20 July 2012

Vài Sự Kiện Trong Lịch Sử Chống Xâm Lăng

Kính thưa cùng diễn đàn,

Thực tế từ mọi lĩnh vực truyền thông hải ngoại, tôi thấy rằng, có rất nhiều sự kiện người này tố cáo người kia là CS; tổ chức này tố cáo tổ chức kia là CS, hoặc không chính là, thì cũng thuộc loại "tiếp tay cho CS" và ngược lại. Do đó, cố ý trong nhiều trường hợp, tôi chọn thể loại, mà ở đó, cho dù là CS hay không CS, nếu ta là người Việt Nam, có gốc cội Việt Nam, bất luận là ở trong nước hay hải ngoại, thì tất cả mọi người đều không ai có thể từ chối được ý thức của mình đối với đôi nét giai đoạn lịch sử xưa nay khi quê hương đã gặp phải những cơn sóng gió càn quét qua nền độc lập như vài sự kiện sau đây mà tôi muốn chia sẽ cùng diễn đàn:


Trần Quang Diệu



Vài Sự Kiện Trong Lịch Sử Chống Xâm Lăng


Tháng 2 năm 1887

Hà Văn Mao

Hà Văn Mao, thủ lĩnh nghĩa quân Thanh Hóa bị thực dân Pháp bắt và xử tử tại Thanh Hóa.

Hà Văn Mao (tức Cai Mao) nguyên là thổ tù ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa); khoảng năm Kiến Phúc (1884) đã chống lại lệnh của Triều đình và đã đánh giết số người theo đạo là Việt gian. Bị Triều đình (tay sai – tqd) đưa quân đến đàn áp. Hà Văn Mao đã nổi dậy đánh cả Triều đình lẫn Pháp và lập lại đồn ở xã Hỗn Bản (huyện Cẩm Thủy). Triều đình Đồng Khánh đã phải xin Pháp huy động tàu chiến và chia làm hai đường thủy - bộ tấn công vào khu căn cứ rất quyết liệt, song đều bị đánh bật. Ngoài huyện Cẩm Thủy ra, những nghĩa quân Hà Văn Mao còn hoạt động mạnh tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Ngày 8.11.1885 Hà Văn Mao đã đích thân chỉ huy hơn nghìn nghĩa quân tập kích đồn Bãi Thượng (trên bờ sông Chu, Thanh Hóa của thực dân Pháp. Hoạt động của nghĩa quân Hà Văn Mao ở Nông Cống là một mối đe dọa lớn đối với thực dân Pháp. Bởi vậy, suốt một tháng ròng, từ ngày 25.3.1886 đến 25.4.1886, chúng đã mở nhiều đợt tấn công, vây ráp, càn quét, song đều bị thất bại. Không những thế, chúng còn bị nghĩa quân chủ động tìm đánh tập kích nhiều trận. Khi cứ điểm Ba Đình được tiến hành xây dựng (tháng 2.1886), Hà Văn Mao cũng đã tới tham gia và đã trở thành một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Đình.

11 tháng 4 năm 1887

Phạm Bành

Phạm Bành, thủ lĩnh nghĩa quân Ba Đình, tự sát, quyết không chịu hàng giặc. Nguyên thực dân Pháp và Nam Triều đã nhiều lần dụ ông ra hàng không được nên chúng đã cho bắt con trai ông là Phạm Tiên và hạn trong 10 ngày nếu ông không ra thú, sẽ đem Phạm Tiên ra chém. Để cứu con, Phạm Bành đã ngang nhiên đến tòa công sứ Thanh Hóa và sau khi biết tin chắc chắn là Phạm Tiên đã thoát khỏi tay giặc, ngay đêm ấy ông đã treo cổ tự vẫn.

Tháng 5 năm 1887

Mai Xuân Thưởng

Mai Xuân Thưởng, một người thủ lĩnh nghĩa quân Bình Định bị sa tay giặc Pháp và đều bị xử chém tại Bình Định, trong đó có Mai Xuân Thưởng (cử nhân, xưng là Nguyên soái) , Bùi Điền (xưng Thống trấn), Nguyễn Đức Nhuận (xưng Hiệp trấn), cùng một số phó tướng, thống binh trở xuống.

Riêng đối với Mai Xuân Thưởng, triều đình Đồng Khánh tay sai đã xử như sau: Mai Xuân Thưởng bị tội "lăng trì xử tử"; anh em ruột của ông là Mai Xuân Quang, Mai Xuân Khánh cũng bị xử tử với danh tội "không biết can ngăn"; bốn người em họ của ông là Hòa, Vân, Nghị, Dao cũng bị "xử chém ngay" với danh tội "đã có nhận chức hàm" của ông; ngoài ra còn ba người bác là Chất (72 tuổi), Đức (65 tuổi), Hanh (62 tuổi); bốn anh họ thân là Dư, Dương, Tuyết, Ngân và năm người em họ thân là Cẩm, Hoán, Dũng, Hóa, Pháp, đều bị đưa về quê quán ở thôn Phú Lạc để giao cho chính quyền địa phương quản thúc.

7 tháng 9 năm 1887

Đinh Công Tráng hy sinh

Trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình, Đinh Công Tráng giữ chức Tham tán. Sau khi căn cứ Mã cao thất thủ, Đinh Công Tráng đi khắp nơi gây dựng phong trào. Đêm ngày mồng 6 rạng ngày 7 tháng 9 – 1887, trong chuyến về xã Chính An, thuộc phủ Tương Dương tỉnh Nghệ An để quyên tiền cho kháng chiến, Đinh Công Tráng đã bị quân Pháp ập đến tập kích tại chỗ ở. Ông đã hy sinh anh dũng sau một cuộc chiến đấu ác liệt với quân giặc." (Dương Kinh Quốc, VIỆT NAM NHỮNG SỰ KIỆN LỊCH SỬ  (1858 -1918), Trung Tâm Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Quốc Gia, 1999, trang 178, 180, 181, 182, 183).


Trần Quang Diệu trích thuật
 

 

Nữ nghĩa binh của anh hùng Đinh Công Tráng bị Thực dân và tay sai Trần Lục (Linh mục) bắt làm tù binh sau khi Ba Đình thất thủ.

Tháng 7 năm 1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, tướng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên chiến khu Tân Sở (Quảng Trị) ban dụ Cần Vương kêu gọi toàn dân kháng chiến. Hưởng ứng, tháng 2 năm 1886[1], Đinh Công Tráng cùng với các đồng đội của mình đã chọn vùng đất thuộc ba làng là: Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mỹ Khê (vì mỗi làng có một ngôi đình, từ làng này có thể nhìn thấy đình của hai làng kia, nên gọi là căn cứ Ba Đình; nay thuộc xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) làm căn cứ kháng chiến lâu dài. Từ đây, nghĩa quân có thể tỏa đi các nơi, kiểm soát các tuyến giao thông quang trọng trong vùng, tổ chức phục kích các đoàn xe vận tải của đối phương đi lại trên con đường Bắc-Nam...Chính vì vậy, mà quân Pháp rất quyết tâm đánh dẹp.

Theo giúp Đinh Công Tráng có nhiều cộng sự, trong đó có Phạm Bành là người tài giỏi và đắc lực, đã cùng ông chỉ huy lực lượng nghĩa quân đánh bại hai đợt tấn công quy mô lớn của Pháp ngày 18 tháng 12 năm 1886 và ngày 6 tháng 1 năm 1887.

Trận ngày 18 tháng 12 năm 1886

Quân Pháp gồm 500 lính, có đại bác 80 ly yểm hộ, tấn công căn cứ Ba Đình từ hai hướng. Hướng tây nam do trung tá Metzanhzơ (Metzinzer), hướng đông bắc do trung tá Đôt (Dodds) chỉ huy, nhưng đều bị nghĩa quân đánh lui. Sau trận này, thấy không thể thắng nhanh được, nên quân Pháp chuyển sang phương án bao vây.

Trận ngày 6 tháng 1 năm 1887 - 21 tháng 1 năm 1887

Ngày 6 tháng 1 năm 1887, Trung tá Đôt lại cho quân tấn công đợt nữa, nhưng cũng không thành công, ông bèn cho quân rút ra xa, tổ chức bao vây và chờ viện binh.

Không thể để căn cứ Ba Đình tồn tại giữa vùng đồng bằng giáp ranh Thanh Hóa và Ninh Bình, làm cản trở công cuộc thôn tính nước Việt, Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Pháp quyết định:

-Nâng số quân Pháp đánh Ba Đình lên 3.530 lính (1.580 lính Âu và 1.950 lính bản xứ). Ngoài ra, còn 5 nghìn dân binh và giáo dân của linh mục Trần Lục đến tiếp tay.

-Tăng số pháo sử dụng lên 36 khẩu, trong đó có 4 khẩu 95 ly, 10 khẩu 81 ly, 4 khẩu 65 ly,...

-Đưa 4 pháo hạm và nhiều thuyền lớn đến yểm trợ và lo việc tiếp vận.

-Cử Đại tá Brixô (Brissaud) làm tổng chỉ huy.

Sau khi cắt đứt xong đường tiếp tế của nghĩa quân, Đại tá Brissaud liền cho quân tiến đánh căn cứ Ba Đình. Lần này, Brissaud vừa cho phun dầu đốt cháy các lũy tre, vừa cho nã pháo tới tấp, biến căn cứ Ba Đình thành một biển lửa.

Trước sức mạnh của đối phương, đêm 20 rạng 21 tháng 1 năm 1887, Đinh Công Tráng cho quân phá vòng vây, rút về căn cứ dự phòng ở Mã Cao.

Sáng ngày 21 tháng 1 năm 1887, quân Pháp chiếm được cứ điểm Ba Đình. Sau khi ra sức tàn phá, họ còn bắt buộc triều đình nhà Nguyễn phải xóa tên ba làng trên bản đồ hành chính.

Trận đồn Mã Cao

Thủ lĩnh Đinh Công Tráng vừa đến Mã Cao, chưa kịp củng cố lực lượng, thì đã bị quân Pháp đuổi theo tấn công. Ngày 2 tháng 2 năm 1887, một trận giao tranh ác liệt đã xảy ra ở đây. Thấy không đủ sức kháng cự, lợi dụng lúc đêm tối, các thủ lĩnh đành phải cho quân rút theo hướng Thung Voi, Thung Khoai, rồi lên miền Tây Thanh Hóa sáp nhập với đội nghĩa quân của Cầm Bá Thước. Một số khác theo Đinh Công Tráng rút về Nghệ An.

Về Nghệ An, Đinh Công Tráng định gây lại phong trào, nhưng đến ngày 5 tháng 10 năm 1887 thì ông đã hy sinh trong một trận chiến đấu với đối phương tại làng Tang Yên, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Tướng Pháp tên là Mason nhận định về Đinh Công Tráng như sau:

(Ông) là người có trật tự, trọng kỷ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình, biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế.

No comments:

Post a Comment