02 April 2015

Nhật Ký Biển Đông: Chiến Tranh Ủy Nhiệm Ló Dạng

Nhật Ký Biển Đông: Chiến Tranh Ủy Nhiệm Ló Dạng

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Ba ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:

-VOA tiếng Việt ngày 16/3/2015: "Trong lúc cuộc xung đột Syria bước vào năm thứ 5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói đây là lúc để tái khởi động những hoạt động ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến đã làm hơn 200.000 người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa."

Như thế là sau năm năm Mỹ thành lập chính phủ lưu vong, cung cấp lương bổng, vũ khí cho phe nổi dậy, hăm dọa lập "Vùng Cấm Bay" để lật đổ chế độ của Tổng Thống Assad giống như lật đổ chế độ và giết Ô. Gaddafi. Nhưng sự thành lập của Nhà Nước Hồi Giáo IS khiến Mỹ lo sợ nếu chế độ của Ô. Assad xụp đổ thì phe IS sẽ chiếm ít ra một nửa nước Syria và trở thành thảm họa cho Mỹ và Trung Đông. Do đó Mỹ đã thay đổi thái độ. Nhưng Saudi Arabia – một đồng minh thân cận của Mỹ lại tỏ ý lo lắng về lời tuyên bố của Ô. John Kerry. Saudi Arabia lúc nào cũng muốn Hoa Kỳ dùng biện pháp quân sự để tiêu diệt Syria do hận thù giáo phái.

-VOA tiếng Việt ngày 16/3/2015: "Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN sẽ nghiên cứu mô hình của Liên minh châu Phi trong nỗ lực thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình chung của khối 10 quốc gia thành viên trong khu vực. Ông Hishammuddin Hussein nói với các nhà báo như vậy sau khi chủ trì một cuộc họp kéo dài một ngày với các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại hòn đảo du lịch Langkawi của Malaysia."

-Reuters (Seoul) ngày 17/3/2015: "Tờ Fiancial Times trích dẫn nguồn tin của các viên chức Âu Châu cho biết, một giới chức ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ nói rằng tùy mỗi quốc gia (Âu Châu) tự quyết định có tham gia vào ngân hàng phát triển do Trung Quốc lãnh đạo hay không khi một số lượng lớn đồng minh thân cận của Washington đã phớt lờ áp lực của Mỹ là không được gia nhập định chế tài chính này. Pháp, Đức và Ý Đại Lợi đã theo chân Anh Quốc tham gia vào Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở (AIIB) do Trung Quốc sáng lập để cạnh tranh với World Bank và IMF do Mỹ khống chế.Vào ngày 21/3/2015 AFP loan tin Thụy Sĩ và Lục Xâm Bảo cũng đang chuẩn bị gia nhập ngân hàng này. Tin tức cuối cùng cho biết hình như cả thế giới, ngoại trừ Mỹ đều muốn gia nhập ngân hàng này.

- AP (Moscow) ngày 17/3/2015: "Ngoại Trưởng Nga loan báo lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân (Kim Jong Un) đã chấp nhận lời mới tới Moscow để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Liên Bang Sô-viết chiến thắng Đức Quốc Xã. Điểm nổi bật của buổi lễ ngày 9 Tháng 5 là duyệt binh tại Quảng Trường Đỏ và Tổng Thống Putin sẽ đọc diễn văn. Một số lãnh đạo Âu Châu đã từng là nạn nhân của Đức Quốc Xã nhưng từ chối tham dự vì cuộc khủng hoảng Ukraine."

-AFP ngày 17/3/2015: "Chính trị gia lão luyện Hoa Kỳ Henry Kissinger, người nỗ lực tìm cách chấm Chiến Tranh Lạnh đầy hận thù giữa Hoa Thịnh Đốn và Hoa Lục cách đây hơn bốn thập niên, vào ngày Thứ Ba tại Nhân Dân Đại Sảnh ở Bắc Kinh đã nói với Chủ Tịch Tập Cận Bình rằng hai cường quốc giờ đây đã ở vào vị trí thiết lập một nghị để trình giải quyết những vấn đề toàn cầu. Henry Kissinger nói rằng khó có thể hình dung ra ngày mà Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể cùng nhau thảo luận về tương lai của nền hòa binh và tiến triển của toàn thế giới." (US statesman Henry Kissinger, who spearheaded efforts to end Cold War hostility between Washington and China more than four decades ago, on Tuesday told President Xi Jinping that the two powers were now in a position to set the global agenda. "I could not imagine that the day would come in which China and the United States would jointly be able to discuss the future of peace and progress in the entire world," Kissinger said at the Great Hall of the People in Beijing.) Theo VOA tiếng Việt ngày 30/3/2015, "Hãng tin Bloomberg số ra ngày hôm nay trích lời cựu Ngoại Trưởng Mỹ Henry Kissinger (nhân tham dự đám tang Ô. Lý Quang Diệu) nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc nên tháo ngòi nổ và giảm thiểu tính cách cấp khẩn cấp của cuộc tranh luận về vấn đề Biển Đông, để mở đối thoại về vấn đề này. Theo ông Kissinger, Hoa Kỳ nên noi theo gương kiên nhẫn của Trung Quốc, thể hiện rõ nhất qua hành động của cố lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, trong cố gắng xoa dịu các cuộc tranh chấp chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông."

Nếu Hoa Kỳ sử dụng "con bài Kissinger" là "ông vua đi đêm " để mưu tìm một nền hòa bình tạm thời với Hoa Lục theo kiểu Minh Ước Thượng Hải 1972 dưới thời Nixon thì "thì bổn cũ soạn lại ". Không biết Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn hay Phi Luật Tân – nước nào sẽ là "con dê tế thần"  đây?  Sau các cuộc đụng độ với Nhật Bản năm 1945, Chiến Tranh Tiều Tiên 1951 và nhất là cuộc Chiến Tranh Việt Nam 1975,  Hoa Kỳ đã "thề" là sẽ không bao giờ dính líu và một cuộc chiến tranh ở Châu Á nữa. Do đó sách lược "Xoay Trục" của Hoa Kỳ chỉ là tái cân bằng lực lượng để thương thảo với Trung Quốc. Mà muốn thương thảo thì phải tương nhượng trong tình thế mà Hoa Lục đang trỗi dậy mạnh mẽ và lấn át Hoa Kỳ trên rất nhiều lãnh vực nhất là kinh tế, tài chính. Do đó bất cứ ai nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ hy sinh xương máu tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực để tiêu diệt Hoa Lục hầu đem lại thái bình cho nhân loại…sẽ là một ảo tưởng điên khùng nhất. Trên tương quan sức mạnh quân sự hiện tại, Hoa Kỳ không thể thắng Trung Quốc bằng chiến tranh quy ước mà phải bằng chiến tranh nguyên tử. Nhưng khi phát động chiến tranh nguyên tử với Trung Quốc thì phải hủy diệt luôn Nga vì Mỹ không bao giờ muốn nước Mỹ hoang tàn đổ nát trong khi nước Nga còn nguyên vẹn. Cái thế kẹt chí tử của Hoa Kỳ ở chỗ đó cho nên đúng như Hugh White đã nhận định, "Chỉ còn đường lối duy nhất là bắt đầu nói chuyện lại với Trung Quốc bằng đường lối mới." Chúng ta thử chở xem Tháng 9 tới đây Ô. Obama sẽ hứa gì với Ô. Tập Cận Bình. Rõ ràng ngày nay Hoa Lục, nếu có thương thảo với Mỹ là thương thảo trên thế mạnh.

-VOA tiếng Việt ngày 18/3/2015: "Ông Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh không giống với các quốc gia khác là thực hiện việc xây dựng trong nhà của người khác, đồng thời tuyên bố không chấp nhận chỉ trích từ bất kỳ ai vì chúng tôi chỉ xây dựng các cơ sở trong sân nhà của mình. Đây được coi là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Trung Quốc tuyên bố biển Đông là "sân nhà" của mình. Nhận định về tuyên bố trên, giáo sư Carl Thayer cho biết ông cảm thấy "bàng hoàng" khi đọc phát biểu của ông Vương, nhất là trước ngày kỷ niệm 27 năm Trung Quốc tấn công các tàu của Việt Nam gần bãi đá Gạc Ma ngày 14 tháng Ba năm 1988."

-AP (Moscow) ngày 18/3/2015: "Vào ngày Thứ Tư, Nga xiết chặt thêm việc kiểm soát khu vực Nam Ossetia tách ra khỏi Georgia khi Tổng Thống Putin và lãnh đạo của Nam Ossetia ký kết thỏa ước mới gần như thống hợp toàn diện vào Nga. Tổng Thống Giorgi Margvelashili của Georgia đã tố cáo thỏa ước này là hành động phá hoại chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ông và sẽ tạo thêm căng thẳng. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu và NATO mạnh mẽ lên án việt ký kết này. Nam Ossetia đã tách ra khỏi Georgia vào đầu thập niên 1990 khi Liên Bang Sô-viết xụp đổ. Nga đã thành công trong việc kiểm soát vùng đất này khi nó tách khỏi Georgia lần thứ hai cùng với Abkhazia sau cuộc chiến tranh ngắn ngủi với Georgia năm 2008."  (1)

-Voice of America ngày 19/3/2015: "Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Tân Tây Lan trong chuyến công du vào ngày Thứ Năm sau những tin tức đảo quốc này đã do thám Hà Nội trong một chương trình phối hợp với Hoa Kỳ. Chuyến công du nhằm tăng cường mối liên hệ song phương với Wellington vào lúc thật khó xử khi tờ New Zealand Herald loan tải tin tức này. Bản tin căn cứ vào những tài liệu tiết lộ bởi nhân viên khế ước Edward Snowden làm việc cho tình báo Hoa Kỳ hiện đang ẩn náu tại Nga nói rằng Tân Tây Lan đã do thám Việt Nam và những quốc gia khác để giúp cho cơ quan NSA tức Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ. Những thiết bị do thám thường giấu tại các tòa đại sứ Tân Tây Lan và những tòa nhà của cao ủy" (The documents, published on March 11, revealed that Wellington accessed internal communication networks from covert listening posts hidden in New Zealand embassies and high commission buildings.).

Thế mới hay chính trường quốc tế muôn đời là tàn bạo và bẩn thỉu nhất. Bề ngoài ăn mặc lịch sự, nghi thức ngoại giao đúng phép, nói nói cười cười, tới trợ giúp nhân đạo, đầu tư, hữu nghị ... nhưng bên trong là những thủ đoạn xấu xa, kể cả do thám cho một quốc gia khác… để đổi lấy đô-la hoặc thắt chặt quan hệ "đồng minh"  theo kiểu "đồng minh chủ-tớ".

-VOA tiếng Việt ngày 20/3/2015: "Trung Quốc chỉ trích một tư lệnh hải quân hàng đầu của Mỹ về đề nghị các nước ASEAN thành lập một lực lượng hải quân hỗn hợp cùng tuần tra Biển Đông.Trong lời kêu gọi hôm 17/3, Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ, Phó Đô đốc Robert Thomas, cũng hứa rằng hạm đội của ông sẽ cung cấp hỗ trợ cho công tác tuần tra vùng biển đang có tranh chấp này. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, ngày 20/3 tuyên bố chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng nghiêm ngặt cam kết không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ."

Nếu ASEAN liên kết với Mỹ để tuần tra chung trên Biển Đông thì đây là một liên minh quân sự chứ không phải chuyện bình thường - cần có một hiệp ước hay ít ra là sự thỏa thuận của các bộ trưởng ngoại giao hay bộ trưởng quốc phòng chứ Tư Lệnh Thái Bình Dương chưa đủ thẩm quyền để quyết định một vấn đề to lớn như thế. Một lực lượng gìn giữ hòa bình của Đông Nam Á để tuần tra Biển Đông do Mã Lai đề nghị, độc lập, không có Mỹ tham dự có lẽ thuận tình, thuận lý và sẽ được quốc tế hoan nghênh mà Hoa Lục cũng chẳng làm được gì cả, ngoại trừ  dùng tiền để chia rẽ.

-AFP  ngày 24/3/2015: "Hôm Thứ Ba, Nga cảnh cáo Hoa Kỳ về việc gửi hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tới Nam Hàn và cho rằng việc triển khai này đe dọa an ninh khu vực. Còn Hoa Thịnh Đốn nói rằng việc triển khai hệ thống THAAD  nhằm ngăn chặn sự khiêu khích quân sự từ Bắc Hàn.

-BBC tiếng Việt ngày 24/3/2015: " Chuyến thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Công an Việt Nam, ông Trần Đại Quang, vừa diễn ra có mục tiêu chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Đảng- ông Nguyễn Phú Trọng và khả năng có chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama trong năm 2015."

-Reuters (Bangkok) ngày 25/3/2015: "Vào ngày Thứ Tư, lãnh đạo tập đoàn quân phiệt Thái, Tướng Prayuth Chan-ocha đã cảnh cáo báo chí là ông có thể trừng trị những ai loan tin không đúng sự thật. Đây là lời đe dọa mới nhất nhắm vào giới truyền thông. Tháng rồi, Tướng Prayuth loan báo ông có quyền đóng cửa báo chí và hôm nay ông lại tỏ ra cứng rắn hơn nữa. Ông nói rằng báo chí không buộc phải ủng hộ chính phủ nhưng phải loan tin đúng sự thật."
            
Sau bao nhiêu năm thống trị bởi tập đoàn quân phiệt qua 16 hiến pháp, Thái Lan tiến hành bầu cử dân chủ vào năm 2001. Thế nhưng đa nguyên đa đảng không đem lại ổn định chính trị cho đất nước này. Phe Áo Đỏ và phe Áo Vàng luôn luôn xuống đường gây rối loạn khiến đưa tới cuộc đảo chính quân sự năm 2006 lật đổ chính quyền dân cử của Ô. Thatsin. Năm 2011 thể chế dân chủ được tái lập với sự thắng cử cùa Bà Yngluck – em gái Ô. Thatsin thuộc phe Áo Đó. Thế nhưng Phe Áo Vàng - lại xuống đường chống đối làm tê liệt đất nước khiến đưa tới cuộc đảo chính của Tướng Prayuth vào ngày 20/4/2014. Ông tướng này tự chỉ định quốc hội để bầu ông làm thủ tướng lãnh đạo đất nước cho "tiện việc sổ sách", khỏi phải bầu cử nghị sĩ tốn kém và vấn nạn hàng chục phe phái "giành ghế" có khi không thành lập nổi chính phủ, làm suy yếu đất nước. Tình hình chính trị Thái Lan đúng là "Ông Nỉnh Ông Nang, ông ra đầu đàng ông gặp Ông Ninh". Chế độ quân nhân sau thời gian dài thống trị tạm thoái lui, nhưng dân chủ đa nguyên vẫn không khá, khiến độc tài quân phiệt lại "tái xuất giang hồ". Hiện nay Mỹ đang điên đầu vì tình hình chính trị Thái Lan. Nếu trừng phạt và cấm vận thì Thái Lan sẽ ngả sang Trung Quốc. Vào ngày 24/12/2014 thay vì đi Mỹ trước để gặp Ô. Obama, Tướng Prayuth đã thăm Trung Quốc. Trong cuộc hội kiến với Ô. Tập Cận Bình, Tướng Prayuth ca ngợi sự thành công của nền kinh tế tập quyền lớn nhất thế giới này và kêu gọi Thái Lan nên noi gương Trung Quốc.

-Reuters (Yokohama) ngày 25/3/2015: "Lực Lượng Tự Vệ Hải Quân Nhật vào Thứ Tư đã tiếp nhận một chiến hạm lớn nhất kể từ Đệ II Thế Chiến. Chiến hạm Izumo chở trực thăng lớn bằng hàng không mẫu hạm thời Hải Quân Thiên Hoàng đã từng giao chiến với Mỹ tại Thái Bình Dương. Tàu dài 248 mét, mang theo 470 thủy thủ. Tướng NaKatani, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản, đứng bên cạnh chiến hạm trong lễ bàn giao đã tuyên bố chiến hạm cải thiện khả năng chống tàu ngầm của Nhật Bản."

-AFP (kiev) ngày 25/3/2015: "Tổng Thống Petro Poroshenko tiếp nhận 10 thiết vận xa Humvees (giống như M151 thời Chiến Tranh Việt Nam)  hai ngày sau khi các nhà lập pháp Hoa Kỳ biểu quyết thúc giục Tổng Thống Obama cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev. Khoác bộ đồ rằn ri, tại Phi Cảng Quốc Tế Boryspil của Kiev, tổng thống của Ukraine cám hơn Hoa Thịnh Đốn về 10 chiếc xe trong đợt đầu của 30 chiếc mà Hoa Thịnh Đốn đã hứa. Hoa Kỳ sẽ viện trợ cho Ukraine 200 chiếc Humvees, máy thu thanh, ra-đa chống súng cối và những thiết bị phi-sát-thương khác tổng cộng trị giá 75 triệu đô-la" Cũng theo AFP thỏa hiệp ngừng bắn ký ngày 12/2/2015 giữa Kiev và phe ly khai vẫn được duy trì dù có những cuộc giao tranh lẻ tẻ ở tiền tuyến. Theo tin tức thế giới mới nhất, Mỹ sẽ gứi 290 lính nhảy dù tới Ukraine, nói là để huấn luyện cho binh sĩ xứ này. Như thế là lần đầu tiên Ukraine công khai có binh sĩ ngoại nhập và không biết trong tương lai con số sẽ lên tới bao nhiêu.

-UPI  (Nam Vang) ngày 26/3/2015: "Chuyến đi thăm Á Châu của Michelle Obama để xúc tiến giáo dục cho các bé gái đã bị Thủ Tướng Hun Sen của Cambodia chỉ trích thẳng thừng là bà chỉ "rong chơi" và sử dụng lời lẽ hoa mỹ để tạo niềm hy vọng về sự cải thiện chứ chẳng bảo đảm trợ giúp gì cả."

Có điều trớ trêu là trong khi đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ đi cổ vũ giáo dục cho các nước nghèo thì tại quê nhà, theo thống kê giáo dục ngày 17/3/2015, tại Hoa Kỳ mỗi năm có 3,030,000 học sinh trung học bỏ học, tức mỗi ngày có 8300 học sinh bỏ học. Nghèo quá không có tiền đi học là điều đáng thương, song mai mốt đất nước khá lên thì tất cả sẽ được đi học. Nhưng được cung cấp đầy đủ mà bỏ học đi hoang, gia nhập băng đảng, hút xì ke ma túy, mang bầu…mới là vấn nạn trầm kha của xã hội, vô phương cứu chữa.

-Sputnik News ngày 30/3/2015: "Theo thông cáo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sắp thăm Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Chuyến thăm từ ngày 5 đến 7/4/2015 nhằm tập trung bàn thảo các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương."

-Tuần Báo Newsweek ngày 31/3/2015: "Ngoại Trưởng Ý Đại Lợi khi nói chuyện với tờ Financial Times đã kêu gọi Âu Châu giảm nhẹ cấm vận Nga và cảnh cáo cuộc khủng hoảng Libya tạo mối đe dọa an ninh cho Âu Châu cũng như cuộc khủng hoảng Ukraine."

-VnExpress ngày 31/3/2015: " Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh của Việt Nam sáng nay nêu vấn đề tình hình Biển Đông cũng như khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong buổi tiếp lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đang thăm Việt Nam, đánh giá cao quan điểm của Mỹ giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, và mong muốn Washington tích cực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực."

Nhận Định:

Tình hình thế giới biển chuyển quá nhanh, ngoài dự liệu của mọi người và cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới với  nguy cơ một cuộc chiến ủy nhiệm - có thể đã xuất hiện trước mắt:

1) Một trong những biến chuyển bất ngờ - đó là sự xụp đổ nhanh chóng của chính quyền Yemen do Mỹ hỗ trợ. Vào ngày 24/3/2015 hãng AP loan tin, "Theo các giới chức Hoa Kỳ và Yemen, chiến lược được Tổng Thống Obama ca ngợi như là khuôn mẫu chống khủng bố đã thất bại hoàn toàn khi đất nước này rơi vào hỗn loạn khi chính quyền do Hoa Kỳ hỗ trợ xụp đổ. Từ khi Obama nhậm chức, Hoa Kỳ đã đổ vào nhiều triệu đô-la để ổn định chính quyền Yemen và gia tăng lực lượng an ninh. Dưới thời Tổng Thống Hadi, quân đội do Hoa Kỳ huấn luyện đã tiến hành thường xuyên các cuộc tấn công, giết và bắt giữ những thành phần khủng bố al Qaida, thỉnh thoảng là những cuộc không kích bằng máy bay không người lái do CIA điều khiển nhằm tiêu diệt những thành phần khủng bố quan trọng." Cũng theo AP ngày 25/3/2015, " Tổng Thống Abed Rabbo Mansour Hadi đã trốn chạy khỏi Yemen bằng đường biển qua Djibouti sau khi phe nổi dậy Shiite và đồng minh đã tiến vào nơi ẩn náu cuối cùng của ông ở phía nam, chiếm phi trường và treo tiền thưởng cho ai lấy được đầu của ông."

Tình hình Yemen còn trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn nữa khi Saudi Arabia tiến hành những cuộc không kích vào lãnh thỗ Yemen. Theo Reuters ngày 26/3/215, Ba Tư đã lên tiếng yêu cầu Saudi Arabia và đồng minh Ả Rập ngưng ngay những cuộc không kích này. Tổng Thống Putin cũng đã gọi điện thoại cho Tổng Thống Rouhani của Ba Tư yêu cầu các bên phải ngưng ngay mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ Yemen.

Cứ nhìn vào bản đồ thế giới chúng ta thấy, Yemen mằm ngay cửa ngõ ra vào Hồng Hải (Red Sea) theo Kênh Đào Suez để tiến vào Địa Trung Hải. Nếu một chính quyền thân Ba Tư, sau đó là thân Nga thì ảnh hưởng của Ba Tư và Nga sẽ rất lớn tại bán đảo Ả Rập. Nếu Nga hay Ba Tư ảnh hưởng tới Yemen thì khi nổ ra chiến tranh, Mỹ khó lòng ngăn chặn tàu chiến Nga ra vào vùng biển chiến lược vận chuyển dầu lửa này. Hơn thế nữa một đất nước Yemen cai trị bởi hệ phái Shiite là điều mà Saudi Arabia không bao giờ chấp nhận. Đó là lý do tại sao Saudi Arabia cấp tốc sử dụng 100 máy bay chiến đấu để mở cuộc không kích vào Yemen do Nhóm Houthi kiểm soát. Những tin tức mới nhất cho biết 150,000 binh sĩ của Saudi Arabia đã tiến sát biên giới Yemen. Theo AP ngày 27/3/2015, tàu chiến của Saudi Arabia và Ai Cập đã có mặt tại Eo Biển Bab al-Mandab ngoài khơi Yemen để phong tỏa các hải cảng. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tử, 93 thường dân chết và 364 bị thương trong chiến dịch không kích gọi là "Bão Tố Quyết Định" (Operation Decisive Storm) do Saudi Arabia  cầm đầu. Theo Reuters ngày 31/3/2015, đã có những cuộc giao tranh bằng hỏa tiễn và đại bác giữa quân đội Saudi Arabia và lực lượng Southi tại khu vực biên giới giữa hai nước.

Một khi Saudi Arabia đã can dự vào thì chắc chắn Mỹ cũng sẽ nhảy vào vì Saudi Arabia quá giàu mà lại ngồi trên giếng dầu khổng lồ. Theo một số giới chức bộ quốc phòng ở Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ đã cung cấp tàu tiếp dầu và những chuyến bay do thám cho các cuộc hành quân của Saudi Arabia. Ngoài ra còn có binh sĩ Hoa Kỳ làm việc tại trung tâm hành quân của Saudi Arabia. Cùng ngày AFP cho rằng, cuộc không kích không thôi do Saudi Arabia cầm đầu chưa chắc đã nghiền nát nhóm phiến quân do Ba Tư hỗ trợ nhưng nếu tiến quân vào thì đối đầu với nguy cơ sa lầy và leo thang căng thẳng với Tehran. Trong tình thế này, Ba Tư chắc chắn sẽ gửi bộ binh tới giúp mà sau lưng Ba Tư lại là Nga. Do đó một cuộc chiến tranh ủy nhiệm Nga-Mỹ sớm muộn gì cũng phải lộ diện. Và nếu thế, đây là cơ hội bằng vàng để Nga khoét sâu thêm cuộc khủng hoảng để trả đũa những gì mà Mỹ và NATO đang làm ở Ukraine. Còn Trung Quốc chắc chắn sẽ hỗ trợ Ba Tư vì Hoa Lục cũng muốn nhân cơ hội này làm sói mòn sự khống chế của Hoa Kỳ tại vùng dầu hỏa chiến lược đã hơn nửa thế kỷ. Năm 2014 các tàu chiến Trung Quốc đã ghé thăm Ba Tư và ngược lại các tàu chiến Ba Tư cũng đã ghé thăm Trung Quốc. Hiện nay một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã tỏ ra lo lắng về cuộc khủng hoảng Yemen. Còn Tòa Bạch Ốc thì không quan tâm tới việc Saudi Arabia xâm phạm chủ quyền và lãnh tổ của Yemen mà lại quan tâm tới việc vũ khí Ba Tư đổ vào Yemen. Vào ngày 28/3/2015 hãng AFP loan tin trực thăng từ Khu Trục Hạm Sterett  của Hoa Kỳ đã cứu hai phi công Saudi Arabia phải nhảy dù ra khỏi phi cơ chiến đấu F-15 ngoài khơi Yemen. Theo tin từ Tòa Bạch Ốc, Vua Salman của Saudi Arabia đã gọi điện thoại cám ơn Tổng Thống Obama về phi vụ cấp cứu này. AFP nhận định rằng "Bạo động gia tăng đã tạo ra mối lo sợ là Yemen đang trở thành bãi chiến trường của cuộc chiến tranh ủy nhiệm do chia rẽ giáo phái giữa Sunnis và Shias"  Theo nữ phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ thì "Tổng thống tái khẳng định tình hữu nghị mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Saudi Arabia và nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ ủng hộ hành động của Saudi Arabia." Trong khi đó Nga lên tiếng tố cáo Hoa Kỳ chơi trò chơi hai mặt "double standard ": Ủng hộ cuộc lật đổ một chính quyền hợp pháp (không thân Mỹ) tại Ukraine, nhưng lại hỗ trợ cho một chính quyền (thân Mỹ) bị lật đổ ở Yemen. Tân Hoa Xã và AFP  ngày 31/3 đưa tin  Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích những âm mưu nhằm châm ngòi xung đột giữa các nước Ả Rập và Iran liên quan tới tình hình hiện nay ở Yemen. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Lavrov nêu rõ "Nga sẽ không cho phép điều này xảy ra và sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh của mình để tránh việc biến xung đột nội bộ ở Yemen thành một cuộc đối đầu giữa thế giới Ả Rập và Iran."

Đây là một biến chuyển quá bất ngờ và nguy hiểm hơn Nhà Nước Hồi Giáo IS gấp bội, không vui cho Hoa Kỳ đang phải lún sâu vào cuộc khủng hoảng Ukraine, Nhà Nước Hồi Giáo và cuộc chiến Afghanistan chưa giải quyết xong, trong khi phải "xoay trục" để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

2) Bloomberg News ngày 20/3/2015 trong bài viết " Nga Hồi Phục Cho Dù Bị Cấm Vận" (Russia Rebounds Despite Sanctions) Matthew A Winkler nhận định như sau, "Cấm vận có nghĩa là trừng phạt Nga vì đã chiếm lấy Crimea từ Ukraine cách đây một năm với hy vọng làm tổn hại nền kinh tế Nga. Và quả thật như vậy. Chứng khoán, trái phiếu và hàng hóa đã trở nên tệ hại vào năm 2014 trên tất cả mọi thị trường đang lên. Đấy là lúc đó. Bây giờ thì hình ảnh đang thay đổi khi các nhà đầu tư năm 2015 có thiện cảm với Nga. Đồng rúp trở thành đồng tiền bấp bênh nhất thế giới năm ngoái do Tổng Thống Vladimir Putin xâm chiếm đất đai, nay đang ổn định. Biên độ lên xuống của đồng rúp năm nay thu hẹp hơn bất kỳ loại tiền tệ được mua bán nhiều nhất của 30 quốc gia. Theo AFP ngày 24/3/2015, " Trị giá đồng rúp tăng 7% so với đồng đô-la." Vào ngày 22/3/2015 AFP loan tin, "Vào ngày Chủ Nhật, một giới chức cao cấp của quốc hội Nga nói rằng Nga có nhiều chính đáng để tuyên bố chủ quyền ở Crimea hơn là Anh tuyên bố chủ quyền ở Falkland/Malvinas để trả đũa lại việc Luân Đôn tố cáo Moscow đã thôn tính bất hợp pháp bán đảo này

Quần Đảo Faulkland còn gọi là Malvinas cách Á Căn Đình 500km trong khi cách Anh 14,000km. Vào ngày 25/3/2015 CNBC loan tin Anh tăng cường lực lượng tại thuộc địa này vì lo sợ Á Căn Đình tấn công với sự hỗ trợ của Nga. Vào năm 1982 nếu không có sự trợ giúp của Mỹ thì Anh đã để mất quần đào này. Nhưng nếu ngày nay nổ ra chiến tranh, có thể Nga sẽ giúp Á Căn Đình. Như thế Chiến Tranh Lạnh sẽ lan qua lục địa Nam và Trung Mỹ tức "sân sau" của Mỹ.

3) Vào ngày 25/3/2015, báo chí thế giới đều loan tin Ngoại Trưởng Nga Sergi Lavrov đã tới thăm Cuba và ba nước Combombia, Nicaragua và Guatemala để mở rộng hợp tác và đầu tư. Và cũng có tin Nga sẽ cung cấp phi cơ chiến đấu Mig-29 cho Nicaragua và SU-24 cho Á Căn Đình. Theo tờ Christian Science Monitor ngày 26/3/2014, "Trong cuộc điều trần trước Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện vào tuần rồi, tướng thủy quân lục chiến John Kelly - Chỉ Huy Trưởng  Miền Nam Hoa Kỳ nói rằng Nga sử dụng việc tung ra sức mạnh như là một thử thách để làm sói mòn vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ và thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Tây Bán Cầu (Nam-Trung Mỹ). Dưới thời Putin, chúng ta chứng kiến sự tái diễn của chiến thuật Chiến Tranh Lạnh."
            
Chiến Tranh Lạnh là cuộc đối đầu "Ăn miếng trả miếng". Anh lấn tôi ở khu vực này, tôi sẽ tìm cách lấn anh ở khu vực khác. Anh triển khai hỏa tiễn ở khu vực này, tôi sẽ tìm cách triển khai hỏa tiễn ở khu vực gần nhà anh. Anh đảo chính lật đổ một chính quyền thân tôi, tôi sẽ giúp vũ khí cho lực lượng đối kháng hoặc phá rối chính quyền đó. Anh cấm vận các quốc gia thù nghịch, tôi sẽ giao hảo với các quốc gia đó. Hành động thù nghịch cứ tiếp tục leo thang cho đến khi một bên chịu thua hoặc đi tới một thỏa hiệp "chia phần"  hoặc phân định lằn ranh - tức "giới hạn đỏ" không ai được vượt qua. Và nếu có chiến tranh thì sẽ là "chiến tranh ủy nhiệm" (proxy war) tức hai bên không trực tiếp đối đầu nhưng gửi vũ khí, cố vấn, viện trợ tiền bạc… để hai phe trong nước giết nhau. Chiến tranh ủy nhiệm nhằm ba mục đích:
-Làm tiêu hao tiềm lực của đối thủ.
-Tranh chấp một trọng điểm chiến lược, nếu mất thì ảnh hưởng của siêu cường ở một vùng rộng lớn hơn sẽ tiêu tan hoặc an ninh chính quốc sẽ lâm nguy. Ukraine là trọng điểm chiến lược, nếu mất nó hoặc nó trở thành tiền đồn của NATO thì Nga lâm nguy.
-Hoặc tranh giành một nút chặn khống chế sự vận chuyển nguyện liệu chiến lược trên biển, thường là dầu hỏa. Eo Biển Malacca là nút chặn chiến lược của con đường vận chuyển dầu hỏa từ Vùng Vịnh tới Á Châu. Yemen tuy không phải là nước sản xuất dầu hỏa nhưng lại là điểm chiến lược mà con đường vận chuyển dầu hỏa đi qua. (Yemen is not an oil producing nation, it is strategic in that transportation routes pass its borders). Biển Đông là vùng biển chiến lược nếu bị Hoa Lục khống chế thì  Hoa Kỳ sẽ không còn là cường quốc Á Châu nữa.

Thật bất hạnh cho bất cứ quốc gia nào trở thành sân chơi của cuộc chiến ủy nhiệm. Căn cứ vào tình hình hiện tại và địa lý chính trị (Geopolitics), Ukraine và Yemen đang trở thành bãi chiến trường khốc liệt của cuộc chiến ủy nhiệm.
-Tại Ukraine sẽ là cuộc đụng độ giữa Mỹ-NATO và Nga.
-Tại Yemen sẽ là cuộc đối đầu giữa các nước Ả Rập Vùng Vịnh thuộc hệ phái Sunnis do Mỹ hỗ trợ và Iran, sau lưng Iran có Nga và có thể có cả Trung Quốc. Không ai tiên đoán được cái gì xảy ra ngày mai, kể cả Mỹ. Nhưng có bốn điều kiện để một quốc gia nhỏ bé nằm ở trọng điểm chiến lược mà thoát khỏi cuộc cấu xé giữa các siêu cường là:
-Dân tộc phải đoàn kết.
-Quốc phòng phải đủ mạnh để đánh bại bất cứ cuộc chiến tranh xâm lược nào.
-Một chính quyền thật mạnh để có thể hướng dẫn đất nước đi theo con đường trung lập hay phi liên kết.
-Một nền ngoại giao đa dạng, phong phú và uyển chuyển. Cây cổ thụ có thể bị quật ngã trước phong ba bão tố, nhưng cây tre đong đưa theo ngọn gió thì không bao giờ bị quật ngã cả.

Đào Văn Bình
(California ngày 1/4/2015)
 
Cước chú:
(1)   Vào ngày 12 Tháng 11, 2006 -  Nam Ossetia đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý quyết định độc lập khỏi Georgia với 95% cử tri bỏ phiếu thuận.

No comments:

Post a Comment