31 October 2012

ĐỌC “9 NĂM THÀNH TÍCH” CỦA CHÍNH PHỦ NGÔ ĐÌNH DIỆM

ĐỌC "9 NĂM THÀNH TÍCH"

CỦA CHÍNH PHỦ NGÔ ĐÌNH DIỆM


ĐOÀN THÊM

(Đổng Lý Văn phòng Phủ Tổng thống Đệ nhất Cọng hòa)

 
(Trích Bán nguyệt san BÁCH KHOA [trang 11]
số 288 Ngày 1-1-1969 – Sài Gòn)

 

Sau vụ oanh kích dinh Độc Lập ngày 27-2-1962, một số người chung quanh ông Diệm không khỏi hoang mang và tỏ ý lo ngại về tương lai chế-độ.

Song một bà con của ông Diệm  cho biết: theo số Tử vi, thì chưa đến nỗi nào đâu, ít ra ông ngồi được 9 năm.

Cuối 1963, tôi chợt nhớ lại câu đó, và cũng thấy … hơi rờn rợn, nên muốn tìm hỏi ông thầy số nào đã tiên đoán như trên, nhưng ông đã qui tiên khá lâu rồi thì phải.

Dù sao, sự lạ lùng kia đã khiến tôi chú ý để nhặt lại một cuốn sách trong đống tài liệu được loại khỏi dinh Gia-Long sau ngày 4-11-1963. Cuốn ấy có bìa màu vàng, dày 942 trang, nhan đề là "9 NĂM THÀNH TÍCH".

9 năm … trong thời gian đó, số mệnh đã đưa tôi lần nữa vào trung tâm của nhiều sự biến thiên, để buộc tôi nhìn và nghĩ. Nên khi giữ lấy sách kia, tôi có cảm tưởng là muốn vớt lại để ôn cố về những gì liên quan mật thiết đến một quãng đời tôi.

                                                                     *

                                                                    * *

Trước 1962, nghĩa là trước khi ô. Nhu chủ tọa hàng tuần Ủy ban Trung ương về Ấp chiến lược, một phương pháp tầm thường nhưng cần thiết đã rất ít khi được áp dụng: kiểm điểm công việc trong mỗi lãnh vực để theo dõi, thúc đẩy, rút kinh nghiệm mà sửa đổi.

Sự kiểm điểm đó chỉ thấy xẩy ra một cách vô hiệu giữa một thiểu số dăm bảy người hiểu biết mà không có trách nhiệm trực tiếp, hay có trách nhiệm mà không đủ thẩm quyền, hoặc chẳng được nói hay được nghe. Dù sao, kết qủa vẫn là những nhận xét với thiện ý vô tư, về những thực trạng có thể giúp ai muốn tìm hiểu khách quan, bên ngòai dụng tâm suy tôn hay đả phá...

Hiện nay, số sách và bài báo viết về ô. Diệm, ô. Nhu đã khá nhiều, nhất là những tác phẩm ngoại quốc, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp: khen chê không thiếu, nhưng thiếu nhiều căn cứ vững chắc, mà khi tìm căn cứ, thì không ai chịu ngó tới những tài liệu chánh thức.

Điều nấy rất dễ hiểu, tuy các chánh quyền trước 1963 thường quên bẵng:  đối với đa số bất cứ nước nào, tài liệu chánh thức đều có mục đích tuyên truyền phóng đại, lại chẳng ai có phương tiện phối kiểm, nên rất khó tin những ngôn ngữ đẹp đẽ và thành quả tốt.  Đó chính là số phận của loại sách "9 năm thành tích" mà sự phổ biến không gây nổi một ảnh hưởng nào, đền đáp công phu soạn thảo và phí tổn ấn loát.

Sự hoài nghi của công chúng không có gì đáng trách, khi người ta chỉ thấy toàn những sự tốt đẹp như quảng cáo ở trên thuốc bổ. Không chánh quyền nào chịu vạch áo cho xem lưng. Chỉ có những sự kiện gì thuận lợi mới được đưa ra: một công lệ bất dịch. Ông Diệm trình bày cho Quốc hội và Quốc dân, cũng theo đường lối của các Bộ các Tỉnh các Nha tường trình lên ông: khả-quan lắm [người ta đã viết hay đọc là khá-quan để tránh phạm tên cụ cố (Ngô Đình Khả)] xúc tiến mạnh mẽ, rất nhiều triển vọng, tin tưởng mãnh liệt …Chính ông Diệm một hôm cũng cười khi nghe về tình hình một địa phương; ông bảo: cứ như thế thì hẳn là sắp tới "bến vinh quang". Ông hay nhạo cái bến vinh quang của nhiều bản diển từ.

                                                                         *

                                                                       *   *

Nhưng chẳng lẽ "9 năm thành tích" không dùng được làm chi hết? Tôi nghĩ công dụng sẽ tùy người đọc.

Dĩ nhiên là nên bỏ qua, với nụ cười thì hơn, những lời lẽ tự phê bình, nghĩa là tự tán dương của mỗi cơ quan. Như khi thấy nói "cố gắng không ngừng để làm tròn nhiệm vụ", thì nên đọc là "cũng đã cố thi hành phần nào nhiệm vụ", còn "không ngừng" và "tròn" hay vuông thì lại là chuyện khác không bắt buộc ghi nhớ.

Nếu có tinh thần rộng rải, độc giả cũng nên lượng thứ những lời sướng tai trong "9 năm Thành tích" loại như sau:

- "cung cấp những tiện nghi cho các nhà bác học và kỹ thuật gia thẳng tiến trên con đường khảo cứu",

- "những thành tích rực rở đã thâu lượm trong thời gian gần đây, chứng tỏ một cách hùng hồn vai trò tiền phong và xung phong của họ trong công cuộc cách mạng đang tiến bước từ nông thôn đến thành thị và từ hạ tầng cơ sở lên thượng tầng kiến trúc trung ương",

- "đào tạo những lớp … có một căn bản đạo đức và tác phong tiến bộ theo kịp dà tiến của lớp … tiền tuyến trong cuộc vận động lịch sử hiện đại." …

Cứ như thế, mà chưa đến bến vinh quang, thì cũng đáng ngạc nhiên!

Còn những tài liệu chứng minh, thì có phần nào khả thủ?

Các con số thống kê hay bị ngờ vực nhiều nhất. Người ta cho rằng chánh quyền theo thói có ít tăng nhiều, và hễ xấu thì giấu bớt.

Thực ra, ở một vài lãnh vực như nông thôn, thường xẫy ra sự lầm lẫn vì thiếu điều kiện tra cứu kỹ lưỡng tận các xóm làng, nhất là trong thời bất ổn; nên có trường hợp phải ước đoán, như sản xuất hoa, màu, gà, vịt, …

Về phần việc, nếu chỉ tùy tôi, chắc chắn tôi sẽ đòi rút ngắn ít nhất 1/3 trong 942 trang. Vi không đáng kể, những công tác thông thường mà bất cứ chánh quyền nào ở thời nào cũng phải làm, như:

- "Chuẩn bị cuộc bầu cử bán phần hội viên hội đồng quản trị phòng Thương mại",

- "tiếp tục xuất bản nội san, tổ chức huấn luyện bóng tròn và bơi lội",

- "phổ biến tin tức cho các chi Thông tin",

- "ấn định mẫu mực sườn xe đạp" …

Cái gì, chứ sườn xe đạp thì chắc thiếu chất hào hứng, và không đủ sức kích thích cho quốc dân và hậu thế ghi ơn.

Có lần tôi bực qúa, đã chót thốt ra: cứ theo đà này, thì sẽ có nơi trình rằng nhân viên vẫn lãnh lương. Nhưng một bạn ở cơ quan yêu cầu thông cảm: ông Tổng thống muốn thật nhiều, mà nếu không cho kể hết, thì chẳng biết kể chi khác việc "thường xuyên".

Tôi đâu dám trách? Biết bao lần, hể có ông Thủ tướng nào hay Bộ trưởng nào phải lập chương trình, thì người ta lại mách các vị không biết bao nhiêu việc hàng ngày, thay vì phải và chỉ cần đưa ra vài điểm chính yếu với những sáng kiến đặc biệt nhằm cải tổ, canh tân hay phát triển.

                                                                         *

                                                                       *   *

Chánh quyền Cộng hòa nhân vị, từ trước ngày Cách mạng 1963, đã từng bị chỉ trích ngấm ngầm, ngay giữa những người không đối lập.

Rồi sau ngày Cách mạng, những sự lầm lỗi, sơ hở, quá đáng, thiếu sót, đã bị phơi bày khắp nơi trong một thời gian khá lâu.

Tuy vậy, lắm người chưa hả, còn tò mò thăm hỏi để biết nhiều hơn, với càng nhiều chi tiết càng hay, những sự việc đã đưa chế độ lăn xuống vực thẳm.

Chỉ có một lần, ông X, một chính khách yếu nhân 1964-65, đã hỏi riêng tôi:

- Dẫu thế, sao anh em ông Diệm đã đứng được 9 năm? Mà sao mới hơn một năm nay đã 3 chính phủ?    

Lúc đó tôi chỉ cười, vì hai lẽ: hoặc ông muốn dò ý tôi đối với người trước hoặc ông phỏng đoán rằng các ông kia đã có những bí quyết nào để trường tồn, nên ông muốn rút kinh nghiệm?

Tôi nhớ đã trả lời:

- Vấn đề không phải là ngồi lâu, nhưng là được việc hay không.

Ông ta vội chữa:

- Đúng rồi. Đâu phải là ngồi lâu? Nhưng ngồi lâu được, tất phải làm chút gì cho người ta chịu đựng mình nếu chẳng yêu được mình. Ai cầm quyền cũng có việc dở việc hay. Bây giờ, cái gì dở thì mình bỏ, cái gì hay thì mình giữ mình theo.

- Minh Thái Tổ khi dấy nghiệp cũng có ý như vậy đối với triều cũ. Sau chưa chắc nhiều người chịu chọn lọc. Chọn lọc, thì có thể bị trách như ông Thủ tướng đầu tiên, là "làm cách mạng ôn hoà". Chỉ có thể ôn hoà khi nào không khí chánh trị qua mùa nóng hổi và cho phép nhận định với đầu óc nguội lạnh.

Ông bảo đừng ngại khi mình tin rằng đường lối của mình có lợi cho công cuộc chung, và muốn tôi kê khai hai loại việc nên và không nên làm nữa.

Sau đó, trong nhiều dịp, ông đã hỏi tôi về một số vấn đề. Và sau đây, tôi chỉ lược thuật những gì đã nói với ông, qua những giờ phút hội đàm cởi mở.

                                                                         *

                                                                       *   *

Về mặt tổ chức, điểm trọng yếu nhất trong Hiến pháp, là Hành pháp rất mạnh. Hành pháp không chịu quyền kiểm soát của luật pháp, và thuộc một Tổng thống đứng trên cả Quốc hội, vì có nhiệm vụ tối cao, không những là thi hành luật pháp do đại diện nhân dân biểu quyết, nhưng còn điều khiển chánh phủ và lãnh đạo quốc dân, và như vậy, có nhiều uy thế hơn cả Tổng thống Hoa kỳ.

Tới đây ông X ngắt lời vì muốn biết rõ hơn: tôi có coi Tổng thống chế như vậy là thích ứng với nhu cầu của xứ sở không?

Tôi xin ông hãy nhớ lại hoàn cảnh 1954-1955, một hoàn cảnh bất ổn sau bao năm đạn lửa và rối loạn.

Khi đó, nhiều người cũng như tôi chỉ mong trước hết một chánh quyền đủ sức tái lập trật tự và ổn định tình thế; muốn vậy, phải được rộng quyền đối nội đối ngoại, và phải đứng vững khá lâu mới vãn hồi được sinh hoạt bình thường và trùng tu kiến thiết.

Hai điều kiện mạnh  bền đó, Tổng thống chế có đem lại không? Thời cuộc đã trả lời hộ tôi:

Chánh quyền đứng được 9 năm. Những sự rối ren của thời trước bị chấm dứt hoặc không trở lại dưới những hình thái cũ, ít nhất là cho tới cuối 1960.

Tổng thống chế dành đủ quyền hành cho người lãnh đạo để thúc đẩy mạnh các hoạt động quốc gia, và giúp cho Hành pháp tránh nhiều trở lực để theo đuổi những chương trình dài hạn.

Tuy nhiên, Tổng thống chế 1956 cũng mở lối cho cá nhân ông Tổng thống dễ bành trướng, nên chẳng bao lâu biến thành một chế độ đặc biệt, trong đó phần nhân trị nặng hơn phần pháp trị.

Tình trạng này vừa có lợi vừa có hại.

Lợi về phương diện chỉ huy và điều hành đối với một guồng máy chánh quyền lâu ngày trì trọng và bị động, với khá nhiều người chỉ chịu làm khi bị giục bị xô do một uy lực mạnh và nghiêm. Năng xuất công quyền tăng gấp nhiều lần, so với các thời trước 1954, và sự kiện đó thấy rõ rệt nhất ở các cấp điều khiển. Người ngoài cuộc có thể khó chịu khi nghe nói các cấp thừa hành thường sợ sệt, vì có cảm tưởng là cấp trên khắc nghiệt. Song những ai từng vào cuộc, tất dễ nhận rằng lắm khi phải dựa vào quyền rất lớn mới bảo làm được việc rất nhỏ. Có những đống rác và những ổ gà trên mặt đường, chỉ được hốt hay lấp đi, khi người hữu trách được biết để coi chừng, vì "Cụ" thường qua lại. Hể cụ đòi, thì việc phải trình trong một tuần, được đệ gấp trong một hai hôm. Thực tế như vậy, và đối với thực tế đó, khó lòng cầu viện những ý tưởng cao siêu.

Nói một cách khác, khi uy quyền rất mạnh của cấp lãnh đạo được dùng đúng chỗ, thì việc nước có thể cải tiến mau lẹ, và như thế còn tiện lợi hơn là những cơ chế phức tạp vì cần bảo đảm pháp lý. Đó là sự mong mỏi của nhiều người thuộc các đoàn thể ủng hộ ô. Diệm, cùng những chuyên viên và những nhà kinh doanh thiết thực không quan tâm mấy đến các hình thức dân chủ. Bởi đặt hy vọng vào ông, dù chẳng tôn sùng ông, những hạng người kể trên đã giúp đỡ ông.

Khốn thay, khi người lãnh đạo lầm lẫn, lại sẵn tính cố chấp vì quá tự tín, thì nhân trị chỉ còn trạng thái bất lợi, biến ra quyền tự do ngộ hoặc để gây những hậu quả tai hại cho thân thế ông và công cuộc chung.

Toàn quyền hành động mà cựu Quốc trưởng đã ủy cho ông, bị Hiến pháp 1956 giảm bớt phần lập pháp cho hợp với thể chế dân chủ. Nhưng quyền hành pháp mà Hiến pháp dành cho ông, còn đủ rộng đủ mạnh để ông sắp đặt và bao trùm trong thực tế, rồi đòi lại cả quyền ra luật. Không còn sức nào ngăn cản được ông.

Tổng thống chế đã cho phép những người cộng sự của ông thi hành nhiệm vụ dễ dàng, nên dã giúp ông thể hiện ý hướng và hoàn tất một số chương trình xây dựng.

Nhưng Tổng thống chế cũng ngõ cửa cho con người ông vượt quá khuôn khổ pháp định, để theo một chủ quan khi tỏ khi mờ, rồi rớt vào một tình trạng không thể cứu vãn.

Tổng thống chế gần như một chiếc xe khoẻ nhưng thiếu bộ thắng, nên chỉ biết chạy mau, vượt mọi chướng ngại hoặc lăn xuống dốc, tùy người cầm lái giữ đúng mức hay lao quá đà.

                                                                         *

                                                                       *   *

Bộ thắng đó, đáng lẻ phải là Quốc hội, hoặc là chánh phủ.

Song chánh phủ do Tổng thống điều khiển, chỉ gồm những người được chọn trước hết vì lòng trung thành vì thái độ hiền hòa, không có lập trường định kiến riêng để phải bênh vực cương quyết.

Quốc hội thì hầu hết là người thuộc các đoàn thể do ông Diệm và anh em sáng lập, được bầu lên theo nhưng lề lối hợp pháp bề ngoài, nhưng không được mấy ai tin là ngay thẳng. Đa số trong các giới yên trí rằng có những sự mưu tính để giành ghế cho những người được Ô. Tổng thống Ô. Nhu và Ô. Cẩn lựa trước. Thậm chí đã có người nói: "bổ" dân biểu thì đúng hơn là bầu dân biểu.

Ông X muốn biết tôi nghĩ sao?

Nếu phải có bằng chứng để quyết đoán trong lãnh vực này, thì ông nên hõi những ai đã tham gia trực tiếp vào công việc tổ chức bầu cử. Còn tôi cũng chỉ nghe nói như ông mà thôi, hoặc theo dõi qua những giấy tờ chính thức.

Nhưng tôi đã phải thắm mắc về vài kết qủa đầu phiếu, như về trường hợp ông Nhu, bà Nhu: đắc cử với trên 90% không khác gì Nasser, hay Sygman Rhee (Tổng thống Lý-Thừa-Vãn của Đại-Hàn), … làm thế nào tránh khỏi sự ngờ vực của mọi người, kể những ai vẫn mong cho ô. Diệm không bị tai tiếng?

Ông X bảo:

- Dùng áp lực bắt dồn phiếu đến mức đó, thì quả là cấp thừa hành vụng dại và làm hại chế độ khi tưởng là lập công.

Tôi nhớ trước kia có người vốn có nhiều thiện cảm với ông Diệm, cũng đã nói thẳng ra: giả thử ông bà Nhu bị rớt vì kém phiếu, thì chánh quyền lại được tiếng tốt, vì sự thất cử chứng tỏ cuộc bầu cử rất công chính. Miễn sao đa số trong Quốc hội vẫn là người của đoàn thể bạn.

Dẫu nhìn theo nhỡn quan của chánh quyền, tôi tưởng cũng chẳng cần dàn cảnh, đối với ô. Nhu ở nhiều tỉnh Trung phần hoặc miền Đông Nam phần: tại đó, chắc nhiều người sẵn lòng bầu ông.

Mà ông cần gì tranh cử? Chẳng vào Quốc hội, Ô. Cẩn vẫn "chỉ đạo" như thường, và Cố vẫn vạch đường cho khối đa số tại Quốc hội. Thực ra, mấy khi Ô. Nhu làm việc với tư cách Dân biểu?

Các Dân biểu cũ đối với Ô. Diệm, có giúp được việc gì đáng kể không?

Ở thời nào cũng không thiếu những người xông ra vì lợi vì danh. Song cũng khá nhiều người cho biết: phải ra, dù mang tiếng là người rơm bị giật dây, vì cần làm hậu thuẩn cho Ô. Diệm; ai cũng có quyền gia nhập một đoàn thể, chọn người lãnh đạo và tin theo người đó; tuy vậy, hễ qúy trọng ông thì bị chê là nịnh bợ, ủng hộ cho ông dễ làm việc, thì bị coi là bù nhìn, chấp nhận một kỷ luật chung, một chính sách chung, và tranh đấu cho chính sách ấy thể hiện, sao lại trách là nhằm tổ chức độc quyền đảng trị? Quốc hội gì mà lúc nào cũng "đi" với Hành pháp? Nhưng thử hỏi lại: có Hành pháp nào chẳng mong được sự ủng hộ của Lập pháp? Còn tìm mọi cách để nắm nữa là khác … Không chống đối, thì kêu là chỉ biết vâng dạ, nhưng nếu tin là phải, là đúng, thì sao lại chống đối? Nếu đôi khi có sự bất đồng ý, mà không lên tiếng gay go, là vì phải dành quyền quyết định tối hậu cho cấp lãnh đạo đoàn thể kiêm lãnh đạo chánh quyền …   

Song muốn lý luận thế nào đi chăng nữa, công chúng vẫn hoài nghi hoặc chẳng hoan nghênh, vì cho là Quốc hội thiếu tác phong dân chủ, không hề thấy bác bỏ đề nghị nào của Hành pháp. Dẫu đôi khi có điểm thắc mắc do một vài Dân biểu nêu ra, các dự án vẫn được chấp thuận sau một phiên giải thích của Bộ sở quan hoặc cùng lắm là sau vài phút khuyến cáo của ô. Nhu hay huấn từ của ô. Diệm.

   Thực ra, cũng đã xẩy ra những vụ chống đối với những lời chỉ trích gắt gao, nhất là của những Dân biểu thuộc nhóm thiểu số. Như đã có lần, một vị lên án dự luật Gia đình mà ai cũng biết là do bà Nhu chủ xướng, đến nổi bà tức giận phải rời bỏ phòng họp (21-12-1957). Lần khác, cả nhiều vị thuộc Phong-Trào hay Cần-Lao, cũng tỏ lòng công phẩn vì bà đã công xúc Quốc hội bằng hai tiếng "thật hèn" khi chê bai những vị đã công kích dự luật "chỉ vì muốn lấy vợ lẻ". Nên ngày 22-1-1958 bà phải cho ra một thông cáo, minh xác là đã nói "thất hẹn" chớ không phải là thật hèn. Lỗi của giọng nói không rõ hoặc của những màng tai không thính? Dù sao, Quốc hội đã rộng lòng thông cảm và chấp nhận sự phân trần về dấu sắc, dấu nặng và dấu huyền. Nhưng cũng chưa xong chuyện. Ngày 21-5-58, một Dân biểu lại đả kích dự luật, vì tổ chức gia đình theo bản văn này, là trái luật tạo hoá, gây xung đột và xáo trộn xã hội, và chống Cộng như thế là "chỉ chống Cộng một chân". v.v…

                                                                         *

                                                                       *   *

Sự liên lạc Lập pháp – Hành pháp như vậy cũng khá vui nhộn, dù sao không nêu lên vấn đề gì nan giải.

Song Hành pháp vẫn thấy chưa đủ sự dễ dàng để hoạt động. Ngày 15-10-1961, ông Tổng thống ra sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và yêu cầu Quốc hội để cho ông ban hành các sắc luật thay các đạo luật, về các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, và điều động nhân lực cần thiết.

Quốc hội biểu quyết chấp thuận ngay 4 hôm sau, bằng đạo luật 13/61 ngày 19-10-61. Sự ủy quyền nầy được coi như cần thiết, vì tình thế có suy sụp trên các lãnh vực quân sự, tài chánh và quốc tế.

Ông Tổng thống đã dựa vào văn kiện trên mà ra những sắc luật về các ngân sách quốc phòng và kinh tế, các vụ cải cách hối suất cùng thế suất, trưng tập y-sĩ, lập các toà án mặt trận, kiểm soát hội họp. v.v…

Nhưng tại sao áp dụng thủ tục đặc biệt cho cả những việc chẳng có chi là cấp bách, bất thường, không để lại cho Quốc hội xét định, như thể lệ hành nghề y-sĩ (s-luật 6/62), thuế đánh trên giá thuê nhà quá đáng (s-luật 13/62), sự tân tạo và tu bổ nhà cửa bất hợp pháp (s-luật 16/62), thuế tem thơ và con niêm (s-luật 20/62), chế độ đầu tư (s-luật 2/63), sát sinh gia súc (s-luật 7/63), vệ sinh trong các thành phố (s-luật 11/63) v.v… Như vậy, Quốc hội có cũng như không?

  Các cơ quan hành pháp đã thừa dịp đệ lên Tổng thống những việc đáng lẽ cứ phải chuyển cho Quốc hội thảo luận. Ông Diệm vẫn ký, không phân biệt chi hết, và nếu có bắt ông phân biệt, thì cũng tội cho ông, vì ông không phải là nhà luật học.

Lề lối đó cho cảm tưởng là trong thực tế và đối với Hành pháp, càng tránh được Lập pháp chừng nào càng hay. Người ta thường lo rằng Quốc hội bàn cải tốn thời giờ và làm chậm trể công việc.

Phải chăng ai nấy đều mặc nhiên coi Quốc hội Cộng Hoà I là không cần thiết, là một chướng ngại, cùng lắm là một hình thức trang trí để chế độ có vẻ dân chủ mà thôi? Tôi không mong gì hơn là được cải chính với những bằng chứng cụ thể.

                                                                         *

                                                                      *   *

Nhiều vị Dân biểu đã tin rằng nhiệm vụ của mình là hãy có măt để thể hiện chế độ, và ủng hộ cho ông Tổng thống làm tròn sứ mạng: Về phương diện này, không thể nói là Quốc hội không được việc.

Song nếu chỉ có thế, vai trò của Quốc hội gần như tiêu cực và khiêm tốn quá?

Sau khi Hiến pháp được ban hành (26-10-56) Quốc hội Lập Hiến bầu ngày 4-3-56 đương nhiên biến thành Quốc hội pháp nhiệm đầu tiên. Quốc hội thứ hai được bầu ngày 30-8-59, gồm 123 Dân biểu với nhiệm kỳ 3 năm; nhiệm kỳ này tăng lên 4 năm theo Hiến luật 1/62. Quốc hội thứ ba được cử ngày 27-9-63, tức là hơn 1 tháng trước ngày chế độ bị cáo chung.

Công việc lập pháp bắt đầu từ 1957, và trong gần 7 năm, Quốc hội đã biểu quyết về 80 đạo luật. Số này đáng lẻ có thể nhiều hơn, song từ 1959 và nhất là từ 1961, có 52 vấn đề khẩn bách hay không khẩn bách, phải dành cho các sắc luật do Hành pháp soạn thảo và ban hành, chiếu sự ủy quyền đặc biệt cho Tổng thống.

Số tác phẩm không nhiều, song cũng tỏ rằng các Dân biểu có làm việc. Sự cố gắng được thấy rõ nhất ở những năm chưa phải nhường quyền lập pháp cho ông Diệm: Quốc hội đã cho ra 18 đạo luật năm 1957, và 19 đạo luật năm 1958.

Thiện chí của Pháp nhiệm đầu, tiếc thay, lại không được hướng dẫn vào một chương trình lập pháp hợp lý hơn, để nhiều vấn đề quan trọng được giải quyết trước những việc thông thường hay tỉ mỉ.

Như các cơ cấu quốc gia, Viện Bảo-Hiến, Hội Đồng Kinh Tế, v.v… thì mãi tới 1960 và 1961 mới được thiết lập. Song ngay từ đầu nhiệm kỳ và ngoài 7 đạo luật về thuế, Quốc hội đã tốn nhiều ngày về việc ...lấy nhãn cầu người chết để chữa mắt (luật 11/57) tái đăng ký tàu thuyền (luật 12/57) pha huyết chế huyết (luật 18/57) cấm đánh cá bằng chất nổ chất độc (luật 14/58) v.v….

Về những năm sau, xem chừng các công tác đã bớt dần tính cách linh tinh rời rạc, để chuyển theo từng khu vực như về hình sự 1959 (chống tham nhũng, chống phá hoại, chống mạo hoá v.v.) về kinh tế tài chánh 1960 (quan thế biểu, thuế gián thâu và trực thâu, mua bán tàu biển, mua bán bất động sản của ngoại kiều …)

Cách hoạt động như trên, có thể giải thích bằng sự thiếu sáng kiến? Phần nhiều dự luật không do Dân biểu đề nghị, mà tùy Hành pháp khởi thảo theo nhu cầu, rồi chuyển qua Quốc hội thẩm định. Điểm đó lộ rõ nhất, khi ông Tổng thống cần xúc tiến sự thiết lập những cơ quan đã dự trù từ 1956 để tỏ rằng ông muốn thực thi dân chủ, sau vụ biến cố tháng 11/1960: Quốc hội biểu quyết một loạt 3 đạo luật 7/60, 5/61 và 6/61.

Trong thành tích của Quốc hội, một phần đã tiêu tan cùng chế độ: đó là những đạo luật ban hành để sửa đổi Hiến pháp, hoặc chiếu Hiến pháp mà tổ chức công quyền: như các luật bầu cử Tổng thống, Phó Tổng thống và chính Quốc hội, luật về Thượng Hội-đồng Thẩm phán v.v…

Một số luật khác khét tiếng là thất sách, phải biểu quyết dưới áp lực cá nhân, gồm những điều khoản cưỡng chế bất chấp công luận đã bị xoá bỏ ngay từ cuối 1963 hay giữa 1964: luật gia đình 1/59, luật Bảo vệ Luân lý 12/62.

Chỉ còn sống sót, những đạo luật không nhuộm màu chính trị, thuộc các lãnh vực chuyên môn, hành chánh, xã hội: như Bằng sáng chế (luật 12/57) Nhãn hiệu thương hiệu (l. 13/57) Hệ thống cân lường (l. 15/58) Xổ số và lạc quyên (l. 6/59) Nhập cảnh và xuất ngoại (l. 13/58) toà án thiếu nhi (l. 11/58) Quốc gia tương trợ cựu chiến binh và cô nhi quả phụ (l. 3/62) …

Di sản đó không được là bao song Dân biểu cũ chưa giống hẳn Dã tràng xe cát. Và khi nhiều luật lệ của chánh quyền thuộc địa Pháp vẫn còn được tôn trọng, thì sự duy trì những đạo luật của Quốc hội Cộng hoà I, ngay đối với những ai không quan tâm đến sự liên tục quốc gia, chắc cũng không gây mặc cảm nào.

                                                                                   

   ĐOÀN THÊM

Ý nghĩa của chữ Tâm

Bước Chân Thiền

Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có câu:

"Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"

"Tâm" được xem là một trong những phạm trù quan trọng, cơ bản của Phật giáo. Có thể khái quát thành 6 cấp độ về "Tâm" Phật giáo như sau:

1: "Tâm" là trái tim bằng xương, bằng thịt (Phật giáo không để ý tới nghĩa này);

2. "Tâm" là thức (vijnàna) và theo một nghĩa nào đó, nó chính là ý thức thông thường của con người;

3. Không chỉ là ý thức, "Tâm" còn là toàn bộ thế giới bên trong, cái chủ quan, tâm hồn, tình cảm, ý đồ, tinh thần, tâm lý. "Tâm" không chỉ là lý mà còn là tình. Cái "Tâm" này chính là "manas";

4. Ở góc độ "Tâm" là thức thứ tám, thì nó bao gồm cả tiềm thức,

5. "Tâm" còn là sự tổng hợp của tất cả cái "Tâm" theo nghĩa thứ hai, thứ ba, thứ tư;

6. Trong Phật giáo, "Tâm" còn là bản thể vũ trụ, đó chính là tâm thể, chân tâm.


Khi vào Việt Nam, hầu hết nghĩa của chữ "Tâm" vẫn được giữ lại. Vốn có cảm tình và ưa chuộng đạo Phật, nên người Việt Nam rất đề cao chữ "Tâm".

Không phải ngẫu nhiên trong cuộc sống, người ta luôn khuyên nhau, hay câu cửa miệng của mọi người khi thấy người khác lo lắng thì nói hãy "yên tâm", "an tâm".

Mọi người đều biết rằng, nếu nôn nóng, giận dữ thì đều làm cho cái "Tâm" không yên thì sẽ mất khôn. Cho nên, muốn an "Tâm" thì phải sống chính trực ngay thẳng, trong sáng. Đây chính là phép an tâm trong Phật giáo. _((*))_


Bước Chân Thiền

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ - Bài số 18

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ
Bài số 18
HỒ TẤN VINH

Đến đây, tôi muốn trả lời dứt khoát hai câu hỏi mà ai cũng có trong đầu. 
 
Ông Diệm có kỳ thị tôn giáo không? Ông Diệm có kỳ thị địa phương không?

Những người binh vực ông Diệm hoặc cố tình tránh né hoặc tìm đủ lý lẽ để chối quanh dùm cho ông. Nhưng nếu không có can đãm đối diện sự thật thì dư âm khó chịu mà chế độ để lại sẽ không tự nhiên tiêu diêu.

Không thể có chuyện ba phải. Một người hể tuyệt đối tin tưởng tôn giáo của mình thì đương nhiên phải nghĩ rằng tôn giáo khác là sai. Đó chính là bản chất độc tôn của tín ngưỡng và vì tin tưởng một chiều nên họ tìm mọi cách dụ dỗ hoặc áp bức người khác vào con đường mà mình cho là đúng. Vì độc quyền chân lý như vậy nên ở một thời điễm nào đó, ở một địa phương nào đó, vẫn có, hoặc khi thì ngấm ngầm khi thì trực diện, mưu toan bành trướng và lấn áp với nhau không những giữa các tôn giáo mà ngay trong cùng một tôn giáo cùng thờ chung một giáo chủ, các chi phái vẫn chống báng nhau kịch liệt. Ở Ái Nhỉ Lan, Thiên Chúa Giáo và Tin Lành cùng thờ một Chúa vẫn giết nhau không nương tay. Khởi đầu của các tôn giáo là một khái niệm giải thoát, nhưng sau này lúc bành trướng mới nẩy sanh ra mưu toan thôn tính, lúc đó không còn nhân ái nữa.

 Từ 1095 đến 1270, Thiên Chúa Giáo đã làm 7 cuộc Thánh chiến. Và kinh hoàng nhứt là việc người Thiên Chúa Giáo lấy củi khô đốt người sống chỉ vì bị cho là 'dị giáo' ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 16.

 Hình ảnh thân thiện của các tôn giáo khác nhau đứng chung cầu nguyện ở một lễ đài nào đó chỉ mới có sau này. Cái xử thế lịch sự, cái chấp nhận hòa đồng, cái chung sống hòa bình không phải tự nhiên do suy tư cao siêu hay cầu nguyện nhiệt tình mà có. Nó là kết quả của sự lấn áp cực kỳ khủng khiếp, không khoan dung nhưng không thành công mà còn đem đến phản tác dụng.
 
Kỳ thị tôn giáo hay kỳ thị địa phương chỉ là những hình thức lạm dụng quyền hành. Nâng cao dân trí có tránh được sự lạm dụng quyền hành không? Dân trí là do giáo dục mà có. Lạm dụng quyền hành thì đã có sẳn trong máu của mọi người. Cám dỗ lạm quyền chỉ có thể được kềm hãm bằng những cơ chế kiểm soát chớ không bao giờ tuyệt chủng nó được. Những cơ chế này không phải do bình dân ồn ào đòi hỏi đặt ra, mà là do những người trí thức cao thâm am hiểu được cái yếu đuối bẩm sinh của con người nên tự đặt ra để tự kềm chế. 
 
Tại các nước có dân trí cao nhứt và có những cơ chế kiểm soát chặt chẻ nhứt, các Tổng Thống Pháp, Tổng Thống Mỹ, Thủ Tướng Anh đều có lúc lạm dụng quyền hành. Và có khi là tội phạm chiến tranh nữa!

Huống hồ gì lúc đó đâu có cơ chế nào thật sự (nhưng có cơ chế giả) để kềm chế ông Diệm, - ông Diệm đã toàn quyền nắm quân đội, cảnh sát, công an, Hành chánh, Tư pháp và báo chí - thì việc ông Diệm lạm quyền là chuyện đương nhiên. Làm sao mà chối cái đương nhiên? Nếu ông không lạm dụng quyền hành thì đó mới là chuyện lạ.
 
Bất kỳ người nào, một lãnh tụ tôn giáo khác hay một đảng phái khác trong hoàn cảnh 'trên đầu không có ai' chắc chắn cũng sẽ làm y như ông, nghĩa là lạm quyền.
Trong 9 năm cầm quyền, việc làm hăng say nhứt của ông Diệm là nâng đở tôn giáo của mình. Tại các quận lỵ gần hay xa, mỗi ông linh mục là một ông Trời con. Không có vậy sao?
Còn Cao Đài và Hòa Hảo thì bị thẳng tay đàn áp, luôn cả giết người. Không có vậy sao?
Trong nhứt thời, làm ngang như ông Diệm thì được. Nhưng nhân chứng, vật chứng vẫn còn, các sử liệu không thể đốt hết được đâu, không thể cải chày cải cối với lịch sử được.
Những tội lỗi này, nếu biết thành tâm ăn năn thì còn có thể tha thứ. Bây giờ muốn chạy tội dùm ông, mấy người hoài Ngô trơ trẻn chối bỏ việc làm tâm huyết của cả đời ông. Làm như vậy là chửi cha ông Diệm rồi!
Nhưng đừng có hiểu lầm rằng nhân dân miền Nam là nạn nhân đau khổ nhứt của ông Diệm.
Trong số một triệu người Bắc di cư vào Nam, có 800 ngàn người theo đạo Thiên Chúa. Mà tất cả tài nguyên cứu trợ đều tổ chức qua tay các linh mục. Sau khi mất tất cả nhà cửa, trên phương diện tinh thần và vật chất, 200 ngàn người Bắc di cư kia đã phải chịu đựng thêm những gì? Họ mới thật là kẻ bơ vơ trên đất miền Nam.

Tôi đã lần lượt nói rõ rằng ông Diệm có quan liêu, hống hách, có tham nhũng, độc tài, gia đình trị, lạm quyền, kỳ thị. Đây là những điều mà sách vở đều có ghi chép đầy đủ. Nhưng đó chỉ là cái vỏ bên ngoài. Nhưng nếu cứ lẩn quẩn phiền trách cái tham nhũng, cái gia-đình-trị, cái phong kiến của nhà Ngô thì quá là nhỏ mọn, vì những  hành vi đó xét cho cùng rất là phổ thông, bất cứ ai ở vào địa vị đó cũng đều có thể cũng làm như vậy. Và nếu để cái nhỏ mọn che tầm mắt thì không thể thấy được cái bản chất hiễm ác khác nó nằm bên dưới cái vỏ.
Kể cả những chuyện tàn ác mà ông Diệm đã sáng kiến khi làm Tri phủ Hòa Đa (Theo lời của An Khê Nguyễn Bính Thinh do Lê Hữu Dản viết lại trong TÀI LIỆU SOI SÁNG SỰ THẬT), cũng chưa phải là hết sự thật.

Theo chiều dài của lịch sử, tôi muốn trình bày một điễm quan trọng nhứt mà sách vở lại chưa thấy phân tách. Các chiến sĩ Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên, các đảng phái Đại Việt, VNQDĐ đều là những người từ dân tộc mà ra, uy tín của họ từ một thành phần dân tộc mà có. Cái quyết tâm, quyết chí giành độc lập, tự do của toàn dân không phải thể hiện ở những người ăn to nói lớn mà tập trung cao độ ở những người dân bình thường dám dấn thân kiên trì tạo dựng các lực lượng Việt Nam. Việc thanh toán các đảng phái và giáo phái không phải là những xung đột về cá tánh hay một sự tranh quyền, tranh lợi giữa các cá nhân, mà nó là một việc làm có dự mưu.

Tội ác thật sự của Ông Diệm là đã dựa vào quyền lực mà ngoại bang cho, để chống phá, đàn áp và thủ tiêu nội lực của dân tộc. Đứng tại quan điễm Tổ quốc và dân tộc, tội của Ngô Đình Diệm nặng hơn tội của Lê Chiêu Thống. Nhưng cũng vì vậy, ở một quan điễm khác, ông Diệm có thể được phong Thánh.

Ngày 8-1-1985, Việt cộng tử hình Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch. Họ đã làm gì nên tội? Từ giã Âu châu ấm no, các liệt sĩ chấp nhận nguy hiểm và gian khổ trở về nước để tìm cách xây dựng lại từ đầu tại Tây Ninh một lực lượng võ trang chống cộng (DTST tr. 6) mà ba chục năm trước, - khi ông Diệm về nước - đã có sẳn rất là hùng hậu (20 ngàn quân Cao Đài và 30 ngàn quân Hòa Hảo) mà chẳng những ông Diệm không dùng lại còn trở mặt bức hại.

Và trong tình trạng bị CS đô hộ ngày nay, ai trong chúng ta lại không mơ ước Miền Đông và Miền Tây Nam bộ có cơ đứng dậy chống xâm lăng. Nếu ai có mơ ước đó, nếu có ai thật sự kính phục Lê Quốc Túy, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch thì mới hiểu hết cái tai hại ông Diệm đã làm trước đây. 
 
Ngày nay, trong lúc các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo vẫn luôn luôn chống cộng nhưng không thể cựa quậy gì được. Ông Diệm và những người hoài Ngô có thể nào dễ dàng phủi tay, coi như không có trách nhiệm gì cả?
Giữa Tướng Cao Đài Trịnh Minh Thế, Tướng Hòa Hảo Lê Quang Vinh và Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người này giết hai người kia, ba người này bây giờ đã chết hết rồi:
ai là người thật sự chống Việt cộng?
ai là người chống phụ Việt cộng?
ai là người vị quốc vong thân?
còn ai là Việt Gian?
Chắc có người đớ lưỡi, khó trả lời. Thôi tạm thời chỉ có một điều có thể đồng thuận. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã có một cơ hội lớn để làm rạng danh Chúa. Nhưng Ông đã đánh mất nó đi.


Hồ Tấn Vinh
Melbourne
Ngày 31 tháng 10 năm 2012
(Còn tiếp)

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí