02 November 2012

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ - Bài số 20

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ
Bài số 20
HỒ TẤN VINH

6. – NÓI NHƯ VẬY LÀ ĐỔ THỪA TẤT CẢ CHO MỸ?

Từ 1950, Mỹ đã viện trợ cho Pháp 500 triệu mỹ kim hằng năm cho cuộc chiến Đông Dương.
Ngày 19-3-1954, Quốc hội Pháp biểu quyết ngân sách chiến tranh Đông Dương: trong đó có 139 tỷ quan Pháp và 271 tỷ quan do Mỹ viện trợ.
Như vậy Mỹ đã có đóng góp tiền bạc vào chiến tranh Việt Nam ít lắm là 4 năm trước khi Pháp rút ra và sau đó thì một mình gánh chịu chiến phí. Nếu năm 1954. Mỹ không vô Việt Nam và không giúp gì về kinh tế và quân sự thì một mình ông Diệm lây quây không quá một năm thì chắc chắn bị CS Bắc Việt nuốt trỏng.
Nhờ Mỹ có vô Việt Nam mà tới 1975 Việt Nam mới mất, nhân dân Miền Nam phải biết ơn Mỹ 21 năm chưa bị Bắc Việt đô hộ.
Trừ phi Việt Nam là một tiểu bang của Mỹ và người Việt Nam đi bầu Tổng Thống Mỹ. còn không thì người Mỹ không có trách nhiệm gì với Việt Nam. Người Mỹ vô Việt Nam vì quyền lợi của Mỹ và ra khỏi Việt Nam cũng vì  quyền lợi của Mỹ. Mỹ vô Việt Nam để chận sự bành trướng của CS chớ không phải để thắng Việt Cộng. Và khi không còn nhu cầu ngăn chận nữa thì Mỹ nhảy ra. Mỹ vô Việt Nam không phải để giúp Việt Nam lớn mạnh, tự lập, tự cường, tự quyết. Có một cơ hội mà người Mỹ có thể giúp đở phương tiện cho các giáo phái và đảng phái miền Nam lớn mạnh để chận đứng sự nổi dậy của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Đó là cơ hội duy nhứt, đó là quyền lợi của nhân dân miền Nam. Nhưng Mỹ đã không làm như vậy và không thể làm như vậy. Chỉ có trường hợp này thì có thể gượng gạo nói Mỹ đã chơi không đẹp, chớ không phải là những lời thất hứa của Nixon lúc cờ tàn.
Cho nên mhững lời trách cứ là Mỹ phản bội Việt Nam là không hợp với những quy tắc sơ đẳng của bang giao quốc tế. Người công dân chỉ có bổn phận trung thành với nước của mình. Người Mỹ đâu có bổn phận trung thành với VN thì sao trách họ phản bội ta?
Có người nói rằng ông Diệm do Hồng Y Spellman (công giáo Mỹ) giới thiệu. Có người nói ông Diệm do George Bidault (công giáo Pháp) giới thiệu. Những điều này không có quan trọng, vì đó chỉ là những giấy giới thiệu để đi tìm job. Một khi có job rồi thì ai cũng phải bị chi phối bởi một định luật viết cả ngàn năm nay bằng tất cả thứ tiếng trên thế giới: 'ai trả tiền thì người đó làm chủ, ai nhận tiền thì phải thi hành lịnh.'. Nói theo kiểu người Úc 'làm gì có bửa cơm trưa miễn phí!'
Người Mỹ đã trả đủ thứ tiền cho Việt Nam và sau khi làm xong việc của họ rồi thì họ nhảy ra. Đối với những sai lầm về chiến lược, về chiến thuật của các cấp chỉ huy Mỹ, người Mỹ đã trả giá bằng tiền bạc và xương máu của binh sĩ Mỹ. Nếu họ có lỗi thì là lỗi với lịch sử của họ.
Như vậy cuối cùng tại ai mà mất miền Nam?
Phải có hai điều kiện mới có thể cứu miền Nam.
Thứ nhứt: ông Diệm phải là người thật sự dân chủ, yêu nước nồng nàn đến mức độ dẹp bỏ tự ái, không tìm cách chia rẽ như đã làm.
Vì từ sự liên hiệp với các giáo phái, tới việc mua chuộc một số người của các giáo phái để rồi trở mặt hẳn, tiêu diệt các nhà lãnh đạo giáo phái, hai anh em Nhu, Diệm đã gây ra một sự phân hóa chính trị chưa từng có tại miền Nam. CBL tr. 177
Thà là mềm dẽo với người Việt hơn là luồn cùi với ngoại bang. Cái dũng là ở chỗ đó. Nhưng Tổng Thống Ngô Đình Diệm không có cái dũng này.
Tôi đã để hơn hai mươi trang giấy để nêu lại các sự kiện lịch sử trong đó Tổng Thống Diệm có rất nhiều khuyết điễm về chánh sách cũng như về nhân phẫm. Đây là việc bắt buộc phải làm một cách trung thực thì mới giải thích được lịch sử.
Nếu như ông Diệm đã không có những khuyết điễm nêu trên - gọi là khuyết điễm theo nhản quan của người Việt nhưng lại là lợi điễm theo quan điểm của người Mỹ - mà là người thức thời và thật sự yêu nước thì ông đã không được chọn. Nếu ông không được chọn thì vẫn có người khác đang chực chờ tình nguyện làm con cờ cho Mỹ, người thi hành có thể không mang tên Ngô Đình, nhưng chánh sách của Mỹ không có gì thay đổi.
Thứ hai: Mỹ phải tận tình giúp các giáo phái và đảng phái chống cộng. Nhưng Mỹ không có tận tình được vì 'Lý do quan trọng nhất mà Hoa Kỳ nhảy vào cuộc chiến là quyền lợi của Hoa Kỳ' (NTH, tr.467). Và quyền lợi của quốc gia VN không có trong bài toán của Mỹ.
Câu chuyện rõ ràng như ban ngày. Vì chiến lược toàn cầu của Mỹ, có khi Mỹ cần có mặt ở nước này, có khi cần có mặt ở nước kia. Trước đây ở VN, sau này ở Irak, ở Afghanistan, Mỹ chỉ muốn tự do nhảy vô, và khi nhảy vô rồi thì tự do hành động và khi xong việc thì tự do nhảy ra. Muốn được tự do như vậy thì chuyện đầu tiên mà Mỹ phải làm là tiêu diệt ngay lực lượng dân tộc của nước ấy. Nội lực của một dân tộc theo chức năng thiêng liêng của nó không cho phép một ngoại bang nào vào nước mình muốn làm gì thì làm. Do đó, Mỹ không thể nào làm điều nghịch lý mà nuôi dưỡng một lực lượng dân tộc. Đây không phải là vấn đề thiện ác, tiểu nhân hay quân tử. Đây chỉ là định luật đấu tranh xưa nay trong thiên hạ. Độc thủ này trong nhứt thời rất là hiệu nghiệm, nó cho kết quả liền như mong muốn, nhưng với thời gian, kế sách lộ ra chân tướng nên đương nhiên đưa đến phản cãm.
Mỗi điều kiện là một tiền đề nan giải rồi thì làm sao thỏa mãn hai điều kiện nan giải cùng một lúc?
Vì các lý do 'con rắn nó cắn cái đuôi' đó mà ta có thể quả quyết cái vận miền nam phải mất mà không thể quy trách cho một người nào.
Để được việc cho mình, khi mới bước vô, Mỹ đã phải hạ thủ nội lực VN. Sau này, để chuẩn bị rút ra nên không cần phải thao túng nữa, người Mỹ có tìm cách giúp lại các giáo phái, mong gỡ gạc lại chút cãm tình. Đại Tá Lê Văn Tất được mời làm Tỉnh Trưởng Tây Ninh.
Quần chúng Nam Bộ đã dửng dưng khi ông Diệm dẹp các giáo phái, vì lúc ban đầu hiểu lầm rằng đó chỉ là chuyện tranh ăn, tranh quyền đơn giản. Chín năm sau, mở mắt ra, lại có cãm tình với các giáo phái. Nhưng đã quá muộn. Các vùng trước kia thuộc địa phận an toàn của giáo phái bây giờ ung thúi CS rồi. Đánh lại lá bài giáo phái sẽ phải khó khăn vô cùng. Nhưng suy nghỉ tận cùng, chỉ có tôn giáo ăn sâu vào lòng dân tộc mới có khả năng chống cộng.
Tuy nhiên, Dân còn đó, Đất đai còn đó, nhưng Nước thì đã mất từ lâu. Sau khi đô hộ VN không xong, người Pháp giao nước VN cho Mỹ chớ không phải giao cho ông Diệm. Nếu ta muốn bán nhà hay đất thì phải có bằng khoán. Nếu ta muốn bán xe hơi thì phải có thẻ chủ quyền. Từ hơn hai trăm năm nay, người dân VN chưa có sống được một ngày nào độc lập, tự do thật sự. Ông Diệm hay ông Thiệu làm gì có nước để mà bán. Hai người này đâu ai có nội lực để mà cứu nước. Cả hai, kẻ trước người sau phải lái chiếc máy bay từ từ hết xăng đăm xuống biển. Vận nước phải biến như vậy mà thôi.
Tại đây, tôi muốn trả lời dứt khoát cái nghi vấn 'trung lập'. Phải hiểu thấu đáo nội lực thì mới hiểu được rằng ước vọng hiệp thương với Bắc Việt như 'hai Miền trong một đơn vị kinh tế', 'trung lập chế', 'hòa hợp hòa giải dân tộc' hoặc tin đồn Ngô Đình Nhu đi đêm, đều là ảo vọng.
Chiến tranh kéo dài quá lâu, ai ai cũng mệt mỏi, vì vậy ước vọng hòa bình của mọi người dân rất là mãnh liệt. Nhưng dầu muốn đi thương thuyết hòa bình đi nữa thì cũng phải có nội lực. Miền Bắc có nội lực, miền Nam không có. Không có nội lực thì lấy gì làm đòn bẩy để mà thương thuyết. Ông Diệm ông Nhu có quyền lực nhờ Mỹ. Bây giờ lén Mỹ đi thương thuyết là đi tay không thương thuyết. Đi thương thuyết kiểu này chỉ có thể là thương thuyết đầu hàng mà thôi. Kẻ có nội lực đâu bao giờ có ý định nghiêm chỉnh thương thuyết với kẻ trống ruột, vì trước sau gì cũng nuốt được trọn gói.
Hoặc nếu có tiếp xúc thật sự, thì đó chỉ là trò chơi mèo giởn chuột. Phải là người hoàn toàn mất trí mới chịu đóng vai con chuột.
Còn cái 'trung lập chế' đâu phải như mình tưởng là không ngã theo bên nào hết thì thiên hạ để yên mình. Muốn giữ được trung lập cần phải có một nội lực ghê gớm mới chống trả được sự lôi kéo của nhiều thế lực quốc tế. Việt Nam nằm ngay địa thế chiến lược.
Trong thời cận đại, Việt Nam khi thì dựa Trung Cộng chống Mỹ. Khi thì dựa Mỹ chống Trung Cộng.
Việt Nam muốn được thừa nhận trung lập thì phải có nội lực thâm hậu vừa dám từ chối các dụ dỗ hoặc kháng cự các áp lực của Mỹ và của Trung Cộng.
Và trên hết, đầu óc của người lãnh đạo cũng như của người dân phải nhứt quyết bất khuất, không chịu cúi lòn.
 Trung lập chế không phải là CHỖ NÚP của kẻ yếu hèn, năn nỉ người ta để yên mình. Nó là một lập trường  dũng mãnh của những kẻ DŨNG MÃNH không muốn bị người ta xô đẩy hay lôi kéo.
Một đầu óc bệ rạc, quy lụy, chỉ biết nhờ cậy, xin xỏ, kiến nghị, đâu có tư cách nói chuyện trung lập.
Việt Nam không biết dựa vào nội lực để thủ thân mà nói chuyện 'trung lập chế' là nói chuyện tào lao.

HỒ TẤN VINH
Melbourne
Ngày 2 tháng 11 năm 2012
(Còn tiếp)

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

No comments:

Post a Comment