02 February 2011

Tết đến, nghĩ về... BẢN HIẾN PHÁP ĐẦU TIÊN CỦA DÂN TỘC QUA BIỂU TƯỢNG CHIẾC BÁNH CHƯNG

Tết đến, nghĩ về... BẢN HIẾN PHÁP ĐẦU TIÊN
CỦA DÂN TỘC QUA BIỂU TƯỢNG CHIẾC BÁNH CHƯNG

Võ Đại Tôn


Quý vị nào thử tạm giam mình trong một phòng kín nhỏ không có ánh đèn, không ánh mặt trời, trần trụi cô đơn, mỗi ngày chỉ được ăn hai bữa với chén cơm pha nước muối, trong vòng 1 tuần lễ, thì có lẽ mới hiểu được phần nhỏ nào về sự thèm khát không khí gia đình, hơi thở hạnh phúc và cuộc sống của con người - nhất là trong những dịp Tết đến. Tôi đã phải sống như vậy trong suốt 3.697 ngày đêm – 10 năm 1 tháng 17 ngày - chưa kể đến gần một trăm lần bị tra tấn dã man. Những năm đầu bị giam, tuy ngoại cảnh mỗi ngày như mọi ngày, nhưng khi biết Tết đến thì lòng tôi cũng xốn xang, gợi nhớ nhiều kỷ niệm riêng, thương về gia đình bặt tin, hành trình chưa trọn. Nhưng những năm sau, thân xác kiệt quệ vì thiếu dinh dưỡng, đầu óc chỉ còn cố nghĩ đến cách sinh tồn để đối phó với hoàn cảnh đơn độc, tôi không còn mong nhớ gì về Tết. Tự tập luyện cho mình cách sắp xếp vào kho "đông lạnh" trí óc những gì không là hiện thực. (Cũng như bây giờ, tôi tự "đông lạnh" vô nhiễm trước những xuyên tạc dèm pha của những kẻ ác tâm). Chỉ có hai chuyện vào dịp Tết trong tù tôi còn nhớ rõ. Liên quan đến việc giáo dục tuổi trẻ dưới chế độ cộng sản mà họ gọi là "trăm năm trồng người", và việc cố gắng tồn tại dưới tận cùng đáy vực để nuôi hy vọng còn sống, tiếp tục cuộc hành trình tâm nguyện.

Tết đầu tiên vào năm 1982 tại trại tù Thanh Liệt ngoại ô Hà Nội, (tôi bị bắt và bị chuyển từ Paksé (Lào) về giam tại đây vào cuối tháng 10.1981), tôi lạc loài ngay chính trên quê hương mình là Việt Nam nói chung. Nhìn qua song sắt ô cửa nhỏ xà lim, tôi thấy một bé gái khoảng 4-5 tuổi chạy chơi qua lại. Tôi nhớ đến con tôi là Cu-Lỳ, hai mẹ con bơ vơ không biết sống ra sao tại Úc. Cháu gái đến gần ô cửa nhìn tôi, cười ngây thơ. Có lẽ là con của một cán bộ cai tù nào đó. Chiều nào cũng vậy, cháu đến "thăm" tôi, líu lo nói chuyện, và đưa mấy mẩu giấy báo vụn nhờ tôi xếp máy bay, tàu thủy, cười thật dễ thương. Ngày Tết, cháu cho tôi một cây kẹo gừng. Rồi tôi không còn gặp cháu nữa. Khi tôi đã ở tù 5 năm, cũng vào dịp Tết, tôi lại thấy một cô gái khoảng 10 tuổi đi qua phòng giam. Đúng là cháu gái trước đây. Lòng tôi nao nao và gọi cháu. Cô gái nhìn tôi không nói gì cả, bỏ đi. Tôi ngậm ngùi, cô đơn, nép sát đầu vào song sắt ô cửa, nhìn theo, cố tìm lại nụ cười bé thơ đã mất rồi.

Khi tôi ở tù đến năm thứ 10, ngẫu nhiên cũng vào dịp Tết, tôi lại thấy một thiếu nữ khoảng 15 tuổi đi qua phòng tôi. Tôi đã bị nhốt riêng một xà lim suốt 10 năm, không chuyển phòng, không được ra ngoài lao động, bắt đầu đứng không vững, và nếu có kiếng thì có lẽ cũng không dám soi nhìn mặt mày mình ra sao. Nhìn cô gái đã lớn, đi qua chầm chậm, tôi nhận rõ nét mặt không có nhiều thay đổi, tôi mừng quá gọi lớn: "Cháu ơi, còn nhớ ông không?". Lúc ấy không có cán bộ bảo vệ đi tuần tra, có lẽ là dịp Tết nên tù được chút thong thả hơn. Bất ngờ, cô ta dừng lại, trừng mắt nhìn tôi và nói: "Câm mẹ cái mồm lại, đồ phản động, ngụy quân ngụy quyền!". Rồi lạnh lùng bỏ đi. Tôi thực sự đau lòng, ngỡ ngàng chẳng biết nói sao. Cũng là một cô gái, vào thế hệ con tôi, lúc 5 tuổi thì vui cười ngây thơ, nhờ tôi xếp giấy làm đồ chơi, khi lên 10 tuổi thì im lặng bỏ đi, và đến lúc thành thiếu nữ 15 tuổi thì lại mắng vào mặt một ông tù già là "Câm mẹ cái mồm lại, đồ phản động!" Có lẽ cháu gái này không hiểu nghĩa của những chữ "phản động, ngụy quân ngụy quyền" là gì, nhưng lệnh trên đưa xuống bắt học thuộc lòng từ trong lớp, nên cứ nói như máy. Nếu có ai đọc được bài luận văn của một học sinh trung học trong nước đã viết "Nguyễn Huệ là dũng sĩ diệt Mỹ cứu nước", hoặc một bài khác "Thúy Kiều nhảy xuống sông Tiền Giang tự vẫn, được một cán bộ vớt lên và kết nạp cho vào Đảng ta"... thì đừng lấy làm lạ và đừng cho là tôi "bôi bác chế độ". Tôi đã được đọc nhiều bài viết như vậy từ trong nước gửi ra sau này. Chỉ có chế độ cộng sản mới "trồng người" như vậy, tiêu diệt nghĩa-tình giữa con người với nhau, và xuyên tạc Lịch Sử, Văn Học.
Thêm một chuyện Tết trong tù. Có nhiều người (có kẻ dè bĩu, có người "ngây thơ") – chưa từng bị tù dưới chế độ cộng sản - lắc đầu không tin những gì anh em tù nhân chính trị chúng tôi kể hoặc viết lại, cho rằng anh em chúng tôi đã phịa thêm, cường điệu tả oán để làm động lực đấu tranh hoặc xin tình thương hại. Có đôi khi họ lại dửng dưng phê phán: "Nhục nhã và đói khổ như thế, tại sao không chết đi mà cố sống để làm gì?" Chúng tôi đã tự trả lời cho chính mình: "Mẹ Việt Nam đâu có cần tất cả những đứa con yêu phải chết đi, phải cố sống để tiếp tục con đường đã chọn, và làm nhân chứng về một chế độ vô đạo nhất trong lịch sử Dân Tộc".

Vào dịp Tết năm 1985 trong tù, dù tôi đã quên tất cả hương vị về Tết, chung quanh tôi chẳng có gì đáng để gợi nhớ, nhưng đêm giao thừa năm này lòng tôi bỗng dưng rộn ràng khi nghe có tiếng pháo lẹt đẹt nổ bên kia vách tường trại tù, xã Thanh Liệt, thuộc huyện Thanh Trì. (Trước năm 1975, tôi có quen thân với nhiều bạn từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, cho biết là huyện Thanh Trì đã nổi tiếng về sản xuất bánh cuốn. Nói đến "Bánh cuốn Thanh Trì" thì ai cũng biết là ngon đặc biệt. Tiện đây, tôi xin viết thêm vài dòng về hơn một triệu người đã dũng cảm lìa quê cha đất tổ, di cư vào Nam. Đồng bào di cư là những chứng nhân sống về chế độ cộng sản bạo tàn tại miền Bắc, và hào khí chống cộng từ những địa danh Bùi Chu, Phát Diệm, Hố Nai, Gia Kiệm... đã được ghi vào lịch sử chống cộng của Dân Tộc với những nét vàng son, lẫm liệt, lưu truyền cho hậu thế. Không ai được quyền mạ lỵ làn sóng di cư anh hùng này, cũng như bây giờ không ai được quyền hạ nhục làn sóng di tản của đồng bào ta sau ngày quốc nạn 30.4.1975). Dịp Tết này có một số tù mới, dân đi học hoặc lao động từ Liên Xô, Đông Âu, trở về, mang theo hàng lậu bị bắt vào giam. Suốt ngày đêm đám tù này la lối om sòm, kêu gọi nhau ơi ới từ phòng này sang phòng khác. Có thể đều là đám "c.o.c.c." (con ông cháu cha) nên mới được đi "lao động quốc tế" hoặc "du sinh" để kiếm ăn, chẳng sợ cai tù, chỉ bị tạm giam vài ngày, lại còn được gia đình thăm nuôi tiếp tế đầy đủ. Vào đêm Giao Thừa, có tiếng the thé vang lên, giọng "Hà Nội mới" thật khó nghe, phô trương đểu cáng: "Tiên sư bố nó, tiếp tế bánh chưng làm gì lắm thế. Mười mấy chiếc như thế này thì ông làm sao ăn cho hết! Ông chỉ ăn nhân thịt bên trong cho vui, còn thì vứt mẹ hết ra cống cho chuột ăn". Tôi nằm nghe mà cồn cào cả ruột gan vì đói, vì lạnh, nuốt nước miếng ừng ực. Hoa cả mắt, tưởng chừng như thấy mấy cái bánh chưng đong đưa trước mặt. Vói tay nắm bắt, chỉ thộp được mấy con muỗi. Mấy ngày Tết này, có một cán bộ quản giáo biết tôi khéo tay và hội họa, nhờ tôi làm mấy loại hoa giả bằng giấy bạc bao thuốc lá để trang trí Tết. Tôi thường tự tạo ra nhiều "nghề" để kiếm thuốc lào hút. Thông thường, tôi dùng chút cơm để dán hoa giấy, nhưng dại gì, cơm tù còn không đủ ăn, hơi đâu mà phí phạm. Tôi nghĩ ngay đến nếp bánh chưng. Tôi nói với tên cán bộ là nếu có xôi nếp để dán hoa giấy thì "cực kỳ tốt", có tù nào dư thừa bánh chưng thì lấy cho tôi một ít. Tên cán bộ nghe nói, trả lời ngay: "Thoải mái, thoải mái, tưởng gì chứ bánh chưng thì thiếu gì, các buồng trong trại được tiếp tế nhiều lắm cơ". Và tôi đã được một gói nếp bánh chưng to, ai đã ăn hết nhân đậu bên trong rồi. Tôi để dành một ít để dán hoa giấy, còn lại thì đợi đến khuya mở gói bánh chưng còn thừa ra, gỡ sạch những lớp xôi còn dính chặt vào tờ giấy báo, cắn nhẹ từng miếng, ăn trong bóng tối lờ mờ, và ứa nước mắt. Hương vị Tết mọn trong tù. Tôi nhớ đến gia đình vợ con bên Úc chẳng biết ra sao, thương tủi cho thân mình, cô đơn quạnh quẽ giữa hai bờ tử-sinh. Bên kia xóm, nhà ai đang vặn to một băng nhạc duy nhất mà tôi được nghe đi nghe lại từ suốt mấy năm qua tiếng hát của Thanh Thúy với bài Nửa Đêm Ngoài Phố. "Buồn vào hồn không tên...". "Nhạc vàng", có lẽ phát ra từ nhà của tên cán bộ nào đó đã đem từ miền Nam ra như là "chiến lợi phẩm". Tôi đặt lại lời ca, lẩm nhẩm hát một mình, đón Tết tù. "Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm, nhai bánh chưng một mình... ôi bánh chưng đời tù...".

Tết năm đó, tôi có tạm đủ hương vị: bánh chưng thừa, nhạc "vàng" rè, hoa giấy làm bằng bao thuốc lá, và... có cả nước mắt cô đơn. Tôi đau lòng trong hoàn cảnh cay nghiệt này, nhưng tự tha thứ cho mình vì đấy không phải là nỗi nhục lớn trong lẽ sinh tồn của một người tù bị biệt giam, không thẹn với lương tâm và chính khí. Cố sống để tiếp tục còn đường còn dang dở với mộng chưa tròn. Dù sao, tôi cũng thấy "nhợn" trong lòng, thương mình và thương cả Dân Tộc đang bị đọa đày xuống tận cùng khổ nạn bởi một chế độ phi nhân. Càng thương lại càng tìm mọi cách cố tồn tại, miễn không làm những điều hèn hạ ô danh, để mong một ngày nếu còn sống sẽ tiếp tục đóng góp công sức và kinh nghiệm đời cùng Toàn Dân sớm quang phục quê hương. Miếng bánh chưng Tết trong tù này là một trong hàng trăm tư liệu tôi thêm vào hành trang hiện tại để tiếp bước đấu tranh.
Tôi vừa nhai miếng bánh chưng thừa vừa miên man nhớ về những ngày Tết xa xưa và tại hải ngoại. Lại nhớ đến những câu thơ tôi từng viết vội trong cuốn sổ tay mang theo trên các nẻo đường hành quân thuở còn binh lửa.

Tiếng thét Đống Đa hùng vọng
Thăng Long lồng lộng tinh kỳ.
Ô kìa! ngựa hí voi đi
Dấu xưa hoàng sử còn ghi bây giờ.
Vì đâu hoa gấm thành Thơ
Vì ai xin hẹn dưới cờ tuốt gươm...


Trong bóng tối phòng giam, tôi thấy hiện ra trước mắt những bữa cơm Tết được dọn ra với bóng dáng cha mẹ và anh chị em tôi đang quây quần trong một căn nhà nép mình sau lũy tre xanh ven sông Thu Bồn. Âm hưởng của những mùa Xuân quê hương lại về với tôi. Theo phong tục cổ truyền, không có một gia đình Việt Nam nào, dù đang sống lưu vong hoặc tại quê nhà, mà không có những bữa ăn với bánh chưng và dưa hành trong dịp Tết. Ngoại trừ những gia đình quá cơ cực đói nghèo, và những kẻ lang thang "lạnh lùng nhìn thiên hạ đón Xuân sang". Mơ về những chiếc bánh chưng xưa, trong bữa ăn hoặc được trưng bày tại các quầy thực phẩm trong siêu thị Việt Nam ở hải ngoại, tôi chợt thấy màu sắc quê hương đạm bạc qua vỏ bọc lá chuối xanh tương phản với cảnh tượng văn minh hào nhoáng và tráng lệ nơi xứ người. Chiếc bánh chưng đáng lẽ được đặt trên mâm gỗ trong một không gian phảng phất hương trầm ngày Tết, bây giờ lại được sắp xếp trong lồng kính sáng loáng, siêu thị máy lạnh, làm cho tôi có ý nghĩ không biết chiếc bánh chưng hay là mình đang lạc loài đâu đây? Nhưng dù sao, lòng tôi không khỏi rộn ràng nhớ đến biết bao kỷ niệm đã qua trong đời, mỗi độ Xuân về Tết đến, và dòng suy tưởng lại đi xa hơn, về với cội nguồn Dân Tộc.

Tôi không có đủ khả năng và kiến thức để lạm bàn sâu xa về Văn Hiến Dân Tộc, nhưng cũng đã góp nhặt được đôi điều suy luận cao quý từ các bậc Cha Ông, đặc biệt về biểu tượng chiếc bánh chưng cổ truyền. Xin ghi nhớ với tấc lòng hoài niệm của một con dân luôn hướng về Quốc Tổ, dù đang sống trong tận cùng đáy vực lao tù này.

Ngày nay, với dòng thời gian cuồn cuộn chảy theo mệnh nước nổi trôi, có lẽ vẫn còn một số người cùng thế hệ với tôi, và nhất là đối với Tuổi Trẻ Thời Đại, không hề biết đến biểu tượng tinh thần của Dân Tộc gói trọn trong chiếc bánh chưng. Được dọn lên thì ăn, ăn nhiều thì chán, và trong các sinh hoạt ngày Tết của cộng đồng cũng như của gia đình tại hải ngoại, đi đâu cũng thấy bánh chưng. Ít người tự đặt cho mình câu hỏi: "Tại sao phải có bánh chưng trong những ngày Tết ?", và kể từ ngày nền Văn Hiến Dân Tộc thành nguồn văn tự đến nay, đã qua hơn bốn nghìn năm rồi, biểu tượng tinh thần của nòi giống Lạc Việt vẫn còn thể hiện qua nhiều hình thức không hề bị mai một với thời gian. Nghĩa Tình vẫn còn tiềm tàng đâu đó, mặc dù tại hải ngoại cuộc sống vật chất đang cuốn xoay chúng ta vào hướng không phải phương Đông và tại quê nhà thì chế độ cộng sản đang cố tình hủy diệt cội nguồn văn hóa Dân Tộc.

Trước hết, chiếc bánh chưng được gói theo hình VUÔNG, tượng trưng cho hình tượng của ĐẤT. Đất ở đây có nghĩa là mảnh Đất từ chốn chôn nhau cắt rốn, mẫu ruộng, thửa vườn, chứ không phải là quả đất hình tròn mà khoa học nhân loại đã chứng minh. Hình VUÔNG còn mang ý nghĩa của sự VUÔNG TRÒN thủy chung, của Lòng Người đối với nhau giữa nhân quần xã hội, và trên hết, đối với Quê Cha Đất Tổ. Lá chuối màu XANH tượng trưng cho màu HY VỌNG, một mùa Xuân thanh khiết. Những sợi dây cột bằng lạt tre, nói lên nghĩa RƯỜNG CỘT bảo vệ non sông qua lũy tre làng bao bọc Lòng Người. Những hạt nếp màu TRẮNG, thực phẩm nuôi sống giống nòi như lúa gạo, trong tinh thần trong sáng, keo sơn gắn bó với nhau, không gợn màu Đen của Ác Nghiệp, của lòng người vốn dĩ đầy rẫy Tham Sân Si. Những hạt đậu xanh đã được đãi vỏ thành màu VÀNG làm nhân ở giữa chiếc bánh là màu của HÒA BÌNH NHÂN ÁI, và những lát thịt mỡ tượng trưng cho niềm mơ ước về một cuộc sống sung túc, thịnh vượng. Nói sao cho cùng về ý nghĩa cao thâm của nền Văn Hiến Lạc Việt, những ẩn dụ tinh thần mà Ông Cha chúng ta đã để lại cho con cháu nghìn sau trong nghĩa vụ bảo tồn và phát huy truyền thống Dân Tộc?

Ngoài các ý nghĩa về màu sắc và hình tượng, chúng ta có thể tìm hiểu thêm những ẩn dụ tinh thần khác, không phải do các thế hệ hậu sinh cưỡng đặt hoặc suy tưởng thêm mà chính là do sự tìm tòi nghiên cứu của các bậc thức giả về cội nguồn Dân Tộc. Ví dụ như việc cắt bánh chưng chẳng hạn. Thời nay, người ta thường cắt bằng dao, nhưng chính ra, theo đúng cách thức cổ truyền thì phải cắt bằng chính những sợi dây lạt tre gói bánh như các bà mẹ già thường làm một cách thận trọng và đều tay, chia các phần bánh bằng nhau. Theo tôi nghĩ, có lẽ các Cụ ngày xưa kiêng không muốn dùng dao để cắt bánh vì nỡ nào dùng dao để cắt chính miếng ĐẤT đã nuôi dưỡng mình, nỡ nào cắt ruột cắt gan mà không đau lòng? Lại còn nữa, các phần bánh chia đều nhau mang thêm ý nghĩa của sự CÔNG BẰNG, phân chia điền thổ cho dân. Phần ngoài là ĐẤT TƯ HỮU, gọi là Tư Điền, bao quanh phần giữa là ĐẤT CÔNG HỮU, gọi là Công Thổ. Mọi người dân đều có đất riêng để canh tác mưu sinh, còn phần Công Thổ là để cho Làng Xã phụ trách cai quản, mọi người chung nhau cày cấy, lấy lợi tức mà thờ cúng Tổ Tiên chung, lo việc cho dân cho nước, tựa hồ như một loại thuế mà mọi người đều đồng lòng đóng góp để chung lo việc an sinh xã hội với nhau, cùng nhau đùm bọc sau lũy tre làng. Sau này, qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều chế độ đã ban hành chính sách Cải Cách Điền Địa, Người Cày Có Ruộng, Tư Công Hữu Lợi, đều do ý nghĩa cao thâm phát xuất từ việc phân chia từng miếng bánh chưng đều nhau. Đau lòng thay, ngày nay trên quê hương chúng ta, tuy cũng có những ngày rộn rịp đón chào năm mới nhưng chế độ cai trị chỉ chuyên về lý thuyết giáo điều chứ trên thực tế thì người dân ngày càng Vô Sản còn tầng lớp thống trị thì tận hưởng của công. Tinh thần Công Bằng giữa Tư Điền và Công Thổ lưu truyền từ biểu tượng chiếc bánh chưng đã không còn nữa. Đấy là chưa kể tới thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất tang thương nhất của Dân Tộc mà người cộng sản đã phóng tay, rập khuôn theo Tàu Cộng, giết hại biết bao dân làng vô tội, triệt tiêu mọi công bằng xã hội sau lũy tre xanh, đảo ngược mọi tôn tri trật tự truyền thống về đạo đức của xóm làng, nền móng của quê hương đất nước.

Tôi nằm trong xà lim tăm tối trong đêm Giao Thừa với tâm trạng nhớ nước, thương nhà và thương chính mình, như con chim lạc bầy đang quay đầu về núi, tìm lại những mùa Xuân Dân Tộc đã qua. Tôi đã suy tưởng trong đêm cô lạnh đến bản Hiến Pháp đầu tiên của Dân Tộc qua biểu tượng chiếc bánh chưng, khi tôi đang ứa nước mắt thầm nhai mẩu bánh chưng thừa để cố sinh tồn. Màu sắc thanh bình hạnh phúc, phú cường an lạc, Tư-Công đồng đều, đùm bọc nhau mà sống trong xã hội cùng chung nòi giống với Nghĩa Vuông Tròn Chung Thủy, keo sơn gắn bó để bảo tồn nền Văn Hiến muôn đời của Dân Tộc. Đấy là lời căn dặn đến từ Quốc Tổ, đấy là bản Hiến Pháp bất thành văn nhưng đậm đà tình tự Dân Tộc và Lẽ Công Bằng trong mọi cuộc sống của con người mãi đến hôm nay và ngày mai con cháu. Nhưng chính con người đã bỏ quên và chính con người cộng sản đã cố tình hủy diệt tinh thần cao thượng này. Tôi lại chợt nhớ đến một trang huyền sử với lời dặn dò của Tổ Lạc Long Quân nói cùng các con khi nào gặp cơn nguy biến thì cứ gọi "Bố ơi, Bố đi đằng nào, xin hãy về cứu chúng con!", tức thì uy linh cảm ứng, Cha Rồng sẽ hiện về ngay. Giờ đây, trong nỗi niềm suy tưởng về tinh thần mấy nghìn năm Văn Hiến của Dân Tộc qua chiếc bánh chưng ngày Tết, trong sự lo sợ về hiểm họa diệt vong của giống nòi qua suy đồi đạo lý và bao cảnh bất công, qua sự thần phục quỳ lụy của chế độ cộng sản trước bọn bành trướng phương Bắc, chúng ta nên cùng nhau khấn nguyện "Xin Bố hãy về cứu chúng con", sau khi đã tròn tâm tận lực trong nghĩa vụ làm người yêu Nước chân chính.


Võ Đại Tôn

(Úc Châu)

http://lotus-revolution.blogspot.com/2011/02/tet-en-nghi-ve-ban-hien-phap-au-tien.html



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment