06 January 2012

VN chưa có tầng lớp trí thức đúng nghĩa?!



Thư bạn đọc
VN chưa có tầng lớp trí thức đúng nghĩa?!

Trương Phước Trường


Phản hồi nhân đọc bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư Chu Hảo trên BBC, mà Diễn Đàn đã giới thiệu trong mục "Thấy trên mạng" ngày 2.1.2012

"Với đúng định nghĩa về trí thức mà tôi hiểu, thì thực sự chưa hình thành ở Việt Nam từ sau năm 1954 và sau năm 1975 cho tới bây giờ"
"... Khả năng độc lập tư duy, khả năng dám bảo vệ chính kiến của mình, khả năng dự báo và tạo ra dư luận lành mạnh trong xã hội chưa có nhiều. Và tôi nghĩ đấy là điều đáng thất vọng"

Giáo sư Chu Hảo nói với Quốc Phương của BBC. chủ nhật, 1 tháng 1, 2012.

Nếu"trí thức" được định nghĩa theo các tiêu chuẩn như trên, tức là: (1) khả năng độc lập tư duy,(2) khả năng dám bảo vệ chính kiến của mình,(3) khả năng dự báo và tạo ra dư luận lành mạnh trong xã hội"thì có lẽ phải đi tìm trí thức, không phải trong các tổ chức chính trị, các giai tầng xã hội, các nền văn hoá trên cơ bản đã không có sự khuyến khích và tôn trọng sự độc lập tư duy nói trên. Đưa ra một ví dụ đơn giản: ngay cả trong cơ cấu của một trường đại học mà trên lý thuyết rất là "tự trị",nhưng nếu luôn luôn có sự giám sát, kiểm soát, quản lý, từ các tổ chức chính trị bên ngoài đại học xen vào thì khó lòng mà có sự "độc lập tư duy". Nói chi đến các tổ chức, các viện nghiên cứu không thuộc vào đại học và nằm dưới sự kiểm soát hoặc quản lý của một cơ quan của chính phủ, lại càng khó mà có sự "độc lập tư duy".Tại các quốc gia Tây Phương, đa số các tổ chức nghiên cứu dù là "độc lập" trên lý thuyết, nhưng nếu nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ thì thường thiếu sự độc lập tư duy để mà đưa ra các"dự báo"hoặc "tạo ra dư luận lành mạnh trong xã hội"vì thông thường, nếu các "dự báo" nầy không có lợi cho đường lối của chính phủ thì sẽ bị coi là "không lành mạnh"và thường sẽ bị gói nhẹm.

Đó chỉ là bàn về vấn đề độc lập tư duy mà thôi. Còn nếu muốn đề cập đến vấn đề "dám bảo vệ chính kiến của mình" thì có lẽ, ta phải "thông cảm"với người trí thức hơn một chút. Họ là những người chân yếu tay mềm, làm công việc lao động trên lãnh vực trí óc, chứ không phải là các chiến sĩ trong quân đội, cũng chẳng phải là các tay tài phiệt trong khu vực thị trường. Vậy thì họ lấy "sức mạnh vất chất" nào để mà đương đầu với các thực tế của dùi cui (nếu không kể đến súng đạn)? "sức mạnh kinh tế"nào để mà giữ vững được đời sống, tiếng nói, và suy nghĩ độc lập của mình mỗi khi phải đứng trước sự chọn lựa về miếng cơm manh áo cho gia đình và con cái của họ và khả năng "độc lập tư duy". Dĩ nhiên lúc nào cũng sẽ có những nhà trí thức can đảm và anh hùng. Nhưng có lẽ muốn tìm cho ra được những nhà anh hùng ấy, tại một quốc gia thiếu sự độc lập và tự do trung thực trên phương diện chính trị cũng như kinh tế, có lẽ người ta phải cần lặn lội, mò thật sâu dưới lòng đáy của xã hội, mới mong tìm thấy được họ, chứ không phải dễ gì mà nhìn ra, nhất là nếu chỉ nhìn lên trên nơi các địa vị "chóp bu" trong xã hội.

Trí thức của một quốc gia, có lẽ cũng như các nguồn tài nguyên khác của một xã hội, lúc nào cũng có và có lẽ mãi mãi vẫn sẽ còn, không nhiều thì ít. Tuy nhiên, cái vấn đề khó khăn và quan trọng không phải là "tìm thấy" được họ nhưng thật sự là tìm ra để rồi làm gì? Để mà phung phí nó bằng các sự quyến rũ họ với hư danh và tước quyển? Hay để vùi dập họ mỗi khi các tia sáng trong tinh thần trí thức của họ có khả năng chiếu thẳng vào các bóng đen trong xã hội? Chỉ khi nào người ta biết quý trọng tri thức, biết thưởng thức cái vẻ đẹp tinh anh của nó mặc dù có thể sẽ bị "châm chích" nhức nhối mỗi khi phải "va chạm" với các "gai" sắc bén của nó, lúc ấy người ta mới thật sự là con người "đi tìm" trí thức. Còn nếu không, khi chỉ đi tìm một cách gượng gạo và giả tạo thì càng tìm, người trí thức sẽ càng lẩn tránh. Trí thức chỉ có thể sinh sống bình thường và có cơ hội phát triển nẩy nở ở trong một môi trường cũng không kém sự bình thường nhưng chỉ cần với không khí trong lành của sự tự do cởi mở. Ngược lại, càng "ưu đãi trí thức" nhưng lại bóp chặt sự tư do suy tư của họ, càng quyến rũ họ với bao nhiêu sức mạnh của quyền lợi và địa vị, nhưng lại thắt chặt các cơ hội cho trí thức được tự do phát minh, cạnh tranh, thi đua, phấn đấu thi chỉ làm cho tinh thần trí thức của họ càng lúc càng trở nên lụn bại, èo ẹp, ỷ lại. Bề ngoài của một tầng lớp trí thức ỷ lại có thể rất xinh đẹp như các cây "kiểng" trong các toà nhà nguy nga tráng lệ, nhưng bên trong nó không bao giờ có thể có tinh thần tự lâp. Trong khi đó, bên ngoài thì không khí càng trở nên ô nhiểm thì dù cho các cây trí thức có còn sống sót cũng không còn sức để phát triển.

Phải chăng đây là các lý do khiến cho một nhà trí thức có nhận xét như GS Chu Hảo đã phải kêu lên những tiếng than "thất vọng"?

Trương Phước Trường
Đại Học Sydney, Úc Châu
Ngày 5 tháng Giêng 2012

No comments:

Post a Comment