31 October 2011

CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM: Một chế độ Ngược lòng dân và Phản thời đại

CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM: Một chế độ Ngược lòng dân Phản thời đại

 
Nguyễn Kha

… Dưới nền Đệ Nhất Cọng hòa, dù Hiến Pháp 1956 đã bộc lộ rõ ràng tính phi dân chủ của nó, nhưng thật ra, chính thực tế sinh hoạt chính trị miền Nam trong những năm sau đó là  đối lập chính trị bị đàn áp, nhà tù chất đầy chính trị phạm, và quyền tự do báo chí bị thủ tiêu, mới là những xác quyết không thể chối cải rằng chế độ Diệm là một chế độ phản dân quyền. Những thuộc tính nỗi tiếng khác của chế độ Diệm như Gia đình trị, Công an trị, Công giáo trị,… chỉ làm mạnh thêm và rõ thêm tính độc tài của gia đình cầm quyền họ Ngô mà thôi.

Chính vì chế độ độc tài đó đã kềm hảm, thậm chí còn tiêu diệt, sức mạnh phát triển quốc gia để đối đầu với miền Bắc, lại chẳng đem lại ấm no và tự do cho đồng bào miền Nam, nên chỉ trong 7 năm cầm quyền (từ khi ông Diệm làm tổng thống vào tháng 10/1956 đến khi chế độ của ông sụp đổ vào tháng  11/1963), người dân miền Nam đã 7 lần chống đối lại chế độ của ông:

1-    Tháng 2/1957, hàng giáo phẩm Cao Đài đã ủng hộ cho một tín đồ tên là Hà Minh Trí mưu sát ông Diệm tại Hội chợ Xuân Tây Nguyên ở thành phố  Ban Mê Thuột, với lý do là để trả thù cho tướng Trình Minh Thế và cho tín đồ Cao Đài bị đàn áp khiến Hộ pháp Phạm Công Tắc phải tị nạn qua Cam Bốt. Súng bị két đạn, mưu sát không thành, ông Hà Minh Trí bị cầm tù đến sau 1963 mới được thả ra. Nhưng cũng từ sau vụ mưu sát đó, trong mỗi bài diễn văn, ông Diệm lại dùng câu "Xin Ơn Trên che chở cho chúng ta" [Que Dieu nous protège!] để kết bài.

2-    Tháng 5/1957, không chịu được nền độc tài gia đình trị và chính sách trả thù Quốc Dân đảng thông qua chiến dịch chống Cọng bừa bải, Đai Việt Quốc Dân đảng "thành lập chiến khu Ba Lòng tại vùng rừng núi phía Tây tỉnh Quảng Trị nhằm mục đích chống lại chế độ gia đình trị của Nhu-Diệm, đồng thời cũng là cơ hội dẹp tan các âm mưu cố thủ của Cộng Sản tại nam vĩ tuyến 17." [Trích từ Website chính thức của Đại Việt Quốc Dân Đảng http://daivietquocdandang.org/2010/02/16/lichsudang-2/]Tuy nhiên, dưới sự điều động sắt máu của ông Cố vấn miền Trung Ngô Đình Cẩn, quân đội đã dẹp được chiến khu nầy. Một phần lớn các đảng viên bị bắt và tù đày. Từ đó, mâu thuẫn giữa đảng Đại Việt và chính quyền Ngô Đình Diệm không những không hàn gắn được mà càng lúc càng sâu sắc thêm.

3-    Tháng 4/1960, mười tám nhân vật tên tuổi của miền Nam họp tại một khách sạn ở trung tâm thủ đô Sài Gòn để công bố một Bản Tuyên Ngôn chỉ trích và lên án ông Diệm đã không đem lại cho dân chúng một cuộc sống tốt đẹp, tự do. Vì biết không thể xin họp công khai, những nhân vật nầy đã bí mật mời một số thông tín viên ngoại quốc và vài ký giả Việt Nam đến họp tại hội trường khách sạn Caravelle (vì vậy, nhóm nầy còn được gọi là "nhóm Caravelle"). Bản Tuyên ngôn gồm phần mở đầu và phần nhận định về 4 lãnh vực Chính trị, Chính quyền, Quân đội và Kinh tế Xã hội. Họ thẳng thắn cho rằng Quốc hội chỉ là tay sai của chính phủ, bầu cử chỉ là trò bịp bợm, tình trạng tham những bè phái khắp nơi, các chính đảng quốc gia bị đàn áp, quân đội chỉ là một công cụ để củng cố chính quyền chứ không được dùng để chống Cọng, lấy "sự trung thành với một đảng để tùng phục mù quáng những kẻ lãnh đạo đảng  làm tiêu chuẩn thăng thưởng"…

Bản Tuyên Ngôn kết luận:

"Cho đến nay, chúng tôi đã giữ im lặng và để cho chính quyền mặc ý hành động. Nhưng bây giờ đã đến lúc khẩn thiết, chúng tôi cảm thấy rằng bổn phận của chúng tôi - và trong lúc nước nhà gặp cảnh rối loạn thì ngay cả những kẻ hèn kém nhất cũng phải chia xẻ bổn phận này - là phải nói lên sự thật, thức tỉnh dư luận, báo động với nhân dân, và liên kết những kẻ đối lập, để cho thấy lối thoát.

Chúng tôi thỉnh cầu chính quyền gấp thay đổi chính sách để cứu vãn tình thế, bảo vệ chế độ Cộng Hòa và bảo vệ sự sống còn của quốc gia. Chúng tôi giữ vững niềm hy vọng là dân tộc Việt Nam sẽ có một tương lai sáng lạn để được hưởng thanh bình và thịnh vượng trong Tự Do và Tiến Bộ", nhưng lời "thỉnh cầu" tâm huyết và cấp thiết nầy của 18 nhân vật ưu tú nhất của miền Nam lúc bấy giờ đã bị hai ông Diệm Nhu không đếm xĩa đến. Dĩ nhiên sau đó, 18 nhân vật nầy đa số đều bị bắt bớ, tra tấn, giam cầm. Điểm đặc biệt là trong số 18 nhân vật kể trên thì có đến 10 người là cựu ân nhân, đồng chí, bạn thân và những Bộ trưởng đã từng hợp tác với ông Diệm thời ông chưa có quyền hành hay còn gặp khó khăn.

4-    Tháng 11/1960, chỉ 7 tháng sau "Tuyên ngôn Caravelle", trước những biện pháp chính trị thất nhân tâm của chính quyền Diệm và trước tình hình an ninh miền Nam càng lúc càng tồi tệ (Đầu năm 1960, sư đoàn 21 bị tấn công và thiệt hại nặng nề ở Tây Ninh, cuối năm đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời), binh chủng Nhảy Dù (với các sĩ quan chỉ huy như Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, Nguyễn Triệu Hồng, Phan Trọng Chinh, Phạm Văn Liễu, Nguyễn Huy Lợi …) cùng nhiều nhân vật đảng phái quốc gia tập họp trong Liên Minh Dân Chủ Mặt trận Quốc gia Đoàn kết đã phát động cuộc binh biến, đánh thẳng vào dinh Độc Lập, đòi ông Diệm cải tổ toàn diện cơ cấu lãnh đạo quốc gia để xây dựng lại chính nghĩa và nâng cao hiệu năng chiến đấu của quân dân miền Nam. Bị cô lập và bao vây trong Dinh Độc Lập, ông Diệm hứa sẽ đáp ứng những đòi hỏi đó nhưng thật ra ông chỉ kéo dài thời gian để chờ quân đội ở miền Tây về cứu ứng. Tin vào lời hứa đó nên quân Nhảy Dù ngưng chiến, và sau đó trở tay không kịp, bị thua nên cấp lãnh đạo cuộc binh biến một phần bị bắt đưa ra Tòa án kết tội phản loạn, một phần phải trốn sang tị nạn chính trị tại Cam Bốt. Binh chũng Nhãy Dù, từ đó, không được ông Diệm tin tưởng nữa.

5-    Tháng 2/1962, hơn một năm sau "Đảo chánh Nhãy dù", hai sĩ quan của một binh chủng khác của quân đội lại hành động: Trung úy Phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử đã bay 2 chiếc Skyrider A-1 ném bom Napalm và bắn rocket vào dinh Độc Lập với mục đích tiêu diệt đầu não của chế độ ông Diệm (Ngoài ông bà Ngô Đình Nhu ở và làm việc trong Dinh Độc Lập, hôm đó còn có TGM Ngô Đình Thục nữa). Trung úy Quốc là giòng dõi của cụ Phạm Phú Thứ, một nhà cách mạng khí khái ở Quảng Nam mà giòng họ Ngô Đình vừa ghen vừa ghét trong thời Nam triều. Còn trung úy Cử là con của cụ Nguyễn Văn Lực, một lãnh tụ của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Bom và phi tiển chỉ làm hư hại cánh trái của Dinh Độc Lập mà thôi. Máy bay của Trung úy Quốc bị phòng không Hải quân bắn hạ, ông nhảy dù và bị bắt. Còn Trung úy Cử thì bay qua Cam bốt tị nạn. Sau 1963, hai ông trở về binh chủng Không quân và tiếp tục thi hành các phi vụ oanh kích Việt Cọng trên chiến trường miền Nam. 

6-    Một năm sau, vào tháng 5/1963, chính sách kỳ thị Phật giáo của chế độ Diệm lên đến cao điểm với lệnh cấm treo Phật kỳ trong lễ Phật đản tại Huế và sau đó nổ súng giết 8 Phật tử tại Đài Phát thanh. Đây là giọt nước làm tràn sự bất công của chính sách tiêu diệt Phật giáo một cách có hệ thống để Công giáo hóa miền Nam vốn bắt đầu từ năm 1956, khi lần đầu tiên Hoà thượng Trí Thủ gửi văn thư chính thức phản đối Linh mục Vàng, giảng sư của Trung tâm Nhân Vị Vĩnh Long, đòi cắm cây thánh giá lên núi Ngũ Hành Sơn, nơi có chùa Non Nước ở Đà Nẵng (Vị Linh mục tên Vàng nầy, vào năm 1960, còn nỗi tiếng về chuyện xúi dục con chiên Nhà thờ Phú Cam đòi lại chùa Thiên Mụ ở Huế với lời giải thích quái đản rằng chùa Thiên Mụ là nơi "Mẹ của Trời", tức Đức Mẹ Maria, giáng trần nên phải trả chùa nầy lại cho Công giáo ! – (Tâm Đức,  Như Áng Mây Bay, USA 2010, trang 230.)

Kể từ năm 1956 đó cho đến suốt 7 năm còn lại, Phật giáo đã bị đối xử phân biệt, áp lực đổi đạo, đày đọa đi các vùng dinh điền trên cao nguyên, bị chụp mũ là Cọng sản, chùa chiền bị các cha xứ lấn chiếm tranh dành, công chức quân nhân Phật tử bị trù dập.

Xin ghi lại đây ba tình trạng kỳ thị Phât giáo tiêu biểu và trắng trợn mà ở miến Nam lúc bấy giờ ai cũng biết là: (a) Lễ Phật đản không được ghi trong danh sách ngày nghĩ quốc gia trong khi lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, … của Công giáo thì lại được xem như quốc lễ. Mãi cho đến năm 1957, Hội chủ Phật giáo phải làm đơn "xin", chính phủ mới "cho" nghĩ ngày Phật Đản; (b) Khi Phật tử bị ép buộc vào sống trong các khu Trù mật., Dinh điền, Ấp Chiến lược của chính phủ, họ bị đủ mọi áp bức, nhất là áp bức kinh tế để đổi đạo đến nỗi có câu vè thật ai oán rằng "theo đạo có gạo mà ăn"; (c) Nhưng quan trọng hơn cả là chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn duy trì Dụ số 10 để khống chế Phật giáo trong quy chế của một Hội bình thường, trong khi Công giáo thì không bị ràng buộc, muốn tự do điều hành và sinh hoạt sao cũng được. Ông Diệm đã truất phế vua Bảo Đại, đã thành lập nền Cọng hòa, đã thủ tiêu tất cả luật lệ thời phong kiến thực dân Tây để lại, vậy tại sao lại duy trì Dụ số 10 cực kỳ bất công và nham hiểm của phong kiến và thực dân, nếu không phải là để đạp Phật giáo xuống cho Công giáo lên ngôi vị độc tôn tại Việt Nam ?

Biến cố ở Huế sau đó trở thành cuộc đấu tranh cho nguyện vọng 5 điểm đòi bình đẳng tôn giáo. Trước sự ngoan cố của chính phủ Diệm, ngày 11/6 Hoà thương Thích Quảng Đức tự thiêu để "trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa" khiến cuộc đấu tranh của Phật giáo lan rộng ra với sự hiện diện mạnh mẽ và đông đão của sinh viên, học sinh và đảng phái. Ngày 7/7, văn hào Nhất Linh tự thiêu để cảnh báo chế độ Diệm đang làm "tội nặng mất vào tay Cọng sản". Khuya 20/8, ông Nhu ra lệnh cho Cảnh sát dã chiến và Lực lượng Đặc biệt của Đại tá Lê Quang Tung phát động chiến dịch Nước Lũ ào ạt tấn công chùa Xá Lợi, Giác Minh, Ấn Quang, Từ Quang, Therevada ở Sài Gòn và chùa chiền khắp toàn quốc, bắt Tăng Ni (riêng tại Sài Gòn là 1,400 vị) và Phật tử giam giữ, phản bội Thông cáo Chung và vu khống cho Phật giáo là tay sai của Việt cọng. Hệ quả tức thời của chiến dịch Nước Lũ là toàn bộ thành phần lãnh đạo Phật giáo bị triệt tiêu, phong trào đấu tranh của Phật giáo gần như bị tê liệt, nhưng chính vì vậy mà phong trào đã trở thành tiền đề văn hóa và sức bật chính trị cho ngày 1/11/1963 của Quân đội ba tháng sau đó.

7-    Trong ba tháng sau chiến dịch Nước Lũ để dứt điểm Phật giáo, nhiều vị lãnh đạo trên thế giới, kể cả Đức Giáo hoàng Paul VI và các tổ chức Công giáo, đã lên án chế độ Diệm. TGM Thục đến Vatican nhưng không được Giáo hoàng tiếp, bà Nhu dẫn phái đoàn Quốc hội đi "giải độc" trên thế giới bị chống đối. Cuối tháng 9/1963, Tồ chức Liên Hiệp Quốc quyết định gửi phái đoàn đến Việt Nam để điều tra tình hình đàn áp Phật giáo. Sinh viên học sinh và đông đảo đồng bào thay thế Phật tử và Tăng Ni ào ạt xuống đường biểu tình … Những tin đồn về việc ông Nhu sẽ tổ chức đảo chánh (kế hoạch "Bravo") để thay ông Diệm, nhất là tin về hai anh em ông Nhu-Diệm đang thỏa hiệp với chính quyền Cọng sản miền Bắc được truyền đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Trường học đóng cửa, quân nhân bị cắm trại 100%, nhu yếu phẩm bị đầu cơ tích trữ. Sài Gòn như bốc lữa …

Ngày 1/11/1963, quân đội phát động cuộc binh biến lần thứ ba để lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Và lần nầy họ thành công. Ngày hôm sau, 2/11, hai anh em ông Nhu và Diệm bị bắn chết. Toàn quân toàn dân trên 35 tỉnh thị miền Nam hân hoan vui mừng ngày Cách mạng.

 

Hai nhà  làm văn hóa ở  Sài Gòn đã  mô tả lại tâm tình của người dân thủ  đô trong những ngày đó như  sau:

"Từ 7 giờ sáng ngày 2-11-1963, khi đài phát thanh Sài Gòn báo tin dinh Gia Long bị quân đội chiếm thì già trẻ lớn bé lũ lượt kéo nhau đi xem. Lời hò reo, tiếng cười vang với sắc diện tươi vui của mọi người chứng tỏ sự giải thoát gông cùm kềm kẹp của độc tài đã bóp nghẹt lòng dân trong chín năm trời đăng đẳng"  (Bác sĩ Dương Tấn Tươi, Cười - Nguyên nhân và Thực chất , Sài Gòn 1968, tr.44 ).

 

Còn thi sĩ Đông Hồ thì: "Nỗi ức hiếp, nỗi căm hờn bị đè nén, bị vùi dập một cách tàn nhẫn bất công trong 9 năm trời, một sớm được giải thoát, được cởi mở, mà phản ứng chỉ có chứng ấy thì tưởng quần chúng nhân dân Việt Nam năm 1963 này cũng đã tỏ ra hiền lành nhiều lắm, và cũng đã biết tự hạn chế, tự biết kềm hãm sức giận dữ hung hãn của mình rồi đó." (Nguyễn Hiến Lê, Tôi Tập Viết Tiếng Việt, 1988, tr. 21).  

 

Ba điều đặc biệt về biến cố nầy là:

(a) Thứ nhất, ngày 1/11 không tự nó là một kết quả riêng lẽ đến từ chỉ một nguyên nhân, mà là cao điểm kết tụ của một chuổi liên hoàn nhiều biến cố nối tiếp và gối đầu lên nhau trong thời gian (7 năm bạo trị), cũng như là kết quả tất yếu kết tinh từ nhiều thành tố đan bện và kết hợp với nhau (như kỳ thị Phật giáo, đàn áp đảng phái quốc gia, bất công tham những, mâu thuẫn với Mỹ, bè phái gia đình trị, thoả hiệp với Hà Nội, …). Nói như lý Duyên Sinh của nhà chùa: "Cái nầy có là vì (nhiều) cái kia có". Do đó, nói rằng chỉ quân đội bất mãn nên lật đổ ông Diệm là một cách nói giản lược, phi lịch sử và thiếu tính hệ thống, nếu không muốn nói là bất lương.

(b) Thứ nhì, ngày 1/11 đã trình hiện rõ ràng tình trạng cô lập tuyệt đối của gia đình họ Ngô và các công cụ bạo lực của họ trước cao trào chống đối của quân dân miền Nam. Đảng Cần Lao, Sở Nghiên cứu Chính trị, Lực lượng Đặc biệt, 4 cơ quan Mật vụ Công an, Phong trào Cách mạng Quốc gia, Thanh Niên Cọng hòa, Phụ nữ Liên đớì, các xóm Đạo võ trang… tất cả đều tê liệt rồi tan rã không một phản ứng vì tính phi chánh nghĩa, nặng bè phái và kém tổ chức của bản thân từng tổ chức một. Chế độ đang tan, lãnh tụ đang bôn tẩu, cả cấu trúc chính trị và bạo lực của nó sụp đổ trong 24 tiếng đồng hồ !. Chế độ Diệm đúng là một chế độ đã tồn tại như một ốc đảo trong dân, không một chút gốc rễ trong dân.

(c) Và thứ ba, người Mỹ đã đóng một vai trò vừa quan sát vừa tham dự vào biến cố 1/11 nầy vì sự sống còn của  "tiền đồn" mà chính họ đã khai sinh, đã đầu tư cả tài lực lẫn vốn liếng chính trị trong chiến lược chống Cọng toàn cầu của họ. Chính ông Diệm chứ không ai cả, đã là nguyên nhân, từ đầu, làm cho người Mỹ có được một vai trò và thế lực áp đảo đáng kể, can thiệp quá sâu vào sinh hoạt chính trị của miền Nam sau nầy. Người Mỹ "nặn" ra ông, "bồng" ông về và "đặt" ông lên ngôi Tổng thống. Rồi quân viện và kinh viện, nhân sự và tiền bạc đổ vào miền Nam như thác đổ, từ viên đạn cho đến giọt xăng, từ lương tổng thống cho đến đôi giày bốtđờxô của anh binh nhì …  Nhưng khác với các lãnh tụ cũng độc tài nhưng vì dân tộc và tổ quốc ở Đài Loan và Nam Hàn, ông Diệm độc tài vì gia đình và vì tôn giáo của ông chứ không vì nhân dân và lý tưởng chống Cọng. Ông đã chấp nhận làm con cờ cho Mỹ, nhưng lại bất lực trong nhiệm vụ làm con cờ, rồi lại thoả hiệp với kẻ thù Hà Nội, phản bội không những "người nặn ra ông" mà còn cả cái Hiến pháp chống Cọng và quân dân miền Nam, thì Mỹ phải đồng ý với và giúp đ cho quân dân miền Nam "dứt điểm" ông là đúng rồi. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ tóm tắt trong một câu rất ngắn mà thật tuyệt đối đúng: "Bảo là người Mỹ đã giết Diệm. Không! Diệm đã chết trong lòng dân tộc từ lâu. Mỹ chỉ đến lượm xác sống của y."   [Người Việt Đáng Yêu, (Lời Mở Đầu) Nhà xuất bản Sáng Tạo, Sài Gòn, 1965. Đăng lại trên Tạp chí Việt Nam Hải Ngoại (của Luật sư Đinh Thạch Bích) số 8 ngày 15-9-1977, San Diego, Hoa Kỳ.]

 

*   *   *

Làm tổng thống 7 năm mà bị 7 lần chống đối ! Chống đối từ ôn hòa đến bạo động, càng lúc càng mạnh, từ tuyên ngôn, đến biều tình, đến ám sát, đến chiến khu, đến ném bom, rồi đến 2 lần binh biến…. Chống đối càng lúc càng sâu rộng, từ sinh viên học sinh, đến tôn giáo và trí thức, đến đảng phái và báo chí, đến đồng minh và công luận thế giới, đến quân đội…. Rõ ràng có một điều gì căn bản và trầm trọng khiến quân dân miền Nam không thể chấp nhận được chế độ Ngô Đình Diệm. Điều không chấp nhận đó có thể tóm gọn trong 2 bản chất cốt lõi của chế độ: Ngược lòng dânPhản thời đại.

Chế độ Ngô Đình Diệm đã tiêu vong, để lại bao nhiêu máu lệ cho dân tộc và ngang trái cho lịch sử. Tuy nhiên, phải thẳng thắn một điều: Lịch sử hình thành và quá trình chấm dứt của chế độ đó vẫn còn có thể đóng góp cho dân tộc ta. Đó là chế độ nầy sẽ được xem:

§        như mẫu mực của một chế độ chính trị phi dân ộc, độc tài, và thiếu khả năng. Do đó, mọi mầm mống và biểu hiện của một chế độ như thế sẽ không bao giờ được phép xuất hiện lại và tồn tại trên đất nước Việt Nam nữa.

§        như một kính chiếu yêu để chúng ta điểm mặt nhận diện cái thành phần phi dân tộc và phản thời đại nào vẫn còn ngoan cố bóp méo lịch sử để bào chữa cho chế độ nầy, tô son trét phấn cho cái quá khứ oan nghiệt của thời kỳ họ ê a hai câu kinh quái đản "Ngô tổng thống muôn năm" và "Xin Thượng đế ban phước lành cho Người".

     

Nguyễn Kha (http://www.sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenKha.php)

No comments:

Post a Comment