28 June 2012

NHỮNG CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC - BÀI SỐ 3

NHỮNG CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
 
BÀI SỐ 3
 
HỒ TẤN VINH
 
CHÁNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI VỀ
 
Đảng cộng sản đang nắm chánh quyền, đương nhiên các đảng viên phải có nhiều lợi lộc. Một đảng viên phải có rất nhiều suy tư và trằn trọc mới hiểu được rằng những lợi lộc mà chánh quyền ban cho mình là bất chánh vì nó lấy ra từ sự đau khổ của người dân và cái tương lai đen tối của đất nước. Đó là cái sự thật mà mọi người dân đều thấy và đa số đảng viên cũng thấy.
Giác ngộ được điều đó đã là khó rồi, nhưng chỉ một số ít thôi mới có cái dũng khí mà bước thêm một bước nữa. Từ bỏ lợi lộc, sẳn sàng với mọi trắc trở, phản đối lại đảng và trả thẻ đảng, trở về với nhân dân, nghĩa là trở về với cái cùng cực. Ta có thể nói hay, nhưng mấy người làm được như vậy. Ta phải biết trân trọng hành động này.
Những người cộng sản trở về - nếu có được nhiều người – có thể thay đổi tình thế. Vì vậy, người quốc gia yêu nước phải ý thức đúng đắng cái trách nhiệm của mình.
Trách nhiệm này có hai phần. Một phần là đối với người trở về và phần thứ hai là đối với nội bộ.
Trách nhiệm đối với người trở về
Người quốc gia phải làm đủ mọi cách cho số người trở về càng đông càng tốt. Muốn vậy thì người quốc gia  phải làm cho những người đã trở về rồi cãm thấy họ được hoan nghênh thì họ mới kêu gọi các bạn bè cũ mạnh miệng. Và các bạn bè cũ thấy được cái thực tế thì họ mới dám dấn bước.
Cái điễm đầu tiên của chánh sách là không bao giờ được nhắc đến những chuyện sai trái cũ của người trở về để làm nhục họ.
Đây là điều đại kỵ.
Lẽ dĩ nhiên, những sai trái cũ không thể dấu đi đâu được, nhưng nếu muốn phơi bày ra thì việc đó phải vì lịch sử hay văn hóa và phải đúng nơi thích hợp và thời gian thích hợp. Chớ không được dùng vì mục đích nhục mạ người trở về.
Chuyện trước mắt là đại cuộc.
Và một số người quốc gia có cơ hội tỏ lòng yêu nước của mình, đặt đất nước lên trên: 'Ta vì đại cuộc mà tạm để qua một bên thù riêng'.
Điễm thứ hai của chánh sách là vạch rõ ra rằng người cộng sản trở về là họ trở về với dân tộc. Họ không có cần xin phép người quốc gia để được trở về và họ cũng không phải trở về để  đầu hàng người quốc gia.
Cho nên đặt điều kiện này hay nọ với họ là quá lầm lẫn và lố bịch, thí dụ như việc chào cờ vàng hay hát quốc ca.
Ngay trong nội bộ của chúng ta, cũng có người không chịu chào cờ vàng và cũng có nhiều người đòi đổi quốc ca.
Nếu ta muốn tổ chức chào cờ và hát quốc ca thì đó là chuyện của ta. Nếu họ bị kẹt trong buổi lễ đó thì họ chỉ cần nghiêm chỉnh đứng im, không phá rối là đủ rồi. Họ không cần chào cờ và hát quốc ca của ta nếu họ không muốn. Đòi hỏi thêm nữa là tìm cách bắt chẹt. Ai cũng có quyền bắt chẹt cả. Nhưng người bắt chẹt phải biết hậu quả của nó là cản trở tiến trình thực hiện cái gì mà chính chúng ta mong muốn.
Phải nhìn về phía trước. Vì liền khi họ chịu bỏ đảng thì ta chỉ nên nhìn về những điều tích cực họ làm có lợi cho dân tộc mà thôi.
Trách nhiệm của người quốc gia với người quốc gia
Người quốc gia có bổn phận làm gương tốt. Không có gì nhục nhã bằng hô hào chống độc tài cộng sản lại đi phá rối một cuộc nói chuyện bình thường.
Những thứ tự do căn bản như tự do phát biểu, tự do hội họp, tự do sinh hoạt chánh trị phải được coi là những thứ quý giá mà ta có và chế độ cộng sản không có. Không được đem những thứ quý giá ra làm trò hề. Những hành động phản dân chủ nhục mạ người Việt với thế giới văn minh và làm vui lòng người cộng sản Bắc Việt.
Còn một điễm sau cùng là người quốc gia phải đủ can đảm thành thật với mình. Sau 37 năm cố gắng ở xứ người, người quốc gia phải thừa nhận rằng họ không làm gì nhúc nhích được chế độ cộng sản ở Việt Nam.
Ai cũng có quyền chống cộng. Nhưng không ai có độc quyền và nhứt là dùng lời chửi bới để dành độc quyền.
Và đường cứu nước không phải có một con đường.  Đường lối cũ đã bế tắt. Tại sao không thể bình tâm nghe những ý kiến khác? Như một người văn minh.
Sợ cái gì? Nếu ý kiến là tào lao thì thiên hạ bác bỏ ngay, cần chi phải tìm cách. Nếu đó là ý kiến đúng, thì hóa ra ta sợ sự thật!
Đây là ý kiến của tôi.
Chỉ có người cộng sản hồi tâm trở về với dân tộc là có thể xoay chuyển vận nước. Nếu họ chịu trở về, đó là một hành động yêu nước.
Người quốc gia phải giúp họ bằng những hành động cụ thể, bằng những sinh hoạt thật sự tự do dân chủ. Để làm gương. Đó mới là chứng tỏ tấm lòng yêu nước của mình.
 
HỒ TẤN VINH
Úc Châu
28/6/2012
(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment