07 September 2012

Bàn về chế độ toàn trị và xã hội dân sự

Nguyễn Hoàng Đức


"Ở Việt Nam, khi Đảng cộng sản với điều bốn đòi lãnh đạo tất cả, cũng là lãnh đạo mọi thứ thuộc về nhà nước, mà nhà nước là pháp luật. Với điều kiện tiên quyết "pháp luật chỉ có khi không có ai được ở trên pháp luật", như vậy là vi hiến. Nói rõ hơn là "Bất hợp hiến".
"… nước ta từ dân trí đến quan trí, rồi trí thức còn thấp lắm, nói đúng ra là còn "ngu lâu dốt bền" lắm. Mong mọi người hãy biết mở mắt và ngẩng đầu lên, đừng có tự ái vớ vẩn, để nước ta còn tiến kịp thời đại. Và chính thức viết lên trang sử có vận động của mình".

Nhân đọc bài "Hơn hai sai lầm nguy hiểm của ông Nguyễn Trần Bạt" của tác giả Phạm Hồng Sơn, tôi xin được trao đổi về việc này. Lẽ ra tôi phải viết là "xin trao đổi lại cùng hai vị", nhưng tôi thiết nghĩ "vấn đề quốc gia đại sự", đặc biệt "chính sự", đặc biệt hơn là quyền "Dân Sự" là vấn đề của toàn dân, toàn nước.

Đây cũng là một vấn đề phổ quát sống còn liên quan đến mỗi cá nhân cũng như toàn dân, vì thế tôi chọn việc trao đổi về vấn đề hơn là chỉ trao đổi cùng hai vị. Trước hết dù sao cũng cám ơn hai vị đã xới lên vấn đề hết sức trọng đại này. Nhưng tôi cũng nói rõ quan điểm của mình luôn, tôi đồng tình với ý kiến của tác giả Phạm Hồng Sơn, có nghĩa không đồng tình với Nguyễn Trần Bạt khi ông nói "Nghiên cứu xã hội học tức là anh phải đặt mình vào địa vị của nhà cầm quyền…"

Xưa kia, theo binh pháp Tôn Tử của Tầu, thì: khi chọn những người dẫn đầu đoàn quân, nếu chọn người yếu nhất thì họ sẽ chây lười nản chí, nếu chọn người khỏe nhất thì họ đi phăng phăng khiến phía sau không theo kịp, tốt nhất là chọn người trung bình, để không nản chí cũng như không bỏ rơi đoàn quân. Khi làm chính sách mà dựa vào chính quyền, có khác gì làm kinh tế chỉ bênh ông chủ còn đánh thuế nặng dân đen? Khi dạy học, thầy chỉ lưu ý học sinh học giỏi mà bỏ quên học sinh kém? Khi phát khẩu phần ăn chỉ để ý đồ nhậu cho con cái nhà giầu mà bỏ quên người cần ăn no? Làm chính sách mà dựa vào người cầm quyền tức là thiên vị người có thế lực mà bỏ rơi người thấp cổ bé họng.

Chính trị bao gồm Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp là những vấn đề hết sức phức tạp, nhưng thực ra nó cũng rất gần gũi và dễ hiểu bởi vì nó liên quan trực tiếp đến đời sống và sinh mệnh hàng ngày của mỗi con người. Tuy vậy, ở các nước, mà mỗi tờ báo ra hàng ngày đều liên quan đến vấn đề "kiến trúc thượng tầng" – tức giai cấp cầm quyền lãnh đạo, thì người dân được làm quen với vấn đề chính trị rất nhiều. Trái lại báo chí của ta lâu nay, lảng tránh tuyệt đối vấn đề của cấp lãnh đạo thậm chí từ vụ cục trở lên, báo của cả nước, của thủ đô, của thành phố lớn rặt chuyện nuôi cá trê phi, rau xanh, tai nạn, và những tội tình của cấp bình dân đầu đường xó chợ… Tóm lại báo chí chỉ nhắm vào cơ sở hạ tầng mà chì chiết phê phán thoải mái, còn cấp trên thì "an toàn" tuyệt đối, vì thế mà dân chúng chẳng hiểu gì về chính trị cả. Nói thẳng ra Dân trí của người châu Á nói chung của Việt Nam nói riêng là cực thấp, cực dốt, ngay cả nhiều người có bằng cấp đại học, rồi nhà văn, nhà thơ nói về chính trị cũng ấm ớ chẳng hiểu gì?

Hiện nay trình độ chính trị ở Việt Nam là thấp bậc nhất thế giới, đó cũng chính là môi trường dung dưỡng vô tận cho tham nhũng cũng như lũng đoạn quyền hành. Cụ thể, người châu Phi, vẫn bị coi là lạc hậu, tối tăm, cam chịu, trùm khăn lên đầu, che khăn ngang mặt, bảo sao nghe vậy, nhưng năm 2011 dân nhiều nước như Ai Cập, Siria, Lybia… đã nhảy một bước về dân chủ lớn chưa từng có làm rung chuyển cả vũ đài lịch sử. Còn Ấn Độ trước kia cũng chỉ là một nước Quân chủ, nhưng với cuộc hành hương "Bất bạo động" của thánh Gandhi, ông không chỉ giành được độc lập cho đất nước từ tay đế quốc Anh, mà còn nâng dân trí của dân tộc lên khi nói "Chúng ta chống lại người Anh, nhưng không chống lại thể chế Anh". Kể từ đó, Ấn Độ theo Quân chủ lập hiến, với kiến trúc chính trị mô phỏng của Vương quốc Anh. Còn ở Trung Quốc, trong cuộc diễu hành dân chủ mùa xuân năm 1989, hàng triệu sinh viên đã trương khẩu hiệu ở quảng trường Thiên An Môn: "Xấu hổ thay người Trung Quốc chúng ta đến thế kỷ 20 rồi vẫn còn học bài học vỡ lòng về dân chủ". Còn người Việt ta đã nghĩ và làm được gì với đám văn sĩ lèo tèo mấy vần thơ vẫn còn quanh quẩn quanh nỗi lo "cơm áo không đùa với khách thơ", trí thức thì dẫn một con bò sang Nga khi về làm tiến sĩ chỉ có một giấc mộng duy nhất là vinh thân phì gia, còn dân chúng thì chỉ lầm lụi trong cơn ám ảnh cơm áo gạo tiền.

Tôi xin nhắc lại, dân trí Việt về chính trị bao gồm cả bộ phận lớn các trí thức là cực thấp và cực dốt. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà ngay ở Trung Quốc, lãnh tụ Tôn Trung Sơn đã cảnh tỉnh rằng: người Trung Quốc xưa nay cả ngàn năm chưa hề có mấy từ "cá nhân", "bình đẳng" và "tự do". Tất nhiên dân chúng chỉ là đám nô tài, thảo dân, vô lại, đi đâu cũng quì mọp như chó thì làm sao có được "cá nhân", "bình đẳng" và "tự do". Đối với nhiều người ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, chính trị chỉ có nghĩa là nắm quyền, ở trên người khác, đè đầu cưỡi cổ người ta, hay ăn cơm chúa múa tối ngày. Tóm lại, chính trị có nghĩa là vừa được oai, vừa làm quan được nhàn, lại vừa được ăn yến triều đình. Có thể tóm tắt trong một câu này của người Tầu "Ở dưới một người, ở trên vạn người", rồi học giỏi cũng chỉ để làm quan "học nhi ưu tắc sĩ", không có khoa bảng thì đem tiền đi mua chức, như Cao Cầu đá cầu hầu vua rồi leo lên chức tể tướng. Một loạt các quan lớn của Trung Quốc vừa rồi thú tội: tôi làm quan phải thu tiền của người khác là bởi tôi đã phải mất rất nhiều tiền để mua quan. Đó là bằng chứng minh định rất rõ về cái gọi là trình độ dân trí và quan trí của châu Á, quanh đi quẩn lại chỉ là nắm quyền và giữ quyền. Còn những lời lẽ hay ho nào tam quyền phân lập, dân chủ, tự do chỉ là những lời bóng bảy làm mẽ bề ngoài.
Trong tình hình dân trí thấp của chúng ta, tôi xin được bàn về "Toàn trị" và "Dân sự" một cách dễ hiểu nhất.

1- Lịch sử của con người là lịch sử của Nhà nước. Triết gia Hegel còn nói thẳng tưng: châu Á không có lịch sử, bởi vì Nhà nước của nó đâu có phải con đường lập pháp dựng nên, mà chỉ là thứ bộ tộc, sắc tộc, làng xã, hay quốc gia thiên hạ làng xã tổ hợp, một thứ vua ngồi ngai vàng, rồi tranh ngôi phế truất nhau, chỉ là sự thay thế của quyền lực đâu có sự tiến triển nào của nấc thang lập pháp, mà được gọi là Nhà nước đích thực. Không có Nhà nước đích thực thì sẽ không có lịch sử đích thực. Bởi lịch sử không chỉ là những hiện tượng thay thế đơn thuần, buổi sáng tôi ăn, rồi chiều tôi tiêu hóa, sao có thể gọi đó là "lịch sử". Rồi Trung Quốc với Hán, Tùy, Đường; Việt Nam với Đinh, Lê, Lý… kế tiếp nhau y như cũ thì có được gọi là lịch sử giống như sự phát triển của nhận thức không?

2- Chỉ khi có nhà nước, với điều kiện bắt buộc phải có luật pháp, thì dân tộc đó mới thoát thai khỏi sắc tộc bán khai, sống hoang rợ trong rừng chưa hề có pháp luật.

3- Luật pháp chỉ có với điều kiện tiên quyết: Không ai được ở trên luật pháp. Nếu ông là vua ông ra lệnh xử tử người khác như không, đến khi ông mắc tội giống người ta ông lại tự tha cho mình, thế thì còn gì là luật. Chưa hết ông không chỉ tha cho mình mà còn tha cho mọi con cháu vương gia, con cháu vương gia lại tha cho kẻ thân của mình, rồi pháp luật có phải là thứ hổ lốn không? Ở Việt Nam, khi Đảng cộng sản với điều bốn đòi lãnh đạo tất cả, cũng là lãnh đạo mọi thứ thuộc về nhà nước, mà nhà nước là pháp luật. Với điều kiện tiên quyết "pháp luật chỉ có khi không có ai được ở trên pháp luật", như vậy là vi hiến. Nói rõ hơn là "Bất hợp hiến".

4- Độc tài là duy nhất một người lãnh đạo, lãnh đạo luôn cả luật pháp. Toàn tài là lãnh đạo bao sân tất cả mọi người lẫn mọi việc. Xưa kia vua chúa độc tài, nhưng kể từ khi có đảng Quốc Xã của Hitle ra đời, đảng Fascism của Mussolini xuất hiện, rồi sau này đảng Cộng Sản bao trùm cả hệ thống Liên Xô và Đông Âu thì thế giới biết đến thuật ngữ "Độc tài tập thể" và "độc tài đám đông". Và có thêm thuật ngữ "vua ngai da".

5- Nhà nước với luật pháp sinh ra là để vì ai? Chắc chắn nhà nước sinh ra vì nhân dân bởi với sức mạnh của pháp luật nhà nước bảo vệ những dân chúng thấp cổ bé họng. Một nhà nước lại bảo vệ kẻ mạnh là một nhà nước vô nghĩa, bởi lẽ kẻ mạnh đã sẵn mạnh vì gạo bạo vì tiền, tiền hô hậu ủng còn lo bảo vệ làm gì? Vả lại, nhân dân tạo ra một nhà nước là để bảo vệ và giúp họ sống chứ không có nhân dân nào muốn dựng lên nhà nước để khoác ách vào cổ họ. Nhà tư tưởng Mỹ Thoreau có nói: "Một chính thể càng ít cai trị thì càng tốt, nhưng tôi muốn nói rằng, một chính thể tốt nhất là không cai trị gì cả".

6- Nhân dân được dân chủ (cũng có nghĩa là dân sự), hợp tác lại trong một chính thể của chung được gọi là chế độ cộng hòa. Đó là những điểm căn cốt do triết gia Socrate tuyên xưng và được triết gia Platon chép lại trong cuốn Cộng Hòa (La Republique). Trái lại, triết gia Aristote lại quảng bá cho thuyết quân chủ là chỉ có mình vua lãnh đạo. Ông và những người giống ông như Hitle hay Mussolini cho rằng: dân chủ là thứ lãnh đạo giống con cuốn chiếu hay con rết nhiều chân đi rất chậm, thêm nữa đó là con rết nhiều đầu thì nó không biết đi đâu? Nhưng lịch sử với độ tàn khốc của nó đã chứng minh lý thuyết này là sai lầm, bởi vì không có bất cứ ai tự giác xuất sắc để làm gương và lãnh đạo dân chúng (trừ vua Nghiêu, vua Thuấn trong huyền thoại), mà khi đã làm vua rồi thì chỉ thích hưởng thụ không để ý gì đến dân chúng. Dân chúng lầm than muốn phế truất ông thì không thể, vì ông độc tài ngồi xổm trên pháp luật đâu có tự giác xử mình. Đặc biệt mới ít năm gần đây, toàn bộ hệ thống độc đảng sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, mới đây là các nước dù còn lạc hậu ở châu Phi, đã chứng tỏ một hiện thực lịch sử rất hùng hồn: không một ông vua nào đủ tự giác để tuột xuống khỏi cái ngai đầy ắp những bổng lộc và hưởng thụ?!

- Rút cục nhà nước hiện đại sinh ra vì cái gì? Do dân - cho dân và - vì dân! Đúng nghĩa hơn: nhà nước chỉ là cơ quan dịch vụ cho nhân dân sống mà thôi. Nhà nước chỉ là cơ quan đóng dấu, trơn dầu hệ thống đóng dấu thông quan từ chợ nhà quê đến cửa khẩu. Ngoài ra chẳng là cái gì cả. Một số kẻ cứ cố tình quan trọng nhà nước, đó chẳng qua chỉ là muốn đề cao cái quyền lực mà mình đã có. Một nhà nước tốt nhất là không cai trị gì cả, đó cũng chính là ước mơ của Karl Marx khi nhắm đích: chủ nghĩa cộng sản cùng đích thì nhà nước tự tiêu vong.

Việc còn lại một vài chính thể như Việt – Triều – Lào – Trung – Cu, vẫn còn rơi rớt bám chặt lấy cái gọi nhà nước mà không có pháp luật đích thực (tôi xin nhắc lại: pháp luật chỉ có với điều kiện "không ai được ở trên pháp luật"), điều đó càng chứng minh luận điểm của Hegel rằng: châu Á không hề có lịch sử, bởi vì nó chỉ có các cuộc thay thế mà không có vận động. Điều đó cũng nói rằng, nước ta từ dân trí đến quan trí, rồi trí thức còn thấp lắm, nói đúng ra là còn "ngu lâu dốt bền" lắm. Mong mọi người hãy biết mở mắt và ngẩng đầu lên, đừng có tự ái vớ vẩn, để nước ta còn tiến kịp thời đại. Và chính thức viết lên trang sử có vận động của mình. Nếu sự nói thẳng của tôi không làm mọi người thức giấc mà chỉ gây tự ái thì tôi xin tạ lỗi muôn lần. Xin cám ơn!

Nguyễn Hoàng Đức
05/09/2012

No comments:

Post a Comment