26 January 2014

NHÂN QUYỀN, TPP VÀ TƯƠNG LAI CỦA VIỆT NAM


Đỗ Thái Nhiên
 
     Kể từ ngày Trung Cộng vươn mình phát triển, Trung Cộng không ngừng quấy nhiễu Hoa Kỳ trên mọi địa bàn: kinh tế, chính trị, quân sự… Những quấy nhiễu kia nhằm trói chân, trói tay Hoa kỳ, để từ đó, Trung Cộng sẽ dễ dàng tiến chiếm ngôi vị đệ nhất siêu cường do Hoa Kỳ nắm giữ trong nhiều thập niên qua...
 
     Trận đấu tranh giành ngôi vị đệ nhất siêu cường diễn ra trên nhiều trận địa khác nhau. Bài viết này chỉ nhận định trận chiến kinh tế giữa Mỹ và Tàu thông qua hiệp ước thương mãi xuyên thái Bình Dương, gọi tắt là TPP.
 
     Như chúng ta đã biết, Mỹ đang tìm đường bao vây kinh tế Tàu bằng cách loại bỏ Tàu ra khỏi TPP (một hoat động kinh tế lớn hàng đầu của thế giới). TPP là tổ chức thương mãi gồm 12 nước: Úc, Brunei, Canada, Chilie, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Sau khi thành hình, TPP có khả năng ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của 792 triệu người, dự phần vào 40% tổng sản lượng (GPD) của thế giới và chiếm giữ 1/3 kim ngạch thương mãi của toàn cầu. 
 
     Trọng tâm hoạt động kinh tế của Tàu là kinh tế chỉ huy độc quyền, kinh tế quốc doanh, nói chính xác hơn là kinh tế đảng doanh. Nhằm buộc Tàu phải nằm bên lề cuộc chơi, TPP xác định nguyên tắc: TPP là tổ chức thương mãi, giao dịch trên căn bản tư nhân buôn bán với tư nhân, TPP không chấp nhận quốc doanh đè bẹp tư doanh, không chấp nhận buôn bán với Tàu. Riêng đối Việt Nam, do nhu cầu chuyển trục về Á Châu,  Mỹ tạm thời dành cho đảng doanh Việt Nam một vài châm chế với hướng tiến là đảng doanh này sẽ phải từng bước "tư nhân hóa". Hiện nay khó khăn lớn hàng đầu trong đàm phán giữa Mỹ và VN về TPP chính là công việc xuất cảng hàng hóa may mặc từ VN đi Mỹ.
 
ÂM MƯU CỦA CSVN
 
     Công việc sản xuất quần áo gồm hai công đoạn.
     Công đoạn một bao gồm: trồng bông, xơ, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất vải.
     Công đoạn hai là may quần áo kèm với dịch vụ hậu cần bao bì.
 
     TPP đòi hỏi công đoạn một và công đoạn hai đều phải do VN hoặc do một hay nhiều nước thành viên của TPP thực hiện. Có như vậy quần áo của VN khi vào Mỹ mới được hưởng thuế xuất 0%.
 
     Trong thực tế CSVN đã dành cho Tàu độc qyền thực hiện công đoạn một. Công đoạn này đạt 75% giá trị của công việc sản xuất quần áo.
 
     Công đoạn hai là công đoạn may quần áo. Công đoạn này do thợ VN đảm trách và có giá trị 25% của toàn thể qui trình sản xuất quần áo xuất khẩu. 
 
     Suy nghĩ về công đoạn (1) và (2) kể trên mọi người nhận ra ngay rằng Với sự hổ trợ của Việt Cộng, Tàu đã biến cơ hội xuất khẩu quần áo của VN trở thành cửa ngõ để Tầu mang quần áo, vải vóc của Tàu xâm nhập vào ngôi chợ khổng lồ TPP, ngôi chợ mà Tàu bị cấm vào. Về phần mình, thợ may VN chỉ là những người làm gia công may mặc cho Tàu với giá rẽ mạt.  
 
     Hành động kia giúp cho CSVN vừa nhận được số tiền khổng lồ do  người Tàu hối lộ, vừa nói cho Bắc Kinh biết rằng CSVN tuy buôn bán  với Mỹ trong TPP, nhưng không hề phản Tàu, vẫn tiếp tục phục vụ Tàu. 
 
     Do các âm mưu mô tả ở trên, trong đàm phán với Mỹ về TPP, CSVN nại lý do giá cả nguyên vật liệu mua từ Mỹ hay từ các nước trong TPP quá cao, vì vậy VC yêu cầu Mỹ hãy chấp nhận cho VN vào TPP với biệt lệ: trong ngành may mặc của VN Tàu vẫn phụ trách công đoạn một.  
 
      Phải chăng VN không có khả năng xây dựng một hệ thống may mặc độc lập, không cần nhờ cậy người Tàu?
 
     Từ bên trong VN, ngày 15/12/2013, trang website NHỊP CẦU ĐẦU TƯ phổ biến tin tức rằng: tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cố vấn kinh tế của nhiều đời thủ tướng VC, cho biết: ngày 1/6/2013 CSVN quyết định chi ra 30.000 tỉ đồng VN để cứu nguy thị trường bất động sản VN, tức là cứu nguy tài sản của giới đại gia đỏ. TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh chỉ cần chi ra số tiền 15% của 30.000 tỉ đồng là VN có thể tiến hành việc xây dựng hệ thống kỷ nghệ may mặc độc lập, lấy lại công ăn việc làm mà người Tàu đã cướp được từ trong thị trường lao động VN, giao trả lại cho quần chúng VN. Tại sao CSVN không hành động để có được hệ thống may mặc độc lập? Thưa rằng : vì tham ô và vì nhu cầu phải làm tay sai cho Tàu, CSVN phó mặc tương lai VN trong tay Tàu!
 
     Trong thời gian gần đây CSVN đã đồng loạt thực hiện các công việc sau đây: Ký tham gia công ước quốc tế chống tra tấn. Vận động có chân trong Hội Đồng NQ/LHQ, cho phép phụ huynh của Trần Huỳnh Duy Thức, Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy đi Mỹ để vận động trả tự do người thân của họTất cả chỉ để gây ảo tưởng là Hà Nội đang tôn trọng nhân quyền để vào TPP.  
 
PHẢN ỨNG CỦA MỸ
 
     Tin từ RFA: Nhân chuyến viếng thăm VN, ngoại trưởng Mỹ John Kery ngày 15/DEC/2013 đã trao tặng CSVN số tiền 18 triệu Mỹ kim để giúp VN có thêm khả năng bảo vệ lãnh hải VN trên biển Đông. Kế đến là ngày 16/12/2013, John Kerry lại nhân danh chánh phủ Mỹ tặng Hà Nội 4.200,000 Mỹ Kim gọi là để VN tăng cường năng lực trong đàm phán TPP. Hai tin tức vừa kể cho thấy Mỹ sẽ mở cửa cho CSVN vào TPP là một sự việc phải xảy ra.  
 
     Kỹ thuật của behaviorism hối thúc Mỹ, trong giai đoạn đầu của đàm phán hãy nhượng bộ đối phương gần như điều kiện, kể cả cung cấp cho đối phương những tiện ích mà đối phương mong muốn. Sau khi đối phương có dấu hiệu đã nghiên ngập "những chiêu đãi của Mỹ", Mỹ mới bắt đầu ra tay ép đối phương "phải biết vâng lời". Đàm phán TPP cũng không ra ngoài thông lệ behaviorism. Sau khi đẩy Hà Nội bước hẳn vào TPP, Mỹ sẽ cho Hà Nội hiểu thế nào là sức gắn bó giữa TPP và nhân quyền, đồng thời buộc Hà Nội phải thực sự tôn trọng toàn bộ luật quốc tế nhân quyền đúng như TPP đòi hỏi. Đó là diễn biến hòa bình, đó là behaviorism trong ngoại thương. Thời gian biến đổi VC trở thành thành-viên nghiêm chỉnh của TPP ngắn hay dài là tùy thuộc ở sức ép của quốc hội Mỹ, các nghiệp đoàn ở Mỹ cùng sự hổ trợ tích cực của cộng đồng VN tại Hoa Kỳ.
 
          PHẢN ỨNG CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI MỸ
 
     CĐNVN tại Mỹ hãy cùng nhau hội thảo tại nhiều nơi, nhiều thời điểm khác nhau để có thể hiểu biết thấu đáo hai vấn đề căn bản sau đây:
 
     (1) TPP là gì? Tại sao Mỹ và các quốc gia đồng minh phải xây dựng và kiện toàn TPP?
    (2) Do những yếu tố nào TPP phải gắn bó chặt chẽ với luật quốc tế nhân quyền? Tổ chức Thương Mãi Thế Giới và TPP khác nhau như thế nào?
 
     Sau khi đã am tường hai khối vấn đề kể trên, CĐVN tại Mỹ sẽ tích cực tố cáo chi tiết trước quốc hội Mỹ, tổ chức nghiệp đoàn Mỹ và toàn bộ công luận Mỹ về những trường hợp VC vi phạm luật lệ của TPP. Từ đó CSVN sẽ phải chịu những chế tài kinh tế tài chánh nặng nề và thích nghi của TPP, nếu VC không cải cách nghiêm chỉnh và kịp thời.
 
      Xin nhấn mạnh: Trung Cộng là quốc gia chà đạp nhân quyền hàng đầu trên thế giới. Muốn cô lập hóa hoạt động thương mãi của Trung Cọng, TPP phải triệt để tôn trọng nhân quyền trong hoạt động thương mãi. Ý tưởng này được triển khai trên nguyên tắc: Mọi người phải được thực sự tự do và bình đẳng trong hoạt động kinh tế (TNQTNQ điều 1, 2: mọi ngươi đều phải được sống tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền lợi) 
 
     Quyền lợi hàng đầu của con người là quyền kinh doanh tự do và bình đẳng. Làm gì có tự do và bình đẳng khi quốc doanh đè bẹp tư doanh: đè bẹp bằng tiền vốn, đè bẹp bằng quyền lực thống trị. Muốn tư doanh bình đẳng với quốc doanh, bình đẳng với những tư doanh khác, tư doanh tức con người cần có các quyền tự do đi lại, lập hội, nghiệp đoàn, tư hữu, nhất là tư hữu đất đai, tự do tư tưởng, tự do chính trị, tự do tham chính để trực tiếp bảo vệ quyền tự do kinh doanh của con người Nói chung để có được tự do kinh doanh, con người cần có toàn bộ nhân quyền. Đó là lý do TPP đòi hỏi các quốc gia trong TPP phải triệt để tôn trọng luật quốc tế nhân quyền./.
 
      Đỗ Thái Nhiên

No comments:

Post a Comment