26 February 2011

Bao giờ "Cách Mạng Nhung" đến Việt Nam ?

Bao giờ "Cách Mạng Nhung" đến Việt Nam ?

Phạm Trần

Cuộc cách mạng tự phát của nhân dân các nước ở Trung Đông và Bắc Phi tuy chưa đến Việt Nam mà đội ngũ cán bộ tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã chột dạ lên tiếng buộc tội cho Hoa Kỳ chủ mưu cuộc cách mạng này đồng thời khuyến cáo phải đề phòng "đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn"Diễn biến hòa bình" của các thế lực phản động, thù địch".

Nhưng trong lúc những người làm công tác tuyên truyền cố ý viết cho mọi người tin rằng làn sóng nổi lên của nhân dân các nước Hồi Giáo là "Made in USA" thì họ lại hớ hênh nêu ra những nguyên nhân giống hệt như ở Việt Nam đã đưa cuộc cách mạng này đến thành công mau chóng ở Tunisia và Ai Cập, đó là độc tài, tham nhũng, đói nghèo và thất nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Kỷ, Tiến sỹ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đưa ra những khuyết điểm này trong bài viết trên Báo điện tử của ĐCSVN ngày 20/02/2011 gồm có:

"Thứ nhất,
 đó là các nguyên nhân nội tại, bắt nguồn từ việc các nước này lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, cả về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, nhất là sự lệ thuộc về kinh tế. Khi kinh tế toàn cầu suy giảm, nền tài chính, tiền tệ thế giới rơi vào khủng hoảng, chính các nước này bị tác động sớm và mạnh mẽ nhất.
Thứ hai, là đường lối chính trị, là cách thức lãnh đạo, điều hành đất nước của nhà cầm quyền, nhất là của những người đứng đầu, sai lầm. Tình trạng độc đoán, chuyên quyền, gia đình trị, tham nhũng kéo dài, tạo nên sự bất bình ngày càng gia tăng của các giai tầng trong xã hội. Khi các đảng phái đối lập, các nhóm Hồi giáo cực đoan trỗi dậy, nêu chiêu bài "dân chủ", "chống tham nhũng", "chống độc quyền, gia đình trị"…, rất dễ tranh thủ sự ủng hộ, đi theo của người dân. 
Thứ ba, là tình trạng đói nghèo, thất nghiệp, mù chữ, tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng bị khoét sâu, tạo nên mâu thuẫn xã hội sâu sắc. Từ ba nguyên nhân trên, dẫn đến nguyên nhân thứ tư là, nhà cầm quyền không nhận được sự trung thành, ủng hộ thật lòng của quân đội và lực lượng cảnh sát, khi xảy ra nguy biến, rốt cuộc, các lực lượng này phản ứng yếu ớt, thậm chí buông xuôi. Có thể có thêm một vài nguyên nhân nội tại khác nữa".

Như vậy thì có khác gì những tệ nạn đang có ở Việt Nam?

Tuy không lộ liễu nhưng có người dân nào ở Việt Nam không biết đảng và nhà nước đã lệ thuộc vào đàn anh Trung Hoa để tồn tại. Việc để cho Tàu vào khai thác bauxite trên Tây Nguyên và phản ứng yếu ớt trước các hành động xâm lược, đàn áp ngư dân Việt Nam của Bắc Kinh ở Biển Đông là một bằng chứng không thể chối cãi được.

Ở Việt Nam không công khai chế độ gia đình trị nhưng việc đưa Nông Quốc Tuấn (con Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư ĐCSVN hai khoá IX và X); Nguyễn Thanh Nghị (con Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng); Nguyễn Xuân Anh (con Nguyễn Văn Chi, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương ĐCSVN khoá X) vả Nguyễn Chí Vịnh, con tướng Nguyễn Chí Thanh vào Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN khoá XI có dính líu đến tham quan không?

Còn tham nhũng thì sao, đã ngập đầu chưa hay phải đợi cho tình trạng cách biệt giầu nghèo giữa thành phố và nông thôn dãn ra vài cây số nữa thì mới thấy rõ hơn bây giờ?

Vậy khi các thợ tuyên truyền của đảng ra sức tấn công, buộc tội Mỹ chủ mưu thúc đẩy các cuộc nổi loạn ở Trung Đông thì hẳn phải có lý do để khua lên cho mọi người biết đề phòng.

Nỗi lo này của ĐCSVN đã được ông Nguyễn Thế Kỷ viết:
"Khi đi vào vấn đề này, rất cần có cái nhìn toàn diện, đi vào chiều sâu, vào bản chất sự việc, vừa không xem nhẹ nguyên nhân bên trong, càng không được xem nhẹ các nhân tố bên ngoài. Đó là bài học cảnh tỉnh, cảnh giác cho nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đó cũng là cách tiếp cận cần thiết để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực phản động, thù địch; thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."

Nhưng lối hô hoán này cũng không có gì mới lạ mà chỉ chứng minh thêm lần nữa rằng vũ khí tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương đã "hết đạn".

Cũng vẫn luận điệu cũ quen thuộc như sử dụng các con bài ma xó "diễn biến hòa bình" và "các thế lực phản động, thù địch" tưởng tượng để hù họa hòng che lấp thất bại của chính mình nên dân đã lánh xa và không còn muốn liên hệ "máu thịt" với đảng nữa.

Do đó, tại Hội nghị về Công tác Dân vận ngày 22/02/2011, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã nhìn nhận:
"Bên cạnh những thành tích, tiến bộ nêu trên, công tác dân vận còn bộc lộ những mặt hạn chế, yếu kém. Chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ, nói đúng sự thật là: một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm đầy đủ đối với công tác dân vận, còn xem nhẹ công tác vận động quần chúng; chưa thật sự đầu tư thỏa đáng cho công tác dân vận; chưa cử được nhiều cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt để làm công tác dân vận; chậm đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng trong tình hình mới; chưa thật sự dựa vào dân để xây dựng Ðảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh."

Ngoài ra ông Trương Tấn Sang còn tự thú:
"Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng; các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu 'diễn biến hòa bình', gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài 'dân chủ', 'nhân quyền' hòng chống phá đất nước ta, làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta". (Tạp chíCộng sản, 23/02/2011)

Cảnh giác của ông Trương Tấn Sang không mới mà chỉ lập lại những điều đã nói nhiều lần từ mấy năm qua cho thấy đảng cũng đã cạn cả sáng kiến trong cuộc đấu tranh với nguy cơ sống còn của đảng trước nguy cơ "tự diễn biến, tự chuyển hóa" đã được nói tới trong kỳ Đại hội đảng XI hồi trung tuần tháng 1 năm 2011.

Trước tình trạng suy thoái đạo đức và xuống dốc tư tưởng ngày một lan nhanh trong đảng, cán bộ tuyên truyền đã gặp phải nhiều trường hợp nói dân không nghe mà còn bị chửi vào mặt nên ông Trương Tấn Sang đã yêu cầu:
"Trong bối cảnh đó, công tác dân vận của Ðảng cần bám sát diễn biến tình hình; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là cần nắm bắt diễn biến tư tưởng của nhân dân và đổi mới công tác vận động, tập hợp; tăng cường công tác dân vận của chính quyền, lực lượng vũ trang, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân".

Nhưng tình trạng "đồng thuận mà không đồng lòng" đã tràn lan trong ĐCSVN từ lâu lắm rồi. Những trường hợp cấp trên bảo cấp dưới phải "cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư" nhưng chính mình lại mất phẩm chất, tìm mọi cách để xà xẻo của công, ăn bẩn, đánh cắp tiền thuế của dân để tậu xe hơi, xây nhà lầu và gửi con ra nước ngoài du học không còn là chuyện nói không ai tin nữa.

Cho nên khi nghe ông Trương Tấn Sang ra lệnh cho cán bộ, đảng viên tại Hội nghị Dân vận là họ "Phải 'thật sự phát huy dân chủ đi đôi với giữ gìn kỷ luật, kỷ cương; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Ðảng" thì có ma nào nghe không?

Vậy mà cũng tại Hội nghị này vào ngày 23/02/2011, ông Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương còn lên giọng dạy đời:
"Các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác đối ngoại, quan tâm triển khai các hình thức dân vận mới để thu hút và tập hợp ngày càng đông đảo người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài hướng về đất nước, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của bạn bè quốc tế trong các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước ta, vạch trần những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại công cuộc đổi mới đất nước".

Chắc hẳn khi nói năng như thế, ông Thông chưa biết công tác vận động người Việt Nam ở hải ngoại về giúp nước hay đóng vai bù nhìn cho chế độ đã thất bại thê thảm ra sao kể từ khi đảng đưa ra Nghị quyết 36 năm 2004?

Nêu không tin, ông Thông cứ hỏi ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngọai giao, Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài thì rõ.

Nói tóm lại, không phải không có lý do mà các thợ viết tuyên truyền của ĐCSVN đã sôi sục nổi lên viết bài cáo buộc Mỹ đã nhúng tay đạo diễn các biến cố chính trị đang lan nhanh ở Trung Đông.
Đơn giản chỉ vì Việt Nam cũng có những yếu tố dễ khiến dân tự phát giống như bên Trung Đông, chẳng hạn như chuyện đảng độc tài, độc trị và chuyện Nhà nước đã tước bỏ của dân các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp và lập hội thì cũng giống như nhau.

Có khác chăng là ý thức của người dân và tầng lớp thanh niên chưa có cơ hội ngóc đầu lên đó thôi.




Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment