25 December 2010

Phó Thường Dân (3): Sợ

Phó Thường Dân (3): Sợ


"For we have been socialized to respect fear more than our own needs for language and definition, and while we wait in silence for that final luxury of fearlessness, the weight of that silence will choke us."

Chúng ta coi trọng nỗi sợ hãi hơn những nhu cầu cho ngôn ngữ và xác định riêng cho mình vì đã sống quá quen với nó (một nền văn hóa sợ hãi), và trong khi im lặng chờ đợi lòng dũng cảm đầy xa xỉ cuối cùng rồi cũng đến với mình thì sức nặng của nỗi câm lặng sẽ đè chúng ta chết ngạt.

Audre Lorde, Sister Outsider (40-44)


Gần đây có nhiều bài viết bàn về cái sợ. Giới phó thường dân như tôi thì quá quen thuộc với nó. Sợ đủ mọi chuyện, mọi chỗ, mọi ngày.

Ai ai cũng nghĩ sợ là bản năng sinh tồn (survival instinct) của mọi sinh vật. Charles Robert Darwin thì đã từng cho rằng sự sinh tồn thuộc về con thú mạnh với thể chất tối ưu (survival of the fittest) là một luật tiến hóa của tự nhiên. Để sinh tồn thì ai cũng cần phải biết thích nghi với luật tự nhiên này. Trong cùng một loài thì con bé bao giờ cũng sợ con lớn. Cá bé hay sợ cá lớn vì vốn dĩ "cá lớn nuốt cá bé". Không mạnh đủ thì sẽ sợ mà chạy trốn trước. Con thú bé (yếu) dĩ nhiên co giò chạy trước so với con thú lớn (mạnh) hơn, ngoại trừ khi con thú nhỏ này qua quá trình tiến hóa đã phát triển được các khả năng tấn công lại hoặc kỹ năng phòng vệ khác.

Sợ trong bản năng sinh tồn là yếu tố thuận lợi.

Thứ đến, sợ là một phản ứng có điều kiện mang yếu tố tâm lý. Nỗi sợ trở thành một phản xạ tự nhiên không riêng xảy đến với cá nhân mà còn ở tầng lớp tập thể, cộng đồng, và dân tộc. Ở mỗi cá nhân, sợ trở thành quen thuộc được coi như hơi thở trong cuộc sống do học hỏi từ xã hội nhiều hơn kinh nghiệm bản thân. Ở tầng lớp tập thể và cộng đồng, sợ trở thành quen thuộc qua học hỏi trao đổi ở sinh hoạt địa phương. Ở tầm vóc quốc gia, sợ trở thành quen thuộc như cơm bữa sau nhiều năm tiếp cận với các vận động tuyên truyền trong các lãnh vực văn hoá, chính trị, và lịch sử mang vẻ trau chuốt mỹ miều và tính lô-gíc bề ngoài. Cái sợ của mỗi cá nhân do đó thành kết quả tích tụ của ba tầng sợ hãi: cá nhân, cộng đồng, và quốc gia.

Sợ trong phản ứng có điều kiện là yếu tố bất lợi.

Không có ai mà không sợ gì cả. Khi người ta nói "có những người không biết sợ" thì thực ra người ta ám chỉ rằng những người đó đã vượt qua nỗi sợ trên một lãnh vực nào đó. Vì những anh hùng không sợ chết thật ra là những người vẫn biết sợ cái chết, nhưng chấp nhận chuyện trao đổi mạng sống mình cho một điều gì đó lớn hơn (cho chân lý, vì tổ quốc), hoặc trao đổi mạng sống mình thay vì phải sống mãi với một nỗi sợ lớn hơn (sợ sống nhục, sống hèn).

Phó thường dân là những người sống lẩn quẩn trong ba tầng sợ hãi. Họ có thể vượt qua được những sợ hãi riêng cá nhân hoặc tập thể cục bộ nhưng thật khó thoát khỏi cái sợ lớn xuất phát từ và của cả một dân tộc.

Chẳng hạn bản thân cá nhân phó thường dân trong phạm vi gia đình có thể sợ vợ, tuy nhiên sống với sợ (vợ) lâu ngày cũng dần dà trong sáng tạo tự trọng để biết cách uyển chuyển đối phó và vượt qua nỗi sợ "bà". Phó thường dân sống nhiều năm ở tỉnh lẻ dạt lên thị thành có thể cũng có nhiều nỗi sợ (vô lối): sợ lạc đường, sợ bị gạt, sợ bị dụ dỗ, sợ bị chê cười kiểu "le nhaque". Ngay ở quê thì đã phải sống trong nhan nhãn sợ hãi vì "chuyện thường ngày ở huyện". Điển hình nhất là sợ công an, sợ quan quyền, sợ đảng bộ, và sợ hơn cả là cái thằng "cơ chế". Công an, quan quyền, đảng thì còn có mặt có tên có thực thể chứ cái thằng cơ chế thì chẳng biết hình dạng mặt mũi nó ra sao, hay ở đâu. Vô hình, vô dạng nhưng lúc nào nó cũng lù lù bất thần làm kỳ đà cản mũi "làm việc" và "làm luật" ở khắp mọi nơi.

Dân tộc Việt Nam vừa thoát ra khỏi gông cùm nô lệ thực dân chưa đủ thời gian và cơ hội giúp cho tâm thức được giải thực thì lại vướng vào còng nô lệ "chuyên chính vô sản" của Đảng toàn trị CSVN. Từ chỗ sợ ông Tây thực dân chuyển sang sợ "ông" cán bộ. Qua cải cách ruộng đất hằng hà sa số các địa chủ, tiểu nông, tư sản, thương gia, trí thức tất tật trở thành phó thường dân. Chỉ còn mỗi giai cấp nông dân được đi tàu bay giấy phong cho làm chủ tập thể các hợp tác xã, gõ kẻng đi làm công nhật. Riêng cán bộ là đầy tớ nhân dân nên đi đến đâu cũng phải được cung phụng. Một giai cấp "đầy tớ nhân dân" được sinh sản bỏi Đảng chuyên chính vô sản để thừa hưởng bổng lộc thống trị.

Đảng buộc mọi người dân tuân thủ "xếp hàng cả ngày" để tiến lên (xếp hàng cả ngày thì có nhúc nhích được bao nhiêu mà tiến lên?) thiên đường cộng sản. Mọi thứ đều được phân phối qua tem phiếu theo "tiêu chuẩn". Phó thường dân, thành phần "có vấn đề", thì sẽ được gạn lọc cho hoặc ở ngoài biên chế, hoặc nằm ở tiêu chuẩn đầu cá, đuôi tôm. Sự gạn lọc dựa tiêu chuẩn tạo nên nỗi sợ ĐÓI. Mà đã đói thì cái đầu lú la, lú lẫn, chẳng suy nghĩ được điều gì khác ngoài việc hướng tới làm thế nào để kiếm ra miếng ăn.

Tiến đến thời kỳ "đổi mới" và "kinh tế thị trường" thì có đúng là người dân hẵn đã thoát ra nỗi sợ đói? Họ được "cởi trói" không lệ thuộc vào hợp tác xã, vào chế độ biên chế nhưng phải chăng họ đã thoát hẳn ra cái cơ chế "định hướng xã hội chủ nghĩa" lăng quăng luồn mình vào tư bản đỏ hoang dã? Nỗi sợ ĐÓI được thay thế bằng nỗi sợ bất an về VIỆC LÀM. Những người cửu vạn, ô sin, những người làm cơ xưởng luôn luôn chịu áp lực bị mất việc (unemployment) và thiếu việc (under-employment). Những nô-lệ-thời-hiện-đại (modern-day slaves) này không được bảo vệ qua cơ chế công đoàn độc lập/tự do hoặc chính sách bảo hiểm lao động. Thu nhập lương bổng giới hạn của họ không chạy theo kịp lạm phát phi mã, giá cả hàng tiêu thụ tăng chóng mặt, cũng như các phí tổn giáo dục, y tế, và nhà cửa căn bản.

Đảng đòi hỏi cá nhân phải "đấu tranh tư tưởng" (tự tẩy não), tự kiểm điểm (tự dối trá, tự nhục hình)1 , tự động khai báo lí lịch (phân biệt giai cấp). Cùng lúc thì Đảng xây dựng tổ chức cơ quan công an, an ninh mật vụ làm tay sai và công cụ để Đảng tiện áp chế người dân và nhất là lớp phó thường dân. Đảng sử dụng những hình thức nô dịch hoá con người này để tạo nên những nô lệ biết sợ và biết phục tùng. Đảng o ép những phó thường dân đã nhỏ bé này ngày càng teo lại đến độ họ không còn ứng xử bình thường với chút tự trọng bình thường. Dần dà lâu ngày tâm thức những con người này trở thành dị dạng. Họ không thể làm người tử tế trong một xã hội vô nhân đạo, xã hội của những tên đạo đức giả (đạo đức nô lệ tinh thần HCM), của những con ông cháu cha ăn trên ngồi trốc.

Đảng đặt các cơ cấu nhà nước dưới sự "chỉ đạo" của bộ chính trị và trung ương Đảng. Tất cả mọi cơ cấu ở trong tình trạng án binh bất động nếu chưa có sự "chỉ đạo", và ngược lại họ có thể làm tất cả mọi điều bất kể luật lệ khi đã được lệnh "miệng". Họ chỉ sợ bị mất "ghế" chứ không hề sợ luật pháp. Câu nói đầu môi "Luật là tao" và đám phó thường dân mày thì phải sợ tao. Thế nên cả nước đều sợ bị "làm luật" trong khi thiểu số con ông cháu cha thì luôn bất chấp luật pháp. Những người "làm luật" là những người vi phạm và chà đạp luật pháp hơn ai hết.

Tất cả những móc xích nỗi sợ này sau khi thuần quen với chuyển động cơ của chính sách nô dịch đặt để lên người dân đã tạo vết ấn tâm thức nô lệ, ăn mày. Người dân trở thành người nô lệ cho đám nội-thực-dân Đảng CSVN.

Có những người sợ để sống. Có những người sống biết sợ.

Ai mà chẳng sợ. Phải chăng điều khác biệt là sợ để mà sống (hèn/nô lệ) hay sợ nhưng sống (thật/tự do). Nhà văn Trần Dần đã nói rằng vì biết sợ nên mới sống. Nhà văn Dương Thu Hương và nhà văn Võ Thị Hảo đã nói nhiều về những nỗi sợ này. Họ đã nhắn nhủ rằng thật ra không nên sợ quá đáng và hãy sống thật tự nhiên như hơi thở. Hơi thở thì không bao giờ là một phản ứng có điều kiện.

Hãy thử nhìn một người gần gũi có thể tiếp cận được như Mẹ Nấm và không ít những người khác biết sợ nhưng vẫn sống thật. Tôi đồng cảm với hoàn cảnh của mẹ Nấm lúc cô ấy phải viết lời khai từ bỏ việc viết lách của mình vì sợ cho con và cho bản thân. Mẹ Nấm biết sợ nhưng mẹ Nấm phải sống thật với chính mình. Cô ấy vẫn đang viết đang nói dù vẫn có nỗi sợ bị bắt bớ. Nhà thơ Hữu Loan sợ những đồng chí phản thùng của mình và sợ cả cái đảng vô nhân nên bỏ về quê thồ đá tự mưu sinh để không dây vào với đám hủi. Ngay cả nhà đấu tranh dân chủ Lưu Hiểu Ba cũng sợ vì cảm thấy tội lỗi khi để những người thân thuộc bị quấy nhiễu, đàn áp bởi nhà nước độc tài TQ. Nhưng những người nêu trên không thể làm điều khác hơn là sống thật. Họ nhắc nhở chúng ta nên giữ lại chút tự trọng của con người để sống thật và không nên sợ quá đáng.

Bộ Chính Trị, Trung Ương Đảng, nhà nước CSVN ứng xử như những kẻ biết sợ để sống (với nước láng giềng lớn Trung Quốc). Nỗi sợ vượt tầm quốc gia này thẩm thấu vào xã hội, ăn sâu vào mọi cơ cấu truyền thông, phân bộ ngoại giao, guồng máy quân đội, công an. Cơ cấu truyền thông không dám thông tin sự thật, và tự kiểm duyệt hoặc nói theo mệnh lệnh từ trên đưa xuống. Bộ máy công an bạo lực tha hồ đàn áp người dân thì tự bảo họ rằng "còn Đảng còn mình". Bộ ngoại giao thì phát biểu lấy lệ cho có, chỉ phát biểu nội bộ với dân mình, nói kiểu huề vốn, chứ không dám đứng thẳng cột xương sống lên tiếng đáp lại người láng giềng ngang ngược. Người dân bị cấm đoán, không được phép có phản ứng nào trước nỗi sợ vượt tầm quốc gia này—một nỗi sợ tạo tâm lý trầm uất da diết với nỗi buồn nhược tiểu. Người dân dù phẫn uất vẫn không được phép tỏ lộ phản kháng.

Phó thường dân chúng ta cần một cuộc giải phóng—một phong trào giải thực tâm thức vượt thoát nô lệ sợ hãi nô lệ tư tưởng để sống như một con người có quyền làm người, có quyền công dân trong tự do, dân chủ.

Làm thế nào?

Ý thức là chìa khóa.

Ta phải phản kháng dù sợ, dù tiếng nói mình vẫn còn run rẩy vì "khi ta câm lặng ta vẫn ôm nỗi sợ".2

Phản kháng những việc nhỏ nhất trong tầm tay, trong khả năng. Mở miệng. Động não. Khởi tâm. Chúng ta phải tự chuyển biến mình từ những người đứng bên lề thành những nhân chứng trong cuộc. Chúng ta phản kháng bằng cách trở thành nhân chứng khi mục kích những ai bị áp bức, bất công. Không dửng dưng, không đứng bên đường mặc kệ những sai trái trước mắt. Thấy người ngã, nâng đỡ và vực họ dậy. Thấy người bị bịt miệng, lắng nghe với tấm lòng và lên tiếng cùng với họ.

"Những ai không thực hiện những hành động phản kháng, dù có vẻ nhỏ bé tới đâu hay xem chừng không đáng kể gì, là người đồng lõa mang tội dung dưỡng để cho những tội lỗi này tiếp tục diễn ra. Những ai tự lừa dối bằng cách không hành động gì cả để tin mình là kẻ ngây thơ vô trách nhiệm. Họ thật ra không phải vô tội."3

http://vietsoul21.net/2010/12/25/pho-thuong-dan-3/

© 2010 VietSoul:21



NOTES:

[1] Một người Việt Nam cả đời kiểm điểm, Yên Ninh, danlambao.com

[2] Kinh cầu cho sự sống còn (Litany for survial), Audre Lorde, trong tuyển tập thơ "the black unicorn"

[3] "Happy as a hangman" (Hạnh phúc như tên đao phủ), Chris Hedges, Truthdig Op-ed, Dec 06, 2010

"Those who do not carry out acts of rebellion, no matter how small or seemingly insignificant, are guilty of solidifying and perpetuating these crimes. Those who do not act delude themselves into believing they are innocent. They are not."


Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment