17 July 2012

Quân đội “Nhân dân” Trung Quốc có sức mạnh như thế nào?


Tác giả: Peter Mattis

Người dịch: Đỗ Quyên

Những luận điệu nóng giận phát ra từ các nhà bình luận quân sự của Trung Quốc trong mấy tháng qua khiến một số nhà quan sát tự hỏi, có phải chăng lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (QĐTQ) đang đóng vai trò ngày càng lớn trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Bắc Kinh? Bước ngoặt mà nhìn bề ngoài có vẻ quyết liệt hơn của Trung Quốc – dường như phù hợp với quan điểm của các học giả phái diều hâu – ngay cả có thông minh đi chăng nữa, thì cũng làm cho câu chuyện ảnh hưởng quân sự ở Trung Nam Hải trở thành một vấn đề quan trọng để có thể hiểu chính sách của Mỹ nhằm định hình Trung Quốc có thật sự hiệu quả không.

Liệu có thể giải thích ảnh hưởng có vẻ ngày càng tăng của QĐTQ ở Bắc Kinh mà không cần nhắc đến những lời lẽ thường xuyên sôi sục của phái bình luận diều hâu – những người mà quyền lực của họ trong trường hợp tốt đẹp nhất thì cũng vẫn khó hiểu – như hai nhà bình luận rất năng suất là Dương Nghị (Yang Yi) và La Nguyên (Luo Yuan)? Câu trả lời ngắn gọn là có, và số bằng chứng chứng minh điều này đang nhiều dần lên. Tuy nhiên, những hàm ý về ảnh hưởng của QĐTQ thì vẫn chưa rõ ràng.

Thứ nhất là, vào thời điểm khi mà các phe phái chính trị dường như ít gắn kết và ít đúng đắn hơn trước, thì các nhà quan sát nên lưu ý rằng PLA kiểm soát chỉ hơn 20% Ban Chấp hành Trung ương Đảng – cơ quan mà về hình thức là có quyền chọn ra Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị. QĐTQ có thể không phải là lực lượng chi phối việc bổ nhiệm; tuy nhiên, họ có quyền phủ quyết những gương mặt được lựa chọn cho vị trí lãnh đạo cấp cao, tại Đại hội Đảng 18 mùa thu tới đây. Điều này có khả năng đặt quân đội vào vị trí có quyền ép các lực lượng khác phải nhượng bộ, hứa hẹn, và khuyến khích các tham vọng chính trị nhằm ủng hộ ưu thế của QĐTQ.

Tuy vậy, giới quan sát nên thận trọng, không nên đi quá sâu vào chuyện này – ít nhất là nếu không có những nghiên cứu xa hơn. Nghiên cứu lớn và gần đây nhất về các phe phái trong QĐTQ được xuất bản cách đây gần 20 năm, và chúng ta không biết đến sự gắn kết của Ban Chấp hành Trung ương của QĐTQ như một khối quyền lực. Hơn thế nữa, QĐTQ chỉ có hai ghế trong Bộ Chính trị, không có ghế nào trong Ban Thường vụ, do đó vai trò của quân đội trong chính trị có thể là gián tiếp và không nhất thiết là có ảnh hưởng hàng ngày.

Thứ hai là, như ông David Finkelstein thuộc Tập đoàn CNA đã nói từ đầu năm nay, QĐTQ cũng có thể lãnh đạo bằng các lựa chọn chính sách. Trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1995-1996, QĐTQ phải thừa nhận trước các lãnh đạo dân sự rằng họ hầu như không làm gì được Đài Loan, cũng không làm gì được lực lượng quân đội do Mỹ triển khai tới khu vực. Ngày nay chuyện đó không còn nữa. Cho dù là bàn về việc sơ tán công dân Trung Quốc khỏi Lybia, việc tuần tra chống cướp biển ở Vịnh Aden, hay về những năng lực mới để cưỡng chiếm (nhưng không tiếp quản) Đài Loan, QĐTQ đều đã chứng tỏ rằng họ có nhiều thứ để dâng cho Trung Quốc. Những người có thể đưa ra các lựa chọn và giải pháp thì gần như luôn luôn chiến thắng trên bàn ra quyết định, trước những người chỉ đem lại trở ngại.

Thứ ba là, QĐTQ đang ngày càng chuyên nghiệp hóa như một lực lượng chiến đấu, với một dải rất rộng khả năng tác chiến trên đất liền, biển, đường không, và tên miền không gian. Nhằm hiện đại hóa, quân đội Trung Hoa đang cố gắng phá vỡ các ứng dụng kiểu "ống khói" (stovepipe services) ở các miền (domain) này. Sự tập trung ngày càng lớn của Trung Quốc vào thao tác chính xác, bên cạnh một "hệ thống của các hệ thống có năng lực vận hành" để vượt qua những "ống khói" đó, sẽ giúp cho QĐTQ chiến đấu theo một cách khác về căn bản. QĐTQ đã liên tục làm giới quan sát ngạc nhiên vì tốc độ hiện đại hóa của họ; tuy nhiên, họ vẫn là một quân đội đang trong thời kỳ quá độ, đứng trước những thay đổi lớn về lý thuyết và công nghệ. Điều đó có nghĩa là hiểu được QĐTQ có thể làm gì là một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều, so với khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam vào năm 1979, hoặc là khi họ gửi "các tình nguyện viên nhân dân" sang Hàn Quốc vào năm 1950.

Thứ tư là, lãnh đạo dân sự ngày nay hầu như không có kinh nghiệm trực tiếp nào với các vấn đề quân sự, và phải phụ thuộc hoàn toàn vào QĐTQ để có thể có được chuyên môn quân sự, và ở một mức độ thấp hơn là chuyên môn chính trị-quân sự. Không như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Đào và người nhiều khả năng sẽ kế nhiệm ông – Tập Cận Bình – không có kinh nghiệm trực tiếp với việc sử dụng sức mạnh quân sự để đạt mục đích chính trị, và có lẽ sẽ phải phụ thuộc vào lực lượng khác để có được kinh nghiệm ấy. Trong một hệ thống vốn dĩ cố ý giới hạn quyền dân sự tiếp cận với quân sự, điều ấy có nghĩa là Hồ và Tập phải phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm ít ỏi về quân sự của họ mỗi khi cần đưa ra đánh giá về những hành động thích hợp nào đó. Họ có biết phải hỏi những câu gì không? QĐTQ có đưa ra các quyết định sáng suốt, không chứa biệt ngữ gì, để họ hiểu không? QĐTQ và Ban Quân sự Trung ương phản ứng nhanh tới mức nào trước các đề nghị tăng cường cung cấp thông tin?

Cũng chưa rõ liệu Hồ và Tập có thể tìm được sự ủng hộ về tri thức khi họ cần hay không. Cho dù là việc tìm kiếm các bài báo quân sự trên tờ Hạ tầng Tri thức Quốc gia Trung Hoa, hay là nghiên cứu tủ sách Trung Quốc, các tác giả của QĐTQ cũng giữ địa vị thống trị trong nghiên cứu chiến lược. Ngược với Anh hay Mỹ, Trung Quốc dường như không có một giới phân tích quốc phòng dân sự phát triển mạnh.

Chẳng hạn, nếu quan chức Nhà Trắng muốn có một bản đánh giá khác ngoài bản của Lầu Năm Góc, họ có thể đi tới bất kỳ cơ quan nào trong số một loạt viện nghiên cứu, viện tư tưởng (think tank) – ví dụ Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, và Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới – và nhận được những bản phân tích quân sự được làm rất chuyên nghiệp. Trong khi đó, nếu Trung Nam Hải muốn rung cây, cũng chẳng biết liệu lãnh đạo Trung Quốc có thể có được bản đánh giá độc lập nào từ QĐTQ không. Điều này tạo cho QĐTQ quyền lực cực lớn – thậm chí họ không cố ý như thế – để che đậy những gì họ đang thực sự làm và ảnh hưởng đầy đủ của các hành động của họ, mà không cần xem xét kỹ lưỡng.

Giới quan sát thường nhắc đến vụ thử tên lửa chống vệ tinh hồi năm 2007, coi đó như dấu hiệu cho rằng quá trình ra quyết định ở Trung Quốc rất thiếu sự phối hợp. Một số người có ý nói là lãnh đạo dân sự cấp cao đã không được thông tin – hoặc không được thông tin đầy đủ. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu QĐTQ chỉ trình cho Hồ Cẩm Đào một mẩu giấy đề nghị "Chúng ta có nên tiếp tục cuộc thử nghiệm đã lên kế hoạch đối với chương trình X không?". Đám công chức quan liêu có thể che giấu được rất nhiều thứ, trừ phi có ai đấy có đủ thời gian và sức lực để tìm hiểu mọi chuyện. Và vào thời điểm đó thì Hồ là vị lãnh đạo dân sự duy nhất có quyền lực đối với QĐTQ.

Ảnh hưởng của QĐTQ có lẽ đang gia tăng, nhờ một số lý do. Bất kể những người tham gia có là ai, QĐTQ có vị trí rất vững vàng để có thể áp đặt lợi ích và quan điểm của họ lên bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn chưa rõ liệu có tồn tại một tiếng nói có tính chất tổ chức về chính trị đảng phái và chính sách quốc gia – không chỉ là lợi ích vật chất của QĐTQ và biện pháp chiến đấu – và liệu tiếng nói đó có nhất quán ở tất cả các chi nhánh khác nhau của quân đội không?

Ngay cả khi QĐTQ có tiếng nói lớn hơn trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Trung Quốc, những gì QĐTQ nói cũng không rõ ràng. Đương đầu với các khó khăn trong hiện đại hóa là việc nhiều khả năng sẽ khiến QĐTQ phải tập trung vào nội bộ, và có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy QĐTQ có một nỗ lực, một quyết tâm tự đánh giá. Ủy ban Quân sự Trung ương do Chủ tịch Hồ đứng đầu đã phê chuẩn bản đánh giá quan trọng nhất, gọi là "hai điểm bất tương hợp" – năng lực của QĐTQ không phù hợp để chiến thắng trong một cuộc chiến tranh tin học hóa và không phù hợp để đáp ứng các sứ mệnh lịch sử của QĐTQ. Điều này nghe không giống giọng diều hâu, cái giọng luôn đòi lãnh đạo phải hành động. Và những ngụy biện tinh vi của các lý thuyết QĐTQ cùng các đổi mới công nghệ của họ cho thấy các tướng lĩnh không phải là những kẻ hiếu chiến, đang mong muốn một cách tiếp cận thô bạo.

Mối lo lắng thực sự nên là, liệu các lãnh đạo dân sự của Trung Quốc có kinh nghiệm tri thức hay là năng lực để tiếp cận thông tin quân sự độc lập với QĐTQ, để kiểm soát sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của QĐTQ. Đảng kiểm soát súng – 1,8 triệu trong tổng số xấp xỉ 3 triệu quân nhân QĐTQ và cảnh sát có vũ trang là đảng viên – nhưng vấn đề ở đây không phải là QĐTQ có bất lương không, có quan tâm tới Trung Nam Hải không. Vấn đề là các nhà hoạch định chính sách dân sự Trung Quốc, đặc biệt Hồ và Tập, thật sự hiểu năng lực và giới hạn của QĐTQ cũng như những lựa chọn QĐTQ đưa ra đến mức nào – và sự hiểu đó ảnh hưởng tới các quyết định liên quan tới chiến tranh và hòa bình ra sao.


Tác giả: Peter Mattis

Người dịch: Đỗ Quyên

Nguồn: The Diplomat

No comments:

Post a Comment