15 August 2014

Người Phật Tử

Người Phật Tử
Lê Thành Quang

Giáo chủ Phật giáo là Thái tử Tất Đạt Đa, thuộc dòng họ Thích Ca, sinh vào năm 624 trước Công nguyên, con vua Tịnh Phạn xứ Ca Tỳ La Vệ, nhận ra sự đau khổ của nhân sinh và lý vô thường của thế sự, đã từ bỏ vợ con, cuộc đời vương giả, quyết tâm xuất gia nhằm tìm ra căn nguyên của sự đau khổ, cùng phương thức diệt trừ hầu giải thoát chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Sau 49 ngày nhập định dưới gốc cây bồ đề với lời thề "Nếu không thành chánh quả, nguyện không rời khỏi nơi này" Ngài đã chứng quả  Vô Thượng, thành bậc Chánh Giác với Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni vào lúc 31 tuổi.

Tư tưởng chủ đạo của đạo Phật là dạy con người hành thiện, không công nhận có một đấng tối cao chi phối đời sống của con người, không ban phúc hay giáng hoạ cho ai. Trong cuộc sống mỗi người đều phải tuân theo luật Nhân - Quả.

Đạo Phật không hề phân biệt đẳng cấp, luôn thể hiện tinh thần trong sáng tương giao, không có sự chia cách giữa người tu hành và tín đồ. Phương châm tu học của đạo Phật là "Tứ Chúng Đồng Tu" có nghĩa là Tăng, Ni, Thiện Nam, Tín Nữ đều được tu và nếu ai có quyết tâm đều có thể thành tựu như Đức Phật.

Đạo Phật chủ trương không có hệ thống giáo quyền. Đức Phật hiểu rõ mọi nguyên nhân tội ác đều từ Tham Sân Si của con người, nên Đức Phật không giao giáo quyền cho bất cứ cá nhân nào, mà chỉ hướng dẫn đệ tử nương vào giáo lý, giáo luật để duy trì, tồn tại và phát triển. 

Trải qua hơn 25 thế kỷ, đạo Phật du nhập vào trên 100 nước trên thế giới, ở hầu khắp các châu lục trong trạng thái ôn hoà, chưa bao giờ đi liền với chiến tranh xâm lược tôn giáo hay để xảy ra một cuộc thánh chiến. Tính đến năm 2014, đạo Phật có khoảng gần 400 triệu tín đồ và hàng trăm triệu người có tình cảm, tín ngưỡng, đang chịu ảnh hưởng bởi văn hoá Phật giáo.

Phật giáo quan niệm các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng theo quy luật Thành - Trụ - Hoại - Không: sự vật khi mới xuất hiện là "THÀNH", khi phát triển cao nhất gọi là "TRỤ", khi hạ dần xuống gọi là "HOẠI", đến khi tan rã lại trở về "KHÔNG" và đều bị chi phối bởi quy luật nhân - duyên, trong đó nhân là năng lực phát sinh, là mầm để tạo nên quả và duyên là sự hỗ trợ, là phương tiện cho nhân phát sinh, nảy nở.

Con người được sinh ra không phải là sản phẩm của một đấng tối cao nào đó, càng không phải tự nhiên mà có. Sự xuất hiện của CHÚNG SANH là do nhiều điều kiện, yếu tố (NHÂN DUYÊN PHỐI HỢP) và sẽ không còn tồn tại khi NHÂN DUYÊN TAN RÃ.

NHÂN DUYÊN được giải thích như là một quỷ đạo gồm 12 nhân duyên (thập nhị nhân duyên), là sợi dây liên tục nối tiếp chúng sanh trong vòng sinh tử luân hồi:

1. Vô minh;
2. Hành;
3.Thức;
4. Danh sắc;
5. Lục nhập;
6. Xúc;
7. Thụ;
8. Ái;
9. Thủ;
10. Hữu;
11. Sinh;
12. Lão tử.

mang ý nghĩa

- "Vô minh" là duyên của "Hành"
- Hành là duyên của "Thức"
- Thức là duyên của "Danh sắc"
- Danh sắc là duyên của "Lục nhập"
- Lục nhập là duyên của "Xúc"
- Xúc là duyên của "Thụ"
- Thụ là duyên của "Ái"
- Ái là duyên của "Thủ"
- Thủ là duyên của "Hữu"
- Hữu là duyên của "Sinh"
- Sinh là duyên của "Lão tử".

Khởi từ yếu tố "VÔ MINH", hiểu theo nghĩa đen là một màn đêm u tối, không có ánh sáng dẫn đường, hiểu theo nghĩa bóng đó là sự thiếu hiểu biết của con người về thế giới khách quan, về bản chất chân thực của sự vật hiện tượng, dẫn tới nhìn nhận thiên kiến, thiển cận, phiến diện, chấp ngã, đề cao cái "Ta", từ đó có những hành động sai trái, tạo nên nghiệp xấu, gây nên "NHÂN" xấu, sinh ra "QUẢ" xấu, làm cho con người phải chịu đau khổ, mãi quẩn quanh trong vòng sinh tử luân hồi. Do đó, để có thể an vui, an lạc trong cuộc đời, con người phải lấy trí tuệ làm kim chỉ nam (duy tuệ thị nghiệp) để xoá bỏ "vô minh", tạo ra những nhân, duyên tốt để gặt hái được quả ngọt.

Giáo lý nhà Phật dạy cho chúng ta biết rõ nguồn gốc của mọi sự khổ  đau cùng phương pháp tự tu học, diệt khổ thoát khỏi luân hồi. Đạo Phật không hề nêu tên một thần linh, đấng tối cao nào đó, có quyền phép ban phát hạnh phúc cho thế gian. Cứ xem Mục Kiền Liên, tài phép thần thông mà vẫn không cứu được mẫu thân thoát khỏi ngục A tỳ.

Con người vốn có đạo tâm hướng về Phật nhưng nếu muốn trở thành Phật tử tức là "con của Phật" đều phải quy y tam bảo dưới sự chứng minh của một chư tăng ni tu hành đức độ.

Quy y tức là quay về nương tựa ba ngôi Tam bảo gồm Phật, Pháp và Tăng:

- Quy y Phật vì Ngài là đấng sáng suốt, dẫn đường vĩ đại giúp chúng ta thoát vòng sanh tử, chứng đạo.
- Quy y Pháp vì phương pháp tu học của Phật có đầy đủ uy lực giải thoát chúng sanh.
- Quy y Tăng vì đó là những bậc tu hành, hy sinh gia đình, danh vọng, bạc tiền, thay Phật dẫn dắt chúng ta trên con đường tu học.

Quay về với Phật trong tâm là tánh sáng suốt; với Pháp của mình là các đức tánh Từ Bi, Hỷ Xả v.v...; với Tăng của mình là sự hòa hợp, thanh tịnh của bản thân.

Nghi thức quy y là một nghi thức tối quan trọng cho một Phật tử. Từng người đều được hướng dẫn để thành tâm dâng lời nguyện:

1. Đệ tử quy y Phật, nguyện trọn đời không quy y thiên, thần, quỷ, vật
2. Đệ tử quy y Pháp, nguyện trọn đời không quy y ngoại đạo, tà giáo.
3. Đệ tử quy y Tăng, nguyện trọn đời không quy y tổn hữu, ác đảng.

*
* *

Người Phật  tử đến với Phật để tu học, kiên tâm làm theo lời Phật dạy, cố gắng tìm hiểu thêm về giáo lý, trì chí làm việc thiện, gieo NHÂN LÀNH hầu tránh QUẢ DỮ.

Người Phật tử đến với Phật không để cầu xin được hưởng ân huệ, xin quý Ngài ban bố phép mầu cho được Tấn Tài - Tấn Lộc - Tấn Bình An, xin quý Ngài vặn cổ kẻ thù của mình, cho chúng chết hay xin cho được thể lực gia tăng, tuổi thọ kéo dài, mua may bán đắt, giải nghiệp ...

Người Phật tử hiểu rằng, Đức Phật là một Đạo sư chỉ đường cho chúng sanh tu học giải trừ phiền não. Thành quả đạt được là do chúng sanh. Phật không có ban phát hay làm thế cho ai một điều gì cả.

Bất cứ một chùa nào có hiện tượng đưa mê tín dị đoan vào sinh hoạt, biến Phật thành một thần linh, cho dù che dấu dưới bất cứ lễ nghi nào như Hỏa Tịnh, Thủy Tịnh, Vân Tịnh, Xin Xăm, Bàn Xăm... đều đã đi ngược lại giáo lý nhà Phật trong ý đồ không tốt, báng Phật, phỉ Tăng có chủ trương, đường lối, phương thức cùng thời gian, thực hiện... mà người viết sẽ nói tới khi cần thiết.

Những "chốn" như vậy chắc chắn chúng ta, người Phật tử chân chính sẽ dành cho câu hỏi: "ĐÂY CŨNG GỌI LÀ NGÔI CHÙA SAO?"

Lê Thành Quang

No comments:

Post a Comment