30 July 2013

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 29.7.2013
                             
                         Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan
 
Nhân dịp chính phủ ban hành Nghị Định về minh bạch tài sản, thu nhập của công chức các cấp và ủy ban Tư Pháp của Quốc Hội VN đã tổ chức phiên điều trần về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, hãy nhìn qua tình hình tham nhũng hiện nay biến chuyển như thế nào.
 
Thưa bạn, câu tục ngữ "cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan" đã có từ ngàn xưa, ông cha ta để lại qua những kinh nghiệm thực tế các cụ đã sống. Trộm cướp vốn là nỗi lo sợ chung của xã hội từ lâu đời chứ chẳng phải bây giờ mới có. Khác nhau chăng là thời thanh bình, dân cư an lạc, mọi tệ nạn ít hơn, thời nhiễu nhương thì sinh đạo tặc như rươi. Kể cả cướp ngày và cướp đêm. Phải nói thẳng là đất nước ngày nay không có chiến tranh, đang sống trong "hòa bình" nhưng ngược lại "đạo tặc" lại nhiều vô kể. Hành động cướp của giết người ngày càng táo bạo, man rợ chưa từng bao giờ xảy ra. Chỉ cần cướp 1 chiếc xe gắn máy của người đi trên con phố vắng là vài tên cướp sẵn sàng khua mã tấu chém xối xả vào nạn nhân rồi cướp xe tẩu thoát. Chúng không từ thủ đoạn dã man nào không dùng. Đến chuyện bắt trộm chó, chuyện ăn cắp vặt mọi lúc mọi nơi, xông vào nhà cướp từ cái điện thoại của trẻ con, cứ xảy ra như cơm bữa, ngày nào báo chí cũng đầy rẫy những chuyện trộm cướp đủ mọi kiểu, đủ mọi thủ đoạn.
 
Thậm chí hiện nay một số địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre... đang phải rào làng để phòng chống trộm cắp. Còn ở thành phố, có những con hẻm lớn, cách TP không xa, dù giữa ban ngày, nhìn vào nhà nào cũng đóng cửa im lìm, họ không tiếp xúc với người lạ, cần gì thì đứng ngoài cửa nói vào sau khe cửa sắt.

Tình trạng an ninh ở khắp nơi đã đến hồi báo động đỏ. Dù cho các cơ quan an ninh kể cả dân phòng và những anh chàng ăn cơm nhà vác ngà voi, được gọi là "hiệp sĩ bắt cướp" đã làm hết sức mình cũng không ngăn chặn được. Đó là hệ quả của nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng, "đói ăn vụng túng làm liều," khó có chỗ đứng cho những con người lương thiện.
 
Nạn trộm cướp đó giấu mặt nên liệt vào loại "cướp đêm." Còn một thứ cướp công khai, cướp có quyền lực, có "cơ sở," mang luật pháp ra bảo vệ, không sợ bất cứ ai, đó là "cướp ngày." Một điều khác biệt nữa là bọn "cướp ngày" lại là những tên giàu có, không hề túng thiếu, chúng thừa thãi đủ thứ, nhưng lòng tham là không đáy nên càng ngày chúng càng muốn giàu thêm, dù là giàu có trên nỗi đau khổ của người khác bất chấp những con người nghèo khổ đó là người cùng làng cùng xóm, có thể là bà con anh em họ hàng xa gần của mình. Nạn "cướp ngày" âm thầm, mới thật là đáng sợ. Chúng "cả vú lấp miệng em," che đậy cho nhau, ém nhẹm mọi tiếng kêu cứu nên hàng trăm vụ mới có một vụ cất lên được tiếng nói và … hy vọng được mang ra xét xử.
 
Hãy lấy một thí dụ gần đây nhất, một vụ "cướp ngày" vừa được cất tiếng. Cần phải nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là "hòn đất cất tiếng" còn được xử như thế nào là chuyện "hạ hồi phân giải." Hòn đất biết đi!

Ngày 19-7, hơn 10 gia đình dân ở thôn An Phú, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đồng loạt có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp về việc đất đai đang canh tác của họ đã bị Ủy Ban Nhân Dân (UBND) xã Tịnh An đem cho người khác thuê.
 
                                               
                Ông Trần Anh Tuấn bên thửa đất của mình đã bị UBND xã Tịnh An đem cho người khác thuê trồng dưa
 
Ông Trần Anh Tuấn, ở thôn An Phú, cho biết: Năm 1989, ông được nhà nước cấp 389 m2 đất nông nghiệp. Đến năm 2004, cơ quan chức năng cấp sổ đỏ công nhận quyền sử dụng diện tích đất nói trên cho ông đến năm 2017. Vì thửa đất trên thuộc bãi bồi ven sông nên mỗi năm ông chỉ canh tác một vụ đông xuân, còn những vụ khác để trống.

Đến cuối tháng 12-2012, như thường lệ, ông đưa thiết bị ra để chuẩn bị mùa canh tác mới thì phát hiện trên thửa đất của mình đã bị ai đó trồng dưa hấu, sắp đến kỳ thu hoạch. Những tưởng người khác canh tác nhầm trên đất của mình, ông Tuấn hỏi chủ ruộng dưa thì được biết toàn bộ diện tích đất ở bãi bồi đã được UBND xã Tịnh An đem cho một số người khác thuê. Chủ ruộng dưa còn đưa ra bản hợp đồng thuê đất với UBND xã Tịnh An, do ông Phùng Ngọc Danh, Phó Chủ tịch UBND xã, ký; thời hạn thuê đất là gần 1 năm.
 
Đất canh tác biết chạy" tới 300m

Quá bực tức, ông Tuấn nhiều lần đến xã yêu cầu phải hủy hợp đồng, trả đất lại cho ông nhưng vẫn không được giải quyết. Sau đó, ông gửi đơn khiếu nại lên UBND huyện Sơn Tịnh. Phòng Địa chính huyện Sơn Tịnh cử người về đo đạc lại thửa đất. Sau khi đo, cán bộ phòng này lại bất ngờ chỉ đất của ông nằm cách mảnh đất cũ... 300 m!
 
Ông Tuấn phân trần: "Đất của tôi canh tác đã nhiều năm, sao lại chỉ lung tung như vậy? Nếu UBND xã Tịnh An muốn cho người khác thuê hoặc thu hồi mảnh đất này thì ít ra phải thông báo cho tôi biết chứ không thể tùy tiện muốn làm gì thì làm. Khi sự việc được phát hiện, lẽ ra phải trả đất lại cho chúng tôi làm ăn nhưng họ lại chỉ đất của chúng tôi ở... đâu đâu."

Không riêng gì đất của ông Tuấn, tổng cộng 18 gia đình dân ở thôn An Phú có đất liền kề với đất của ông Tuấn cũng bị UNND xã Tịnh An đem cho thuê, tổng diện tích hơn 4.000 m2.
 
Cho thuê... nhầm

Về vấn đề này, ông Phùng Ngọc Danh, người trực tiếp ký các hợp đồng cho thuê đất với bên ngoài, ông Danh cho rằng không có chuyện UBND xã Tịnh An lấy đất của dân cho thuê. Theo lời ông Danh, sở dĩ người dân "bức xúc" là vì họ không biết được diện tích thực đất của mình ở đâu. Thế nhưng, ông Danh thừa nhận "trong số 18 gia đình, chỉ có 4-5 gia đính bị xã cho thuê nhầm nhưng xã đã thỏa thuận với họ rồi!." Trước thông tin này, những người dân trên đều phủ nhận việc xã có thỏa thuận với họ về việc cho thuê đất.
 
Không đồng ý với cách giải quyết của UBND xã Tịnh An, những người dân có đất bị lấy cho thuê tiếp tục làm đơn khiếu nại lên UBND huyện Sơn Tịnh và những cấp cao hơn để đòi lại quyền lợi. Một số người dân nói: "Nếu xã đã thương thảo, chúng tôi đã đồng ý thì làm gì có chuyện chúng tôi phải khiếu nại. Hơn nữa, diện tích đất của chúng tôi đã được quyền canh tác hơn 20 năm qua thì chúng tôi biết rõ nó nằm ở đâu. Cán bộ địa phương không thể làm sai rồi lấp liếm bằng một cái sai khác."
 
Rồi con heo nái ở xã Tịnh An biết... leo cây!

- Ban Cà phê sáng bình luận: Chú Tuấn ơi, tại chú không biết đó chứ! Đất của chú và những bà con khác tự nó "biết đi" đó. Vài bữa nữa chú sẽ thấy con heo nái ở cái xã Tịnh An nó biết leo cây cho xem!

- Ban Tran Van Tam bình luận ngắn gọn: Đâu đó vẫn nghe các cháu nhỏ học: "Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan." Ở xã Tịnh An là có thể !

- Bạn 4 Nổ lại lấy ca dao tục ngữ ví von: Đất mà người canh tác hơn 20 năm, nay tự nhiên nó "biến đâu mất," thay vào đó là đất của UBND xã lấy cho thuê. Xin thưa: chuyện như thế có ai tin không? "Cục đất mà biết nói năng. Thì ông quan xã hàm răng chẳng còn."



Đó là một trong số hàng trăm, hàng ngàn vụ tương tự mà thôi. Không biết người dân được gì hay lại mất thêm vì một thứ "luật vua thua lệ làng" nào đó hay nó chìm xuồng luôn chưa biết chừng.
 

Giam lỏng dân cho người khác lấy đất

Một trường hợp khác như hai gia đình ông Ấu Viết Tấn, Ấu Viết Phấn (ở thôn Nà Pàn, xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc) đã gửi hàng trăm lá đơn lên các cơ quan, ban ngành của tỉnh Lạng Sơn yêu cầu làm rõ những khuất tất ở dự án như: "Công khai quy hoạch dự án, làm rõ chỉ giới, mốc giới làm đường, cấp đất tái định cư cho dân, chi trả tiền đền bù cho người dân theo đúng chế độ, chính sách quy định hiện hành...." Các hỏi đáp, thắc mắc khiếu nại, tiền đền bù... của gia đình hai ông đều bị chìm vào quên lãng.

                                             
                                   Gia đình ông Ấu Viết Tấn, Ấu Viết Phấn bị giam lỏng, đất đai nhà mình bị cày xới

Ngày 8-4-2013, một nhóm người đã đến bảo vệ thi công, cày xới, phá nát hiện trạng của khu đất, gây bất bình dư luận. Để gia đình dân không làm gì được, chính quyền huyện Cao Lộc đã "giam lỏng" 6 người nhà của hai gia đình mà không một lời giải thích; khi những người này về nhà thì cả khu đất đã bị san phẳng.
 
                                                                 
                                 Ông Nguyễn Văn Ngọt, sau khi bị tạm giam về, ngẩn ngơ nhìn mảnh đất bị thu hồi
 
Trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Ngọt còn bi đát hơn. Bất chấp đơn kêu oan của người dân và xác nhận của hàng chục cán bộ, UBND huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang vẫn ra quyết định trái pháp luật thu hồi đất cửa vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngọt. Sau năm tháng bị tạm giam, ông Nguyễn Văn Ngọt (SN 1932, ở tại ấp Đồng Cừ, xã Vĩnh Điều, huyện Kiên Lương nay là huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) được trả tự do. Một phần khu đất bị thu hồi được chính quyền địa phương cho thuê mỗi năm, thu lợi hàng trăm triệu đồng. Có người bị mất đất đi kiện tới 20 năm mà vẫn chưa mang lại kết quả nào. Làm sao kể hết những nỗi thống khổ này.
 
Chính vì những cái gọi là "bức xúc" – đúng ra phải gọi là những "uất ức"– của quá nhiều người dân nông thôn nên những vụ khiếu kiện cứ kéo dài dằng dặc không có hồi kết. Ấy vậy mà trong kỳ họp Quốc hội mới đây, hai bộ có liên quan nhiều nhất đến vấn đề này lại "tự nhiên như người Hà Nội" báo cáo không tìm được vụ tham nhũng nào. Thế mới "lọa"!
 
Bộ nào nhiều tham nhũng nhất?

Ngày 18-7 vừa qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội VN đã tổ chức phiên điều trần về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước.

Trình bày báo cáo đánh giá chung về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết trung bình mỗi năm, toàn ngành thực hiện trên 10.000 cuộc thanh tra lớn nhỏ.

Kết quả thanh tra cho thấy ở các lĩnh vực nóng như tín dụng, ngân hàng, tham nhũng biểu hiện ở các hành vi ép buộc khách hàng phải cắt lại phần trăm cho vay, nhận hối lộ để hợp thức hóa hồ sơ xin vay không có tài sản thế chấp; thông đồng với đối tượng lập hợp đồng khống, nâng giá tài sản thuê mua để rút tiền của ngân hàng.
 
Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tham nhũng chủ yếu diễn ra trong việc quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi và giao đất, cấp phép khai khoáng...

Tại phiên giải trình đó, báo cáo trước các cơ quan của Quốc hội, đại diện Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết tình hình tham nhũng, tiêu cực hiện vẫn rất phức tạp, ngày càng tinh vi, các vụ trong lĩnh vực kinh tế ngày càng tăng. Đặc biệt, lĩnh vực tài chính, ngân hàng xếp đầu bảng về tội phạm tham nhũng, kế tiếp là tài nguyên đất đai.

Hai bộ quan trọng nhất không có tham nhũng

Tuy nhiên, điểm lại báo cáo của các bộ, ngành, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, có hai bộ là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ báo cáo, không phát hiện thấy tham nhũng, tiêu cực trong ngành mình trong nhiều năm qua (?!).

Thông tin này ngay lập tức đã nhận được nhiều phản hồi không đồng thuận từ báo giới và dư luận, trong bối cảnh đây là hai lĩnh vực khá nhạy cảm, tiềm ẩn những tiêu cực, tham nhũng.
 
Đặc biệt, theo báo cáo của chính Bộ Tài nguyên và Môi trường thì khiếu kiện, tố cáo trong lĩnh vực đất đai vẫn chiếm đến 70%. Trong khi đó, báo cáo 6 tháng của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, hầu hết các tố cáo đều tập trung vào những sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức.Ngay sau báo cáo của hai bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó tổng thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào khẳng định: "Người dân ai cũng biết rằng tham nhũng trong quản lý đất đai là chắc chắn là có, nếu ai đó nói không có, thì chắc là không ai người ta nghe đâu!."
 
Ông Hào nói đúng nhưng chưa hết. Dân không những không nghe còn bịt mũi cười và chẳng còn chút niềm tin cuối cùng nào vào những báo cáo của các quan to quan nhỏ cũng trôi tuột theo cơn mưa đầu mùa. Ai còn tin vào những vị ngồi bàn giấy vẽ rắn thành rồng nữa. Một chuyện sờ sờ trước mắt, từ quan lớn quan nhỏ đến dân đen cả nước cùng biết, và biết rất rõ, thế mà còn nói ngược được thì báo cáo nào chẳng dám làm. Có khi mấy ông này báo cáo dân VN bây giờ là dân sướng nhất thế giới, cả thế giới muốn đến VN lập nghiệp chứ không phải đến để ngắm chân dài VN, giá rẻ hơn ở Mỹ. Phục các ông thật.
 
Tham nhũng ngày càng tinh vi hơn

Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định để xảy ra hàng loạt sai phạm trên, nguyên nhân một phần do sự chỉ đạo chưa quyết liệt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Trong khi đó, thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa minh bạch, chưa giảm được các thủ tục có thể làm nảy sinh tham nhũng. Bên cạnh đó, nhiều quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng vẫn hạn chế, vướng mắc trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu, chuyện công khai minh bạch vẫn còn hình thức.
 
                                              
          Cổng rào ở ấp Thới Bình, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, Cần Thơ để đối phó với nạn trộm cắp hoành hành
 
Ông Tranh nhấn mạnh: "Những việc làm đúng không được đề cao và bảo vệ. Trong khi đó, hành vi sai sót, vi phạm thì lại không được phê phán hay xử lý nghiêm minh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc cơ quan thanh tra không phát hiện ra tham nhũng nhưng báo chí và người dân lại phát hiện được." "Thực tế cho thấy quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn và tinh vi hơn."

Nhìn vào hàng loạt những cái được gọi là "tồn tại" trên đây, người ta phát sợ. Nhất là "những việc làm không đúng được đề cao bảo vệ," tự nó đã xóa sổ luật pháp, sinh ra một thứ luật rừng ngầm mới. Anh nào làm sai thì sống làm đúng thì chết. Và "hành vi sai sót vi phạm không được phê phán xét xử nghiêm minh" chính là thứ vũ khí bảo vệ, khuyến khích tham nhũng. Chẳng khác nào nói "Cứ ăn đi, ăn mạnh vào, không ai đụng tới anh đâu."

Bệnh hình thức

Ông Tranh cũng đã thẳng thắn nhận rằng chỉ có báo chí và người dân phát hiện ra tham nhũng, thanh tra không phát hiện được. Như thế rõ ràng có nghĩa là hầu hết các nơi "bị thanh tra" đều tìm mọi cách bịt mắt các quan thanh tra. Vậy tại sao thanh tra không coi báo chí và tố cáo khiếu nại của người dân đó là hai "nguồn" quan trọng như một bộ phận của thanh tra để phát hiện tham nhũng?
 
Báo chí và người dân không thể làm thay việc của cơ quan thanh tra được. Nhưng thanh tra lại thừa sức làm vai trò của báo chí và người dân. Có lẽ thời nay cần nhiều hơn những Bao Công và những vị lãnh đạo cấp cao chịu khó "vi hành" sống với dân, hết mình vì nhiệm vụ chứ chưa nói đêm quên mình vì nhiệm vụ, chịu khó nghe dân nói, nhìn dân làm, tìm ra những "tinh vi" của tham nhũng, những kẽ hở của luật pháp để bọn tham nhũng lợi dụng.

Chỉ có người dân mới biết hết những mánh lới, những thủ đoạn "tinh vi" xảo quyệt của bọn quan tham. Từ đó phát sinh những oan ức thấu trời xanh mà người dân lâu nay phải gánh chịu. Nếu tất cả các cơ quan thanh tra chịu khó làm được như thế thì bao nhiêu mánh lới của cả phe nhóm quan tham đều có thể "nắm" được, oan ức của người dân được làm sáng tỏ. Còn để những tai tiếng cứ âm thầm trong lòng mọi người dân thì mọi chính sách, mọi lời nói của các quan đều là vô ích. Các chủ trương đúng nhất cũng không thực hiện được đừng nói đến những luật lệ gà mờ mà các quan thường gọi là "thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa minh bạch".

Nếu không làm được như vậy thì mãi mãi công khai tham nhũng vẫn chỉ là bệnh hình thức làm cho đẹp như bao nhiêu cái "cổng chào" khác mà thôi.

Tôi đi hối lộ

Đã có khá nhiều những sáng kiến đưa ra biện pháp chống tham nhũng nhưng chưa có đề án nào được thực hiện thành công.
 

Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới vừa tổ chức tại Hà Nội cuộc thi sáng tạo phòng chống tham nhũng. Trong hai ngày diễn ra chung kết cuộc thi có sự góp mặt của một nhân vật đặc biệt. Đó là ông T.R. Raghunandan, 54 tuổi đến từ Ấn Độ.
 
                                              
        Ông Thoniparambil Raghavan Raghunandan – người sáng lập website Ipaidabribe.com -  tạm dịch là "tôi đi hối lộ"
 
Ông được biết đến như một người truyền cảm hứng cho hàng chục ngàn người dân chống lại tham nhũng. Đề tài và cách làm của ông rất giản dị nhưng mang lại nhiều kết quả rất đáng chú ý tại một nước cũng nhiều tham nhũng như Ấn Độ.
 
Kể Chuyện đi hối lộ

Năm 2010, ông Raghunandan thành lập trang mạng Ipaidabribe.com (tạm dịch là Tôi đi hối lộ) để người dân Ấn Độ kể lại những câu chuyện chung chi của chính họ. Đến nay Ipaidabribe.com đã thu thập hơn 23.000 bài về các vụ việc hối lộ xảy ra tại hơn 500 khu vực của nước này. Đây được coi là một sáng kiến thành công trong việc sử dụng công nghệ thông tin để chống tham nhũng và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. 

Ông Raghunandan chia sẻ: "Trong khi các quan chức không chịu thừa nhận hối lộ hoặc chúng ta khó khăn để làm việc đó thì hãy để người dân lên tiếng."
 
                                               
                            Chống tham nhũng không chỉ là khẩu hiệu mà phải đi vào thực tế cốt lõi của hành động

Ông Raghunandan cho biết thêm: "Qua câu chuyện của người dân, chúng tôi ghi nhận về tình huống hối lộ, số tiền bao nhiêu, nếu chỉ 5 trường hợp thì không thành vấn đề nhưng có 500 trường hợp thì rõ ràng nó đã chỉ ra một xu hướng về đưa nhận hối lộ. Qua đó, chúng tôi lập báo cáo gửi đến Chính phủ, hoặc cơ quan phòng chống tham nhũng để khuyến nghị." Với cách làm này, trang mạng "Tôi đi hối lộ" đã tác động tích cực tới chính quyền trung ương lẫn địa phương tại Ấn Độ, giúp hiệu chỉnh nhiều chính sách, quy trình dễ xảy ra tham nhũng.

Về việc Việt Nam đã có 24 sáng kiến chống tham nhũng trong năm 2013 của cuộc thi, ông Raghunandan bày tỏ sự thú vị đối với một số sáng kiến như "Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng, chống tham nhũng" của Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền để sinh viên báo chí tiếp cận, học tập, thực hành kiến thức, kỹ năng báo chí điều tra phòng, chống tham nhũng. Hoặc Đề án Cổng thông tin điện tử Tôi đi hối lộ (www.toidihoilo.com), tương tự như Ấn Độ đã làm... Ông Raghunandan nói: "Nếu coi tham nhũng là những con muỗi thì anh có đập chết một trăm con muỗi cũng sẽ có một trăm con muỗi khác thay thế, cho nên điều kiện cần phải thay đổi môi trường ở đó để không phát sinh những con muỗi khác."
 
Những chuyện giản dị mang lại hiệu quả rất cao

Theo ông Raghunandan, chống tham nhũng không cần phải "đao to búa lớn" mà chỉ cần những việc làm rất nhỏ nhưng thiết thực, gần gũi với đời sống và sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Điều quan trọng nhất, theo ông, thành công của các sáng kiến phòng chống tham nhũng phụ thuộc rất nhiều vào mức độ cởi mở của Chính phủ, ngoài việc huy động người dân tham gia chống tham nhũng thì chính quyền cần có những động thái tích cực, nếu không việc chống tham nhũng chỉ là hình thức.
 
Có lẽ đó là một sáng kiến rất hay trong hoàn cảnh của VN hiện nay. Cần phải có một cổng điện tử riêng, độc lập, có địa chỉ e mail rõ ràng để người dân kể chuyện mình đã đi hối lộ ai, hối lộ như thế nào là điều nên làm. Chính những câu chuyện giản dị, tưởng như là "lẩm cẩm" này lại mang đến hiệu quả nhất khiến bọn quan tham phải e dè với một điều kiện là chính phủ phải thật sự chú ý đến nó trong "quốc sách chống tham nhũng."

Văn Quang

28 July 2013

Sự đời: Nhân, Nghĩa, Lễ. Trí, Tín


Huyền Nhi 

Từ xưa đến nay người Việt chúng ta luôn tự hào với nền văn hiến từ bốn ngàn năm. Nền văn hiến này được bồi dưỡng bằng đạo đức do ông cha ta truyền lại đó là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

-Nhân: Chữ "Nhân" có nghĩa là "người." trong đạo đức Việt Nam chữ "nhân" biểu hiện cho tình người.

Ông cha ta luôn mong mỏi chúng ta phải có lòng nhân đạo, yêu người đồng loại quê hương.

"Lá lành đùm lá rách"
"Thương người như thể thương thân"

Người xưa còn dạy:

"Nhiều điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng"

Ðiều này nhắc nhở chúng ta phải luôn đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, đừng vì những chuyện không đâu mà làm mất tinh thần dân tộc.

-Nghĩa: Chữ "Nghĩa" có nghĩa là "lý lẽ." Trong đạo đức Việt Nam chữ "Nghĩa" thể hiện cho sự nghĩa hiệp của người Việt Nam.

Chúng ta có thể làm việc nghĩa dưới nhiều hình thức khác nhau: giúp đỡ đồng bào tỵ nạn, người nghèo khổ trong cơn hoạn nạn khốn cùng, hoặc bạn bè, tất cả mọi việc làm nghĩa nào cũng là tốt đẹp cả miễn sao chúng ta làm theo "lý lẽ " và "lương tâm" của chúng ta.

Tục ngữ có câu:

"Giàu nhân, giàu nghĩa mới giàu
Giàu tiền, giàu bạc hơn nhau sự thường"

Lòng nhân nghĩa mới thật là sự giàu có bẩm sinh của người Việt Nam.

-Lễ: "Tiên học lễ, hậu học văn"

Từ xưa ông cha ta đã có quan niệm rằng lễ phép còn quan trọng hơn bằng cấp, hoặc chữ nghĩa. Chúng ta phải nhận định thế nào là:

"Kính trên, nhường dưới
Lấy lễ làm đầu"

Trong xã hội ngày nay, chúng ta có thể hình dung được một người tài giỏi nhưng không có đạo đức thì chỉ có thể gây tai hại cho nhân loại và xã hội.

-Trí: Trí có nghĩa là "Sự hiểu biết" đối với người Việt chúng ta "Trí" còn có nghĩa là sự khôn ngoan và khéo léo.
Người có trí tuệ thông minh không những là phải hiểu biết nhiều mà còn phải biết xử sự theo đầu óc và lý trí. Khi muốn làm một việc gì thì chúng ta phải có sự tính toán và chuẩn bị như cổ nhân đã dạy:

"Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng"

-Tín: Tín có nghĩa là "Tin cậy" 

Chữ "Tín" rất quan trọng, vì chúng ta giao dịch với nhau qua sự tín nhiệm "Chọn mặt gửi vàng." Một người không có chữ "Tín" sẽ không làm nên chuyện:

"Một sự bất tín, vạn sự không tin"

Câu này khuyên chúng ta đừng nên nói dối, dù chỉ một lần. Một lần nói dối có thể đánh mất niềm tin nơi mọi người. Nói tóm lại, chúng ta cần phải giữ đúng lời hứa và làm tròn trách nhiệm, có như thế chúng ta mới chiếm được cảm tình và niềm tin của người chung quanh.

Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, là đạo đức luân lý quý báu do tiền nhân truyền dạy. Chúng ta cần phải nuôi dưỡng và bồi đắp những đức tính này để chúng ta có thể tự hào là người Việt Nam./.

Huyền Nhi

25 July 2013

Cái dã tâm ác độc “Công gìáo hoá” toàn miền Nam của dòng họ Ngô

Kính thưa Quý Vị,

      Đây tất cả SỰ THẬT về chế độ Ngô Đình Diệm. Làm sao chấp nhận được một chế độ man rợ nhân danh "độc quyền chân lý" để tiêu diệt các tôn giáo khác y như các cuộc thánh chiến đẫm máu kinh hồn của Giáo hội Công giáo La Mã khi xưa giết chết hàng mấy trăm triệu sinh linh !?

       Khi nhắc tới chế độ TT Diệm, hãy nhìn vào cái bản chất phi nhân, gian hùng, lừa đảo và cực kỳ dối trá của chế độ Diệm  :

       1.- Ai bầu cho ông Diệm làm tổng thống bao giờ ? Ông Diệm lưu manh tổ chức Trưng cầu Dân ý BỊP truất phế Bảo Đại rồi "tự phong" làm tổng thống và tự ý "khai sanh" ra nền Cộng Hoà !

       2.- Diệm sai Mật Vụ Cần Lao đang đêm tới nhà bắt và thủ tiêu dã man các nhà yêu nước như quý ông Nguyễn Bảo Toàn, Tạ Chí Diệp, ám sát tướng Trịnh Minh Thế, v.v... Có chánh quyền nào man rợ như thế không ? Tại sao không bắt đưa các vị ấy ra toà án nếu thấy có tội ?

       3.- Lừa tướng Ba Cụt ra thương thuyết rồi bắt xử tử. Diệm khát máu đến nỗi đem chặt đầu thay vì xử bắn theo yêu cầu của tử tội. Ác độc đến nỗi không trả xác lại cho gia đình chôn cất theo truyền thống nhân đạo và văn minh của cả nhân loại. Riêng vụ nầy thôi đủ thấy cái man rợ của Diệm.

       4.- Diệm dối trá, lật lọng với Quân Dù đảo chánh 11-11-1960, hứa cải tổ nội các và dân chủ hoá chế độ. Nhưng khi Quân Dù đồng ý rút lui, và khi quân SĐ7 kéo về thủ đô... thì Diệm nuốt lời hứa, bắt bỏ tù và đưa ra Toà các Sĩ quan đảo chánh. Thử hỏi có vị tổng thống nào tráo trở gian manh như thế đối với Quân Đội hay không ?

        5.- Chưa hết, Diệm còn ra Mật Lịnh cho Đại úy phi công Huỳnh Minh Đường đang đêm đem bom đi ném tàu HQ-401 đang chở chính trị phạm và các sĩ quan Dù ra Côn Đảo. Rất may phi công HMĐ không thi hành lệnh. Hỏi có vị lãnh đạo nào dã man tàn ác như Diệm-Nhu ? Anh minh, đạo đức ở chỗ nào ? Con chiên của Chúa gì mà ác độc còn hơn loài rắn rít ?

        6.- Diệm lật lọng, nuốt lời với Phật giáo. Phái đoàn đại diện thương thảo với Phật Giáo tháng 8-1963 về 5 nguyện vọng của Phật Giáo. TT Diệm đã chấp thuận toàn bộ, hứa sẽ xin quốc hội hủy bỏ Dụ số 10... Nhưng chữ ký chưa ráo mực, Diệm trở mặt lật lọng, đêm 20-8-1963, ban hành Thiết Quân Luật, rồi ra lịnh Quân Đội (LLĐB) tổng tấn công các chùa Phật Giáo trên toàn quốc, bắt bớ bỏ tù hàng ngàn tăng ni. Đây là đòn sấm sét quyết tâm tiêu diệt Phật Giáo của Diệm. Tâm địa phản trắc, ác độc đến thế là cùng !

        7.- Sau đó Diệm còn ra lịnh cho Mật Vụ bày trận Mỹ Nhân Kế, dùng gái đẹp mồi chài giăng bẫy ông Trưởng Phái Đoan LHQ tới Sàigòn điều tra vụ đàn áp Phật Giáo. Cái trò đê tiện bẩn thỉu nầy chỉ có chế độ Diệm mới dám làm, và làm nhục nhã cho dân tộc VN bị cả thế giới nguyền rủa !

        Xin hỏi : Một chế độ tận cùng man rợ thú vật như thế bảo Quân Đội VNCH không vùng lên lật đổ sao được ? Thế mà bọn tàn dư Cần Cao dám gọi là làm phản à ? Rõ là lũ ngu đần : Quân Đội tuyên thệ phục vụ và trung thành với Tổ Quốc chứ Quân Đội không phải là tay sai của cá nhân ông TT Diệm, và Quân Đội càng không phải là đầy tớ của gia đình họ Ngô !

         8.- Và điều tối quan trọng nữa : Đã là một vị lãnh đạo tối cao Quốc Gia Việt Nam, nhưng Diệm lại KHÔNG CÔNG NHẬN QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG. Diệm chỉ thờ Vatican. Diệm muốn "công giáo hoá" miền Nam dâng cho Vatican. Nhưng khi thấy bị toàn dân chống đối, Phật Giáo chống đối, Hoa Kỳ không ủng hộ nữa, Diệm bèn đi đêm với CS Hànội, toan đuổi Mỹ để dâng nốt miền Nam cho Cộng sản !

         Tội PHẢN QUỐC của Diệm đã bị phơi bầy dưới ánh sáng của mặt trời như thế. Bọn Việt gian trong Hội Đồng Giám Mục VN ở hải ngoại bây giờ lại dựng xác chết tên đại Việt gian phản quốc Ngô Đình Diệm dậy, toan khống chế cộng đồng NVQG hải ngoại, đánh phá Phật Giáo, tiếp tay CS Hànội thi hành NQ36... KHÔNG SAI !


       Kính xin bà con giáo dân hãy sáng suốt đừng để mắc mưu CS lần nữa !

              GÓP GIÓ 24-7-2013
                                                        ****
         
       Bài viết của LM Trần Tam Tỉnh sau đây, Ngài đã vạch ra cái dã tâm ác độc  "Công gìáo hoá" toàn miền Nam của dòng họ Ngô. Qua bài viết nầy, thiết nghĩ những người Công giáo lương thiện nào cũng cảm thấy xấu hổ, lương tâm không khỏi bị ray rứt, bàng hoàng !?
            GÓP GIÓ.
     
 
Trích đoạn sách
THẬP GIÁ VÀ LƯỠI GƯƠM 
của Linh Mục TRẦN TAM TỈNH
 
 
(Linh mục Trần Tam Tỉnh, Viện sĩ viện hàn lâm Hoàng Gia Canada, 
Giáo sư Đại học Laval tỉnh Quebec - Canada) 
 
 Giáo hội chiến thắng
 
 ... Người ta đã viết nhiều về Ngô Đình Diệm như một «người hùng Đông Nam Á», là «Côngxtantanh châu Á», là «Klôvít mới trong lịch sử Giáo hội». Theo dư luận của những người đã từng cộng tác với ông, Diệm là một người liệm khiết, độc tài, phong nho, và «trung cổ». Cổ lổ, ông càng tỏ ra cổ lổ hơn, khi tự cho mình là «Người Chúa chọn» để cứu dân. Là người độc thân từng sống gần chục năm trong tu viện, chủng viện, tại Việt Nam cũng như tại Mỹ, ông gần gủi với thuyết thiên chủ hơn là dân chủ.
Là cha của nước Cộng hòa, ông chỉ chấp nhận một đảng duy nhất là Cần Lao, được thành lập và khuynh loát bởi ông em Ngô Đình Nhu, làm nòng cốt cho cái ông gọi là Phong trào cách mạng quốc gia. Phong trào này được tổ chức theo cơ cấu của một chính thể quốc gia, có tất cà các bộ chân rết như bộ máy chính quyền từ trên xuống dưới, khiến bất cứ ai muốn được thành tỉnh trưởng, quận trưởng, xã trưởng, giáo sư hay công chức, đều phải là đảng viên Cần Lao. Hệ tư tưởng của Đảng và Phong trào là «thuyết Nhân vị», chỉ có một trường đào tạo duy nhất là «Trung tâm đào tạo nhân vị', do người anh của tổng thống là Giám mục địa phận Vĩnh Long, Ngô Đình Thục sáng lập. Bất kỳ là Công giáo hay không, tất cả công chức đều phải qua một khóa học tập ít là một tháng tại đó. Cá lớp học đều do các linh mục đảm nhiệm, nhồi nhét những khái niệm về nhân bản, con người được Thiên Chúa sáng tạo, giảng về những điều lầm lạc của Phật giáo, Khổng Giáo, về các tội ác của Cộng sản… Cuộc «tẩy não» này do chính các linh mục thực hiện, họ là những người chỉ biết triết học kinh viện tây Âu và «đã tiếp thụ tại Rôma cái khái niệm về Phật giáo do các cố cựu thừa sai dạy cho» (lời thú nhận của giám mục Thục).
Vị giám mục này, anh của tổng thống, niên trưởng của hàng Giáo phẩm, đã hóa thành trí não tuyệt vời của chế độ. Người ta tìm tới ông để xin xỏ ân huệ, đặc quyền. Giám mục làm như hiện thân của Giáo hội, cũng như ông em là hiện thân của Nhà nước. Thật không phải vô cớ mà thiên hạ hàn tán về «óc hiếu thắng của Giáo hội» và chủ nghĩa gia đình trị của nhà họ Ngô. Đáp lại các lời chỉ trích, giám mục Thục nói năm 1963 rằng «Trên bàn giấy của tôi nằm chồng chất những lô đơn xin tôi can thiệp cho họ ơn này ơn nọ, khổ thay, thường chỉ là thế tục, từ chóp bu của Giáo hội, băng qua các đồng nghiệp của tôi trong hàng giám mục (…) và xuống cho tới những tầng lớp thấp nhất của quần chúng, bất phân màu da và tôn giáo (tôi có thể kể ra tên tuổi đáng kính như hồng y Feltin và đức cha Rô-đanh (Rodhain). Tôi không thể dửng dưng trước những lời kêu xin của họ. Cho nên có sự ăn qua giữa cái thiêng liêng và cái phàm tục! Ở vào địa vị tôi, các ông sẽ xự sự thế nào?» (ICI, 15.4.1963).
Từ 1955 đến 1963 là thời vàng son của chủ nghĩa cha chú, với những lợi ích thật chẳng bao nhiêu, nhưng với những hà lạm gây nhiểu tiếng tăm hơn, nhất là trong khi công chúng gồm 90% là ngoài công giáo mà bị kiểm hãm dưới một thứ «chính phủ công giáo». Khắp nơi, ở thành phố cũng như nông thôn, chiếc áo chùng thâm là biểu tượng của quyền thế.
Tại các vùng Công giáo di cư, cha xứ là toàn quyền, là những ông vua tuyệt đối. Giám mục Ngô Đình Thục cũng phải thừa nhận những chuyên hà lạm của các nhà độc tài áo đen. Trong một lá thư gởi cho một bạn cũ, ông viết: «Người ta có cả trăm hồ sơ, tố cáo các linh mục ăn cắp tiền của di cư, bằng những danh sách ma, bằng cách tẩy xóa sổ sách, bằng cách thu xếp để chiếm đoạt tiền bạc của chương trình Cải cách ruộng đất, hoặc bán hàng viện trợ Mỹ (theo các lời tố cáo của chính bà con di cư) hay là giữ tiêu riêng các khoản tiền họ nhận để xây dựng nhà ở cho bà con di cư: Nhà nước (và cả Giáo quyền) dễ dãi cứ nhắm mắt làm ngơ cái vụ đó, bởi vỉ linh mục rất cần cho việc huy động dân chúng trong cuộc chống Cộng.
Tại thành thị, các linh mục chẳng có bằng cấp, chẳng tài giỏi gì, mà vẫn điều khiển các trường tư thục, được tổ chức những áp phe vơ vét tiền bạc. Hai linh mục đã được cử làm viện trưởng của hai trong ba đại học của toàn miền Nam, trong đó có đại học Đà Lạt. Đại học này chỉ là Công giáo nơi danh nghĩa thôi. Đất đai và cơ sở kiến trúc của nó đều do Nhà nước đài thọ. Để có nguồn thu nhập cho đại học, giám mục Thục đã giành được độc quyền các vùng đốn cây tại Định Quán, là điểm ngon nhất nước. Ông cũng xin được những thửa đất ruộng mênh mông dọc bờ biển, để trồng dương liễu và dừa; công viện này được tiến hành nhờ có tiền vay được hàng triệu đồng của chính phủ. Đã có đại học Công giáo thì phải có sinh viên. Song Đà Lạt là một thành phố nhỏ miền cao nguyên, ở xa các trung tâm đô thị lớn và nhất là nó chỉ là một thành phố biệt thự dành cho hạng giàu có. Muốn cho đại học Công giáo này hoạt động, chính phủ quyết định dời khoa sư phạm Sài Gòn lên, đem theo toàn bộ sinh viên, anh chị em nào cũng có học bổng Nhà nước cấp.
Thế là nhờ có sự bảo trợ của giám mục Thục thuộc địa phận Vĩnh Long, sau nầy làm Tổng giám mục Huế, các sinh viên Công giáo đã giành được những vị trí then chót và lương bỗng cao. Tòa giám mục trở thành một loại phòng ngoài của dinh Tổng thống. Người ta thấy bộ trưởng, dân biểu, tỉnh trưởng, tướng tá (trong đó có nhiều người mới trở lại đạo) lũ lượt sắp hàng vào hầu đức cha. Tại các tỉnh, các linh mục cố vấn chính trị rất có ảnh hưởng cạnh tổng thống hoặc bên cạnh người em thứ ba của tổng thống – phó vương không danh nghĩa của miền Trung – các cha không ngần ngại tìm cách đưa con chiên mình vào thay thế các quận trưởng hay xã trưởng không công giáo.
Để thành lập những đơn vị bảo vệ dinh tổng thống Diệm chiêu mộ những người di cư tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình vốn nổi tiếng là dũng cảm và chống Cộng. Ông nói chuyện đó với linh mục Cao Văn Luận, một người rất thân tín. «Giả như tôi đem vào được ít chục ngàn chiến sĩ của Thanh Nghệ Tĩnh Bình và một chục cán bộ có khả năng cỡ cha Khai, thì mọi sự chắc chắn sẽ thành công. (Người ta biết rằng sau này linh mục Khai đã hối tiếc vì đã qua nhiệt tình phục vụ ông Diệm).
"Chính phủ công giáo" ngày càng trở nên lộ liễu khi ngành công binh, từng đoàn binh xa và vật tư của chính phủ được đưa ra sử dụng trong việc xây cất nhà thờ, chủng viện, các nhà thuê thuộc tòa giám mục; khi các cán bộ nông thôn và công chính được phái đi lo việc trồng dương liễu và dừa cho đức cha, khi các binh sĩ được biệt phái thường trực tại văn phòng Công giáo tiến hành, khi các giám mục có chỗ danh dự đứng bên cạnh tổng thống trong các nghi lễ công cộng, hay là trong các cuộc duyệt binh, khi chính phủ phê nhận luật gia đình của bà Nhu, em dâu của Diệm, áp dụng – trong một nước mà 90% dân là không công giáo – các khoản luật gần giống như trong Giáo luật. Khỏi nói tới việc dựng các tượng Đức Mẹ do tay tổng thống, có giám mục nọ kia phụ vào, tại nhiều điểm ranh giới để «nhờ Đức Mẹ che chở đất nước khỏi nạn Cộng sản».
Quả thế, Đức Mẹ cũng được đưa vào môi trường của chủ nghĩa hiếu thắng huênh hoang, nhất là dịp Đại hội Thánh mẫu tháng 2 năm 1959, có hồng y Agagian, sứ thần của Đức giáo hoàng qua chủ sự. «Ba trăm ngàn giáo hữu đã đi theo cuộc rước khổng lồ trong ngày kết thúc, sau đó hồng y đã long trọng dâng nước Việt Nam cho Đức Mẹ Vô Nhiễm» theo tin tức báo chí thời ấy. Để cuộc rước đó thành công, ngoài sự tưởng tượng của Rôma và Pari, người ta đã huy động hàng ngàn tên công binh để xây dựng một bệ lớn trước nhà thờ chính tòa Sài Gòn, để dựng lên cổng chào, đồng thời đưa ra hàng trăm xe căm nhông để vận chuyển hàng chục ngàn giáo dân từ các tỉnh về.
Đức Mẹ cũng được cung kính đặc biệt tại La Vang, quãng 30 km mạn nam vĩ tuyến 17. Vì những lý do chính trị, ngôi nhà nguyện nhỏ mất hút trong rừng núi, bỗng trở nên một nơi hành hương cho toàn thể người Công giáo Việt Nam, thậm chí của toàn nhân dân Việt Nam! Được mệnh danh là «thành lũy thế giới tự do chống cộng sản», ngôi nhà nguyện khiêm tốn này vừa được nâng lên hàng Vương cung thánh đường từ sau Đại hội Thánh Mẫu, đã tiếp nhận vào tháng 8-1961 một cuộc hành hương khồng lồ nhất trong lịch sử chế độ Diệm. Ngày 16-8, tổng thống đích thân phú thác tương lai nước Việt Nam cho Đức Mẹ La Vang. Trước mặt 200.000 người hành hương, đầy đủ các giám chức của Giáo hội, các bộ trưởng và công chức cao cấp, phần lớn không phải là Công giáo, tổng giám mục Ngô Đình Thục đã đọc lời kinh dâng nước Việt Nam cho Đức Mẹ, sau cuộc rước kiệu khổng lồ.
Nhằm biến La Vang thành một thứ Lộ Đức Việt Nam, hàng giám mục đã tổ chức tại La Vang để lấy cho được cỡ 10 triệu đồng dành cho việc xây nhà thờ mới, các tượng Thánh Giá và cái hồ «làm phép lạ». Vé số được phân phối một cách đương nhiên cho các công chức, Công giáo hay không cũng mặc, bằng cách khấu trừ tiền lương của họ. Các học sinh nghèo, nhất là tại các trường học miền Nam, cũng phải mua vé số. Một số vé được đem giao cho các công chức và quân sự phân phối. Tại Sài Gòn, một bữa tiệc kiểu Mỹ đã được tổ chức trong đó có khách được mời phải đóng 2.500 đồng (ngang với một tháng lương của công nhân) gọi là để đóng góp cho Trung tâm quốc gia La Vang. Danh sách các ân nhân «tự nguyện» của La Vang rất dài, với những người đứng đầu sổ là Phó tổng thống người Phật giáo, các bộ trưởng, các tướng tá, mỗi người dân cũng từ 10.000 đến 20.000 đồng.
Đối với Nhà nước cũng như giáo hội, La Vang không chỉ là một trung tâm tôn giáo, mà còn là biểu thị của chế độ chống cộng. Chẳng hạn khi bình luận cuộc hành hương năm 1961, tờ Viễn Đông, một tạp chí tuyên truyền của chế độ, đã viết: «La Vang là nơi hòa nhập nên một, đối với người Công giáo, bản chất lòng yêu nước với đức tin giải ra trước con mắt của kẻ tin một việc lựa chọn hai chiều thật đúng với việc quan phòng của Chúa. Và sự chọn lựa này hiện rõ một lần nơi cái dự án kỳ diệu không tả nỗi và nơi vị trí địa dư của La Vang. Nguyện đường năm ngay đường ranh giáp với chủ nghĩa cộng sản vô thần, từ nay nhà nguyện này nổi lên như một «con đê thiêng liêng của Nước nhà».
Bên cạnh chủ nghĩa hiếu thắng bề ngoài đó, phải nói thêm một thứ hiếu thắng khác về «mục vụ» như là đặc điểm của Giáo hội thời kỳ này, đó là việc đưa dân ngoại vào đạo. Giám mục Angxen (Ancel) phụ tá địa phận Lyon, đã nhắc lại lời giám mục Thục: «có những làng nguyên vẹn xin chịu phép rữa tội. Người ta không làm sao dạy giáo lý kịp cho họ… Và ông kết luận: «Đây là nước duy nhất tại Viễn Đông (không kể Philippin) đang trên đà trở lại đạo cả nước». Những con số người lớn chịu rữa tội, nhất là tại địa phận Qui Nhơn xem ra phù hợp với cảm tưởng của vị giám mục Pháp: 16.323 năm 1956-1957, 27.385 năm 1958-1959, 37.429 năm 1960-1961. Năm 1959, tại Qui Nhơn, chỉ trong một tháng, 61.000 người xin chịu phép rửa tội. Ơn Chúa hình như, đùng một phát, tuôn xuống như mưa trên địa phận của giám mục Phạm Ngọc Chi, giám mục phụ trách di cư những năm 1954-1956, ông đã nhận được từ cơ quan Viện trợ Công giáo Hoa kỳ 38 triệu đô la, của tổ chức viện trợ Pháp cũng như Caritas quốc tế còn nhiều triệu khác nữa."
Phong trào trở lại đạo hàng loạt như thế vừa là kỳ diệu vừa gây khó chịu, bởi vì dân chúng trong vùng do đã sồng dưới quyền kiểm soát của Việt minh trong thời chiến tranh Pháp – Việt. Giám mục Chi đã cho chúng tôi biết rằng phép lạ đó, một phần vì nhờ có việc tuyên truyền «thuyết nhân vị» của chính phủ, dọn đường cho quần chúng tại đây tìm gặp được đạo Công giáo và đàng khác nhờ các việc từ thiện Công giáo, các trường học, cô nhi viện, nhà thương, điểm phát quần áo, bánh mì và lương thực. Có người cho rằng việc theo đạo hàng loạt đó chỉ lập lại theo ngạn ngôn đã có từ thời Pháp, «đi đạo lấy gạo mà ăn» thôi. Quả thế, viện trợ Công giáo từ ngoài vào đều do các linh mục tự tiện thao túng và thường chỉ dành để phân phát cho người Công giáo. Dân chúng miền Trung này, là vùng nghèo nhất miền Nam, chẳng qua đã tìm nơi việc theo đạo Công giáo một phương tiện kiếm ăn. Có những người cũng cho rằng họ vào đạo để khỏi bị sách nhiểu về chính trị. Quần chúng ở đây, vì đã từng sống lâu năm dưới chế độ Việt minh, nên bị tình nghi có liên hệ với «kẻ địch», bây giờ vào đạo là gặp được con đường để tỏ lòng trung thành với chế độ hoặc ít ra tránh được những quấy nhiểu của cảnh sát. Đó là ơn Chúa hay chỉ là do động cơ khác của con người? Có thể nói là cả hai phía vậy.
Điều chắc chắn là phong trào trở lại đạo đó chấm dứt với năm 1963, ngay khi tổng thống công giáo Diệm bị lật đổ.
Về phép lạ Qui Nhơn, nên đọc thêm những gì viết sau đây của báo Missi (1-1959): «Các linh mục phải kêu xin tiếp cứu. Giám mục Fulton Shenn đã nghe những lời yêu cầu đó và người Công giáo Hoa Kỳ đã hợp tác với giám mục Chi. Hàng ngàn tràng chuỗi, sách kinh đã được gửi tới Qui Nhơn, cũng như những lô ảnh vẻ Đức Mẹ và tượng Chúa Kitô là những dấu hiệu đầu tiên của con người mới.
Người ta nói đến lý do chính trị của cuộc trở lại. Điều đó chắc chắn là có và có một cách hết sức đặc biệt.
Mùa hè 1955, Ngô Đình Diệm tung ra chiến dịch Tố Cộng và qua luật 10-1959, ông đã lập các Tòa án quân sự đặc biệt, như một bộ máy đàn áp. Luật này, kết án tử hình và phải thi hành trong vòng 3 ngày, khỏi có quyền bào chữa, tất cả những người Cộng sản, những người có quan hệ với Cộng sản (những chiến sĩ yêu nước chống Pháp, cả cha mẹ và bạn bè của họ), tất cả những bị cáo được xem là phạm đến an ninh quốc gia. Các cuộc càn quét đã bắt về ngàn «tên đỏ», từ nay gọi là Việt cộng và nhiều người trong số đó đã bị giết. Một số khác may mắn hơn, như ông Nguyễn Hữu Thọ, rồi đây sẽ là Chủ tịch Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng, từng là luật sư ở Sài Gòn và là Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Sài Gòn Chợ Lớn, phải sống lê lếch trong các trại giam. Trong lãnh vực này, tài liệu bí mật của Lầu Năm Góc cũng giống như những gì do chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phổ biến hồi đó: «Suốt thời gian của cái gọi là chiến dịch Tố cộng được tung ra mùa hè năm 1955, từ 50.000 đến 100.000 ngàn người đã bị nhốt vào ngục. Nhưng như bản báo cáo có nói, phần lớn những kẻ bị bắt đây không phải là đảng viên Cộng sản». Đó là lời của Bơttơphiu (F. Butterfield) viết trong bản phân tích Tài Liệu Lầu năm góc. Tác giả còn thêm: «Chương trình công dân vụ đã thất bại, bởi vỉ tổng thống Diệm hầu như chỉ phái toàn những người di cư miền Bắc hay là công giáo đến các làng đó. Nông dân cho rằng những thứ người đó không phải là người của họ" (Pentagon Papers, tr.82).
Mặc dầu thái độ thiên vị của Diệm không chỉ nằm lại nơi các bảng thống kê, cũng cần ghi nhận rằng, trong một miến Nam chỉ có 10% là Công giáo, mà tại Quốc hội có tới 30% dân biểu Công giáo, với 3 vị chủ tịch quốc hội liên tiếp là Công giáo: trong bộ máy hành chánh, có 9 trên 14 tỉnh trưởng miền Trung và 14 trên 18 tỉnh trưởng miền Nam là Công giáo, trong chính phủ thì 4 trong số 12 bộ trưởng là Công giáo và trong quân đội 3 trong số 16 tướng lãnh là Công giáo.
Các bản thống kê nói trên cho thấy một khuôn mặt xã hội không mấy đúng đắn về người Công giáo Việt nam. Như đã trình bầy ở trên, gần như toàn thể giáo dân người Việt là thành phần nông dân, nghèo đói. Cho đến năm 1954, giữa đám rừng tác giả và thi sĩ nổi tiếng, người ta chỉ đếm được một thi sĩ là công giáo. Rất ít người là trí thức. Như vậy, việc tăng vọt số người Công giáo trong chính trường cần được giải thích không phải vì họ có nhiều trí thức trình độ vượt trổi, hay là tài ba lỗi lạc hơn thiên hạ trong lãnh vực quản lý hành chánh và chính trị.
Trong một báo cáo được soạn thảo vào cuối tháng 8, theo chỉ thị của tòa Khâm sứ Sài Gòn, để gửi cho Vatican, một linh mục khá thông thạo các các vấn đề Việt Nam có viết: «Người ta đã nói đến tiếng «hiếu thắng». Tôi nghĩ tiếng đó không phải là thái quá để đánh giá cách xự sự của một số giám mục và linh mục. Trong các cuộc lễ nhậm chức giám mục hai năm trước đây cho hai đức cha Qui Nhơn và Đà Nẵng, người ta đã tổ chức những cuộc biểu tình khổng lồ. Không phải tất cả do người Công giáo đơn phương làm. Nhân sự và phương tiện của chính phủ đã góp một phần lớn vào các cuộc tập họp đó, mà không phải bao giờ cũng do lòng tự nguyện…»
«Các đêm canh thức Giáng sinh, các Tuần Ta, nhật Tuần thánh của chúng tôi, được tổ chức với sự hỗ trợ to lớn của quân đội và bộ Thông tin, gây nên ganh tỵ nơi người Lương. Và các vụ xổ số, hội chợ do các linh mục tổ chức để có tiền làm việc thiện, gây bực bội cho rất nhiều người trong quần chúng. (Tài liệu này, chúng tôi có bản sao, chắc đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới đường lối của Vatican thời kỷ này)».
Một biến cố cuối cùng, lẽ ra phải đánh dấu tuyệt đỉnh của chủ nghĩa hiếu thắng, nếu không có vụ khủng hoảng Phật giáo nổ ra: Tổng giám mục Thục đang chuẩn bị lễ Ngân khánh, ăn mừng 25 năm làm giám mục, ngày 29-6-1963. Từ tháng 3, một Ủy ban Ngân khánh đã được thành lập, do Chủ tịch Quốc hội làm chủ tịch, với nhiều vị bộ trưởng và nhân vật tên tuổi làm ủy viên. Người ta tổ chức tại Sài Gòn một bữa tiệc mỗi thực khách phài đóng 5.000 đồng và tại các tỉnh thì tổ chức các cuộc lạc quyên, vừa xin vừa ép, với những cuộc xổ số do tỉnh trưởng chỉ thị. Người ta muốn biến cuộc lễ Ngân khánh của Giám mục thành Quốc lễ. Nhưng cuộc lễ này đã chỉ ăn mừng «trong thân mật», do cuộc nổi lên của Phật tử./.

24 July 2013

CÁCH MỸ CHỌN ĐỒNG MINH TẠI CHÂU Á: TRƯỜNG HỢP NGÔ ĐÌNH DIỆM

Lý Nguyên Diệu

Cuộc chiến Việt Nam từ 1954 đến 1975 đã chia các tác giả Mỹ viết sách chính trị ra làm hai phe: Chống đối và Ủng hộ, mà họ mệnh danh là phái "chính thống" (orthodox) và phái "xét lại" (revisionist).

Một cách tổng quát, phái Chính thống gốm những tác giả như N. Chomsky, D. Halberstam, F. Fitzgerald, W. Fishel với quan điểm nước Mỹ đã sai lầm khi can thiệp vào Việt Nam mà Nam Việt Nam là một "đồng minh" bất lực. Phái Xét lại gồm những tác giả như E. Hammer, N. Podhoretz, M. Moyar thì chủ trương ngược lại. Điều đáng chú ý là những tác giả thuộc Chính thống lại gồm rất nhiều người trong quá khứ đã từng ủng hộ ông Ngô Đình Diệm như J. Buttinger, M. Mansfield, D. Anderson và ngay cả Hồng Y Spellman nhưng sau đó thì hoàn toàn thất vọng, thậm chí còn chống đối lại ông Diệm và chế độ của ông ta.

 
Cho độc giả người Việt, những tác giả thuộc phái Xét lại thường phạm những lỗi lầm căn bản về văn hoá Việt Nam làm cho không còn tin tưởng để đọc tiếp. Lấy thí dụ của hai trường hợp tiêu biểu:
 
Thứ nhất là Francis X. Winters, giáo sư Đại học Georgetown, tác giả cuốn "The Year of the Hare: America in Vietnam", University of Georgia Press xuất bản năm 1988. (Được hai ông cựu Bộ trưởng chế độ Diệm là Lâm Lễ Trinh và Tôn Thất Thiện, dĩ nhiên, hết lời ca ngợi). Sách nầy có những sai lầm như: Hồ Chí Minh sinh ở bên bờ sông Hương ở Huế, Thích Trí Quang là một luật sư thành công, đường mòn Hồ Chí Minh bắt đầu năm 1962. Ông Winters đã phải thú nhận những lỗi lầm sơ đẳng nầy khi bị một độc giả nêu ra trên tập san hữu khuynh National Review năm 1989. Điều đáng buồn là ngay cả cái tựa sách ("The Year of the Hare" -để chỉ năm Qúy Mão, của cuộc đảo chánh 1963) đã cho thấy tác giả không phân biệt được văn hoá Việt và Tầu.
 
Thứ hai là Mark Moyar, giáo sư Đại học Thủy quân Lục chiến Mỹ, tác giả cuốn "Triumph Forsaken: The Vietnam War 1954-1965", Cambridge University Press xuất bản năm 2006. (Cũng lại được ông Lâm Lễ Trinh khen ngợi hết lời). Cuốn sách nầy cũng chú trọng đến thời kỳ cai trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng phân tích của tác giả thì quá sức nông cạn. Khi nói về ông Ngô Đình Nhu, tác giả khen là "một vị lãnh đạo tài giỏi, đã làm cho ông trở thành một trong những nhà tổ chức chính trị hữu hiệu nhất của Nam Việt-Nam."(trang 35) Người Việt Nam, kể cả trùm mật vụ Trần Kim Tuyến (trong sách "Những Huyền Thoại và Sự thật về Chế độ NĐD" của Vĩnh Phúc) cũng phải chê đảng Cần Lao Nhân Vị, tổ chức Thanh Niên Cộng Hoà (TNCH) mà ông Nhu làm Thủ lãnh. Nói về "hữu hiệu" thì ai cũng biết trong ngày đảo chánh 1/11/63, cả cái tổ chức TNCH ấy chỉ có một ông Cao Xuân Vỹ làm việc, còn Phong trào Cách mạng Quốc gia và nhất là đảng Cần Lao Nhân Vị trước đó hét ra lữa thì nay hoàn toàn lặn đi đâu mất. Ba lực lượng chính trị do ông Ngô Đình Nhu "tổ chức" đó, khi chế độ lâm nguy và lãnh tụ bôn tẩu, thì tan như bọt xà phòng ! Còn cuộc đảo chánh giả Bravo do chính ông Nhu tổ chức bằng cách dựa vào tướng Tôn Thất Đính thì ông tướng nầy đã bị Đại tá Đỗ Mậu "tổ chức" rồi. Ngoài ra, cuốn sách dày 512 trang của Moyar phân tích chế độ Diệm mà chỉ nhắc tên ông Ngô Đình Thục 2 lần trong … 2 dòng, trong khi nhà văn hoài Ngô của năm 2010 là Nguyễn Văn Lục cũng phải công nhận rằng hai người có trách nhiệm nặng nhất làm cho nhà Ngô sụp đổ là ông Giám mục Thục và bà Ngô Đình Nhu.
 
Với những tác giả như vậy trong phái Xét lại, tác phẩm của giáo sư Seth Jacobs đã xuất hiện như một hải đăng chửng chạc chiếu sáng vào vùng sương mù của một cuộc tranh chấp đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi.
 
Tác phẩm "America's Miracle Man in VietNam – Ngo Dinh Diem, Religion, Race, and U.S. Intervention in Southeast Asia" của tác giả Seth Jacobs, giáo sư Sử học tại Boston College, nguyên là một luận án tiến sĩ viết năm 1997. Sau đó, ông đã thu thập thêm tài liệu mới giải mật và cập nhật hoá rồi xuất bản cuốn sách nầy năm 2004 và tái bản năm 2006 (Duke University Press). Chủ đề của luận án nầy là lý do vì sao người Mỹ can thiệp vào Việt Nam và về sau đã trở thành một lỗi lầm tàn khốc cho "đồng minh" Việt Nam và cho chính cả nước Mỹ mà một nửa thế kỷ sau vẫn còn nhiều di chứng. Đó là một cái nhìn can đảm vì tác giả đã đề cập đến hai chủ đề "không nên bàn cải": Tôn giáo Chủng tộc. Một cách tổng quát, luận án của Seth Jacobs gồm hai phần chính. Bốn chương đầu chứng minh chính sách ngoại giao của Mỹ sau Đệ Nhị Thế chiến bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố: Tôn giáo, Chủng tộc và Chủ thuyết Cộng sản. Hai chương cuối phân tích tiến trình quyết định của chính quyền Mỹ đã dựa trên ba yếu tố đó để chọn ông Ngô Đình Diệm về Sài Gòn lãnh đạo một "tiền đồn chống Cộng cho thế giới tự do" của Mỹ.
 
Phần đầu của sách phân tích 3 yếu tố chỉ đạo của chính sách đối ngoại Mỹ sau thế chiến thứ Hai có thể tóm lược như sau:
 
■ Về Tôn Giáo, luân lý nước Mỹ được dìu dắt bởi những khuôn mặt đáng nể như Mục sư Billy Graham (Tin Lành), Hồng y Francis Spellman (Công giáo). Mục sư Graham là bạn của 11 đời Tổng thống Mỹ, từ Eisenhower đến Obama, và sở hữu một đế quốc truyền đạo (evangelical empire) khổng lồ. Đặc biệt Hồng y Spellman, theo đúng đường lối chống Cộng sản triệt để của Vatican, nắm chức Tổng Tuyên úy của quân đội Mỹ (Military vicar of the U.S. armed forces). Khi qua Việt Nam năm 1955, dù chỉ là một chức sắc tôn giáo, ông dược Tổng thống Diệm tiếp đón như một quốc khách với đại tiệc tại Dinh Độc Lập. Năm 1952, Kinh thánh bán được 26.5 triệu cuốn trên toàn nước Mỹ. Hai siêu đại gia trong ngành truyền thông là DeWitt Wallace và Henry Luce, đều là con các nhà truyền giáo Tin lành, và siêu đại gia thứ ba là Randolf Hearst Jr. đã sử dụng tối đa các cơ quan truyền thông để truyền đạo Chúa dù tờ báo của họ là Life, Time, hay Popular Science, Mademoiselle, Fortune. Tác giả Jacobs cũng đã dành nguyên một chương (số Bốn) để nói về bác sĩ quân y Tom Dooley là một người Công giáo cuồng tín, kỳ thị chủng tộc đã gián tiếp đẩy nước Mỹ dính vào với Việt Nam qua cuộc di cư năm 1954 trong hình ảnh một đại thảm họa Cộng sản đang ụp lên đầu những người Việt Nam (mà ông thường gọi là "dân Á Đ ông" (the Asians) yếu đuối, khờ dại, dốt nát.
 
 
■ Về Chủng Tộc, giữa thế kỹ 20, người dân Mỹ có một khái niệm rất mơ hồ về những quốc gia ngoài nước Mỹ. Nhất là các nước Phi châu và Á châu. Sự "mơ hồ" nầy đưa đến tình trạng tổng quát hóa chủng tộc, coi tất cả dân Phi châu là da đen (Black) và dân Á châu là da vàng mà người Mỹ gọi là "Asian". Siêu đại gia Henry Luce đã khởi đầu tình trạng nầy bằng cách yểm trợ nhà văn James Michener xuất bản một loạt sách về Á châu để "dạy" người Mỹ những "sự thật" về một giống dân Á châu "đơn giản, ngu dốt, vô chính trị" chưa thể có khả năng để tiếp nhận và sử dụng những khái niệm của Tây phương như dân chủ, tự do, nhân quyền. Bên cạnh đó, Hollywood cũng sản xuất những phim như The King and I, Sayonara, The Geisha Boy, … đưa ra hình ảnh những người Á Đông, chậm chạp, bán khai cần được "khai hoá". Ngay cả cuốn "The Quiet American" nổi tiếng của Graham Green, được phe tiến bộ khen tặng nhưng khi nói về Phượng, người tình của ký giả Fowler, tác giả cũng cho thấy một cô gái Việt Nam da vàng ngu ngơ và an phận.
 
■ Về chủ thuyết Cộng sản (đang được xây dựng ở Nga Sô và Trung Quốc) người Mỹ được giáo dục từ trong trường học ra đến cuộc sống thực tiển rằng đây là hiểm họa lớn nhất của nước Mỹ về kinh tế (Tư bản chống Vô sản), về chính trị (Tự do, Dân chủ chống Độc tài, Độc đảng), về văn hoá (Tự do tư tưởng chống Kiểm duyệt tư tưởng), về tôn giáo (Hữu thần chống Vô thần), về quân sự (Bom A chống Bom A). Năm 1954, sau khi Trung Hoa lục địa và Bắc Hàn trở thành Cộng sản, Tổng thống Eisenhower nhìn Việt Nam như con bài thứ ba sẽ rơi vào tay Cộng sản và ông đã đưa ra "thuyết Domino" làm cho nước Mỹ càng cương quyết hơn trong chủ trương chống Cộng.
 
Phần thứ hai của cuốn sách đặt trọng tâm trên tiến trình chọn lựa đồng minh của Mỹ dựa theo ba tiêu chuẩn đã trình bầy để hoàn tất chiến thuật "ngăn chận Cộng sản Nga Tầu" (containment) của nhà ngoại giao George F. Kennan. Là đồng minh với Mỹ nghĩa là trước hết phải chống Cộng, thứ hai là phải không có vấn đề chủng tộc, thứ ba là theo môt tôn giáo mà người Mỹ cảm thấy thoải mái.
 
Theo những tiêu chuẩn nầy, các nước Tây Âu da trắng theo đạo Thiên chúa và chống Cộng được coi như đồng minh hạng số một. Và Mỹ đã lập ra NATO (Tổ chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương) năm 1949 để làm trái độn cho Mỹ chống Nga Sô ở ngay bên cạnh các nước Tây Âu. Cũng phải nói thêm trường hợp nước Ý sau Đệ Nhị Thế Chiến, tuy có một đảng Công sản rất mạnh (năm 1970 vẫn có 1/3 dân Ý bầu phiếu cho đảng nầy), nhưng vẫn được Mỹ nhận cho làm hội viên của NATO là vì sự có mặt của Vatican tại La-Mã có khả năng hoá giải ảnh hưởng của chủ thuyết vô thần nầy.
 
Xong phần NATO chống Nga Sô đến phần chống Tàu, nước Mỹ sửa soạn một "vòng đai ngăn chận" gồm 9 nước từ Nhật qua Hàn quốc xuống Đài Loan, Phi Luật Tân, Việt Nam Cộng Hoà, Indonesia, Thái Lan, Miến Điện và Ấn Độ. Trong 9 nước nầy, Ân Độ là cựu thuộc địa của Anh quốc nên nước Mỹ không dính vào. Thái Lan và Miến Điện có đạo Phật là quốc giáo và Indonesia có đại đa số dân theo Hồi giáo làm cho thành phần thân Do Thái trong chính quyền Mỹ không muốn liên hệ chặt chẽ.
 
Chỉ còn lại Đài Loan, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Việt Nam Cộng Hoà và Nhật bản. Theo tác giả Seth Jacobs, đây là những nước có lãnh tụ chính trị theo đạo Thiên Chúa, trừ Nhật, đã được chính quyền Mỹ chọn làm "đồng minh" dựa theo ba tiêu chuẩn kể trên, trong những năm đầu tiên của cuộc Chiến tranh Lạnh.
 
1. ĐÀI LOAN: Từ khi thay thế Tôn Dật Tiên làm Tổng thống Trung Quốc và Chủ tịch Quốc Dân đảng năm 1928, Thống chế Tưởng Giới Thạch phải cầm đầu cuộc chiến chống quân xâm lăng Nhật và cuộc nội chiến chống Cộng sản của Mao Trạch Đông. Một năm sau, ở tuổi 42, khi muốn cưới Tống Mỹ Linh, vốn là con gái một nhà truyền giáo, Tưởng Giới Thạch đã ly dị vợ rồi đổi từ một Phật tử thành tín đồ đạo Tin lành (tương tự như ông tướng Nguyễn Văn Thiệu bỏ đạo Phật theo đạo vợ). Và (cũng như ông Ngô Đình Diệm) họ Tưởng được báo Time năm 1931 đăng hình bìa nhiều lần và ca ngợi là "nhân vật vĩ đại nhất của Viễn Đông". Ông được báo chí Tin Lành và Công giáo tranh nhau phỏng vấn (hệt như ông Diệm, họ ca ngợi Tưởng Giới Thạch là một người "ngoan đạo và thánh thiện") đến nổi nhiều nhà phân tích đã nghĩ là Tưởng Thống chế đang sử dụng tối đa chuyện đổi đạo của mình để lấy lòng dư luận Mỹ. Nhưng dù được sự ủng hộ triệt để về quân sự, kinh tế, chính trị và nhất là của giới truyền thông Mỹ, chế độ độc tài, tham nhũng quá độ của Tưởng Giới Thạch cũng đã đại bại trước Hồng quân của Mao Trạch Đông.
 
Năm 1949, Thống chế họ Tưởng xách tàn quân chạy qua tỵ nạn ở đảo Đài Loan, mơ một ngày về giải phóng Bắc Kinh không bao giờ trở thành hiện thực. Dù vậy, Tưởng Thống chế vẫn được Thiên Chúa giáo Mỹ tiếp tục bênh vực. Dân biểu Walter Judd, một cựu giáo sĩ từng truyền giáo bên Trung Quốc, đã không ngượng ngùng bênh họ Tưởng: "Chúng ta không đòi hỏi kẻ thù phải cải tổ, nhưng với đồng minh thì chúng ta bắt phải có dân chủ, phải tôn trọng nhân quyền – ngay tức khắc. Dân Mỹ đã chờ 175 năm mới có được một nền dân chủ nhưng Nam Hàn, Đài Loan, Nam Việt Nam thì phải có dân chủ ngay tức khắc … Đối với dân Á đông, đây qủa là một sự khó hiểu. Tưởng Giới Thạch, không phải là một kẻ ngoại đạo, dã man mà là một con chiên của Chúa." Nhận xét cuồng tín nầy cũng không khác gì câu c ủa một ông Linh mục Việt Nam khác: "Ông Thiệu là một người tôi kính phục, một người có tinh thần quốc gia cao độ và cương quyết chống Cộng. Ông Thiệu là một người Công giáo đạo đức, chủ nhật nào cũng di nhà thờ xem lễ, và trước khi đi ngủ hai ông bà cùng nhau đọc kinh." ("Bên Giòng Lịch Sử 1940-1975", Cao Văn Luận, trang 363 - Nghĩa là Linh mục Luận có mặt trong dinh Độc Lập mỗi đêm trước khi ông bà Thiệu đi ngủ!)
 
2.PHI LUẬT TÂN: Ramon Magsaysay là một sĩ quan theo đạo Công giáo trong quân đội Phi Luật Tân. Ông đắc cử tổng thống năm 1953 với lập trường chống Cộng sản triệt để và đồng minh chặt chẻ với Mỹ. Tổng thống Magsaysay chết quá sớm trong một tai nạn máy bay năm 1957 nên khó có thể đi đến một kết luận rõ ràng về mối liên hệ giữa ông và Mỹ ngoài hai thành qủa rất được người Mỹ ca tụng: Tiêu diệt lực lượng Phi Cộng Hukbalahap và giúp Mỹ thành lập Tổ chức Minh ước Đông Nam Á (SEATO) vào năm 1954 để bao vây Trung Cọng. Magsaysay là một trong những trường hợp hiếm hoi mà liên hệ đồng minh của Mỹ có thể được coi như là thành công.
 
Kết qủa nầy đến từ sự kiện ông Magsaysay đã đạt được cao điểm trong cả ba yếu tố chọn lựa đồng minh của Mỹ. Chính trị và truyền thông Mỹ ủng hộ ông tối đa vì hai yếu tố Công giáo và chống Cộng. Bên cạnh đó, yếu tố chủng tộc cũng không là một trở ngại vì sau ba thế kỷ rưỡi liên tục bị đô hộ bởi ba đế quốc Thiên Chúa giáo(Tây Ban Nha, Anh và Mỹ), Phi Luật Tân đã thành một quốc gia không còn căn cước văn hóa đặc thù của chính mình nữa: Quốc gia nầy mất tên:: "Philippines" lấy từ tên của dòng họ Philip của các vua Công giáo Tây Ban Nha. Và mất ngôn ngữ vì tuy tiếng nói chính thức là Tagalog, nhưng cả nước, nhất là giai cấp từ trung lưu trở lên chỉ dùng tiếng Anh (ngay cả trong những hồ sơ chính thức), hệ qủa của một chương trình giáo dục sâu đậm và rộng rãi của các trường Giòng Công giáo trong thời kỳ đô hộ giống như người Pháp đã cố gắng áp dụng ở Việt Nam. Tuy Phi Luật Tân làm tròn bổn phận "tiền đồn chống Cộng" cho Mỹ, nhưng xã hội Phi vẫn nổi tiếng với nạn đĩ điếm và tội ác xã hội dù hơn 80% dân Phi theo đạo Công giáo, người dân Phi vẫn nghèo đói dưới những chế độ độc tài, tham nhũng như Ferdinand Marcos (hãy tưởng tượng Việt Nam không có một Tổng thống Ngô Đình Diệm mà thay vào đó mọi người sẽ suy tôn Tổng thống Gioan Baotixita Ngô Muôn Năm!).
 
3.NAM HÀN: Tổng thống Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) có khá nhiều điểm giống ông Ngô Đình Diệm. Ông xuất thân từ một gia đình quyền qúy. Trước khi nắm chính quyền ông trãi qua một thời gian ở Mỹ. Ông được chính quyền Mỹ ủng hộ vì đã đổi theo đạo Chúa (Tin Lành) và rất chống Cộng. Báo Reader's Digest tuyên dương ông là một "nhà lãnh đạo Gia tô vĩ đại". Cũng như Tổng thống Diệm sau khi dẹp được các giáo phái, Lý Tổng thống đã được tướng James Van Fleet, Tư lệnh Quân đoàn 8 của Mỹ ở Nam Hàn khen ngợi: "Lý Tổng thống đã biến đổi một quốc gia lạc hướng và hỗn loạn thành một trong những tiền đồn chống Cọng hùng mạnh nhất thế giới". Tuần báo Time của đại gia Henry Luce so sánh ông với George Washington và, trong tinh thần "khai hoá" kiểu thực dân Tây, đã cho rằng dân trí Hàn Quốc "chưa phát triển đến mức có thể có một nền dân chủ kiểu Jefferson của Mỹ". Năm 1945, Nhật bản bại trận, ông theo quân Mỹ về nước. Ba năm sau ông được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc như ông Diệm năm 1955. Trong thời kỳ nắm quyền, chế độ Lý Thừa Vãn cũng có một nét giống chế độ Diệm là dùng lý do chống Cộng để đàn áp đối lập dù đó là những người đã từng cùng với ông kháng chiến chống đế quốc Nhật như Kim Ku, Yo Woon Young.
 
Lý Tổng thống có ba điểm khác căn bản với ông Diệm là (1) ông đã đổi từ gốc đạo Phật qua đạo Tin Lành, (2) chẳng những không hợp tác mà còn tham gia kháng chiến vừa chống Nhật vừa chống chế độ quân chủ của dòng họ Yi và bị đi tù 6 năm, và (3) khi bị dân chúng, sinh viên phản đối chế độ độc tài tham nhũng, ông từ chức và bỏ nước ra đi sống đời lưu vong ở Hạ Uy Di. Là vị lãnh tụ một quốc gia đứng đầu sóng ngọn gió với Bắc Hàn và Trung Cộng, Lý Tổng thống dẫu độc tài tham nhũng bao nhiêu vẫn được người Mỹ bênh vực đến giờ phút chót như Tổng thống Thiệu của Việt Nam. Nghĩa là ông đã được một máy bay của CIA Mỹ đưa ông ra khỏi nước một ngày cuối tháng 4 năm 1960 (trước ông Thiệu đúng 15 năm) khi lực lượng biểu tình chống đối sắp tràn lên toà Bích Ốc (Blue House) để bắt ông xử tội độc tài và tham nhũng (Thứ trưởng Tài chính của ông, Kim Yong Kap, tiết lộ Lý Tổng Thống đã tham nhũng 20 triệu Mỹ kim). Điểm đặc biệt của Nam Hàn là sau kinh nghiệm đổ vỡ với Lý Thừa Vãn, những chính phủ quân nhân tiếp theo đã chẳng những không làm cho đồng minh Mỹ "tháo chạy" mà ngược lại, trong chuyến công du ngày 11/11/2010 mới đây, TT Obama đã tuyên bố tại thủ đô Seoul rằng sau gần 60 năm hợp tác: "nước Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Nam Hàn." ("the U.S. 'will never waver' in its commitment to South Korea's security")
 
4.NHẬT BẢN: Tháng 8 năm 1945, sau khi nước Nhật bại trận, tướng Douglas MacArthur dẫn quân đội Mỹ đặt bộ Tổng chỉ huy tại Đông Kinh. Một trong những điều đầu tiên ông tướng nầy làm là kêu gọi các nhà truyền giáo Tin lành và Công giáo hãy tích cực "lấp đầy khoảng trống tâm linh" của nước Nhật. Và ông đe doạ: "nếu không lấp đầy nước nầy bằng Thiên chúa giáo thì nó sẽ bị Cộng sản lấp đầy." Ông nhấn mạnh: "nước Nhật không thể trở thành dân chủ nếu không có đạo Thiên chúa." Ông Tướng nầy cũng nói thẳng rằng "nhiệm vụ của ông với tư cách là một Chiến sĩ của Chúa … là phục sinh lại tôn giáo cho nước Nhật." Hoàng tử Higashikuni, lãnh chức Thủ tướng đầu tiên của Nhật sau Đệ Nhị Thế chiến, tuyên bố với một phái đoàn truyền giáo Mỹ rằng: "Chúng tôi cần một chuẩn mực đạo đức mới như của Chúa Giê-Su. Đạo Phật hay Thần đạo (Shinto) không bao giờ có thể dạy chúng tôi tha thứ cho kẻ thù." Đọc câu tuyên bố nầy ta mới thấy được ông Thủ tướng Nhật đã hiểu rất rõ tiêu chuẩn "tôn giáo" của nước Mỹ để hạ mình đến mức chê cả đạo Phật và Thần đạo của quốc gia mình. Nhất là sau 54 ngày làm Thủ tướng, ông đã quyết định về hưu và lập một Thiền đường tên Higashikuni-kyo, và bị Bộ chỉ huy quân đội Mỹ đóng cửa. Nhưng nước Mỹ đã thất bại trong cố gắng thay đổi tôn giáo nước Nhật vì mối liên hệ quá chặt chẽ giữa văn hoá và đạo Phật của xứ Võ sĩ đạo nầy. Mối liên hệ đồng minh Nhật-Mỹ là một mối liên hệ cân bằng và thành công khi nước Mỹ không áp dụng ba tiêu chuẩn đã kể và yếu tố kinh tế có thể được coi như đã giúp nước Nhật giữ được vị thế độc lập của mình một cách vững chãi.
 
Sau hơn 65 năm truyền đạo với sự hổ trợ ngầm của chính quyền Mỹ, số tín đồ Thiên Chúa giáo (Công giáo và Tin Lành) cũng chỉ chiếm 2% tổng dân số Nhật Bản.
[Nguồn: View on Globalisation and Faith - Ipsos MORI, July 2011]
 
5.VIỆT NAM CỘNG HÒA: Qua bốn đồng minh trên của Mỹ, ta có thể thấy ông Diệm từ Vatican bay đến Nữu Ước năm 1951 là "đúng người, đúng chỗ và đúng lúc" để được Mỹ chọn làm đồng minh trong cuộc chiến tranh lạnh chống Cộng sản. Ông là một con chiên Công giáo thuần thành có bảo đảm của Hồng y Spellman. Trong trường hợp ông Diệm, chỉ yếu tố tôn giáo đó mà thôi cũng đã đủ mạnh để thuyết phục người Mỹ về yếu tố chính trị (chống Cộng) và yếu tố chủng tộc (văn hoá Gia tô sẽ kéo dân tộc Việt đến nằm ngoan ngoản dưới cái dù vĩ đại của văn hoá Tây phương như các ông Cố Tây và các ông quan Tây Thực dân đã ráng thực hiện trong gần 100 năm trước đó). Và đây là một chìa khóa của sự sai lầm trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở Việt Nam, ngay sau ngày thực dân Pháp bước chân ra và họ bước chân vào, khi họ nhầm lẫn về vai trò của một người lãnh tụ Công giáo cuồng tín trong một nước mà đa số người dân theo, hoặc chịu ảnh hưởng sâu đậm của, Phật giáo.
 
Theo tác giả Seth Jacobs, chìa khóa nầy lại bị kẹt cứng thêm nữa vì yếu tố thời gian. Nước Mỹ của Eisenhower, McCarthy, Spellman đã bị thay thế bởi nước Mỹ của Kennedy, Martin Luther King Jr. Điều oái oăm là sự kiện ông Kennedy được đắc cử tổng thống, dù là người Công giáo trong một quốc gia đa số dân theo Tin Lành, đã đem đến hậu qủa là yếu tố Công giáo của TT Diệm trở nên không còn quan trọng lắm cho nước Mỹ nữa. Khi cử tri Mỹ chọn ông Kennedy vào chức Tổng thống năm 1960, họ đã bầu với tâm trạng "đạo nào cũng được".
 
Ngược lại, trong khi yếu tố "chống Cộng" gia tăng tầm quan trọng (khi Kennedy phải đối đầu với Kruschev qua vu khủng hoảng đầu đạn nguyên tử ở Cuba sát nách nước Mỹ), thì ông Diệm và Nhu lại (vừa đàn áp Phật giáo vừa) đi gặp "đồng chí" Phạm Hùng và chưng cành đào của ông Hồ Chí Minh trong dinh Độc Lập thì "đồng minh phải tháo chạy đồng minh" để yểm trợ cho "đảng Kaki" chống Cọng lật đổ Diệm-Nhu là một hậu quả không làm ai ngạc nhiên cả.
 
Thời gian cũng là một nhân tố làm cho yếu tố chủng tộc thay đổi. Từ chiến thắng đế quốc Anh bằng thuyết "bất bạo động" của Gandhi cho đến hình ảnh tù binh thực dân Pháp sắp hàng sau cuộc đại bại ở Điện Biên Phủ đã đem đến cho người dân Mỹ những suy tư khác (bạo động hay bất bạo động) về các dân tộc ở ngoài nước Mỹ. Để thuyết phục người Mỹ về sự hiện hữu của những nền văn hoá ngoài Tây phương, người Mỹ của thập niên 1960 chỉ cần so sánh hình ảnh tàn bạo, dã man của cảnh sát Mỹ dẫn chó đi cắn những người da đen đi biểu tình ở ngay thủ đô Hoa Thịnh Đốn và hình ảnh tranh đấu bất bạo động của Hoà thượng Thích Quảng Đức trên truyền hình Mỹ.
 
 
Trong phần chót của chương kết luận, tác giả Seth Jacobs viết:
 
"Giữa những chính quyền nối tiếp nhau sau khi ông Diệm bị lật đổ, chỉ có một nhân vật được Mỹ ủng hộ đã cầm quyền được lâu dài như ông Diệm: Nguyễn Văn Thiệu. Khoảng năm 1970, các ký giả Mỹ ở Sài Gòn thường nói giễu là chiến lược của Mỹ "Nổi hay chìm với Ngô Đình Diệm" đã biến thành ra "Đi đến cùng với Nguyễn Văn Thiệu". Tổng thống Thiệu tuy là một chính trị gia mềm mỏng và ít cuồng tín hơn ông Diệm nhưng vẫn là một người theo đạo Công giáo. Cái yếu tố (tôn giáo) đã làm cho Mỹ từng quyết định ủng hộ vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hoà vẫn vướng vất, dù kín đáo, cho đến nền Cộng hòa của vị tổng thống cuối cùng của miền Nam."
 
Nghĩa là vẫn một chế độ loại "Diệm không Diệm" thì người Mỹ mới ủng hộ theo "yếu tố tôn giáo" của họ. Mặc dù sau đó cả người Mỹ và cả ông Thiệu đều phải "tháo chạy" để mất luôn cả miền Nam. Thực trạng cay đắng nầy cần được đối chiếu với một hiện trạng mà Samuel Huntington đã tóm lược một cách thông suốt:
 
"Các quốc gia ngoài khối Tây phương có những trở ngại khác nhau khi đến với Tây phương. Ít trở ngại nhất là những nước Nam Mỹ và Đông Âu. Nhiều trở ngại là những nước theo đạo Gia-tô nguyên thủy thuộc Nga Sô (của thời kỳ Chiến tranh Lạnh). Nhiều trở ngại nhất là những xã hội Hồi, Khổng, Ấn và Phật giáo. Riêng Nhật Bản đã tự tạo cho mình một vị thế đặc biệt trong vai trò một thành viên liên hiệp không chính thức: Tuy trong hàng ngũ của Tây phương ở một vài khía cạnh nhưng Nhật Bản rõ ràng không phải là Tây phương trong nhiều địa hạt quan trọng." ("The obstacles to non-Western countries joining the West vary considerably. They are least for Latin American and East European countries. They are greater for the Orthodox countries of the former Soviet Union. They are still greater for Muslim, Confucian, Hindu, and Buddhist societies. Japan has established a unique position for itself as an associate member of the West: it is in the West in some respects but clearly not the West in important dimensions." – The Clash of Civilizations, Foreign Affairs, Summer 1993).
 
Đọc xong tác phẩm nầy của giáo sư Seth Jacobs, người Việt Nam sẽ nhận chân rõ rệt hơn não trạng chính trị của siêu cường Mỹ quốc thì câu hỏi đặt ra có phải là: Trong trật tự mới của thế giới, với những quốc gia Á châu như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore đang sánh vai một cách tự cường, tự lập với các quốc gia Tây phương, thì liệu Việt Nam sẽ chuyển mình vươn cánh thành một con rồng trong bầu trời độc lập của mình như Nhật Bản hay vẫn "lê gót nơi quê người" đi tìm một "đồng-minh-không-bao-giờ-tháo-chạy" theo những tiêu chuẩn hoang tưởng?

 
LÝ NGUYÊN DIỆU