29 August 2014

ƯỚC SAO TRĂNG MỸ THÀNH TRĂNG NƯỚC MÌNH!

Đặng Huy Văn: Tôi đã được sinh ra, lớn lên, đi học và làm việc cho đến lúc nghỉ hưu trong một xã hội mà ngày đêm bị người ta nhồi sọ "Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng Mỹ"(1), nên nhiều quan niệm tương tự như thế tự nhiên đã hằn sâu trong tiềm thức. Đột nhiên cuối năm 2013, bà Phan Thị Diễm Hạnh một người bạn gái cùng quê thời thơ ấu của tôi từ Mỹ trở về đã làm tôi thay đổi. Như tôi đã tâm sự trong bài viết "Chào Năm Mới 2014 và em đã về trên quê hương yêu dấu" trên Đặng Huy Văn Blog(2), ba ruột của bà ấy là một cán bộ kháng chiến rất tốt của quê tôi đã bị đội Giảm Tô và CCRĐ xử tử hình cuối năm 1954. Sau vụ xử bắn oan nghiệt đó, má và hai chị em của bà ấy đã được "Chúa Trời" đón đi di cư vào Nam. Sau ngày 30/4/1975 gia đình của bà ấy lại một lần nữa được nước Mỹ cưu mang để gần 60 năm sau còn sống trở lại quê hương tìm tôi. Cuộc đời lận đận của người bạn gái thuở thiếu thời đó đã làm tôi hoàn toàn tỉnh thức.

Nhân dịp Tết Trung Thu 2014, tôi xin phép được nhắc lại đây một kỷ niệm giữa bà Diễm Hạnh và tôi về một Tết Trung Thu đã xẩy ra trên quê hương cách đây tròn 60 năm. Đó là lần tôi và Diễm Hạnh được mẹ tôi dẫn lên Chùa Tịnh Tâm của quê hương để đón Tết Trung Thu 1954 cùng với con cháu của các Phật tử nhà Chùa. Lần đó, dưới ánh trăng vàng thiêng liêng của đêm rằm tháng 8 năm Giáp Ngọ, hai đứa trẻ ngây thơ chúng tôi đã thề nguyện sẽ suốt đời không rời xa nhau. Vậy mà chỉ hơn ba tháng sau, bà ấy đã phải cùng má và em trai mình trốn di cư vào Nam để bảo toàn mạng sống sau cái chết tức tưởi của ba ruột mình và chúng tôi đã biệt tin nhau từ đó. Đầu năm 2014, bà Diễm Hạnh đã trở về quê có ý tìm tôi nhưng vì tôi về trễ một ngày sau khi bà ấy đã bay về Mỹ trước thời hạn vì có việc gia đình đột xuất. Tôi chưa từng sang Trung Quốc và cũng chưa một lần đến Mỹ nên không biết trăng Trung Quốc có tròn hơn trăng Mỹ không, nhưng việc nước Mỹ đã cưu mang bạn tôi qua những lần hoạn nạn đã làm tôi thực sự thích trăng Mỹ.

ƯỚC SAO TRĂNG MỸ THÀNH TRĂNG NƯỚC MÌNH!
(Viết tặng Diễm Hạnh, một người bạn gái thuở thiếu thời)

Bao giờ cho đến ngày xưa?
Để anh đưa Diễm lên Chùa Tịnh Tâm
Ngắm trăng thu giữa đêm rằm
Cầm tay hẹn ước trăm năm không rời!

Ngờ đâu góc bể chân trời
Biệt ly đôi ngả sáu mươi năm ròng
Tiễn em một tối mùa đông
Trời mưa rả rích khiến lòng đớn đau
Sáu mươi năm biệt tin nhau
Bỗng em về Tết vào đầu năm nay
Tưởng rằng tay lại cầm tay
Nào ngờ về tới, em bay đi rồi!

Cách xa nhau nửa vòng trời
Trăng rằm ngày Mỹ sáng ngời đêm Nam
Phải chi chung một chị Hằng?
Trăng Thu nước Mỹ cũng trăng sân Chùa
Của thời hai trẻ ngây thơ
Cầm tay cầu nguyện hẹn hò dưới trăng
Trung Thu nay ngắm chị Hằng
Ước sao trăng Mỹ thành trăng nước mình!

Để không còn lũ hôi tanh
Độc tài giày xéo dân lành Việt Nam
Nối đời vua lú, quan tham
Ôm chân Trung cộng xâm lăng truyền đời
Cứu Tàu chống Mỹ một thời
Nồi da xáo thịt triệu người chết oan
Bánh Trung Thu máu ngập tràn
Đèn Ông Sao nát cùng đàn trẻ thơ!
 
Trăm năm ai tỏ chữ ngờ
Diễm ơi em hãy đợi chờ phút giây
Trăng bên kia sáng bên này
Bồi hồi tay lại cầm tay lên Chùa!

 
Hà Nội, 28/8/2014
Đặng Huy Văn
 
CHÚ THÍCH:
 
(1), "Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng Mỹ" là một câu thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Việt Phương.

26 August 2014

Cái thời công chức hầu hết đều là "con cháu" các Cụ cả

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 24.8.2014

Cái thời công chức hầu hết đều là "con cháu" các Cụ cả

Trong tuần qua, hơn 40,000 người đã xếp hàng nộp đơn thi vào ngành thuế trên toàn quốc, mặc dù ngành này chỉ tuyển dụng 1,700 nhân viên. Ngành thuế được xem là tốt để ăn hối lộ, còn được gọi là "ăn vặt" và là niềm mơ ước cho nhiều người.

Cái thời công chức hầu hết đều là "con cháu" các Cụ cả

Hiện nay ebola đang là thứ dịch khó chữa trên thế giới, nhưng ở VN chưa phát hiện thứ bệnh quái ác đó và dù có chăng nữa thì nó cũng chỉ hoành hành trong một khoảng thời gian rồi lại có thể bị chặn đứng.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa Ở VN có một thứ bệnh nguy hiểm hơn đã hoành hành từ lâu mà đến bây giờ không những không thể ngăn chặn mà nó còn có nguy cơ phát triển mạnh mẽ ngày càng nặng. Đó là thứ bệnh gian dối.
Có người cho rằng người ta phải sống bằng 2 mặt, bởi cái hội chứng "sợ đủ thứ" nên buộc người ta phải nói dối với khẩu hiệu "nói dối để tồn tại." Lâu dần rồi thành thói quen, "nó nói thế mà không phải thế," chẳng ai tin ai được cả. Điều nguy hiểm hơn, nó lây từ dân sự sang cả lĩnh vực hành chánh từ tỉnh đến bộ, nó nhảy cả sang lãnh vực giáo dục và nhân cách của giới trí thức.

Trong thời gian này dư luận lại đang sôi sục vì những vụ việc vừa được phát hiện xung quanh những gian trá của lớp người được coi là "trí thức" trong xã hội. Những người có kiến thức, thường được kính nể thuộc vào hàng thượng đẳng trong xã hội, nhất là ở VN như một "định kiến" đã hình thành từ xa xưa.

Nhưng tiếc thay đến nay đã có quá nhiều những chuyện gian trá xảy ra trong cái "thế giới được kính trọng" ấy. Có những nhà trí thức đã đánh mất danh dự, bỏ quên nhân cách của mình chỉ vì đồng tiền. Như thế làm sao xã hội không đảo điên được. Lũ học trò và con cháu họ sẽ chịu ảnh hưởng khốc liệt vì những bài học phản phúc lương tâm này.

Mới đây dư luận lại rộ lên với những chuyện vừa khôi hài vừa quá "bẩn" ở mấy trường Đại học, ở cả cái gọi là "Trung tâm văn hóa" nhìn thật đồ sộ trang nghiêm và ngay đến cả kỳ thi tuyển công chức vào làm việc ở những bộ ngành quan trọng của đất nước cũng có gian lận.

Thật ra thì chẳng phải chỉ có mấy "trung tâm" ấy mà nó xảy ra ở nhiều nơi, chỉ có điều nơi nhỏ nơi lớn, nơi bị khám phá không thể che giấu được, nơi được che đậy kín đáo hoặc bị nhận "chìm xuồng" cho đỡ mất mặt. Nhưng chẳng có nơi nào che mắt được người dân, nó vẫn là những dư luận âm ỷ như ung thư ủ bệnh trong đời sống con người. Quá nhiều chuyện đáng nói, ở đây tôi chỉ tường thuật vài vụ gần nhất:

Nộp tiền 'chống trượt'
Quý vị đã nghe thấy từ này bao giờ chưa? Từ thượng cổ tới nay, tôi mới chỉ nghe thấy nộp tiền "chống trượt" là lần đầu. Thoạt nghe tôi cứ nghĩ lại là môt thứ "thuế phí mới" ở nông thôn, người dân phải nộp thuế để các ủy ban sửa đường làng, vốn là những con đường đất, cho dân đi lại không bị trơn trượt.


Danh sách 40 học viên đóng tiền "chống trượt."
Nhưng không phải thế, nộp tiền "chống trượt" ở đây là "không bị giám khảo cuộc thi đánh trượt" hay còn gọi là "không bị thi rớt." Rất rõ ràng đây là một kiểu ăn tiền công khai. Những thí sinh đi thi hoàn toàn tin rằng chỉ việc nộp thứ tiền này là chắc đậu trăm phần trăm.

Sự việc bắt đầu từ tháng 6/2013, nghe thông tin tuyển sinh lớp Thạc sĩ Quản lý kinh tế của ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa, hơn 50 học viên đã nộp đơn dự thi. Trung tâm Giáo dục thường xuyên sau khi thu hồ sơ đã phối hợp với ĐH Kinh tế tổ chức cho các học viên học một số chuyên đề chuyển đổi kiến thức để họ có đủ điều kiện ghi tên dự thi.

Học xong phần chuyển đổi kiến thức, một số cán bộ Phòng Quản lý đào tạo đã thông báo: những ai muốn đỗ lớp Thạc sĩ Kinh tế sắp tới thì ngoài số tiền ôn thi nộp cho ĐH Kinh tế theo dự trù, cần nộp thêm 27 triệu đồng ($1,275 đô) để được giúp "chống trượt." Tổng cộng đã có 40 học viên nộp hơn một tỷ đồng để lo lót cho kỳ thi được tổ chức vào trung tuần tháng 9/2013 tại Hà Nội.


Quá nửa là các quan chức đang làm việc ở các cơ quan từ huyện đến tỉnh
Trong danh sách 40 học viên đóng tiền thì 29 người là cán bộ công chức nhà nước đang làm việc ở một số huyện, thị và sở, ban ngành trong tỉnh Thanh Hóa. Gồm có các quan chức đang làm việc tại Sở Công Thương có 3 người, Chi cục Thuế 5 người, Sở Kế hoạch Đầu tư 3 người, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện mắt, Huyện ủy Quảng Xương, Huyện ủy Triệu Sơn, Đài Phát thanh Truyền hình Thanh Hóa… mỗi đơn vị có một người. Trong đó, nhiều người là cán bộ chủ chốt hoặc cán bộ thuộc diện có thể đưa lên làm sếp lớn ở các ban ngành. Có lẽ cũng chính vì thế nên các vị này cần phải có một tấm bằng thạc sĩ cho bọn cấp dưới nó sợ. Đối với các vị này thì số tiền 27 triệu để chống trượt chẳng thấm thía gì, như muỗi đốt gỗ.

Ba cán bộ Phòng Quản lý đào tạo của trung tâm gồm các ông Bùi Sĩ Hồng (Trưởng phòng), Lê Trọng Sơn (Phó trưởng phòng) và bà Lê Thị Liên (giáo viên) đã tổ chức thu tiền của 40 học viên.

Vì đâu nên nỗi
Thế nhưng, khi có kết quả kỳ thi, trong số 40 vị đã nộp tiền chống trượt, chỉ có 7 vị đỗ, còn lại 33 vị trượt vẫn hoàn trượt. Tức mình vì bị lừa nên các vị này kéo đến trung tâm yêu cầu trả lại tiền, đồng thời tố cáo sự việc với cơ quan điều tra.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa đã thành lập tổ công tác xác minh vụ việc, sau đó ra quyết định cảnh cáo ông Bùi Sĩ Hồng và bà Lê Thị Liên, ông Lê Trọng Sơn bị khiển trách.

Hình thức kỷ luật như thế là quá nhẹ. Ở một Trung tâm giáo dục mà quan chức quản lý lại đi lừa gạt thì cần phải áp dụng luật pháp nặng hơn mới đúng. Phạt cái kiểu cảnh cáo hay khiển trách qua loa như không phạt, chỉ là cách chạy tội cho nhau mà thôi. Dư luận một lần nữa lại bất bình nổi sóng.

Trước sức ép của dư luận, UBND Thanh Hóa sau đó đã yêu cầu Sở GD&ĐT phải kiểm tra, xử lý nghiêm vụ việc.

Tại kết luận thanh tra mới ban hành, Sở Giáo dục đã đề nghị hủy bỏ quyết định kỷ luật với ba cán bộ Phòng Quản lý đào tạo ban hành ngày 18/12/2013, đồng thời yêu cầu lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên tổ chức xét kỷ luật ba cán bộ trên thật nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng trong kết luận thanh tra, Sở Giáo Dục đề nghị UBND tỉnh chỉ thị cho các sở, ban, ngành, huyện thị có học viên đã đóng tiền "chống trượt" phải tổ chức kiểm điểm, xử phạt nghiêm cán bộ công chức, viên chức thuộc đơn vị quản lý.

Nếu các vị bị trượt biết thân biết phận thì "cắn răng chịu đòn lừa" là êm re hết, chẳng ai biết ma ăn cỗ ở chỗ nào. Nhưng quá giận mất khôn, đến nay sự việc đã tóe tòe loe ra cả nước cùng biết nên cùng chịu phạt và mang tiếng xấu khó rửa sạch vì cái thói ham mê danh vọng. Ôi danh tiếng của cả một trung tâm giáo dục "hoành tráng" nay đã tan tành xíu oách.

"Con cháu" các Cụ cả
Chuyện thứ hai, cách đây 9 tháng (10/2013), lần đầu tiên Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tổ chức thi tuyển công chức theo phân cấp của Bộ Công Thương. Có tới 299 thí sinh ghi tên xin thi nhưng chỉ tuyển có 10 người (tỉ lệ chọi 1/30). Sau khi công bố kết quả, nhiều đơn thư khiếu nại tố giác cuộc thi lộ đề và cả 10 thí sinh trúng tuyển này đều được cho là "toàn 5C" tức là "con cháu các cụ cả" của những quan chức trong Cục!

Trước các nghi vấn trên, Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) Bộ Công An vào cuộc và đã kết luận có vi phạm xảy ra trong kỳ thi này. Theo bản danh sách thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức Cục QLTT (Bộ Công Thương) công bố kèm theo công văn số 21 của Cục QLTT ngày 24/12/2013 có 10 người trúng tuyển. Thực tế, khi điều tra, PV báo Tiền Phong phát hiện trong 10 thí sinh trúng tuyển đã có 5 người là con, cháu, nhân viên trong ngành Công Thương.

Danh sách khá dài nên tôi chỉ tóm tắt đó là con cháu của các ông Đỗ Thanh Lam, Phó bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Cục QLTT.

Cháu của ông Đào Minh Hải, nguyên Cục phó QLTT, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công Thương, hiện là Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Công Thương. Con của ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Chi cục QLTT Hà Nội). Ngoài ra, trong danh sách trúng tuyển còn có hai người trước khi dự thi là nhân viên hợp đồng tại Cục QLTT. Còn ai nữa thì chưa biết vì có thể họ trúng tuyển theo kiểu khác hoặc họ hàng xa tít mù tắp được gửi gấm.

Anh Trần Hưng Thái sinh năm 1984, đã lấy bằng thạc sĩ tại Singapore, ghi tên thi vào Phòng Tuyên Truyền và Quan Hệ Đối Ngoại (phòng này chỉ lấy 2 người). Trong 5 môn thi, anh Thái được miễn thi môn ngoại ngữ và tin học. Kết quả, anh Thái có tổng số điểm 297, xếp thứ ba. Nhưng vẫn trượt vì chỉ môn này chỉ lấy 2 người .

Anh Thái còn cho biết người ta mang tài liệu vào phòng thi, mặc sức chép. Cũng theo anh Thái, tại phòng thi của anh, sau khi bóc đề thi, đã có thí sinh đứng dậy bỏ về ngay và tuyên bố "thi thế này thì gọi là kỳ thi công bằng hay không, khi có người đã biết trước mình đỗ." Sau đó, thí sinh đó bỏ về mà không ai ngăn cản. Thậm chí ở phòng thi bên cạnh, có thí sinh dọa đánh giám thị, to tiếng rồi bỏ về.

Người dân thường nói "cái thời công chức hầu hết đều là "con cháu" các Cụ cả" thì người dân không chằng không rễ không còn chỗ đứng, dù có tài giỏi đến đâu.

Trước những dư luận đó Bộ Công Thương ra thông báo quyết định hủy kết quả kỳ thi, đồng thời có hình thức xử lý kỷ luật những cán bộ Cục QLTT sai phạm.

Bộ Công Thương đồng ý với các hình thức kỷ luật, hạ bậc lương đối với ông Nguyễn Đăng Khoa (Trưởng phòng Pháp chế) và cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Lê (Phó phòng Pháp chế) đã vi phạm nghiêm trọng quy định trong việc bảo mật đề thi (trao đổi với 4 thí sinh tham gia thi tuyển công chức. Hình thức kỷ luật nêu trên đã xét đến… tình tiết giảm nhẹ của cán bộ vi phạm như là thương binh, sắp nghỉ hưu và có nhiều đóng góp, có thái độ thành khẩn nhận sai phạm.

Là cán bộ sướng thật. Dân chỉ ăn cắp con gà con chó cũng tù vài năm, có khi còn bị đánh đấm tơi tả; quan gian dối chỉ bị phạt nhẹ vì có nhiều thành tích. Thế nên anh nào làm quan cũng thích lập thành tích, bất chấp thủ đoạn.

Chỉ cần 2 đến 3 triệu đồng mua được điểm đậu vào đại học
Đó là chuyện xảy ra tại Đại Học Quy Nhơn. Sinh viên (SV) được nâng điểm có ở nhiều khoa, chủ yếu là khoa Kinh tế - Kế toán và Tài chính - Ngân hàng - Quản trị kinh doanh. 

Khu giảng đường Trường ĐH Quy Nhơn.
Phòng Đào tạo và các khoa liên quan của Trường ĐH Quy Nhơn được xác định có dấu hiệu thực hiện việc nâng điểm. Khóa 33 Trường ĐH Quy Nhơn có 3.734 SV Đại học Cao đẳng hệ chính quy được công nhận kết quả tốt nghiệp. Đây cũng là khóa đầu tiên của trường đào tạo theo hình thức tín chỉ.

Giữa tháng 4/2014, khi biết số điểm tổng kết các môn học theo hình thức tín chỉ của mình không đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp, S. rất lo lắng. Nghe nhiều người mách nước, S. tìm đến một SV học cùng khóa trong trường nhờ giúp đỡ. Sau khi "nghiên cứu" bảng điểm của S., SV này quả quyết chỉ cần chi 3 triệu đồng ($142) mua điểm môn tài chính doanh nghiệp thì điểm tổng kết sẽ đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp.

S. liền đưa đủ số tiền cho bạn. Sau đó không lâu, S. kiểm tra trên mạng thì quả nhiên thấy điểm môn tài chính doanh nghiệp được nâng lên, dẫn đến điểm tổng kết đạt trung bình nên được xét công nhận tốt nghiệp. Chạy điểm trót lọt, cuối tháng 6-2014, S. nghiễm nhiên được nhận bằng tốt nghiệp ĐH.

Trong này có bao nhiêu SV mua điểm?

Không chỉ chạy điểm để được vớt từ rớt thành đậu và thăng hạng tốt nghiệp từ trung bình lên khá,

Bằng Tốt Nghiệp Lễ phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên khóa 33,Trường ĐH Quy Nhơn.
khá lên giỏi, nhiều SV Trường ĐH Quy Nhơn còn bỏ tiền mua bảng điểm đẹp (như tốt nghiệp loại khá, giỏi…) để dễ xin việc!

TS Nguyễn Hồng Anh, hiệu trưởng, cho biết hiện vụ việc vẫn đang trong thời gian thanh tra, chưa có kết luận chính thức. "Kết quả thanh tra sẽ được công bố rõ ràng, minh bạch. Nhà trường sẽ làm rõ có hay không tiêu cực. Nếu phát hiện sai phạm thì ai sai sẽ bị xử lý nghiêm." Lại một lời hứa "sẽ bị xử lý nghiêm." Nghe quen tai như cụ cố Hồng gắt lên, "Biết rồi khổ lắm , nói mãi." Câu nói bất hủ trong tiểu thuyết Số Đỏ đến nay vẫn nguyên giá trị và những vị có số đỏ vẫn ung dung phè phỡn trên lưng đám dân ngu vì cố tình bị làm cho ngu.


200 triệu đồng lấy được bằng tiến sĩ y khoa
Bạn khó có thể tin được chuyện "thần sầu" này nhưng nó vẫn xảy ra. Một anh lái gỗ chi 200 triệu (gần $9,500) được hứa sẽ có bằng tiến sĩ y khoa. Câu chuyện khá dài tôi chỉ tóm tắt những nét chính.

Một anh phóng viên (PV) trong Nhóm PV Điều tra (Dòng Đời) giả làm "nghiên cứu sinh" tìm được người giới thiệu đã tìm gặp Phó Giáo Sư (PGS) Đàm Khải Hoàn, Trưởng bộ môn Y học Cộng đồng, Đại học Y Thái Nguyên để nhờ vị Phó GS này tìm cách "tậu" cho tấm bằng Tiến sĩ Y khoa danh giá.



Ông Phó Giáo sư Đàm Khải Hoàn,
Trưởng bộ môn Y học Cộng đồng,
Đại học Y Thái Nguyên
ra giá bằng tiến sĩ y khoa 200 triệu.
Sau khi cá đã cắn câu anh PV lại thú thật mình chỉ là anh lái buôn gỗ. Tuy nhiên vị Phó giáo sư này vẫn thản nhiên hứa sẽ lấy cho anh ta cái bằng danh giá kia.

Sau khi câu chuyện đã cởi mở, ông Hoàn nói rõ trình tự trong "kỹ nghệ lấy bằng tiến sĩ" cho anh lái buôn gỗ, "Trước tiên, tôi sẽ viết cho cậu vài bài báo khoa học để đăng trên tạp chí Y Học Thực Hành. Mấy bài báo này sẽ ký tên cậu. Cậu chỉ việc tới tòa soạn, đưa cho họ mấy đồng rồi nhờ họ đăng bài, tôi sẽ có lời cho cậu.

Đại học Y - Dược Thái Nguyên.
Ông Hoàn còn cẩn thận dặn dò thêm, "Việc tiếp theo, cậu phải nhờ các mối quan hệ của gia đình mình để có tên trong một cơ quan hoặc tổ chức phi chính phủ nào đó để khi hội đồng xét duyệt hồ sơ, họ tin rằng cậu đã làm ở cơ quan, tổ chức đó chứ không phải là anh buôn gỗ. Tôi đã hướng dẫn nhiều người rồi! Cần gặp ai thì tôi sẽ bảo cậu đến gặp. Mấy người đó toàn... đàn em của tôi thôi mà!" (Ý nói mấy vị trong hội đồng xét tuyển). "Việc cậu đi làm, cậu cứ đi. Tôi sẽ làm đề cương đề tài cho cậu" (đây là phần quan trọng nhất mà thí sinh phải trình bày trước Hội đồng các Giáo sư, Phó GS để được chấp nhận đậu đầu vào nghiên cứu sinh).

Trước tình hình trên, PV đồng ý sẽ lo giúp thầy Hoàn 100m2 gỗ nghiến loại dày 5cm.

Tại lần gặp thứ hai, PV đã một lần nữa hỏi về số tiền phải đưa cho Phó GS Đàm Khải Hoàn để lo chuyện đầu vào. Lần này, ông Hoàn đã đồng ý với mức giá 200 triệu đồng và cho tôi số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền vào.

Ngày 4-8-2014, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhìn nhận, "Việc anh Hoàn trao đổi chuyện làm bằng tiến sĩ kiểu đó là sặc mùi mua bán. Không thể chấp nhận được! Chúng tôi sẽ không bao che cho những hành động tiêu cực này!"

Chưa biết vụ này Trường Đại học Thái Nguyên sẽ xử ra sao. Dù xử thế nào thì đây cũng là vết nhơ cho trường và những bộ mặt thí thức đốn mạt đang làm tan nát lòng tin của thế hệ mai sau. Và vị Phó giáo sư này đã nổi tiếng như thế thì đã "sản xuất" ra bao nhiêu vị tiến sĩ giấy nằm rải rác ở các cơ quan nào đó rồi?

Đổ xô xin vào ngành thuế để được 'ăn vặt'

Lò ấp tiến sĩ – Tranh khôi hài.

Có lẽ chính vì được "ăn vặt" mà nơi tuyển công chức ngành thuế đang là niềm mơ ước của rất nhiều người.

Năm nay, toàn bộ ngành thuế chỉ cần tuyển dụng 1,700 nhân viên vào làm, phân bổ cho 21 Cục thuế các tỉnh, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Năm 2011, toàn ngành thuế chỉ cần tuyển vào hơn 2,000 người, có 51 Cục thuế tỉnh tổ chức thi tuyển và 12 Cục thuế tỉnh, thành phố được xét tuyển. Con số ghi tên thi ban đầu cũng cao ngất ngưởng, với 43,000 hồ sơ.



Hàng ngàn người đã xếp hàng mấy ngày giữa tuần qua để nộp hồ sơ thi tuyển công chức ngành thuế của TP Hải Phòng. Cùng thời gian này, gần 9,000 hồ sơ cũng được nộp để dự tuyển vào Cục Thuế Hà Nội.


Hàng ngàn người đội mưa xếp hàng nộp hồ sơ dự tuyển vào Cục Thuế. Trong 5 ngày tuần qua, khu vực trụ sở Cục Thuế Hà Nội ở phố Giảng Võ lúc nào cũng đông nghịt người xếp hàng nộp hồ sơ thi tuyển công chức.Nắng cũng như mưa, những gương mặt trẻ ngồi chờ la liệt ngoài vệ đường, trên bãi cỏ của dải phân cách, trên vỉa hè chờ đến lượt nộp hồ sơ. Có người đi lại mất 3-4 ngày mới đưa hồ sơ qua cửa.

Nhiều địa phương khác cũng thế, cứ mỗi lần tuyển cán bộ, công chức thì lại ùn ùn người tham dự. Có một số sinh viên tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm, cứ thấy chỗ nào có thi tuyển là ghi tên. Nhưng thật ra còn có rất nhiều người vì ham chỗ làm "béo bở" trong số những "cửa quan nhiều bổng lộc và uy quyền" nhất tại VN hiện nay. Ngay cả Bộ Trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng đã nói thẳng trước cán bộ ngành thuế, "Cán bộ thuế toàn ăn vặt. Ngay cả việc mua hóa đơn, người nộp thuế phải đi lại nhiều cơ quan, thậm chí nhiều trường hợp phải chi bồi dưỡng cho cán bộ thuế."

Xã hội băng hoại
Một điều đáng sợ nữa là ngay từ gia đình, học đường họ cũng đã được dạy dỗ học để kiếm mảnh bằng rồi nhảy ra kiếm tiền và danh vọng chứ không phải là giá trị của tri thức và thiếu hẳn cách biết sống có trách nhiệm với cộng đồng. Không có tài, không có người nhà đỡ đầu thì có tiền, chạy chọt để được vào làm công chức. Bởi vậy mới có câu, "Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...." Đối với đại đa số dân chúng, kiểu này có lâu rồi, nó bình thường như người ta đi chợ mua mớ rau, con cá. Người ta phải chạy nhiều thứ lắm, nào chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy vào đại học… thế thì chạy vào công chức không có gì lạ cả. Chỉ lạ là ngày càng có nhiều nhà trí thức trơ tráo ra sức kiếm đồng tiền bất lương bất cần đến nhân cách.

Hồi còi báo động về thời mạt vận của trí thức đang vang lên. Nếu các nhà trí thức không biết dừng lại hoặc các cơ quan có trách nhiệm về nền Giáo Dục VN không quyết tâm ngăn chặn thì xã hội sẽ băng hoại vô phương cứu chữa./-


Văn Quang

23 August 2014

Đem chuyện cô Xuân trở lại bàn

Đem chuyện cô Xuân trở lại bàn

Nghi án Nông Thị Xuân xảy ra cách đây đã 57 năm, nhưng nó vẫn là một bóng ma, im lìm trong bóng tối. Mọi ngả tìm kiếm đều bị chặn, mọi cách nhận thực bị bóp chết.
Linh hồn oan khuất của cô Xuân dường như đã tàn phai trong ký ức người đời, trong khi "đạo đức của Bác" vẫn được rao giảng mỗi ngày.
Gần đây tôi được đọc tài liệu phân tích đặc điểm và tính cách của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những tài liệu này là cuốn "Trần Đức Thảo-Những Lời Trăng Trối" của Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê. Tôi giận mình vì những nhận thức trước đây của mình phiến diện quá. Vậy, thử vận dụng những gợi ý của triết gia Trần Đức Thảo để phẫu tích, hy vọng có một góc nhìn khác về nghi án này.
Đây là vụ đại hình sự mà Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật có liên quan trực tiếp. Bạn đọc đã biết rõ nội dung nghi án, nhưng để có cái nhìn khái quát về nó, xin nhắc lại những sự kiện chính theo trật tự thời gian.
Trước 1954, khi còn trên chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh nhận cô Nông Thị Xuân làm con nuôi. Đến đầu năm 1955, cô Xuân, 22 tuổi, được đưa về Hà Nội để gần Bác. Cô Xuân cùng nguời em Nông Thị Vàng tạm trú tại căn nhà 66 phố Hàng Bông, dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Công An Trần Quốc Hoàn.
Mỗi tuần đôi ba lần ông Hoàn đưa cô Xuân vào Phủ Chủ tịch ngủ qua đêm với Bác. Ông Hoàn cũng nhiều lần cưỡng dâm cô Xuân. Cuối năm 1956, cô Xuân sinh con trai. Bác đặt tên con là Nguyễn Tất Trung. Khoảng thời gian này cô Xuân ngỏ lời với Bác là muốn công khai mối quan hệ, và dọn vào Phủ Chủ tịch ở hẳn với Bác như vợ chồng. Bác bảo để Bác hỏi ý kiến Bộ Chính trị.
Vài tháng sau, rạng sáng ngày 12 tháng 2 năm 1957, người ta thấy cô Xuân chết trên đường Cổ Ngư, gần dốc Chèm, ngoại thành Hà Nội, hiện trường là một tai nạn giao thông.
Giám định tử thi được làm tại bệnh viện Việt – Đức, Hà Nội gợi ý: Nạn nhân chết do búa đập vào sọ não, dịch não tủy và nhu mô não đã mất hết. Âm đạo không có tinh trùng, tinh dịch, nạn nhân không có dấu hiệu bị cưỡng dâm. Dạ dày không có thức ăn, không có độc tố. Lục phủ ngũ tạng bình thường. Toàn thân không có dấu hiệu của một tai nạn giao thông.
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra. Đây có thực sự là một tai nạn giao thông không? Không quá khó để trả lời câu hỏi này.
Một phụ nữ trẻ mới sinh con, đang thời kiêng cữ, không phương tiện đi lại, giữa đêm khuya, một mình đi bộ ra vùng ngoại thành xa vắng là rất khó để thuyết phục dư luận về địa điểm và hoàn cảnh xảy ra tai nạn.
Hơn nữa, nếu là tai nạn giao thông, thủ phạm cán chết người rồi lái xe trốn thoát, vết bánh xe còn in lại ở hiện trường. Đây là trọng án. Tại sao không công khai điều tra đến nơi đến chốn? Tại sao phải dấu đút, lén lút, khuất tất, dìm thông tin vào trong bóng tối?
Hơn 20 năm sau, thân nhân của cô Xuân dấn thân đi tìm công lý, vẫn tiếp tục bị ém. Cùng với những gợi ý của pháp y, chúng ta tin rằng đây là một một tai nạn giao thông dàn dựng.
Vậy thủ phạm là ai?
Cho đến nay, dư luận hướng tới ba giả thuyết.
1. Trần Quốc Hoàn bí mật thủ tiêu cô Xuân để bịt đầu mối hiếp dâm. Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị không biết.
2. Trần Quốc Hoàn thủ tiêu cô Xuân có sự đồng ý của Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị.
3. Trần Quốc Hoàn thủ tiêu cô Xuân dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh. Bộ Chính trị không biết.
Giả thuyết thứ nhất được nhiều người ủng hộ hơn cả. Song những bằng chứng để bảo vệ giả thuyết này thì rất yếu.
Vào thời điểm 1957, Hồ Chí Minh đang ở đỉnh cao của quyền bính. Các Ủy viên Bộ Chính trị đều rất sợ ông. Trần Quốc Hoàn lúc đó ở cuối trong bậc thang quyền lực, càng sợ Hồ Chí Minh hơn ai hết. Hoàn không dám lộng hành đến mức cưỡng dâm vợ chưa cưới của Hồ Chí Minh và càng không thể một mình tự ý thủ tiêu cô. Vì những hành vi trên là đồng nghĩa với vuốt mặt không nể mũi, sỉ nhục Hồ Chí Minh, nếu không nói đó mầm mống của phản loạn, phản bội, hay khiêu binh. Sớm muộn gì Bộ Chính trị và Hồ Chí Minh cũng biết.
Những năm sau đó, Hồ Chí Minh không những không quan tâm mà còn trục xuất đứa con trai sơ sinh Nguyễn Tất Trung ra khỏi Hà Nội.
Như vậy Hồ Chí Minh có ý định xóa bỏ mọi dấu vết của mối quan hệ lạm dụng tình dục núp duới danh nghĩa con nuôi. Không có chuyện Hoàn hành động độc lập.
Giả thuyết thứ hai: Hồ Chí Minh có mang chuyện cô Xuân để hỏi Bộ Chính trị không?
Ở vào thời điểm 1957, một đảng viên bình thường mà có quan hệ tình dục trước hôn nhân có thể bị kỷ luật nặng đến mức khai trừ ra khỏi đảng. Hồ Chí Minh hiểu rõ điều luật, không dại gì ông mang chuyện này ra trước tập thể.
Hồ Chí Minh không bao giờ muốn lấy cô Xuân làm vợ. Nếu ông muốn thì ông đã có kế hoạch từ khi cô Xuân có thai ở những tháng đầu. Cách ông trả lời cô Xuân để "xin ý kiến Bộ Chính trị" chỉ là kế hoãn binh, hay nói trắng ra là một sự sự quanh co, một lời từ chối.
Bộ Chính trị cũng không muốn Hồ Chí Minh lấy vợ. Bởi vì, nếu Hồ Chí Minh lấy vợ là tất cả những gì mà Đảng và Bác cùng đầu tư để dựng lên những "huyền thoại" có nguy cơ mất cả vốn lẫn lời.
Trần Đức Thảo gợi ý. Vì không được học hành bài bản như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, hay Trường Chinh, nên Hồ Chí Minh đã dựng lên ngọn cờ "Giản dị", "Đạo đức", dùng ngọn cờ này như một thứ vũ khí hạ gục mọi đấu thủ, chỉ có Trường Chinh sống sót, Nếu mang vụ cô Xuân ra Bộ Chính trị, thì huyền thoại "Giản dị " và "Đạo đức"của ông bỗng chốc tan thành mây khói. Đó là điều không bao giờ ông muốn.
Thêm nữa, Hồ Chí Minh nhiều tuổi hơn cô Xuân, hơn đến trên 40 tuổi. Điều này rất khó chấp nhận trong một xã hội bảo thủ miền Bắc ở thời điểm đó. Ông đủ thông minh để tránh, không trở thành tấn trò cười cho thiên hạ.
Tóm lại, giả thuyết Hồ Chí Minh mang chuyện lấy cô Xuân làm vợ ra bàn thảo ở Bộ Chính trị là không thuyết phục.
Vậy câu hỏi tiếp theo sẽ là: Hồ Chí Minh có xin ý kiến Bộ Chính trị để thủ tiêu cô Xuân không?
Hồ Chí Minh thừa thông minh để ý thức rằng nếu ông đồng ý thủ tiêu cô Xuân nghĩa là ông đang tham gia vào một tội phạm mà ông là chủ mưu. Càng ít người biết bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nếu mang ra bàn bạc trong Bộ Chính trị, lỡ có một hay vài ủy viên không đồng ý, thì có khác gì vạch áo cho người xem lưng. Bởi vì, nếu Bộ Chính trị biết thì Ban Chấp hành Trung ương sẽ biết. Từ đó có nguy cơ lan rộng ra toàn Đảng và toàn dân.
Như vậy, chỉ còn lại giải thuyết thứ ba: Hồ Chí Minh đồng ý cho Trần Quốc Hoàn thủ tiêu cô Xuân, vừa giữ được thanh danh, lại vừa trút bỏ được của nợ, một gánh nặng mà ông chẳng tha thiết gì với nó nữa, vừa tiện lợi vừa kín đáo.
Trần Đức Thảo nhận xét rằng: Cụ Hồ là một nhân vật vô cùng phức tạp, muôn mặt với trăm phương, ngàn kế, mưu trí, sắt đá đến mức vô cảm, vô tình, không cần tình bạn, tình yêu, gia đình hay con cái, khi nào cũng hun đúc một cuồng vọng là phải leo lên đến tột đỉnh của quyền lực.

Hồ Chí Minh không chấp nhận bất cứ một thứ gì cản trở ông nắm giữ quyền lực tối cao, mà thứ đó lại là đàn bà thì càng không thể.
Chỉ cần ở ông một cái gật đầu, thâm chí im lặng bộc lộ sự đồng ý, thì mọi việc sẽ êm thắm. Ông không phải vung tay nện búa vào đầu người đàn bà mà ông từng ăn nằm. Ông không phải nghe những lời van xin, lạy lục của cô con nuôi trong phút lâm chung. Ông không phải tận mắt nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng, máu lênh láng, dịch não tủy và óc vọt ra sau mỗi nhát búa. Ông không phải đối diện với cảnh cô Xuân vùng vẫy, giãy giụa bản năng trong cơn hấp hối. Ông cũng không phải vất vả, vác thi thể nạn nhân lên xe, lần mò trong đêm tối, tìm một hiện trường để ngụy trang.
Danh dự và danh vọng của ông vẫn nguyên vẹn, tiện lợi vô cùng, kết quả thì vô tận. Đó là cách mà Hô Chí Minh thường lựa chọn.
Triết gia Trần Đức Thảo sau nhiều năm quan sát, nghiền ngẫm đã nhận xét: Cụ Hồ quyết tâm nắm bắt mọi cơ hội để đạt tới đỉnh cao, để củng cố quyền lực, bằng mọi giá, dùng mọi phương tiện, không trừ, không tránh một thứ gì, bất chấp mọi chuẩn mực về lương tri, lương thiện, về đạo lý, hay pháp lý, miễn là đạt được ý đồ.
Trong đầu Hồ Chí Minh đầy ắp những tham vọng, cuồng vọng về quyền lực tối cao, là bề trên, là đấng thiêng liêng, là huyền thoại, là thần thoại. Ông là mẫu mực, là hiện thân của mọi giá trị tuyệt đối, tuyệt đối trong sáng, tuyệt đối giản dị, tuyệt đối cao thượng, tuyệt đối thanh bạch, tuyệt đối sáng suốt, tuyệt đối đúng đắn, tuyệt đối chí thánh… Chí Minh…Để những người xung quanh tuyệt đối kính nể, sợ hãi, tụng ca, tuân lệnh, sùng bái, tung hô.
Để củng cố những giá trị tuyệt đối này thì việc thủ tiêu cô Xuân là chuyện dễ hiểu. Ông không thể là người bình thường, không thể tầm thường, và càng không thể có những cám dỗ dục vọng thấp hèn. Ông phải ở tầm tuyệt đối cao thượng, nhân ái hơn cả Đấng Bồ tát, nhân bản hơn cả Chúa Giê-su, tâm hồn ông cao muôn trượng, quyền năng của ông ở muôn nơi, nhân loại chỉ là "loài dơi hốt hoảng, đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người". Như vậy ông mới thỏa lòng, thỏa chí.
Ngoài cô Xuân còn hai nạn nhân nữa là Nông Thị Vàng, em gái, và Nguyễn Tất Trung, con trai sơ sinh của cô Xuân.
Cô Vàng ở cùng căn nhà 66 Hàng Bông, chứng kiến những gì đã xảy ra. Vàng còn quá trẻ, người dân tộc thiểu số, lớn lên ở vùng núi Cao Bằng, lại phải đối diện với một thảm kịch bất ngờ, bị bủa vây bởi những trùm mật thám lành nghề, máu lạnh. Vài tháng sau ngày cô Xuân chết, người ta cũng tìm thấy xác Vàng nổi lên ở cầu Hoàng Bồ, sông Bằng Giang, và cũng bị đập vỡ sọ như người chị xấu số của mình.
Còn Nguyễn Tất Trung mới vài tháng tuổi đã bắt đầu lưu lạc cho đến khi Hồ Chí Minh qua đời vào tháng 9 năm 1969, Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác, đón Trung về Hà Nội. Trung lập gia đình với cô Lưu Thị Duyên vào năm 1988. Hai người có một con trai sinh năm 1992, đặt tên là Vũ Thanh, lấy họ của ông Vũ Kỳ, nhưng sau thì đổi là Nguyễn Thanh Trung.
Nếu giả thuyết trên đây là đúng và nếu Việt Nam là một quốc gia pháp quyền, thì Hồ Chí Minh phải đối mặt với ít nhất bốn tội danh: Dùng quyền lực để sách nhiễu tình dục; giết chết hai người có chủ ý; vô trách nhiệm với con.
Còn muôn vàn những câu hỏi xung quanh nghi án này.
Cô Xuân sinh Nguyễn Tất Trung ở đâu? Nhà hộ sinh hay ở bệnh viện? Ai là người đỡ đẻ cho cô Xuân? Thi thể cô Xuân mai táng ở đâu? Ai là người chôn cất cô? v.v
Tại sao ông Vũ Kỳ lại đưa Nguyễn Tất Trung về Hà Nội sau khi Hồ Chí Minh qua đời? Vũ Kỳ có liêm sỉ, ông hiểu rằng lịch sử sẽ phán xét rất nghiêm khắc. Lẽ nào, ông lại im lặng? Bởi, im lặng trước tội phạm sẽ trở thành tòng phạm.
Thực ra, sự kham khổ, chịu đựng, chay tịnh, thanh bạch, giản dị như một đấng chân tu của Hồ Chí Minh chỉ là những huyền thoại được thêu dệt, đánh bóng, sơn son thếp vàng khá công phu. Những tài liệu gần đây hé lộ, Bác có một đời sống tình dục rất phóng túng ngay khi còn ở chiến khu, nói gì đến việc đã dọn vào Phủ Toàn quyền ở Hà Nội. Vậy, sau cô Xuân, Hồ Chí Minh còn quan hệ tình dục với bao nhiêu phụ nữ nữa, họ là ai và số phận của họ ra sao vẫn là những ẩn số của lịch sử.
Tại sao Nguyễn Tất Trung lại không âm thầm đi tìm mộ mẹ để hương khói hay giỗ chạp, để an ủi cầu siêu cho linh hồn người mẹ và người dì bạc phận, hay thăm lại gia đình ông bà ngoại trên Cao Bằng? Đó là chưa nói đến việc dấn thân đi tìm công lý cho mẹ cho dì, và đòi lại căn cước cho chính mình.
Cả hai dòng họ Nguyễn Sinh và dòng họ Hồ ở Nghệ An đang túa ra bốn phương tìm kiếm, kêu gọi những người con đã làm rạng danh cho tổ tiên. Vậy, Nguyễn Tất Trung, và Nguyễn Thanh Trung (Vũ Thanh) có được nhìn nhận là những người con trai của dòng họ này không?
Muôn vàn những nghi vấn, và muôn vàn giả thuyết, chập chờn như những hồn ma của cô Xuân cô Vàng khi ẩn khi hiện, khi ở miền rừng núi Cao Bằng, khi giữa phố phường Hà Nội.
Đêm đã khuya. Tôi không thể viết tiếp, mà cũng không thể ngủ, thao thức miên man nghĩ suy về nhân tình thế thái, về bể khổ trầm luân, về thời cuộc, về thân phận, về kiếp người, về lòng trắc ẩn, về tình bạn, tình yêu, về nỗi xót xa của một đời người.
Xót xa cho cô Xuân cô Vàng, cho cả chúng tôi đã dành trọn tuổi thơ để học, và ngợi ca lòng yêu thương tha nhân của Bác. Chúng tôi đã đọc, đã viết, đã nghe và đã kể cho nhau nghe bao nhiêu những câu chuyện hấp dẫn và đẹp như huyền thoại về đời hoạt động của Bác. Song có một chuyện chúng tôi chẳng bao giờ được biết: Nỗi đắng cay và tủi nhục của cô Xuân cô Vàng./-
Trần Hồng Tâm
Tháng 8 năm 2014

19 August 2014

"Đông lạnh chim", một kiểu tra tấn quái đản nhất thời đại

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 16.8.2014

"Đông lạnh chim", một kiểu tra tấn quái đản nhất thời đại

Sau khi ông Chấn được minh oan trở về trong vòng tay
người thân và đang đòi bồi thường 10 tỉ đồng.

Trong thời gian gần đây những vụ điều tra viên bức cung dùng nhục hình dẫn đến nghi can (tức là người mới chỉ nghi ngờ phạm tội, bị bắt đưa về trụ sở CA điều tra) bị tử vong hoặc tán gia bại sản vì bị tù oan đã dấy lên một luồng dư luận phẫn nộ. Và, thật sự đã làm cho những người dân lương thiện nơm nớp lo âu, không biết mình bị bắt lúc nào và cũng có thể rơi vào trường hợp bị ép cung, bị đánh tơi tả dù chẳng có tội tình gì. Ấy thế nhưng vẫn phải nhận tội theo đúng "kịch bản" đã được các ông điều tra viên "sáng tác" sẵn bắt phải ký tên nhận tội. Mười người có đến cả mười đều phải ký để khỏi bị đánh. Chưa ai thoát cái "bẫy pháp luật" này.


Năm bị can là nguyên cán bộ công an Phú Yên trước vành móng ngựa.

Chuyện xảy ra từ lâu, các loại đơn từ khiếu nại chất thành núi. Nhưng đến nay Bộ Công An đã ban hành Thông Tư 28/2014 quy định về công tác điều tra hình sự. Lệnh này đến ngày 25-8-2014 sắp tới đây sẽ có hiệu lực.

Thông tư nghiêm cấm cán bộ điều tra có hành động bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình. Theo ông Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Công An cho biết: Thông tư 28 đã được cập nhật so với quy định trước đây nhằm bám sát thực tế và ngăn ngừa những nguy cơ có thể xảy ra trong thời gian điều tra các vụ án hình sự.


Ông Ngô Văn Cộ (cha anh Kiều) và chị ngô Thị Tuyết (chị anh Kiều) mang theo các chứng cứ ra tòa sơ thẩm tại Phú Yên tố cáo nạn nhân tử vong vì bị dùng nhục hình.

Có thể tóm tắt: Ngoài việc cấm yêu cầu các điều tra viên thực hiện nghiêm các quy định tố tụng, cấm bức cung, dùng nhục hình, thông tư cũng quy định các điều tra viên không được lấy lời khai ngoài trụ sở, khi không có giấy triệu tập... Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định khi triệu tập, hỏi cung bị can tại ngoại, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người liên quan đến vụ án thì phải có giấy triệu tập và phải làm việc (hay hỏi cung) tại trụ sở CA.

Thông tư này cũng nằm trong luật đã và đang được thi hành bởi từ xưa tới nay các điều tra viên (ĐTV) phải chấp hành theo đúng pháp luật chứ có luật nào cho phép các ĐTV được bức cung và dùng nhục hình đâu. Chỉ có mấy cậu tưởng mính là ông trời con, khi tóm được nghi phạm là có quyền điều tra bằng mọi cách nhanh nhất để tìm ra sự thật… đôi khi không là sự thật. Nói cho công bằng, các ông cán bộ điều tra dù có nặng tay, có tàn nhẫn, có đánh đấm thả dàn các nghi can cho sướng tay, cho "mày biết ông là ai" nhưng không ai dám cố ý đánh người bị tình nghi đến chết cả. Các ông cán bộ ĐT còn nhiều thứ "võ", đánh theo kiểu không để lại dấu vết. Nhưng… chẳng may quá tay, khi máu "bạo chúa" nổi lên cứ đánh cho hả giận, đánh cho bõ ghét, đánh để nhanh chóng điều tra ra sự thật hoặc để lãnh giấy khen, lãnh thưởng. Thế nên "nạn nhân chết oan"… ngoài ý muốn. Khi nạn nhân chết rồi mới tìm mọi các chống chế, đôi khi các "sếp" thấy chứng cứ rõ ràng quá nên tìm cách chạy tội "không hề biết việc cấp dưới đánh người."

Thông tư này có chủ ý nhấn mạnh đến những nghiêm cấm đã có sẵn, nhưng lâu ngày quá các anh ĐTV vá các sếp quên khuấy đi mất bởi được giao quyền hành điều tra mà không bị giám sát, không hề có sự theo dõi nào, cứ mặc sức thi hành theo ý muốn. Đây là một thông tư cần thiết trong lúc này. Tuy nhiên trước khi nhận định thông tư này đã đủ sức ngăn chặn tình trạng này chưa, hãy điểm lại vụ án oan tai tiếng gần nhất hiện đang làm dư luận vừa rùng mình khiếp sợ vừa phẫn nộ.


Anh Đỡ và anh Mươi khi nhận được quyết định đình chỉ điều tra tại Sóc Trăng.

Chưa ai quên vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan 10 năm dài đằng đẵng và bị ép cung, mớm cung, dùng nhục hình, bắt "diễn kịch giết người" mà ông không hề giết ai cả. Cho đến khi thủ phạm tự ra đầu thú ông mới được giải oan và hiện nay ông đang đòi bồi thường tới 10 tỉ đồng. Ai sẽ phải bồi thường cho ông Chấn đây?

Vụ thứ hai là vụ 5 anh CA Tuy Hòa dùng nhục hình dẫn đến cái cái chết của anh Ngô Thanh Kiều là thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Gia đình nạn nhân đã ra trước tòa trưng ra những bằng chứng không thể chối cãi và dùng nhiều lời lẽ cay đắng kể tội tàn nhẫn của điều tra viên. Và các ĐTV đã từng bị kỷ luật và xã hội lên án, Thế nhưng gần đây nhất lại xảy ra một vụ án oan tại Sóc Trăng hiện đang làm nóng bỏng dư luận.

Vụ 7 thành niên bị bắt oan tại Sóc Trăng

Khởi đầu từ một vụ sát hại anh xe ôm. Ngày 5-7-2013, anh Lý Văn Dũng chạy xe ôm chở hai cô gái (sau này mới xác định được là Lê Thị Mỹ Duyên và Phan Thị Kim Xuyến) đi làm như thường lệ. Khi đến đoạn đường vắng, Duyên và Xuyến đã rút dao thủ sẵn trong người ra sát hại anh Dũng với ý định cướp xe. Anh Dũng bị trọng thương nhưng vẫn ráng sức bỏ chạy kêu cứu rồi gục chết bên vệ đường thuộc ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân II, huyện Trần Đề, Sóc Trăng (cách nơi bị đâm khoảng 200 m). Nghe nạn nhân kêu cứu to quá, Duyên và Xuyến hoảng sợ, bỏ ý định cướp xe và chạy thoát.

 
Thạch Sô Phách diễn tả lại cảnh bị treo lên tường trong
tư thế buộc phải đứng bằng hai ngón chân cái.

Sau đó, công an khởi tố bị can và bắt giam bảy thanh niên để điều tra. Sau 7 tháng, khi sắp có kết luận điều tra (có thông tin nói rằng lúc này ban chuyên án còn đang được đề nghị khen thưởng) thì hai kẻ phạm tội là Xuyến và Duyên ra đầu thú. Với lời khai và chứng cứ phù hợp của Duyên và Xuyến, Công an tỉnh Sóc Trăng đã trả tự do cho bảy thanh niên và đình chỉ điều tra họ.

Ngay sau đó, các thanh niên này tố cáo mình bị dùng nhục hình.

Đây là nguyên văn lời kể của anh Thạch Sô Phách, một trong bảy thanh niên bị bắt oan, giải thích lý do vì sao mình nhận tội dù không gây án: "Bị đánh quá, em nhận đại có giết người cho nó khỏe thân."

Thạch Sô Phách là một trong bảy thanh niên bị bắt oan nói trên. Anh chàng này đến giờ vẫn còn bị ám ảnh bởi trò "đông lạnh chim" mà anh từng nếm trải khi bị bức cung, nhục hình. Chính những trò nhục hình ấy đã khiến bảy người vô can đã phải nhận tội theo "kịch bản" của các điều tra viên.

 
Anh Trần Văn Đỡ được trở về mất người yêu, phải đi bắt chuột nuôi gia đình.

Rất tự tin vì chắc chắn mình không phạm tội

Sau bảy tháng bị tạm giam để điều tra, Sô Phách trở về nhà (ấp Lâm Vồ, xã Đại Ân II, huyện Trần Đề) cùng toàn thân chi chít hình xăm, mặt có nhiều vết sẹo. Đó là kết quả của những ngày tháng đối mặt với nhục hình trong trại tạm giam Công an tỉnh Sóc Trăng. Sô Phách kể:

"Không làm gì cả nhưng tất cả chúng tôi, bảy đứa đều nhận tội giết người. Biết nhận tội giết người là chết, là bị tử hình nhưng chúng tôi không đứa nào chịu nổi đòn tra tấn của các anh điều tra. Đòn của ông đại úy Hưng là ghê nhất."

 
Anh Thạch Sô Phách bị vợ bỏ đang chật vật tìm việc làm để nuôi con.

Bi kịch bắt đầu đến với Sô Phách vào chiều 6-7-2013 khi các công an xã đến hỏi thăm anh: "Có nghe tin anh Dũng xe ôm bị giết không?" và "Đêm qua làm gì, ở đâu?". Phách nói rõ đêm qua nhậu ở nhà với cha ruột, anh ruột và bảy người khác là hàng xóm như anh Liêm, anh Than, anh Định, Khâu Sóc, anh Dương… Nhậu đến khoảng 8 giờ tối, say rồi ngủ tại nhà với con trai và vợ.

Thế nhưng bảy ngày sau, ngày 14-7-2013, anh vẫn bị dẫn giải lên công an huyện trong tư cách của kẻ bị tình nghi giết người. Do không làm, Sô Phách rất hiên ngang và tự tin. Nhưng anh chỉ giữ được phong thái ấy trong vài giờ bị hỏi cung đầu tiên. Anh kể, "Mới vô, cán bộ nói tôi giành gái gú nên đánh anh Dũng xe ôm chết. Tôi nói tôi có quen ai đâu mà gái gú. Cán bộ nói đàn ông ai mà không gái gú, hồi đó tao cũng giành gái đánh lộn hoài. Tôi nói chú đánh thì chú đánh chứ tôi không có gái gú, không có giành gái gú đánh lộn…" Đến giai đoạn bị đánh vào đầu, bị đập ma trắc vào lưng bình bịch, Sô Phách vẫn hiên ngang,"Tôi không làm, chú đánh tôi đến chết cũng vậy thôi!"

Kiểu tra tấn quái đản nhất thời đại: 'đông lạnh chim'

Và Thạch Sô Phách không phải chờ lâu, ngay sau đó anh lần lượt nếm trải những kiểu nhục hình mà thậm chí anh chưa từng nghe kể.

Theo Sô Phách, kiểu đơn giản là đánh vào phía sau gáy, nắm tóc kéo đầu giằng xuống bàn, đập ma trắc vào lưng, vào đầu. Kiểu đáng sợ là treo tay nghi phạm lên cửa sổ trong tư thế đứng không được, treo không xong. Kinh khủng nhất là trò dùng nước đá ướp vô bộ phận sinh dục.

Sô Phách kể, "Hai tay bị treo cao bằng còng số tám. Cái độ cao đủ để mình chỉ có thể đứng nhón bằng hai ngón chân cái. Nhón lâu thì mỏi nhưng không cố nhón thì hai tay bị còng siết đau điếng. Cái đó chưa đáng sợ bằng cái trò "đông lạnh chim" của ông đại úy Hưng thì không ai chịu nổi, chết còn khỏe hơn."

Sô Phách kể, "Đại úy Triệu Tuấn Hưng dùng nước đá nhồi bóp vào vùng kín của tôi khiến bìu và dương vật co lại như hạt đậu. Mới đầu thì lạnh, tê dần, rồi đau nhức không sao tả được. Thiệt, chết còn sướng hơn!"

Đến bây giờ khi kể lại chuyện này anh còn rùng mình sợ hãi. Đúng là một kiểu tra tấn quái đản nhất thời đại mà các ông điều tra viên Sóc Trăng mới "sáng tạo" ra, cần phài vào "sà lim" vài chục năm để hoàn tất "bằng sáng chế" này.


Thực nghiệm hiện trường vụ án (diễn lại cảnh gây án),
Duyên dùng dao Thái Lan để hạ sát anh Dũng.
Duyên và Xuyến đã diễn lại cảnh gây án một cách lạnh lùng.

Và sau nhiều lần bị treo, bị cho chim ướp đá, bị ăn gậy nhừ tử (theo Phách có những ngày anh bị đánh đến gần 200 gậy), Sô Phách quyết định chọn cách nhận tội để "có chết cũng còn sướng hơn bị nhục hình."

Dùng nhục hình để hoàn tất 'kịch bản nhận tội'

Chuyện kể đó của Thạch Sô Phách lý giải vì sao cả bảy người vô tội đều phải nhận tội giết người. Tất nhiên, Sô Phách không thể tự mình vẽ rồng vẽ rắn về diễn biến sự việc phạm tội khi anh không phải là tác giả. Với trình độ "chỉ biết viết tên mình", anh cũng không đủ khả năng tưởng tượng ra một "kịch bản phạm tội" hoàn hảo đến như thế được. Anh chỉ có thể khai theo "kịch bản" của người khác.

Theo đúng "kịch bản" có sẵn, Sô Phách phải khai: Tối 5-7-2013, anh đi uống cà phê với Trần Hol, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Mươl, Khâu Sóc. Đến khoảng 22 giờ, Hol rủ cả nhóm về nhà mình nhậu. Trên đường đi, khi đến ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân II, Hol và nhóm bạn chặn đường đánh anh Lý Văn Dũng (ở thị trấn Trần Đề) với lý do giành gái. Sô Phách không biết trước nhưng vẫn phải tiếp tay với bạn, anh chạy quanh tìm gậy nhưng chưa có thì nhóm Hol và các bạn mình đã hạ gục anh Dũng xe ôm. Sau đó, cả nhóm đi tìm quán nhậu nhưng không có nên đi ăn bún rồi ai về nhà nấy. Mấy hôm sau, khi thông tin về cái chết của anh Dũng bùng nổ khắp làng quê,

Sô Phách ra đầu thú với công an…

Sô Phách còn phải khai thêm chính anh đã chứng kiến anh Hol dùng cây kéo đâm chết anh Dũng, các anh khác như Trần Cua, Trần Văn Đỡ… dùng gậy gộc, tay chân đánh anh Dũng đến gục xuống đường…
 

Cũng như Sô Phách, anh Trần Cua, Trần Hol, Trần Văn Đỡ, Thạch Mươl, Khâu Sóc, Nguyễn Thị Bé Diễm đều thừa nhận hành vi giết anh Dũng một cách logic với hiện trường vụ án. Dĩ nhiên, những tang vật thu được như đoạn cây, kéo… họ phải thừa nhận đã dùng nó để gây án…

Khủng khiếp hơn, người ta còn làm cho một cô gái là Diễm (cùng bị bắt với mấy anh thanh niên kia) hoảng sợ quá đã buộc phải nhận liều đã che giấu tội phạm. Ghê gớm hơn Diễm còn phải trực tiếp chỉ tay vào mặt chồng sắp cưới (anh Trần Văn Đỡ) xác nhận chính Đỡ là người cầm kéo đâm vào nạn nhân!

Cả điều tra viên và kiểm sát viên bị khởi tố

Mới đây nhất, ngày 8-8, Cục Điều tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân (VKSND) tối cao đã khởi tố, bắt tạm giam (bốn tháng) Đại úy Triệu Tuấn Hưng, điều tra viên Công an tỉnh Sóc Trăng, về tội dùng nhục hình. Cùng khởi tố tội này nhưng Thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân (điều tra viên công an tỉnh này) được cho tại ngoại. Liên quan vụ này, kiểm sát viên Phạm Văn Núi (VKSND tỉnh Sóc Trăng) cũng bị khởi tố (cho tại ngoại) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

VKSND tỉnh Sóc Trăng cũng đã hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ sang toà cùng cấp để đưa ra xét xử Phan Thị Kim Xuyến về các tội Giết người và Cướp tài sản. Nếu bị kết án về các tội này, Xuyến phải nhận tối đa 18 năm tù (mức án cao nhất dành cho người phạm tội chưa thành niên). Riêng Lê Thị Mỹ Duyên, khi gây án chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên được đưa vào trường giáo dưỡng.


Mỹ Duyên (phải) và Kim Xuyến.

Hung thủ khai 13 tuổi, giám định ra 18 tuổi

Tuy nhiên, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm phía Nam cử tổ công tác gồm Văn phòng Cơ quan CSĐT, Cục CSĐT tội phạm về Trật tự xã hội, Phân viện Khoa học hình sự xuống Sóc Trăng hỗ trợ điều tra. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, vật chứng nạn nhân để lại hiện trường, lời khai và hung khí của bảy thanh niên bị bắt, tổ công tác nhận định hung khí của họ không phù hợp với các vết thương trên người của nạn nhân.

Từ lời khai của Duyên và Xuyến cùng với nhiều tài liệu chứng cứ khác, tổ công tác nhận định hai đối tượng này chính là hung thủ. Lúc thực nghiệm điều tra, Duyên và Xuyến đã diễn lại cảnh gây án một cách lạnh lùng. Các vết đâm bằng dao Thái Lan mà Duyên và Xuyến thực hiện phù hợp với các dấu vết trên người nạn nhân. Khi hai đối tượng bỏ trốn, áo khoác, thắt lưng bị rơi dọc đường phù hợp với vật chứng thu được.

Một nguồn tin mới nhất của báo Pháp Luật ngày 13-8 cho biết một giám định viên Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an (nhân viên tổ công tác nói trên) đã tiếp xúc với Duyên, nghiên cứu hành vi phạm tội, kể cả việc quan hệ tình ái giữa Duyên và Xuyến (Duyên đóng vai "chồng", Xuyến đóng vai "vợ") và nghi ngờ độ tuổi của Duyên phải lớn hơn 13 rất nhiều nên đưa Duyên đi giám định tuổi. Khi chụp toàn bộ hệ thống xương, cùng dựa vào các số đo, sự phát triển thể chất của Duyên, kết quả giám định là Lê Thị Mỹ Duyên khoảng 18 tuổi, chứ không phải 13. Với kết quả này, có thể Duyên sẽ đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.

Hậu quả đau đớn của một chuyện tình

Như trong bài đã đề cập, chính hành động của Nguyễn Thị Bé Diễm chỉ tay vào mặt chồng sắp cưới (anh Trần Văn Đỡ) để xác nhận anh này đã dùng kéo đâm nạn nhân đã khiến anh Đỡ hoàn toàn suy sụp.

Đến nay, khi mọi chuyện trắng đen đã rõ ràng, mối tình vốn nồng cháy ngày nào của họ có nguy cơ tan vỡ.
 

Bà Trần Thị Bỏ, mẹ ruột anh Đỡ, kể, "Thằng Đỡ nói nó bị đánh nhiều quá nên nhận đại có giết người. Nhưng nó không buồn vì giờ đã được giải oan. Nó chỉ buồn con Diễm, người mà nó yêu thương nhất lại chỉ vào mặt nó nói nó giết người. Con Diễm cũng thẹn, không dám gặp nó. Hình như là chúng nó chia tay luôn rồi…"

Bà Bỏ nói mình đã hết lời khuyên con trai nên tha thứ cho Diễm, vì trong tình thế ấy Diễm không thể làm khác được. Nhưng Đỡ lắc đầu, suốt ngày lầm lũi đi bắt chuột về bán cho các quán nhậu để lấy tiền nuôi mẹ, nuôi em.
 

Bà con ở thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), nơi mà chị Diễm và anh Đỡ từng thuê nhà sống với nhau xác nhận cái đêm xảy ra án mạng, Đỡ ở nhà cùng Diễm và cả hai đi ngủ rất sớm. Vì vậy mà ban đầu, trước công an Diễm cương quyết bảo mình đã ngủ với Đỡ trong đêm đó. Chính sự cương quyết này đã khiến Diễm bị bắt giam với tội danh che giấu tội phạm. Và rồi dưới sức ép nào đó (không nói ra ai cũng biết), cuối cùng Diễm đã phải cắn răng làm cái điều khiến bây giờ anh Đỡ chưa thể nào bỏ qua được. Chuyện tình của hai người trẻ tuổi này gần như hoàn toàn tan vỡ!

Anh Đỡ mất người yêu còn anh Sô Phách thì về đến nhà vợ đã bỏ đi lấy chồng khác vì nghĩ anh không có ngày về. Anh Phách phải vất vả nuôi con thơ và mẹ già.

Khởi đầu một tư duy mới

Theo TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.Sài Gòn thì thông tư của Bộ CA là một khởi đầu cho một tư duy mới. Ông viết trên báo Pháp Luật TP:

"…KSV trong vụ án hình sự có vai trò rất quan trọng như đã nói ở trên, nhất là trong việc bảo đảm tránh oan sai trong giai đoạn điều tra. Tuy nhiên, thực tế nhiều KSV không nhận thức hoặc không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình nên trong các vụ án oan sai có một phần lỗi không nhỏ của kiểm sát viên (KSV). Vụ này sẽ là lời cảnh tỉnh cho các KSV lơ là trong nhiệm vụ, là bài học nhắc nhở KSV phải nghiêm túc hơn trong công việc. Ở đây, chúng ta cũng thấy một điểm tiến bộ là cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã rất tích cực và sòng phẳng với những người làm oan. Nó có thể là một việc hiếm thấy trước đây nhưng từ nay nó sẽ là điểm bắt đầu cho một tư duy mới nhằm hoàn thiện hơn nữa ngành kiểm sát…"

Tuy nhiên, theo tôi, thật sự là tư duy mới thì cần phải ghi thêm biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn khi các điều tra viên hỏi cung người bị tình nghi như lắp camara theo dõi, cần có luật sư của người bị tình nghi chứng kiến cuộc hỏi cung nếu được yêu cầu. Đồng thời áp dụng hình phạt thật nặng đối với những điều tra viên vượt quá giới hạn như mớm cung, ép cung, làm mẫu viết sẵn bắt người bí tình nghi viết lại và ký tên. Nếu dùng nhục hình đến tử vong hoặc gây thương tật cho nghi can cũng khép vào tội sát nhân như dân thường và phải bồi thường thiệt hại, chứ các cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm Sát không thể lấy công quỹ ra bồi thường vì đó cũng là tiền của nhân dân. Đó là những điều rất hợp lý, rất cần thiết trong lúc này. Ngoài ra, các ngành công an, tư pháp cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xem xét toàn diện kịp thời những vụ án mà người bị tình nghi có ý kiến, đơn thư kêu oan. Như thế may ra mới ngăn chặn được những vụ an oan sai đã từ lâu làm người dân bất an và phẫn nộ./-

Văn Quang