05 July 2016

Ngu gì mà tố cáo tiêu cực

Ngu gì mà tố cáo tiêu cực

Người dân Sài Gòn bỗng râm ran khuyên nhau "đừng có ngu mà đi tố cáo tiêu cực," nói rõ hơn là đừng tố cáo các quan trên tham nhũng. Thật ra sự việc tố cáo tham nhũng được nhà nước khuyến khích kêu gọi nhưng biện pháp an toàn nhằm bảo vệ người tố cáo chẳng mang lại hiệu quả gì khiến người tố cáo đôi khi biến thành tội đồ vì một lý do nào đó mà quan đã sắp đặt để trả thù.

Thí dụ anh hay chị tố cáo tiêu cực của sếp nhưng sếp không nói gì và quan trên cũng giải quyết lơ mơ. Sau đó anh tố cáo dính ngay vào cái tội chứa chấp của gian vì mua một món hàng nào đó với giá rẻ mà quan đã dàn cảnh cho nạn nhân vào tròng. Có hàng chục thứ tội mà quan chỉ cần ra lệnh là đàn em thi hành ngay. Như thế thì anh tố cáo tiêu cực sẽ vào tù, còn quan vẫn nhởn nhơ ngồi trên ghế bành có tiền hô hậu ủng, người dân nín khe. Và dù có la làng cũng chẳng mang lại kết quả gì.
Chị Trần Ngọc Tuyền, người bị sa thải vì giám tố giác tiêu cực.
Trong một khảo sát khác thực hiện năm 2013 về quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam đối với tham nhũng, chỉ có 38% số người được hỏi sẵn sàng tố cáo tham nhũng. Lý do phổ biến khiến người dân e ngại tố cáo tham nhũng là chẳng thay đổi được gì (51%), sợ gánh chịu hậu quả (28%). Theo khảo sát của Thanh Tra Chính phủ và Ngân Hàng Thế Giới cũng cho thấy 62% số người được hỏi trả lời lý do khiến họ không tố cáo tham nhũng là "sợ bị trả thù."

Thế nên người ta thường bảo nhau "câm miệng lại cho an toàn," cuộc đời này nhiều hầm hố quá rồi, ngay cả đến thực phẩm được kiểm nghiệm là "sạch" cũng là thực phẩm bẩn được "phù phép" qua cửa ải kiểm tra. Chưa nói đến chuyện các quan kiểm tra có đủ năng lực kiểm tra chính xác không. Một thí dụ cụ thể như vụ việc liên quan đến Vietfoods, các quan kiểm tra sai khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng tỉ đồng. Tôi sẽ tường thuật trong phần sau.

Người bị tố cáo ký lệnh sa thải người tố cáo
Trở lại chuyện tố cáo tiêu cực bị trù dập, vợ chồng chị Trần Ngọc Tuyền – anh Nguyễn Phương Đông, người bị ông Trần Thế Giang (nguyên giám đốc Trung Tâm Thể Dục Thể Thao tỉnh Cà Mau) ký quyết định sa thải vì dám tố giác tiêu cực đã và đang gây bất bình trong dư luận ở địa phương suốt thời gian qua. Trong đó, chính ông Trần Thế Giang là người bị vợ chồng nạn nhân tố cáo.
Anh Nguyễn Phương Đông, chồng chị Tuyền bị sa thải.
Chị Tuyền cho biết nguyên nhân khiến gia đình chị rơi vào cảnh lao đao như hiện nay là vì trước đây, tình cờ chị phát hiện ông Dương Huỳnh Khải (Giám đốc Sở Văn Hóa- Thể Thao- Du Lịch (VH-TT-DL) tỉnh Cà Mau và ông Trần Thế Giang là Giám Đốc Trung Tâm TDTT có dấu hiệu tiêu cực. Trong đó, có việc hai vị lãnh đạo này đã sử dụng tiền của trung tâm đi dự khai mạc Sea Games 27 tại Myanmar với tư cách cá nhân.

Riêng ông Trần Thế Giang thì khai man lý lịch để được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng và "leo thang" lên vị trí giám đốc...

Chị Tuyền nói, "Cho rằng ông Khải và ông Giang có dấu hiệu tiêu cực nên tôi đã gửi đơn tố giác các hành vi trên đến cơ quan chức năng để bảo vệ lẽ phải. Không ngờ, chính việc làm này đã khiến vợ chồng tôi rơi vào cảnh lao đao."

Cũng theo chị Tuyền, sau khi chị gửi đơn tố cáo, lập tức, hai vị lãnh đạo nói trên đã dùng tiền cá nhân nộp trả lại cho trung tâm rồi im lặng, không xử lý trách nhiệm và cũng không nói năng gì đến việc ông Trần Thế Giang đã khai man lý lịch. Ngược lại, bản thân chị bị trù dập đủ điều, cơ quan này đã nhiều lần quyết định kỷ luật chị vô căn cứ.

Tìm đủ cớ để hại người tố cáo
Chị Tuyền kể rõ, "Lúc đó, tôi bị o ép đủ điều nên đã bức xúc đưa nội dung đơn tố cáo lên trang mạng xã hội Facebook với hy vọng sẽ nhận được sự hưởng ứng từ dư luận và lãnh đạo cấp cao hơn có thể đọc được nội dung đơn của tôi. Tuy nhiên, sau đó không bao lâu thì tôi bị kỷ luật và sau này là bị sa thải."

Nữ nhân viên này cho biết thêm, trước đó, do bực bội vì nhiều lần gửi đơn khiếu nại nhưng lãnh đạo không chịu giải quyết nên có lần chị đã lớn tiếng với ông Giang thì một ngày sau đó Hội Đồng Kỷ Luật Trung Tâm có buổi họp kỷ luật đối với vợ chồng chị, và ngày hôm sau, vợ chồng chị nhận được thông báo tạm thời nghỉ việc với lý do gây mất trật tự tại đơn vị. Một lý do nữa mà ông Giang đưa ra là đơn vị thừa "biên chế" (tức là thừa người được tuyển dụng – VQ) và chị Tuyền không làm được việc.

Chị Tuyền phân trần với báo chí, "Nếu tôi không làm được việc thì tại sao lại làm việc ở đây suốt hơn 10 năm. Mặt khác, các văn bản kỷ luật đối với tôi đều do ông Giang ký, trong khi ông Giang là người tôi đang tố cáo."

Cũng theo chị Tuyền, bản thân chị không hề hay biết việc mình sẽ bị sa thải. Chị nói, "Sáng hôm đó, tôi vào cơ quan thì một cán bộ văn thư đưa cho tôi một bao thư. Mở ra mới biết, trong bao thư là quyết định sa thải và trong quyết định cũng không hề nêu lý do sa thải tôi. "
Từ khi vợ chồng chị Tuyền bị sa thải và cắt hợp đồng lao động, gia đình đã rơi vào cảnh hết sức khó khăn.
Được biết, sau khi chị bị sa thải chị khoảng một tuần thì anh Nguyễn Phương Đông (chồng chị) cũng bất ngờ bị cắt hợp đồng lao động với lý do là thực hiện chế độ "tinh giản biên chế" (cũng là một kiểu đuổi bớt anh thừa ra khỏi cơ quan – VQ) của UBND tỉnh Cà Mau, khiến gia đình chị rơi vào cảnh bế tắc. Ba ngày chị Tuyền gây rối vì khiếu nại việc sau khi chị nghỉ chế độ thai sản thì Trung Tâm đã chuyển chị sang làm công tác khác và đưa cháu ông Trần Thế Giang vào thay thế vị trí của chị, trong khi nghiệp vụ của chị là làm kế toán.

Bị dồn vào đường cùng, vợ chồng nữ nhân viên này đành phải gửi đơn đến Tòa Án "cầu cứu" pháp luật.

Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và tuyên nguyên đơn thắng kiện. Liên quan đến nội dung đơn tố cáo của chị Trần Ngọc Tuyền cho rằng ông Trần Thế Giang đã khai man lý lịch, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã xác định nội dung đơn là đúng sự thật nên đã cho thôi giữ chức vụ đối với vị giám đốc này.

Theo bản án, ngoài việc tuyên án vợ chồng chị Tuyền – anh Đông thắng kiện, Tòa Án TP Cà Mau còn buộc trung tâm bồi thường cho vợ chồng chị với số tiền hơn 113 triệu đồng, thời gian tự nguyện thi hành án là 10 ngày. Tuy nhiên, đến hết hạn, Trung Tâm TDTT không tự nguyện thi hành án.

Nhìn vào việc này, người dân VN ngao ngán thở hắt ra, không ai còn đủ dũng cảm tố cáo các quan nữa, các quan cứ tha hồ chèn ép dân. Tuy nhiên sự câm nín đó chính là sức nóng âm ỷ cháy. Sức nóng của sự phẫn nộ đang nóng hơn bao giờ hết, cái nồi súp de đó đang lơ lửng trên đầu các quan, nó nổ tung thì cả làng cùng chết đấy.

Quay sang chuyện quan xử phạt sai làm doanh nghiệp điêu đứng.

Ông nói sai, bà nói đúng: Hà Nội xử phạt, Bộ Y Tế và Bình Dương nói không sai.

Ngày 21/4, khi thực hiện kiểm tra tại công ty thương mại Hồng Anh (Hoàng Mai, Hà Nội), Đội Quản Lý Thị Trường 14 - Chi cục Quản Lý Thị Trường Hà Nội đã tạm giữ khoảng 2.2 tấn xúc xích do Công ty Viet Foods sản xuất với nghi vấn chứa chất cấm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy những mẫu xúc xích này chứa chất sodium nitrate-251 với hàm lượng từ 55mg/kg đến 100mg/kg. Từ kết quả này, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội lập văn bản xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở Viet Foods.

Tuy nhiên, ngày 25/4, sau khi thanh tra cơ sở Viet Foods, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Bình Dương (gồm Sở Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn, Chi cục Quản Lý Thị Trường, Chi cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm...) đưa ra kết luận cơ sở này không có vi phạm. Kết luận nêu rõ, Viet Foods sản xuất có đầy đủ hồ sơ pháp lý và hồ sơ đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chế biến thực phẩm theo đúng quy định hiện hành.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y Tế cũng khẳng định chất sodium nitrade (251) nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và Công ty Viet Foods không sai.

Như thế đoàn thanh tra của Đội Quản lý thị trường 14 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã sai hoàn toàn gây thiệt hại cực lớn cho doanh nghiệp Viet Foods.

Dù đã được Chi cục quản lý thị trường Hà Nội trả lại số hàng tịch thu, nhưng phía doanh nghiệp cho biết việc khắc phục hậu quả rất nặng nề.

Phát ngôn vô trách nhiệm làm các công ty khác chết theo
Bà Huỳnh Vũ Thị Minh Loan, Phó tổng giám đốc Công ty chế biến thực phẩm Việt (Viet Foods) cho biết, sau khi lô hàng 2.2 tấn xúc xích Viet Foods của công ty bị Đội 14 - Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội tạm giữ và phạt hành chính vì nghi là sản phẩm có chứa chất gây ung thư đã khiến công ty đứng bên bờ vực phá sản.
Cơ quan chức năng kiểm tra mẫu tại cơ sở Viet Foods.
Cụ thể, hơn một tháng qua doanh nghiệp đã phải ngưng sản xuất, trên 100 công nhân nghỉ việc, hàng hóa bán đi bị trả về, hàng trong kho không tiêu thụ được, người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm. Sự việc trên khiến công ty bị thiệt hại đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí có những khách hàng nợ cả tỷ đồng cũng "té nước theo mưa" không chịu thanh toán tiền mua hàng.

Bà Loan nói, "Đây là hậu quả hết sức nặng nề khi cơ quan quản lý phát ngôn vô trách nhiệm gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Tới nay, mặc dù chúng tôi đã được minh oan nhưng để tạo lập lại thị trường rất khó khăn."

Phó tổng giám đốc Viet Foods cũng cho hay, việc thông tin ra thị trường khi chưa có kết luận chính xác từ đơn vị có thẩm quyền khiến không chỉ công ty bà mà nhiều doanh nghiệp liên quan khác trong ngành cũng bị tác động, thậm chí giảm doanh số nghiêm trọng.

Đại diện Công ty đồ hộp Hạ Long cho biết, mặc dù công ty không có sai phạm gì và sản phẩm luôn được kiểm nghiệm an toàn nhưng hơn một tháng qua sức mua sản phẩm xúc xích tiệt trùng của công ty cũng sụt giảm mạnh. Nhiều người tiêu dùng hoang mang nên hạn chế mua sản phẩm của công ty, thậm chí, có người tiêu dùng đã mua sản phẩm rồi sau đó không dám sử dụng.

Còn Công ty Behn Meyer - đơn vị chuyên cung cấp chất phụ gia cho hay, sau khi có thông tin chất phụ gia trên gây ung thư, doanh số bán hàng của công ty giảm 50%. Khách hàng liên tục gọi điện tới hỏi thông tin và thắc mắc.

Đại diện công ty Behn Meyer nói, "Thông tin này không chỉ giết chết Viet Foods mà còn giết luôn cả những doanh nghiệp liên quan. Tôi nghĩ qua sự việc này cơ quan quản lý cần tìm hiểu kỹ càng sự việc trước khi công bố thông tin."
Biếm họa 40 người dân oằn lưng cõng một ông hay bà công chức.
Về phía Viet Foods, đơn vị này mong muốn cơ quan quản lý thị trường hủy bỏ hồ sơ với doanh nghiệp và phải có lời xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu cơ quan quản lý không thực hiện yêu cầu trên, công ty có thể sẽ kiện ra tòa.

Tới nay, mặc dù sự việc đã sáng tỏ và Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm kết luận Viet Foods không sai phạm, nhưng phía cơ quan quản lý thị trường Hà Nội mới chỉ có quyết định trả hàng lại cho doanh nghiệp chứ chưa có bất cứ động thái bồi thường hay xin lỗi nào.

Cơ quan quản lý làm sai, phát ngôn bừa bãi làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp thì chính các ông ấy phải bồi thường chứ không thể lấy tiền của nhân dân lấp vào cái lỗ hổng làm ẩu hoặc cũng có thể là vì sự ngu dốt của các quan được. Bốn-mươi người dân đã còng lưng "cõng" và vỗ béo cho 40 một ông hay bà công chức mà còn "cõng" luôn cái khoản đền bù này nữa thì chỉ có nước bò ra đường ăn xin chứ làm sao mà gánh nợ đây, thưa các quan. Đã ăn no lại làm ẩu, nói láo vậy mà vẫn cứ ung dung tại chức thì sướng thật. Đừng trách một số lớn tuổi trẻ VN bây giờ chỉ đi học để được ra làm quan, bất cần kiến thức. Một nước như thế làm sao không thụt lùi… muôn năm được!

Văn Quang
Viết từ Sài Gòn ngày 03.07.2016

No comments:

Post a Comment