22 January 2012

Đi Hội Hoa Xuân để nhớ ngày nào

Đi Hội Hoa Xuân để nhớ ngày nào

Văn Quang

Thưa bạn đọc, bài này đến tay bạn, có lẽ đúng vào những ngày Tết Nhâm Thìn, cái Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc, hoặc bạn sẽ đọc vào những ngày đầu mùa xuân. Bạn đã nhận được quá nhiều lời Chúc Tết qua điện thọai và những tấm bưu thiếp rất đẹp. Nhưng theo phong tục cổ truyền của người Việt chúng ta, tôi cũng xin kính chúc quý bạn một năm mới Khỏe Mạnh - Vui Vẻ - Nhiều may mắn.

Dưa hấu vuông và hình thỏi vàng

Những lời chúc đầu năm của tôi hết sức chân thành. Bởi có lẽ khi tuổi đã cao mới thấy được sức khỏe chính là điều đầu tiên chúng ta cần hơn cả. Sau đó mới đến sự vui vẻ trong một thân tâm an lạc. Là đại tỉ phú hay nghèo mạt rệp mà không yên ổn trong cuộc sống thì cũng chẳng mang lại hạnh phúc thật sự cho mỗi người.

Cuối cùng là chúng ta cần đến sự may mắn trong mọi trường hợp. Trong mọi gian nan nguy hiểm, chính sự may mắn đã giúp chúng ta vượt qua tất cả. Sự may mắn quyết định số phận con người. Tôi vẫn tin vào điều đó qua những kinh nghiệm sống suốt một đời người. Chính vì thế tôi cầu mong bạn đọc sẽ gặp được tất cả những thứ đó. Những thứ không mua được, quả thật tôi cũng chẳng hiểu tại sao nó đến với người này mà không đến với người khác. Người ta gọi là "cái số". Vâng, tôi cầu chúc các bạn sẽ gặp được cái "cài số may mắn" đó ngay từ đầu mùa xuân Nhâm Thìn.

Tôi viết bài này chỉ còn 2 ngày nữa là đến Tết. Ở Sài Gòn - hay nói chung ở VN - chộn rộn lắm rồi. Những chuyến tàu xuôi ngược, những tất bật vội vàng của người đi sắm Tết, những cửa hàng cửa hiệu đầy những hoa đèn, những bao lì xì đỏ rực, những câu đối vàng chóe, những cành mai cành đào thật và giả  lẫn lộn … tất cả những thứ đó đẩy cho tâm trạng con người càng thêm xôn xao. Theo tôi thì những ngày giáp Tết mới chính là những ngày vui nhất. Từ nhiều năm nay, một số lớn người VN có anh em, họ hàng, con cháu ở nước ngoài thăm hỏi tới tấp, quà gửi tưng bừng và nỗi nhớ nhung càng làm gần thêm tình nghĩa. Nhưng đến đêm Giao Thừa, dường như mọi con tim lắng xuống, không khí bỗng trở nên trang trọng hơn, những lo toan tạm thời khép lại, để cho Năm Mới tràn vào với những ước nguyện như đang thành hình trong từng con tim, từng khuôn mặt. Mọi người nói năng thận trọng hơn, thái độ hòa nhã hơn, lịch thiệp hơn và cuộc sống như lại bắt đầu sang một trang mới. Thế nên trước Tết thường vui vẻ, chộn rộn hơn những ngày Tết.

Tính quẩn chuyện đời
Nhân dịp cuối năm, xin bạn cho tôi "tính quẩn chuyện đời" để đánh dấu một năm lận đận. Tôi "tả oán" vài lời của một anh " làm dâu trăm họ" tức là anh hành nghề viết báo. Có lẽ nó cũng gần giống với những bạn đồng nghiệp khác của tôi, chỉ khác chút xíu là tôi "đa mang" quá. Những ông khác chỉ cộng tác với một tờ báo đã tóe khói, còn tôi cộng tác với nhiều báo, nhưng thật ra cũng chỉ có 1 bài gửi chung cho nhiều báo khác nhau. Các vị có trang web riêng, có blog cứ "tự nhiên" xài chung, càng vui.

Trong khi cả thành phố đang tấp nập, nháo nhác và hàng xóm đang sửa soạn lại nhà, sơn cửa, rủ nhau đi chơi chợ Tết, đi sắm Tết thì những anh viết báo như tôi vẫn cặm cụi với chiếc computer ngồi lo "chuyện bao đồng". Riêng với tôi thì càng "lôi thôi" hơn. Bạn bè nhiều, ân tình cũng lắm nên suốt những ngày Tết chẳng bao giờ được nghỉ ngơi. Báo này nghỉ thì báo kia vẫn ra đều đều, "ông ra thì bà nghỉ, bà ra thì ông nghỉ" nên chẳng tuần nào được rảnh rang. Báo nào tôi cộng tác thường xuyên, cứ gửi bài chậm là các ông ấy kêu toáng lên, e mail, điện thoại hối thúc như hò đò. Có ông lại nghĩ "chắc có vấn đề rồi đây". Vấn đề ở đây là các ông ấy lo cho tôi bị "hỏi thăm sức khỏe" như cái cú bị "sờ gáy, nắn gân" hai năm trước. Tôi lại phải lo viết bài sớm để anh em đỡ lo cho mình. Không có mùng một Tết và cũng chẳng có mùng hai. Làm tuốt luốt.

Xin tâm sự thành thật với bạn đọc, tôi làm thế không phải vì mưu sinh mà vì "cái nghiệp" không bỏ được và cũng không bao giờ bỏ được những tờ báo của bạn bè. Phần khác cũng vì không viết thì chẳng biết làm gì. Viết để thấy mình còn được sống và viết những điều cần phải viết để thấy mình không sống thừa. Con đường mình đã chọn thì phải đi cho hết. Buông mặc mọi thủ đoạn hiểm độc, mọi toan tính vu khống, mọi chông gai phía trước.

Bạn gần không có, bạn xa chưa về      
Tôi biết năm nào ở Sài Gòn cũng chăng đèn kết hoa ở những con đường trung tâm thành phố. Nhưng với tôi, dường như kiểu tổ chức đó "xưa" rồi. Lại  "bình mới rượu cũ" thôi, chẳng còn gì đáng phải chú ý nữa. Cả tháng nay tôi không ra đến đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ làm gì. Phần khác vì có cái xe gắn máy cho thằng cháu vừa lên đại học, nhưng nhà nghèo quá, không đủ tiền mua xe, dù là một cái xe cũ. Tôi nghe anh tôi kể lại, thằng cháu cứ để dành được vài trăm ngàn lại đem gửi bà nội để khi lên đại học mua xe. Vậy mà đến lúc lên đại học, nó chỉ có chưa đầy một triệu, trường rất xa, có thể nó sẽ phải bỏ học. Mủi lòng và sợ thằng cháu bỏ học nên "bàn giao" ngay xe và giấy tờ cho nó. Ở Sài Gòn mà không có xe đồng nghĩa với… không có chân. Thế là tôi trở thành "người không chân".

Thêm nữa, vào cái tuổi tôi, phản ứng chắc chắn đã chậm nhiều nên lái xe gắn máy không còn vững vàng như "anh hùng xa lộ" thuở xa xưa. Đi đâu một mình thì giao mạng cho anh xe ôm. Còn cái tật thứ ba là lười. Ở nhà mãi thành quen, chẳng muốn đi đến đâu cho yên thân. Một điều quan trọng hơn cả là không có bạn, hay đúng hơn là thiếu bạn tâm giao. Ở một nơi như trong cái xã hội này, người ta đánh mất niềm tin, khó sống chân thật, nhiều người buộc phải nói dối, phải sống hai mặt. Ngoài mặt hoan hô, trong lòng đả đảo rồi thành thói quen. Thế nên lại phải hạn chế tối đa sự giao thiệp. Cái tâm sự "bạn gần không có, bạn xa chưa về" là sự cô đơn và cũng là sự "lưu lạc" ngay trên quê hương mình.

Tôi thường "quan sát" các sự kiện qua đài truyền hình, qua báo chí và trên mạng internet, đôi khi qua điện thoại. Còn dư luận thì ra quán cà phê đầu ngõ, đầu chợ Bàn Cờ, tha hồ nghe người dân "bình luận" đủ thứ trên đời, nhất là mấy anh thợ cắt tóc là "trung tâm tin tức" của khu dân cư. Đây là thứ tin tức "thật" nhất, sống động nhất, không sợ bị thổi phồng hay bóp méo. Người ta nói, người ta kể, người ta bàn từ trong tâm, cái "tâm" của người chất phác, không được thua gì trong mọi biến chuyển thời cuộc.

Các "đẳng cấp" chơi hoa tết
Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, tôi dành một buổi để đi  chơi hội hoa xuân vào một trong vài ngày cuối cùng của năm. Ở đây có thể bắt gặp những người đi "mót hoa cuối mùa", tức là đảo qua các khu chợ hoa vào ngày cuối cùng 29 hoặc 30 Tết. Lúc đó các chủ vựa hoa từ lục tỉnh lên, ế hàng, hoa Tết không bán được chỉ có nước mang về làm củi. Họ bán tống bán tháo để khỏi mất công, mất của chở hoa về. Dĩ nhiên những thứ hoa đó chỉ là loại rẻ tiền. Vậy mà đôi khi cũng chọn được một vài cành ưng ý mang về chưng để các con nó mừng, bà vợ không tủi thân.

Có ba loại "chơi hoa Tết". Loại thứ nhất là các đại gia, đại công ty, mua tận vườn những loại hoa cảnh quý hiếm. Năm nay có loại bonsai lên tới vài chục tỉ đồng cũng có "đại gia" tranh nhau mua. Ngay cả đến loại trái cây như dưa hấu, trái bưởi cũng được "trồng ép" thành những hình thù lạ mắt. Mấy năm trước đã có dưa hấu vuông, năm nay lại có dưa hấu hình bầu, bưởi hình nậm rượu, năm sau chắc chắn sẽ có dưa hấu hình chiếc xe hơi.


Anh Trần Thanh Liêm  ở Cần Thơ đã tạo hình được 4 cặp dưa hấu hình xe hơi


Những thứ "hàng độc" này được bán với giá trên trời, không thể nói nó gấp bao nhiêu lần trái cây thường. Có khi một cặp bưởi ở chợ này giá 500 ngàn đồng, ở chợ khác giá gần hai triệu. Vậy mà chỉ vài hôm là thứ "trái cây siêu đẳng" này cũng hết sạch.

Loại thứ hai là loại trung lưu nhưng thích "đẳng cấp", đi chọn hoa ngay từ phiên khai mạc để có loại hoa quả quý hiếm, có giá chừng một hai triệu, chứ chưa dám "trèo cao" như các "quý sờ tộc" và đại quan, đại gia.

Loại thứ ba là loại đợi "chợ chiều" mua hoa giá "bèo" vào ngày cuối phiên chợ như tôi đã nói ở trên. Còn dân lao động chân tay lam lũ, loại được coi là "thành phần nồng cốt chính hiệu", dường như chẳng bao giờ biết đến thú chơi hoa. Thú "chơi cơm" còn chưa đủ lấy gì ra mà chơi hoa?! Nhìn vào đó thì đủ biết cái khoảng cách giàu nghèo hiện nạy ở VN lớn như thế nào? Và cái khoảng cách ấy sẽ mang lại hậu quả như thế nào trong tương lai? Chắc bạn đọc đã có thể dự đoán được.

Vài điều đặc biêt của Hội Hoa Xuân năm nay
Hội Hoa Xuân ở vườn Tao Đàn Sài Gòn mới khai mạc hôm 25 tháng chạp. Hôm sau, tôi rủ Thanh Saigon, một cây bút mới rất tháo vát, đi thăm Hội Hoa Xuân. Ngồi sau chiếc xe gắn máy loại "phổ thông" nhất Sài Gòn, chúng tôi đến Phở Hòa dằn bụng trước khi vào "công tác". Đây là tiệm phở bò khá nổi tiếng trước và sau 1975. Phải thú nhận với bạn là lâu lắm rồi tôi mới ghé qua hàng phở này. Giá cả không "mềm" và cũng không "sang" như quán Phở Ta của bà Tuyết Mai, nay đã đóng cửa, nghỉ khỏe. Thường là tôi ăn sáng với những món "đặc sản chợ Bàn Cờ". Bánh cuốn, bún ốc, bún riêu, sôi lúa, cơm tấm bì, bún  bò, bún mọc, bún thang… không món  nào quá hai chục ngàn đồng. Đấy là tính theo thời giá mới sau khi xăng tăng giá. Giá cũ chỉ có 15 ngàn đồng trở lại. Lâu lâu có bạn bè chở đi mới chịu khó mò đến hàng phở có tiếng và dĩ nhiên giá tiền cũng tham gia vào cái sự nổi tiếng này. Nó gấp đôi, gấp ba giá bình dân của chợ Bàn Cờ. Cửa hàng lúc nào cũng đầy ắp khách từ nhà dưới đến trên lầu. Muốn ăn sang môt tí thì cũng phải chịu đựng một tí. Ngồi giữa chốn ba quân, nghe tiếng ồn ào cũng đủ nhức đầu. Khách vào đây chỉ để ăn rồi nhanh chóng ra đi, không có thì giờ tán chuyện gẫu ở đây.

Gần 9 giờ, chúng tôi đến vườn Tao Đàn. Trước hết gặp một sự ngạc nhiên lớn là chỗ gửi xe gắn máy chỉ có giá hai ngàn, xe đạp một ngàn đồng. Đó là chỗ lực lượng Thanh Niên tự nguyện tổ chức, làm gương cho những nơi khác. Có những chỗ gửi xe hè phố vào "thời điểm cắt cổ" này, giá trời ơi, có khi lên tới ba bốn chục ngàn là chuyện thường ngày ở huyện.

Con đường dẫn vào khu Hội Hoa Xuân được chào đón bằng hai con rồng uốn khúc, được uốn ghép bằng hoa lá cành chạy dài theo hai bên cổng. Khách đến thăm vẫn còn thưa thớt. Hầu hết là khách du lịch hoặc những bà con ở nước ngoài về thăm gia đình, đến xem hoa, chụp hình kỷ niệm. Hội Hoa Xuân chia làm nhiều khu, trưng bày từng loại hoa riêng biệt, nhưng cũng không khác năm trước bao nhiêu. Khu hoa lan, khu tiểu cảnh, khu cây khô, khu hoa mai, khu bonsai, khu trang trí, khu trưng bày cá cảnh. Ban tổ chức đã dành riêng một khu vực để trưng bày những biểu tượng về biển đảo, nổi bật là cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa làm bằng hoa chính giữa khu trưng bày.

Một biểu tượng của đảo Trường Sa

Được chú ý nhiều nhất của hội hoa là những chậu hoa lan xanh nổi bật giữa rừng hoa vàng hoa đỏ. Màu sắc rất lạ, hoa lá xum xuê che kín, không nhìn thấy thân và cành. Một điểm đặc biệt nữa của hội hoa năm nay là loại hoa đất sét. Mẫu hoa độc đáo này làm từ... đất sét. Mới du nhập về Việt Nam vài năm gần đây nhưng hoa đất Nhật Bản ngày càng chiếm được cảm tình của nhiều người vì sự lạ mắt, độc đáo, tươi tắn như hoa thật. 

Cây chuối được làm bằng đất sét rất tinh xảo.

Đất sét trắng được nhập từ Nhật Bản, sau đó được pha trộn với các màu khác nhau để tạo nên các loại thân, cành, lá hoa, treo khô lên từ 4 đến 5 tiếng. Tùy từng chất liệu bình được chọn để cắm mà giá có thể từ vài trăm đến vài triệu. Tôi đặc biết chú ý đến cây chuối nhỏ làm bằng đất sét, màu sắc như thật với những buồng chuối có những nải chuối và hoa chuối nhỏ xíu rất dễ thương, bày trên bàn hay trong tủ kính sẽ rất lạ. Hoa đất có màu sắc sặc sỡ, thậm chí theo nhiều người còn khen đẹp hơn cả hoa thật, lại không cần tưới tắm, chăm sóc công phu. Nếu chăm sóc tốt những bình hoa này có tuổi thọ từ 3 đến 10 năm.

Những hình bóng cũ
Chúng tôi tìm đến khu bày bán những đặc sản từ miền Trung miền Bắc mang vào. Khu này thường được bày ở bên nhà Văn Hóa Lao Động, cạnh vườn Tao Đàn. Nhưng năm nay không thấy những gian hàng của các "nghệ nhân" từ chùa Non Nước mang vào nữa mà chỉ thu hẹp thành  những gian nhỏ phía gần ngoài cổng Hội Hoa Xuân. Cũng không thấy chị gốm Bát Tràng bày hàng loạt đồ gốm thô đặc biệt của làng quê miền Bắc này.
Tôi nhớ đến khoảnh bảy tám năm trước, đi cùng Phan Nghị,  Vương Đức Lệ đến những khu này. Phan Nghị "tám" vớ vẩn với chị bán hàng gốm Bát Tràng vui như pháo tết. Chị bán một bộ đĩa gốm có ba chữ Phúc - Lộc - Thọ. Nhưng tôi chỉ mua có hai chữ Phúc và Lộc. Chị hỏi tại sao, tôi giải thích gọn gàng là tôi trên 70 rồi, còn mua chữ Thọ làm gì nữa. Trời thương cho sống đến tuổi này đã là may.

Chị cười rất duyên và nói "Sao mà bác giống bố cháu thế, ông cũng nói vậy".

Đến nay tôi còn treo hai chữ trên hai cái đĩa Bát Tràng đó giữa nhà. Tôi nhớ năm sau tôi đi một mình, nhà chị gốm Bát Tràng hỏi thăm "ông vẫn đi với bác đâu"? Tôi nói ông ấy quy tiên từ giữa năm rồi. Chị Bát Tràng ngẩn người rồi thở dài ngậm ngùi: "Đời người ngắn quá bác nhỉ. Bác thắp giùm cháu nén hương cho ông ấy nhá". Chị không biết tên ông khách và ông khách cũng chẳng biết tên cô bán hàng, chỉ gọi là cô gốm Bát Tràng, vậy mà họ vẫn nhớ nhau.

Hai ba năm nay tôi không gặp lại "cố nhân" đó nữa. Chẳng biết năm nay cô trôi giạt phương nào. Nhưng tôi vẫn nhớ hàm răng trắng đều và đôi má thoáng đỏ khi nụ cười của cô sáng rỡ. Tôi nhớ Vương Đức Lệ ngày nào hiền lành lặng lẽ đi bên tôi và giục tôi mua bức tượng đất bọc nhung đỏ mang hình thiếu nữ phương Tây, ngực trần, uốn éo đội bầu nước, có thể dùng để cắm hoa. Hơn mười năm rồi, tôi vẫn còn để bức tượng đó bên chiếc máy truyền hình. Bây giờ hai ông bạn tôi đã ra người thiên cổ, nhưng ngày nào tôi cũng nhìn thấy hình bóng hai ông này qua những kỷ niệm của Hội Hoa Xuân.

Thật ra trong nhà tôi chỉ có vài thứ quý nhất, đó là những kỷ niệm rất nhỏ của bạn bè. Một chai rượu, một cái bật lửa, một chiếc ly thủy tinh… đều in dấu của một người còn sống hay người đã mất. Họ vẫn ở bên nhau và bên tôi. Gia tài của tôi chỉ có thế.

Chợ Lớn năm nay có gì lạ?
Hơn 10 giờ, Thanh Sài Gòn chở tôi vòng qua đường hoa Nguyễn Huệ. Vào buổi sáng nên khách đến thăm còn rất thưa. Ngắm nhìn toàn cảnh đường hoa năm nay, có nhiều nét khác nhưng tổng thể thì vẫn như năm cũ. Nếu năm trước là chiếc cầu khỉ thì năm nay là chiếc guồng nước, nếu năm trước là khu hoa lan thì năm nay là khu đồng ruộng thôn dã… Dù sao con đường hoa cũng làm cho Sài Gòn mới hơn, song chỉ mới cái bề ngoài. Ghé qua khu chợ Huỳnh Thúc Kháng, mang tên Chợ Trời, cũng chẳng có gì lạ so với những ngày thường. Chúng tôi phóng xe vào Chợ Lớn thử xem đồng bào ta và người Việt gốc Hoa ăn Tết ra sao. Nhưng ngay từ đầu đường Trần Hưng Đạo, từ sau siêu thị Nguyễn Kim, không khí vắng ngắt, cứ như không có mùa xuân từ đây. Mọi sinh hoạt vẫn bình thường lặng lẽ. Suốt chiều dài đó, kéo vào tới Chợ Lớn, gặp nhà hàng Đồng Khánh, vẫn thưa thớt. Lác đác trên vỉa hè có mấy hàng treo lủng lẳng những chùm hoa giả, phong bao, câu đối nhưng chẳng có khách nào viếng thăm. Mọi thứ như chỉ có cái Tết uể oải như chiếu lệ.

Đi sâu hơn vào dãy phố chính Trần Hưng Đạo, nơi có những nhà hàng lớn cũng chẳng hơn gì. Đường phố ở đây thông thoáng, khác hẳn Sài Gòn tấp nập. Trước năm 1975, nếu muốn đi "ăn tiệm", hầu hết phải tìm vào Chợ Lớn mới có nhà hàng sang và món ăn ngon đủ kiểu. Phố ăn chơi chính là dãy phố này, nơi có nhà hàng lớn như Đồng Khánh, Bát Đạt, Arc En Ciel, Versaille…tôi không thể kể hết. Trước đây nhà hàng ăn Bát Đạt nổi tiếng với những món ngon, khách sạn chỉ là phần phụ.


Nhà hàng Bát Đạt bây giờ chỉ còn là khách sạn
 
 
Nhà hàng Arc En Ciel ngày nay, chiếm cả khu nhà hàng ăn thời xưa.
 

Nay thì khác, Bát Đạt chỉ còn là khách sạn, không có hàng ăn. Arc En Ciel cũng chẳng hơn gì, mặc dầu cái mặt tiền được trang trí "hoành tráng" hơn xưa. Hầu như tất cả những tiệm ăn, tiệm nhảy, nơi chốn ăn chơi đều đã chuyển hết về những khu phố Sài Gòn. Chúng tôi kiếm một quán ăn trưa cũng khó. Cái phồn thịnh năm xưa của Chợ Lớn đã hết thời, chính vì thế nên khách du lịch và người Việt ở nước ngoài về VN không còn chú ý và nhiều ông còn không bước chân vào Chợ Lớn nữa. Người ta quên phần đất này rồi. Nhưng tôi thì không thể quên, khi đi qua con đường xưa, nhà hàng cũ, những hình bóng của những người bạn thân quen hơn 30 năm xưa lại ùa về, không thiếu một ai.

Tôi đi Hội Hoa Xuân và đi Chợ Trời, nhảy vào Chợ Lớn chỉ là để tìm lại những hình bóng bạn bè từ thuở xa xưa. Mỗi năm một lần đi tìm ngày tháng cũ mang theo vào Năm Mới cho cuộc đời bớt quạnh hiu./.

Văn Quang 

No comments:

Post a Comment