29 August 2011

Cuộc Đời và Sự Nghiệp: Hòa Thượng Thích Thiện Minh

Cuộc Đời và Sự Nghiệp: Hòa Thượng Thích Thiện Minh

Thích Nguyên Siêu

1.  Dẫn Nhập :
          Con đường hoằng dương Phật pháp của Đạo Phật Việt Nam đã viết nên những trang sử  hạnh nguyện từ bi, hành trạng vô úy, đại hùng của chư vị lịch đại Tổ Sư kể từ thời du nhập cho đến hôm nay. Con đường hoằng dương Phật pháp ấy có lúc thăng, có khi trầm theo vận nước, nhưng Đạo Phật Việt Nam luôn hiện hữu và tồn tại trong trái tim dân tộc suốt chiều dài lịch sử hai ngàn năm qua. Chính trái tim ấy đã đẩy những dòng máu để nuôi lớn Tăng già Việt Nam trở thành những bậc xuất trần thượng sỹ. Hòa Thượng Thích Trí Quang đã viết : "Dòng máu của Tăng già Việt Nam là dòng máu trí tuệ, sáng suốt, dòng máu đại hùng, đại lực ;  dòng máu từ bi hỷ xả, dòng máu tinh tấn, dũng mãnh, dòng máu ấy đủ tất cả, không thiếu một đức tính tốt di truyền nào. Con đẻ của dòng máu ấy là những anh hùng vị tha, lợi tha và giác tha, cứu khổ và giải thoát cho muôn loài. Dòng máu ấy làm cho Tăng già thành bậc tai mắt của người và trời, làm kiểu mẫu cho tam giới. Dòng máu ấy đào tạo Tăng già thành những bậc giác tha, những Đức Phật. Dòng máu ấy là dòng máu Chánh giác cao cả của Đức Phật vậy."  [1]

          Tiếp nối dòng máu của chư vị Tổ đức, Thiền sư Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Tử và nền văn hóa giác ngộ Luy Lâu, Hòa Thượng Thích Thiện Minh đã thừa tiếp và thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp từ đó, để qua những tháng ngày hoằng pháp độ sanh, Hòa Thượng đã đem hết tâm huyết của mình phục vụ cho nhân quần xã hội. Bằng khả năng sẳn có, bằng ý chí kiên định, Hòa Thượng đã chấn tích vân du khắp các miền: từ Huế lên Cao nguyên, xuống miền Nam, ra miền Trung để điều động Phật sự, hoạch định phương án hoằng pháp, thiết lập các cơ sở chi hội, khuôn hội, tổ chức các đại hội từ hạ tầng cơ sở đến trung ương đẩy mạnh công cuộc chấn hưng Phật giáo, tạo dựng nền hòa bình cho quê hương dân tộc.

           Hình ảnh Hòa Thượng trong chiếc áo tràng đà, chiếc kính gọng đen to bản cố hữu, thật thâm trầm, đỉnh đạt, biểu hiện một Tăng tướng oai nghi mà qua những thập niên đương đại Hòa Thượng là bậc thiệu long Thánh chủng, là rường cột của Giáo Hội. Hòa Thượng đã dâng hiến trọn đời cho dân tộc, Đạo Pháp. Trong hàng Tăng đoàn, nơi ngôi Tổ đình, Hòa Thượng là bậc Chúng trung tôn để truyền trì mạng mạch Phật pháp; còn khi dấn thân vào đời hoằng pháp thì Hòa Thượng là một chiến lược gia, là một nhà hùng biện. Đến khi bị tù ngục qua bao chế độ thì Hòa Thượng là Bồ tát hóa thân vào đời ác năm trược và chịu khổ nhục thay cho mọi người. Tâm tư của Hòa Thượng lúc nào cũng thanh thản, trần tĩnh như tướng mạo của Hòa Thượng. Sau năm 1975, chế độ Cộng Sản Việt Nam bức hại, khủng bố Hòa Thượng, nhưng vẫn giữ lập trường dứt khoát, không bao giờ bắt tay với cộng sản. Hòa Thượng đứng thẳng người làm vị thuyền trưởng để lèo lái con thuyền Giáo Hội vượt qua cơn phong ba bão táp của chế độ nghiệt ngã cộng sản Việt Nam. Hòa Thượng đã khẳng định dứt khoát qua cuộc nói chuyện với tướng Đỗ Mậu :  "Dù tình thế có đi về đâu, thì Phật Giáo vẫn đứng trong lòng dân tộc mà đấu tranh cho đến cùng, bằng thế cách này hay chiến thuật khác. Thiếu tướng cứ tin đi, còn Giáo Hội, còn tôi thì cuộc tranh đấu không bao giờ ngừng."
[2] Hòa Thượng Thích Thiện Minh là hạt nhân để tựu thành sử mệnh quê hương. Sử mệnh ấy là kiến tạo nền hòa bình chơn chánh – Dân chủ, tự do và nhân quyền. Phương châm hành hoạt Phật sự của Hòa Thượng là phát huy đạo pháp trường tồn và thăng tiến trên lộ trình tu tập đạo giải thoát.


          2.-  Tiểu Sử :


           Hòa Thượng, thế danh là Đỗ Xuân Hàn, húy Thượng Tâm Hạ Thị hiệu Thiện Minh, tự Trí Nghiễm. Sinh năm 1921 tại làng Bích Khê, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Hòa Thượng có túc duyên với Phật pháp từ nhiều đời nhiều kiếp nên từ thuở nhỏ Hòa Thượng đã được quy y và xuất gia với Đại lão Hòa Thượng Thuyền Tôn, Thích Giác Nhiên – Đức Đệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam THống Nhất.

           - Năm 1936 - 1939 theo học lớp Sơ đẳng Phật học tại chùa Trúc Lâm - Huế.
           - Năm 1939 - 1944 theo học lớp Trung đẳng tại Phật học đường Báo Quốc - Huế.
           - Năm 1944 -1947 theo học chương trình Đại học Phật giáo cũng tại Phật đường Báo Quốc - Huế.
            - Năm 1948, Hòa Thượng thọ đại giới Tỳ Kheo tại giới đàn Báo Quốc do Đức Đại lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết – Đức Đệ Nhất Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam THống Nhất làm đàn đầu Hòa Thượng. Cuối năm ấy, Hòa Thượng được công cử làm Hội trưởng Hội Phật học Đà Lạt kiêm giảng sư của Giáo Hội tại Lâm Đồng.
            - Năm 1948 - 1952, Hòa Thượng lần lượt tổ chức những chi hội Phật giáo tại Cầu Đất, Sông Hinh - Blao, Di Linh, Đơn Dương, La Ba.
           Song song việc điều hành Phật sự tại đây, Hòa Thượng đã thành lập các đơn vị Gia Đình Phật Tử Lâm Nguyên, Cầu Đất, Trại Mát, Trạm Hành… Tổ chức những trại huấn luyện Đội Chúng Trưởng, Huynh Trưởng Sơ Cấp và Cấp 1.
- Năm 1952, Hòa Thượng được Giáo Hội thỉnh cử làm Hội Trưởng Hội Phật Học Khánh Hòa.

          Công cuộc xây dựng và phát triển Phật giáo tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, có hiệu quả phần lớn là do công Hòa Thượng. Sự nghiệp này gồm có 4 công trình chủ yếu :

          1.- Kiện toàn các cơ sở hạ tầng của Giáo Hội và thành lập Ban trị sự toàn miền.
          2.- Thành lập Phật học viện Nha Trang.
          3.- Thành lập trường Bồ đề.
          4.- Thành lập những Gia Đình Phật Tử đầu tiên.

          - Năm 1956, Hòa Thượng đã vận động thành lập Ban tổ chức Đại hội Tổng hội Phật giáo Việt Nam lần thứ 2 tại Chùa Ấn Quang, Sài Gòn.
          - Năm 1957 - 1960, Hòa Thượng điều hành Phật sự tại các tỉnh miền Trung mà nhất là Thừa Thiên - Huế, cũng như tổ chức các trại họp bạn ngành Thiếu Gia Đình Phật Tử toàn quốc.
          - Năm 1963, Hòa Thượng cùng các bậc tôn túc lãnh đạo ủy ban liên phái Bảo vệ Phật giáo đòi hỏi chế độ nhà Ngô thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội.
           - Năm 1964, Đại hội Thống nhất Phật giáo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, Hòa Thượng được thỉnh cử làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh Niên.
           - Năm 1970, Hòa Thượng tham dự Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình tại Tokyo, Nhật Bản.
            - Năm 1973, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa viên tịch, Hòa Thượng đảm nhiệm chức vụ Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
           - Năm 1974, Hòa Thượng được Đại hội cung thỉnh Cố vấn Hội đồng Viện Hóa Đạo và tham dự Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình tại Louvain, Bỉ Quốc.

           Lịch sử đã sang trang, quê hương, dân tộc đã chìm vào sự cai trị nghiệt ngã của chế độ cộng sản Việt Nam. Đạo Pháp cũng trôi theo vận nước bềnh bồng vô định. Vào ngày 13 tháng 4 năm 1978, Cộng sản bắt giam Hòa Thượng tại Tổng nha Cảnh sát cũ, rồi chuyển sang trại Phan Đăng Lưu… và Hòa Thượng đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 17.10.1978 sau 6 tháng 5 ngày bị nhốt trong xà lim tối tăm, đánh đập, tra tấn dã man của chế độ.

            Suốt cuộc đời phụng sự Đạo pháp, Dân tộc, Hòa Thượng là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ mai sau. Hòa Thượng Thích Thiện Minh, người đã sống cái sống của con người đương đầu với bạo lực và khi chết cũng là cái chết của con người vô úy trước bạo lực.

           Hòa Thượng đã ra đi trong niềm đau thương vô hạn của dân tộc, trong nỗi thương tiếc vô cùng của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam. Cho đến hôm nay, tánh đức từ bi, tinh thần vô úy của Hòa Thượng vẫn luôn sáng ngời trong tận cùng tâm thức của mỗi đoàn sinh, huynh trưởng các cấp Gia Đình Phật Tử và ý thức Thiện Minh – Ý thức hòa bình dân tộc, ý thức bất diệt cho Đạo pháp luôn sáng ngời trên bầu trời quê hương và thế giới hôm nay.


           3.-  Tính khí khái và bất khuất của một bậc tôn giả, Hòa Thượng Thích Thiện Minh đã chết trong ngục tù cộng sản Việt Nam.


           Thừa hưởng dòng máu quật cường của dân tộc Việt và chí nguyện nhập thế độ đời kham nhẫn của đạo Phật, Hòa Thượng ung dung tự tại dù hoàn cảnh có nghiệt ngã hay khốn cùng. Vào năm 1978, Hòa Thượng đã chống gậy lang thang từ văn phòng Viện Hóa Đạo đến chùa Già Lam, từ chùa Già Lam qua chùa Pháp Vân, từ Pháp Vân đến Trung tâm Quảng Đức mà chẳng có nơi nào là chốn tạm dung, vì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không cấp hộ khẩu. Hòa Thượng tự biết rằng nhà tù là chốn dung thân. Hòa Thượng chuẩn bị hành trang với hai bộ quần áo, y hậu và một vài vật dụng cần thiết cá nhân, đợi ngày vào tù cộng sản và chính nơi đó là nơi an nghỉ cuối cùng. Cánh cửa nhà tù khép lại, chôn kín hình ảnh một kẻ sỹ xuất trần nhưng không thể vùi chôn chí nguyện hóa độ của bậc thượng nhân lợi tha giác ngộ.

           Ngôi làng Bích Khê, nơi quê hương đầu đời của Hòa Thượng, và cũng từ đó, từ mảnh đất nghèo khổ, khô cằn sỏi đá, từ vị trí địa dư lịch sử, địa đầu giới tuyến, bên dòng sông Thạch Hãn phân chia ranh giới Bắc Nam, ý thức "Thiện Minh" tạo dòng sinh mệnh Đạo Pháp quê hương được bắt nguồn từ đó, từ tinh thể của quận Triệu Phong kết thành người "Thiện Minh" lịch sử. Quảng Trị đêm mưa đông, ngày nắng hạ đã nuôi lớn trái tim dân tộc bằng liếp cải, nương dâu trong ý thức "Thiện Minh", người con trong lòng Đạo Pháp.

           "Thiện Minh" tên người lãnh đạo Giáo Hội Thống Nhất bất khuất mà cả một thế hệ tôn sùng, thành thiết đảnh lễ. Đảnh lễ để thấy mình đang học một bài học lịch sử sống mà Hòa Thượng Thiện Minh là hiện thân của dòng lịch sử đó. Dòng lịch sử dân tộc kiêu hùng; ngọn đuốc "Thiện Minh" soi đường tăm tối, xoáy tận vào lòng người, vào tâm can, lương tri của những con người bạo hành, phi nhân. Bài học "Thiện Minh" là bài học ngàn vàng mà thế hệ đã qua, thế hệ hôm nay hay thế hệ mai sau ai cũng phải học. Học cái can trường, học cái bất khuất, học cái dũng cảm, học cái hy sinh, học cái quên mình và học cái không thù hận giữa những người thù hận. Học cái trung cái nghĩa, cái từ bi, cái hỷ xã, cái trí tuệ của dòng dõi Tăng già Việt Nam. "Thiện Minh" con người của ý thức hệ, con người của lương tâm, con người của những con người đang sống, đang cưu mang lý tưởng hòa bình. Ý thức "Thiện Minh" được khơi nguồn và dẫn đi từ đầu đời dòng lịch sử dân tộc. Tự tính hào hùng trong ý nghĩa tự tri, bất khuất trong giá trị trí thức, can trường trong tự tính bảo tồn cái phải và không hận thù trong khả tính quyến thuộc từ bi. "Thiện Minh", tên người là những khả tính ấy.

          Ý thức "Thiện Minh" cho chúng ta bài học lịch sử mà Hòa Thượng đối đáp qua cuộc nói chuyện với người đại diện cộng sản Việt Nam, Mai Chí Thọ, trước chủ trương và lập luận bạo hành của chế độ. Mai Chí Thọ nói :  "Có thể các Thầy nói hàng ngàn người nghe, chúng tôi nói không ai nghe, nhưng chúng tôi có súng, có nhà lao, có quân đội. Tất cả chúng tôi có trong tay. Liệu các Thầy có chống đối được không và chống đối đến bao giờ ?"  Qua lời nói trên, chúng ta càng thấy rõ thái độ điềm tĩnh, tâm tư từ hòa của bậc đại sĩ bằng cái nhìn kinh nghiệm lịch lãm suốt một chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Hòa Thượng nói :  "Tôi nghĩ rằng có lẽ ông đã nói sai. Hơn ai hết ông biết rằng trong suốt thời gian đương đầu với Pháp và với Mỹ, kẻ khác chứ không phải là ông đã nói ra những câu tương tự như vậy. Lịch sử đã chứng minh rằng súng đạn và nhà tù không phải là tất cả, lại càng không phải là yếu tố tất thắng. Một Ngô Đình Diệm với chín năm cai trị bằng mật vụ ;  một Tần Thủy Hoàng với chính sách bạo ngược đốt sách, chôn học trò. Kết quả như thế nào ?  Đúng, chúng tôi một tấc sắt cũng không có trong tay và các ông thì có tất cả. Nhưng chúng tôi biết bài học lịch sử."

           Bài học kinh nghiệm lịch sử cho thấy, lời nói của Hòa Thượng không bao lâu, các nước cộng sản Đông Âu đã sụp đổ. Cái nôi cộng sản Liên Xô cũng tan tành. Lời nói đó đã chứng minh cho cộng sản Việt Nam thấy không phải có đủ súng đạn, có dư nhà tù, quân đội là tất thắng.

          Nỗi tang thương hay niềm đau của dân tộc, hình ảnh của cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, người con trong lòng Đạo Pháp :  "Một gương mặt bầm tím với râu tóc mọc dài, yên nghỉ trong chiếc quan tài. Tất cả những phần còn lại của con người yên nghỉ đó đều bị che lấp, không ai biết có vết tích gì trên phần còn lại đó hay không ?"

        
  "Hòa Thượng Thích Thiện Minh, chiến lược gia của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, người đã từng ở tù trong cả ba chế độ, hôm 17 tháng 10 năm 1978 đã bỏ mình trong một nhà tù của cộng sản tại thành phố Hồ Chí Minh." Đây là tin của đài BBC London.

           "Hình ảnh cuối cùng của Thượng Tọa Thiện Minh mà người ta thấy, là một thi thể được che phủ kín mít, nằm tại một khu rừng ở Hàm Tân (Bình Tuy) ngày 18 tháng 10, 1978. Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo là một trong số rất ít người được công an thành phố Sài Gòn cho phép đến thăm và nhìn thi thể của Thượng Tọa lần chót. Khi Hòa Thượng Trí Thủ giở tấm vải che mặt, những người chứng kiến xúc động, thấy khuôn mặt của Thượng Tọa bầm đen và râu tóc trắng xóa mọc dài. Những gì có thể thấy được và biết được về Thượng Tọa Thiện Minh chỉ có thế. Chính quyền cộng sản Việt Nam cũng muốn gói trọn cái thi thể và tất cả những tin tức về cái chết của Thượng Tọa Thiện Minh tại khu rừng Hàm Tân xa xôi, hẻo lánh." 
Sđd trang 68.

           4.-  Chí nguyện của bậc xuất trần - Sự nghiệp bảo vệ Đạo Pháp và quê hương.

           -  Kiến tạo nền hòa bình cho Việt Nam Dân Chủ tự do.

           Từ thủa sinh tiền, Hòa Thượng luôn hành hoạt bằng một sinh thái của bậc thượng sĩ, nghĩ trước cái nghĩ của người và làm trước cái làm của thế thường vốn có, do vậy, Hòa Thượng để tâm xây dựng một nền hòa bình cho quê hương dân tộc. Vì, suốt chiều dài lịch sử, kể từ thời mở nước, giữ nước cho đến hôm nay, trải qua bao nhiêu triều đại, chế độ, quê hương Việt Nam phần nhiều chịu nhiều thế lực và áp lực ngoại bang xâm lược, người dân sống trong cảnh lầm than của một tiểu quốc. Do vậy, hòa bình là điều kiện tất yếu phải có và giá trị của hòa bình phải được tái lập để dẫn khởi trong mọi lãnh vực xã hội và dân chủ, tự do, nhân quyền là sức mạnh sống của một nền văn minh, tiến bộ của con người. Hòa Thượng đã đem hết tâm huyết để dóng lên tiếng nói hòa bình, để khơi dậy ý thức hòa bình, cho dân tộc biết yêu thương nhau, biết xây dựng cho nhau ý thức sống dân chủ, tự do. Đây chính là tinh thần tự chủ, độc lập để bảo vệ quê hương, nuôi lớn dân tộc. Nhưng tiếc thay, tiếng nói hòa bình của Hòa Thượng đã bị dập tắt bởi những thế lực chính trị thời đại và tự thân của Hòa Thượng đã bị tù đày và ám sát thương đau. Nhưng dù cho Hòa Thượng bị ám sát, bì tù đày qua nhiều chế độ đương thời, ý thức và tiếng nói hòa bình của Hòa Thượng luôn tuôn chảy và in sâu trong tâm thức của dân tộc Việt, là sự nghiệp hằng hữu trong hàng triệu con tim của sinh dân Việt Nam, là ngưỡng vọng của loài người trên thế giới.

           -  Gìn giữ cương lĩnh để xây dựng và phát huy Giáo Hội Thống Nhất kể từ những ngày đầu năm 1964 thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hòa Thượng là một trong các bậc tôn túc, đã dấn thân, chịu nhiều sự hi sinh kể cả thân mạng để giữ vững lý tưởng và sự tồn vong của Giáo Hội. Trong hội đồng viện, Hòa Thượng được thỉnh cử làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh Niên, rồi quyền Viện trưởng và cố vấn Viện Hóa Đạo Giáo Hội Thống Nhất. Trong các ngôi vị này, Hòa Thượng đã lèo lái con thuyền Giáo Hội vượt qua nhiều thát gềnh thời đại, bao phong ba bão táp của cuộc đời mang nhiều thế lực manh động mà tự thân của Hòa Thượng đã hứng chịu bao gian nguy, thử thách. Hòa Thượng được danh xưng là chiến lược gia của Giáo Hội, phần lớn các hoạch định, phương án hành động đúng theo phương châm của hiến chương :  "Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặt sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc." Hòa Thượng đã đi theo phương châm của Giáo Hội là vì phúc lợi của dân tộc, vì sự thịnh suy của Đạo Pháp, quê hương mà Hòa Thượng đã dấn thân phụng sự trên mọi nẻo đường đất nước.

           Trong các ngôi vị quyền Viện trưởng Cố vấn chỉ đạo Viện Hóa Đạo đủ thấy tầm quan trọng của Hòa Thượng trong Giáo Hội. Do vậy mà trải qua bao thời đại, chẳng có thời đại nào để cho Hòa Thượng được bình yên. Hiện thân của Hòa Thượng trong Giáo Hội là sự hiện thân mẫu mực, nắm vững lập trường của dòng lịch sử Phật Việt.

           - Hàm dưỡng Gia Đình Phật Tử, học sinh sinh viên Phật tử, Hướng đạo thanh niên Phật tử, người cha tinh thần của nhiều thế hệ trẻ: Sau khi nhận chức Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên, Hòa Thượng đã hết lòng chăm lo giới trẻ. Một mặt soạn thảo kế hoạch để thành lập Gia ình Phật Tử ở những miền chưa hội đủ điều kiện. Mặt khác lên chương trình hoạt động cho Gia Đình Phật Tử đã hình thành, để lấy đó làm bước tiến trên con đường tu học. Như đã nói, tự thân Hòa Thượng chống tích vân du, đến từng địa phương để mở ra những trại huấn luyện, gồm nhiều cấp bậc :  Trại huấn luyện Đàn Đội, Chúng trưởng, trại Lộc Uyển cho các huynh trưởng. A Nô Ma Ni Liên, Trại A Dục, Huyền Trang...

            Là vị cha tinh thần, Hòa Thượng quan niệm rằng: thế giới người trẻ là thế giới nồng cốt cho mai hậu, là thế hệ của những người nắm vận mạng Đạo Pháp trong tương lai. Là trường cột, sức mạnh phụng sự cho lý tưởng dấn thân thượng cầu hạ hóa. Nếu tre tàn mà măng không mọc lấy đâu để duy trì Đạo Pháp. Bằng tấm lòng hàm dưỡng thế hệ trẻ của mình, Hòa Thượng hiểu và cảm thông thế hệ trẻ. Hòa Thượng đã gần gũi tâm tình, nói lên những kinh nghiệm của mình trong lúc tiếp xúc, hội họp, mà giờ này các anh chị trưởng lão thành mỗi khi đề cập đến Hòa Thượng, không ai không xúc động, bàng hoàng bằng tấm lòng thương kính, quí trọng.

           Hình bóng của Hòa Thượng là hình bóng của người cha già đối với tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Hòa Thượng đã giáo dục toàn diện cho lớp người trẻ, chính thực là một sự nghiệp hàm dưỡng người làm lợi đạo, ích đời, làm chân tố xây dựng một xã hội chân, thiện, mỹ. Sự nghiệp nuôi người cho Đạo Pháp và quê hương.


           5.-  Kết luận :


           Nói về cuộc đời và sự nghiệp của Hòa Thượng Thích Thiện Minh là nói đến tinh thần Thiền học, hay khả tính tu chứng của các bậc Tổ đức Thiền gia. Nói đến tinh thần nhập thế vì chúng sanh mà phát khởi bi nguyện hóa độ. Hòa Thượng hiện hữu vào đời mà không hề lưu vết tích. Hòa Thượng xả bỏ báo thân, nhẹ bước ra đi cũng chẳng mảy may in dấu bụi trần. Đến đi như nội dung bài kệ của Hương Hải Thiền sư :
"Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm."
           Là hàng hậu duệ, môn nhân, pháp phái của Đức đệ nhị Tăng thống, Hòa Thượng đã viết nên dòng lịch sử đại hùng bằng tiếng hống sư tử làm kinh sợ đến các loài sơn lâm, thảo khấu. Một khi công viên quả mãn, sự hóa độ vuông tròn thì Hòa Thượng lại :
"Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sanh tử sự
Giáo hóa độ xuân thu."
           Đó là hạnh nguyện của Bồ Tát, khi thì thỏng tay vào chợ để độ người cá tôm. Khi thì hòa quang đồng trần để :  "Thật tế lý địa bất thọ nhất trần. Phương tiện môn trung bất xã nhất pháp."

           Hôm nay, Ngày Về Nguồn lần thứ 5 tại Pháp Quốc, ngày Hiệp Kỵ Chư Vị Lịch Đại Tổ Sư tại ngôi chùa mang tên Hòa Thượng, Chùa Thiện Minh đã đi vào trang lịch sử hoằng pháp hải ngoại. Tất cả Chư Tôn Đức Tăng Ni hiện diện hôm nay, nhất tâm đảnh lễ Giác linh Hòa Thượng. Nguyện cầu Hòa Thượng xót thương gia hộ cho Đạo Pháp trường tồn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được sớm phục hoạt để tiếp tục hoàn thành những Phật sự của Hòa Thượng còn dang dở. Và bằng tâm nguyện tự thủa sinh tiền, Giác linh Hòa Thượng thùy từ chứng giám cho một quê hương Việt Nam giàu đẹp, thái hòa; con dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc và có đủ các quyền làm người tự do, dân chủ như ước nguyện của muôn dân./.


Thích Nguyên Siêu
  
         --------------------------------------------------------------------------------
          
[1] Tăng già Việt Nam, nhà xuất bản Phú Lâu Na, 1991, tr. 35. HT Trí Quang.
          
[2]  Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, 1983. Tr 65. Thích Mãn Giác.

No comments:

Post a Comment