Giáo dục Hàn Quốc: những phát triển ngoạn mục Nói đến Hàn Quốc có lẽ trong chúng ta có nhiều người ngưỡng mộ. Hàn Quốc có vài nét giống với nước ta: phông văn hóa Khổng, đất nước bị phân chia bởi hệ chính trị, cũng trải qua chiến tranh, và cũng từng có thời là thuộc quốc (của Nhật Bản). Trong thập niên 1960s, thu nhập bình quân của Hàn Quốc không cao hơn thu nhập của người Việt (chỉ tính miền Nam). Nhưng chỉ sau 40 năm, từ một đất nước nghèo nàn và lạc hậu, Hàn Quốc đã thoát ra khỏi tình trạng nghèo khổ, và vươn lên trở thành một cường quốc công nghệ. Thu nhập bình quân của dân Hàn hiện nay là 20,510 USD, cao hơn Việt Nam gần 20 lần. Ngày nay, Hàn Quốc sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới. Sản phẩm của Hàn Quốc có mặt khắp thế giới, với giá chẳng thấp hơn so với sản phẩm từ các cường quốc kĩ nghệ bên Âu châu, Mĩ hay Nhật. Nhiều người Việt, trong đó có tôi, nhìn sự phát triển của Hàn Quốc một cách ngưỡng mộ, và tự hỏi làm thế nào mà họ cđã đạt được một sự phát triển ngoạn mục như thế, và tự hỏi chúng ta cũng có thể phát triển như họ? Không chỉ phát triển về kinh tế, mà hệ thống giáo dục đại học của Hàn Quốc cũng phát triển rất ấn tượng. Năm 1945, sau khi Hàn Quốc được Nhật trao quyền độc lập, Hàn Quốc chỉ có 7819 sinh viên, nhưng đến năm 1998 tỉ lệ ghi danh đại học đã 98%, cao nhất trong các nước thuộc khối OECD! Theo số liệu thống kê chính thức, năm 2010 Hàn Quốc có 3,2 triệu sinh viên đại học và 316 ngàn sinh viên sau đại học. Các đại học Hàn Quốc đã bắt đầu tạo được uy danh trên trường quốc tế. Đại học Quốc gia Seoul được xem là một trong những đại học hàng đầu của Á châu (đứng hạng 13) và trên thế giới (hạng 124, theo bảng xếp hạng của THES). Nhiều đại học khác như Chungnam, Chonbuk, Chonnam, Pusan, Sogang, Inha, v.v. cũng đã trở thành những cái tên đáng kính nể trong vùng và trên thế giới. Các đại học Hàn Quốc, công cũng như tư, đã thu hút sinh viên ngoại quốc (kể cả Việt Nam) đến theo học. Phát triển đại học dẫn đến phát triển khoa học và công nghệ. Hiện nay số nhà nghiên cứu toàn thời gian (full-time) của Hàn Quốc là 236 ngàn người. Con số này còn cao hơn Pháp (211 ngàn), Anh (175 ngàn), nhưng thấp hơn Đức (284 ngàn). Hàn Quốc cũng đã có một số trung tâm nghiên cứu lớn và có uy tín cao. Viện nghiên cứu tiên tiến của Hàn Quốc (KAIST), mô hình theo Viện tiên iến Nhật (JAIST), là một trung tâm nghiên cứu có tên tuổi trên thế giới. Về số lượng ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế, Hàn Quốc đã có một bước nhảy chẳng kém gì so với Trung Quốc. Năm 1990, tổng số bài báo khoa học từ Hàn Quốc trên các tập san khoa học quốc tế chỉ 1382 bài (tức xấp xỉ con số của Việt Nam hiện nay), vậy mà đến năm 2008 con số này đã là 26690 bài, tức tăng 20 lần trong vòng chưa đầy 20 năm! Những nghiên cứu mạnh của Hàn Quốc (qua số ấn phẩm khoa học) là y sinh học (chiếm 35% tổng số ấn phẩm khoa học), khoa học tự nhiên (37%) và kĩ thuật (26%). Số bằng sáng chế đăng kí ở nước ngoài (chủ yếu là Mĩ, Âu châu v2 Nhật) của Hàn Quốc tăng từ 1382 năm 2002 lên 3158 vào năm 2005. Số bằng sáng chế đăng kí trong nước thì tăng tư 45298 năm 2002 lên 123705 vào năm 2007. Cố nhiên, phát triển giáo dục và khoa học, và tăng trưởng kinh tế tương tác lẫn nhau. Tăng trưởng kinh tế tạo ra thị trường lao độg cho sinh viên đại học và cao đẳng, và cung cấp tiền cho Nhà nước đầu tư vào giáo dục đại học. Giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực cho chất lượng cao cho phát triển kinh tế. Nhưng cái vòng tròn phát triển giáo dục – kinh tế - giáo dục này sẽ không thể nào có được nếu không được sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ. Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào Chính phủ Hàn Quốc có thể tạo ra một vòng tròn phát triển ấn tượng trong 4 thập niên qua. Có thể trả lời câu hỏi này qua 3 yếu tố: phát triển giáo dục cơ sở, vai trò của trường tư, và quan tâm đến chất lượng. Giáo dục cơ sở. Quá trình phát triển giáo dục đại học của Hàn Quốc tùy thuộc một phần vào hệ thống giáo dục tiểu học và trung học. Nhìn vào bảng số liệu dưới đây chúng ta thấy số học sinh tiểu học đến mức đỉnh vào những năm cuối thập niên 1960s, và số học sinh trung học tăng đến mức đỉnh vào thập niên 1970s và 1980s. Sự tăng trưởng này tạo nên một áp lực "nút chai" cho đại học. Chính vì thế mà hệ thống đại học phải phát triển để đáp ứng nhu cầu giáo dục đại chúng. Theo một phân tích của các chuyên gia Hàn Quốc, phát triển giáo dục tiểu học và trung học cũng góp phần quan trọng vào việc tạo nên nền kinh tế công nghiệp như hiện nay. Hệ thống giáo dục tiểu học cung cấp nhân lực cho các ngành công nghiệp nhẹ trong thập niên 1960s và 1970s. Giáo dục trung học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành công nghiệp cao hơn và nặng như hóa học vào thập niên 1970s và 1980s, thời gian mà Hàn Quốc còn trong giữa giai đoạn công nghiệp hóa. Giáo dục đại học chỉ trở nên quan trọng vào thập niên 1990s khi kinh tế tri thức và kinh tế dựa vào công nghệ tiên tiến bắt đầu hình thành. Do đó, nền kinh tế của Hàn Quốc có sự đóng góp quan trọng của hệ thống giáo dục cơ sở chứ không phải chỉ giáo dục đại học. Một số con số thống kê về giáo dục của Hàn Quốc 1985 - 2010
Vai trò của trường tư. Tình trạng gia tăng nhanh chóng về nhu cầu giáo dục đại học, trong khi đó hệ thống giáo dục đại học công không thể đáp ứng nhu cầu của công chúng, nên từ đó hình thành hệ thống giáo dục tư nhân. Hơn 80% sinh viên Hàn Quốc theo học tại các đại học tư. Chính phủ khuyến khích các đại học tư thục bằng cách chuyển đầu tư cho giáo dục trung học và tiểu học sang giáo dục đại học tư. Một điều đáng chú ý là Chính phủ cho các đại học tư tự chủ về tài chính và tuyền sinh. Ngày nay, có thể nói rằng số đại học tư của Hàn Quốc có tên tuổi trên trường quốc tế không thua kém đại học công. Chất lượng giáo dục. Vì sự tăng trưởng nhanh của giáo dục đại học, Chính phủ Hàn Quốc rất chú trọng đến vấn đề chất lượng. Họ dùng 3 phương tiện để kiểm soát chất lượng. Thứ nhất là phát triển hệ tiêu chuẩn để công nhận đại học và chương trình giảng dạy (accreditation). Thứ hai, Chính phủ Hàn Quốc dùng các chỉ tiêu về thành tựu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học để cấp ngân sách cho đại học. Thứ ba, Chính phủ và giới kĩ nghệ đầu tư vào nghiên cứu khoa học và dùng nghiên cứu khoa học làm thước đo để cung cấp ngân sách cho các đại học. Hiện nay, khoảng 3.5% GDP của Hàn Quốc dành cho nghiên cứu và phát triển, và con số này thể hiện một tỉ trọng cao nhất trong các nước OECD. Mô hình giáo dục đại học của Hàn Quốc là một hỗn hợp giữa hai mô hình Đức và Mĩ. Mô hình giáo dục đại học của Đức (mô hình Humboldt) nhấn mạnh đến tự do học thuật, đào tạo những ngườielite, và cơ cấu khoa bảng rất "giai cấp". Mô hình của Mĩ mở rộng đại học cho đại chúng, sinh viên phải đóng tiền, khuyến khích tư nhân, và hệ thống tín chỉ. Do đó, giới khoa bảng Hàn Quốc ngày nay hưởng một chế độ tự do học thuật thoải mái hơn các nước trong vùng. Giáo sư được xã hội kính trọng, và ý kiến của họ được xem trọng. Cùng với việc mở rộng đại học cho đại chúng, Hàn Quốc cũng cố gắng xây dựng các đại học elite, đại học đặt nặng về nghiên cứu khoa học, và cho đến nay hai "hệ thống" đại học này song hành nhau và bổ sung cho nhau. Thật ra, trong những năm sau này, hệ thống giáo dục đại học của Hàn Quốc gần như mô hình theo hệ thống của Mĩ gần như tuyệt đối. Điều này cũng dễ hiểu vì rất nhiều giáo sư đại học của Hàn Quốc được đào tạo từ Mĩ hoặc Hàn kiều hồi hương, và những người này đã xây dựng và góp phần vào sự phát triển vượt bậc của nền giáo dục đại học Hàn Quốc. Giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế tri thức. Nhận thức được vai trò này, nên Hàn Quốc phát động hàng loạt chương trình nhằm nâng cao kinh tế tri thức của Hàn Quốc. Những chương trình như World Class University (đại học đẳng cấp quốc tế), Humanity Korea, Social Science Korea, v.v. đã được triển khai từ đầu năm 2000 và đã đem lại nhiều thành tựu đáng nể. Như nói trên, hàng loạt đại học Hàn Quốc đã lọt vào danh sách các đại học hàng đầu trên thế giới. Nghiên cứu khoa học xã hội của Hàn Quốc từ con số gần 0 ngày nay đã chiếm gần 4% tổng số ấn phẩm khoa học của Hàn Quốc. Nói tóm lại, sự phát triển của giáo dục đại học Hàn Quốc trong thời gian 40 năm qua rất đáng làm bài học đế chúng ta tham khảo. Bài học quan trọng nhất có lẽ là cần phải hoàn thiện hệ thống giáo dục trung và tiểu học trước khi có được một hệ thống đại học có chất lượng cao. Bài học khác là cần phải quan tâm đến chất lượng đào tạo trong khi mở rộng hệ thống đại học tư nhân. Bài học thứ ba là các giá trị Khổng giáo, cộng với mô hình đại học của Mĩ và Đức đã giúp Hàn Quốc có được một nền đại học hiện đại và nhân văn. Việt Nam chúng ta hoàn toàn có khả năng xây dựng một nền giáo dục đại học như Hàn Quốc, nhưng cần phải có một chương trình cải cách lâu dài và có hệ thống./. Nguyễn Văn Tuấn |
23 November 2011
Giáo dục Hàn Quốc: những phát triển ngoạn mục
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment