13 March 2011

Chỉ cần không biết sợ

Chỉ cần không biết sợ

Nguyễn Hưng Quốc


Chung quanh các cuộc nổi dậy đã thành công cũng như chưa thành công ở một số quốc gia thuộc Trung Đông và Bắc Phi gần đây, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học, trong đó, theo tôi, bài học này là quan trọng nhất: Không biết sợ.

Khi được các phóng viên hỏi, những người xuống đường biểu tình ở Tunisia, Ai Cập, Bahrain, Yemen, Iran và Libya thường nói một câu giống nhau: Họ không còn thấy sợ nữa. Mà thật, nhìn mặt họ, trên tivi, chúng ta cũng không thấy có chút sợ hãi nào cả. Nếu không hò hét thì họ cũng bình thản đứng yên trên đường phố.
Riêng ở Tunisia và Ai Cập, xe thiết giáp của quân đội đến, họ cũng vẫn đứng yên. Thậm chí, nhiều người còn vẫy chào, có khi tặng hoa cho lính đang ngồi trên xe. Ở Libya thì người ta chống trả kịch liệt khi bị phe thân Đại tá Muammar el-Qaddafi tấn công.

Có thể nói chính việc không-biết-sợ ấy vừa là nguyên nhân hình thành các cuộc nổi dậy và cũng đồng thời là nguyên nhân dẫn đến sự thành công của các cuộc nổi dậy ấy.

Không phải chỉ bây giờ dân chúng các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi mới bị đối xử một cách bất công và tồi tệ. Ách độc tài và nạn tham nhũng đã đày đọa họ từ cả mấy chục năm nay. Thế nhưng, trong chừng ấy năm, họ vẫn câm lặng chịu đựng. Bị áp bức: họ cắn răng chịu. Bị nghèo đói: họ ra đường buôn bán lặt vặt hay thậm chí, ăn xin, ăn cắp để sống qua ngày. Nhìn giới cầm quyền sống giàu có và xa hoa một cách bất chính: họ vẫn im lặng. Rất hiếm, cực kỳ hiếm những người đủ can đảm lên tiếng kêu gọi hay tranh đấu cho một sự thay đổi theo hướng tốt lành và bình đẳng hơn. Hầu hết người dân, tuyệt đại đa số người dân, đều tiếp tục chịu đựng chỉ vì một lý do duy nhất: khiếp sợ.

Mà các nhà độc tài thì rất lão luyện trong việc củng cố những nỗi khiếp sợ ấy. Bằng tuyên truyền: lúc nào cũng đề cao sức mạnh của họ. Và bằng bạo lực: mật vụ, công an và cảnh sát có mặt hầu như khắp nơi để theo dõi mọi người, sẵn sàng ra tay trấn áp bất cứ ai bày tỏ chút phản đối nào đối với chính quyền.

Ai cũng tưởng sự khiếp sợ như vậy sẽ kéo dài mãi. Giới cầm quyền độc tài lại càng tưởng như thế. Chắc chắn trước khi dân chúng đổ xô xuống đường, Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali của Tunisia và Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập không thể tưởng tượng được là người dân của họ lại có ngày không còn sợ như vậy. Đại tá Qaddafi, sau đó, cũng không tưởng tượng được. Ngay cả khi dân chúng đã xuống đường, đã giành quyền kiểm soát khá nhiều địa phương trong cả nước, trong một cuộc phỏng vấn của các ký giả phương Tây, Qaddafi vẫn còn dõng dạc tuyên bố: "Không ai xuống đường cả!", "Dân chúng cả nước đều yêu mến tôi!"

Tôi tin là ngay chính dân chúng, những người đã hoặc đang xuống đường đòi tự do và dân chủ ở các nước ấy, trước đó, cũng không thể tưởng tượng nổi là có ngày họ lại không còn biết sợ.

Nói cho đúng, theo tôi, suốt cả mấy chục năm trước: họ sợ. Một ngày trước khi đổ xô xuống đường: chắc họ cũng sợ. Có lẽ chỉ một hai giờ trước khi xuống đường họ mới bớt sợ. Bớt chứ không phải là hết. Tôi tin họ chỉ không còn thấy sợ nữa khi chung quanh họ đã có trùng trùng điệp điệp những người cùng cảnh ngộ và cùng lý tưởng quyết tâm chống lại độc tài.

Sự phẫn nộ trước họa độc tài và tham nhũng khiến người ta bất chấp sợ hãi chứ bản thân sự phẫn nộ không đủ làm tiêu tan hẳn mọi sự sợ hãi. Yếu tố làm cho sự sợ hãi ấy biến mất nằm ở chỗ khác: đám đông.

Khi người ta đứng một mình, ngay cả lúc ở trong nhà của mình: sợ. Túm tụm với nhau vài ba chục hoặc vài ba trăm người: sợ. Nhưng khi đứng giữa đám đông gồm cả hàng ngàn, hàng chục ngàn người, nỗi sợ hãi sẽ tự nhiên biến mất. Lúc ấy, kẻ sợ không còn là những người biểu tình. Mà là giới cầm quyền. Cuối cùng, chính những kẻ từng thét ra lửa ấy đã bỏ chạy.

Dĩ nhiên, vẫn có những kẻ không sợ, vẫn ra lệnh bắn sả vào đám đông. Chuyện ấy đã từng xảy ra ở Thiên An Môn hơn hai chục năm về trước. Nhưng một chuyện như vậy có lẽ sẽ không thể xảy ra vào lúc này.

Nếu biến cố Thiên An Môn xảy ra ở thời điểm hiện nay, con số mấy chục ngàn sinh viên đổ xô xuống đường sẽ trở thành một lực lượng lớn hơn gấp bội, cả hàng chục hay thậm chí, hàng trăm, hàng ngàn lần, nhờ một yếu tố: truyền thông. Đã đành mọi diễn biến ở Thiên An Môn năm 1989 đều được các cơ quan truyền thông trên thế giới theo dõi và loan tải. Nhưng thời ấy chỉ có báo in, truyền hình và truyền thanh. Bây giờ thì có vô số các phương tiện khác. Không những đa dạng hơn mà còn phổ biến hơn và nhất là, nhanh chóng hơn. Bây giờ, mọi chiếc điện thoại di động đều có thể trở thành vũ khí: chúng không những được dùng để liên lạc mà còn dùng để chụp ảnh và những bức ảnh ấy dễ dàng được gửi đi khắp nơi. Nếu mỗi người chỉ gửi đi một bức ảnh và một tin nhắn, sự hiện diện của số người trên đường phố sẽ được nhân lên gấp cả hàng chục lần. Và họ có cả thế giới đứng sau lưng họ. Ủng hộ họ.

Tuy nhiên, ở đây, tôi không đi sâu vào những sự khác biệt giữa thời của Thiên An Môn và thời bây giờ. Tôi chỉ muốn trở lại với luận điểm nêu ở trên: Dân chúng ở các nước Trung Đông và Bắc Phi chỉ bớt sợ ở thời điểm quyết định và chỉ hết sợ khi họ đã thực sự xuống đường. Khi họ hết sợ cũng là lúc họ thành công.

Cần phân biệt mức độ bớt sợ và hết sợ ở các nước Trung Đông và Bắc Phi: chúng khác nhau. Những sự phân tích ở trên có lẽ chỉ đúng với hai quốc gia đầu tiên bùng nổ cách mạng dân chủ: Tunisia và Ai Cập. Ở các quốc gia khác, sau đó, kể cả ở Libya hiện nay, cảm giác bớt sợ có lẽ xuất hiện sớm hơn và với mức độ cao hơn nhờ những sự thành công vang dội của dân chúng các nước lân cận. Những sự thành công ấy cho thấy ý định nổi dậy của họ không còn là một cuộc phiêu lưu liều lĩnh hay dại dột và cũng không còn là một ước mơ viển vông nữa.

Người ta thường nói: đối với một người, không có gì giúp cho người ta thành công nhanh bằng chính sự thành công. Thành công nuôi dưỡng sự tự tin. Tự tin giúp người ta dám quyết định và dám đương đầu với thử thách. Có quyết định và có đương đầu thì mới có những thành công liên tiếp được. Với một cộng đồng, cũng vậy. Những sự thành công của dân chúng ở Trung Đông và Bắc Phi giúp người dân ở vô số các quốc gia đang chịu đựng nạn độc tài khác thấy được một điều: Chỉ cần bớt sợ, dù chỉ một chút, người ta có thể dấn thân; và khi đã dấn thân vào cuộc tranh đấu thì tự nhiên những nỗi sợ hãi sẽ không còn nữa.

Và khi họ không còn sợ hãi nữa thì đến lượt bọn độc tài sẽ khiếp sợ.



Nguyễn Hưng Quốc

http://bit.ly/euCjgS



Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment