29 November 2010

Ai sẽ là người có vinh dự hành quyết, đào mồ chôn đảng CSVN

Ai sẽ là người có vinh dự hành quyết, đào mồ chôn đảng CSVN

Phạm Thị Oanh Yến

Nhìn lại các nước CS được thành lập sau Đệ nhị Thế chiến ta dễ nhận ra rằng kịch bản được bê nguyên xi, áp dụng theo đúng ý đồ của tác giả Lenin, cho đến khi đổ sụp đổ vào 1990. Vì dù có thông minh, giảo quyệt đến mấy Lenin cũng chẳng thể nào đánh lừa nhân loại mãi được. Năm 2006, Cộng đồng Châu Âu đã ra nghị quyết 1481 liệt chế độ CS vào danh sách chế độ DIỆT CHỦNG. Trở lại trường hợp Việt Nam, chúng ta thử nhìn lại xem kịch bản ấy được áp dụng như thế nào?

*

Nhìn lại chặng đường phát triển của nền kinh tế thế giới chúng ta không thể nào quên được những cuộc cách mạng công nghiệp và những phát minh khoa học, tạo tiền đề cho những cuộc cách mạng công nghiệp.

Có thể nói từ thập niên 30 của thế kỷ 17, nhân loại đã ghi nhận những đóng góp to lớn của các nhà khoa học.Cụ thể:

1733 John Kay đã phát minh ra thoi bay.
1765 James Hagreaves phát minh ra chiếc xa kéo sợi.
1769 Richard Arkwright lợi dụng sức kéo của động vật, sự lưu chuyển của nước để vận hành máy kéo sợi.
1784 JamesWatt phát minh ra động cơ chạy bằng hơi nước.
1785 linh mục Edmund Cartwright phát minh ra máy dệt.

Những phát minh này mặc dù được áp dụng đa số trong nghành dệt, nhưng cũng đã tạo nên một cuộc cách mạng về năng xuất lao động so với trình độ kỷ thuật trước đó. Các nhà sử học thường gọi giai đoạn này là cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ I.

Sang thế kỷ 18:

1807 Robert Fulton phát minh ra tàu thuyền chạy bằng hơi nước.
1930 Geogre Stephenson sang chế ra xe lửa chạy bằng hơi nước.


Ngoài ra thế kỷ 18 còn chứng kiến những phát minh thiên tài của các nhà khoa học lổi lạc Johannes Keppler, Glileo Galilei, Isaac Newton, John Dalton, Dimitriv Mendelev, Micheal Faraday, James Clerk Maxwell, Rudolf Diesel, Thomas A Edison, Nikola Tesla, George Westinghouse, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ II.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ II này đã thay đổi sâu sắc năng xuất sản xuất, quan hệ sản xuất trong các nước tư bản. Từ đây với những tiến bộ như vũ bão của KHKT và những cuộc cách mạng không ngừng nghỉ trong kỷ thuật, như Tự động hóa, Hiện đại hóa, Hợp lý hóa, Chuyên môn hóa kết hợp với những cuộc cách mạng trong khoa học quản lý, những tiến bộ trong định chế dân chủ. Chủ nghĩa Tư bản ngày càng mang một bộ mặt khác xa với nó vào đầu thế kỷ 18.

Thế kỷ 18, ngoài những tiến bộ trong lĩnh vực khoa học kỷ thuật còn ghi nhận sư đóng góp cho nhân loại của những thiên tài trong nhiều lĩnh vực khác với Honoré Balzac, Victor Hugo, Lev Nikolayevich Tolstoy, Nikolai Vasilevich Gogol, Fyodor Mikhailovich Dotoevsky, John Sebastian Bach, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig Feurer Bach, Friedrich Hegel, Adam Smith, David Ricardo. Ludwig Van Beethoven…

Có thể nói thế kỷ 19 là buổi bình minh cho một nữa nhân loại, một nữa còn lại chìm đắm trong đau khổ, tủi nhục, tăm tối bởi ba cái tên Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Iilich Lenin.

Ngoài những sai lầm trong lý luận với cái công thức tính giá trị thặng dư một cách sơ sài ấu trĩ và thô thiển với lập luận của một anh nông dân thế kỷ 18, bỏ qua yếu tố rủi ro trong đầu tư, những chi phí đầu tư trong nghiên cứu và áp dụng khoa học kỷ thuật, khoa học quản lý. Marx, Engels, Lenin đã đưa một nữa nhân loại vào đêm đen tăm tối, trở lại thời kỳ hồng hoang mông muội. Trong đó tội nặng nhất là Lenin.

Nhìn lại lịch sử, đối chiếu với xã hội của hai ý thức hệ chúng ta thấy:

Đối với các nước Tư bản, song song với những cuộc cách mạng công nghiệp, quá trình tập trung ruộng đất và ly nông tuy ban đầu cũng có nhiều khó khăn, trăn trở, đau đớn, trong quá trình từ một người nông dân với những thuộc tính cố hữu của mình trở thành một nguời công nhân với tác phong công nghiệp. Nhưng quá trình này cũng đã xẩy ra một cách tương đối êm ả, với sự tiến bộ hằng ngày của định chế Dân chủ, tiến bộ khoa học kỷ thuật và cách mạng công nghiệp. Để từ đó tạo một cuộc cách mạng trong quan hệ sản xuất, phân bố lao động trong các lảnh vực sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ.

Từ hơn 70% lao động trong nông nghiệp, 20% trong công nghiệp, và khoảng 5% không đáng kể trong dịch vụ thế kỷ đầu thế kỷ 19 thành 30% trong nông nghiệp, 60% trong công nghiệp 10% trong dịch vụ cuối thế kỷ 19 và bước sang thế kỷ 20 là 10% trong nông nghiệp, 20% trong công nghiệp, 60% trong dịch vụ. Quả là một chặng đường dài cần sự nổ lực và đấu tranh của người lao động và những tiến bộ của định chế dân chủ của xã hội dân sự. Ngày nay chính phủ các nước, để bảo đảm an ninh lương thực, và một phần bảo đảm cho đời sống, thu nhập cho người nông dân phải áp dụng chính sách trợ giá, giảm, miển thuế. Quá trình tích tụ ruộng đất và ly nông trong nông nghiệp ở những nước tư bản đã diễn ra theo đúng quy luật khách quan.

Nhìn lại các nước CỘNG SẢN:

Nhà nước cộng sản đầu tiên, được thành lập ở Nga với cuộc cách mạng tháng 10 dưới sự lãnh đạo của Lenin. Trái với luận điểm của Marx, cho rằng cách mạng vô sản chỉ có thể diển ra tại các nước có nền công nghiệp phát triển như Anh, Đức, Mỹ và đã hình thành giai cấp công nhân (và thực tế đã chứng minh rằng quan điểm của Marx đã sai lầm. Vì ở những nước có nền công nghiệp phát triển, người nông dân qua quá trình lột xác, đã làm quen với tác phong công nghiệp, và dần nhận thức ra vai trò công dân và những quyền hạn (quyền lợi hợp hiến và những giới hạn quy định bởi hiến pháp) của mình trong một định chế xã hội dân chủ, do chính mình quyết định thông qua đầu phiếu dân chủ, được giám sát độc lập).

Lenin với sự thông minh và bản chất cơ hội, vị lợi của mình nhận ra rằng cách mạng của giai cấp vô sản có thể thành công ngay tại những nước công nghiệp chỉ mới manh nha, nhen nhúm như Nga.Vì giai cấp công nhân Nga lúc này, chỉ là thiểu số, cũng chẳng qua là một bộ phận nhỏ nông dân trong bước đầu tập tểnh lột xác, để làm quen với tác phong công nghiệp. Do đó có thể nói trong giai đoạn này ở Nga hầu như chưa có giai cấp công nhân đúng nghĩa, mà chỉ có tầng lớp nông dân với trình độ kém, thiển cận, vị lợi, dể bị lợi dụng.

Kịch bản của Cách mạng tháng Mười với tài hùng biện và tính vị lợi của Lenin, có thể chia ra làm hai phân cảnh:

Đầu tiên là xúi dục binh lính (bản chất cũng là nông dân), công nhân nữa nhà quê, trung nông, bằng những viễn cảnh mơ hồ về sự bình đẳng, công bằng trong một xã hội không tưởng, đình công, phản chiến, để Nga thất trận trong đệ I thế chiến. Tạo cơ hội cho cách mạng tháng 10 thành công mà không đếm xỉa đến tính tự hào dân tộc, quyền lợi dân tộc.
Sau khi cách mạng thành công, áp dụng đúng học thuyết cộng sản, triệt tiêu tư hữu đối với tất cả các thành phần kinh tế, với khẩu hiệu "Tiến lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản'', dẩn tới cuộc nội chiến, do sự nổi dậy của các thành phần kulack. Trong giai đoạn này ta thấy CNS ngăn chặn quá trình tập trung ruộng đất với những lời hứa hảo huyền về sự công bằng trong sở hữu đất đai, nhằm mục đích lôi kéo quần chúng tham gia cách mạng, về phe Bolshevik.

Sau nội chiến trước nền kinh tế kiệt quệ, nguy cơ bị tầng lớp nông dân đói khổ, công nhân nghèo nàn tẩy chay, rũ bỏ. Lenin với bản chất thủ đoạn, vị lợi đã nghĩ ra biện pháp thỏa hiệp với thành phần trung nông qua việc sáng tạo ra chính sách Kinh tế mới (NEP) với chủ trương giảm thuế cho nông dân, cho phép nông dân giử lại phần nào lương thực mình làm ra và dược tự do trao đổi, khuyến khích tư sản, tiểu tư sản còn sót lại trong nước, tư bản nước ngoài đầu tư vào Nga. Với chính sách NEP, Lenin phần nào vực dậy nền kinh tế nước Nga. Trong giai đoạn này Lenin với quan điểm "bất cứ biện pháp nào, thủ đoạn nào miễn có lợi cho cách mạng thì đều là chính nghĩa, nếu không có lợi cho cách mạng thì đều là phi nghĩa", chỉ tạm thời thỏa hiệp, với khẩu hiệu cùng tồn tại nhưng theo định hướng XHCN. Và cái đuôi định hướng CNXH của Lenin đã được người kế vị là Stalin thực hiện một cách xuất sắc, qua việc tàn sát tầng lớp Kulack, biến nước Nga thành một GULACK khổng lồ của thế kỷ 20.

Nhìn lại các nước CS được thành lập sau Đệ nhị Thế chiến ta dễ nhận ra rằng kịch bản được bê nguyên xi, áp dụng theo đúng ý đồ của tác giả Lenin, cho đến khi đổ sụp đổ vào 1990. Vì dù có thông minh, giảo quyệt đến mấy Lenin cũng chẳng thể nào đánh lừa nhân loại mãi được. Năm 2006, Cộng đồng Châu Âu đã ra nghị quyết 1481 liệt chế độ CS vào danh sách chế độ DIỆT CHỦNG.

Trở lại trường hợp Việt Nam, chúng ta thử nhìn lại xem kịch bản ấy được áp dụng như thế nào?

Giai đoạn 1945 – 1953: giai đoạn này Hồ Chí Minh áp dụng chính sách thỏa hiệp, hòa hoãn với trung nông, để tranh thủ tập hợp các thành phần yêu nước vào Mặt trận Việt minh.

Giai đoạn 1953 – 1956: sau khi đã cũng cố chính quyền vững chắc, chính quyền CS tiến hành cải cách ruộng đất theo mô hình "Thổ địa cải cách (mô hình cải tạo tầng lớp kulack, một bản sao của Lenin – Stalin )'' bằng dự luật 197/HL do đảng Lao động VN và Chính phủ VNDCCH thông qua chính thức thi hành 19/12/1953. Chính sách này do Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm vận động, tuyên truyền, Trường Chinh phụ trách tổ chức, thực hiện. Cuộc cải cách ruộng đất này đã tàn sát hằng trăm ngàn người. Để đạt chỉ tiêu 5% dã man, khốn nạn của bộ chính trị, nhiều gia đình đã bị "kích thành phần". Chỉ cần có hai con lợn trong chuồng cũng bị đấu tố. Ký ức hãi hùng này vẫn ám ảnh đến tận ngày nay ở những người Bắc di cư lớn tuổi. Sau cải cách, trước làn sóng di cư bỏ vào Nam và sự bất mãn của những đối tượng bị kích thành phần. Chính phủ Hồ Chí Minh cử Võ Nguyên Giáp xin lỗi và xoa dịu dư luận. Nhưng riêng Hồ Chí Minh, kẻ phát động, vận động cuộc cải cách, người chịu trách nhiệm chính, chưa bao giờ chính thức xin lỗi nhân dân VN (thì ngày nay dể hiểu, tại sao ở xã hội Việt Nam không có văn hóa xin lỗi !).

Đến 1957 – 1958 tất cả ruộng đất ở miền Bắc phải vào hợp tác xã. Cải cách ruộng đất, chẳng qua là một trò bịp, nhằm che dấu cho dã tâm thủ tiêu chế độ tư hữu, tận diệt tầng lớp trung nông ở nông thôn miền Bắc. Lenin và các nhà lãnh đạo các nước cộng sản đã lợi dụng sự ngây thơ về chính trị, qua những chiếc bánh vẽ về thiên đường CS, của GIAI CẤP NÔNG DÂN, để làm cuộc cách mạng cho GIAI CẤP CÔNG NHÂN, hay nói cách khác hơn, cho chứng tâm thần VĨ CUỒNG của chính họ.

Kể từ sau Cải cách Ruộng đất cho đến nay ĐCS Việt Nam chưa bao giờ chấp nhận cho sự tích tụ ruộng đất tư nhân và hạn chế quá trình ly nông bằng chính sách hộ khẩu. Thật vậy nhìn lại những đối sách của ĐCS Việt Nam ta đều dễ nhận thấy chúng đều có tính cách đối phó hơn là tìm một chính sách lâu dài, bền vững, ổn định cho người nông dân Việt Nam. Hết khoán 100 (chỉ thị 100/ CT – TW 13/01/1981), đến khoán 10 ( nghị quyết 10/NQ – TW 05/04/1988). Rồi đến các sửa đổi, bổ sung, rồi lại sửa đổi, bổ sung đến chóng mặt.

Đến 10/12/2003 lại tiếp tục sửa đổi cho phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và có hiệu lực 01/07/2004, thể hiện qua các điều 61, 62, 63. Đến giai đoạn này, theo Niên giám thông kê, bình quân đầu người lao động nông nghiệp là 0.3 ha/ người (lấy tròn). Trong đó:

Đồng bằng sông Hồng 0,058 ha/ người (lấy tròn)
Bắc Trung bộ 0,7ha/ người (lấy số tròn)
Duyên hải Nam trung bộ 0.08 ha/ người (lấy số tròn)
Tây nguyên 0.3 ha/ người (lấy số tròn)
Đồng bằng sông Cữu Long 0.2 ha/ người (lấy số tròn)

Cho đến nay, chính sách của ĐCSVN vẫn là kiên định, theo chủ nghĩa Mac-Le. Do đó, các đối sách chỉ là một hình thức thỏa hiệp tạm thời với cái đuôi định hướng XHCN. Đất đai vẫn là thuộc sở hữu toàn dân, để có thể bất cứ lúc nào nhân danh điều 38 luật đất đai để cướp đất của người nông dân một cách trắng trợn, hợp pháp với một cái giá đền bù rẻ mạt, không cần biết đất đai bị thu hồi ấy có phục vụ cho lợi ích cộng đồng hay cho mục đích kinh doanh của tư bản nước ngoài hoặc tay chân thân tín của tầng lớp lãnh đạo chóp bu. Và người nông dân Việt Nam cũng không hết nơm nớp lo sợ, không biết lúc nào và ai sẽ là người thực hiện cái đuôi định hướng XHCN, lại nhân danh ĐCSVN tiến hành một cuộc cải cách ruộng đất lần nữa, khi mà thời hạn 20 năm giao quyền sử dụng đất (1993  - 2013 đang đến gần.

Theo thống kê 2007 – 2009 của 49 tỉnh thành từ 07/2004 các địa phương đã thu hồi gần 750.000 ha để thực hiện hơn 29.000 dự án đầu tư. Chỉ nhìn các dự án đầu tư sân golf ta thấy đến 2009 toàn quốc có 166 sân golf, tổng diện tích chiếm dụng 52.000 ha, trung bình 300 ha/ sân. Chúng ta thấy là diện tích, để sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp và chỉ cần vài phép tính đơn giản, có thể thấy đời sống của người nông dân thật sự là khốn khó.

Trong khi đó với ấn định mức lương cơ bản 850.000/ tháng (9/2010) rẻ mạt và chính sách hộ khẩu khắc nghiệt đã ngăn cản quá trình ly nông của tầng lớp nông dân. Do đó không thấy làm lạ, khi gần đây xẩy ra tình trạng thiếu lao động phổ thông ở các lãnh vực dệt may, da giầy, lắp ráp, gia công gia dụng đơn giản, thiếu công nhân có tay nghề cao, gắn bó với công việc.Trong khi lao động ở nông thôn không có việc làm.

Không tìm ra giải pháp cho việc thừa, thiếu lao động và quá trình ly nông, cộng với sự chuyên quyền, lộng hành, tùy tiện trong đền bù, giải tỏa ruộng đất của người nông dân thì chính người nông dân Việt Nam, nội trong những năm đầu tiên của thập niên thứ hai, thế kỷ 21 này, sẽ là người đại diện cho chính mình và vận mệnh dân tộc, sẽ là người đại diện hợp pháp HÀNH QUYẾT ĐCSVN và, lúc đó cái xác ở Ba Đình cũng chẳng có chổ mà chôn.

ĐCSVN đã nhiều lần, lừa bịp, lợi dụng giai cấp nông dân Việt Nam để làm cách mạng vô sản tại Việt Nam, và cũng đã nhiều lần lừa gạt nông dân Việt Nam, chiếm đoạt đất đai, đẩy người nông dân ra khỏi ruộng đất của họ, khiến họ lâm vào cảnh túng quẩn, bần cùng, vô sản, phải đi làm thuê trên chính miếng đất bị tư sản đỏ chiếm đoạt.

Chính người nông dân Việt nam, chứ không ai hết, sẽ tự tay ĐÀO MỒ CHÔN ĐCSVN.
Việc gì, bắt đầu ở đâu, sẽ được kết thúc ở đấy.


Phạm Thị Oanh Yến



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


27 November 2010

Ðộc tài là tai họa lớn nhất

Ðộc tài là tai họa lớn nhất

Ngô Nhân Dụng


Bắc Hàn mới bắn trọng pháo sang một tiền đồn của Nam Hàn trên hòn đảo Yeonpyeong phía dưới vùng phi quân sự, làm hai binh sĩ miền Nam thiệt mạng. Hành động khiêu khích này chắc sẽ không gây lại một cuộc chiến tranh mới trên bán đảo Triều Tiên, đã ngưng từ năm 1953.

Cũng như hồi đầu năm nay, Bắc Hàn đã đánh chìm chiến hạm Cheonan của hải quân miền Nam, lần nào chính quyền Bình Nhưỡng đoán trước Hán Thành sẽ không phản ứng mạnh cho nên lâu lâu lại đánh trộm một lần. Chết người, nhưng họ đâu có quan tâm đến mạng con người?

Tại sao Kim Chính Nhật (Kim Jong-il – Korean: 김정일) lại có những hành động khiêu khích mạo hiểm như vậy? Lỡ chiến tranh tái phát thì sao? Cả hai vụ gây hấn trên đều có mục đích, vì lý do nội bộ của chính quyền cộng sản miền Bắc. Chủ tịch Bắc Hàn đang bệnh nặng, không biết lúc nào sẽ chết. Ông muốn nâng cậu con trai út Kim Vĩnh Ân (Kim Jong-un – Korean: 김정은) lên để nay mai nối ngôi vua mà ông bố đã được ông nội truyền cho. Nhưng cậu trẻ quá, sợ bá quan trong triều không phục. Phải cho cậu thi hành mấy công việc gây sôi nổi khắp thế giới, rồi để cậu điều khiển triều đình trong công tác ứng phó. Gây ra hai vụ giết người, để cho Kim Vĩnh Ân nhân dịp này đứng ra kiểm điểm thái độ, hành vi các tướng lãnh một cách chặt chẽ hơn, chuẩn bị cho cậu nắm đầu quân đội. Cậu Út đã được phong lên làm đại tướng và nhậm chức phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Ðảng. Một chính quyền cộng sản độc tài có thể gây ra những biến cố làm thế giới lo sợ, thị trường chứng khoán tụt xuống, chỉ vì ông chủ tịch nhà nước cần củng cố địa vị của cậu quý tử!

Cha con nhà độc tài họ Kim
Kim Chính Nhật và Kim Vĩnh Ân


Nhưng tại sao chính phủ Nam Hàn không phản ứng mạnh mẽ hơn những lời tố cáo trước dư luận? Bởi vì Nam Hàn, ngược lại, là một nước dân chủ. Chính quyền một nước tự do dân chủ sẽ phải lắng nghe ý kiến dân chúng. Các nhà lãnh đạo Nam Hàn biết là dân chúng không ai thích chiến tranh. Ai muốn chiến tranh tái diễn để bao tài sản tích tụ được sau nửa thế kỷ xây dựng kinh tế bị phá tan tành? Ai muốn chịu đựng cảnh hàng triệu dân Bắc Hàn chạy xuống miền Nam tị nạn khi chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ? Thà rằng một chính quyền phải nhịn nhục trước một vụ gây hấn nhỏ còn hơn là để cho toàn dân chịu lầm than.

Cái khác nhau giữa dân chủ và độc tài là như thế.

Nhưng trên đây là chuyện thời chiến tranh, hai miền Nam Bắc Cao Ly trên nguyên tắc vẫn còn trong tình trạng lâm chiến vì sau khi ngưng tiếng súng vẫn chưa có một hiệp ước nào thiết lập hòa bình.

Ngay trong tình trạng bình thời, chúng ta cũng có thể thấy các chế độ dân chủ và độc tài hành xử khác nhau trên nhiều phương diện. Thí dụ như khi đối phó với các tai họa, do con người gây ra hay những thiên tai. Các chính quyền dân chủ thế nào cũng lo trước cho dân dễ tránh tai họa, và lo sửa chữa các chính sách để phòng ngừa tai họa đến sau. Vì họ sợ nếu sơ suất sẽ rất dễ bị mất phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới. Thế nào trước khi bỏ phiếu người dân cũng biết là các "cụ bên trên" có lo việc đề phòng tai họa cho đất nước hay không. Thế nào dân cũng biết các cụ có làm gì hay không để sửa đổi các điều sơ suất đã mắc phải. Tại sao dân biết? Vì có báo chí tự do, ai cũng có quyền phát biểu, không giấu diếm được.

Còn những chế độ độc tài thì khác. Thường họ kêu la rất lớn khi tai họa xảy ra (để xin thế giới cứu trợ), nhưng sau đó họ rất mau quên, dần dà quên luôn, đâu lại vào đó! Kỳ sau có tai họa, cả thế giới lại lo cứu trợ! Những vua chúa độc tài không cần biết dân nghĩ gì! Dân đang khen họ hay là đang chửi, cũng không ảnh hưởng gì đến ngôi vị họ đang ngồi cả. Vì dân đâu có được tự do bỏ phiếu bầu thủ tướng hay tổng bí thư!

Chỉ cần nhìn vào cảnh tượng khi tai họa xảy ra, chúng ta biết chính quyền loại lo cho dân chúng nhiều hơn. Hãy nói chuyện thiên tai, tai họa do Trời sinh; vì có thể giả thiết rằng ông Trời không có phân biệt chế độ tự do hay độc tài khi ông gây ra bão lụt hoặc động đất!

Tháng 8 năm 2007, trận bão Dean, cấp 5, thổi vào vùng bán đảo Yucatan, Mexico bên bờ Ðại Tây Dương, với tốc độ từ 200 đến 250 km/h. Trận bão biển này được đặt tên "El Gigante", (Ông Khổng Lồ) trước đó đã làm 12 người chết khi đi qua các hòn đảo vùng Caribbean! Cuối cùng, tại Yucatan thiệt hại về tài sản lên tới 400 triệu đô la Mỹ nhưng chính quyền cho biết không một người dân nào bị thiệt mạng.

Gần một năm sau, vào tháng 5, 2008, một trận bão cấp 5 tương tự đã kéo vào nước Miến Ðiện (Myanmar). Bão được đặt tên là Nargis thổi từ Vịnh Bengal vào vùng châu thổ sông Irrawaddy phía Nam Miến Ðiện với tốc độ chưa tới 200 km/h, cuối cùng đã làm cho gần 200,000 người dân Miến thiệt mạng.

Nhiều người sẽ trách ông Trời thiên vị, thương dân Mexico mà không yêu dân Miến Ðiện. Nhưng nếu nhìn cho kỹ, hiểu cho sâu, chúng ta sẽ thấy thủ phạm gây ra tai họa của dân Miến là con người, chứ không thể đổ hết tội cho Trời.

Ngay khi nghe tin bão, tổng thống Mexico, ông Felipe Calderón bỏ ngang một cuộc họp với Tổng Thống Mỹ Gorges W. Bush và Thủ Tướng Canada Stephen Harper tại tại Quebec để bay về nước. Cảnh sát được điều động tới 100 ngôi làng để "xua đuổi" dân di tản tránh bão, vì nhiều người không muốn đi; những người khác lo ngăn ngừa nạn cướp bóc, hôi của nhà cửa bị đổ hay khi dân chạy lánh nạn. Công ty dầu lửa quốc gia Petroleos Mexicanos đã đóng cửa tất cả các giàn khoan dầu ở ngoài khơi và đưa tất cả các nhân viên cùng công nhân vào đất liền tị nạn trước khi bão đổ tới. Tất nhiên, các du khách ở Cancun là những người được di tản sớm nhất, hy vọng sẽ có ngày họ trở lại!

Tại sao trận bão tấn công Miến Ðiện lại làm chết nhiều người như vậy? Một lý do chính là người dân không chuẩn bị phòng chống bão, người ta nói cả 500 năm mới có một cơn bão lớn như vậy. Nhưng nguyên nhân chính là do chính quyền Miến Ðiện không quan tâm đến tình trạng dân chúng sống ra sao, không thông báo những tai họa sắp đến để hướng dẫn dân chúng đề phòng. Chính quyền quân phiệt Miến tự họ bầu lẫn nhau, cũng không cần dân chúng bỏ phiếu cho họ.

Tai họa lớn không phải là mưa bão mà là nước lụt sau cơn mưa. Ở vùng đồng bằng sông Irrawaddy người dân đã phá rừng và bỏ những đồn điền trồng xoài trong mấy chục năm qua, thay vào đó là những thửa ruộng trồng lúa và nuôi tôm. Chính họ đã phá bỏ những "con đê tự nhiên" ngăn nước lũ tràn về, để cho khi gặp bão thì chạy không kịp nữa, giống như nạn phá rừng ở miền Trung nước ta.

Hầu hết dân chúng trong vùng bị bão không hề biết là tai họa sắp xảy ra. Không có viên chức nhà nước nào đi báo động với dân. Khi bão sắp đập vào, không ai lo di tản dân đi xa những vùng nguy hiểm, mặc dù cả thế giới có thể trông thấy trước cơn bão đang hướng về phía nào, với tốc độ bao nhiêu.

Chúng ta đang sống trong một thời đại có vệ tinh nhân tạo chụp hình ảnh, thu lượm tin tức, dữ kiện khí tượng từng phút một để cả thế giới sử dụng khi cần theo dõi các trận bão. Chính quyền mỗi nước phải quyết định xem có đầu tư vào việc sử dụng phương tiện đó hay không. Trận bão Nargis này đe dọa cả Ấn Ðộ và Bangladesh. Khác với hai nước kia, Miến Ðiện không có một hệ thống radar để theo dõi và tiên đoán hướng bão sẽ đi tới.

Tại Ấn Ðộ, sáu đài quan sát thuộc sở khí tượng đã loan tin sắp có bão từ 10 ngày trước, liên tiếp suốt từ 27 tháng 4. Nhưng báo, đài nước Miến Ðiện, hoàn toàn do tập đoàn thống trị kiểm soát, chỉ loan tin bão 2 ngày trước khi bão ập vào, mà không phải người dân nào cũng để ý. Tại Bangladesh, có hệ thống các còi hú, có những đài dựng lên làm nơi cho dân thấy mà chạy tới trú ẩn, nhà nước phát trước những bản đồ chỉ đường chạy lánh nạn khi cần. Nhờ thế nên trận bão Sidr năm trước đó chỉ có 3,000 người Bangal thiệt mạng. Nếu Miến Ðiện cũng có một hệ thống như vậy, thì không đến nỗi chất tới 200,000 người! Các nhà quan sát quốc tế gọi đó là "những cái chết không cần phải xảy ra".

Những câu chuyện bão lụt trên đây xảy ra ở Mexico, Myanmar, Ấn Ðộ, Bangladesh, cho thấy tai họa thiên nhiên gây thảm khốc cho con người nhiều nhất ở những nước mà người dân phải sống dưới những chế độ độc tài. Khi những người cai trị không phải do dân bầu lên mà chỉ do trong đảng cầm quyền họ suy cử, bầu bán lẫn nhau mà thôi, thì họ không có "phản ứng tự nhiên" là lo trước các tai họa đe dọa đời sống người dân.

Việt Nam hiện đang sống dưới một chế độ như vậy. Hiện nay trong nội bộ Ðảng Cộng Sản đang diễn ra một cuộc tranh chấp gay go giữa những người muốn sang năm lên thay thế Nông Ðức Mạnh làm Tổng Bí Thư, có thể kiêm luôn chức Chủ tịch nước! Các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, vân vân, dùng đủ các thủ đoạn để bôi nhọ, phá đám nhau. Có ai phải trình bày một "chương trình tranh cử" cho dân Việt Nam thẩm lượng và lựa chọn hay không? Không cần. Xưa nay vẫn như vậy. Chính vì thế cuộc "tranh cử nội bộ" này càng ngày càng lộ ra những cảnh thật là nhơ nhuốc.

Trong khi đó, lũ lụt vẫn mỗi năm đổ xuống miền Trung Việt Nam, năm nào cũng chết người như năm nào. Dân đã quen rồi, năm ngoái chết 100 người, năm nay chết 50, những con số đó nghe mãi trở thành vô cảm. Có ai lo lắng đến mối lo của người dân hay không? Có ai nghiên cứu thiết lập một hệ thống báo động cho dân không? Ai đã cho phép phá rừng bừa bãi suốt từ năm 1975 đến nay để cho lũ lụt tràn về không gì ngăn cản?

Hoàn cảnh người dân trong cơn lũ
tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình
(Hình: báo Tuổi Trẻ)

Thi thể ông Hồ Thế Trung, nạn nhân cơn lũ ở Hà Tĩnh
tháng 10/2010
(Hình: báo Tuổi Trẻ)


Bờ biển miền Trung là nơi quá xa xôi đối với "các cụ!". Ngay tại thủ đô Hà Nội năm 2008 mưa lụt cũng đã giết chết 18 người, trong số 49 người chết ở cả các nơi khác. Từ hồi đó đến nay dân Hà Nội đã có được một hệ thống bảo vệ chống lụt tốt hơn hay chưa? Nhưng tại Sài Gòn, thì đầu tháng 11 vừa rồi lại ngập lụt nữa! Một lý do cũng vì nhà nước lì ra không cử động. Ông Nguyễn An Niên, chủ tịch Hội Khoa học Thủy Lợi thành phố nói với nhà báo rằng từ năm 2008 đã có một dự án phòng chống lụt, ngân khoản 11,500 tỷ đồng đã được chấp thuận, nhưng chưa thấy ai đem thi hành. Ông Niên không biết bao giờ nó mới được đem ra làm, nhưng sau hai năm thì tổng số chi phí đã tăng gấp đôi rồi. Không biết để vài năm nữa sẽ có tiền để thực hiện hay không! Nhiều con kinh đáng lẽ trở thành đường thoát nước thì đã bị "quy hoạch" cho lấp đi cho giới đầu tư xây cất. Riêng trong Quận II đã có 30 mẫu (ha) đất sau khi lấp bằng mấy con kinh.

Nhưng không phải nhà nước cứ đem các kế hoạch phòng chống lụt ra làm là dân đã bớt khổ. Tại một con đường quận 7, sau khi dự án phòng chống lụt hoàn tất, hàng ngàn gia đình bị lụt đe dọa, vì ngôi nhà họ ở thấp hơn con đường mới làm, thấp từ nửa mét đến một mét! Cứ mưa đến là nhà bị lụt ngay, không cần đợi! Các nhà thầu làm dự án nào, cho công việc gì thì chỉ biết công việc trong dự án của họ thôi, không chịu trách nhiệm về chuyện khác! Nếu họ xây một khu gia cư mới, họ sẽ lo đào cống rãnh đầy đủ. Nhưng việc nối đường cống mới này vào hệ thống ống cống cũ không phải việc của họ? Có nhà thầu muốn cho "công trình" của mình đẹp mắt, còn đem lấp luôn những ống cống cũ xấu xí đi. Nếu bị mưa thì nước nó ùn đi đâu: "Kệ mẹ nó!"

Cuối cùng thì đó là trách nhiệm của ai?

Ðó là trách nhiệm của những ông đang chửi nhau ở Hà Nội. Ông này tố ông kia bao che đàn em ăn cắp, làm công quỹ mất mấy tỉ Mỹ kim. Ông kia bèn chỉ mặt ông này kể tội đã từng sách nhiễu tình dục cấp dưới, lại nuôi mafia, tư bản đỏ. Nhưng trong cuộc đấm đá này không ông nào tự mình ra mặt cả, toàn dùng thủ đoạn ném đá giấu tay!

Thử hỏi người dân Việt Nam, rằng mấy ông ấy có ai lo về chuyện lũ lụt hay không? Chắc các ông ấy sẽ bảo đó không phải là việc của họ! Xin đồng bào thân mến hãy đi hỏi các đồng chí bên Miến Ðiện!

Tai họa của các chế độ độc tài thì kể mãi không hết!

Ngô Nhân Dụng



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


26 November 2010

Dân chủ ngồi chờ

Dân chủ ngồi chờ

Phan Bá Việt


Một số người tin rằng Việt Nam chưa hội đủ điều kiện để có dân chủ. Vì vậy nếu có dân chủ ngay bây giờ thì sẽ đưa đến mất ổn định. Phải chờ đến lúc có thể có dân chủ thì mới nên có dân chủ. Do đó những người này không muốn thay đổi thể chế mà chỉ muốn Đảng Cộng Sản Việt Nam tự thay đổi để xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo. Niềm tin của những người này có xác đáng không? Bài viết này mong muốn giải đáp vấn nạn trên và sau đó thử đề nghị một số biện pháp để dân chủ hoá Việt Nam.

Dân chủ là một phương pháp để giải quyết mâu thuẫn và đi đến thoả hiệp. Dân chủ không phải là một thời điểm để ngồi chờ. Và cũng không thể có dân chủ ở mức tuyệt đối. Dân chủ là một quá trình tranh đấu hàng ngày để có thể đạt được mức độ gần tuyệt đối nhất. Mức độ tuyệt đối của dân chủ luôn luôn thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh sống. Vì vậy bất kỳ lúc nào cũng phải tranh đấu để có dân chủ ở mức gần với tuyệt đối nhất. Bằng lòng với dân chủ đang có, có nghĩa là đang trở thành xa dần với mức độ tuyệt đối tức là xa dần dân chủ. Hãy xem các nước đang có dân chủ. Không phải tự nhiên mà các nước này có được dân chủ. Họ đã phải tranh đấu và tốn bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu mới có được dân chủ. Rồi lại phải tranh đấu hàng ngày để duy trì, củng cố, phát triền và kiện toàn dân chủ. Xét như vậy thì không thể có dân chủ ngồi chờ hoặc được cho.

Một ngộ nhận về ổn định cần làm sáng tỏ:

Ổn định dân sự hay ổn định chính trị?


Nhưng tranh đấu để đòi có dân chủ có đưa đến mất ổn định không? Để có câu trả lời chúng ta hãy xem dân chủ có đưa đến mất ổn định không? Một số người lấy thí dụ về những biến động ở Thái Lan trong thời gian gần đây để minh chứng cho việc mất ổn định của dân chủ. Khi xem xét kỹ nguyên uỷ của những biến động này thì những biến động ấy xảy ra là do các tướng lĩnh và một số phe phái không tuân thủ quy luật dân chủ chứ không phải là do dân chủ. Lúc nào cũng chấp hành quy luật dân chủ thì không xảy ra mất ổn định. Hãy nhìn xem các nước dân chủ tiên tiến có mất ổn định vì dân chủ không? Các nước này cứ 4 hoặc 5 năm là thay đổi người cầm quyền nhưng cũng đâu có xảy ra mất ổn định.

Có một ngộ nhận về ổn định cũng cần làm sáng tỏ. Ổn định có hai nghĩa: ổn định dân sự hay xã hội và ổn định chính trị.

Ổn định dân sự hay xã hội, nghĩa là ổn định trong cuộc sống của mỗi công dân, là đảm bảo không bị bắt bớ, tịch thu tài sản, cấm kinh doanh, không là nạn nhân của những thay đổi luật pháp đột ngột và thường xuyên, hay những quyết định tùy tiện của chính quyền. Ổn định này rất cần thiết cho phát triển kinh tế, vì có như thế người dân mới có thể yên trí để tiên liệu và hoạch định sinh hoạt của mình. Ổn định này đòi hỏi dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp trị.

Về ổn định chính trị cũng đừng nên lẫn lộn giữa ổn định thể chế và ổn định của tập đoàn cầm quyền.

Ổn định thể chế là một bắt buộc để đất nước ổn định và đi lên. Ổn định thể chế yêu cầu phải có một thể chế cho phép người dân được quyền tự do ứng cử để cầm quyền và thay đổi người cầm quyền có nghĩa là phải có một thể chế dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp trị.

Thực tế cho thấy tại các nước theo thể chế độc tài, người dân không được thay đổi những người cầm quyền mà họ chán ghét vì bất tài, tham ô, quan liêu nên thường xảy ra chồng đối đưa đến đàn áp và bắt bớ khiến xã hội mất ổn định. Trái lại trong các thể chế dân chủ vì người dân có quyền thay đổi những người cầm quyền định kỳ cho nên không có tình trạng bắt bớ và đàn áp vì chống đối những người cầm quyền để gây ra mất ổn định xã hội.

Ổn định của tập đoàn cầm quyền, hay nói khác đi là sự kéo dài của một chính quyền với những người cầm quyền của cùng một đảng hay phe nhóm. Sự kéo dài này, nếu không do bầu cử tự do mà là do một chế độ độc tài bạo ngược, còn rất mâu thuẫn với ổn định dân sự và do đó hoàn toàn mâu thuẫn với phát triển, bởi vì người dân luôn luôn phải sống trong sợ sệt, không dám và không thể lập những kế hoạch kinh doanh lâu dài.

Kinh nghiệm cho thấy ổn định dân sự và thể chế rất cần cho phát triển, trong khi ổn định của tập đoàn cầm quyền hoàn toàn không có ảnh hưởng, hoặc chỉ có ảnh hưởng xấu. Tại Nhật, từ sau Thế Chiến II tới nay, ít có chính phủ nào kéo dài được hai năm. Tại Ý, tuổi thọ trung bình của các chính phủ còn ngắn hơn nhiều. Mặc dầu vậy kinh tế của cả hai nước này đều phát triển nhanh chóng, họ đều là thành viên của nhóm bảy nước phát triển nhất. Trong khi các nước có những chính quyền kéo dài như Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên và nhiều nước thuộc châu Phi và châu Mỹ La Tinh lại rất trì trệ và lạc hậu.

Khi các tập đoàn độc tài - như ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam - nói cần phải có ổn định để phát triển, nhiều người đồng ý với họ vì hiểu đó là ổn định dân sự trong khi họ thực hiện ổn định là ổn định của tập đoàn cầm quyền. Đó là một sự gian trá cần được tố giác.

Tóm lại dân chủ không gây ra mất ổn định mà mầm mống chính của việc mất ổn định là vì không có dân chủ. Bởi vậy cứ ngồi chờ để có dân chủ sẽ càng đưa đến mất ổn định hơn. Như vậy thì không có lí do nào để trì hoãn việc dân chủ hoá đất nước. Nhất là tình hình thế giới hiện nay buộc đất nước chúng ta phải dân chủ hoá ngay để có thể phát triển ổn vững và giảu mạnh đặng bắt kịp các nước trong vùng cũng như để bảo vệ được đất nước chống hoạ xâm lăng của Trung Quốc. Chỉ có dân chủ mới tạo được đoàn kết dân tộc và huy động được toàn sức dân để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Bởi vậy không thể ngối chờ để có dân chủ. Nhưng, trước tình hình hiện nay của đất nước, phải làm gì để có dân chủ cho Việt nam?

Con đường lý tưởng và tốt nhất cho đất nước là đi đến dân chủ một cách hoà bình. Nói cách khác là diễn biến hoà bình để có dân chủ. Nhưng tại sao diễn biến hoà bình lại là con đường lí tưởng và tốt nhất? Bởi vì đặc tính quan trọng nhất của dân chủ là đối thoại, kiên trì đối thoại để thuyết phục đi đến những thoả hiệp. Cần nhấn mạnh là để đạt được các thoả hiệp chứ không phải để giành được toàn bộ thắng lợi về phần mình. Trong dân chủ và nhất là dân chủ đa nguyên thì không nên có ý nghĩ là sẽ đạt được thắng lợi toàn bộ cho mình. Ý nghĩ này sẽ dễ đưa đến độc tài. Bởi vậy để tranh đấu cho dân chủ không thể sử dụng bạo lực mà phải dùng lời nói. Phải cố gắng đối thoại, kiên trì đối thoại để thuyết phục và vận động sự đồng thuận. Mọi hình thức sử dụng bạo lực, dù là bạo lực bằng lời nói, cũng không phù hợp với dân chủ.

Ở đây cũng cần cho thấy sự gian trá của Đảng Cộng Sản Việt Nam khi nói về diễn biến hoà bình. Diễn biến hoà bình để có dân chủ là một diễn biến xây dựng dân chủ trong đó Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn có chỗ đứng và vẫn được cầm quyền nếu được dân tín nhiệm trong một cuộc bầu cử thực sự tự do có các đảng khác cùng tranh cử. Còn diễn biến hoà bình mà Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay cố ý nói là diễn biến để lật đổ và phủ định Đảng Cộng Sản Việt Nam với mục đích hù doạ các đảng viên như được viết trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa X tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Bởi vậy chống đối diễn biến hoà bình để có dân chủ ở Việt nam mãnh liệt nhất hiện nay là Đảng Cộng Sản Việt nam.

Mặc dầu vậy chúng ta, những người mong muốn dân chủ cho đất nước, nhất quyết không lùi bước trước những chống đối diễn biến hoà bình này. Chúng ta hãy cùng nhau vận động bằng những phương thức thích hợp với khả năng để việc diễn biến hoà bình đến dân chủ nhanh chóng diễn ra. Trong cuộc vận động này chúng ta phải quyết tâm đòi hỏi cho bằng được những điểm sau đây:

- Sửa đổi Hiến pháp: Việc sửa đổi đầu tiên mà mọi người đều để tâm là hủy bỏ điều 4 của bản Hiến Pháp vì nó khẳng định tính độc quyền lãnh đạo của một đảng chính trị, vì nó lấy một chủ nghĩa (Mác-Lê) và một tư tưởng (tư tưởng Hồ Chí Minh) làm chủ đạo. Một cách gián tiếp, nó đi ngược lại một số quyền công dân được quy định ở các điều 52, 53, 63 của bản Hiến Pháp. Nhưng ngoài điều 4 ra, còn có rất nhiều điều trong bản Hiến pháp hiện nay phải cần sửa đổi, tu chỉnh hay hủy bỏ.

Hãy lấy một vài thí dụ : Đầu tiên, cụm từ "Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" cần được loại bỏ khỏi bản Hiến pháp vì một hiến pháp tự do và dân chủ không tôn vinh một chủ nghĩa hay tư tưởng nào ; điều khoản về Mặt Trận Tổ Quốc (Điều 9) cần được hủy bỏ để không tạo điều kiện cho những lạm dụng chính trị dưới danh nghĩa "hiệp thương"; Điều 45 cần được tu chỉnh vì mục đích của lực lượng vũ trang không phải là bảo vệ một chế độ (xã hội chủ nghĩa) mà chỉ là bảo vệ an ninh trật tự, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Cuối cùng, ngay cả "Lời Nói Đầu" của bản Hiến Pháp cần phải thay đổi một cách toàn diện.

- Xây dựng bộ luật cho các đảng phái chính trị: nhìn nhận vai trò của các chính đảng, cho phép tự do lập đảng chính trị và quy định nguyên tắc sinh hoạt cũng như quyền hạn và trách nhiệm cho các đảng chính trị. Song song đó cũng cần quy định một số nguyên tắc về tài chính và kinh tài của các chính đảng. Đây là một văn kiện luật pháp tối quan trọng. Nó sẽ tạo điều kiện cho một tiến trình dân chủ trong ổn định. Nó sẽ phát huy tính chất đa nguyên chính trị và bảo đảm sự bền vững của tiến trình dân chủ hoá đất nước trong tương lai.

- Xây dựng bộ luật cho xã hội dân sự: quy định quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức dân sự. Bộ luật này sẽ quyết định bộ mặt của xã hội Việt Nam trong tương lai. Thật vậy, một nên dân chủ tiên tiến rất cần một xã hội dân sự đa dạng. Tính chất đa nguyên trên phương diện văn hoá và xã hội hoàn toàn lệ thuộc vào những sinh hoạt của các tổ chức dân sự có tầm vóc. Sinh hoạt của những tổ chức này có lành mạnh hay không lại lệ thuộc rất nhiều vào một đạo luật giản dị nhưng rành mạch để điều tiết xã hội dân sự và những đối tác xã hội.

- Xây dựng bộ luật hoà giải dân tộc: bởi vì muốn có dân chủ thực sự thì phải có bộ luật này, không thể nói hoà giải dân tộc một cách chung chung và chỉ là những kêu gọi trong các dịp lể để rồi không ai thực hiện; nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện cụ thể bằng việc ban hành một bộ luật về hoà giải dân tộc. Lịch sử cận đại của một số quốc gia (Chi-Li, Nam Phi) đã chứng minh một điều: Để hàn gắn những đổ vỡ, để xoá đi một quá khứ huynh đệ tương tàn, nhà nước cần đứng ra chủ đạo công cuộc hoà giải dân tộc. Và nhà nước chỉ có thể thi hành chính sách hoà giải một cách nghiêm minh và liên tục khi có được một đạo luật làm kim chỉ nam cho những cố gắng bền bỉ và lâu dài.

Nếu mỗi người trong khả năng cố gắng làm cho đất nước chuyển hoá trong hoà bình một cách nhanh chóng thành dân chủ thì đó là ơn ích và may mắn cho đất nước và các thế hệ mai sau.

Phan Bá Việt
(Hòa Lan)



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


Phó Thường Dân

Phó Thường Dân

Vietsoul:21

Thời gian trôi qua hơn 35 năm tôi mới dám nghĩ lại đến phận đời phó thường dân của mình. Chuyện cũ, chuyện mới, chuyện ngắn, chuyện dài, chuyện bên ni, bên nớ.

Anh Tám hồ hởi

Nhớ lại, sau 30 tháng 4 mấy anh Tám hồ hởi ló mặt, lên dây thiều cùng các anh nón cối nhận "làm đầy tớ nhân dân" trong chế độ mới. Tuyệt đại đa số người miền Nam đùng một cái từ công dân một quốc gia tự do trở thành phó thường dân trong đất nước thống nhất "anh em một nhà".

Mấy anh Tám làm "đầy tớ" này thì lên tiếng tớ đây có quyền quyết định tất cả: đầy ải các phó thường dân ra vùng kinh tế mới và bọn "tay sai Mỹ Ngụy" vào các trại tập trung cải tạo. Đã là anh em một nhà thì nhà của em cũng là nhà của anh. Anh Tám bảo mấy em giao nhà, hiến đất, cơ xưởng để phục vụ nhân dân. Hơn nữa các anh đã dựng chòi tạo điều kiện cho các em "lao động vinh quang" còn các anh phải ở lại tiếp quản tài sản và ở trong (lòng) quần chúng nhân dân. Cách mạng là đổi đời mà.

Vì được gọi là cặn bã xã hội và được cách mạng tái sinh vào phận phó thường dân nên đa số đám trẻ miền Nam cỡ tuổi tôi được đưa vào ngọn cờ đầu "thanh niên xung phong". Có chăng còn vài đứa như tôi sót lại trên sàng vào được Đại Học thì lụi cụi mới hai ba năm trên ghế học đường lại được tuyển đi "nghĩa vụ quân sự" trên chiến trường ở tuyến đầu tổ quốc. Phó thường dân chúng tôi bao giờ cũng được nhà nước xã hội chủ nghĩa ưu đãi tạo cho cơ hội phấn đấu thành anh hùng kiểu liệt sĩ.

Tôi nói thôi bỏ qua đi tám, nhưng anh Tám hồ hởi không chịu bỏ qua nên đám phó thường dân đành liều bỏ chạy tứ phương, tám hướng.

 

Bác-Tôi

Đúng ra thì tôi phải gọi ông ngang cỡ "ông cố nội" nhưng vì ông thích được gọi bằng Bác thành ra Bác (bác) Tôi (tôi) chắc cũng không mích lòng gì và chẳng bị mắng là (hỗn) láo.

Nói thì không ai tin chứ thực ra số phận của tôi và Bác có vẻ gắn bó với nhau lắm. Bác mà không đem thiên đường cộng sản về Việt Nam thì chắc tôi và Bác chẳng mắc mớ gì đến nhau. Nếu Bác cứ xây dựng thiên đường cộng sản ngoài ấy ấy đi thì cũng chẳng đến nông nỗi nào với tôi. Nhưng mà Bác lại cứ "toàn thắng lại về ta" nên chơi luôn thằng em đàng trong.

Vốn dĩ được xem là "thành phần có vấn đề" nên tôi có tư tưởng phản động theo gương Bác liều mình tìm đường cứu thân (thật) thay vì cứu nước (láo) như Bác.

Thời đó các chiến sĩ giải phóng ta đã quyét sạch tàu Mỹ, tàu Tây mất tuyệt chẳng còn đâu ở bến Nhà Rồng để tôi lon ton lên làm bồi như Bác nên tôi phải vượt biển đi chui từ kênh rạch rặc mùi bùn. Cái mạng phó thường dân thời thuộc địa Pháp của Bác trông ngon lành hơn kiểu phó thường dân thời xã hội chủ nghĩa của tôi nhiều. Làm bồi như Bác sang hơn tôi một cái rụp. Bác sang Tây (do Bác chọn nó) còn tôi sang Mỹ (vì nó chọn tôi) nhưng mà kiểu nào thì cũng là người lưu vong cả thôi.

Cuộc đời của Bác thì đã được ngàn vạn đầu sách nói đến, kể cả sách của Bác (Trần Dân Tiên, T. Lan) tự họanữa chứ chẳng phải chơi. Của đáng tội, chẳng cần Bác tự họa thì cũng đã có ngàn vạn văn nô bồi bút thổi phồng rồi, làm chi cho má nó khi (xin phép bác Tưởng Năng Tiến).

Đời phó thường dân lang thang như tôi thì có cặm cụi viết lắm cũng chưa đủ dăm trang. Ấy thế mà nó lại cứ hao hao giông giống như thế nào mới chết chứ.

Bác viết báo, tôi viết blog. Bác phó nhòm, tôi phó tiến sĩ ("mát" in VN kiểu cử nhân Luật anh ba Nguyễn Tấn Dũng). Bác học Lê-nin, tôi học Lin-cơn (Abraham Lincoln). Bác là cộng sản, tôi gốc cộng hòa.

Nói giông giống như vậy thôi chứ tôi thì tiền hậu bất nhất không như Bác trước sau như một. Tôi với Bác vốn trước đây cùng ở một đất nước chuyển tiếp từ thuộc địa sang hậu thuộc địa mà không có một thời gian thực sự độc lập để thoát ra khỏi cái tâm thức nô dịch.

Bác một dạ một lòng với ông Mác, ông Nin cung nghinh chủ thuyết cộng sản về nô dịch hóa đồng bào mình, hết cải tạo lao động, cải cách ruộng đất đến chỉnh huấn, thanh trừng theo rập khung anh cả. Bác luôn dùng bạo lực cách mạng độc tài đảng trị theo huấn thị của Quốc Tế Cộng Sản. Ngay cả cuối đời thì Bác cũng cà cuống (chết đến đít còn cay) đi gặp ông Mác ông Nin, nghe bài ca mẫu quốc Mao lần cuối. Bác hành xử "hân hoan, hồn nhiên" (à la Nguyễn Hữu Liêm trong bài "Nơi giữa Đại hội Việt kiều: Một nỗi bình an") với tâm thức của một người thuộc địa. Hóa ra Bác, chủ tịch nước, cũng không hơn gì một phó thường dân.

Tôi sang đây ở xứ đế quốc Mỹ nhưng quyết học cách làm người công dân và kháng cự để không bị nô dịch hoá: tham gia biểu tình phản đối những chính sách quân phiệt, đế chế hoặc chính sách bất công thiên vị; phát biểu ý kiến đả phá chủ trương Tư Bản thống trị toàn cầu dù theo kiểu Đế quốc Mỹ hay Đại Hán Trung Hoa; cổ xuý cho việc giải thực tâm thức thuộc địa cho đồng bào bên ni và bên nớ.

Tiến trình giải thực tâm thức nô lệ không phải một sớm một chiều. Cái vòng kim cô nô dịch vô hình trên đầu thì khó gỡ hơn là cái xiềng xích nô lệ chân tay.

Thực dân, nô lệ, ăn mày (tựa đề một bài viết của Nguyễn Hoàng Văn)

Qua đến thời "kinh tế thị trường" và "định hướng xã hội chủ nghĩa" này thì số phó thường dân không giảm đi nhưng ngược lại nó tăng vụt một cách chóng mặt.

Ở bên nớ, nông dân không chuyên nghề ở nhà gặp nhiều "sự cố ở huyện" quá đỗi nên rủ nhau biệt xứ. Họ thế chấp nhà cửa mua vé đi lậu, đi chui làm người rơm, người rừng cho bọn tư bản đế quốc dẫu viễn xứ gian truân, khó khăn trăm bề nhưng có lẽ còn có thể kiếm ăn hơn là chịu nhục chịu đói làm phó thường dân ở làng xã.

Dân có học thì cũng chẳng khấm khá gì. Chỉ cần tư duy độc lập không chịu làm con cừu đi theo lề phải là bị đạp xuống thành phó thường dân ngay. Ngó qua ngó lại thì cả nước chứ chẳng phải nông dân, công nhân, trí thức gì gì đều là phó thường dân[1] dưới cái chính quyền nô dịch này.

Đảng CSVN cầm quyền (cầm tiền) ở Việt Nam càng ngày càng lộ cái dị dạng hai đầu: vừa mang dấu ấn nội-thực-dân trong cơ chế độc tài đảng trị, vừa trao thân cho tân-thực-dân (neocolonialist) dưới chiêu bài "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa."

Các điều khoản trong Hiếp Pháp nhà nước XHCN Việt Nam như "Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai" (Điều 18 Hiến Pháp 1992), "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu" (Khoản 1 Điều 5 Luật Đất Đai) là hình thức che đậy cho quyền xử dụng trong tay thiểu số tập đoàn cai trị tung hoành cướp đất đồng bào[2].

Qua cơ chế độc tài đảng trị, bọn nội-thực-dân khai thác tài nguyên quốc gia, bán tháo bán đổ, sang nhượng cho thuê bất kể tác hại đến an ninh và môi sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng công ăn việc làm, và tước đoạt phương tiện sinh hoạt kinh tế của người dân.

Dưới chiêu bài "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" thì ngân sách quốc gia được đút vào các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước (DNNN), điển hình là Vinashin. Từ đó những "ông chủ trá hình" tha hồ tùy tiện xử dụng và biển thủ nguồn tài chánh này (thuế từ dân chúng, tài nguyên quốc gia, kiều hối, vay mượn nợ ngân hàng quốc tế). Với phương thức văn vẻ "cổ phần hoá" (equitization), tài sản công cộng bỗng dưng biến mất dưới bàn tay phù phép và lọt vào túi những tên tư bản đỏ nằm trong tập đoàn chính trị đầu sỏ (oliarchy)[3].

Mặt khác, cái tập đoàn chính trị đầu sỏ đấy lại hành xử như những người nô dịch thời thuộc địa. Họ chưa (muốn) biết làm thế nào để thoát ra được cái tâm thức nô dịch dù đã đánh đuổi được thực dân Pháp ra khỏi nước. Vì thế các ông "đầy tớ nhân dân" với quyền lực tuyệt đối nhưng sống trong trạng thái tâm lý của kẻ vừa là nội-thực-dân vừa là tên nô dịch cho tân-thực-dân.

Họ vừa ở trong trạng thái trầm uất (depression) tự ti ngu dốt, thiếu khả năng hơn các chủ nhân ông tân-thực-dân, vừa huyên hoang trong chứng bệnh vĩ cuồng vị kỷ (narcicisstic grandiosity)[4]. Vĩ cuồng trong những đề án hoang tưởng Vinashin, dự án đường sắt cao tốc, và công trình lễ hội Ngàn Năm Thăng Long.

Họ hăm hở nhại lại những gì các nước Âu Mỹ thành công để tưởng rằng mình "Cũng ngang hàng với người ta, cũng nói năng đúng mức đàng hoàng …"[5] Họ biển thủ, trộn cắp muốn mua lấy phú quý, vinh quang nhưng vẫn chung quy phường mèo mả, gà đồng.[6]

Hoang tưởng vĩ cuồng cho mình chỉ cần (ăn ba đấu gạo) đổ bao nhiêu công phiếu, nợ nần vào Vinashin là vươn vai Phù Đổng trong khi trình độ kỹ thuật chưa làm được một con ốc đủ tiêu chuẩn công nghệ cao.

Hoang tưởng vĩ cuồng khi nghĩ rằng chỉ cần vay nợ (đời con đời cháu cũng chưa trả hết) làm đường sắt cao tốc là trở thành tân tiến trong khi hệ thống đường sắt cổ lỗ sỉ xuống cấp, vẫn còn lưới sắt chống đá, vẫn còn đổ phân xuống đường rày, và vẫn còn những đàn bò đi trên/ngang qua quốc lộ cao tốc.

Hoang tưởng vĩ cuồng trong khi người dân thiếu đất trồng trọt, không đủ nhà ở thì lại quy hoạch (đầu cơ địa ốc) xây dựng các sân golf, casino, và resort phục vụ những con ông cháu cha, những tân-thực-dân ngoại kiều và Việt kiều.

Mọi thứ đều hoành tráng bên ngoài và tạm bợ nhưng rỗng tuếch bên trong. Họ không hiểu rằng những phương tiện hào nhoáng bên ngoài này không mua được bản chất và cốt cách bền vững lâu dài.

Điều căn bản đáng cần làm là xây dựng hạ tầng cơ sở từng bước một vững chắc (không theo kiểu đầu voi đít chuột, nay làm mai sửa, càng sai càng sửa, càng sửa càng sai) cụ thể như nâng cao mức sống người dân (không theo kiểu từ cao nhỏ giọt xuống – "trickle-down", làm đầy tớ cho người); nâng cao dân trí (giáo dục miễn phí, tự do ngôn luận và phản biệt) thì không thấy quan tâm.

Không một mảy may đầu tư vun xén cho hạ tầng cơ sở được vững chải mang tính sách lược và hệ thống hóa. Chỉ thấy "phát triển" ngoài da như đi trên mây chẳng bao giờ chạm chân chấm đất.

Nào là xây nhà quốc hội hoành tráng cho đa số nghị ông, nghị bà bù nhìn, gật gù cho đúng khuôn mẫu "dân chủ" kiểu "Đảng ta". Không thấy xây nhà xí[7], xây thư viện hay lắp cầu[8] qua sông cho người nghèo đi lại, hay học sinh có phương tiện đến trường sinh hoạt căn bản. Chỉ thấy thụ động chờ xem những ai không thể bịt mắt trước đau khổ nhọc nhằn của đời phó thường dân, góp công góp của, và xắn tay vào thực hiện thì "thiên tài" Đảng ta cướp công lấy điểm là nhà nước rất "no". Nếu không phải là một hình thức nội-thực-dân chỉ cốt phục vụ cho tập đoàn chính trị đầu sỏ và đám ăn theo thì gọi là gì?

Theo ông Memmi[9] thì tâm lý của kẻ thực dân là luôn coi mình có văn minh, tiến bộ, bậc thầy của người bị trị.

Phong tác thực dân luôn nhập vai vào người đô thị, thời thượng. Kiểu cách thực dân thì đương nhiên được nâng cao và phục vụ bởi người nghèo khó túi vá áo ôm. Những người bị cho là "thiếu văn hoá, văn minh" này đa phần xuất thân từ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Họ bị bần cùng hoá và phải đổ ra đô thị làm cửu vạn, ôsin.

Họ sa vào đường cùng khi phương tiện sinh hoạt kinh tế nông thôn thì đã dần co hẹp do mất đất mất nhà, chi phí sản suất thì vụt cao, giá cả nông sản thì bị dìm ẻm, và thu nhuận của họ không đủ sống qua ngày trong khi lạm phát càng lúc càng gia tăng.

Một số khác đành phải gia nhập đội ngũ công nhân hạng bét cho các cơ xưởng sản xuất xuyên quốc gia (transnational). Họ được gián tiếp huấn luyện trở thành nô-lệ-thời-hiện-đại phục vụ cho giới thống trị toàn cầu.

Đám tân-thực-dân thông đồng với giới thống trị toàn cầu này rất thính hơi với lợi nhuận. Họ nhanh chóng và thường xuyên di dịch từ đô thị này sang đô thị khác tìm mồi. Họ hớt nước cốt trong nồi súp, rồi ra vẻ tử tế thương hại để lại phần xương xẩu sót dưới đáy nồi cho người địa phương. Việt Kiều, Ngoại Kiều thì có khác gì. Cả hai đều hối hả chung tay vào khai thác và nô lệ hoá giới lao động bần cùng.

Ở bên ni, người có học được tiếp xúc với nền văn hóa Âu Mỹ thì đã không ít kẻ bị mờ mắt với nền khoa học, kỹ thuật tân tiến. Trí thức hải ngoại dù cánh tả hay cánh hữu cũng đều dễ bị lôi cuốn vào diễn luận trọng Âu (eurocentrism). Con đường này không chóng thì chày cũng dẫn đến góc tối thực-dân-mới.

Giới có học biết đòi hỏi quyền lợi cho bản thân nhưng lại rụt rè trong việc đòi dân quyền và công bằng cho tha nhân. Họ tậu công ăn việc làm, đạt an sinh cá nhân trong môi trường tự do tương đối và an thân trong vị trí đó.

Họ tự viện cớ ứng xử nhiều kiểu khác nhau để âm thầm trương bảng "không tham gia chính trị" như thể đó là một phạm trù có thể khoanh vùng và cô lập ra khỏi cuộc sống. Họ là những người tự nguyện làm công dân hạng hai, sẵn lòng làm phó thường dân, và chưa dám làm một công dân thực thụ trong xã hội dân chủ phương Tây.

Họ giữ im lặng, chẳng hề lên tiếng hoặc xác định vị thế chính trị nào trước các chính sách kỳ thị về di trú hay bất công trong vấn đề dân quyền, nhất là khi cân nhắc và biết tác động của các chính sách này không ảnh hưởng trực tiếp tới mình. Họ giữ im lặng dù biết các chính sách này vi phạm nhân quyền gây nhiều thương tổn cho các sắc dân hoặc tôn giáo thiểu số mà mình cùng sống chung.

Sự im lặng đáng ngạc nhiên. Vì chính mình tự kiểm duyệt mình trong một hoang tưởng an toàn như con cừu đang đứng giữa được bao bọc bởi bầy đàn và để mặc cho đồng loại bị cắn xé ngoài rìa. Họ muốn lặng lẽ quên gốc gác màu da của mình. May thay cũng có những người không im lặng (Đừng bảo tôi im vì bạn im).

Cũng có người ngụy biện theo chước khác. Họ dùng cái "thinh lặng của thiền định nhà Phật" để lẫn tránh vào nơi an trú. Cái thinh lặng sấm sét truớc kêu gào, rên siết. Họ không thèm hiểu hay quên hẳn rằng một số quyền và tự do tương đối họ đang hưởng là kết quả từ những đấu tranh và hy sinh của nhiều công dân đi trước – những người đã can đảm thực hiện quyền công dân thực thụ. Họ sống ẩn với triết lý và học đường tại vị, che mắt bịt tai để không phải mục kích thảm kịch dành cho giới lao động chân tay và phục dịch – một khối tuy rất đông nhưng sống trong sợ hãi chỉ lo đến miếng cơm manh áo.

Trong khi đó, bộ máy truyền thông bảo thủ được tài trợ bởi giới tài phiệt tư bản xuyên quốc gia biết cách chế ngự đám đông làm nỗi sợ này ngày càng gia tăng. Guồng máy này tiếp tục ra rả đem ông ngáo ộp thất nghiệp dọa dẫm giới lao động.

Tập đoàn tư bản nắm cái cán dao việc làm vung qua vung lại rêu rao đe dọa đóng cửa cơ xưởng, xuất khẩu việc làm, và cắt giảm lương bổng. Chúng đòi được lợi tức tối đa, miễn thuế dài hạn, và giảm bỏ các luật lệ kiểm soát an toàn để tự do tung hoành trong sản xuất.

Giới lao động và công đoàn thất thế, chịu bị ép buộc vào những điều kiện bất lợi. Chỉ vì mong có được việc làm trước mắt nên họ dễ dàng thuần phục theo diễn luận tân-tự-do (neo-liberalism) đánh vào nhược điểm tâm lý mình. Họ hiểu mơ hồ nghe theo ủng hộ các biện pháp có điều kiện bất lợi về lâu dài cho chính họ mà lại vô cùng thuận lợi cho giới chủ nhân ông.

Cả hai giới lao động tri thức và chân tay đều ít lên tiếng phản kháng chống cự vì thói quen cố hữu với phận tôi đòi, hay tránh né sợ sệt ảnh hưởng đến việc làm hay quyền lợi riêng (dù là ảo tưởng và chẳng là bao).

Người ta có thể đưa quốc gia ra khỏi vòng thuộc địa nhưng chưa hẳn là đã đem tâm thức thuộc địa ra khỏi quốc gia.

Những người sinh ra và lớn lên ở VN thời thuộc địa và hậu thuộc địa dù không ít thì nhiều vẫn giữ lại tâm thức người thuộc địa. Một số người ham muốn tranh giành quyền lợi vẫn tiếp tục ôm lấy lề thói xin-cho trong tương tác với quyền lực chính thống cho dù đã rời VN trước đây rất lâu.

Họ xun xoe xin xỏ, chọn lựa bon chen tâng bốc chức sắc chính quyền các cấp. Họ không dám đòi hỏi quyền được tôn trọng và công nhận chính danh sự hiện hữu của cộng đồng. Họ phò tá thay vì chỉ xem những viên chức chính quyền là người phục vụ[10] dân và đáp ứng nhu cầu của người công dân. Rốt cuộc, những người đồng hương lờ mờ của họ chỉ được ăn cái bánh vẽ.

Giới thanh thiếu niên Mỹ gốc Việt sinh ra hoặc lớn lên (lúc còn bé) tại hải ngoại thì lại là một hiện tượng khác. Mặc dù họ không bị vướng tâm thức nô lệ thuộc địa nhưng lại kẹt mắc vào ứng xử suy nghĩ thông đồng với diễn luậnTrắng (Whiteness)[11]. Một diễn luận tạo tầng lớp nô lệ khác, đặc thù là nô lệ văn hoá.

Thực dân thì lắm dạng và nô lệ có nhiều kiểu.

Bản tuyên ngôn nô lệ ra đời (phê chuẩn và phổ biến) ngày 1 tháng 1 năm 1863. Nhưng 100 năm sau người Mỹ da đen qua phong trào dân quyền (civil rights movement) vẫn còn phải tranh đấu không ngừng để đòi hỏi những quyền tự do căn bản cho mình. Họ cũng chưa hẳn đã đạt được trọn vẹn quyền làm người bình đẳng bất khả xâm phạm này.

Mục sư Martin Luther King, Jr. từng kêu gọi người Mỹ da đen phải can đảm phải quyết tâm vực dậy tự thảo cho chính mình bản tuyên ngôn giải phóng nô lệ bản thân[12]. Ông nhắc họ – những tâm hồn nô dịch và tư tưởng bị thống trị không cần gươm đao – rằng không một bản tuyên ngôn giải phóng nào có thể cắt đứt, xóa bỏ những móc xích nô lệ ngoại trừ ý thức và ý chí từ mỗi người.

Chúng ta, những người Việt trong và ngoài nước, cũng nên suy gẫm về điều nhắn nhủ ấy. Thay vì sống chia rẽ, kèn cựa, phân hóa, và tự cô lập thụ động – những hành động suy nghĩ chỉ có lợi cho thế thực dân thống trị mới – chúng ta nên chọn đồng lòng hợp sức thoát khỏi cơn mê chiều[12]. Chúng ta cần tự vực mình dậy mà đi, và tự viết bản tuyên ngôn nhân quyền cho chính cá nhân thì mới mong thoát khỏi cái kiếp lê thê, ê chề của nô lệ ăn mày.


http://vietsoul21.net/2010/11/20/pho-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-dan-1/

© 2010 VietSoul:21



NOTES:

[1] Hà Văn Thịnh, Tôi sai.

[2] RFA, Khiếu kiện đất đai gia tăng tại Việt Nam. (Video)

[3] RFA, Đằng sau những tập đoàn kinh tế

[4] Alschuler, L. R. (2006). "The psychopolitics of liberation", Chapter 3 – Decolonization and Narcissism, p.43

[5] Nguyễn Minh Triết "Lòe" Việt Kiều.

[6] danlambao.com, Bí thư Tỉnh ủy Đinh Văn Hùng lấy đâu tiền mua trống 1,2 triệu USD?

[7] Nhà quốc hội hay nhà xí?

[8] VnExpress (2010, August 29). Người lái đò bỏ tiền xây cầu cho dân nghèo. Dân Trí (2010, June 13). Xác định vị trí xây cầu Khuyến học & Dân trí vượt sông Pô Kô.
Tin 180.com (2010, February 14).
 Nhóm Việt kiều xây hơn 100 chiếc cầu cho quê hương.

[9] Memmi, A. (1957). "The colonizer and the colonized".

[10] Tiểu Sài-gòn (Seattle) yêu cầu Thị trưởng: lời nói đi đôi với việc làm, (Little Saigon asks the Mayor to walk the talk), International Examiner, 2009

[11] Cooks, L. (2003). Pedagogy, Performance, and Positionality: Teaching about Whiteness in Interracial Communication. Communication Education, 52(3), 245-257.

Cooks defines whiteness as "a set of rhetorical strategies employed to construct and maintain a dominant White culture and identities" (p. 246). In addition, McLaren defines in his article, Decentering Whiteness: In Search of a Revolutionary Multiculturalism whiteness as "a refusal to acknowledge how white people are implicated in certain social relations of privilege and relations of domination and subordination" (p. 9) [See McLaren, P. (1997). Decentering Whiteness: In Search of a Revolutionary Multiculturalism. Multicultural Education, 5(1), 4-11.]

[12] Martin Luther King, Jr. Speech "Sign your own emancipation" (Ký bản tuyên ngôn giải phóng của bạn)

[13] Hoàng Hạc (2010, February 5). Cơn Mê Chiều, nhạc phẩm thống thiết viết từ bối cảnh Mậu Thân. Trong bài hát "Cơn mê chiều" sáng tác bởi Nguyễn Minh Khôi có đoạn mở đầu sau đây: "Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn. Đàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng"



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


Nanh vuốt con quái vật đang lộ dần

Nanh vuốt con quái vật đang lộ dần


Chủ tịch Trung quốc Hồ Cẩm Đào là vật thế lực nhứt hành tinh,

Tổng thống Mỹ Barak Obama xếp hàng thứ nhì.

(theo báo Mỹ Forbes)

  Tâm Tư


Đã có người từng ví Tàu là một con quái vật, cả thế giới xúm nhau vổ béo, mặc dầu ai cũng biết nó có thể trở chứng bất cứ lúc nào.


Thật vậy, cách đây mấy thế kỷ (năm 1816), nhân đọc một tài liệu về chuyến du hành Trung hoa của vị Đại sứ Anh đầu tiên ở bên Tàu (Lord Macartney), Hoàng đế Nả Phá Luân đệ nhứt (1769-1821) của Pháp đã tiên liệu: «Một khi Tàu thức dậy, thế giới sẽ rung chuyển.» (Lorsque la Chine s'éveillera, le monde tremblera), so với thực trạng ngày nay, phải chăng đó là một lời tiên tri?


Cách đây non 40 năm, nhà học giả, vừa là chính khách nổi tiếng của Pháp -ông Alain Peyrefitte (1925-1999) -đã lấy lời tiên đoán này làm nhan đề cho một quyển sách dày trên 450 trang (nxb Fayard 1974), người đọc có thể coi đây như một cảnh báo về «họa da vàng».


Từ đó đến nay, không biết bao nhiêu nước bọt và giấy mực bàn về vấn đề này, có người cho hãy còn lâu Tàu mới bặt kịp Tây phương, có người tin tưởng là Mỹ đã có sẵn bửu bối để trừ khử con quái vật một khi nó trở chứng, cũng có lập luận cho rằng Tàu sẽ tự suy vong vì không thể vượt qua bao nổi khó khăn nội bộ (bất công xã hội bùng nổ, suy yếu vì nạn tam phân ngũ liệt như thời Đông châu, Tam quốc).


Nói gì thì nói, thế lực của Tàu vẫn không ngừng lớn mạnh trong khi Tây phương thì đang hụt hơi, cứ tiếp tục đà này thì liệu thế giới có giữ nổi thế nguyên trạng hiện nay?


Vậy Tàu không ngừng lớn mạnh như thế nào? Tây phương đang hụt hơi ra sao?

 

Do vũ khí thô sơ, thua các trận chiến tranh nha phiến (khởi từ 1839), Tàu buộc lòng chấp nhận nhiều thỏa hiệp bất công (bồi thường chiến phí, mở cửa cho Tây phương tự do giao thương, mất một số vùng đất (nhượng địa Hongkong, Macao), kế tiếp là gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến Trung -Nhựt (1937-45), sau cùng lại phải sống dưới chế độ khắc nghiệt giáo điều cộng sản (từ 1949) do Mao Trạch Đông lãnh đạo.


Thời đó dân Tàu rất nghèo, nạn đói gần như triền miên, có thể nói nước Tàu chỉ mới bắt đầu khởi sắc từ cuối thập niên 1970, khi ông Đặng Tiểu Bình (1904-1997) trở lại nắm quyền, với đầu óc thực tế (câu để đời: «không cần phân biệt mèo trắng hay mèo đen, miễn bắt được chuột»), ông đề xướng chủ trương cải cách nước Tàu, mở cửa giao thương với Tây phương.


Thử xem lại tiến độ phát tiển của Tàu trong vòng 30 năm qua:

 

 

19

81

19

90

20

00

20

05

Hạng

Nước

TSLQG  (*)

Nước

TSLQG (*)

Nước

TSLQG (*)

Nước

TSLQG (*)

1

Hoa Kỳ

2.906

Hoa Kỳ

5.330

Hoa Kỳ

9.448

Hoa Kỳ

12.359

2

Liên Xô

1.255

Nhựt

2.891

Nhựt

4.682

Nhựt

4.657

3

Nhựt

1.142

Đức

1.498

Đức

1.862

Đức

2.796

4

Tây Đức

683

Pháp

1.191

Anh

1.432

Anh

2.280

5

Pháp

569

Ý

1.089

Pháp

1.275

Tàu

2.254

6

Anh

498

Anh

987

Ý

1.053

Pháp

2.153

7

Ý

350

Gia Nả Đại

578

Tàu

1.052

Ý

1.762

8

Gia Nả Đại

284

Tây Ban Nha

491

Ba Tây

804

Gia Nả Đại

1.113

9

Tàu

264

Tàu

416

Gia Nả Đại

660

Tây Ban Nha

1.110

 

(*) Tổng sản lượng quốc gia, theo tiếng Pháp là PNB global (Produit national brut global, tiếng Anh: GDP (Gross domestic product), đơn vị là tỷ mỹ kim

 

Đối chiếu tiến độ phát triển giữa HK và Tàu:

 

 

19

81

19

90

20

00

20

05

20

10

Nước

GDP

Hạng

GDP

Hạng

GDP

Hạng

GDP

Hạng

GDP

Hạng

Hoa Kỳ

2.906

1

5.330

1

9.448

1

12.359

1

14.260 (a)

1

Tàu

264

9

416

9

1.052

7

2.254

5

4.900 (a)

2

Sai biệt HK/Tàu

11 lần

 

13 lần

 

9 lần

 

5, 5 lần

 

3 lần

 

 

(a) Tổng sản lượng nội địa (GDP) ghi nhận đến cuối tháng 10-2010 (theo tạp chí Forbes), Tàu vượt hơn Nhựt, từ đó có tiên đoán là Tàu sắp sửa qua mặt Nhựt trong năm 2010, vượt lên hàng thứ nhì sau Hoa Kỳ, nhứt là đang sở hữu một trữ lượng ngoại tệ khổng lồ (2.700 tỷ mỹ kim), có người cho rằng G20 rồi sẽ chỉ còn là G2, ám chỉ là chỉ còn Mỹ và Tàu họp nhau tung hoành trên bàn cờ thế giới.

 

Trước đây, chắc không mấy ai ngờ tới, trong vòng không đầy 30 năm, từ một nước nghèo nàn lạc hậu, Tàu thu ngắn khoảng cách vời HK, qua mặt các cường quốc khác vươn lên ngôi vị số hai hiện nay, với đà này, chắc cũng khó có ai hình dung cục diện thế giới trong vòng 30 năm tới?

 

Trong khi ngân sách quốc gia nhiều nước phát triển vẫn không ngừng thâm thủng, đây là món nợ sớm muộn gì cũng phải trả, càng kéo dài càng thiệt hại cho các thế hệ kế tiếp. Tiêu biểu cho tình trạng này là Hoa Kỳ, một siêu cường nhưng lại mang công nợ nhiều nhứt thế giới, chủ nợ quan trọng nhứt lại là Tàu ( 868 tỷ mỹ kim).


Theo đồng hồ công nợ đặt tại khu Manhattan -Nửu ước HK (http://www.brillig.com/debt_clock/), xin trích y vào ngày 23-11-2010:

The Current Outstanding Public Debt of the United States is:
$13,789,699,194,529.33
Last Updated: Tuesday, November 23rd, 2010 (updated daily)
Every man, woman and child in the United States currently owes $45,387 for their share of the U.S. public debt
http://chart.apis.google.com/chart?chs=400x150&chd=t:66.7551322171,33.2448677831&cht=p3&chdl=Public+Debt%7CIntragovernmental+Holdings&chtt=Breakdown+of+Total+National+Debt%7COutstanding

Public Debt: $9,205,331,929,626.46
Intragovernmental Holdings: $4,584,367,264,902.87
Total U.S. National Debt: $13,789,699,194,529.33

 

Số nợ này gần bằng với GDP HK, gấp 2,8 lần GDP Tàu, 230 lần GPD Việt Nam.

Tính bổ đồng mỗi gia đình người HK (trung bình 4 người) đang gánh chịu số nợ trên 180 ngàn mỹ kim.

 

Có người nghĩ là để giảm nợ, Mỹ chỉ cần phá giá đồng mỹ kim, số nợ tức thì sẽ giảm theo với tỷ lệ phá giá, chuyện đời không đơn giản như thế, vì ngoài Tàu, HK còn nợ nhiều nước đồng minh như Nhựt (836 tỷ), Anh (448 tỷ), … và tệ hại nhứt là sự phá giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính đời sống nhân dân HK (vật giá gia tăng, tiền tiết kiệm bổng chốc mất theo tỷ lệ lạm phát), muốn bớt nợ cần giảm bớt nhập cảng (hiện các cân thương mại chênh lệch với Tàu hàng tháng khoản 24 tỷ), việc tương đối dễ dàng như thế còn không làm được (do sự chống đối của người tiêu thụ và cả giới tài phiệt -khoảng 50 ngàn xí nghiệp HK đang ăn nên làm ra tại Trung quốc) thì huống hồ gì là chuyện phá giá.


Tuy là thị trường tiêu thụ hàng Tàu lớn nhứt, nhưng cũng đừng vội tưởng Tàu sẽ suy sụp nếu bị HK "ngăn sông cấm chợ", đừng quên sức tiêu thụ hàng tỷ người cũng như khối nhân công rẻ, Tàu là một môi trường tiêu thụ và đầu tư hấp dẫn, cả thế giới đang tranh nhau khai thác (xây dựng nhiều cơ sở sản xuất), hơn nữa, mọi quyết định của HK và Tây phương đều có thể gặp phản ứng trả đủa, theo tờ Financial Times thì hãng sản xuất xe hơi lớn nhứt của Mỹ General Motors sắp phá sản gượng dậy được là nhờ xuất cảng ồ ạt sang Tàu (1).


Thật không dễ dàng gì khi lấy một quyết định lợi bất cập hại như vậy!

 

Về phía HK, do chênh lệch cán cân thương mại kéo dài, khối lượng thâm thủng ngân sách ngày càng lớn, nợ nầng chồng chất, HK phải buộc lòng từ bỏ nhiều dự án đại qui mô về chinh phục không gian, giảm thiểu các ngân khoản dành cho nhiều chương trình nghiên cứu (rất cần thiết cho công cuộc phát triển trong tương lai).


Còn Tàu, nhờ "vai mang bị bạc kè kè, nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm", họ đang lấn đất giành dân với Tây phương, đang đảo ngược thế thượng phong ở Phi châu (Nam Phi, Congo, Ghana, Kenya, Mozambique, Zambie, …) và đang lấn sâu vào "sân sau của Hoa kỳ" như Ba Tây (hiện đối tác thương mại hàng đầu trên HK), Bolivie, Ecuador, … hợp tác khai thác dầu hỏa ở Vénézuela. Ngay cả một số quốc gia Tây phương đang chới với trong cơn khủng hoảng kinh tế (Hy Lạp, Bồ Đào Nha) cũng mong chờ bàn tay tế độ của Tàu.


Kỳ thật là HK không còn đủ sức mạnh để áp đặt mọi chuyện trên thế giới theo ý mình (như đơn phương đánh Irak bất chấp Liên hiệp quốc, quyết định cấm vận đơn phương, bắt buộc các nước khác phải nghe theo nếu không muốn bị HK trừng phạt như luật Amato), trái lại mọi quyết định trừng phạt quốc tế nào (theo mong muốn của HK) cũng cần được sự hưởng ứng của Tàu, nếu không thì chỉ tổ giúp Tàu có cơ hội tạo thêm vây cánh (trường hợp Iran, Miến Điện, Bắc Hàn, …), làm như vậy thật chẳng khác nào dọn cổ sẵn cho Tàu xơi.

 

Cũng nhờ phương tiện dồi dào, Tàu đã mua nhiều cơ sở sản xuất nổi tiếng của Tây phương như Lenovo Group mua IBM, nếu Quốc hội Mỹ không ngăn chận, CNOOC (China National Offshore Oil Corporation) đã mua hãng dầu Unocal (18,5 tỷ mỹ kim); muốn bán các loại thiết bị máy móc, các cơ sở sản xuất Tây phương phải chuyển giao cả kỹ thuật (2), đây là dịp Tàu thụ đắc được các kiến thức khoa học hiện đại, nên nhớ ngoài tài bắt chước, dân Tàu còn nổi tiếng cần cù và thông minh, họ đã từng có những phát minh nổi tiếng (giấy, kỹ thuật ấn loát, thuốc súng, địa bàn, …), những nhà tư tưởng vĩ đại (Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, …), với đà này, chẳng bao lâu nữa Tàu sẽ bắt kịp và qua mặt các cường quốc Tây phương, giống như sau thế chiến thứ hai, hàng hóa Nhựt rẻ như bèo, nhưng bây giờ hàng "made in Japan" là số một.


Thật vậy, nhiều chỉ dấu cho thấy Tàu đang cạnh tranh với Tây phương trong một số lãnh vực, như xe lửa cao tốc (xây dựng ở Thổ Nhỉ Kỳ, Vénézuela, có thể sắp tới ở Arabie Saoudite, kể cả HK –đã ký tiền thoả hiệp với tiểu bang California), sắp sản xuất máy bay hàng không dân dụng cạnh tranh với Boeing, Airbus (3).


Thiển nghĩ đó cũng là điều tự nhiên, có tiền mua tiên cũng được mà, trong khi Liên Âu chưa thực hiện được dự án chinh phục không gian riêng (phải hợp tác với Hoa Kỳ, Nga) thì Tàu đã có những bước nhảy vọt trong lãnh vực này (xây dựng các trung tâm nguyên tử, phóng phi thuyền đưa người lên không gian, hỏa tiển triệt hạ vệ tinh, đang thực thị dự án thám hiểm mặt trăng, chuẩn bị đưa người lên viếng chị Hằng vào năm 2020), tin mới nhứt là Tàu vừa chế tạo một máy siêu điện toán mạnh nhứt hành tinh, hơn hẳn máy mạnh nhứt hiện nay của HK, vào cuối tháng 10 vừa qua, Tàu đã đoạt ngôi vị số 1 của HK với máy điện toán Tianhe -1A, có khả năng 2, 507 pétaflops/giây, tương đương 2,5 triệu tỷ bài toán trong một giây trong khi máy mạnh nhứt của HK hiện nay là 1,75 pétaflops/giây (4), cũng chính HK đã nghi ngờ Tàu dính líu trong một số vụ gây xáo trộn hệ thống thông tin toàn cầu (5).

Vị thế bá chủ của đồng mỹ kim cũng đang bị rung rinh, Tàu đã yêu cầu xét lại ưu thế này, đề nghị nghiên cứu một hệ thống bản vị giao hoán quốc tế mới thay thế đồng mỹ kim được giải Nobel kinh tế Joseph Stiglitz hậu thuẫn, Chủ tịch Quỹ tiền tệ quốc tế (FMI) D. Strauss Kahn biểu đồng tình, .. dầu chưa thực hiện trong ngày một ngày hai, nhưng đó là điềm tiên báo sự thay đổi.

Nhưng có lẽ điều đáng ngại nhứt trình độ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong tương lai, do thiếu phương tiện, nhiều công trình khoa học kỹ thuật của Tây phương bị chựng lại hay đình chỉ thì Tàu lại dành nhiều ngân khoản khổng lồ cho lãnh vực này, thể hiện qua các dự án công trình nghiên cứu, trang bị những phòng thí nghiệm, đào tạo đội ngũ khoa học kỹ thuật, theo Bản tường trình của Unesco về khoa học năm 2010 thì chẳng bao lâu nữa Tàu sẽ vượt qua HK (6).


Cũng có lập luận cho rằng sự bành trướng của Tàu là chuyện "tất đến", theo Aleksandr Anatolievich Khramchikhin -Phó Giám đốc Viện Phân tích Chính trị và Quân sự, Liên Bang Nga: "chúng ta hoàn toàn không thể hiểu, Trung Quốc sẽ làm thế nào để tránh, không bành trướng ra bên ngoài bằng tất cả các hình thức của nó (kinh tế, chính trị, nhân khẩu, quân sự). Nó hoàn toàn không có sức sống trong các ranh giới hiện nay của mình. Hoặc là nó phải lớn lên gấp bội, hoặc là nó buộc phải nhỏ hơn rất nhiều. Bởi thế, vấn đề không phải là sự xâm lược của Trung Quốc, mà là với nó, bành trướng là kế sách duy nhất để sống sót.


Đó không phải là con ngoáo ộp, mà là hiện thực khách quan đang cắt cứa vào giác quan của ta.

Quả thật, vẫn còn ít người cảm nhận được hiện thực ấy. Nhưng chẳng bao lâu nữa, nó sẽ tới.» (7)

 

Bây giờ thì nanh vuốt con quái vật đang lộ dần, không che dấu mộng độc chiếm biển Đông, ức hiếp các tiểu quốc, thách thức các đại bang, không biết hư thực ra sao, nhưng thực tế này ứng hợp với những lời phát biểu đầy tính khiêu khích (quyết tâm giải quyết vấn đề HK) của tướng Trì Hạo Điền, nguyên Bộ trưởng quốc phòng Trung quốc.

 

Nhìn lại chiều dài lịch sử của nhân loại, bao nhiêu nền văn minh rực rỡ đã nối tiếp suy tàn, thậm chí không còn để lại dấu vết, âu cũng đúng theo quy luật thiên nhiên sinh -trưởng -thu –tàn, cái gì lên đến tột đỉnh rồi cũng phải rơi xuống, lịch sử cận đại đã minh chứng, từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vẫy vùng năm châu bốn biển trong thế kỷ 17, 18, kế đến Anh, Pháp làm mưa làm gió trong thế kỷ 19 rồi HK, Liên Xô gần như chia đôi thiên hạ trong thế kỷ 20, sau khi Liên Xô sụp đổ, HK độc chiếm vị trí thống lãnh toàn cầu, có thể nói đỉnh cao là cuộc chiến Irak (ngụy tạo bằng chứng cốt để triệt hạ nhà độc tài mén S. Hussein) năm 2003, đơn phương hành động bất chấp Liên hiệp quốc, đây là một cuộc chiến vô cùng tốn kém, ước tính hao tốn đến 3 ngàn tỷ mỹ kim (8), đây cũng là cuộc chiến làm oen ố hình ảnh của HK trên trường quốc tế.

 

Giống y chuyện thế nhân thường tình, ai có sức mạnh hơn người thường có khuynh hướng sử dụng cơ bắp hơn là lý lẽ để khuất phục kẻ yếu hơn mình, vô tình đã tạo lắm kẻ thù tiềm ẩn (diện phục tâm bất phục), một khi họ họp nhau lại để chống cường quyền thì "mãnh hổ nan địch quần hồ", thế lực cũ suy tàn nhường chỗ cho một thế lực mới, khai mở một chu kỳ sinh -trưởng  -thu –tàn mới.


Thật đáng suy ngẫm lời của nhà binh pháp nổi tiếng Tôn Tử: "Bách chiến bách thắng, phi thiện chi thiện giả dã, bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã." (vị tướng đánh trăm trận trăm thắng, chưa phải là vị tướng giỏi trong các vị tướng giỏi, vị tướng không cần xuất quân mà khuất phục được binh lực đối phương mới thực là vị tướng giỏi trong các vị tướng giỏi). Chính giới trí thức HK cũng hiểu rõ vấn đề này, theo ông Joseph Nye: «Đã qua rồi thời kỳ chỉ biết có diệu võ dương oai, mà phải sử dụng mọi ưu điểm về tư tưởng, văn hóa, chính trị, ... để thuyết phục và lôi kéo thế giới, ông gọi đó là "nhu lực" (soft power) khác hẳn với chủ trương "cây gậy và củ cà rốt" (hard power).» (9).


Có thể coi việc một tạp chí nổi tiếng của HK xếp Chủ tịch Trung quốc Hồ Cẩm Đào là nhân vật thế lực nhứt hành tinh như một tiếng chuông cảnh tỉnh, dám nhìn thẳng vào thực tế để ứng phó hữu hiệu ích lợi hơn là tự ru ngủ trên cành nguyệt quế.


Đầu năm 2003, khi HK đang chuẩn bị đánh Irak, kẻ viết bài này đã từng tự hỏi : "Trước một thế giới đảo điên, nếu Mỹ thấm đòn, kinh tế thế giới suy trầm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Bá quyền khu vực chiếm lĩnh thượng phong "tranh bá đồ vương", một tai họa còn hơn Thực dân, Quốc xã, Cộng sản, Đế quốc Nhựt, ... đang ẩn hiện ở cuối chân trời.


Nhân loại phải chăng đang bước vào một thời kỳ đầy bất trắc?» (10)

 

Tâm Tư

(11-2010)

 

 

Ghi chú

(1) Le Financial Times écrit: «Si la General Motors croit en Dieu, elle doit sans doute être en train de prier à genoux pour le remercier de l'existence de la Chine. L'an dernier, la vente des voitures GM en Chine a augmenté de 66 pour cent, alors qu'aux États-Unis, elle baissait de 30 pour cent. Sans la Chine, la GM n'aurait pu être sauvée.»

Les chiffres de vente élevés de la General Motors et de la plupart des autres entreprises américaines en Chine ne sont possibles que parce que l'économie et le pouvoir d'achat de la population y croissent rapidement. C'est une bonne chose, non seulement pour les entreprises américaines en Chine, mais pour toute l'économie mondiale.

(2) Le Monde 10-11-2010 : Science : la Chine ébranle le monde : les brevets montrent encore une hégémonie quasi complète de la Triade (Etats-Unis, Europe, Japon). Mais que vaut cette domination lorsque les grands contrats industriels s'accompagnent de cessions de technologies ou que des firmes des économies émergentes «achètent des grandes entreprises dans des pays développés, acquérant du jour au lendemain leur capital-savoir» ? Comme l'acquisition du français Rhodia Silicone (et de son portefeuille de brevets) par BlueStar, dont le nom ne dit pas qu'il s'agit d'une firme… chinoise.

(3) Le Figaro 16/11/2010 : La Chine défie Boeing et Airbus

Attendu dans le ciel en 2016, le rival des Airbus A 320 et Boeing B 737 est la vedette du salon aéronautique chinois. Le C919, commandé à 100 exemplaires, porte les espoirs de Pékin de devenir un géant de l'aviation civile. 

coeur-La vedette, au salon aéronautique de Zhuhai, qui a ouvert ses portes ce mardi dans le sud de la Chine, est un avion qui ne vole pas ! Des dizaines d'officiels chinois, entourés d'une myriade de gardes du corps, ont convergé vers le salon où était annoncée en grande pompe la première commande d'une centaine de C 919, le futur avion de ligne chinois. En haie d'honneur, des maquettes aux robes différentes renseignaient sur les acheteurs pionniers : quatre grandes compagnies chinoises (Air China, China Eastern, China Southern et Hainan Airlines) et deux sociétés de leasing, l'une chinoise, Guoyin Financial, et l'autre américaine, GE Capital Aviation Services.

Cette commande de 100 appareils donne du corps au programme de Comac (Commercial Aircraft Corp. of China), qui prévoit un premier vol d'essai en 2014 et la première livraison à partir de 2016. Le C 919 est un appareil monocouloir de 168 à 190 places, court ou moyen- courrier et, donc, un concurrent direct des Airbus A 320 et Boeing 737.

(4) LEMONDE.FR | 28.10.10 : Dans la course aux performances des super-calculateurs, la Chine a vraisemblablement détrôné, jeudi 28 octobre, les Etats-Unis. Conçu par deux cents ingénieurs, le Tianhe-1A ("voix lactée") est un superordinateur hébergé au National Center for Supercomputing, dans la ville de Tianjin, dans le nord-est de la Chine.

Le système a une capacité de 2,507 pétaflops par seconde, soit l'équivalent de 2,5 millions de milliards d'opérations par seconde. Jusqu'à présent, c'était le système Jaguar, du département de l'énergie américain, qui disposait de la plus grande puissance de calcul, avec 1,75 pétaflops par seconde.

(5) RFI ngày 19-11-2010: Sự kiện đáng ngại nhất vừa được Ủy ban Xét duyệt An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung nêu bật trong bản báo cáo thường niên trình lên Thượng viện Mỹ hôm 17/11/2010 vừa qua : Đó là vào ngày 08/04/2010, thông qua một thủ thuật tin học, Bắc Kinh đã lái được 15% lượng thông tin lưu hành trên Internet trên toàn cầu, đi vòng qua các máy chủ đặt tại Trung Quốc trong vòng 18 phút đồng hồ.

Các thông tin bị chuyển hướng bao gồm các dữ liệu ra và vào website của rất nhiều định chế trọng yếu của Hoa Kỳ như Thượng viện, Lục quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến, Không quân, Bộ Quốc phòng, Cơ quan Hàng không Không gian NASA, Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương quốc gia, và các văn phòng chính phủ khác. Ngoài ra cũng có một số tập đoàn thương mại như Dell, Yahoo, Microsoft và IBM.

(6) Le Monde 10-11-2010 : Science : la Chine ébranle le monde : «Les cinq dernières années, qui font l'objet du présent rapport de l'Unesco sur la science, ont commencé véritablement à ébranler la suprématie traditionnelle des Etats-Unis.» Cette phrase, issue d'un rapport publié aujourd'hui par l'ONU, pèse lourd. Annoncer un bouleversement géopolitique en rupture avec les soixante années qui viennent de s'écouler exige quelques arguments.

Des signes du basculement se lisent dans la production des laboratoires de recherche. Depuis 2008, indique l'institut Scimago, la première institution scientifique du monde en nombre d'articles publiés est… l'Académie des sciences de Chine. Le classement par pays montre le séisme en cours dans la science mondiale. La Chine y était presque invisible en 1980. Elle pointe au quatrième rang, pour la période 1996-2008, suivie de l'Allemagne et de la France, précédée par le Japon, le Royaume-Uni et les Etats-Unis. En 2008, la Chine est deuxième. Dans quelques années, il y aura «plus de chercheurs dans les laboratoires chinois qu'aux Etats-Unis», prédit le rapport.

(7) Nguồn: Báo "АПН" (Агенство политических новостей) ,ra ngày thứ Tư, 15.4.2010 (http://www.apn.ru/publications/article20310.htm)- Theo bản dịch của long Lã Nguyên

(8)theo cuốn sách The three trillion dollar war –The true cost of the Iraq war của Joseph E. Stiglitz & Linda B. Bilmes, nxb W.W. Norton, NY 2008)

(9) Tuần báo le nouvel Observateur (5-11/9/2002): Pour une hyperpuissance soft

(10) Bài Họa chiến tranh (25-1-2003)



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.