30 June 2012

Đối diện với đau khổ

Đối diện với đau khổ
************

Lo âu và sầu muộn là hai thứ phiền não đồng sinh. Ở đâu có lo âu, ở đó có phiền muộn. Chúng đồng hiện hữu và liên kết chặt chẽ trong việc chi phối đời sống con người.

Chúng ta phải luôn luôn đối diện với thực tế nghĩa là không trốn chạy trước thế lực của giặc phiền não. Mặt khác ta phải tìm cách khắc phục chúng bằng chính sức cố gắng của mình, với sự hỗ trợ của ý chí sắt đá và nhẫn nại kiên trì.

Đau khổ của chúng ta do chính chúng ta tạo nên và tích lũy trong tâm hồn bởi bất lực hay không thấu hiểu được những tình cảm sâu kín nội tại trong chúng ta, và đánh giá sai lầm đối tượng ngoại giới. Nếu chúng ta có một kiến thức chân chính và trí tuệ thích ứng để nhận thức thực tướng của vạn hữu nghĩa là thấy hiện tượng ngoại giới đều là vô thường và bản ngã chỉ là vọng tưởng của một tâm hồn chưa được rèn luyện, thì chúng ta đã tiến xa trong việc tìm kiếm một phương thuốc trị liệu căn bệnh phiền não.

Phải huấn luyện khối óc và con tim thế nào để chúng ta có thể hy sinh tự ngã cho mục đích cao cả hơn là phụng sự nhân loại, chúng sinh. đó cũng chính là một trong những điều kiện giúp chúng ta tìm thấy chân hạnh phúc và thái bình.

Nhiều người có những ham muốn, khát vọng, những sợ hãi, lo âu mà không biết làm thế nào để thanh lọc, hay tệ hơn nữa có khi họ không dám nhìn nhận thực trạng đó ngay với chính lương tâm mình. Nhưng dẫu họ có lẩn tránh thì cũng vô phương vì thực trạng ấy vẫn hiện hữu và bành trướng ảnh hưởng.

Cũng có khi vì không biết nguyên nhân tâm bịnh của mình, họ đã dùng những phương pháp trị liệu sai lầm để đè nén những cơn khủng hoảng tinh thần, nhưng càng đè nén, những tình cảm này lại tìm lối thoát bằng cách làm xáo trộn sinh hoạt cỏ thể để trở thành tâm bệnh.

Đó là trường hợp một người tìm quên sầu muộn của mình trong rượu chè, cờ bạc hay dùng những thứ dược phẩm có khả năng làm lắng dịu phiền não trong chốc lát như các chất ma túy, cần sa... Phương pháp trị liệu này không những không có hiệu quả lâu bền cho tâm bịnh mà còn làm cho cỏ thể suy nhược thêm.

Tất cả bịnh trạng tâm vật lý ấy đều có thể chữa trị bằng phương pháp rèn luyện tinh thần, tức là thiền định, vì một tâm hồn chưa được rèn luyện kỹ càng là nguyên nhân của mọi phiền não.

Trước hết chúng ta cần phải can đảm chịu đựng mọi khổ đau, không nên tỏ ra cho người khác biết những lo âu, sầu muộn của mình, vì làm như thế đã không lợi ích gì cho mình mà còn gây thêm phiền lụy cho kẻ khác. Trừ khi người mà ta tiết lộ tâm trạng riêng tư là người khách quan sáng suốt có thể giúp chúng ta phấn khởi tinh thần để chiến đấu tích cực hơn.

Nhưng sự thật đã chứng minh rằng nhiều người đánh mất tình bằng hữu chỉ vì thổ lộ quá nhiều lo âu, phiền muộn của mình cho bạn biết. Thật là cao đẹp, nếu chúng ta biết giữ sắc diện trầm tĩnh và tưỏi cười dù đã gặp nhiều khó khăn trở ngại. điều này không phải không thể thực hiện được nếu chúng ta thực sự cố gắng.

Bất hạnh của chúng ta phát xuất từ nhận thức sai lầm về bản chất và mục tiêu tối hậu của cuộc sống, Chính vô minh chi phối nhận thức sai lầm này để đưa đến kết quả là tà kiến và tà tư duy. Quan niệm và tư tưởng sai lầm thì lời nói và hành động cũng sai lầm tức là tà ngữ và tà nghiệp. Cũng chính quan niệm và tư tưởng sai lầm đưa đến cố gắng sai lầm (tà tinh tấn), nuôi mạng sai lầm (tà mạng).

Vì nhận thức đóng một vai trí quan trọng trong việc định đoạt một đời sống hạnh phúc hay khổ đau như thế nên Đức Phật đã dạy rằng: nơi đâu có phiền muộn lo âu khởi sinh, chúng chỉ khởi sinh nơi kẻ thiểu trí chứ không khởi sinh nơi người trí tuệ.

Nếu tư tưởng tiêu cực sinh ra lo âu, sầu muộn và tư tưởng tích cực đưa đến hy vọng, lý tưởng, thì sự lựa chọn một trong hai mẫu tư tưởng này hoàn toàn tùy thuộc nơi ta. Và như thế, nếu cố gắng, mọi người có khả năng kiểm soát được những sinh hoạt nội tâm của mình.

Những định luật thiên nhiên từ ngoại giới có thể chi phối chúng ta mọi phương diện nhưng không thể chi phối được tư tưởng của chúng ta. Sự thật ngay cả đời sống vật chất ngày nay cũng không còn lệ thuộc ở thiên nhiên vì khoa học đã một phần nào chế ngự được ảnh hưởng của tạo hóa. Những bệnh tật nguy hiểm, những thiên tai khủng khiếp mà ngày xưa được xem là hình phạt của trời đất hay là cơn thịnh nộ của quỉ thàn đã bị nhân loại làm chủ. Nếu đời sống tinh thần đã do ta hoàn toàn chủ động và ngay cả vạn pháp cũng do tâm tạo thì tất cả những bệnh trạng của tâm hồn đều có thể chữa trị được dễ dàng như y học chữa thân bịnh.

Người ta có lý khi nói rằng lo âu làm cho con người chóng già hơn năm tháng. Băn khoăn sợ hãi ở mức độ bình thường là bản năng tự vệ nhưng nếu để chúng trở thành những nguồn động lực thường trực chi phối chúng ta mà chúng ta không có thể kiểm soát được thì thật là nguy hiểm, vì chúng có thể làm đảo lộn mức sinh hoạt bình thường của guồng máy tâm vật lý và có khi làm cho nhiều người quẩn trí điên loạn. Các nhà y học cho biết phần đông bệnh thần kinh gây ra do bị lo sợ chi phối thường xuyên. Thậm chí có người không đủ nghị lực để phấn đấu với giặc phiền não, họ đã tìm lấy cái chết như một lối thoát cuối cùng.

Nhưng Đạo Phật dạy rằng lẩn trốn thực tế như vậy là vô ích, vì thực ra khi chết họ vẫn chất chứa mầm mống phiền não như một tên tội phạm vượt ngục, anh ta khó có thể sống an lành khi án trạng vẫn còn. Chỉ khi nào được phóng thích anh mới thoát được cảnh tù đày; cũng vậy, chỉ khi nào phiền não chấm dứt chúng ta mới được an vui tự tại.

Khổ đau và sầu muộn chỉ là những kết quả của nhân bất thiện ta đã tạo ra từ trước. Đức Phật dạy rằng: Người trí thức chỉ sợ nhân chứ không sợ quả. Nghĩa là điều mà chúng ta cố gắng không phải để trốn tránh trách nhiệm về hành động sai lầm của ta đã làm, nhưng để tránh gieo thêm những nhân bất thiện mới. Như một người vay một số tiền phải vui vẻ tìm cách trả món nợ ấy, vì đó là bổn phận tất nhiên, không phải lo âu, sợ sệt hay miễn cưỡng trốn tránh và hay hơn hết là không nên vay thêm nợ mới.

Đức Phật không còn bị chi phối bởi những phiền não nội tâm, tuy vậy đôi khi Ngài vẫn còn gặp phải những trở ngại từ bên ngoài đưa đến. Nhưng Ngài luôn luôn bình tĩnh đối diện với mọi trở lực bất cứ từ đâu tới.

Một hôm Ngài cùng đại đức Ananda vào khất thực trong thành Kosambi, bị hoàng hậu Magandhà xúi giục dân chúng trong thành hễ gặp Đức Thế Tôn và đệ Tử Ngài ở đâu thì phải tìm cách hạ nhục và phỉ báng. Nghe như vậy đại đức Ananda bạch với Đức Phật rằng:

"Bạch Đức Thế Tôn, người trong xứ này phỉ báng chúng ta, vậy chúng ta nên đi xứ khác."

"Này Ananda, nếu người ở xứ ấy cũng phỉ báng chúng ta, bấy giờ chúng ta phải làm sao?"

"Bạch Đức Thế Tôn, chúng ta lại đi đến xứ khác nữa".

"Này Ananda, nếu nơi ấy người ta cũng phỉ báng thì sao?"

"Bạch Đức Thế Tôn, chúng ta lại đi xứ khác nữa vậy."

Đức Thế Tôn liền ôn tồn bảo đại đức Ananda rằng:

"Này Ananda, làm như vậy không phải đâu. Việc gì sanh ở nơi nào thì diệt ở chỗ đó. Chúng ta phải ở đây nhẫn nhịn cho đến bao giờ họ hết phỉ báng rồi hãy đi. Như vị võ tướng dũng cảm xông pha nơi trận mạc, không sợ gươm đao, không khiếp tên đạn, chúng ta hãy thản nhiên, bình tĩnh trước những lời phỉ báng của kẻ khác."

Như vậy thái độ của bậc trí thức là không sợ khổ đau. Chúng ta phải sáng suốt tìm ra nguyên nhân nào làm cho chúng ta lo âu, sầu muộn để dùng một biện pháp thích nghi khả dĩ diệt tận gốc rễ của chúng, chứ không cần lẩn tránh hay tự phần nàn phiền trách.

Một nhà phân tâm học nổi tiếng người Anh, khi trả lời một sinh viên câu hỏi phương pháp nào hoàn hảo nhất để khắc phục lo sợ, ông ta nói: "Hãy cố gắng làm lợi ích cho tha nhân."

Cậu sinh viên rất đỗi ngạc nhiên trước câu trả lời đó. Nhưng nếu anh ta xét kỹ và áp dụng định luật bất khả đồng hiện hữu trong tâm lý học, nghĩa là hai tư tưởng đối nghịch không bao giờ khởi sinh đồng một lúc, chúng chỉ có thể thay thế hay kế tiếp nhau, như khi có tư tưởng này thì không thể có tư tưởng kia. Như thế khi tâm hồn ta mang tư tưởng vị tha thì không có sự hiện hữu của tư tưởng ích kỷ, và như chúng ta đã đề cập ở trên, tư tưởng tiêu cực vị kỷ là nguyên nhân của mọi lo âu sợ sệt. Thật vậy, đúng như lời nhà phân tâm học, phương pháp hoàn hảo nhất để giải trừ lo sợ là cố gắng làm lợi ích cho tha nhân.

Đức Phật là bằng chứng cụ thể nhất chứng tỏ rằng Ngài đã thoát ly được phiền não nhờ hy sinh đời sống vị kỷ để thực hiện lý tưởng vị tha.

Nếu chúng ta biết cách xoa dịu đau khổ của kẻ khác, thì chúng ta đã xoa dịu đau khổ của chính mình. Một người thật sự muốn được hạnh phúc, không nên phá hoại hạnh phúc của kẻ khác. Tìm hạnh phúc bằng cách lừa đảo, hãm hại kẻ khác là phương pháp sai lầm, vì như Abraham Lincoln đã nói: "Ta có thể lừa dối vài người bất cứ khi nào, và tất cả mọi người trong một thời gian nào đó. Nhưng ta không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi."

Tất cả những ham muốn, khát vọng, những cố gắng, nỗ lực của con người hầu như đều nhắm vào việc tìm kiếm một đời sống hạnh phúc. Nhưng nếu quá vị kỷ, tư lợi người ta có thể dẫm đạp lên hạnh phúc của tha nhân. Và khi bị kẻ khác phản ứng không thuận lợi cho mình, người ta dễ sinh ra bất mãn, nóng nảy hay hung dữ.

Như thế hóa ra khi đi tìm hạnh phúc vô tình họ đã rước lấy thêm phiền lụy. Vì một người không thể có hạnh phúc khi nội tâm chứa đầy bất mãn, sân hận và sợ hãi.

Phương pháp duy nhất để diệt trừ những tệ trạng này là phá "ngã chấp" và tạo cho mình cuộc sống đầy bác ái vị tha.

Theo: Sách Con đường Hạnh phúc (Viên Minh - Trần Minh Tài)

No comments:

Post a Comment