31 January 2012

Chúng tôi, Việt Kiều vẫn còn rất... lấn cần



Chúng tôi, Việt Kiều vẫn còn rất... lấn cần

Nguyên Dung

Mấy hôm trước tình cờ đọc qua lời phát biểu của ông Dương Trung Quốc:"Tôi không nghĩ kiều bào còn lấn cấn nhiều về chế độ chính trị...", trong bối cảnh nhà nước đang ra rả kêu gọi "hòa hợp dân tộc".

Đọc xong câu phát biểu quả quyết ấy, lòng tôi vẫn có gì rất lấn cấn…

Tôi không thuộc "tàn dư chế độ cũ", trái lại gia đình thuộc tầng lớp trí thức được hưởng nhiều ưu đãi của nhà nước. Bản thân tôi lớn lên dưới mái trường XHCN, đã được nhồi nhét kỹ lưỡng đạo đức XHCN, đạo đức người CS, lịch sử chói lòa của dân tộc, cuộc chiến hào hùng chống Pháp, chống Mỹ cứu nước… Tôi cũng bị học thuộc nằm lòng những nhân vật anh hùng có thật và cả không có thật trong lịch sử VN.

Chỉ có điều khi trí não của tôi bắt đầu biết tư duy độc lập thì cũng là lúc tôi bắt đầu tự hỏi mình: Sao một đất nước tươi đẹp với lịch sử hào hùng, những nhà lãnh đạo tuyệt vời gần như thần thánh lại có hàng vạn, hàng trăm ngàn người dân ào ạt sống chết bỏ quê hương mà đi như vậy? Thế rồi tôi bắt đầu ngờ ngợ nhìn lại chung quanh mình…

Thật khủng hoảng khi mỗi ngày vào lớp, những chiếc bàn, ghế trống rỗng, bạn bè cứ thưa thớt dần, thầy cô giáo cũng từ từ biến mất!… Chúng tôi thì thầm với nhau, chúng tôi buồn ngơ ngẩn vì không được nói lời chia tay. Làm sao cắt nghĩa được những đứa bạn học hàng ngày túm tụm chơi đùa, học hành cùng nhau, rồi bỗng dưng biến mất không một lời báo trước? Những cuộc chạy trốn thầm lặng mà quyết liệt những năm tháng đó vẫn ám ảnh tôi tới tận bây giờ.

Trí óc non nớt của tôi không ngừng đặt những dấu hỏi. Có đôi lúc về nhà hỏi bố mẹ thì chỉ nhận được những cái lắc đầu chán ngán của mẹ, tiếng thở dài và lời đáp bâng quơ của bố: - Đất nước thế này thì không bỏ đi mới là lạ!

Chẳng hiểu gì hơn, tôi bèn mở báo chí ra đọc thì chỉ thấy toàn những tin tức đại loại như: Toàn dân toàn quân quyết tâm thi đua lập chiến công mừng đại hội Đảng, mừng sinh nhật Bác, mừng kỷ niệm chiến thắng v…v…
Hoặc Bộ A, bộ B đã đạt chỉ tiêu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…
Toàn những tin tức tốt đẹp, rặt một luận điệu như nhau!

Không một tờ báo nào, không một ai giải thích cho tôi tại sao người VN từ Sài Gòn, Hà Nội tới tận những vùng đèo heo hút gió bấy giờ đều rùng rùng bỏ cha bỏ mẹ, bỏ nhà bỏ cửa, bỏ ruộng vườn để chạy trốn đất nước của mình. Có lần tò mò không chịu nổi, tôi bèn hỏi cô giáo chủ nhiệm lớp. Cô dạy văn, tôi nhớ mãi giọng cô đều đều khi giảng cho chúng tôi những bài thơ của Tố Hữu, và những bài thơ sặc mùi máu lửa cách mạng khác. Khi tôi hỏi cô tại sao ai cũng đi vượt biên hoặc tìm cách đi bảo lãnh, có phải người ta sợ CS phải không cô? Thì cô tái mặt lấm lét nhìn quanh, rồi bảo nhỏ với tôi:"Em không được hỏi thế nữa nghe chưa? Hỏi như vậy là vi phạm kỷ luật."

Sau đó chừng vài tháng, cô cũng biến mất, chúng tôi tới tìm thì hàng xóm bảo cô đi vượt biên rồi, nhà đã bị tịch thu. Một lần nữa chúng tôi lại ngơ ngác!

Chúng tôi, những đứa còn lại tiếp tục đi học với hàng ngàn hàng vạn câu hỏi trong đầu, với nỗi thắc thỏm không biết bao giờ đứa bạn ngồi bên cạnh lại biến mất. Rồi tôi cũng hiểu ra rằng học sinh chúng tôi không có quyền hỏi, không có quyền thắc mắc. Chúng tôi chỉ được quyền học những gì ghi trong chương trình giáo khoa. Dù là những điều vô lý nhất, những điều không có thật…. Các thầy cô giáo vẫn lên lớp, giờ Pháp văn cô bắt chúng tôi dịch ra tiếng Việt những bài văn ca tụng mái trường XHCN, sự độc ác, đời sống nghèo khổ, bất công ở XH tư bản, nơi đó trẻ em nghèo không được đi học. Cô giáo dạy Pháp văn (một nữ tu, và cũng đã từng du học ở Châu Âu) lúc giảng tới đoạn này, đã cau mày, và im lặng vài giây, có lẽ cô áy náy biết mình đang bắt học sinh học những điều bịa đặt!

Thế rồi cũng đến lúc tôi bỏ xứ mà đi, vì thuộc vào diện được ưu đãi nên tôi dễ dàng xin qua Châu Âu du học.

Nhà sử học Dương Trung Quốc : "Tôi không nghĩ kiều bào còn lấn cấn nhiều về chế độ chính trị, có lẽ chỉ còn ở một thế hệ nào đó do hoàn cảnh lịch sử. Nói đến Việt kiều luôn có hai mặt, nhưng mặt tích cực là cơ bản, ta cần có chính sách ứng xử thích hợp, khai thác mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực"

Năm đầu bên trời Âu, tôi vẫn mang trong người một tấm lòng đầy nhiệt huyết, một niềm kiêu hãnh vời vợi của dòng máu VN, dân tộc đã từng đánh thắng Tàu, Nhật, Pháp, Mỹ. Nhưng rồi ngoài cái niềm kiêu hãnh suông ấy, tôi nhận ra rằng mình chẳng có một tí vốn tri thức nào. Tất cả chỉ là những giáo điều học vẹt. Ngay cả lịch sử VN, tôi cũng rất mù mờ. Thế hệ chúng tôi chỉ được học một thứ lịch sử đã bị bóp méo, bẻ cong nhằm ca tụng và thần thánh hóa Đảng và những lãnh đạo Đảng. Qua sách vở, báo chí nước ngoài tôi mới biết tới vết nhơ lịch sử như Cải Cách ruộng đất, Mậu Thân, những góc nhìn đa khía cạnh của cuộc chiến hai miền Nam Bắc, ai thật sự vi phạm hiệp định Paris v..v….

Câu hỏi cay đắng nhất của tôi là tại sao tôi phải học lịch sử của nước mình qua những thông tin lượm lặt ở nước ngoài? Tại sao và tại sao?

Tại sao những chính sách sai lầm như: Cải Cách ruộng đất, đày đi cải tạo hàng trăm ngàn người lính chế độ cũ, đánh tư sản, đuổi dân đi kinh tế mới, đổi tiền, lại không bao giờ được chính quyền CS công khai đem ra mổ xẻ rút kinh nghiệm?

Tại sao lại ỉm đi và thay vào đó là những khẩu hiệu được gào lên từ năm này qua tháng nọ: Đảng CSVN vinh quang dẫn dắt toàn dân đi từ thằng lợi này tới thắng lợi khác?

Tại sao và tại sao?

Tôi đi tìm gặp lại những người bạn, những thầy cô năm xưa. Từ khắp các nơi chúng tôi tìm về họp mặt. Giờ đây chúng tôi không phải e dè sợ sệt, nghi kỵ nhau nữa. Chúng tôi có thể nói với nhau tất cả những điều muốn nói.

Cô lớp trưởng năm xưa bây giờ đã thành một doanh nhân thành đạt cười bảo chúng tôi: Nếu năm xưa, không đi vượt biên thì giờ chắc đang quét rác!

Họ lần lượt kể cho tôi nghe lí do chạy trốn CS của họ. Thời gian đã làm mờ nhạt những ký ức đau đớn. Nhưng phải sống trong hoàn cảnh lúc ấy mới biết cái chết cận kề như thế nào, nguy hiểm rình rập từng người thế nào, nỗi đau kẻ ở người đi to lớn thế nào. Tất cả đều có một câu kết luận chung: Họ bỏ đi ngày ấy chỉ vì không còn sự lựa chọn nào khác! Qua những câu chuyện kể, lúc ấy tôi mới hiểu ra người ta bỏ chạy, sẵn sàng liều mạng, một sống hai chết, tự do hay là tù tội, kẻ liều mình đi trước phó mặc cho biển cả, cho sự run rủi của trời đất, để có cơ hội bảo lãnh kẻ đi sau. Những gia đình tan tác, những cuộc chia lìa bi thảm, chỉ vì chế độ CS quá hà khắc, quá nghèo đói. Vâng người ta sợ! Phải nói là sợ CS còn hơn sợ cái chết mất xác ngoài khơi. Tôi cũng gặp lại rất nhiều thầy cô, hơn hai mươi năm sau tôi lại hỏi cô giáo cũ của mình câu hỏi đã từng nung nấu tôi những ngày niên thiếu: Cô ơi ngày ấy cô dạy chúng em về cuộc sống tươi đẹp trong đất nước XHCN, thế cô có tin không ? Cô trả lời rằng cô không tin, cô chưa bao giờ tin vào những điều cô dạy chúng tôi dưới mái trường XHCN.

Đau lòng thay cho thế hệ chúng tôi đã buộc phải học những điều mà cả thầy lẫn trò đều biết là dối trá!

Ông Dương Trung Quốc lập luận rằng kiều bào không còn lấn cấn nữa về chính trị!

Thưa ông chúng tôi vẫn còn lấn cấn, rất lấn cấn là khác. Ở hải ngoại hiện giờ có hai nhóm: một nhóm chống cộng cực đoan, dị ứng tất cả cái gì liên quan tới hai chữ CS và HCM. Tôi không muốn bàn nhiều về họ, tuy hiểu và thông cảm cho mối hận thù sâu sắc dẫn tới sự quá khích của họ. Phần lớn đó là những người bị lừa mang quần áo đi học tập một tuần, sau đó bị bắt đi đày hàng năm dài trong những vùng rừng thiêng nước độc, sinh hoạt ăn uống còn kham khổ hơn cả một con chó, ngay cả chữ tù đày cũng bị bẻ cong để gọi là Học Tập. Đó là những gia đình bị chính quyền một ngày nọ tới xúc đi kinh tế mới, tịch biên nhà cửa của họ để chia chác cho cán bộ. Đó là hàng vạn con người miền Nam, một sáng đẹp trời bị liệt vào thành phần tư sản và công an ngang nhiên đến tận nhà vơ vét tất cả của cải, vàng bạc. Họ căm thù Chính Quyền Cộng Sản vô cùng! Họ càng phẫn hận hơn khi thấy những kẻ khi xưa không ngừng rêu rao chửi bới họ là ăn bơ thừa sữa cặn đế quốc Mỹ nay lại tìm mọi cách lũng đoạn, ăn bớt ăn xén công quỹ quốc gia, để có tiền cho con cái, dòng họ qua Mỹ, cái xứ tư bản xấu xa mà sách giáo khoa VN năm nào đã nói là trẻ em nghèo không được đi học. Những kẻ khi xưa liệt họ vào thành phần tư sản để có cớ cướp bóc tài sản của họ, nay lại giàu có hơn họ hàng ngàn lần, mà sự giàu có lại tới từ tham nhũng, đám người năm xưa đánh tư sản nay nghiễm nhiên trở thành tư sản đỏ mà không sợ ai trừng trị.

Nếu nhà nước thật lòng muốn xóa bỏ hận thù, muốn hàn gắn những vết thương sâu hoắm thì hãy ngừng ngay việc kêu gào hòa hợp bằng miệng.Việc giảm bớt thủ tục nhiêu khê cho Việt Kiều về thăm nhà, những cởi mở cỏn con làm sao hàn gắn được hết những vết thương lỡ loét, những tội lỗi tày đình của quá khứ. Muốn xóa bỏ hận thù với tầng lớp Việt Kiều chống cộng này, chính quyền còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Hãy nói thẳng và nhìn lại lịch sử. Hãy thẳng thắn nhận lỗi đã giam tù không xét xử hàng trăm ngàn người chế độ cũ, phân biệt đối xử con cái họ. Hãy cho du nhập báo chí, sách vở nói về cuộc chiến Nam Bắc với những cái nhìn đa chiều, những quan điểm của anh lính Bộ Đội và cả anh lính Cộng Hòa. Chính quyền Cộng Sản không thể chỉ kêu gào hòa hợp trong khi chỉ áp đạt lý luận của mình lên quá khứ, vẫn bóp méo lịch sử. Tất cả những ý kiến trái chiều đều bị chụp mũ là phản cách mạng. Hòa hợp không có nghĩa là kẻ chiến bại phải im mồm, kẻ chiến thắng mới được quyền độc diễn và độc thoại.

Hãy cùng nhau nhìn nhận những sai sót hôm qua để chữa lành những vết thương thù hận hôm nay.

Ở đây tôi chỉ muốn đề cập một cách sơ xài về những Việt Kiều chống cộng cực đoan, những con người còn mang nặng nỗi hận thù rất là chính đáng. Tầng lớp mà tôi muốn nói tới là những người Việt Kiều lúc nào cũng hướng về quê hương, yêu nước và muốn cống hiến rất nhiều cho quê mẹ. Họ rất đông đảo, ở khắp năm châu, bốn bể, có tri thức cao, có tấm lòng, rất nhiều trong số ấy đã được đào tạo tại những môi trường tốt nhất. Thử nghĩ nếu thu hút được sự đóng góp của họ thì cơ hội cho VN vươn ra thế giới sẽ nằm trong tầm tay. Nhưng... cũng nên tự hỏi tại sao hòa bình hơn 35 năm rồi, mà lực lượng bà con về giúp đỡ quê nhà lại èo uột thế? Lèo tèo vài ba tổ chức giúp VN về khoa học kỹ thuật, có thấm tháp gì so với hàng triệu kiều bào tại nước ngoài?

Tại sao tới giờ đóng góp của họ chỉ giới hạn trong việc gởi tiền cho thân nhân, thành lập các hội nhóm đoàn thể riêng lẽ làm từ thiện?

Ông Dương Trung Quốc và các ông lãnh đạo có hiểu vì sao không? Tôi nghĩ các ông hiểu, cũng như mọi người đều hiểu tại sao, chỉ có điều phía các ông không ai nhìn thẳng vào vấn đề, mà thay vào đó chỉ biết kêu gào và kêu gào.

Thưa là vì nhóm Kiệt Kiều này tuy họ không mang lòng hận thù sâu sắc với chính quyền cộng sản, nhưng họ chán và khinh bỉ (xin lỗi vì dùng từ xác đáng) chế độ chính trị tham nhũng, quan liêu, và ngu dốt đang thống trị tại VN.

Xin thưa họ hoàn toàn không có lòng tin vào bộ máy chính quyền hiện nay tại VN.

Đối với họ, chính quyền cộng sản đồng nghĩa với tráo trở, khôn vặt, độc tài và tham lam vô tận.

Khi nói về VN, hiện tình đất nước, họ thường thở dài và lắc đầu nguây nguẩy, buông những câu đại loại: Ai mà tin nổi tụi nó?

Hay: Dại gì mà đầu tư ở VN! Tụi nó muốn cướp là cướp! Toàn là luật rừng!

Hoặc: Thôi, làm ăn ở VN nhức đầu lắm, không đút lót không làm gì được đâu !

Đó là những gì chúng tôi vẫn nói với nhau khi bàn về chế độ chính trị và môi trường làm việc tại VN.

Ông chú tôi, Việt Kiều Pháp, từng được huân chương kháng chiến, đã từng đưa đón các ông lớn CSVN qua Paris ký kết các hiệp định tại Pháp, lúc về hưu ky ca ky cóp được ít tiền tiết kiệm, cộng thêm đám sinh viên Pháp cũng hùn lại trao cho ông một món tiền. Ông hồ hởi, phấn khởi đem về VN, tính thực hiện giấc mơ cuối đời của mình: xây một ngôi trường tình nghĩa tại cái làng nơi ông sinh ra. Ba tháng sau ông trở qua, mặt mày tiu nghỉu, tôi hỏi và được ông trả lời rằng CQ địa phương đòi ông xùy tiền thì mới cho xây. Cuối cùng ông quyết định mang tiền về trả lại cho sinh viên Pháp, vì thật lòng không biết cắt nghĩa làm sao với họ về khoản tiền bôi trơn ấy! Tôi vừa thương hại lại vừa buồn cười ông là CS lão thành mà còn ngây thơ: Ở VN không bôi trơn thì làm gì cỗ máy chạy?

Chúng tôi luôn nhìn về nước nhà để rồi càng nhìn càng… chán ngán, càng bàng hoàng!

Sống và được giáo dục tại những nước mà luật pháp nghiêm minh, bình đẳng, tự do ngôn luận, tự do phản biện, đại đa số VK không chấp nhận và bất mãn về thể chế chính trị trong nước. Những ý kiến đóng góp của chúng tôi về sự cải tổ xã hội, giáo dục đều như nước đổ đầu vịt. Ngay cả các lãnh tụ thế giới qua VN hội họp, thì những phần phát biểu nhạy cảm đều bị báo Đảng cắt xén thảm thương huống chi những góp ý của chúng tôi?

Các Việt Kiều về nước đầu tư, thử hỏi có ai không bị thuế má hoạch họe để phải xì tiền ra? Thử hỏi có ai không chung chi mà yển ổn làm việc? Thử hỏi ai không bị guồng máy hành chính vật cho tơi tả?

Nền giáo dục băng hoại, trộm cướp tràn lan, nạn tham nhũng hoành hành từ làng quê heo hút tới bản doanh trung ương. Nạn bằng cấp giả, nạn chạy chức chạy quyền. Càng làm chức cao càng vô liêm sĩ, không biết từ chức. Không tự do báo chí, văn học. Tiền cứu trợ dân nghèo cũng bị xà xẻo, hệ thống giao thông bát nháo, dự án công cộng nào cũng bị cắt xén, các quan lớn nhỏ thi nhau ăn vô tội vạ trên quê hương kiệt quệ, nợ nần ngập đầu. Những trí thức phản biện đều bị nhốt giam, quy chụp cái mũ phản động. Vài năm gần đây để đánh lừa dư luận lại dùng quái chiêu: "Quần chúng tự phát ức chế" để thẳng tay đàn áp, đánh đập nhân dân bất mãn. Những vấn nạn đó làm Việt Kiều yêu nước đau xót và làm kiệt quệ lòng tin của họ, dẫn tới việc bất hơp tác, thờ ơ với lời kêu gọi của chính quyền. Thử hỏi nếu Việt kiều ồ ạt kéo về nước làm việc, rồi lập hội lập nhóm, biểu tình họ có bị khép vào tội phản động không? Trong khi điều đó lại hết sức bình thường tại nước ngoài? Hay chính quyền chỉ muốn Việt Kiều cũng ngoan ngoan và dễ dạy như người dân trong nước, lâu lâu cho ăn cái bánh vẽ là hài lòng trùm chăn, bịt tai bịt mắt trước mọi bất công của xã hội?

Ngay bản thân tôi, nhớ lại hơn hai mươi năm trước, tôi đau đớn khi khám phá ra mình chỉ học những điều dối trá ở nhà trường. Hai mươi năm sau quay lại vẫn không có gì thay đổi! Cả một xã hội nói dối để sống, để làm việc, để được yên thân, để kiếm chác!


Ngoài đường vẫn giăng đầy những khẩu hiệu sáo rỗng. Càng nhiều khẩu hiệu đạo đức càng suy đồi, người ta càng chán ghét.

Tóm lại qua kinh nghiệm bản thân tôi nghĩ con đường hòa hợp dân tộc là con đường rất nhiều chướng ngại vật. Việc ra sức kêu gọi bằng mồm các Việt Kiều đóng góp xây dựng cho nước nhà là một điều khó thành hiện thực lúc này.

Chừng nào cơ chế chính trị trong nước thay đổi thì họa may. Chừng nào hai chữ hòa hợp không mang tính áp chế của phe chiến thắng thì mới nói tới chuyện cởi bỏ hận thù, hàn gắn dân tộc. Chừng nào những sai lầm chết người trong lịch sử không còn bị ém nhẹm, bóp méo, mà được công khai đem ra mổ xẻ trước bàn dân thiên hạ thì mọi người mới sẵn lòng ngồi lại với nhau, hàn gắn trên những đổ nát. Chừng nào?

Nguyên Dung

30/01/2012

30 January 2012

Tiêu Dao Bảo Cự - Tôi chẳng cần bất cứ một sự lãnh đạo nào



Tiêu Dao Bảo Cự - Tôi chẳng cần bất cứ một sự lãnh đạo nào

Phạm Thị Hoài thực hiện


Phạm Thị Hoài: Thưa ông Tiêu Dao Bảo Cự, khi còn là đảng viên, ông trải nghiệm sự lãnh đạo của Đảng như thế nào?

Tiêu Dao Bảo Cự: Tôi vào Đảng ở Miền Nam trước năm 1975 (lúc đó có tên là Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam tức Đảng Cộng sản ở Miền Nam) trong một tình thế hoàn toàn khác với Miền Bắc hoặc cả nước sau 1975. Lúc đó chúng tôi không quan tâm và nói gì đến việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chỉ có đọc qua đôi chút lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản, quan trọng là nghiên cứu 5 bước công tác vận động quần chúng và tập trung cho mục tiêu chống sự can thiệp của Mỹ, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình.

Trước 75, trong một chi bộ bí mật, chúng tôi chỉ được quán triệt các nhiệm vụ chiến lược và cùng nhau trao đổi, bàn bạc những việc cần làm một cách cụ thể, sáng tạo giữa những người đồng chí hướng, cùng lý tưởng. Ngay sau 1975, những cuộc họp của Đảng đã được mở rộng, công khai, nghe quán triệt các nghị quyết của trung ương và trao đổi một cách tương đối dân chủ, cởi mở những việc cần làm. Giữa các đảng viên, phần lớn từ trong rừng ra và đảng viên tại chỗ, ngoài tình đồng chí còn coi nhau như trong một gia đình lớn, thường gọi nhau là anh – em, chú – cháu tùy theo tuổi tác, một cách thân ái và chân tình. Về sau nữa, các nghị quyết của trung ương có tính cách bài bản và chi tiết hơn, các địa phương chỉ rập khuôn, ít sáng tạo.

Dần dần, nghị quyết của Đảng và thực tế cuộc sống ngày càng xa cách. Tôi là một trong số rất ít đảng viên nêu thắc mắc trong khi những người khác chỉ biết "quán triệt". Cho tới một lúc tôi thấy sự lãnh đạo của Đảng đã khác biệt quá xa với lý tưởng và hoài vọng của mình, tôi bắt đầu phản bác, chống đối nên cuối cùng bị khai trừ. Đảng và tôi đã không còn đi chung đường.

Phạm Thị Hoài: Từ khi bị khai trừ khỏi Đảng, ông có thấy mình trở thành một con người khác không?

Tiêu Dao Bảo Cự: Cuối năm 1988, Bùi Minh Quốc và tôi ở Hội Văn nghệ Lâm Đồng tổ chức chuyến đi xuyên Việt đòi tự do sáng tác, báo chí, xuất bản và đổi mới thực sự, có nhà thơ Hữu Loan cùng đi. Trên đường từ Hà Nội về Đà Lạt, tôi đã viết bản dự thảo tuyên bố ra khỏi Đảng, chung cho Bùi Minh Quốc và tôi. Anh Quốc không đồng ý, anh nói nếu cần cứ để bị khai trừ và tiếp tục khiếu nại như một cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng, làm rõ đúng sai, tranh thủ những người tốt trong Đảng. Trong hoàn cảnh đó, tôi không thể tách ra khỏi anh Quốc để làm một mình vì chúng tôi cùng một cảnh ngộ, cùng một cuộc chiến đấu và đang rất đơn độc. Cuối cùng, sang năm 1989, cả hai đều bị khai trừ sau một cuộc đấu tranh gay gắt trong Hội Văn nghệ Lâm Đồng và nội bộ Đảng, không chỉ ở đảng bộ địa phương mà liên quan đến tận trung ương.

Sau khi bị khai trừ Đảng, họa sĩ Lưu Công Nhân lúc đó thỉnh thoảng qua lại Hội Văn nghệ, đến thăm tôi và chúc mừng tôi đã được "giải phóng". Ông còn nói thêm, các anh ở trong này chưa hiểu biết về cộng sản, nếu các anh ở ngoài Bắc trước đây mà làm như vậy thì đã tù mọt gông hay "giữa đường mất tích" rồi.

Dù ở trong hay ngoài Đảng, tôi chỉ là tôi, không hề là con người khác. Tôi vào Đảng là tự nguyện, chấp nhận và bị chi phối bởi những nguyên tắc, quy định của Đảng. Khi ra khỏi Đảng, tôi không còn những ràng buộc đó và có nhiều tự do để thể hiện con người đích thực của mình.

Phạm Thị Hoài: Nếu phải giải thích cho một người chưa bao giờ sống dưới sự lãnh đạo của Đảng hiểu được, ông có thể giải thích như thế nào?

Tiêu Dao Bảo Cự: Đảng lãnh đạo chủ yếu thông qua hai phương diện, tư tưởng và tổ chức.

Tư tưởng thể hiện qua cương lĩnh của Đảng, nghị quyết của trung ương và các cấp bộ Đảng mà từng đảng viên phải quán triệt để thực hiện. Tổ chức có quy hoạch đào tạo, dàn xếp, điều chuyển bộ máy lãnh đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương của Đảng, chính quyền, đoàn thể một cách hết sức chặt chẽ. Ngoài ra còn có nguyên tắc cá nhân phục tùng tổ chức, địa phương phục tùng trung ương. Phương pháp đấu tranh phê bình, tự phê bình là một phương pháp rất có hiệu quả để bảo đảm sự thống nhất ý chí, đoàn kết trong Đảng.

Theo cảm nhận riêng của tôi, vài năm sau 1975, ở các đảng bộ tôi sinh hoạt, phương pháp này được thực hiện tương đối tốt vì các đảng viên đấu tranh thẳng thắn, không khoan nhượng những biểu hiện sai trái, lệch lạc, trong tinh thần gọi là "trị bệnh cứu người" giữa những người đồng chí.
Về sau này khi đã nắm vững quyền lực, với tư thế của một đảng cầm quyền độc tôn, lợi xen lẫn vào quyền, đi đôi với quyền, cấu kết quyền và lợi bắt đầu tạo ra sự suy thoái, sa đọa trong Đảng. Người ta không còn dám đấu tranh phê bình, tự phê bình một cách thẳng thắn, trong sáng mà nể nang, dựa dẫm nhau, "lắng nghe hơi thở của lãnh đạo", kết bè cánh, kèn cựa hại nhau, tranh địa vị quyền lợi. Dù Đảng đã từng cảnh báo "Hãy cảnh giác với quyền lực" nhưng lời kêu gọi này không còn giá trị gì khi một đảng trở thành độc tài toàn trị, quyền lực vô biên đi đôi với lợi lộc tràn trề trong nền kinh tế thị trường hoang dã, kích thích lòng tham vô đáy của con người. Sự lãnh đạo của Đảng lúc này trở thành sự khống chế của một tập đoàn thống trị cấu kết nhau trong quyền và lợi.

Phạm Thị Hoài: Còn với giới trí thức, Đảng lãnh đạo họ thông qua công cụ gì?

Tiêu Dao Bảo Cự: Cũng thông qua tư tưởng, tổ chức. Ngoài cương lĩnh, nghị quyết chung còn có chiến lược phát triển của từng ngành do Đảng vạch ra, được triển khai trong các hội nghị, hội thảo chuyên đề. Trong điều kiện gọi là "Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và triệt để" và trong bộ máy lãnh đạo của Đảng không có nhiều trí thức, sự lãnh đạo này đôi khi khập khiễng, thiếu tầm, khiên cưỡng, áp đặt. Một số hình ảnh được chiếu trên truyền hình làm cho nhiều người xem cảm thấy nhục nhã khi các nhà trí thức hàng đầu của đất nước phải ngồi lắng nghe huấn thị của một cán bộ lãnh đạo Đảng về các lĩnh vực chuyên môn mà trình độ của người đó không đáng là học trò của họ. Đành rằng không có người lãnh đạo của bất cứ quốc gia nào, dù tài giỏi đến đâu, có thể thông thái về hết mọi lãnh vực, tuy nhiên người lãnh đạo đất nước nhất định phải có trí tuệ cao, tầm nhìn chiến lược, lòng hi sinh phục vụ đất nước, mới có thể nói cho người khác lắng nghe.

Phạm Thị Hoài: Ông có cho rằng giới trí thức cần sự lãnh đạo đó không?

Tiêu Dao Bảo Cự: Đặc điểm của giới trí thức là nặng tư duy, thích phản biện và sáng tạo. Nếu lãnh đạo đã đưa ra định hướng cứng nhắc, ràng buộc trí thức thì không những không giúp ích cho sự phát triển của giới trí thức mà còn làm cho họ trở nên thui chột, xơ cứng, thậm chí hèn nhát, tráo trở, gian dối để được lòng lãnh đạo. Điều này đã làm cho sinh hoạt của giới trí thức trì trệ trong nhiều năm qua, tụt hậu rất xa so với các nước khác, trên mọi lãnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục, văn học nghệ thuật.

Phạm Thị Hoài: Và bản thân ông?

Tiêu Dao Bảo Cự: Hiện nay tôi là một người cầm bút tự do, tôi chẳng cần bất cứ một sự lãnh đạo nào. Tôi nhìn nhận, đánh giá mọi việc theo tư duy, trí tuệ và lương tâm của mình. Tôi viết, dù là chính luận hay sáng tác văn học đều hướng về chân – thiện – mỹ, những giá trị có tính phổ quát toàn nhân loại mà tôi có thể thu nhận qua tri thức đông tây kim cổ. Tôi không cần một lý thuyết hay sự chỉ đường của bất cứ ai.

Phạm Thị Hoài: Sự lãnh đạo của Đảng hiện nay có gắn với những nội dung tích cực hoặc cần thiết trong một lĩnh vực nào của đời sống?

Tiêu Dao Bảo Cự: Trên lý thuyết, sự lãnh đạo của Đảng đề cập những vấn đề thiết yếu của đời sống nhưng vì nó chưa xứng tầm với đất nước và thời đại, cố gò vào những lý thuyết giáo điều và tư tưởng đã lỗi thời, mục đích là giữ vững độc quyền lãnh đạo, nên đã làm trì trệ thay vì phát triển đất nước, phục vụ xã hội. Trong tình hình đó, nhiều kẻ bám vào để mưu lợi hoặc theo đuổi những mục đích cá nhân là điều tất yếu.

Phạm Thị Hoài: Theo ông, không có sự lãnh đạo đó, xã hội có rơi vào hỗn loạn, khủng hoảng không?

Tiêu Dao Bảo Cự: Theo một nghĩa rộng, bất cứ quốc gia nào cũng cần có sự lãnh đạo của những người cầm quyền, thông qua chiến lược phát triển quốc gia, các kế hoạch 5 năm, 10 năm… chứ không thể để xã hội vận hành một cách tự do, không định hướng được. Hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, dĩ nhiên Đảng tự cho mình quyền lãnh đạo. Ở đây có hai vấn đề đặt ra:

Một là Đảng có xứng tầm lãnh đạo đất nước không? Không thể chỉ vì "được lịch sử giao phó sứ mệnh" như Đảng vẫn thường tự hào, giao một lần rồi tự cho mình quyền lãnh đạo mãi mãi. Điều này không khác chế độ phong kiến ngày xưa. Ngày trước là "vạn tuế", bây giờ là "muôn năm", một khi chiếm được quyền lực, những người cầm quyền đều tự coi đất nước như của riêng dòng họ, đảng mình một cách vĩnh viễn. Mặt khác, không có sự lãnh đạo hay lãnh đạo sai lầm đều đưa xã hội đến chỗ hỗn loạn, khủng hoảng, gây ra nhiều tội ác, thậm chí đưa đất nước vào họa diệt vong như nhiều bằng chứng lịch sử nhân loại đã cho thấy.

Trong "Thư ngỏ gởi những người cộng sản Việt Nam" viết năm 1996 (đã công bố trên một số phương tiện truyền thông lúc đó và một số trang web sau này), gởi ban soạn thảo cương lĩnh Đại hội Đảng lần thứ VIII, trước khi đề nghị từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, chống thần thánh hóa lãnh tụ, thực hiện tự do dân chủ và đa nguyên chính trị, thực sự đoàn kết và hòa giải dân tộc, điều đầu tiên tôi đề cập là trưng cầu ý dân về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trước đó nữa, khi còn là đảng viên, tôi cũng đã có lần phát biểu điều tương tự trong một hội nghị của Đảng. Những người cầm quyền hiện nay chưa đủ bản lĩnh và thiện ý để làm điều này. Đó cũng là một trong những lý do làm tôi trở thành một trong hai người đầu tiên bị áp dụng nghị định 31/CP về quản chế hành chính trong 2 năm 1997 – 1999 (người kia là Bùi Minh Quốc).

Hai là bộ máy lãnh đạo quá cồng kềnh, tốn kém. Một đất nước còn nghèo đói mà có tới 3 bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể "ăn" ngân sách nhà nước, chưa kể phải nuôi một lực lượng quân đội và công an hùng hậu, làm sao có đủ tiền của để lo cho nhân dân, phục vụ phúc lợi xã hội. Tinh giản bộ máy là điều đơn giản, quá dễ thực hiện nhưng Đảng vẫn không làm vì không muốn mất quyền và lợi. Ngược lại, nhân dân chẳng ai muốn phải gánh oằn lưng bộ máy cồng kềnh nặng nề này bằng mồ hôi, nước mắt của mình.

Phạm Thị Hoài: Theo ông, đảng viên có quyền và có nên phủ nhận độc quyền lãnh đạo của Đảng không?

Tiêu Dao Bảo Cự: Đảng viên phải tuân thủ điều lệ và những nguyên tắc, quy định của Đảng. Điều này được áp dụng cho bất cứ tổ chức Đảng nào, nếu ai không muốn, đừng gia nhập Đảng. Tuy nhiên chuyện độc quyền lãnh đạo, "tuyệt đối không chia sẻ quyền lãnh đạo cho ai khác" trong khi mình chẳng phải là những người ưu tú nhất, cho thấy một ý thức chiếm hữu hẹp hòi, vì quyền lợi riêng của cá nhân và Đảng chứ không phải vì quyền lợi của nhân dân, đất nước, ngược với mục đích, tôn chỉ của đảng. Do đó tôi nghĩ đảng viên nào thực sự có lý tưởng vì dân vì nước không thể không đặt ra vấn đề này.

Thực tế, đa số đảng viên hiện nay đều gắn bó với Đảng vì quá khứ, lợi quyền nên dù thấy Đảng sai lầm vẫn không công khai phản bác hay có phản bác nhưng vẫn tiếp tục ở trong Đảng, hưởng lợi quyền do Đảng mang lại. Rất ít người từ bỏ Đảng hoặc phê phán Đảng một cách triệt để (nhưng hiện tượng này đang có xu hướng ngày càng tăng). Nếu không có nhiều đảng viên như thế, Đảng sẽ đi vào thoái trào trong giai đoạn gọi là "tham quyền cố vị", xa lạ với lý tưởng tốt đẹp mà Đảng vẫn tuyên truyền.

Phạm Thị Hoài: Nếu được khôi phục đảng tịch, ông sẽ làm gì?

Tiêu Dao Bảo Cự: "Guồng máy khi vận hành đã đè bẹp mọi lương tri hay lương tri không có chỗ trong guồng máy. Guồng máy đã trở nên vô hồn theo đà quay của nó. Mỗi người chỉ là một bộ phận, một chi tiết, một đinh ốc. Đinh ốc nào rơi ra như tôi sẽ bị nghiền nát. Không có sự phản kháng chống đối trong guồng máy vì như thế sẽ làm nó tê liệt. Chỉ có cách phá vỡ tung và làm lại theo cấu trúc mới. Có phải như vậy không?
Đúng ra tôi không nên vào Đảng. Tôi là một kẻ yêu tự do, muốn tung trời lướt gió, làm sao có thể ở trong một Đảng được. Đảng là một tổ chức, một phương tiện, tập hợp sức mạnh, ý chí và hành động của nhiều người để đạt đến một lý tưởng chung. Nhưng khi lý tưởng chung đã không còn, Đảng sẽ trở thành tù ngục và là nơi thanh toán lẫn nhau. Đảng phải thuần nhất, nếu không Đảng sẽ mất sức mạnh dù đó là sức mạnh mù quáng. Những người lãnh đạo Đảng hiểu rất rõ điều đó.

Đảng cầm quyền lại có thêm yếu tố quyền lực và quyền lợi gắn kết các thành viên. Sau bao nhiêu tổn thất, mất mát trong đấu tranh, khó ai có thể từ chối những yếu tố mới đầy hấp dẫn và lạc thú, có sức lôi cuốn mạnh hơn cả lý tưởng ngày xưa. Điều này giúp tôi hiểu thêm bản chất của con người và tính chất của guồng máy này. Lý tưởng và quá khứ với những tủi nhục và vinh quang đã ràng buộc họ vào một tổ chức, quyền lực và quyền lợi đã cố kết họ trong guồng máy.

Guồng máy này dị ứng với những người và cách phản ứng như tôi."

Trên đây là một đoạn trích ở chương 3 nói về guồng máy trong cuốn sáchMảnh trời xanh trên thung lũng (NXB Văn Mới, Cali, Hoa Kỳ 2007), viết về suy nghĩ và tâm trạng của tôi sau bị khai trừ Đảng. Trước đây tôi vào Đảng trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt để cùng với những người đồng chí hướng chiến đấu có hiệu quả trong một tổ chức. Bây giờ mọi chuyện đã rất khác, quá khác ngày trước, và với tình hình của Đảng như đã phân tích trên, tôi còn vào Đảng hay trở lại Đảng để làm gì?

Phạm Thị Hoài: Ông có tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tự chuyển mình thành một đảng dân chủ, từ bỏ chế độ toàn trị và cùng các đảng phái khác chia sẻ trách nhiệm điều hành đất nước?

Tiêu Dao Bảo Cự: Đảng Cộng Sản Việt Nam có khả năng thích nghi rất lớn. Lịch sử Đảng cho thấy Đảng đã nhiều lần đổi tên, thay đổi đường hướng chiến lược để tồn tại và phát triển. Đảng cũng thấy rõ xu hướng hiện nay của toàn nhân loại là xu hướng dân chủ, nhưng Đảng sẽ không tự nguyện chuyển hóa về phía dân chủ vì như thế sẽ mất độc quyền lãnh đạo, có nghĩa là mất nhiều quyền lợi. Tuy nhiên xu thế lịch sử không cho phép họ tiếp tục giữ mãi độc quyền. Xu thế lịch sử ở đây không hiểu chung chung mà là ý thức dân chủ và tinh thần phản kháng của người dân ngày một lên cao, cộng với sức ép của quốc tế trên đường hội nhập. Đảng sẽ phải chuyển hóa nhưng tốc độ chuyển hóa tùy thuộc vào tác động nói trên và với sự tính toán, chuẩn bị chu đáo bằng nhiều thủ thuật, làm thế nào vẫn chiếm thế thượng phong, ít ra là thời gian đầu, trong cuộc chơi dân chủ không thể tránh được. Dù sao đó cũng là kịch bản tương đối ít gây xáo trộn, mất mát. Nếu Đảng vẫn khăng khăng quyết giữ độc tài toàn trị, đến một lúc nào đó, khi người dân không thể chịu đựng nổi, nhất định bạo loạn sẽ nổ ra, Đảng và nhân dân đều chịu tổn thất rất lớn. Trách nhiệm trước lịch sử về thảm kịch đó thuộc về Đảng.

Đối với riêng tôi, điều mong chờ lớn nhất là sự tỉnh thức, can đảm đứng lên làm chủ của người dân, đại bộ phận nhân dân, mà đi đầu là tầng lớp tinh hoa và giới trẻ. Điều này cần có thời gian. Nhưng thời gian kéo dài cũng có nghĩa là chịu đựng và khổ đau kéo dài.

Phạm Thị Hoài: Cảm ơn ông Tiêu Dao Bảo Cự.
______________

© 2012 pro&contra

Thống Nhất Đất Nước


Thống Nhất Đất Nước

Trần Khải

Thống nhất đất nước là một cơ hội tuyệt vời, nhưng cũng là lúc cần nhìn lại cội rễ của những gì đã làm hư vỡ những cơ hội hàn gắn. Việt Nam đã thống nhất đất nước, nhưng 36 năm qua vẫn còn những vết thương chưa hàn gắn. Trong khi đó, nhiều nước khác vẫn còn chia đôi, cũng vẫn là một nối dài của cuộc chiến chủ nghĩa, như Trung Quốc và Đài Loan, như Nam Hàn và Bắc Hàn.

Nhưng tại sao lại chia cắt? Hẳn nhiên là vì chính thể dị biệt – không phải vì những gì ngoạị tại, hay vì sức ép quốc tế, hay vì đế quốc nào chiếm đóng, mà chỉ vì hai chế độ Đài Loan và Trung Quốc không sống chung nổi với nhau, cũng như Nam Hàn (còn gọi là Hàn Quốc) và Bắc Hàn (còn gọi là Triều Tiên) không thể chăn gối với nhau được. Đơn giản là như thế.

Mới tuần naỳ, Tổng Thống Mã Anh Cửu của Đài Loan nói rằng cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống trong tháng này của Đài Loan là 'món quà tuyệt vời nhất' của đảo quốc tặng cho TQ, ca ngợi rằng khả thể cho cuộc bầu cử đa đảng sẽ mở đường cho dân chủ tại Hoa Lục.

Bản tin AFP ghi nhận rằng họ Mã nói hàng trăm triệu dân TQ ở lục điạ đã xem trực tiếp cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng Thống Đài Loan trên TV tháng trước lần đầu tiên qua mạng Internet.

Cuộc bầu cử đa đảng ở Đàì Loan, theo lời họ Mã qua một bản văn gửi từ Phủ Tổng Thống, có thể gợi cảm hứng cho những người yêu dân chủ TQ. Văn thư này viết, "Bầu cử ôn hòa, một dấu hiệu của dân chủ cắm rễ và nở hoa trái trên đất của một cộng đồng người Hoa, sẽ làm cho họ cảm thấy như thế cũng sẽ xảy ra ở lục địa. Tôi tin đó là món quà tuyệt vời nhất từ chúng ta trao tặng lục địa."

TQ và ĐàI Loan chia đôi theo 2 chính thể từ khi kết thúc nội chiến năm 1949, nhưng Đảng CSTQ chiếm lục địa và liên tục đòi sáp nhập Đaì Loan kể cả bằng chiến tranh nếu cần thiết. Tuy nhiên, trong khi Bắc Việt xua quân vào chiếm Miền Nam Việt Nam, hy sinh nhiều triệu người để chiến thắng, dẫn tới thống nhất VN, thì Bắc Kinh vẫn không còn nhân đạọ với những người cùng Hán tộc của họ, không hoặc chưa nỡ dùng bạo lực để 'nhai xương, uống máu quân thù' như Ông Hồ từng bắt nhịp bài quốc ca để ra lệnh vào Nam.

Một dấu hiệu cũng bất ngờ khi Triều Tiên dịu giọng, không còn kiểu sử dụng ngôn ngữ hung hăng với Nam Hàn kiểu như Bắc Việt từng dùng bạo hành bằng ngôn ngữ với Nam Việt. Đặc biệt, trong khi một thời hỗ trợ Bắc Việt xua nhiều triệu quân vào chiếm Miền Nam VN, thì Bắc Hàn bây giờ lại 'kêu gọi hòa giải, thống nhất dân tộc' với Nam Hàn.

Bản tin của thông tấn TTXVN từ Hà Nội, ngày 26/01/2012, viết:
"Ngày 26/1, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đã đăng bài kêu gọi hòa giải và thống nhất dân tộc.
Bài báo nhấn mạnh hòa giải và thống nhất dân tộc là một tài sản quý báu để tạo nền tảng vững chắc cho sự tái thống nhất và thịnh vượng, đồng thời khẳng định sự khác biệt về hệ tư tưởng giữa hai miền Triều Tiên sau khi bị chia rẽ bởi các thế lực bên ngoài không bao giờ là nguyên nhân và điều kiện khiến dân tộc Triều Tiên không thể đạt được sự hòa giải và thống nhất.
Bài báo nêu rõ:"Thúc đẩy hòa giải và thống nhất dân tộc là con đường quan trọng quyết định số phận dân tộc một cách độc lập và hòa bình nhờ các nỗ lực thống nhất của người dân Triều Tiên."
Trước đó, ngày 1/1, ba tờ báo hàng đầu của Triều Tiên, gồm Rodong Sinmun, Joson Inmingun và Chongnyon Jonwi đã cùng đăng một bài xã luận nhân dịp Năm mới 2012 kêu gọi đạt được bước ngoặt trong nỗ lực hoàn thành sự nghiệp tái thống nhất dân tộc."(
hết trích)

Tuyệt vời, hóa ra Phương Bắc giết Phương Nam, bỏ tù và bắt đi cải tạo chỉ là chuyện của Đảng CSVN và của 'Bác Hồ vĩ đại,' còn Bắc Kinh và Bình Nhưỡng không nỡ xua quân tàn sát Đàì Loan và Nam Hàn bao giờ?

Nhưng có thực rằng có cần chiến thắng 1975 hay không?
Báo Giáo Dục Việt Nam hôm Thứ Tư 25/1/2012 có bài phỏng vấn nhan đề "Đại tướng Lê Đức Anh: 'Bệnh thành tích thực chất là bệnh giấu dốt'" đã ghi nhận lời ông Tướng từng là Chủ Tịch Nước VN từ 1992 tới 1997, trích:
"PV: Theo như ban đầu ông có nói, bệnh thành tích đã dẫn đến chất lượng giáo dục không cao và xuất hiện nhiều tiêu cực trong thi cử. Xin đại tướng có thể nói rõ hơn về căn bệnh thành tích?
Đại tướng Lê Đức Anh: Bệnh thành tích trong giáo dục nói cho nhẹ chứ thực chất là bệnh nói dối và giấu dốt. Mà những người nói dối thì không thể tiến bộ được. Căn bệnh này lây cho cả gia đình và xã hội. Tôi đã dạy con tôi, trong việc gì cũng cấm được nói dối một câu. 
Việc chúng ta năm nào cũng nói đến việc thắng Pháp, Mỹ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc thì có đúng không? Theo tôi là chưa đúng. Pháp, Mỹ đều là các siêu cường cả về khoa học, kỹ thuật, quân sự đến Liên Xô thắng được phát xít Đức cũng phải nể.
Thời điểm đó, mình thắng Mỹ làm sao được, mình là một nước nông nghiệp lạc hậu, chưa có vũ khí gì hết, không làm ra được 1 chiếc ô tô, xe máy. Đó là chúng ta bảo vệ được độc lập và Pháp, Mỹ phải rút quân. Sự thực như thế nào nói như thế, không được nói dối..."(
hết trích)

Không làm nổi một chiếc xe đạp mà tự hào là xua quân vào Nam tàn sát anh em? Hình như Bắc Hàn cũng không làm nổi một chiếc xe đạp, nhưng không hề xua quân vào đòi giảỉ phóng Seoul, không hề đưa quân ra xua đuổi 28,500 lính Mỹ còn trú đóng trên lãnh thổ Nam Hàn... Có phải thế không? Và bây giờ Triều Tiên xin hòa giải với Hàn Quốc? Trời ạ, sao Triều Tiên lại nhân đạọ thế? Sao không theo gương Hà Nội vĩ đại để đánh tan 'bọn ngụy Seoul'? 

Hay có phảỉ, Bắc Hàn đang suy nghĩ, 'Đầu hàng Mỹ có phải hay hơn không?'

Bởi vì, sau khi Đức Quốc Xã đầu hàng đồng minh, và chia đôi thành Tây Đức và Đông Đức.... để rồi Tây Đức trở thành một cường quốc, thịnh vượng tới nổi dân Đông Đức rủ nhau chạy qua tỵ nạn không thôi.... thế là Đông Đức phải xây bức tường Bá Linh chận lại.

Tương tự, Nhật chịu nổi nhục đầu hàng khối đồng minh do Mỹ lãnh đạọ năm 1945, và bây giờ Nhật trở thành một siêu cường kinh tế, để cho khối dân dưới sự cai trị của 'nhà nước CSVN chiến thắng' phải rủ nhau sang Tokyo làm thuê...

Phảỉ chi ông Hồ tuyên bố đầu hàng Mỹ, thì bây giờ đất nước đông dân hơn, tiết kiệm rất nhiều xương máu. Phải chi Hà Nội đầu hàng và chịu sự chiếm đóng của Mỹ như Tây Đức và Nhật thì bây giờ VN có thể cường thịnh hơn Hàn Quốc, nơi bây giờ 28,500 quân Mỹ vẫn còn 'chiếm đóng' chưa chịu rờì bỏ.

Ông Lê Đức Anh nói đúng ở chỗ, VN không làm nổi một chiếc xe đạp, và nhờ quân Mỹ chịu lui về, rời bỏ VN. Nhưng bây giờ thì VN có thể đã làm được xe đạp rồi cơ mà. Vậy mà sao cứ bị Trung Quốc lấn đất, lấn biển mà không thấy ai đòi 'nhai xương, uống máu' quân Tàu, kể cả đòi đối phó những tàù Hải Giám TQ đang hung hãn cướp bóc ngư dân Việt.

Không lẽ xương máu mấy triệu người Việt kể như là chết oan uổng hay sao? Để rồi, TQ và Đàì Loan bắt tay hòa giải, trong khi Triều Tiên và Hàn Quốc ngồi họp về thống nhất đất nước.

Nhật ký mở đầu năm Nhâm ... Rồng



Nhật ký mở đầu năm Nhâm ... Rồng

Tô Hải

...Bốn năm qua với hơn hai trăm entries tung lên mạng, tôi chưa bao giờ nghĩ mình là "trí thức phản biện" mà chỉ là một người đã từng sống và trải nghiệm, dưới bốn chế độ mà góp ý với đời: Hãy sống tử tế, đừng lừa dối, lợi dụng nhau…Càng không nên hãm hại, giết hại nhau kể cả giết nhau bằng chữ nghĩa thánh hiền!...
Vậy mà...

-------------------------

Mồng 6 Tết

XIN THÔI ĐI CÁC VỊ TRÍ THỨC KHẢ KÍNH CỦA TÔI! 

Thật là không vui tí nào khi gõ bài đầu năm lại phải đề cập đến cái chuyện "xưa như trái đất" này. Nhất là phải nói chuyện với các vị mà cái "trí" và cái "nhận thức" của các vị hơn tôi cả hàng tạ, hàng tấn hiểu biết và bằng cấp… 

Còn tôi, một lão già cả đời chỉ biết có "viết lách những gì người ta bảo phải viết", viết để tồn tại, nên chẳng dám nhận có một "thành quả lao động trí óc" nào phục vụ cho đời sống của con người Việt Nam ta "trăm năm vẫn…khổ, nghèo, mất tự do như xưa cũ". 

Tôi chỉ mới "mở mắt ra chào đời" lần 2 từ ngày quyết tâm rời bỏ mọi vinh quang phù hoa bằng dăm ba chữ nói thẳng nói thật, cái mình "nghĩ" và "cảm" về cả hơn nửa thế kỷ cam tâm làm một kẻ hèn "nói dối lem lẻm, nói dối không biết ngượng" (Nguyễn Khải) của mình để tồn tại, và sẵn sàng chịu "đòn thù" với những bài gọi là "góp ý" hay "phản biện" những gì đang diễn ra không có lợi cho dân mình rồi chẳng biết gửi cho ai, đành tung lên mạng…

Bốn năm qua với hơn hai trăm entries tung lên mạng, tôi chưa bao giờ nghĩ mình là "trí thức phản biện" mà chỉ là một người đã từng sống và trải nghiệm, dưới bốn chế độ mà góp ý với đời: Hãy sống tử tế, đừng lừa dối, lợi dụng nhau…Càng không nên hãm hại, giết hại nhau kể cả giết nhau bằng chữ nghĩa thánh hiền!...

Vậy mà, những ngày nghỉ Tết con Rồng này…Báo chí lề phải nghỉ để nhân viên đi tiêu cho hết tiền thưởng hàng chục, hàng trăm triệu đồng tiền thưởng công phục vụ, thì…báo chí lề trái…lại loạn cào cào lên cái chuyện trí thức, trí ngu, trí ngủ…Ông này, bà nọ …đội cho nhau những cái nón khá nặng kí.. Nào là "kẻ phản biện trung thành", "kẻ lạc quan vô tận", "người "giải phẫu thẩm mỹ cho chế độ" . Riêng về bài phỏng vấn của Tuổi Trẻ với giáo sư trẻ NBC thì..ôi thôi! Đủ thứ phê đủ thứ …"tếu táo luận", "Gấu luận" cho đến những bài lý luận chính thống, cổ điển giảng giải về người trí thức chân chính từ thời ông Marx, đến ông Sartre, Chomsky, Einstein…

Chỉ còn thiếu cái cuộc bút chiến kéo dài về "Nghệ Thuật vì nghệ thuật" và "Nghệ thuật vì nhân sinh" những năm bốn mươi của thế kỷ trước mà có lẽ các nhà trí thức trẻ hôm nay ít nghe, ít đọc, ít thấy…Hoặc những định nghĩa mới nhất về trí thức như "Trí thức là một người luôn dính vào những chuyện chẳng dính líu gì đến mình" hoặc "Trí thức là người luôn mang sẵn trong mình chất men bất phục tùng và phản kháng" thì ….hình như ít ai động chạm vì…cái "tọa độ chính trị" của nhiều người "vào cuộc" xem ra chưa thật được xác định…

Và mình càng lạ hơn là khi thấy hai nhà trí thức cùng sáng lập và quản lý web Bauxite lại phát biểu…khác nhau khi nhận định về cái sự định nghĩa về trí thức và phản biện của giáo sư NBC, "viện trưởng Viện Toán, ba tháng mới một lần chớp nhoáng về Việt Nam"…

Mình chẳng có thời giờ và khả năng để đi vào cái chủ đề "trí thức ông là ai?" đã, đang và còn tranh cãi mãi sau này nhưng chỉ xin góp ý mấy điều trải nghiệm như sau: 

1- Hãy tìm đọc lại tài liệu: Tại sao đối với Einstein, việc hai quả bom nguyên tử mang tên "Little boy" và "Fatman" trong kế hoạch "Trinity" quẳng xuống Hiroshima và Nagasaki, các nhà khoa học đời sau đánh giá ông là "có trách nhiệm nhưng không phải là thủ phạm"? (responsable mais non coupable) do bức thư ông gửi tổng thống Roosevelt tán thành kế hoạch Manhattan?). 

2- Tại sao khi J.P.Sartre giã từ chủ nghĩa cộng sản lại dám công khai lên tiếng: "Tôi phản bội tức là tôi đi tìm một sự trung thành mới" hoặc "Ở tuổi hai mươi, không theo chủ nghĩa cộng sản là không có trái tim, ở tuổi bốn mươi mà vẫn đi theo chủ nghĩa cộng sản là không có cái đầu", và ông đi tìm những chân lý mới, từ chối cả giải thưởng Nobel về văn học 1964 (với cả triệu đô-la tiền thưởng) vì ông phủ nhận luôn những "giá trị cần xét lại" của bản thân ông? 
Và gần đây nữa, ngay ở trong nước, cái gì đã làm Nguyên Ngọc, Sơn Tùng từ chối thẳng thừng giải thưởng Hồ Chí Minh với cả hơn trăm triệu đồng kèm theo?

3- Tại sao khi còn ở "tọa độ chính trị" Tổng bí thư ĐCS Liên Xô, Góocbachev, lại giải thích: "Perestroika và Glasnost là để "Có nhiều chủ nghĩa xã hội hơn"(!) rồi sau đó lại tuyên bố những ý để đời là "Cả cuộc đời tôi đi theo chủ nghĩa cộng sản chỉ thấy toàn là nói dối, nói dối, và nói dối" (nghĩa là cả những gì vừa nói về Perestroika và Glasnost trên "cương vị cũ" cũng là nói dối nốt!). 

4- Riêng ở Việt Nam, xin hỏi tại sao cho tới nay những nhà văn, nhà thơ dám đi thẳng vào hiện thực đau khổ của người dân bị áp bức, nô lệ…những bất công xã hội ngay trong thời kỳ Pháp thuộc, tới nay những "Bước đường cùng", những "Tắt Đèn" những "Giông Tố", "Số đỏ"… của họ vẫn sống mãi với hậu thế, với lịch sử văn học nước nhà? Còn trái lại hàng ngàn, hàng vạn "tác phẩm" dù trao cho những giải thưởng cao nhất nước cũng chỉ biến thành những "bia mộ sang trọng cắm lên một sự nghiệp văn chương đã đến hồi kết thúc"-(Nguyễn Khải)? 
Vậy thì trong giới văn nhân Việt có ai đáng gọi là trí thức không nhỉ? Giới văn, thơ, báo chí, lý luận thì có đấy. Riêng cáí giới Nhạc, Họa, Sân khấu, Điện ảnh thì mấy ai có được cái trí thức của Việt Khang (nhưng tiếc rằng anh chưa phải là Hội Viên Hội Nhạc sỹ VN hay địa phương nào!).

5- Một số trí thức hiếm hoi cũ, có bằng cấp đàng hoàng, từ nước ngoài định góp phần dựng xây đất nước. Nhưng do ăn phải bả bọn tư bản thù địch đã dám ý kiến ý cỏ, phản biện, phản biếc liền bị tống cổ ra khỏi biên chế, bị đưa đi chăn bò ở Ba Vì, phải ngồi sửa xe đạp, bán mọi công trình khoa học như giấy lộn kiếm tiền đong gạo,..Hạ nhục họ đến mức đó mà tại sao họ vẫn cắn răng, chịu đựng…mãi đến chết mới để lại vài lời trăn trối qua ít dòng vẫn đầy chất văn hóa mà cũng phải viết ở nước ngoài, viết bằng ngoại ngữ???!!!
- - - - - - -

6- Có thể kể ra hàng trăm mẩu chuyện cụ thể nữa để thấy được:

1-Không kể những loại trí thức dỏm, ngay trí thức thứ thiệt cũng chẳng ai giống ai….Bắt họ phải thế này, phải thế nọ lại rơi vào cái luận điểm quái quỷ "Trí thức nếu không được cải tạo, không vô sản hóa thì không hơn gì cục phân"! 

2-Bởi vì "cái nước Việt Nam này nó chẳng giống ai" nên trí thức nước mình nó lại càng chẳng giống ai cả trên cái hành tinh trái đất này! Phân biệt thế nào là trí thức "dấn thân" với nhau đã khó huống hồ so sánh họ với bọn trí thức "kệ mẹ sự đời", "việc tao, tao làm, chẳng hơi đâu mà dính vào những chuyện không phải của tao!"... 

Chưa kể bọn trí thức ngày xưa hăng hái "dậy mà đi", bọn "muốn là chim xin hãy là bồ câu trắng, bọn muốn làm hoa hãy làm hoa hướng dương,…muốn làm người hãy là người cộng sản"…đến hôm nay, được tí quyền lợi, tí chức vụ cỏn con bỗng véo von, kính cẩn, ghi, ghi, chép, chép những giáo điều "chỉ đạo" sáng suốt của những tên cha căng chú kiếc nào bỗng dưng ngồi trên đầu trên cổ mình giảng đạo mà đã không thấy nhục, lại còn luôn mồm "Dạ! những điều anh, chị dạy làm chúng em sáng ra!" Những loại "trí thức" đó, dù có treo trước ngực cả chục tấm bằng tiến sỹ đi nữa, thì theo mình, xin mượn lời bác Mao chế Tùng mà gọi là đúng nhất: "Bọn cục Phân!". 

3-Riêng cái "số đông im lặng" trong giới trí thức Việt thì cũng chẳng nên lấy câu của Mác "Chỉ có loài súc vật mới không biết đau nỗi đau của đồng loại" ra để kích động lương tâm họ làm gì nhất là cái giới trí thức được "trồng" cả hơn nửa thế kỷ nay trong hệ thống tư tưởng Mác-Lê, sống và trưởng thành trong cái cơ chế Mác-Lê thì….dù có thấy được cái gì sai trái mười mươi đi của cái cơ chế mà nhờ nó, họ được thụ hưởng cả danh vọng lẫn quyền lợi, nên sức mấy mà có ai dám "mở miệng",…

Cho nên, có ai đó nói được một câu như "một xã hội không có phản biện là một xã hội đã chết lâm sàng…" thì dù sau đó có nói vài điều chưa hay ho lắm, tưởng cũng nên "cho qua" với cái kết luận mà tớ đã từng kết luận về mấy nhà tiến sỹ Việt Kiều nổi tiếng mà mình đã có dịp tiếp xúc rằng: Họ chỉ giỏi về cái họ được học để trở thành giỏi mà thôi! Riêng với mình, họ vẫn là "những chú bé thần đồng cực kỳ ngây thơ và..ngốc nghếch!" đến hết đời! Giận họ và chụp cho họ những cái mũ "con cừu", hoặc "phản biện trung thành"…rồi giảng giải cho họ về trách nhiệm của người trí thức phải thế nào…v v..là điều quá không cần thiết. Chưa chừng lại rơi vào cái bẫy "chia để trị", "gây mâu thuẫn nội bộ" hoặc làm "lạc hướng chú ý" những vấn đề nóng hổi, sát sườn,thậm chí cháy nhà, chết người đến nơi mà cứ phân với tích mãi về cái mà mình chưa hay không đồng ý! (như Vụ anh Đoàn văn Vươn bị cướp hết thủy sản dưới đầm, vụ biểu tình đòi ruộng đất bị công an đánh chết người ở Bắc Giang, việc đang triển khai Nhà máy điện hạt Nhân ở Ninh Thuận,…chẳng hạn)

Tiện đây, mình cũng ghi lại hai trường hợp mình đã thoát khỏi cái sự huyễn hoặc và đòi hỏi ở những nhà trí thức thứ thiệt : 

a-/ Đầu những năm 70 thế kỷ trước, do được dự một bữa cơm gia đình bên vợ của tiến sỹ sử học Việt kiều nổi tiếng LT Kh, mình đã trao đổi với con người mà mình rất kính trọng này mọi vấn đề có thể trao đổi. Và thật ngạc nhiên: Ông ta cái gì cũng "Ồ! À"! Thế à?" hoặc "Tôi không để ý", "Tôi không biết", "Tôi không có thời giờ", "Tôi bận quá!"…Nhưng đến khi hỏi đến câu: "Là người nghiên cứu lịch sử thế giới, ông nghĩ gì khi người ta đang viết lại "Lịch sử Đảng Cộng Sản Liên Xô sau Đại Hội Đảng lần thứ XX vạch trần tệ sùng bái cá nhân Staline?..." thì mình thật là thất vọng khi được trả lời: "Có thế à? Tôi không để ý đến politique! cho nên không nghiên cứu gì về cái khối cộng sản cả !?... 
Thế đấy! hai bằng tiến sỹ sử học mà quan niệm lịch sử không dính líu gì đến politique thì nghiên cứu cái gì nhỉ?

b-/ Một ngày xuân năm 73, 74 gì đó, mình cũng có dịp nói chuyện (bằng tiếng Tây) với vị Bộ Trưởng Y Tế Chính Phủ Lâm Thời C.H.M.N.V.N cùng chồng tại nhà một người bạn, cũng Bác sỹ ở B ra.

Có cái mẩu đối thoại này mà mình nhớ mãi: "Bà đã vào Đảng Cộng Sản? -mình dùng hẳn chữ communiste chứ không dài dòng với cái tên "Nhân dân cách mạng Miền Nam" -vì biết bà thừa hiểu vào Đảng là Đảng gì rồi.

Bà nhún vai: "Rồi! Cũng như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát…thôi!"

Mình thử một cú nữa: "Vậy bà tin chủ nghĩa cộng sản sẽ toàn thắng trên trái đất này?"

Bà vội cắt ngang "Non! Non! Nhưng ở Việt nam này chỉ có cộng sản mới giải phóng được đất nước"…Cho nên Cộng Sản chỉ là "phương tiện", Giải phóng đất nước mới là 'Mục tiêu"! Sau khi có Miền Nam, Cộng Sản sẽ phải nhường cho một giai cấp ưu tú (bà dùng chữ "élite") trong giới kỹ trị (bà dùng chữ "technocrate") dựng xây đất nước!

Tới đây thì mình ngồi im mà suy nghĩ về cái "trí" và cái "thức" của biết bao người. Mình chẳng dám nhận là trí thức nhưng lại có cả một quá trình trải nghiệm đắng cay, đau khổ mới thấy ra được mình đã "đi lạc đường" vì những suy nghĩ sai lầm y hệt bà cách đó cả ba chục năm….Bây giờ lại đến bà. Bà sẽ phải trả giá cũng như mình đã trả giá thôi! …Và quả nhiên,…số phận của bà ra sao thì sau đó cả thế giới đều biết! 

Tới đây, mình xin phép kêu gọi tất cả các cây bút lề trái: 

1-/ Hãy tôn trọng và bao dung hơn đối với những ai đã từng có lần dám mở miệng phản biện những gì xét thấy là bất công, là vô lý, là coi thường mạng sống, số phận người dân, nhất là đối với việc bảo vệ chủ quyền đất nước, kể cả xuống đường biểu tình (dù chỉ một lần rồi thôi) 

2-/ Hãy tin rằng: Trong số "trí ngủ" đang chiếm đa số đó, không thiếu những người chỉ cần một ngọn lửa kích hoạt nhỏ cũng không ngại sắn tay áo làm bốc lên một đám cháy lớn… 

3-/ Nếu cần vạch mặt chỉ tên thì hãy đánh thẳng vào bọn "trí trá" cho đến hôm nay vẫn không ngừng rêu rao: Bọn chúng là đỉnh cao trí tuệ của con Lạc cháu Hồng . 

Mong các vị trí thức thứ thiệt hãy chiếu cố đến cái tuổi già 86 của tôi mà miễn trách cho cái lão già này chắc đang..."gở chết"! 

Xin đừng bắt ai cũng phải "xung phong!" trong khi trong tay họ chỉ có cái bút, cái nồi, cái xoong, cái chậu để đuổi con voi dữ đang hung hăng tàn phá vườn nhà!

Tô Hải

http://tohai01.multiply.com/journal/item/101/101

Việt Nam sau 3 ngày Tết

        
   Văn Quang - Từ Sài Gòn, ngày 26.01.2012

Việt Nam sau 3 ngày Tết

Tôi viết bài này vào ngày mùng 4 Tết Nhâm Thìn. Một cái Tết nữa vừa qua đi trong cuộc đời, tùy theo tuổi tác, có thể cho là "cuộc đời ngắn ngủi" đối với những ông già trên 60-70 tuổi, cuộc đời sẽ còn "dài lê thê" đối với các bạn trẻ mới bước chân vào đời. Nhưng dù ngắn hay dài, chúng ta cũng phải bước qua những cái Tết và những mùa xuân. Tết có thể vui ở nơi này, buồn ở nơi khác. Song dù sao cũng là một cột mốc đánh dấu từng bước chân ta đã đi qua. Cột mốc ấy trước hết là số tuổi chúng ta mang theo cứ lớn dần lên và mang theo vô vàn điều đã học được, đã cho đi. Có hạnh phúc và có khổ đau. Những điều đó làm nên cuộc sống của mỗi người. Mỗi lần Tết đến, chịu khó nhìn lại 365 ngày, ta đã làm được gì, điều nên làm và điều nên tránh, chắc chắn chúng ta sẽ có  nhiều kinh nghiệm để đi vững vàng đi tới trong những ngày tháng tiếp theo. Tôi hy vọng bạn đọc đã vừa trải qua những ngày Tết như thế ngoài những niềm vui "theo thông lệ, theo truyền thống" với những lời chúc và những bình hoa.

Tết tiết kiệm nhất trong những năm vừa qua
Ở Việt Nam, Tết năm nay cũng có đầy đủ những con đường hoa, những hội hoa xuân và những cuộc vui ngoài đường phố. Nhưng thực sự người dân đón Tết, vui xuân với tâm trạng như thế nào? Là một người dân, sống trong chung cư, một tầng lớp chưa thể gọi là trung lưu và cũng không hẳn là nghèo mạt rệp, tôi nhận định theo ý kiến của đa số người dân quanh khu vực này. Có thể nói năm nay là một cái Tết tiết kiệm nhất so với những năm trước đây. Đấy là kể từ "thời mở cửa" chứ không so sánh với những năm "thời bao cấp" cái gì cũng phải xếp hàng, mua theo tem phiếu từng ký gạo. Hãy nhớ lại câu "ca dao" rùng rợn này: "Một yêu anh có may ô. Hai yêu anh có cá khô ăn dần". Dân VN, nhất là dân Sài Gòn, sợ cái thời ấy lắm rồi, xin đừng nhắc lại.
 
 
Hình ảnh kinh hoàng của một thời bao cấp. Dân Sài Gòn sợ lắm rồi

Trước hết, muốn nói đến đời sống của người dân, vấn đề đầu tiên phải kể đến là giá cả. Hầu  như ai cũng biết rằng giá mọi mặt hàng sinh hoạt hàng ngày trong dịp Tết đều tăng.

Bác Bảy Bù Loong đã than thở trên báo: "Giá cả lên, chẳng có gì là lạ hết. Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, dân tình có khóc kêu trời cũng từng đó chuyện và cũng chẳng có gì lạ. Cái lạ là ở chỗ nghe có QUỸ BÌNH ỔN GIÁ mà không biết ở đâu?".

Còn bác Công Lý nhận định: "Thói xấu của những người bán hàng trong những ngày tết và sau tết là lên giá. Lên rồi là khỏi xuống luôn. Chính những tật xấu này giá cả mỗi năm mỗi tăng, làm cho đời sống trở nên khó khăn hơn. Họ không ý thức được rằng việc làm nhất thời có lợi cho bản thân mà quên cả cộng đồng xã hội. Thật đáng trách và cần xử lý triệt để, bỏ đi vấn nạn này cho xã hội và nền kinh tế cả nước. Đây là những lúc rất cần đến lực lượng quản lý thị trường, mà xem ra lúc cần thì chẳng thấy ai làm việc".

Thế nên mọi gia đình từ tầng lớp trung lưu trở xuống đều tự thắt lưng buộc bụng, trong "ngân sách" chi tiêu của từng gia đình đã tự động rút bớt đôi ba khoản chi có vẻ "xa xỉ phẩm". Năm trước mua 3 bó hoa thì năm nay bớt 2 hoặc ít ra là một bó hoa đắt tiền nhất. Năm trước mua 1 cân thịt, ba cân cá thì năm nay bớt xuống còn một nửa thôi. Vì thế các chợ hoa từ chợ hoa lớn như các công viên 23-9, Mạc Đĩnh Chi đến chợ hoa nhỏ lề đường đều ế ẩm dài dài. Cho đến ngày cuối năm, trên một số lề đường, những chậu hoa bày la liệt, đại hạ giá, có khi chỉ còn bằng 1/10 giá hai ngày trước.

Mua hoa vào ngày tàn chợ.
 
Cảnh tàn chợ hoa đông hơn những năm trước
Năm nay số người chờ đến ngày "tàn chợ" cuối cùng mới đi mua hoa đông gấp đôi gấp ba những năm trước. Bà con xúm đông xúm đỏ quanh các chậu hoa còn tươi nguyên, mới hôm trước giá vài trăm ngàn, hôm nay xuống giá còn chừng năm bảy chục cho đến trăm ngàn là cùng. Vậy mà những người mua vẫm "dìm giá", nhất định chỉ trả phân nửa thôi, bởi dân Sài Gòn nắm được yếu huyệt của các chủ vựa từ "lục tỉnh" lên, phải bán tống bán tháo lo về quê ăn Tết cho kịp đêm giao thừa. Giá cả cứ xuống dần theo buổi hoàng hôn ngày ba mươi (năm nay thiếu 1 ngày nên 29 đã là 30 tết). Một số người hí hởn mua được chậu hoa đẹp và rẻ chẳng kém gì ông tư sản mua từ 2 ngày trước. Có một số người lại tiết kiệm hơn, chỉ mua vài cành hoa lẻ có giá từ mười ngàn đến vài chục ngàn đồng. Đấy mới là "tầng lớp rách thứ hai".

Mua hoa vào ngày cận Tết với giá rẻ mạt

Còn một tầng lớp rách nữa hoặc "tiết kiệm theo lối ăn không" thì đợi đến  khi việc mua bán đã xong, các chủ vựa, thu xếp đồ đạc ra về, bỏ lại những chậu hoa ế, những cành hoa còn tươi nhưng không chịu bán giá thấp, liền xúm lại nhặt nhạnh hết mang về nhà, có khi còn rộng rãi, chia cho bà con trong xóm.

Dù nghèo cũng cố mua vài bông hoa về chưng Tết

Nhưng năm nay thì khác, tôi đã tận mắt chứng kiến, trên đường Lý Thái Tổ, các ông chủ vựa hoa, dẵm nát bét hết các cành hoa ế đó, không cho dân "mót hoa cuối mùa" mang về nữa. Có người cho là các ông chủ vựa nhẫn tâm không biết thương người nghèo.

Anh nghèo xiết anh rách đề phòng "hậu hoạ"
Nhưng khi tôi mang sự bất bình ấy hỏi một bà chủ vựa thì bà này giải thích: "Bác đừng kết tội chúng tôi là tàn nhẫn vội. Nếu chúng tôi cứ để mấy ông bà này mót hoa thì sang năm sau, số người mót hoa sẽ đông gấp đôi, gấp ba, làm sao chúng tôi bán được nữa. Chi bằng dẫm nát hết, chẳng anh nào mang về được cành nào để sang năm sau khỏi mót. Chúng tôi cũng vất vả cả năm, tốn bao nhiêu mồ hôi công sức chứ hoa có tự nhiên mọc lên đâu. Mấy anh mót hoa còn đứng ngoài bàn ngang, chỗ này đắt, chỗ kia rẻ hơn, hoa này chỉ mang về nhà là héo, không nên mua, làm khách hàng ngần ngại, có khi chúng tôi không bán được dù đã tính giá vốn. Năm nay có nhà lỗ trắng máu chứ chưa có lời. Chúng tôi không muốn nhưng buộc phài làm thế, đề phòng "hậu hoạ" năm sau đấy bác ơi".

Bà chủ vựa hoa nói rất có lý, tôi đành im lặng. Nhưng xét cho cùng thì anh nghèo lại "xiết" anh rách chứ người có tiền đâu có thèm biết đến những cảnh oái oăm này. Không biết năm sau những anh "tiết kiện theo kiểu ăn không" còn có đất hoạt động nữa không.

Giá cả không theo giá "bình ổn thị trường"
Trở về các chợ, cụ thể như chợ Bàn Cờ, giá cả cũng "nhảy nhót" theo điệu nhạc mừng xuân. Không thể tính "bình quân" giá lên bao nhiêu phần trăm. Mặt hàng này hiếm, giá đội lên gấp đôi, mặt hàng kia nhiều giá lên vài chục phần trăm. Nhưng tất nhiên là không có mặt hàng nào xuống giá hết. Từ khi giá điện tăng, giá thực phẩm tăng và hàng Tết tát nước theo mưa, giá tăng vùn vụt. Ngay cả những đống hàng quần áo, giày mũ bày bán "son" vỉa hè cũng tăng. Chiếc áo sơ mi  trước bán hai chục thì bây giờ là 25 ngàn. Đôi giày ba chục đôn lên bốn chục. Cứ thế hàng nào cũng lên giá. Đắt khách nhất ở những cửa hàng này là những công nhân về quê ăn Tết, mua quà về cho bà con họ hàng, mua đại rồi còn bắt xe về tuốt miền Trung. Xe đò thì khỏi nói, giá tăng gấp đôi cũng chẳng có mà đi. Xe lửa cũng vậy, nằm nào cũng "cháy vé". Máy bay chỉ dành cho dân "tư sản", giá của hãng Hàng Không VN cũng tăng chóng mặt. Nhưng rồi thị trường cũng tự "điều tiết" theo nhu cầu khách hàng. Không có chuyện "bình ổn giá" ở đây. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có một chiếc xe của một siêu thị hay một cơ quan nào đó chạy về đầu xóm bán hàng giá bình ổn cho dân, song sự thật là chẳng mấy người mua được. Việc làm tốt nhưng chỉ như muối bỏ biển mà thôi.

Nhìn vào mức chi tiêu, giá cả thị trường trong ba ngày Tết vừa qua, có thể nhận định dân Viêt Nam từ lớp trung lưu trở xuống, ngày một nghèo đi bởi suốt 5 năm liền lạm phát gia tăng, đồng tiền mất giá, tất nhiên "ngân quỹ gia đình" phải hao hụt, đời sống ngày càng khó khăn thêm. Việc tiết kiệm chi tiêu, bớt đi một vài món hàng được gọi là xa xỉ như chưng nhiều hoa cảnh, ăn uống bớt lãng phí, bớt đi lại thăm viếng, bớt biếu xén… Nhưng có những việc vẫn không thể bớt được như mâm cơm cúng ông bà, đốt chút vàng mã cho người dưới âm tiêu Tết, quây quần con cháu cuối năm hoặc đầu năm… Và người VN nào cũng tỏ ra vui vẻ tươi cười trong ba ngày Tết. Đôi khi "Vui thì vui gượng kẻo là. Ai tri âm đó, mặn mà với ai…".

Trên đây, tôi không tính đến thành phần nằm trên giai cấp trung lưu. Bởi đó là những con người khá đặc biệt. Họ làm gì mà  nhiều tiến thế? Câu hỏi không thể trả lời. Có lương thiện hay không, chẳng thể biết. Chỉ biết rằng ở VN còn vô số những vị "đại gia", họ sống khác với mọi tầng lớp trong xã hội. Có khi bất chấp dư luận, chơi được là cứ chơi, khoe được là cứ khoe, kể cả các bà, các cô khoe cả mấy cái hột soàn to như hạt mít trên cái thân hình "núi của" ra cho thiên hạ thèm. Thôi thì hay để họ sống trong cái thế giời riêng của họ, được bao bọc rất kỹ. Ta quay về với thế giới của ta.

Í ới gọi nhau ba ngày Tết
Một số gia đình có nhiều bạn bè, con cháu ở nước ngoài thường "gặp nhau" qua điện thoại. Năm nay giá cước điện thoại ở Mỹ gọi đường dài khá rẻ, nhưng ở VN còn rẻ hơn nhiều. Nếu bạn gọi qua ĐT bàn hay di động, giá còn khá đắt, nhưng nếu bạn gọi bằng thẻ ĐT qua dịch vụ, và gọi qua computer sẽ rẻ hơn rất nhiều. Thí dụ bạn mua thẻ của Dịch Vụ BC ở Sài Gòn, chỉ cần 100 ngàn VN (bằng gần 5 USD) bạn có thể nói chuyện qua Mỹ 400 phút – tức là khoảng hơn 6 tiếng. Gọi qua Pháp đắt hơn song cũng chẳng đáng là bao. Đường điện thoại này rất tốt, bạn có cảm tưởng như đang nói chuyện với một người ở Sài Gòn. Vì thế năm nay người từ nước ngoài gọi về cũng nhiều, người ở VN gọi đi cũng tăng gấp nhiều lần so với những năm trước và alô thoải mái không "xót xa" về thời gian tâm sự đường dài nữa. Vì thế, đường ĐT kẹt liên tục vào đêm 30 và sáng mùng một. Nhiều người bạn tôi không thể gọi được vào những giờ phút "quan trọng" này. Tôi gọi đi ít bị kẹt hơn, nhưng vào những ngày này, các ông bạn tôi ở nước ngoài lại hay vắng nhà nên chỉ để được lời nhắn lại rồi "xù" luôn cho đến sau Tết mới gọi lại. Nhiều hôm, bạn bè, con cháu gọi chúc Tết lu bù, đôi khi nói cả giờ vẫn chưa hết chuyện. Bỏ cái điện thoại ra là nằm thở dốc.

Ở vào cái tuổi tôi, cứ mỗi năm tính sổ, lại vài ông "ra đi". Trong năm 2011 đã ra đi vài ông, sắp đến ngày Tết năm nay, ông Hồng Dương bỗng lăn quay ra, bị xuất huyết não đang nằm ở BV Los Angeles. Một ông bạn khác ở San Jose, có khối u trong phổi, không muốn tiếp xúc với ai. Chẳng biết bệnh tình đi về đâu. Trong năm 2012 này còn những gì xảy ra nữa? Dieu seul le sait!

Nhờ vào mấy cái đài truyền hình và vài tờ báo trên mạng internet, trong nước cũng như ở nước ngoài, chúng tôi thường ngắm bà con mình ở Cali, ở Virginia, ở Úc, ở Canada… qua những "Phiên chợ Tết Việt" ở nước ngoài. Cũng có đủ "thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh". Các bạn ở nước ngoài cũng có thể ngắm nhìn quê hương mình qua ống kính truyền hình. Tuy rằng không đầy đủ lắm, nhưng cũng nhìn thấy hình ảnh nét truyền thống quê hương. Thế cũng là đủ.

Với hơn 9 tỉ đô la từ nước ngoài chuyển về VN trong năm nay, chúng ta biết rằng, trong số đó phần lớn là của thân nhân ở nước ngoài gửi về cho người còn ở VN. Quả là một con số đáng kể góp phần làm cho nền kinh tế VN vững vàng hơn. Không một doanh nghiệp hay một cơ quan nào làm ra được số tiền lớn như vậy. Chúng ta phải làm gì để ghi nhớ những tấm lòng này? Không biết câu hỏi này đã có ai đặt ra chưa?

Đến thời kỳ của những sòng bài giữa phố.
Theo phong tục cổ truyền "tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc tháng ba rượu chè…" nên ngày Tết mọi nhà thường vui xuân bằng cách đánh bài tại gia. Hồi tôi còn nhỏ thì thường chơi tam cúc, đánh lú. Sau này văn minh hơn, có nhà gồm cả bố mẹ, anh chị em mở bàn mạt chược hoặc tổ tôm, chắn cạ. Nhưng bây giờ ở Saigon ngoài các sòng bài tại gia còn có các sòng bài trên phố. Cũng gọi là vui xuân, nhưng có sòng ăn thua khá lớn mà hầu hết là người lao động chân tay như mấy bác xe ôm, thợ hồ, thợ ống cống, thợ điện… Đôi  chỗ, các bà, các cô và trẻ em cũng tham dự vào trò vui xuân đỏ đen này.
 
Một sòng lắc bầu cua công khai được mở tại chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)

Bắt đầu từ ngày mùng 2 Tết, các sòng bài ở khắp các đường phố, khắp VN bắt đầu nhộn nhịp. Đến nay, 4 tết thì càng nhộn nhịp hơn. Các sòng bài công khai mọc lên khắp nơi. Hầu như "khu phố văn hóa" nào cũng có vài sòng bài, từ quán cà phê đến vỉa hè, từ trong nhà ra ngoài ngã ba, ngã tư, chỗ nào tương đối rộng rãi là có sòng bài. Đủ các loại từ xì dách, bài cào, đến cá ngựa, bàu cua tôm cá. Chỗ thì đánh sòng phẳng, chỗ đánh bịp.

Một nhóm thanh niên hẹn nhau đánh bạc tại một quán cà phê

Theo một chủ sóc bầu cua, do nắm được tâm lý của các anh cảnh sát và mấy cơ quan chức năng, ngày đầu năm mới thường "phe lờ" cho người dân vui xuân. Hoặc nếu có bị bắt thì cùng lắm chỉ bị nhắc nhở, dẹp sòng nên cứ "vô tư" làm ăn ngày Tết. Những người có máu cờ bạc chỉ cần qua vài ván, chủ sòng sẽ đoán được và đưa "con mồi" vào tròng. Ban đầu thì chủ sòng sẽ thả cho ăn rồi sẽ "lột" sạch lại cho đến khi con bạc cháy túi.

Không ít khách qua đường thấy đám đông tụ tập, lại sẵn có máu đỏ đen nên tấp vào "vui xuân" vài ván. Khi "hăng máu" thì số tiền ăn thua với nhà cái lên đến gần chục triệu đồng. Một anh thanh niên than thở: "Lúc đầu tôi cũng tính chơi vài phút xem năm nay có hên hay không, ai ngờ khi chơi không dứt ra được. Đến lúc nghỉ thì thua mất gần 6 triệu đồng. Thế là hết Tết!".

Những cuộc vui xuân này sẽ kèo dài cho tới bao giờ bị dẹp ráo riết sẽ lại chuyển vào một khu nhà nào đó rồi thành sòng bài chuyên nghiệp cho đến khi bị tóm.

Kỳ vọng gì vào năm 2012?
Vừa khép lại năm Tân Mão với những khó khăn chồng chất, người dân cảm thấy "oải" vì đời sống ngày một khó khăn, chỉ nhìn thấy đi xuống, chưa có đường đi lên rõ rệt. Chúng ta đều biết, sau 5 năm lạm phát cao liên tục, sau 5 năm phải chống chọi với giá cả tăng nhanh, với chất lượng sống suy giảm, làm suy giảm cả niềm tin của người dân. Những nghịch lý, bất công, an ninh xã hội chưa có dấu hiệu được cải thiện gây lo lắng trong dân chúng.
 
Bước vào năm 2012, với những dấu hiệu như giá điện sẽ còn tăng theo cơ chế thị trường, thuế giao thông có thể sẽ trở thành gánh nặng cho mọi người, bệnh viện khó có thể ngày một ngày hai chấn chỉnh, những khuất tất về nhà đất, lãi suất kỳ vọng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu, bệnh tham nhũng hoành hành từ dưới lên trên chưa có hy vọng diệt trừ và người chống tham nhũng chưa được bảo vệ đúng mức… Tất cả những căn bệnh kinh niên đó sẽ làm đời sống của người dân khốn khổ hơn. Chính phủ biết rất rõ mối nguy hại căn bản này. Vậy việc còn lại, cũng là điều người dân nóng lòng chờ đợi là biện pháp xử nghiêm, triệt để, đúng người, đúng tội để VN có một bộ mặt mới. Một tờ báo đã viết:

"Hầu hết mọi người đều có tâm lý lo ngại những ngày nghỉ tết kéo dài sẽ tạo cơ hội "chìm xuồng", "đánh bùn sang ao", thậm chí là "đi đêm" chạy  tội... cho những người, những ngành đang có tì vết. Người dân nóng lòng mong muốn các cơ quan chức năng "nhập cuộc nhanh" ngay sau tết."

Chúng ta hãy chờ xem những ngày tháng trước mặt, hy vọng của người dân sẽ đi về đâu. Liệu lạm phát có thể trở về dưới 1 con số và người dân cùng các doanh nghiệp có thể tin vào lãi suất ngân hàng vực dậy nền kinh tế không? Xem ra điều đó rất khó khăn. Chúng ta sẽ bàn đến từng vần đề này trong một kỳ khác./.

Văn Quang