18 September 2012

Đại gia Việt: Hình ảnh thực khi ra ánh sáng


Phan Thế Hải

Những đại gia sở hữu số tiền công khai đến hàng chục ngàn tỷ, nổi tiếng với những tài sản khủng, những câu chuyện truyền tụng về mối quan hệ và thú ăn chơi hiếm có. Nhưng một ngày, họ bị phá sản, lâm vào vòng lao lý thì lại có quá nhiều khuất tất được phơi bày. Đó có phải là điều bất ngờ?

Phần sáng…
Trong mấy năm lại đây, công chúng được biết đến các đại gia Việt với tài sản hàng ngàn tỷ đồng qua các bản cáo của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Rằng đại gia này, ông chủ kia sở hữu bao nhiêu cổ phiếu của công ty A, bao nhiêu cổ phiếu của ngân hàng B, giá giao dịch là tưng đây, tưng đây… quy ra ông này là người đứng thứ bao nhiêu trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, chuyện bằng con đường nào, làm gì để trở nên giàu có như thế thì vẫn là một ẩn số.

Nhưng rồi, kinh tế khó khăn, làm ăn đỗ vỡ, nhiều đại gia phá sản, bị pháp luật sờ đến thì công chúng mới té ngửa ra rằng, nguồn gốc tiền bạc của các đại gia vẫn là một câu chuyện bí ẩn, thiếu minh bạch.

Với một nền kinh tế thị trường minh bạch, một công dân hay DN tham gia đầu tư, kinh doanh được thể hiện bằng các khoản thu nhập, theo quy định của pháp luật, anh phải đóng thuế bao nhiêu theo từng thang bậc của các khoản thu hàng tháng. Cơ quan thuế căn cứ vào các khoản phải nộp có thể tính được những khoản tiền tích lũy mà cá nhân đó, doanh nghiệp đó hiện đang sở hữu. Dĩ nhiên, đó là những tài sản đó được pháp luật bảo vệ.

Ở xứ ta, theo bảng xếp hạng 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán có với số tiền từ hàng chục hàng tỷ đến thấp nhất xấp xỉ trăm tỷ. Đó là những khoản tiền nhìn thấy, được công khai. Ngoài ra còn phải kể đến các loại cổ phiếu, cổ phần các cá nhân đó góp vốn vào các công ty, các doanh nghiệp chưa được niêm yết. Cùng với đó là các động sản và bất động sản khác trị giá nhiều tỷ đồng nữa.

Chưa nói chuyện đúng sai, nhưng chuyện các đại gia sở hữu hàng ngàn tỷ đồng rất xứng đáng được tôn vinh. Với một đất nước qua nhiều năm nghèo đói, để tạo động lực cho cuộc thoát nghèo ấy, trọng trách được giao cho các doanh nghiệp và doanh nhân. Chả thế mà đã có hẳn một ngày tôn vinh Doanh nhân Việt Nam.

Một doanh nhân, để làm giàu một cách bền vững không chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà còn phải nghĩ đến lợi ích lâu dài. Vì mục tiêu phát triển bền vững của chính mình, gần đây xuất hiện thêm khái niệm: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân để tôn vinh những doanh nhân tham gia các hoạt động xã hội vì lợi ích cộng đồng và không lấy lợi ích trước mắt làm mục tiêu.

Trong xu hướng đó, bên cạnh kinh doanh có lãi, tạo việc làm, đóng góp ngân sách, làm giàu cho mình và xã hội thì đã có hàng ngàn doanh nhân bỏ tiền ra xây nhà tình nghĩa, cứu trợ cho người nghèo, bỏ tiền ra làm từ thiện thông qua chương trình "Nối vòng tay lớn"… Cũng có doanh nhân bỏ tiền ra vì những phong trào khác như tài trợ cho các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, tài trợ cho các nhân tài, các đội tuyển VN tham dự các kỳ thi quốc tế… Đó là những phần nổi rất đáng được tôn vinh của các doanh nghiệp doanh nhân.

…và khoảng tối
Tuy nhiên, cùng với những phần sáng đó, là những khoảng tối thăm thẳm của các doanh nhân mà dân gian quen gọi là các "đại gia" Việt.

Khi đất nước bị cuốn vào cơn lốc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế khó khăn mọi mặt. Sản xuất đình đốn, xuất khẩu suy giảm, việc làm cho người lao động căng thẳng, doanh nghiệp thua lỗ, khó sinh lợi thì những đại gia đang nắm trong tay yết hầu của nền kinh tế như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng… lại coi đây là thời cơ vàng để thâu tóm, thôn tính và lũng đoạn nền kinh tế.

Một trong những thủ đoạn xưa như trái đất là, siết chặt tín dụng đối với các doanh nghiệp khó khăn non yếu, khi các doanh nghiệp này lâm vào cảnh nợ nần sẽ tiến hành thâu tóm bằng cách gom cổ phiếu với giá rẻ như bèo rồi chiếm đoạt công ty. Bằng cách này, không ít doanh nghiệp vẫn mang tên cũ nhưng đã thay tên đổi chủ.

Một thủ đoạn khác, cao hơn một chút là nhân lúc khó khăn nợ nần sẽ "đổ thêm dầu vào lửa" bằng cách tung tin thất thiệt gây tâm lý hỗn loạn cho khách hàng. Với một số ngành kinh doanh nhạy cảm như ngân hàng thì thủ đoạn này tỏ ra vô cùng hữu hiệu. Tháng 10/2003 đã xuất hiện tin đồn về việc ông Phạm Văn Thiệt – Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) bỏ trốn khiến hàng ngàn khách hàng của NH này ồ ạt đến rút tiền khiến NH này suýt mất khả năng chi trả nếu không có NH nhà nước nhảy vào can thiệp.

Một hành vi khác tuy không phạm luật nhưng không thể bỏ qua là các đại gia NH níu kéo lẫn nhau, găm giữ lãi suất ở mức quá cao khiến các DN làm ăn chân chính không thể nào chịu đựng được mức lãi suất quá cao.

Đặc biệt, với một số ngành kinh doanh có điều kiện như: tài chính, NH, bảo hiểm, Viễn thông… thì chuyên được cấp giấy phép là vô cùng khó khăn. Trong thời điểm thì trường chứng khoán sôi động, cổ phiếu của các doanh nghiệp loại này được giao dịch cao gấp nhiều lần mệnh giá thì việc được cấp phép hay được nâng vốn điều lệ có thể mang lại những khoản lợi bất ngờ.

Chuyện Công ty chứng khoán Thiên Việt "liên doanh giả" với Goldman Sachs để tăng vốn điều lệ và bán cổ phiếu phổ thông năm 2007 là một trong những hiện tượng như thế.

Những đại gia gặp khó khăn, tệ hơn là phải phá sản và thậm chí không ít người phải ra tòa, vào tù trong thời thời gian qua có thể là tín hiệu đáng suy nghĩ cho một nền kinh tế trong khó khăn. Nhưng nhưng, với một nền kinh tế muốn thành tâm hội nhập với thế giới thì không có cách nào khác phải từng bước minh bạch hóa.

Chúng ta khích lệ những cá nhân làm giàu bằng tài năng, trí tuệ của chính mình và làm đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước, với cộng đồng để phần sáng lấn át khoảng tối. Để công chúng không còn phải bất ngờ, thị trường không còn phải "sốc" khi một ngày có những đại gia phá sản hay ra tòa vì những khuất tất trong khoảng tối làm ăn của mình./.


Phan Thế Hải

No comments:

Post a Comment