21 March 2011

PHAN CHÂU TRINH : TRANH ĐẤU BẤT BẠO ĐỘNG (phần 1/2)

PHAN CHÂU TRINH : TRANH ĐẤU BẤT BẠO ĐỘNG (phần 1/2)

Nhân kỷ niệm ngày giỗ thứ 85 (08/1872 - 24/03/1926)


Nguyễn Quý Đại


Phan Châu Trinh sinh tháng 8 năm 1872 (nhâm thân) tại làng Tây Lộc phủ Tam Kỳ Quảng Nam, tự Tử Cán hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã. Ông xuất thân gia đình danh tiếng tại Tiên Phước, thân phụ ông Phan văn Bình làm quan chức Quản cơ sơn phòng (chức quan võ trong coi biên giới các vùng núi) thân mẫu bà Lê thị Chung(Trung?).

Ông là con trai út, lập gia đình năm 1896 lúc 25 tuổi, vợ là Lê Thị Tỵ (1877-1914) người làng An Sơn, Tiên Phước. Thi đỗ cử nhân năm 1900, phó bảng 1901, năm 1903 làm quan ở Huế. 

Bối cảnh lịch sử

Thực dân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Việt. Ngày 05.07.1885 Tướng De Courcy đem đại quân đánh úp Kinh thành Huế, Tôn Thất Thuyết (1835-1913) xa giá vua Hàm Nghi (1872-1943) ra khỏi Kinh thành. Các đạo quân De Courcy chỉ huy đuổi theo truy lùng. Tôn Thất Thuyết phải đưa vua chạy đến Tân Sở (QuảngTrị) thảo hịch Cần Vương được sĩ phu khắp nơi hưởng ứng lời kêu gọi, nổi lên chống Pháp, bấy giờ cụ Phan Văn Bình hưu trí, nhưng hưởng ứng Nghiã Hội Cần Vương làm chuyển vận sứ  (phụ trách quân lương) ở đồn A-Bá Tiên Phước và lập đồn điền để trồng hoa màu tiếp tế cho Phong Trào Nghiã Hội tại Quảng Nam (từ tháng 7.1885 đến tháng 8.1887) dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887) và tiến sĩ Trần Văn Dư (1839-1885). 

Tổng trú sứ Bihourd đề nghị với Ðồng Khánh sai Nguyễn Thân đánh dẹp Phong Trào Nghiã Hội Quảng Nam. Nguyễn Thân đánh Tam Kỳ và phá nhiều căn cứ quân Cần Vương, tiếp tục truy lùng  bắt gia đình Nguyễn Duy Hiệu tại thượng nguyên Phước Sơn làm con tin, yêu cầu ông ra đầu hàng vì lòng hiếu thương mẹ già và gia đình. Ông phải về với triều đình (Ðồng Khánh) lảnh bản án tử hình. Ðồng Khánh lên ngôi 14.9.1885 làm vua bù nhìn. Triều đình có một số quan lại muốn yên thân cúi đầu tuân theo lệnh của bọn thực dân, xã hội và triều đình bị phân hoá trầm trọng chia làm hai phe. Phe theo kháng chiến cứu quốc, phe còn lại hàng giặc để thưà hưởng, vinh thân phì gia

Cuộc kháng chiến của vua Hàm Nghi thất bại, bị tên thổ phỉ Lê Quang Ngọc, và Nguyễn Ðình Thìn chỉ điểm cho Pháp. Đêm 01.11.1888 bắt vua Hàm Nghi giao cho Ðại úy Boulanger ngày 04.11.1888, đến trung tuần tháng 8.1889 vua bị lưu đày sang Bắc Phi. Các phong trào Văn Thân, Cần Vương bị dẹp, nhưng không dập tắt lòng yêu nước của toàn dân Việt Nam. Năm 1930 khởi nghiã chống Pháp của Việt Nam Quốc Dân Ðảng dù thất bại „không thành công cũng thành nhân", không làm nao núng lòng yêu nước.

Dân tộc Việt Nam luôn tranh đấu qua nhiều phòng trào đánh Tây, muốn thoát khỏi vòng nô lệ nên máu xương của dân quân tiếp tục đổ ra trên dòng sông lịch sử, cho đến ngày dành lại độc lập năm 1945. Bọn tay sai đắc lực như Nguyễn Thân (1840-1914), Hoàng Trọng Phu, Hoàng Cao Khải (1850-1933), Lê Hoan, Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902), Phạm Ngọc Quát v.v. bị lịch sử phê phán, người đời nguyền rủa. hai tên phản quốc Ngọc và Thìn đều bị nghiã quân Phan Ðình Phùng (1844-1895) giết để làm gương cho hậu thế. 

Sau cơn Quốc biến và Gia biến, Phan Châu Trinh mồ côi mẹ lúc 6 (8?) tuổi, năm Đinh hợi 1887 thân phụ bị nạn qua đời, phòng trào cũng tan, ông từ giả chiến khu lúc 16 tuổi  về quê sống với anh cả Phan Văn Cừ nuôi ông ăn học, ông là  người hoạt bát tháo vát và vui tính. Năm 1892 (21 tuổi) kết giao với Huỳnh Thúc Kháng, đến năm 1898 ông được vào trường tỉnh do đốc Trần Đinh Phong (Mã Sơn) tại Thanh Chiêm quận Ðiện Bàn trông coi giảng dạy, có nhiều cơ hội tiếp xúc với nền văn minh phố Hội và có thêm bạn thân là Trần Quý Cáp. Năm 1901 đậu phó bảng, người anh cả mất năm 1902 ông về cư tang, ở nhà dạy học đến năm Qúy mão 1903 lại được bổ dụng làm Thừa biện bộ Lễ.  Kinh đô Huế là Trung tâm văn hóa, trong thời gian làm quan ông tiếp xúc nhiều giới trí thức tân học như: Ðào Nguyên Phổ (1861-1907), Thân Trọng Huề (1869-1925) Phan Bội Châu (1867-1940). Tàu bè ngoại quốc đến Ðà Nẵng, bán sách cho sĩ phu Việt Nam, từ đó Phan Châu Trinh tiếp thu ý thức thế hệ mới, về tư tưởng dân quyền và dân chủ. Các cuộc chiến Trung Hoa Nhật Bản (1894-1895) chiến tranh Ðức Pháp (1870-1871), ảnh hưởng rất nhiều đến thành phần trí thức, cũng như  sách Tân thư, của Khang Hữu Vi (K'ang Yu Wei 1858-1927) Lương Khải Siêu (Liang Ch'i Ch'ao 1837-1929) và của các tác giả: Montesquieu (1689-1755), Rousseu (1712-1778), Voltaire (1694-1778) được dịch sang Hán văn. Từ đó có một sự chuyển biến trong tư tưởng và cuộc đời của Phan Châu Trinh, nhưng nhà văn Nguyễn Văn Xuân cho rằng: Phan Châu Trinh ảnh hưởng sâu rộng tư tưởng Duy Tân của tác giả Nguyễn Lộ Trạch với „Thiên Hạ Ðại Thế Luận"(2)

Phong Trào Duy Tân

Cuối năm 1904, Phan Châu Trinh từ quan, rời Huế không muốn làm việc trong cảnh nô lệ. Triều đình có Vua nhưng chỉ để thi hành mệnh lệnh của chính phủ bảo hộ không có quyền hành."vận nước gặp cơn dâu biến..còn lòng đâu áo mão xênh xang".  Ông cùng hai người bạn thân là Hùynh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp, không làm quan để vinh thân phì gia chọn con đường đấu tranh nhiều chông gai, dấn thân hoạt động trong Phong Trào Duy Tân tại Quảng Nam.  

Phong trào Duy Tân chủ trương bất bạo động, công khai hoạt động nhằm khai hoá dân tộc „chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh" cải cách trên mọi lãnh vực, khuyến khích giáo dục bỏ lối học từ chương, truyền bá canh tân mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, kêu goị cắt tóc ngắn, cắt móng tay, phát động phong trào học Quốc ngữ , nhưng triều đình Huế vẫn duy trì lối học thi phú, qua các loại sách như "Tứ Thư Ðại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử" và Ngũ kinh. Cho đến năm 1913 Triều đình bắt đầu cải cách, năm 1917 kỳt thi Hương cuối cùng chấm dứt chương trình học cổ điển. Trong lúc Tây Phương họ học toán, phát triển văn-minh, khoa-học, kỷ-thuật tiến bộ, người ta dùng kỷ nghệ nặng như đóng tàu, đúc súng…đem lại đời sống phồn thịnh Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp cùng nhau đi vào miền Nam, tới Bình Ðịnh gặp quan tỉnh kỳ khảo  hạch , ông cùng hai bạn làm bài thơ „Chí Thành Thông Thánh " và bài phú „ Danh Sơn Lương Ngọc " gây chấn động trong học giới và văn giới.  


Việc đời ngoảnh lại thành không
Còn đâu giọt lụy non sông khóc người
Muôn dân luồn cúi tôi đòi
Văn chương bát cổ say hoài giấc mơ
Mặc ai chửi rủa tha hồ,
Xích xiềng này biết bao giờ tháo xong?
Anh em còn chút máu nồ
Hãy đem văn ấy đọc cùng nhau nghe.

(Á Nam Trần Tuấn Khải dịch)


Thơ và phú đó gây phản ứng mạnh tại trường thi, mục đích cảnh tỉnh học trò sĩ tử còn mê muội với từ chương thi phú, ham công danh quên đất nước đang chìm trong vòng nô lệ. Ðó cũng là cách vận động gây tiếng vang trong giới trí thức và quần chúng.

Chính quyền điạ phương truy lùng tác giả các bài trên, nhưng các cụ đã đi xa vào tới Nha Trang, xem hạm đội Nga do đô đốc Rojestvensky chỉ huy tạm thả neo chờ ngày cấp cưú  Lữ Thuận (Lu Shun). Ba người tới Phan Thiết gặp các ông Trương Gia Mô (1866-1930), Hồ Tá Bang (1875-1943), Nguyễn Trọng Lôi ( ?1911) cùng bàn chuyện Duy Tân, thành lập công ty Liên Thành và mở trường Dục Anh.  Phan Châu Trinh bị bệnh nên không thể tiếp tục xuôi Nam. phải ở lại dưỡng bệnh Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) , Trần Quý Cáp (1870-1908) trở về hoạt động tại Quảng Nam, có thêm Lê Bá Trinh (1875- ?), Phan Thúc Duyện (1873-1944) là những người khoa bảng không ra làm quan, tham gia vận động mạnh cho Phong Trào Duy Tân với chủ thuyết Dân Quyền, được vận động trong quần chúng, thực hành theo phương thức hoạt động của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Khác với Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895), Nguyễn Trường Tộ (1828-1817), Phan Thanh Giản (1796-1867), Phạm Phú Thứ (1820-1883) viết nhiều điều trần gởi cho triều đình Huế đều bị bỏ quên!

Tại Quảng Nam các thương hội, dệt các thứ vải dày có thể may Âu phục. Phan Châu Trinh đích thân làm gương cắt may, mặc bộ đồ tây bằng vải nội, hàng vải tơ lụa nội hóa được cải tiến, làng Bảo An, Ðiện Bàn nổi tiếng dệt đẹp cần phát triển thủ công nghệ, có thể cạnh tranh với tơ lụa nhập cảng. Nông Hội phát triển lớn nhất tại Yến Nê, (Ðiện Bàn) rộng chừng 20 mẫu trồng khoai, sắn, bắp, cho trồng cây dương liễu để cản gió theo hai bên bờ sông, còn lại dấu tích cho đến ngày nay. Mỹ Sơn (Duy Xuyên) rộng khoảng 40 mẫu trồng hoa màu và cấy lúa, Bửu Sơn (Ðại Lộc) khai phá để trồng lúa  

Về thương nghiệp cạnh tranh với thương gia Trung Hoa. Các thương hội tổ chức, phương pháp làm việc kết qủa tốt như thương hội Phong Thử (Ðiện Bàn) do Phan Thúc Duyện trông coi, điạ điểm thuận lợi cho việc giao thông bằng đường thủy ghe lớn có thể cập bến được, tấp nập người đến buôn bán.  Hội An thương cuộc do ông Bang Kỳ Lam phụ trách bán đủ loại sỉ và lẽ vải, gạo, đường, quế, trên các món hàng bày bán đều có định giá rỏ ràng nhân viên lịch sự tiếp khách… Phú Lâm (Tiên Phước) do Lê Cơ (1870-1918) tổ chức chương trình khuyến kích công thương nghiệp, là bước tiến đầu tiên tại Quảng Nam từ từ ảnh hưởng đến thay đổi sinh hoạt Hà Nội và Sài Gòn. Các nhà nho tiến bộ tại Hà Nội đứng ra khuếch trương thương nghiệp là ông Ðỗ Chân Thiết mở hiệu Ðồng Lợi Tế ở phố Mã Mây, mở tiệm thuốc Bắc Tụy Phương ở phố Hàng Cỏ, Hoàng Tăng Bí mở hiệu Ðông Thành Xương ở Hàng Gai..Tại sài gòn có Minh Tân Khách sạn của cụ Phủ Chiếu(3)

Phong Trào Duy Tân là cuộc cách mạng lớn trên mọi lãnh vực đầu Thế kỷ 20. Các trường dạy thêm chương trình chữ Quốc ngữ lan rộng trên khắp nẻo đường đất nước. Vua Thành Thái thường cải trang vi hành, nghe và ảnh hưởng Phong Trào Duy Tân, cắt bỏ cục tóc trên đầu, các quan ngạc nhiên lúc ngài ngự triều, nhà Vua tự làm gương đề xướng theo Duy Tân cải cách sinh hoạt để thúc đẩy dân tiến.(4)  

Thực dân Pháp kết án ai theo Duy Tân cắt tóc gọi là giặc cúp tóc. Ngày 30-7-1907 toàn quyền Beau kết tội vua Thành Thái bị bệnh tâm thần và phế đế, lập Duy Tân (Vĩnh San) lên ngôi (1900-1945).Phong Trào Duy Tân phát triển tốt đẹp tại quê nhà, Phan Châu Trinh ra Nghệ An gặp Ngô Ðức Kế đến Hà Nội tiếp xúc với số sĩ phu vận động mở rộng Phong Trào Duy Tân, ông có tài diễn thuyết, chinh phục được phái cựu học tham gia Phong Trào, khuyến khích mở trường dạy nghành nghề từ công nghiệp cho đến thương nghiệp, mở nông hội và thương hội nâng cao đời sống về kinh tế, truyền bá chữ Quốc ngữ đề xướng chủ thuyết Dân Quyền, được hoan hô đón nhận. Các nhà nho như cụ Phương Nam, Ðổ Chân Thiết, Lương Trúc Ðàm (1879-1908) là những người tiên phong cắt tóc ngắn và ăn mặc Âu phục với hàng nội hóa.(5)

Ông ích Ðường (1884-1908) cháu nội Ông Ích Khiêm hướng dẫn Phan Châu Trinh lên Yên Thế thăm lãnh tụ Hoàng Hoa Thám (1858-1913). Về Hà Nội gặp các ông Lương Văn Can, Nguyễn Quyền là người có công mở trường Ðông Kinh Nghiã Thục.

Xuất ngoại lần thứ nhất

Cuối tháng 3 năm 1906 trốn đi sang Hồng Kông. Nhờ vào đường giây của Phong Trào Ðông Du (1906-1908) Tăng Bạt Hổ người có công đầu dẫn đường cho các nhà cách mạng Việt Nam. Phan Bội Châu và các đồng chí khởi xướng Phong Trào Ðông Du đưa du học sinh sang Nhựt. Trên tàu các Cụ gặp Lý Tuệ  làm việc đầu bếp, giúp đỡ từ đó Phan Châu Trinh, được Lý Tuệ dẫn đường xuống tàu cải trang làm bếp đi Hồng Kông gặp Phan Bội Châu (1867-1940), Cường Ðể (1882-1951 là cháu 5 đời vua Gia Long). Cùng nhau sang Quảng Châu thăm Lưu Vĩnh Phúc, Nguyễn Thiện Thuật (?-1841), Lương Ngọc Quyến (1890-1917).  

Tháng 5-1906 cả 3 người đến Hoành Tân (Yokohama) và Ðông kinh (Tokyo), trong thời gian lưu lại Nhật, các cụ nhìn thấy nước Nhật hùng mạnh nhờ biết thay đổi chính sách cai trị duy tân của Minh-trị-Thiên-Hoàng (Mutsu Hito 1852-1912). Nhật trở nên hùng mạnh thắng Trung Hoa năm 1895 đưa đến việc hai bên ký kết hoà ước Shimonoseki (Hạ Quan) ngày 17.04.1895. Nhật đánh bại quân Nga tại Tsushima (Ðối Mã) năm (1904-1905). 

Phan Châu Trinh gặp giới chính khách Nhật, như Khuyển Dưởng nghị (Inukai ki 1855-1932) Ðại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigonebu 1838-1922) người Nhật xướng lên chủ nghĩa Ðại Ðông Á. Phan Châu Trinh thấy chính sách của Nhật không thật tình giúp đỡ Việt Nam..Dân tộc Việt Nam phải tự duy tân, nếu không được khai hóa thì không thể canh tân xứ sở....  

Tư tưởng hai nhà cách mạng họ PHAN rất tiếc không tương đồng, Phan Bội Châu với khuynh hướng bạo động, duy trì chế độ Quân chủ trông cậy vào Nhật để chống Thực dân. Ngược lại Phan Châu Trinh chủ trương bất bạo động tân dân, không chấp nhận chế độ quân chủ, muốn khai thông dân trí thì phải cải cách, muốn có nhân quyền thì phải chấm dứt chế độ vua quan bù nhìn Nam Triều. Chủ trương dựa vào nước Pháp để khai hóa dân tộc tiến bộ, làm cuộc cách mạng văn hóa, khi đất nước mạnh có thể đấu tranh dành lại độc lập, tiết kiệm xương máu. Nếu dựa vào nước Nhật để chống Pháp có tránh được việc. "đuổi con hổ ra cửa trước, rước con gấu vào ngõ sau"?(6)  

 Ðại Hàn bị Nhật đô hộ, cũng như Hiệp ước Pháp và Nhật ký ngày 10.7.1907 Pháp nhường cho Nhật số quyền lợi. Pháp yêu cầu chính phủ Nhật bắt các nhà Cách mạng Việt Nam chống Tây, giải tán và trục xuất du học sinh. Tháng 8. 1908 Nhật trục xuất hàng trăm thanh niên Việt Nam bổng nhiên rơi vào cảnh bơ vơ không nơi nương tựa, năm 1909 Phan Bội Châu và Cường Ðể cùng chung số phận phải trốn sang Trung hoa. Ðến tháng 10.1910 chính phủ Mãn Thanh khủng bố các nhà Cách mạng Trung Hoa. Cường Ðể và Phan Bội Châu phải sang Thái Lan.

Ðệ nhị thế chiến 9.3.1945, người Nhật lộ hẳn sự phản bội dân tộc Việt Nam, trước khi Phan Châu Trinh trở về Việt Nam tâm sự với Phan Bội Châu „Xem dân trí Nhật rồi đem dân trí ta ra so sánh, thật không khác gì muốn đem con gà con đọ với con chim cắt già. Giờ bác ở đây, nên lo chuyên tâm ra sức vào việc văn, thức tỉnh đồng bào cho khỏi tai điếc mắt dui còn việc mở mang diù dắt ở trong nước nhà thì tôi xin lảnh. Lưỡi tôi đang còn, người pháp chẳng làm gì tôi được mà lo"(7)

Trở về nước hoạt động

Ðường lối đấu tranh hai nhà cách mạng tuy khác nhau, nhưng cùng tình yêu đối với Tổ quốc đồng bào. Phan Châu Trinh về nước công khai đấu tranh bất bạo động, chính sách cai trị của chính phủ bảo hộ chỉ  bần cùng hóa ngu dân, không thực lòng khai hóa dân tộc Việt Nam, đào tạo số người tay sai làm giàu trên xương máu của dân tộc. Ngày 15-08-1906 gọi là „ Phan Châu Trinh đầu thư cho Pháp". Gởi thư cho toàn quyền Paul Beau và khâm sứ Trung kỳ Fernand Lévecque. Thư trình bày hòan cảnh bi đát nhất của nhân dân dưới chính sách cai trị, những tệ trạng của quan lại Nam triều: 

1/ Chính phủ bảo hộ dung dưỡng cho bọn quan lại An nam để gây nên tệ lậu
2/ Chính phủ bảo hộ khi thị dân Việt Nam thái quá, khiến cho đôi bên phải xa cách
3/ Quan lại nhân cái sự ly gián ấy mà hành hạ dân(8)


Phan Châu Trinh ghé thăm Lương Văn Can nói về tình hình nước Nhật, tháng 3.1907 tại phố Hàng Ðào Hà Nội các sĩ phu Bắc Kỳ ngồi lại với nhau. Cụ Phan đề nghị mở trường dạy học, ý kiến nầy được chấp thuận lấy tên trường là Ðông Kinh Nghĩa Thục "tương tự như Khánh Ưng Nghiã Thục" của Phúc Trạch bên Nhật, xin giấy phép mở trường, chủ trương không lấy tiền học phí, mọi người tự nguyện bỏ công, bỏ tiền, tài sản ra thành lập. Ngày khai giảng thu nhận học sinh đông đảo. Bỏ lối học từ chương, chú trọng thường thức  và thực nghiệm dạy theo phương pháp giáo dục mới, chương trình dạy chữ Quốc ngữ, chữ Hán và Pháp Văn.  Phạm Ðình Ðối dạy môn toán học, thành phần giảng dạy của Ðông Kinh Nghiã Thục là các nhà nho và tân học: Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Phan Huy Thịnh, Ðào Nguyên Phổ, Phan Tuấn Phong, Ðặng Kinh Luân, Nguyễn Hữu Cầu..vv,(9)  

Lương Văn Can làm thục trưởng, Nguyễn Quyền làm giám học. Phan Châu Trinh  không giữ vai  trò nào vì cụ Phan về miền Trung vận động tiếp cho Phong Trào Duy Tân.  Ðông Kinh Nghiã Thục truyền bá văn hóa nước nhà, thêm tình thần ái quốc, trường có một số nhà nho như Lương Trúc Ðàm, Dương Bá Trạc. Ðổ Chân Thiết.. hoạt động ngầm cho phái bạo động (Phan Bôi Châu) nhiều cụ qúa hăng hái giảng dạy kêu gọi lòng yêu nước, đưa đến chủ trương chống chính sách thuộc địa. Thực dân Pháp nghi ngờ cho mật thám theo dõi, tịch thu giấy phép giải tán trường học vào tháng 11.1907. Khép tội Ðông Kinh Nghiã Thục là lò phiến loạn ở Bắc Kỳ, đóng cửa luôn tờ (Ðăng Cổ Tùng Báo) cấm lưu hành tàn trữ sách vở. Giáo viên, những người trong tổ chức bị nghi ngờ, bị kết án tù, đày ra côn đảo.  

Ðoàn kết Tôn Giáo

Các tỉnh miền Trung xảy ra chia rẽ với người theo Ðạo Thiên Chúa dưới thời Phong trào Cần vương. Giáo dân vùng Trà Kiệu quận Duy Xuyên bị cô lập, bị phân biệt xảy ra tranh chấp đổ máu...  Phan Châu Trinh đi khắp nơi trong tỉnh nhà, kêu gọi toàn dân đoàn kết, chia rẽ gây thêm cảnh khổ đau dân tộc có lợi cho thực dân. Cụ Phan không đặt vấn đề Lương-Giáo mọi người đều có trách nhiệm với quốc gia Việt Nam. Nhìn lại các nhà truyền giáo Tây Phương đã giúp ích cho văn học Việt Nam. Ðạo Thiên Chúa đào tạo những con Chiên ưu tú như Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) Trương Vĩnh Ký (1837-1898) .. Phan  Châu Trinh tiếp xúc với các vị các linh mục người Pháp, kêu gọi họ giúp đỡ để khai hóa con Chiên Việt Nam, Phan Châu Trinh hỏi các Linh mục:  

Có lẽ dân An Nam không phải là con chung của Chúa Trời, nên dầu có theo giáo, chỉ có sớm chiều đọc mấy câu kinh, đến ngày lễ tới nhà thờ quỳ nghe giảng mà thôi sao?„(10)

Lần đầu tiên trong đấu tranh sử nước nhà, giữa Lương-Giáo được hòa giải san bằng hố sâu ngăn cách, đoàn kết hoạt động với Phong Trào Duy Tân, làng Phước Kiều (Duy Xuyên) có cơ sở giáo dục Quảng Phước do một vị nhà dòng dạy học và tổ chức cơ sở chế biến kỷ nghệ đồ đồng rất tinh xảo như  nghề gia truyền cho đến ngày nay. Phong Trào Duy Tân giúp Dân trí được mở mang mạnh mẽ, nhiều người hưởng ứng nổi bật nhất, ông Lê Cơ thi đậu tú tài nhưng chỉ làm lý trưởng, con cô cậu với Phan châu Trinh.  Nhân dân được học hỏi tiến bộ, hưởng ứng phong trào như cắt tóc ngắn, là một thành công lớn của Phong Trào Duy Tân, muốn bỏ được phong tục lâu đời rất khó, hớt tóc có bài vè cúp tóc, được truyền tụng trong dân gian, khuyến khích đàn ông hớt tóc ngắn. Phong Trào chủ trương lâu dài, khai trí dân tộc tiến bộ mau chóng, Dân tộc hiểu được các quyền tự do: Dân quyền và Nhân quyền, thì chính sách bảo hộ của người Pháp phải thay đổi.

Cuộc vận động đòi quyền sống, dù bất bạo động của Phong Trào Duy Tân, công khai dần dần lan rộng, bởi vì thực dân Pháp và tay sai đàn áp bóc lột đánh thuế nặng, tất cả tai hoạ của xã hội trong giai đoạn nầy phản ảnh qua những câu ca dao.(11)

Ðời ông cho đến đời cha
Ðời nào cực khổ như ta đời nầy
Ngoài đồng cắm cọc giăng giây
Vườn hà đóng thuế vợ gầy con khô..
Từ ngày Tây chiếm Ðế Ðô
Xâu cao thuế nặng biết chừng mô hỡi trời!

Diễn tiến cuộc biểu tình

Năm 1908 các điạ phương từ tỉnh Quảng Nam đến Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Thừa Thiên, Hà Tỉnh, Nghệ An nổi lên phong trào kháng thuế xin xâu. Lúc đầu cuộc vận động biểu tình bất bạo động, có tầm mức quan trọng từ trước chưa xảy ra ở Việt Nam. Tại quận Ðại lộc (11.03.1908) sau đó Ðiện Bàn rồi các nơi đều hưởng ứng tham gia biểu tình kháng thuế, chống bọn tay sai, đòi hỏi dân quyền. Thực dân Pháp không giải quyết nguyện vọng của toàn dân ra lệnh đàn áp. Phong Trào như làng sóng lên cao, phẩn nộ trong người dân từ lâu bị đè nén và bộc phát. Thực dân Pháp lúc đầu để Phong Trào Duy Tân hoạt động vì quan niệm sĩ phu kêu gọi duy tân, theo Âu hóa càng sớm càng mất dần dân tộc tính càng dễ cai trị. Không ngờ Phong Trào gây ảnh hưởng sâu rộng, đưa đến đấu tranh chống thuế xin xâu, đụng vào cái thực chất quyền lợi của thực dân. Nếu không đánh thuế vào dân, lấy tiền đâu nuôi đòan quân viễn chinh, bộ máy cai trị tại Việt nam, đem tiền bạc về cho nước Pháp.

Thực dân và bọn tay sai quyết đập tan phong trào kháng thế xin xâu, dùng bạo lực súng đạn, đàn áp bắn giết đồng bào tham gia trên tay không vũ khí. Kết án ngọn lửa đấu tranh ấy phát xuất từ Phong Trào Duy Tân, đồng thời ngoài Bắc ngày 27.6.1908 xảy ra vụ Hà Thành đầu độc. Thực dân Pháp ra lệnh bắt bỏ tù hàng loạt từ Trung đến Bắc các sĩ phu yêu nước như: Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Ðức Kế, Châu Thượng Văn (1856-1908), Nguyễn Thượng Hiền, Lê Cơ, Phan Khôi  Tiểu La Nguyễn Thành (1863-1911) vv.. đến nhà tù Côn đảo cũng như Lao Bảo .

Kết án xử chém những người dẫn đầu đấu tranh tại Quảng Nam: Trần Thuyết (1857-1908 ngày 8-4 tại Tam Kỳ), Ông Ích Ðường (bị chém ngày 24-4 tại Túy Loan), các ông Nguyễn Cang, Nguyễn Dực, Phan Tham, Trần Phước, đều bị chém tháng 5 tại Duy Xuyên. Phong trào đấu tranh máu đổ ra tô thắm thêm trang sử Việt Nam oai hùng.  Phong Trào xin thuế bị dẹp vì thiếu tổ chức không có người chỉ huy tổng quát. Phong Trào Duy Tân dù thất bại nhưng nó còn trường tồn mãi trong lịch sử nước nhà.

Phong Trào có các ưu điểm: tin vào việc tự khai hóa dân tộc, phát triển các ngành nghề phù hợp với sinh hoạt địa phương, công-thương-nghiệp phải phát triển toàn diện, không có tinh thần vọng ngoại, truyền bá chữ Quốc ngữ... Áp dụng chủ thuyết Dân quyền hành động có lý tưởng, xây dựng đất nước quan tâm đến dân tộc phải tự cường và đoàn kết  

Trong giai đoạn nầy Trần Qúy Cáp (làm giáo học tại Khánh Hoà, vì nhà nghèo làm việc theo ý thân mẫu) bị Bố chánh Phạm Ngọc Quát, bắt (16.04) đổ tội cho cụ Trần xách động và đồng lỏa với phong trào kháng thuế xin xâu. Bản án dành cho Trần Quý Cáp thật ác nghiệt đó là chủ trương của chế độ thực dân, bởi vì Trần Quý Cáp viết gởi cho Phan Thúc Duyện có câu (Ngô dân thử cử khoái khoái khóai = dân ta làm thế sướng ...) vui mừng quê nhà có biểu tình đấu tranh chống thuế xin xâu. Bị  kết án „tuy chưa có hành động nhưng đã nuôi cái lòng phản nghịch" được gọi là bản án „mạc tu hửu" nghĩa là chẳng cần có tội, muốn giết thì giết, dẹp hết các người yêu nước để bọn thực dân rảnh tay cai trị.

Chính quyền muốn tử hình Phan Châu Trinh không thực hiện được, lần nầy phải giết gấp Trần Quý Cáp, tuyên án xử chém ngang lưng tại Khánh Hoà, đến 1924 Trần Quý Cáp được khai phục phẩm hàm, nhưng ông đã an giấc nghìn thu! 



1/ Quảng Nam trong lịch sử  tác giả Trần Gia Phụng

2/ Phong Trào Duy Tân tác giả Nguyễn Văn Xuân

3/ Phong Trào Duy Tân tác giả Nguyễn Văn Xuân

4/ Thành Thái người điên thế kỷ tác giả Thái Vũ trang 236

5/ Ðông Kinh Nghĩa Thục tác giả Nguyễn Hiến Lê trang 95

6/ Quân sử trang 333 xuất bản  Bộ tổng tham mưu QÐ VNCH

7/ Phan Bội Châu  Ngục trung thư  trang 50

8/ Phan Châu Trinh Thế Nguyên

9/ Ðông Kinh Nghĩa Thục tác giả Nguyễn Hiến Lê

10/ Phong Trào Duy Tân tác giả Nguyễn Văn Xuân

11/ Quân sử trang 338 xuất bản Bộ tổng tham mưu QLVNCH

Tài liệu tham khảo

Quảng Nam trong lịch sử tác giả Trần Gia Phụng Nxb Non Nước  Toronto 2000

Phan Châu Trinh (1872 - 1926) Tác giả Thế Nguyên tủ sách Tân Việt

Phong Trào Duy Tân tác giả Nguyễn Văn Xuân Nxb Lá Bối

Thành Thái người điên thế kỷ tác giả Thái Vũ Nxb Văn Học

Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925 Tác giả Thu Trang Nxb Văn Học

Từ Hi Thái Hậu cuốn 2 tác giả Mộng Bình Sơn Nxb Xuân Thu 

Bộ Quân sử do bộ tổng tham QLVNCH mưu xuất bản

Quảng Nam đất nước và nhân vật 1 &2 Nguyễn Quyết Thắng


http://bit.ly/dEioJw



Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment