nói việc này cho biết Vatican có "ý định xấu xa để can thiệp vào nội bộ của Trung Quốc qua các hoạt động tôn giáo". Các học giả cũng chỉ ra rằng "phong thánh" đã chà đạp chủ quyền của Giáo hội Công giáo Trung Quốc, và cũng là một hành động khiêu khích nghiêm trọng đến 1,2 tỷ người Trung Quốc. 

Các học giả đều lên tiếng phản đối các hành động tà mị và độc ác của Vatican, nói rằng Trung Quốc hiện nay đủ mạnh để bảo vệ an ninh quốc gia và phẩm giá quốc gia của mình và bất cứ nỗ lực nào để bóp méo lịch sử và nhục mạ người dân Trung Quốc sẽ bị thất bại.

Phản ứng rõ rệt của Chính phủ Trung Quốc trước các hoạt động truyền đạo Kitô trải qua nhiều thế kỷ là cấm tất cả những nỗ lực cải đạo ở Trung Quốc.


ẤN ĐỘ
Liên hệ đầu tiên của Ấn Độ với Thiên Chúa giáo bắt đầu khi Vasco da Gama từ Bồ Đào Nha đã đổ bộ với các tàu chiến và các linh mục năm 1498 . Những người mới đến không những là người buôn bán mà còn mộ đạo Kitô theo lệnh của Đức Giáo Hoàng: "... để xâm chiếm, chinh phục, và đô hộ các quốc gia đang ở dưới những kẻ thù của Chúa Kitô, như Saracens (người Hồi giáo đã chiến đấu chống lại quân Thập tự chinh Thiên chúa giáo thời Trung cổ) hoặc Pagan (ngoại đạo)... " 

Người dân Ấn đã bị bắt buộc phải cải đạo hay bị tra tấn và giết chết. Hàng ngàn người đã phải chạy trốn khỏi Goa để gìn giữ văn hoá và tín ngưỡng tôn giáo của họ.

Sử gia Gaspar Correa đã mô tả những gì Vasco da Gama đã làm như sau: "Khi các người Ấn Độ đã bị xử tử như vậy, ông ta ra lệnh đánh gãy răng của họ với gậy và đẩy chúng xuống cổ họng; sau khi họ được đặt lên tàu, chất chồng lên nhau, trộn lẫn với các giòng máu chảy từ họ, ông đã ra lệnh trải chiếu và lá khô lên trên các tử thi, cho các tàu tiến vào bờ và các tàu bị đốt cháy ... Trước khi giết và đốt các người Ấn vô tội, ông đã ra lệnh chặt tay, tai và mũi họ."

"Khi Zamorin (lãnh tụ của dân Ấn) gửi một người Bà La Môn đến cầu hòa với Vasco, ông ta bị cắt đôi môi và hai tai. Đôi tai của một con chó đã được khâu vào và người Bà La Môn này được gửi trở lại cho Zamorin trong tình trạng đó. Người Bà La Môn đó ... đã mang theo ba chàng trai trẻ, hai người con trai và một cháu trai. Họ bị treo cổ trên sàn tàu và thi thể của họ được gửi vào bờ. "

Francis Xavier, một linh mục dòng Tên (Jesuit), đã đến ngay sau Vasco da Gama, với quyết tâm nhổ Ấn Độ giáo ra khỏi đất Ấn Độ và thay thế bằng đạo Kitô. Những lời nói và việc làm của ông ta đã được ghi lại trong nhiều tiểu sử của ông. Francis Xavier đã viết về nhà:

"Ngay khi tôi đến ở bất kỳ làng ngoại đạo nào, khi tất cả được rửa tội, tôi ra lệnh phá hủy tất cả các đền thờ thần tượng của họ và tất cả các thần tượng bị vỡ ra từng mảnh. Tôi không thể nói hết với bạn niềm vui mà tôi cảm thấy khi nhìn thấy điều này xảy ra. Giáo Hội đã có một cách đặc biệt để đối phó với các người Ấn đã cải đạo nhưng bị nghi ngờ là không theo nghi lễ Thiên chúa giáo với thành khẩn và nhiệt tình, hoặc thậm chí thực hành bí mật đức tin cũ của họ; những thủ phạm sẽ bị theo dõi và bị thiêu sống" [28].

Xavier lập một Toà án dị giáo, được ghi nhận bởi các sử gia là kinh khủng và man rợ hơn bất kỳ toà án nào trước đó. Hàng ngàn người đã bị tra tấn, bị cắt xẻo và bị giết. Hàng ngàn người đã phải chạy trốn khỏi Goa để giữ văn hóa và tôn giáo truyền thống của họ.

Có từ 600 đến 1000 ngôi đền Ấn Độ giáo và đền thờ đã bị phá hủy, nhưng nhiều người xem những con số này hơi thấp [29]. Nhiều loại tra tấn tàn bạo đã được sử dụng bởi các quan toà án dị giáo, chẳng hạn như cắt xẻo các bộ phận cơ thể, tra tấn bằng lửa và chết đuối. Chi tiết của các tra tấn này quá khủng khiếp và kinh khủng với bất kỳ người lành mạnh nào: "Trẻ em bị đánh đập và từ từ bị cắt xẻo trước mặt cha mẹ chúng và mí mắt của họ đã bị cắt để đảm bảo họ thấy hết tất cả. Các tứ chi đã được cắt bỏ một cách cẩn thận, vì vậy mà một người vẫn còn tỉnh táo ngay cả khi tất cả những gì còn lại chỉ là thân mình và đầu"[30].

Tổng giám mục của xứ Evora ở Bồ Đào Nha cuối cùng đã công nhận rằng toà án dị giáo là một tòa án nổi tiếng xấu nhưng không có nơi nào ghê rợn bằng tòa án ở Goa [31].

Không ai biết chính xác số lượng người dân thành Goa bị tra tấn một cách ác độc như vậy; ước tính thấp là hàng chục ngàn người, ước tính cao là hàng trăm ngàn, thậm chí có thể nhiều hơn nữa. Các man rợ của các toà án dị giáo tiếp tục từ 1560 cho đến một thời gian nghỉ ngắn vào năm 1774, nhưng bốn năm sau, toà án dị giáo lại xuất hiện một lần nữa và nó tiếp tục không ngừng cho đến 1812. Toà án dị giáo tại Goa đã hoạt động hơn 250 năm. Tại thời điểm đó, vào năm 1812, người Anh đã áp lực người Bồ Đào Nha phải chấm dứt sự khủng bố của Toà án dị giáo và sự hiện diện của quân đội Anh tại Goa đã làm cho người Bồ phải theo ý muốn của người Anh [32].

Tiến sĩ Trasta Breganka Kunha, một người Công Giáo ở Goa, viết: "Mặc dù tất cả các cắt xén và che giấu của lịch sử, vẫn là một sự thực không thể nghi ngờ được rằng việc cải đạo người Goa là do những phương pháp tàn bạo bởi người Bồ Đào Nha để thiết lập nền đô hộ của họ. Kết quả của bạo lực này là những đặc tính của dân tộc Ấn đã bị phá hủy. Công tác truyền đạo Kitô ở Goa đã không bằng cách rao giảng về tôn giáo mà qua các phương pháp tàn bạo và áp lực. Nếu cần bằng chứng nào cho sự thực này, chúng ta có thể tìm được qua các sách pháp luật, các mệnh lệnh, báo cáo của các nhà cai trị địa phương vào thời kỳ đó và cũng từ những tài liệu đáng tin cậy nhất của chính giáo phái Kitô. "[33]

Một lễ kỷ niệm 500 năm của ngày Vasco de Gama đến Ấn Độ đã được đề xuất một cách hồ hởi nhưng đã bị ngừng lại bởi một liên minh đáng ngạc nhiên của người Ấn độ giáo, Hồi giáo, các người tả khuynh và bảo vệ môi trường.

Frances Xavier thường được gọi là 'Thánh Francis Xavier' và ''Thánh bảo trợ của phương Đông". Ông vẫn còn được thờ, cầu nguyện và vinh danh là đại diện thuần khiết của Chúa Giêsu và Tin Mừng bởi các tín đồ Kitô trên khắp thế giới. Có vô số các bệnh viện, trường học, và các tổ chức khác ở Ấn Độ mang tên ông. Thậm chí ngày nay Tổng giáo phận Goa còn huyênh hoang tự hào: "Chương sử vẻ vang của sự mở rộng của Giáo hội Công giáo ở phía đông có thể được cho là đã bắt đầu sau khi người châu Âu phát hiện những tuyến đường biển đến Ấn Độ vào năm 1498. Điều này đã giúp mang các linh mục châu Âu đến những vùng đất này; một trong số họ là Thánh Francis Xavier, tông đồ vĩ đại của phương Đông và người bảo trợ của các đoàn truyền giáo. Goa có đặc quyền là điểm xuất phát khi Ngài làm việc cho Hội Thánh, và là nơi mà nấm mồ thiêng liêng của Ngài vẫn còn được bảo tồn. Goa được gọi là "La Mã của phương Đông" do vai trò trung tâm của nó trong phúc âm hóa phương Đông" [34].

Ngày nay các chiến thuật Kitô giáo đã thay đổi, nhưng tiền đề cơ bản của họ rằng 'Thiên Chúa giáo là tôn giáo chân thật duy nhất' làm vô hiệu tất cả các nỗ lực tuyên truyền của họ là khoan dung và yêu thương. Thực tế là Kitô giáo đã không thay đổi thần học của nó, chỉ có thay đổi kỹ thuật cải đạo. Những nhà truyền đạo Chúa đang sử dụng một tài sản lớn (nhiều tỷ đô la Mỹ) để tuyên truyền. Họ hoạt động tại Ấn Độ dưới chiêu bài giúp người bị áp bức, bị bệnh và yếu hèn. Trong thực tế, mục đích vẫn giống nhau - để cải đạo tất cả theo Thiên Chúa giáo và phá hủy tất cả các nền văn hóa và tôn giáo khác nằm trên đường đi. Không cần tấn công, lạm dụng, hoặc lên án các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Sự thật đơn giản là người truyền đạo Kitô sử dụng láo khoét, dối trá, và đạo đức giả. Cải tiến xã hội chỉ là một ngụy trang cho việc cải đạo và việc phá hủy tất cả các tôn giáo và văn hóa bản địa.

Tại sao các nhà truyền đạo Chúa muốn cải đạo người khác? Bởi vì đó là bản chất của các tôn giáo độc quyền (Hồi giáo, Thiên chúa giáo và Tin lành) để cố gắng làm cho mọi người giống như họ về phương diện tôn giáo. Họ không cần đa nguyên hoặc tôn trọng các tôn giáo khác; trong thực tế họ rất coi thường các tôn giáo khác. Hơn nữa, niềm tin độc quyền và thái độ này đến thẳng từ "miệng của con ngựa", từ các thánh kinh của họ. Ví dụ, trong Kinh Thánh Matthew 28:19-20, Mark 16:15-16, Luca 24:46-47 mọi tín đồ Kitô được lệnh cải đạo người khác và bổn phận của mọi tín đồ Kitô là vâng lời các lệnh của Kinh Thánh.

Nhìn qua các hoạt động của họ ở Ấn Độ rõ ràng cho thấy các nhà truyền đạo Chúa bôi nhọ Ấn độ giáo và cho là tà giáo mỗi ngày. Ấn Độ giáo được xem là đồng nghĩa với thờ cúng ma quỷ và người Ấn giáo được mô tả là ngoại đạo, làm việc cho ma quỷ, và như các người mất linh hồn đang đi thẳng vào địa ngục.

Cho đến ngày nay Ấn Độ mới bắt đầu nhận ra những người truyền đạo Kitô thực sự như thế nào. Điều này được chứng minh ở các tiểu bang như Nagaland, Mizoram, Assam, Arunachal Pradesh và các khu vực khác ở Đông Bắc Ấn Độ. Ngay sau khi đạo Kitô trở thành đa số trong một khu vực, họ gieo nọc độc của thù hận và xung đột, biến người trong gia đình chống lại người trong gia đình, dân làng chống lại dân làng. Họ còn kích động người theo Kitô giáo đòi tự trị và lập một quốc gia theo đạo Kitô. Ngay sau khi có người bị cải đạo, họ liền được khuyến khích bôi nhọ mạnh mẽ và công khai văn hóa và truyền thống trước đây của họ và tất cả mọi thứ liên quan. Điều này làm phá vỡ toàn bộ cộng đồng và các hoạt động bình thường của xã hội và kinh tế.

Dân quân Kitô trong nhiều tỉnh ở Đông Bắc Ấn Độ đã buộc người dân ngoại đạo hoặc là cải đạo sang Thiên Chúa giáo hoặc bị hình phạt tử hình. Với cái chết trước mặt họ, hầu hết các người lớn đã chạy trốn khỏi làng để khỏi bị tra tấn, dẫn đến sự phá vỡ các hoạt động nông nghiệp. Các nhà lảnh đạo Phật giáo của các bang Assam và Arunachal Pradesh đã mạnh mẽ lên án cuộc tàn sát ghê tởm của các dân quân đối với các Phật tử yêu chuộng hoà bình và những bộ lạc theo tôn giáo của họ. 

Vì người Ấn Độ bây giờ mới biết những gì các người Kitô đang làm, đây là thời điểm để có một số biện pháp nghiêm chỉnh chống tuyên truyền Kitô và truyền niềm tự hào cho mỗi người Ấn Độ trên toàn quốc về một quá khứ vẻ vang và một di sản Vệ Đà đáng quý.

KẾT LUẬN 

Các người theo đạo Kitô luôn luôn miêu tả các nền văn minh không phải Kitô là đi thụt lùi, kém phát triển, mê tín dị đoan, và man rợ. Thực sự nguyên nhân của tất cả những lời chỉ trích này là vì những nền văn hóa bản địa không chấp nhận Chúa Giêsu, Thánh Kinh và lối sống phương Tây của họ. Vì vậy theo các tín đồ Kitô, các nền văn hóa này cần sự giúp đỡ của họ. Trong thực tế họ hăng say tiêu diệt bất kỳ quan niệm hữu thần nào khác ngoài Thiên Chúa giáo hoặc đền thờ nào không phải là một nhà thờ Kitô; những điều này cho thấy rằng những người truyền đạo thực sự mới đầy tính chất của người man rợ.

Nói chung các nền văn hóa bản địa thật sự tốt hơn trước khi Kitô giáo đến, vì Kitô không có gì tốt hơn cho người bản xứ. Trong thực tế, các nền văn hóa này đã bị tiêu diệt, lịch sử của họ bị xoá hoàn toàn, truyền thống văn hóa của họ bị loại trừ, các tôn giáo cũ của họ bị phá hủy và họ đã có nhiều hạnh phúc hơn trước khi đạo Kitô xuất hiện.

Đã có nhiều sửa đổi những lời dạy của Chúa Giêsu kể từ khi bắt đầu khoảng 2000 năm trước. Nhưng cho đến khi nào những giáo lý bài ngoại và chống thần tượng của Kinh Thánh được sửa đổi, các hoạt động truyền giáo cũng sẽ mang lại những kết quả thảm khốc tương tự. Như được dạy trong Kinh Thánh, 'chúng ta có thể biết một cây bằng trái của nó', những nhà truyền giáo cần phải chấp nhận một nền thần học đa nguyên hơn, công nhận thần thánh trong các tôn giáo khác và các đóng góp của các nền văn hóa khác. Họ phải nhận ra rằng họ không phải là con đường duy nhất của sự cứu rỗi. Cho đến khi những điều này được sửa đổi, các nỗ lực truyền đạo để phụng sự Chúa Giêsu là những việc không tốt và trái với đạo đức. Nếu không, trong thời hiện đại, các hoạt động truyền đạo trên toàn thế giới phải bị lên án, vì chúng tìm cách tiêu diệt các nền văn hóa và tôn giáo bản địa. Các người truyền đạo cần phải được theo dõi và các hoạt động truyền giáo cần phải được xem xét lại.

Minh Kiến
Tháng 3, 2011

No comments:

Post a Comment