10 October 2012

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ - Bài số 7

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ
Bài số 7

HỐ TẤN VINH

2.- GIAO TÌNH GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG NÀY
Tạ Thu Thâu (39 tuổi, kiến thức đại học) gọi Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ (24 tuổi, kiến thức tiểu học) bằng 'Ông Tư'. Một đại nhân như Tạ Thu Thâu không dễ dàng tâm phục ai, nhưng đối với Huỳnh Phú Sổ, người vô thần vô cùng tôn trọng, kính nể, một mực dạ thưa 'Ông Tư'. Và mọi sự đều có tham khảo ý kiến 'Ông Tư' kể cả việc mình đi ra Bắc.
Trịnh Minh Thế gọi Bảy Viễn bằng 'Đại Ca'. Bảy Viễn đến ăn mừng khánh thành Tổng Hành Dinh mới của Tướng Thế ở đường Trương Minh Giảng với nhiều tặng vật. Nhưng sau này, Tướng Thế lại được giao nhiệm vụ tấn công Bình Xuyên. Nhưng lý do gì mà Tướng Thế bị giết trong Dinh Độc lập bằng hai viên đạn vào đầu rồi mới đem qua cầu Tân Thuận dàn cảnh? (theo lời phác giác của con trai Tướng Thế, hai sự kiện này có liên quan với nhau không?)
Tướng Lê Quang Vinh và bà vợ Cao Thị Nguyệt mặc dầu chưa quen biết trước, khi nghe tin Trịnh Minh Thế mới lập chiến khu, liền từ miền Tây lặn lội lên miền Đông thăm viếng để tỏ rõ tâm tình. Trịnh Minh Thế cảm kích nên hứa hẹn hỗ tương chiến đấu. Sau này, bị ly gián kế của Ngô Đình Nhu, Thế cho một tiểu đội bao vây Ba Cụt trong một cái nhà, tìm cách giết Ba Cụt mà không được. Ba Cụt người ốm và cao, vốn là chỉ huy trưởng đám commando Hòa Hảo, phản ứng cực kỳ nhanh nhẹn thoát thân được, chỉ bị thương nhẹ ở chưn thôi.
Tướng Lê Quang Vinh gọi Tướng Trần Văn Soái bằng 'Tía'. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã từng cõng Phạm Hữu Đức lúc bị thương nặng.
Huỳnh Phú Sổ và Mười Trí không có bà con. Nhưng trong một lần đang họp trong rừng, tổ chức bị Pháp bao vây, máy bay Pháp bắn xối xả, Mười Trí đã dẫn Huỳnh Phú Sổ chạy thoát được nên Huỳnh Giáo Chủ có căn dặn đệ tử phải biết ơn Mười Trí. Từ đó, đệ tử Phật Giáo Hòa Hảo xem Mười Trí như là em của Giáo Chủ nên gọi Mười Trí bằng 'Chú'.
Ba Dương, Mười Trí, Năm Hà, Tư Tỵ có tuyên thệ gia nhập đảng Đại Việt. Khác với Việt Nam Quốc Dân Đảng là một đảng quần chúng, Đại Việt là một đảng cán bộ. Mặc dầu muốn gia nhập đảng phải có hai cán bộ giới thiệu và tuyên thệ có khẫu súng làm chứng, nhưng sinh hoạt đảng thì không chặt chẻ lắm. Việc các thủ lãnh Bình Xuyên gia nhập Đại Việt chỉ có nghĩa là hai bên thừa nhận lẫn nhau là những lực lượng ái quốc, đồng mục tiêu, nên hứa hẹn hỗ trợ lẫn nhau. Trung đoàn 25 AB là trung đoàn An Điền-Bình Xuyên.
Bảy Viễn đã có Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân và Trịnh Khánh Vàng làm cố vấn. Sau này có cả LS Trần Văn Tuyên đứng xa liên lạc. Nhưng ít người biết hết tầm vóc chánh trị của Bảy Viễn. Xin kể ra đây vài sự kiện thôi:
Bảy Viễn đã từng ngồi ghế chủ tọa, trong lúc Ngô Đình Nhu ngồi phía dưới làm hội viên.
Ngày 24-7-1953, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc triệu tập một phiên họp gồm có Bảy Viễn, Trần Trung Dung, Lê Ngọc Chấn, Xuân Tùng, Lê Trung Nghĩa (đại diện Vũ Tam Anh), Nguyễn Tôn Hoàn, Trần Văn Văn, Nguyễn Thành Phương, Dương Quang Đáng (Cao Đài) Trần Văn Tuyên, Ngô Đình Nhu (đại diện Ngô Đình Diệm) để thành lập một Mặt Trận ủng hộ Bảo Đại sang Pháp đòi hoàn toàn độc lập cho Việt Nam.
Trong phiên họp đó, các nhân sĩ đã cử Bảy Viễn làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo. Nguyễn Thành Phương làm Phó Chủ Tịch. Thư ký gồm có ba người: Trần Văn Ân, Dương Quang Đáng và Nguyễn Tôn Hoàn. Đại diện miền Bắc có Trần Trung Dung. Đại diện miền Trung có Ngô Đình Nhu và đại diện miền Nam có Lê Ngọc Chấn.
Ngày 4-9-1953, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc họp báo loan tin việc thành lập Ủy Ban Lâm Thời vận động Quốc Dân Đại Hội. Bảy Viễn được đề cử làm Chủ Tịch Ủy Ban tổ chức Đại Hội. Nguyễn Thành Phương làm Phó Chủ Tịch và Ngô Đình Nhu làm Trưởng ban Tuyên truyền.
Đại Hội Quốc Dân khai mạc tại bản doanh của Bảy Viễn trong khu Cầu Chữ Y ngày Chủ Nhựt 6-9-1953 (Chính Đạo, tr. 333 và tr. 339).
Tóm tắt lại chương này, trước năm 1954, tại VN có tất cả là năm nội lực. Đó là Việt Nam Quốc Dân Đảng, quân đội Cao Đài, quân đội Hòa Hảo, Đại Việt, Bình Xuyên. Bản chất của một nội lực nằm trong ba đặc điễm. Trước tiên, mộng tưởng lúc ban đầu của những người sáng lập là một ý định yêu nước đơn giản và trong sáng. Họ không dựa vào sự cho phép hay sự chỉ đạo của ngoại bang. Sau đó, nội lực phải lấy người trong nước làm gốc, lấy phương tiện trong nước làm chánh. Nếu sau này có sử dụng phương tiện ngoại bang thì đó chỉ là chuyện sau này chớ không phải là chuyện tiên khởi. Thứ ba, mục tiêu của nội lực là chống ngoại xâm, và sau đó vì CS phản bội dân tộc nên nội lực chống CS luôn. Vì nội lực là những thực thể độc lập có uy quyền với quần chúng nên nội lực là đối tượng thâm nhập chẳng những của CS mà của các cơ quan tình báo ngoại quốc nữa.
Còn một điểm chót này tôi cũng muốn nói rõ ra đây. Có nhiều người nghe nói đến các tướng, tá giáo phái thì họ phì cười, xem nhẹ. Thật ra, không phải ai cũng có thể xưng tướng được. Phải có thực sự chỉ huy cả ngàn binh sĩ mới tương đương với cấp tá. Phải thực sự chỉ huy cả chục ngàn binh sĩ mới tương đương với cấp tướng. Khác với Quân Đội VNCH, trong các giáo phái không có một ông nào xưng Tướng Tá mà không đã từng chỉ huy cả ngàn binh sĩ TẠI MẶT TRẬN. Và cũng không có ông nào dùng tiền mua lon. Các Tướng Tá cũng không cần phải tốt nghiệp các trường võ bị lừng danh. Tướng VC không thông chữ nghĩa vẫn biết cầm quân. Và các sĩ quan từ các quân trường Westpoint và Saint Syr đã có nếm mùi.

HỒ TẤN VINH
Úc Châu
Ngày 10 tháng 10 năm 2012
(Còn tiếp)

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

No comments:

Post a Comment