06 September 2012

THÔNG ĐIỆP THÁNG TÁM


PHẠM ĐÌNH TRỌNG

CẢM HỨNG VỀ NGÀY LẬP NƯỚC

Dịp này hai năm trước, mùa mưa bão năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có liền hai bài viết đăng trên tất cả các báo lớn phát hành rộng khắp cả nước. Hai bài sông dài biển rộng (tràng giang đại hải), bài nào cũng chiếm gần ba trang khổ 28 X 42 cm của tờ báo 20 trang. Chỉ đọc tít bài chữ lớn chạy suốt chiều rộng trang báo đã thấy giọng đại ngôn, hùng hồn, khoa trương đến huênh hoang. Bài viết đăng trên các báo ngày 16. 7. 2010: Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt trong chiến lược kinh tế và xã hội của đất nước ta. Bài viết đăng ngày 25. 8. 2010 còn cụ thể, thiết thực, hấp dẫn và nức lòng người hơn: Bảo đảm tốt an sinh và phúc lợi xã hội.

Đất nước có chính quyền nhưng chính quyền bị các tập đoàn lợi ích chi phối nên đất nước như không có chủ và bị các tập đoàn lợi ích chụp giật, xâu xé, càng xây dựng, phát triển càng manh mún, ngổn ngang, nhốn nháo, tan hoang. Nền kinh tế ngày càng ngoài tầm kiểm soát. Tham nhũng và yếu kém làm cho những tập đoàn kinh tế lớn, nhỏ của Nhà nước cứ thua lỗ kéo dài, nối nhau đổ vỡ, thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân, làm rỗng cả nền tài chính đất nước. Xã hội ngày càng bất ổn. Cuộc sống số đông người dân ngày càng khó khăn và bất an. Thân phận người dân mỏng manh. Công an giết dân như giết kiến. Ông Thủ tướng, người quản lí xã hội và điều hành nền kinh tế đất nước không thể không biết thực tế đó. Vậy mà ông vẫn viết những điều viển vông, huyễn hoặc chỉ để tự dối mình và lừa dối người dân.

Bài viết của người ở cương vị lãnh đạo đất nước thường gửi tới người dân một thông điệp và nội dung bài viết mang thông điệp đó. Thông điệp là tầm nhìn của người lãnh đạo đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần có bài sông dài biển rộng trên các báo. Người dân bình thường đều biết vốn liếng chữ nghĩa của Thủ tướng Dũng. Vốn liếng chữ nghĩa quyết định thị hiếu thẩm mĩ và tầm nhìn. Người lãnh đạo cấp cao có thể sử dụng vốn liếng chữ nghĩa của thư kí, trợ lí nhưng không thể sử dụng tầm nhìn của người khác. Vì thế với bài viết kí tên Thủ tướng Dũng, người dân không mong được nhận thông điệp của đất nước ở một thời khắc lịch sử, không mong được thấy tầm nhìn của một trí tuệ mà họ chỉ có thể nhận ra được mục đích bài viết.

Mùa bão lũ biến động thời tiết năm 2010 cũng là mùa biến động chính trường, mùa bão lũ nhân sự cấp cao nổi lên trong những cuộc họp Ban Chấp hành trung ương dồn dập, gấp gáp và nóng bỏng cuối năm 2010 làm công việc trù bị cho đại hội lần thứ XI đảng Cộng sản cầm quyền diễn ra vào tháng giêng năm 2011. Hai bài viết khoa trương, lạm phát ngôn từ hào nhoáng, lạm phát cả mĩ phẩm ngôn từ làm đẹp chỉ là hai bản PR, hai lần rập đầu hứa hẹn của ông Thủ tướng để mong được ở lại ghế đứng đầu Chính phủ nhiệm kì thứ hai.

Cùng tuổi, cùng thế hệ lãnh đạo đất nước với thủ tướng Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ tốn, kín đáo và có bản lĩnh chính trị khác hẳn Thủ tướng Dũng. Từ tốn và kín đáo, Chủ tịch Trương Tấn Sang chưa sử dụng quyền uy rải bài trên các báo. Nhưng tháng tám, mùa bão lũ năm nay, chỉ là mùa biến động thời tiết, không phải là mùa biến động chính trường, chưa vào mùa biến động nhân sự cấp cao, con người từ tốn, kín đáo đó đã công bố một bài viết mang cảm hứng trữ tình về ngày lập nước thì bài viết hiếm hoi đó không thể vô tình, ngẫu hứng, không thể huênh hoang, trống rỗng.

Cảm hứng về ngày lập nước, Chủ tịch nước đương nhiên phải cùng cảm hứng với chính thống, cùng cảm hứng với Ban Tuyên giáo trung ương, cảm hứng ngợi ca: Sau hàng ngàn năm lịch sử, đất nước đã bao giờ đẹp như hôm nay? Nhưng nhà lãnh đạo đã từng day dứt nói với người dân về hiện tình đau buồn của đất nước: Trước đây chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ. Không lẽ cứ để hoài vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm. Một bầy sâu thì chết cái đất nước này. Người còn biết xấu hổ và đã phải xấu hổ về nạn tham nhũng đang lộng hành phá nước, hại dân thì không thể chỉ ngợi ca. Nếu chỉ ngợi ca, con người từ tốn, kín đáo đó cũng không viết bài giành chỗ trên báo chí.

HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC

Những ngày này người Việt Nam bình thường ở trong nước hay ngoài nước đều biết rõ đất nước đang đứng trước hai thử thách nghiệt ngã, hai nguy cơ tăm tối.

Nguy cơ chính trị đưa đất nước trở về thời ngàn năm Bắc thuộc, đẩy dân tộc Việt Nam vào thân phận nô lệ tủi nhục. Chính trị đồng hóa dân tộc Việt Nam về ý thức hệ với Đại Hán, mở đường cho Đại Hán thực hiện tham vọng thôn tính Việt Nam. Nguy cơ mất nước đến từ bên ngoài, nạn ngoại xâm.

Bắc thuộc như một định mệnh đeo đẳng dân tộc Việt Nam khi nước Việt Nam nhỏ bé phải ở cạnh nước đế quốc Đại Hán khổng lồ và tham lam. Vua sáng tôi hiền, dân giầu nước mạnh, trên dưới một lòng thì Đại Hán chỉ đứng ngoài biên giới Việt Nam mà nhỏ nước miếng thèm khát. Tầng lớp thống trị hư hỏng, vơ vét của công, bóc lột dân lành, sa đọa hưởng lạc trên nỗi thống khổ của trăm họ, lòng dân oán giận, dân tộc li tán, lập tức Đại Hán sẽ tràn đến thôn tính.

Ngày nay, những điều cần có ở Việt Nam cho cuộc thôn tính của Đại Hán dường như đã quá đủ. Những người Cộng sản nắm chính quyền đưa giai cấp vô sản lên làm chủ thể, làm chủ đất nước, lấy giai cấp đàn áp dân tộc, dùng bạo lực chà đạp lên văn hóa và nhân phẩm, thực hiện chuyên chính vô sản điên cuồng, tàn bạo, đánh phá suốt hơn nửa thế kỉ vào khối đoàn kết dân tộc làm nên sức mạnh Việt Nam. Không đủ tầm quản lí đất nước, giai cấp vô sản thống trị xã hội nhanh chóng hư hỏng, hối hả vơ vét của nước, bóc lột của dân, những người cầm quyền từ vô sản tay trắng nhanh chóng trở thành trọc phú, sống đế vương trên sự tan hoang của đất nước, sự uất hận của người dân, sự khốn cùng của đạo lí, sự li tán, suy yếu của dân tộc.

Đặt giai cấp lên trên dân tộc, coi lợi ích của đảng Cộng sản, đảng của giai cấp vô sản lớn hơn lợi ích dân tộc, coi sự sống còn của đảng Cộng sản cần thiết hơn sự sống còn của dân tộc Việt Nam, dịp này hai mươi hai năm trước, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã bẽ bàng sang Thành Đô, Đại Hán cầu xin sự nhìn nhận của Đại Hán, cầu xin được làm thân phận chư hầu để được liên kết thực chất là núp bóng Cộng sản Đại Hán khi Cộng sản Đại Hán vừa đưa hơn nửa triệu quân tràn vào đất Việt giết hại dân Việt, khi Cộng sản Đại Hán vừa trắng trợn đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và bãi đá Garma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Từ cuộc gặp ô nhục ở Thành Đô, những người Cộng sản khư khư ôm giữ lý thuyết Cộng sản sai lầm và tội lỗi đã thực sự đặt cái gông Bắc thuộc lên đầu, lên cổ dân tộc Việt Nam. Từ đó các thế hệ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã thản nhiên nhượng đất, nhượng biển Việt Nam cho Đại Hán. Từ đó những người lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã lặng lẽ mở rộng cánh cửa đất nước đón người Đại Hán tràn vào Việt Nam. Người Đại Hán làm chủ dải đất bô xít Tây Nguyên, làm chủ dải rừng đầu nguồn, làm chủ thầu hầu hết các công trình xây dựng công nghiệp và dân sinh ở Việt Nam. Người Đại Hán còn đầu tư làm nhà máy tinh luyện đồng, tinh luyện wolfram ở Quảng Ninh, bòn rút tài nguyên quí hiếm của Việt Nam, mỗi năm nhà máy này đưa về Đại Hán ba ngàn tấn wolfram. Người Đại Hán phá rừng trên núi cao Tây Nguyên. Người Đại Hán gây rối, hành hung, cướp bóc người Việt Nam ở đồng bằng Thanh Hóa. Người Đại Hán lập làng ở Hải Phòng với cả ngàn lao động cơ bắp, cướp mất việc làm của người lao động Việt Nam, cướp đi cả cuộc sống êm đềm thanh bình của làng quê Việt Nam. Người Đại Hán có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam. Đại Hán mang tiền tươi đến tận bến cá ở Gành Hào chót đất Cà Mau vét mua hết cá làm cho những nhà máy sản xuất bột cá ở Cà Mau không có nguyên liệu sản xuất, phải đóng cửa. Lang băm Đại Hán lừa chữa bệnh làm chết người ở Hà Nội. Gian thương Đại Hán lừa hàng trăm gia đình nông dân nuôi tôm, nuôi cua ở Cà Mau, chiếm của mỗi gia đình hàng chục tỉ đồng. Hàng độc hại của Đại Hán tràn ngập Việt Nam, biến Việt Nam thành thị trường bệnh hoạn, thị trường buôn lậu, thị trường hàng giả, thị trường buôn gian bán lận, thị trường ngoài vòng pháp luật, thị trường nhuộm đen cả một nền công thương, nhuộm đen cả bộ máy công quyền Việt Nam.

Lí thuyết Cộng sản đã bị lịch sử loài người loại bỏ. Chủ nghĩa Xã hội đã bị thực tế chứng minh là tai họa của loài người. Kiên định chủ nghĩa Mác – Lê nin, kiên định lí thuyết Cộng sản là níu giữ Việt Nam mãi mãi dừng lại ở thế kỉ XX, thế kỉ của cách mạng vô sản dìm loài người trong biển máu, thế kỉ của những nhà nước Cộng sản độc tài đã giết hại hơn một trăm triệu người lương thiện và giam giữ, tù đầy hàng trăm triệu người chân chính khác. Càng u mê vào lí thuyết Cộng sản, lấy giai cấp thống trị dân tộc, thì càng nô lệ vào Đại Hán và trong những Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người bị lí thuyết giáo điều Cộng sản trói chặt nhất vì ngoài lí thuyết giáo điều Cộng sản xưa cũ, con người ông Nguyễn Phú Trọng không còn gì nữa!

Từ khi con người lí thuyết giáo điều Cộng sản Nguyễn Phú Trọng trở thành người lãnh đạo cao nhất đảng Cộng sản Việt Nam thì Đại Hán coi như công cuộc Hán hóa đã làm xong với Việt Nam về chính trị. Vì thế mà lá cờ Đại Hán trước đây chỉ có năm ngôi sao, biểu trưng năm tộc người Hán, Hồi, Mông, Mãn, Tạng, ngày nay ở Việt Nam, lá cờ đó đã có thêm ngôi sao thứ sáu. Ngày 14. 10. 2011, cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước Việt Nam là đài truyền hình Việt Nam đã gắn thêm ngôi sao thứ sáu vào lá cờ Đại Hán, sáu ngôi sao biểu trưng của sáu tộc người: Người Hán, ngôi sao lớn ở giữa và năm ngôi sao nhỏ của năm tộc dân phiên thuộc quây quần chung quanh: Hồi, Mông, Mãn, Tạng, Việt! Lá cờ Đại Hán sáu sao xuất hiện trong chương trình thời sự đài Truyền hình Việt Nam đưa tin về chuyến thăm Đại Hán của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lá cờ Đại Hán sáu sao, lại xuất hiện la liệt, rợp trời trong chuyến Phó Chủ tịch Đại Hán Tập Cận Bình thăm Việt Nam, tháng mười hai, năm 2011. Các cháu nhỏ xếp hàng dài tay giơ cao lá cờ đỏ sáu sao vàng làm đẹp lòng Phó Vương Đại Hán Tập Cận Bình, như bày tỏ lời cầu xin làm phiên thuộc cho Đại Hán.

Chỉ đến khi con người lí thuyết giáo điều Cộng sản Nguyễn Phú Trọng nắm quyền lực cao nhất ở Việt Nam, lá cờ Đại Hán mới có thêm ngôi sao thứ sáu và lá cờ Đại Hán sáu sao đó đã được cơ quan tuyên giáo Việt Nam chính thức đưa lên truyền hình Nhà nước Việt Nam công bố trước toàn dân Việt Nam. Chỉ đến khi con người lí thuyết giáo điều Cộng sản Nguyễn Phú Trọng nắm quyền lực cao nhất ở Việt Nam, tàu Đại Hán mới ngang nhiên vào biển Việt Nam, cắt cáp tàu dầu khí Việt Nam, Đại Hán mới ráo riết Trung Hoa hóa biển Việt Nam, thực sự coi biển Việt Nam là biển của họ, ngang nhiên chia lô biển Việt Nam mời gọi quốc tế đến khai thác dầu, đưa hàng vạn tàu đánh bắt cá vào khai thác ở biển Việt Nam, lập căn cứ quân sự trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Điều nghiêm trọng là đất đai, biển đảo của lịch sử Việt Nam mang hồn cốt cha ông, mang cả ý chí mở cõi của cha ông người Việt đã bị Đại Hán cướp trắng trợn, đau xót như vậy nhưng cả bộ máy đồ sộ của đảng Cộng sản cầm quyền, của Nhà nước Việt Nam, cả lực lượng quân đội Việt Nam vẫn dửng dưng, bình thản, vẫn véo von ngợi ca tình hữu nghị bốn tốt, mười sáu chữ vàng với Đại Hán, vẫn rập đầu nhớ ơn Đại Hán! Và Nhà nước đó đã huy động cả bộ máy công cụ công an đông đúc và hung hăng như những rô bốt không tim, không óc đàn áp tàn bạo người dân biểu tình chống Đại Hán xâm lược. Hành xử như vậy, rõ ràng Đảng đó, Nhà nước đó, quân đội đó, công an đó đã thuộc về Đại Hán rồi! Bắc thuộc đã là hiện thực hiển nhiên rồi! Không còn là nguy cơ nữa, Bắc thuộc của thời sau thực dân mới, lại là thời remot, điều khiển từ xa, đã thực sự là thảm họa của dân tộc Việt Nam rồi!

Nguy cơ kinh tế đưa đất nước Việt Nam lùi xa về phía sau hàng thế kỉ, đưa xã hội Việt Nam trở về thời tích lũy tư bản hoang dã. Làm ăn chụp giật. Đồng tiền điều khiển quyền lực. Quyền lực vô hiệu pháp luật. Đó là mảnh đất hoang của loài cỏ dại tham nhũng. Tham nhũng lộng hành tàn phá kinh tế, tàn phá đất nước, tàn phá xã hội, đẩy Nhà nước đối lập với dân, khoét sâu những mâu thuẫn trong xã hội, làm cho lòng dân li tán, dân tộc suy yếu. Nguy cơ mất nước ở ngay trong lòng đất nước, nạn nội xâm.

Những ông chủ tư bản buổi sơ khai lưng vốn còn nghèo nàn chỉ có lòng tham là đầy ắp liền liên kết với quyền lực Nhà nước, những quan chức vô sản cũng đang tay trắng, nhà rỗng. Rỗng cả đạo lí làm người. Rỗng cả cái chí của bậc sĩ phu mang tài ra trị nước an dân, đóng góp với đời, để lại cho đời. Chỉ thừa nỗi thèm khát của bao kiếp đời nghèo khổ. Sự liên kết của lòng tham và nỗi thèm khát làm cho nền kinh tế đất nước là nền kinh tế của những nhóm lợi ích. Sự liên kết giữa tiền bạc của nhà đầu tư và quyền lực Nhà nước đã làm thay đổi cả bản chất Nhà nước. Nhà nước của dân, do dân, vì dân chỉ còn là xác chữ chết khô trong Hiến pháp. Nhà nước trong thực tế đã là Nhà nước của nhóm lợi ích. Quyền lực Nhà nước làm giầu cho nhóm lợi ích, ăn chia với nhóm lợi ích, đó là quyền lực tham nhũng!

Tam quyền phân lập, tư pháp độc lập để tạo sức đề kháng cho bộ máy Nhà nước bình thường, lành mạnh. Với Nhà nước Cộng sản quái dị, Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện thì không thể có tam quyền phân lập, không thể có tư pháp độc lập, bộ máy Nhà nước hoàn toàn không có sức đề kháng, tham nhũng cứ sinh sôi, phát triển. Hành pháp, tư pháp, lập pháp đều là Đảng. Bộ máy Nhà nước tham nhũng cũng là Đảng tham nhũng. Tham nhũng của Đảng thì phải giấu giếm, bưng bít cho kín. Tham nhũng được bao che, tham nhũng cứ lộng hành. Nhóm lợi ích hối hả làm giầu bằng vốn liếng, tài nguyên, đất đai của đất nước, bằng những dự án hoành tráng cướp đất của dân, những dự án ném tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân vào những công trình càng nhiều tiền đầu tư thì nhóm lợi ích thu lợi càng lớn, tham nhũng càng lớn.

Nhóm lợi ích hăm hở hoạch định dự án đường sắt cao tốc xa xỉ tốn kém vài chục tỉ đô la trong khi người dân còn phải treo mình trên sợi cáp mỏng manh, đánh đu với hiểm nguy, tai họa để vượt qua khúc sông dữ vì con đường bình thường chỉ tốn vài chục triệu đô la không có, vì cây cầu đơn giản xây cất chỉ vài chục triệu đô la cũng không có. Nhóm lợi ích nằng nặc đòi thực hiện dự án điện hạt nhân khi những nước có công nghiệp hiện đại, có trình độ kĩ thuật cao đang bàng hoàng, ghê sợ điện hạt nhân, đang quyết từ bỏ điện hạt nhân, khi Việt Nam chỉ xây một cây cầu bình thường với kĩ thuật đã thuần thục cũng sập cả một nhịp cầu, làm chết hàng chục người.

Người đứng đầu tổ chức Đảng một tỉnh lệnh cho cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh tạo dựng nên tội trạng cho giám đốc một nông trường dám trái chỉ đạo của cấp trên, không giao đất nông trường cho tỉnh. Bịa đặt tội trạng cho người giám đốc nông trường đã dành cả cuộc đời tạo lên sự phát triển bền vững của nông trường, làm ra hạt gạo xuất khẩu cho đất nước từ mảnh đất phèn hoang hóa, tạo ra cuộc sống ấm no, ổn định của hàng chục ngàn nông dân, đẩy người giám đốc đầy công trạng đó vào tù, nhóm lợi ích nhằm chiếm đoạt đất nông trường, xây dựng khu đô thị, kinh doanh nhà, đất kiếm lời, đẩy hàng chục ngàn gia đình nông trường viên lại trở về cuộc sống không nghề nghiệp, trôi dạt, bất định! Đó là thảm họa đã diễn ra nhưng chưa trọn vẹn ở nông trường Sông Hậu, Cần Thơ, giữa đồng bằng Nam Bộ.

Nhóm lợi ích hình thành ở mọi cấp, mọi nơi, muôn hình, muôn vẻ. Cha là quan chức cấp cao duyệt dự án, kí quyết định giao đất thì con là nhà đầu tư trình dự án, xin giao đất. Những nhóm lợi ích khép kín, hoàn hảo nhưng vô cùng nguy hại như vậy không phải là hiếm. Các dự án của lợi ích nhóm đều được núp bóng lợi ích quốc gia. Cả bộ máy Nhà nước vào cuộc mau lẹ kí duyệt dự án núp bóng đó. Cả bộ máy Nhà nước đứng ra bảo vệ dự án núp bóng đó. Cả Bộ Công an điều quân đông, vũ khí hiện đại cưỡng chế giải tỏa mặt bằng để dự án của lợi ích nhóm núp bóng lợi ích quốc gia được thực hiện. Đó là thảm họa đang diễn ra ở Văn Giang, Hưng Yên, giữa châu thổ Bắc Bộ.

Nơi nào cũng đô thị hóa. Đô thị hóa hối hả, rầm rộ, nhốn nháo, xô bồ chỉ vì lợi ích nhóm, không vì lợi ích đất nước. Nhóm lợi ích mua đất đồng, đất bãi của dân chỉ vài chục ngàn đồng một mét vuông, khi trở thành đô thị, một mét vuông đất đó bị đẩy giá lên tới vài chục triệu đồng. Cánh đồng phù sa màu mỡ đem lại cho hàng vạn nông dân Văn Giang cuộc sống giàu có, sung túc bỗng chốc trở thành khu đô thị Ecopark của vài người trong nhóm lợi ích đầy quyền lực là vì vậy.

Cả một tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước như Vinashin được lập ra cũng chỉ để cho một nhóm lợi ích thao túng. Đó là tập đoàn kinh tế mạnh vì được ưu ái đầu tư rất mạnh về tiền bạc. Dồn tiền bạc của nền kinh tế đất nước cho nhóm lợi ích. Lập tức nhóm lợi ích liền mang đồng tiền rủng rỉnh ra mua sắm chỉ vì lợi ích nhóm. Tiền ném ra mua sắm càng lớn, tiền hoa hồng của riêng họ càng bộn. Họ chỉ cần có thế. Còn làm ăn ra sao với tư liệu sản xuất họ mua về, không cần biết. Đồng tiền của nền kinh tế nghèo Việt Nam chắt chiu dồn cho Vinashin, được nhóm lợi ích Vinashin xài như thế nào, chỉ xin nêu một vụ: Ném ra hơn trăm ngàn tỉ đồng mua về chiếc tàu chở khách cũ nát dưới lớp sơn mới đẹp đẽ. Lại xỉa ra hàng trăm triệu đồng tiền sửa chữa vẫn không thể đưa tàu vào kinh doanh, đành neo ở cảng chờ ngày bán tống bán tháo hoặc bán sắt vụn!

Bắc thuộc và tham nhũng! Dân tộc Việt Nam đang đối mặt với hai tai họa khắc nghiệt đó. Bắc thuộc thôn tính, xâm lược đất đai Việt Nam từ bên ngoài. Tham nhũng tàn phá sức mạnh Việt Nam, tàn phá đạo lí, văn hiến Việt Nam từ bên trong.

Một ngàn năm Bắc thuộc, văn hóa Trung Nguyên của Đại Hán không đồng hóa được dân tộc Việt Nam. Ngày nay, những người lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã đồng hóa dân tộc Việt Nam văn hiến với Đại Hán bởi mẫu số chung là ý thức hệ Cộng sản và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự đưa dân tộc Việt Nam vào thời Bắc thuộc mới.
Người dân bình thường cũng nhận thấy, trong những vụ tham nhũng nhức nhối hiện nay, vụ Vinashin, vụ đất nông trường Sông Hậu, Cần Thơ, vụ đất Văn Giang, Hưng Yên . . . đều có bóng dáng thấp thoáng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thấy hiển hiện rõ ràng trách nhiệm không thể trốn tránh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

MỘT THÔNG ĐIỆP THÌ THẦM, KÍN ĐÁO

Cảm hứng về đất nước nhân ngày lập nước, Chủ tịch nước không thể không thấy tình thế hiểm nghèo của đất nước hôm nay. Nhẹ nhàng, từ tốn và kín đáo, Chủ tịch nước viết về cái họa "cõng rắn cắn gà nhà" có nguyên nhân sâu xa từ mớ lí thuyết lạc lõng: Có những việc tưởng như đơn giản, tưởng như dễ giải quyết, không phải là khó, nhưng khi thực hiện thì đụng đâu cũng vướng vì nó không phải là một bài toán trên lý thuyết đơn thuần mà là xã hội với đủ sắc màu, với những cách nghĩ, những quyền lợi, những ứng xử khác nhau, chằng chit, cái này níu bám và kìm giữ cái kia; cái "chăn ấm" vô tình kéo sang bên này thì bên kia "lạnh" . . . Xuất hiện những người có tư tưởng xa lạ, chỉ luôn rình rập mọi sơ hở để chống đối, để "chọc gậy bánh xe", thậm chí để "cõng rắn cắn gà nhà" . . .

Sau hơn một thế kỉ ra đời, sau gần một thế kỉ thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, chủ nghĩa Mác – Lê nin đã thất bại hoàn toàn, đã cản trở và kéo lùi sự phát triển của lịch sử, thực sự là thảm họa của loài người. Cho đến nay, chủ nghĩa Mác – Lê nin, cùng với Chủ nghĩa Xã hội, sản phẩm của Mác và Lê nin, vẫn chỉ là lí thuyết, mãi mãi chỉ là lí thuyết, một lí thuyết chết khô từ hơn trăm năm trước, ngày càng lạc lõng, xa lạ với xã hội văn minh hôm nay.
Không thể mang mớ lí thuyết đơn thuần, chết khô đó giải quyết những vấn đề của cuộc sống hôm nay: Có những vấn đề tưởng như đơn giản, tưởng như dễ giải quyết, không phải là khó khăn nhưng khi thực hiện thì đụng đâu cũng vướng vì nó không phải là một bài toán trên lý thuyết đơn thuần, mà là xã hội với đủ sắc màu, với những cách nghĩ, với những quyền lợi, những ứng xử khác nhau . . .

Chủ nghĩa Mác – Lê nin chỉ nhìn nhận một giai cấp vô sản, chỉ giành quyền lợi cho một giai cấp vô sản: Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình (Lời bài hát của phong trào Cộng sản quốc tế). Các giai cấp, các tầng lớp khác, nhất là giai cấp tư sản và tầng lớp trí thức nếu không bị tiêu diệt thì cũng phải bị cải tạo để chỉ còn là thân phận điếu đóm của giai cấp vô sản. Đó là lí thuyết méo mó và tầm bậy của ông Mác và ông Lê nin. Còn trong thực tế xã hội loài người mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp có một vai trò, một sứ mệnh không thể thiếu, không thể thay thế và các giai cấp trong xã hội đều có mối quan hệ hữu cơ, bình đẳng, chằng chịt với nhau mới tạo nên xã hội lành mạnh, ổn định và phát triển. Chỉ dành quyền lợi cho một giai cấp: cái "chăn ấm" vô tình kéo sang bên này thì bên kia bị lạnh, là phá vỡ thế cân bằng tự nhiên, ổn định, bền vững và lành mạnh của xã hội, tạo bất ổn và xung đột xã hội, thay yêu thương bằng hận thù giữa người với người. Tính thời sự của cái "chăn ấm" hôm nay là số ít người của các nhóm lợi ích đầy quyền lực kéo hết cái "chăn ấm" thì gần chín mươi triệu người dân Việt Nam đành chịu lạnh. Nhóm lợi ích chiếm đất Văn Giang làm khu đô thị Ecopark thu lời lớn thì dân Văn Giang thành thất cơ lỡ vận, hết đường sống!

Nhẹ nhàng chỉ ra cái bất ổn của thứ lí thuyết đơn thuần, xa lạ, bài viết của Chủ tịch nước cảnh báo: Xuất hiện những người có tư tưởng xa lạ, chỉ luôn rình rập mọi sơ hở để chống đối, để "chọc gậy bánh xe", thậm chí để "cõng rắn cắn gà nhà". Như đoạn đường của vận động viên nhảy xa, có đoạn chạy đà, có đoạn bật nhảy, chỉ luôn rình rập mọi sơ hở để chống đối, để "chọc gậy bánh xe" chỉ là đoạn chạy đà cho mục tiêu bật nhảy: "thậm chí để "cõng rắn cắn gà nhà".

Người lính từ binh nhì đến vị tướng, người dân từ cô tạp vụ đến ông Bộ trưởng nếu có theo giặc thì cũng chỉ được coi là đầu hàng hoặc phản bội Tổ quốc, hành động theo giặc, phản bội Tổ quốc của họ chưa đủ tiêu chuẩn để được coi là "cõng rắn cắn gà nhà". Chỉ bậc đế vương, người nắm vận mệnh đất nước đi theo giặc, dẫn giặc về cướp nước mới được gọi là kẻ "cõng rắn cắn gà nhà".

Nhẹ nhàng, kín đáo, phần viết về kinh tế, bài viết chỉ nhắc thoáng qua các vụ việc cũng điểm được đủ mặt các nhóm lợi ích: Mới đây thôi, những vấn đề đặt ra từ Tiên Lãng – Hải Phòng, Văn Giang – Hưng Yên, Vụ Bản – Nam Định . . . đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận lại các cơ sở pháp lí về đất đai. Hoặc, những đổ vỡ, kém hiệu quả của DNNN, những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và cả trong nhân dân, đòi hỏi phải chỉnh đốn, phải tăng cường thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; những khoảng cách giữa mong muốn và hiện thực đòi hỏi phải rút ngắn; những mục tiêu đòi hỏi phải đạt được nếu không muốn dẫn đến tụt hậu và bất ổn; ngân sách Nhà nước thì còn rất eo hẹp, nợ công tăng lên, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng hóa tồn đọng nhiều, lạm phát đang ăn vào thu nhập của phần đông người lao động . . .

Nhìn nhận những vấn đế đặt ra của đất nước, bài viết của Chủ tịch nước dường như chỉ để cảnh báo, chỉ để gọi đúng tên một nguy cơ lớn nhất của đất nước hôm nay: cõng rắn cắn gà nhà! Lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam cho thấy khi trên dưới một lòng, vua biết tìm đến dân, hỏi dân, lắng nghe dân ở hội nghị Diên Hồng và người dòng dõi nhà vua có chí khí lẫm liệt: Thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vua chư hầu cho phương Bắc thì đội quân Nguyên Mông hùng mạnh dù đã chinh phục cả dải đất mênh mông của hai châu lục Á – Âu nhưng ba lần kéo quân hùng tướng mạnh đến Việt Nam đều bị khí phách Việt Nam đánh cho tan tác.

Ngày nay Đại Hán đã cướp đất cướp biển của ta, hàng ngày bắn giết dân ta mà người nắm quyền lực cao nhất của đất nước vẫn coi kẻ xâm lược đó là bạn và mở mồm ra là tụng niệm những lời phỉnh phờ bốn tốt, mười sáu chữ vàng của rắn độc được coi là bạn. Mở mồm ra là đinh ninh lời rắn độc được coi là bạn: bạn khuyên ta thế này, bạn khuyên ta thế kia. Nghe lời rắn độc được coi là bạn đó nên cả bộ máy công cụ công an đông đúc từ trung ương đến địa phương được huy động ra sắt máu đàn áp dân khi dân bộc lộ ý chí giữ nước. Hành xử đó phải được gọi đúng tên là "cõng rắn cắn gà nhà"! Hành xử đó thực sự là "cõng rắn cắn gà nhà" được đánh tráo thành "chống diễn biến hòa bình", "chống các thế lực thù địch"!

Thế kỉ trước, thế hệ đi tìm đường cứu nước đã lạc đường dẫn đến thế nước hiểm nghèo hôm nay. Trong vận hạn hiểm nghèo của đất nước xin hãy nhận ra điều nhắn gửi thì thầm, kín đáo trong Thông điệp Tháng Tám của một người lãnh đạo còn chút lòng với dân với nước. Nhận ra để vững tin và biết đường giữ nước.

P.Đ.T.

No comments:

Post a Comment