07 September 2012

Xã Hội Dân Sự nhằm “Xây dựng xã hội từng mảnh một”


Đoàn Thanh Liêm

Từ mấy chục năm nay, giới trẻ trên thế giới tỏ ra rất tâm đắc với lời nhắc nhở gồm 2 câu ngắn gọn như sau :

* Suy nghĩ toàn cục (think globally)
* Hành động trong tầm tay (act locally)

Với sự tiến bộ về mọi mặt khoa học kỹ thuật, đời sống con người mỗi ngày càng thêm phong phú đa dạng phức tạp trên các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội cũng như văn hóa. Do vậy mà mỗi cá nhân cần phải có trình độ suy nghĩ, nhận định cho chính xác về tình hình xã hội xung quanh mình – hầu có thể quyết định về những hành động sao cho thích nghi với những thay đổi trong môi trường xã hội như thế.

Như ta đã biết khu vực Xã hội Dân sự trong một quốc gia (XHDS), thì bao gồm tất cả mọi tổ chức phi-chánh phủ, bất-vụ lợi (non-governmental, non-profit organisations), và các nhóm nhỏ (small groups) – do người công dân tự nguyện cùng đứng ra thành lập nhằm theo đuổi những mục tiêu chính trị, xã hội, văn hóa hay tôn giáo – tùy theo sở thích và khả năng của mình. Khác với hệ thống tổ chức theo hàng dọc từ trung ương xuống tới các cấp địa phương trong khu vực chính quyền Nhà nước (the State) – các tổ chức hay nhóm nhỏ cấu thành XHDS nói trên – thì đều là những đơn vị biệt lập, không thống thuộc mà cũng không bị xếp đặt dưới sự chỉ huy lãnh đạo của bất kỳ một nhân vật nào, đơn vị nào.

Để bạn đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện, tôi xin nhắc lại vài điều sơ lược về XHDS đã được trình bày trước đây. Có thể nói: XHDS chính là cái Khu vực thứ ba (the third sector) để cùng hợp với khu vực Nhà nước và khu vực Thị trường kinh doanh (the marketplace) để tạo thành cái Không gian Xã hội (the Social Space) do tập thể quần chúng nhân dân sinh họat chung với nhau trong xã hội mà xây dựng nên. Cái định nghĩa đơn giản này có thể viết ngắn gọn dưới hình thức một phương trình như sau đây :

Không gian Xã hội = Nhà nước + Thị trường Kinh doanh + Xã hội Dân sự.

Và trong mấy bài viết về XHDS gần đây, tôi đã có dịp trình bày về tính chất năng động và sáng tạo trong khu vực thứ ba này của cái Không gian Xã hội. Nay trong bài này, tôi xin ghi thêm chi tiết về vai trò đích thực của XHDS – đó là nhằm góp phần "Xây dựng Xã hội từng mảnh một"- theo như cách nói của vị giáo sư nổi danh Karl Popper : "Piecemeal Social Engineering". Từ ngữ này được trưng dẫn nhiều lần trong cuốn sách đã trở thành một thứ kinh điển (a classic) : "The Open Society & its enemies" được xuất bản lần đầu tiên tại London Anh quốc năm 1945.

Dưới đây, ta sẽ lần lượt phân tích hai lọai họat động chính yếu của XHDS.

I – Họat động trong lãnh vực Từ thiện Nhân đạo.
Trong xã hội, thì lúc nào, ở đâu cũng có những nạn nhân của thiên tai bão lụt, động đất, của những lọai bệnh nan y như bệnh phong cùi, bệnh HIV/AIDS … – mà không một chính quyền nào có thể lo lắng chăm sóc cho thật chu đáo về mọi phương diện được. Vì một lý do đơn giản là ngân sách của Nhà nước thì luôn luôn có giới hạn, mà số lượng nhân viên chính quyền cũng không bao giờ có nhiều – khiến cho Nhà nước có thể một mình đứng ra bao biện làm cho hết mọi thứ công việc cần thiết của xã hội được. Do vậy mà cần phải có sự tiếp trợ của các tư nhân thiện nguyện ra tay cứu giúp bà con đồng lọai của mình đang gặp khó khăn ngặt nghèo bế tắc – nhất là giữa lúc "tai trời ách nước" bất thình lình xảy đến.

Lấy thí dụ của các quốc gia miền Bắc Âu châu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch là nơi có chế độ phúc lợi xã hội rất hòan chỉnh, thì các tổ chức thiện nguyện thuộc khu vực XHDS cũng họat động rất khởi sắc – nhờ sự đóng góp rất tích cực cả về tài chánh vật lực cũng như về nhân lực – không những phục vụ người dân địa phương mà còn mở rộng cho cả cộng đồng quốc tế nữa.

Khi tham gia vào những công việc xã hội từ thiện nhân đạo như vậy, thì XHDS đang đóng vai trò của một đối tác (a counterpart) đối với chính quyền Nhà nước – tức là cùng hợp tác với chính quyền trong nhiệm vụ phục vụ quần chúng nhân dân.

Các tổ chức như Hội Hồng Thập Tự, Hội Hướng Đạo hay các Hội Từ Thiện của các tôn giáo…, thì xưa nay ở nước nào cũng có và họ được tự do họat động để góp phần xây dựng xã hội ngay từ đơn vị hạ tầng cơ sở ở miền quê hay tại các đô thị. Tại nhiều quốc gia, chính quyền lại còn trợ cấp tài chánh hay dành những ưu đãi cho các tổ chức "được công nhận là có ích lợi công cộng" nữa (organisations reconnues d'utilité publique).

Chỉ trừ tại những nước theo chế độ độc tài chuyên chế cộng sản như ở Việt nam, Trung quốc, Bắc Triều Tiên hiện nay, thì khu vực XHDS mới bị khống chế, lũng đọan đến nỗi bị tê liệt không làm sao mà phát huy được tác dụng xây dựng xã hội một cách hồn nhiên thỏai mái mà thôi.

Cụ thể như trường hợp của trên 4 triệu người Việt hải ngọai chúng ta hiện đang sinh sống tại trên 60 quốc gia và lãnh thổ khắp năm châu, thì bà con chúng ta đều được tự do thành lập đủ mọi thứ hội đòan như các hội đồng hương, hội ái hữu, hội bác ái từ thiện, các tổ chức văn hóa nghệ thuật v.v…- để vừa tương trợ cưu mang giúp đỡ lẫn nhau, vừa góp phần xây dựng xã hội với bà con ruột thịt ở bên quê nhà. Chúng ta được tự do hành động mà không hề bị chính quyền các quốc gia sở tại làm khó dễ hay kềm kẹp áp bức gì cả – chỉ trừ khi có hành động vi phạm luật pháp thì mới bị cơ quan an ninh cảnh sát điều tra truy tố theo luật hình sự thông thường mà thôi.

Thống kê về xã hội học cho biết tại nước Mỹ hiện nay, thì có đến trên 1 triệu các tổ chức phi chính phủ, bất vụ lợi và có đến 3 triệu các nhóm nhỏ không đăng ký để được quy chế miễn thuế (tax exempt). Ở Ấn Độ, thì cũng có đến cả triệu các tổ chức phi-chính phủ như vậy nữa.

Các tổ chức như Ford, Soros, Carnegie, Rockefeller, Bill Gates Foundation …, thì mỗi cơ sở có ngân quỹ đến hàng tỷ dollar và có phạm vi họat động trên tòan thế giới. Họ thu hút được nhiều tài năng trí tuệ để nghiên cứu và đề ra những dự án họat động thật quy mô trong nhiều lãnh vực xã hội văn hóa khoa học. Và riêng con số các Think Tank, thì trên thế giới đã lên đến con số trên 4,500 đơn vị, trong đó riêng tại nước Mỹ thì đã có đến trên 1,200 đơn vị rồi.

Về lãnh vực từ thiện tư nhân (private charity) ở Mỹ, thì mỗi năm đã quyên góp được đến 300 tỉ dollar nữa. Và đặc biệt cần chú ý đến các tổ chức và nhóm họat động xã hội phát xuất từ niềm tin của tôn giáo – mà người Mỹ gọi là "Faith-based Social Action organisations/groups". Một thống kê khác cho biết lọai tổ chức bắt nguồn từ tôn giáo như thế hiện đang chiếm đến 60% trong tổng số các tổ chức từ thiện nhân đạo tại nướcMỹ. Điển hình như trong tổ chức nhân đạo của Nhà thờ Tin lành Saddleback Valley Community Church với trên 25,000 tín đồ ở vùng Orange County miền Nam California do mục sư Rick Warren lãnh đạo, thì từ nhiều năm nay đã có một chương trình rất quy mô nhằm giúp đỡ các gia đình có người bị bệnh HIV/AIDS tại Phi châu.

II – Họat động tranh đấu cho Công bằng Xã hội, bảo vệ Nhân phẩm và Nhân quyền.
Mặt khác, XHDS lại còn có những họat động tích cực sôi nổi hơn nhằm tranh đấu cho Công bằng Xã hội, bảo vệ Nhân phẩm và Nhân quyền của người công dân. Điển hình như việc bênh vực Dân Oan bị mất nhà mất đất ở Việt nam hiện nay, thì các họat động này biểu hiện vai trò "làm đối trọng" (counterbalance) của XHDS đối với chính quyền Nhà nước – để người dân có thể thực hiện cái quyền "kiểm sóat và làm quân bình" (checks & balances) trong đời sống chính trị của quốc gia.

Cũng vậy, trong một quốc gia dân chủ thực sự, thì vai trò chính yếu của các nghiệp đòan công nhân là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của giới lao động để tránh những bóc lột khai thác tàn bạo của giới chủ nhân tham lam thâm hiểm. Thì đó cũng là một thứ hành động thể hiện quyền làm đối trọng của tập thể công nhân đối với giới chủ nhân công ty xí nghiệp trong khu vực thị trường kinh doanh. Và trong lãnh vực này thì cơ quan chính quyền Nhà nước chỉ đóng vai trò làm Trọng tài để làm trung gian hòa giải những tranh chấp mâu thuẫn giữa hai phía Chủ và Thợ mà thôi (a Referee).

Nhìn chung lịch sử thế giới trong vòng nửa thế kỷ vừa đây, ta thấy càng ngày họat động của khu vực XHDS càng thêm tích cực phong phú khởi sắc – điển hình là phong trào quần chúng tranh đấu chống vũ khí hạch tâm tại các nước Âu Mỹ – phong trào liên đới quốc tế chống lại chế độ kỳ thị chủng tộc Apartheid tại Nam Phi – và nhất là công cuộc tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền tại các quốc gia cộng sản do Liên Xô lãnh đạo như ở Đông Âu hồi thập niên 1970 – 80 đưa đến việc sụp đổ bức tường Bá linh năm 1989 và sự giải thể của Liên bang Xô Viết năm 1991.

Cao trào tranh đấu này hiện đang diễn ra sôi nổi khắp thế giới, kể cả tại các quốc gia ở Á châu, Phi châu và châu Mỹ La tinh với sự tham gia rần rộ của giới trẻ đày nhiệt huyết hăng say lý tưởng – và đặc biệt với sự hợp tác chặt chẽ của giới Hàn lâm Đại học với giới Lãnh đạo tinh thần của các Tôn giáo (Cooperation between Academia & Churches). Nhiều đại học ở Mỹ như Eastern Mennonite University (EMU) ở Harrisonburg Virginia đã thiết lập Trung tâm Công lý và Hòa bình ( CJP = Center for Justice & Peace), Viện Xây dựng Hòa bình Mùa Hè (SPI = Summer Peacebuilding Institute) nhằm quy tụ các tham dự viên từ khắp thế giới gặp gỡ nhau để cùng học hỏi trao đổi kinh nghiệm về việc " Làm trung gian Hòa giải giữa các phe đối nghịch " (Mediation), "Chuyển hóa Tranh chấp" (Conflict Transformation), "Hàn gắn Chấn thương" (Trauma Healing) v.v… Hiện tượng mới mẻ sinh động có tính cách tòan cầu này được gọi là " Phong trào Xã hội Mới" (The New Social Movement).

Cũng nên ghi nhận về ảnh hưởng to lớn của Thỏa ước Helsinki được ký kết giữa các quốc gia Âu châu năm 1975 (Helsinki Pact) đối với phong trào tranh đấu Nhân quyền tại Đông Âu và Liên Xô – mà nổi bật nhất là tổ chức Công đòan Đòan kết Solidarnosc ở Ba lan và Phong trào Hiến chương 77 khơi mào cho cuộc "Cách mạng Nhung" ở Tiệp khắc.

Các tổ chức bênh vực Nhân quyền như Amnesty International, Human Rights Watch, Reporters sans Frontières càng ngày càng mở rộng phạm vi họat động khắp thế giới. Cũng như các tổ chức Green Peace (bảo vệ môi sinh), Transparency International (Minh bạch Quốc tế)… rõ ràng đã có tính cách phổ biến tòan cầu. Và như vậy, ta có thể nói được rằng trong thời đại hiện nay vào đầu thế kỷ XXI, thì chúng ta đã và đang xây dựng được một thứ "Xã hội Dân sự Tòan cầu". Bạn đọc có thể mở Google hay Yahoo và bấm chữ "Global Civil Society", thì có thể tìm thấy ngay được hàng nhiều triệu tài liệu liên quan đến hiện tượng sôi động này.

III – Để kết luận, ta có thể minh định rằng : XHDS không hề nhằm đánh đổ hay thay thế khu vực chính quyền Nhà nước.
Như đã trình bày ở trên : XHDS là một khu vực biệt lập cùng sinh họat song hành với khu vực chính quyền Nhà nước và khu vực Thị trường Kinh doanh. Nó bao gồm hàng vạn, hàng triệu những đơn vị, tổ chức, những nhóm nhỏ – mà mỗi cơ sở theo đuổi những mục đích xã hội văn hóa và tôn giáo khác nhau, mỗi đơn vị lớn hay nhỏ thì cũng chỉ tìm cách góp phần nhỏ bé, khiêm tốn của mình trong công cuộc mưu tìm hạnh phúc cho các thành viên trong cộng đồng xã hội.

Rõ ràng là XHDS không hề có một đầu não chỉ huy lãnh đạo nào, một thế lực mạnh mẽ nào – để mà có thể theo đuổi tham vọng "chọc trời khuấy nước", gây rối lọan bất ổn cho xã hội ở đâu cả.

1/ Đối với Nhà nước, thì XHDS vừa đóng vai trò "Làm Đối tác", vừa đóng vai trò "Làm Đối trọng" để bảo đảm cho xã hội có thể phát triển theo chiều hướng tiến bộ, hướng thượng và hài hòa trong tinh thần nhân ái vị tha, trong sự liên đới đùm bọc lẫn nhau giữa mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc. XHDS được xây dựng trên tinh thần tự nguyện của mọi tầng lớp nhân dân, mà không hề sử dụng bất kỳ một thủ đọan mánh lới đen tối nào nhằm lường gạt hay ép buộc cưỡng chế đối với bất kể cá nhân hay một tập thể nào khác.

2/ Đối với khu vực Thị trường Kinh doanh cũng vậy, XHDS không hề có một thứ quyền hành nào để khống chế áp đặt điều chi đối với giới chủ nhân công ty xí nghiệp cả. Mà ngược lại, XHDS luôn luôn phải trông cậy vào sự cộng tác hỗ trợ của giới kinh doanh để mà có phương tiện tài chánh vật chất cần thiết cho các họat động muôn màu muôn vẻ của mình – về từ thiện nhân đạo hay về văn hóa thể thao nghệ thuật…

* * *

Nói vắn tắt lại, thì XHDS chính là cái môi trường rộng rãi thóang đãng để mọi người dân đều có điều kiện và cơ hội thuận tiện hầu phát huy óc sáng tạo và tính năng động tháo vát của mình để đem áp dụng vào việc giải quyết những vấn đề khó khăn bế tắc tại địa phương gần gũi xung quanh mình. Đó chính là cái quá trình giải quyết vấn đề (a problem solving process) mà mỗi cá nhân phải cùng hợp tác với nhau để tìm ra được lời giải đáp thỏa đáng cho cái vấn nạn, cho sự thách đố (challenge) thường gặp trong đời sống công cộng trong cõi nhân sinh chúng ta.

Phát triển XHDS chính là phương cách tốt đẹp nhất để xây dựng một nền nếp "Dân chủ Tham gia" (a Participatory Democracy) – trong đó bất kỳ thành viên nào của cộng đồng dân tộc đều có quyền và có cơ hội tham dự vào công trình cải thiện cuộc sống cho bản thân, gia đình và cho xã hội nơi địa phương sinh sống của mình.

Đó chính là cơ hội thăng tiến tuyệt vời cho mỗi công dân cũng như cho tòan thể dân tộc Việt nam chúng ta vậy./


Đoàn Thanh Liêm
Costa Mesa California, Mùa Vu Lan Nhâm Thìn 2012

No comments:

Post a Comment