31 January 2017

Những chuyện "độc" lạ lùng tại Việt Nam

Những chuyện "độc" lạ lùng tại Việt Nam

Bài này đến tay bạn đọc có lẽ đã vào những ngày đầu xuân năm nay, những chuyện về Tết ở VN đã có quá nhiều báo, nhiều ông đưa tin, đưa hình đầy đủ cả rồi. Lại còn chuyện tận nước Mỹ: ông Trump nhậm chức Tổng Thống Mỹ, ông Obama về vườn, các báo ở VN tường thuật rất đầy đủ không sót một chi tiết nào, từ chiếc giày và chiều cao của vợ ông Trump đến con cái ông Obama bước lên máy bay. Có cái hay là báo chí nhà nước tường thuật giống nhau như sinh viên sĩ quan tập cơ bản thao diễn, đúng răm rắp từng cái dấu chấm, dấu phẩy đến nhận định cũng y chang... Tự do ngôn luận theo đúng chị thị của cấp trên.

Vì thế tôi không tường thuật với bạn đọc về chuyện đó nữa. Tôi kể về những chuyện "độc" ở VN ngày nay cho lạ. "Độc" ở đây theo nghĩa đen, "độc chết người." Trước hết là chuyện ung thư, một thứ bệnh hết thuốc chữa. Không phải do "trời đất" hại ta mà do chính con người hại nhau.

10 làng ung thư có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất ở Việt Nam
Theo báo Pháp Luật và Đời Sống, cơ quan của Hội Luật Gia VN: Mới đây, dự án "Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số làng ung thư của VN" đã công bố danh sách 10 "làng ung thư" có nguồn ô nhiễm nặng nhất.

Dự án trên do Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (TN&MT) thực hiện và đã kết thúc giai đoạn 1, đang chờ cấp trên xem xét giai đoạn 2.

Theo dự án "Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số "làng ung thư" của VN," các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tại 37 "làng ung thư" đều ô nhiễm nặng.

Cụ thể, khảo sát tại các xã của 37 "làng ung thư" số người chết vì bệnh ung thư là tính trong vòng 5-20 năm trở lại đây:

- Đã có 1,136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư. Nơi có nhiều người chết vì ung thư nhất là 139 người, đó là làng Thạch Khê, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Còn ở làng ít nhất cũng có sáu người chết.

Tiến sĩ Hồ Minh Thọ nói với báo Tuổi Trẻ: Số người chết vì bệnh ung thư vừa nêu là tính trong vòng 5-20 năm trở lại đây:
Giếng nước màu vàng khè, có váng vàng, khi động đến thì tạo bọt bóng.
"Qua điều tra, khảo sát của dự án thì điểm chung nhất là các nguồn nước bà con đang sử dụng ở các làng ấy đều bị ô nhiễm, có những chỉ tiêu vượt mức cho phép theo quy định tiêu chuẩn về nước của VN."

Theo TS Hồ Minh Thọ, muốn tìm ra nguồn nước sạch để thay thế cho các nguồn nước ô nhiễm tại các "làng ung thư" ấy thì phải tiến hành giai đoạn 2 của dự án.

TS Thọ nói, "Chúng tôi đã xác định và kiến nghị trước mắt cần thiết phải tiếp tục điều tra, cấp nước sinh hoạt ở giai đoạn tiếp theo cho 10 "làng ung thư" có nguồn nước hiện tại bị ô nhiễm nặng nhất."

Dưới đây là danh sách 10 "làng ung thư" có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất theo khảo sát của dự án "Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số làng ung thư của VN" công bố:

1. Làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, H.Ứng Hòa, TP Hà Nội.
2. Làng Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên, H.Chương Mỹ, TP Hà Nội.
3. Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
4. Làng Thổ Vỵ, xã Tế Thắng, H.Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
5. Làng Yên Lão, xã Hoàng Tây, H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
6. Làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
7. Làng An Lộc, xã An Lộc, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
8. Làng Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
9. Làng Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
10. Làng Mê Pu, xã Mê Pu, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

Nỗi lo ung thư của người dân trong các ngôi làng ở Việt Nam thật khủng khiếp, tử thần lơ lửng trên đầu mọi người không kể già trẻ lớn bé. Chúng ta hãy đi tìm nguyên nhân gây ra tai họa này. Không phải do trời đất sinh ra mà chính là do con người.

Đây chính là nguyên nhân
Các khu công nghiệp mọc lên giúp đời sống kinh tế người dân khấm khá, nhưng đồng nghĩa với nó là nỗi lo ung thư của nhiều ngôi làng trên cả nước.

Ung thư gõ cửa, 3 thôn ở Bắc Giang náo động
Báo Dân Việt đưa tin, người dân 3 thôn My Điền 1, 2, 3 (xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) khấm khá do khu công nghiệp mọc lên trên địa bàn. Thế nhưng, giờ đây dân My Điền "ăn không ngon, ngủ không yên" bởi rác thải, nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm. Người dân nơm nớp sợ hãi vì "tử thần" ung thư gõ cửa…
Hầu hết các bể chứa nước đều nhuốm một màu vàng.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ông Phùng Minh Toản - Trưởng thôn My Điền 1: "6-7 năm qua, ở thôn My Điền 1 đã có tới 60 người chết vì ung thư. Cứ 10 người chết thì 7 - 8 người là nạn nhân ung thư. Các chứng bệnh ung thư đa dạng có nhiều thứ bệnh lạ chẳng biết bệnh gì, tỷ lệ chết trẻ nhiều hơn chết già. Riêng đầu năm 2016 đã có 2 người chết trẻ. Hiện nay, cả 3 thôn đều có nhiều người đang mắc các bệnh ung thư. Điều này khiến chúng tôi nơm nớp lo sợ bệnh tật hoành hành."

Bà Thân Thị Ngoan (xóm 6, thôn My Điền 2) kể, sinh thời ông chồng bà vốn làm nghề thợ xây. Sức khỏe hơn người, lao động quần quật chẳng mấy khi ông đau ốm. Vậy mà, tháng 3 năm 2015 chồng bà thường xuyên mỏi mệt. Vợ chồng "đùm" nhau xuống Hà Nội khám thì "chết điếng" vì ông bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Chỉ sáu tháng từ ngày phát hiện ung thư, chồng bà đã nằm xuống.

Phía sau nhà bà Ngoan, gia đình bà La Thị Cấp đau xót trước cái chết của đứa cháu nội mới 4 tuổi. Năm 2015, cháu Phùng Bảo N đột ngột bị sốt dài ngày. Kết quả y học tại Bệnh viện K3 cho thấy, bé N bị ung thư u nguyên bào thần kinh. Chỉ 2 tháng sau, bé trai kháu khỉnh đã tử vong.
Trạm bơm không hoạt động được.
Cùng gánh chịu nỗi đau ung thư, chị Thân Thị Vân (thôn My Điền 2) bảo, chị không thể nào quên được những cơn đau quằn quại của bố chị - ông Thân Văn C. Hai năm trước, ông C bị ung thư phải cắt bỏ 3/4 dạ dày. Chưa đầy hai tháng phát hiện bệnh, ông đã tử vong. Lúc hấp hối, ông trăn trối dặn vợ con phải giữ gìn sức khỏe. Chị Vân vẫn khắc khoải câu nói chua xót của người bố trước lúc lâm chung.

Được biết, từ năm 2003-2008, các Khu công nghiệp (KCN) Đình Trám, Vân Trung được xây dựng hầu hết trên đất của 3 thôn My Điền và một phần đất của xã liền kề. Theo đó, 82% diện tích đất nông nghiệp của 3 thôn bị thu hồi chuyển đổi mục đích phục vụ công nghiệp, chỉ còn lại 17.5 ha. Dân số cả 3 thôn vào khoảng 4,000 người, và 8,000 công nhân thuê trọ.

Hỏi về môi trường sống, ông Lê Xuân Hiệp (Bí thư Chi bộ thôn My Điền 3), ông Toản, bà Cấp, chị Vân, bà Ngoan đều xác nhận vấn đề ô nhiễm môi trường:

"Cả 3 thôn đều có chung một bãi rác lớn án ngữ ở đầu làng. Các xóm đều có các rãnh nước thải đen kịt, ứ đọng. Rác thì có tuần được thu gom 2 lần, có khi cả tháng mới thấy người đến gom 1 lần."
Buộc vải ở vòi nước để lọc cặn.
Không chỉ ô nhiễm về rác, người dân My Điền còn đang phải đối mặt với "họa" suy kiệt và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Trước đây, người dân My Điền ăn uống bằng nguồn nước giếng khơi. Thế rồi, nước giếng khơi bị cạn kiệt phải chuyển sang dùng giếng khoan.

Những cơ sở nào gây ra tai họa cho dân
Không thể kể hết tên những công ty doanh nhiệp đang gây ra tai họa cho toàn dân VN, tôi chỉ kể tên vài công ty điển hình trong một làng thôi.

- "Làng ung thư" ở Phú Thọ
Tuổi Trẻ dẫn thống kê của Sở Y Tế tỉnh Phú Thọ, tính từ năm 1991 đến cuối năm 2005, tại xã Thạch Sơn có 304 người chết thì đã có tới 106 người (chiếm 34.86%) chết do mắc bệnh ung thư.

Để tìm hiểu nguyên nhân gây ung thư tại Thạch Sơn, từ cuối năm 2005 đoàn khảo sát của Cục Bảo vệ môi trường và Viện Công Nghệ Môi Trường đã về Thạch Sơn lấy mẫu phân tích đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường.

- Các chất ô nhiễm tập trung chủ yếu xung quanh khu vực Công ty supe phôtphat và hóa chất Lâm Thao và Công ty cổ phần pin ăcqui Vĩnh Phú. Hàm lượng các chất khí lan tỏa trong cả vùng và theo chiều các hướng gió.

- Ngoài ra, môi trường không khí còn chịu ảnh hưởng của khí thải các lò gạch và mùi hôi bốc lên từ cửa xả nước thải của Công Ty Giấy Bãi Bằng đổ ra sông Hồng.

Nguy hiểm hơn cả là việc hầu hết các giếng tại Thạch Sơn đều không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nước ngầm và nước dùng cho sinh hoạt. Nguồn nước ngầm và các mẫu rau, mẫu cá tại Thạch Sơn đều có hàm lượng kim loại có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.

- Đối với các ao, hồ, môi trường đất cạnh bãi thải của Công ty pin ăcqui Vĩnh Phú, đoàn khảo sát phân tích thấy có hàm lượng kẽm (Zn), cadmium (Cd) cao gấp bốn lần tiêu chuẩn cho phép trong đất nông nghiệp.

- Hơn 60 năm trôi qua nhưng những tàn dư của thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc trừ sâu trong chiến tranh vẫn còn sót lại gây ra những hệ luỵ đau thương.

Từ những năm 1954 đến 1978, khu vực Chợ Nhe thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc bị ném bom ác liệt trong thời chiến tranh. Lúc này, kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang được cất giữ tại đây đã được di chuyển về thôn Thái Kiều (Kiều Ấp cũ - PV), thôn Cồn Ngọc và một địa điểm nữa nay thuộc trường Tiểu học Khánh Lộc.

Ẩn họa từ những kho thuốc BVTV chưa được xử lý khiến trong thời gian qua, người dân tại xã Khánh Lộc phải gánh chịu.

Sau khi bơm lên bể được khoảng 30 phút cả bể nước bắt đầu nổi váng. Cũng theo kết quả xét nghiệm, thẩm định nguồn nước ở xã Hoàng Tây có tỷ lệ tạp chất cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Ông Trương Văn Khương - Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Tây cho biết, trước thực trạng nguồn nước bị ô nhiễm, chính quyền và người dân địa phương đã tiến hành xây dựng nhà máy nước sạch. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra nguồn nước vẫn không đạt tiêu chuẩn nên người dân không sử dụng nữa, nhiều năm nay nhà máy nước sạch đang bị bỏ hoang.

Ai mang đau thương đến cho người dân?
Thế rồi thôi, nhà máy cứ nằm đó trơ gan cùng tuế nguyệt, chẳng quan nào từ làng đến tỉnh coi như không biết, mặc kệ nhà máy bỏ hoang cho dân nhìn chơi! Thu đất của dân để làm khu công nghiệp, bất chấp đời sống của người dân, chỉ lo cho cái túi tiền của nhà mình, độc hại không cần biết hay vì ngu không biết, dân khổ dân chết lại đổ cho thời tiết, do trời đất. Chưa có thời đại tàn nhẫn đến thế.

Xét qua vài thí dụ trên cho thấy người mang tử thấn đến với dân không phải là ông Trời mà do chính cái đầu to, óc bã đậu của các quan khi cho phép những công ty lớn nhỏ tàn phá môi trường sống của người dân. Nỗi đau này còn in dấu mãi mãi trong lịch sử dân tộc, không thể tha thứ cho những tên quan lại vừa tham vừa dốt như thế được.

Văn Quang
(Cuối tháng Giêng 2017)

No comments:

Post a Comment