14 July 2012

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ HỢP TÁC NGA-TRUNG Ở HƯỚNG ĐÔNG

TTXVN

"Báo Độc lập" (Nga) gần đây đăng bài viết của nhà phương Đông học Iuri Tavrovski với tiêu đề "Phát triển phía Đông", trong đó phân tích và bình luận về chiến lược mở rộng, phát triển phía Đông của Nga và triển vọng quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc ở khu vực này, như sau:

Từ mùa Thu 2011, sáu tháng trước khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo, trong một bài báo, ông Vladimir Putin đã bất ngờ tuyên bố về sự cần thiết phải tái liên kết không gian Âu-Á. Tính chất quan trọng của những ý định này của ông Putin được khẳng định bằng việc thành lập một cơ cấu chuyên biệt siêu quốc gia – Ủy ban Kinh tế Âu – Á. Ủy ban này đã tuyển hàng trăm nhân viên và có quyền hạn rộng rãi được hợp thức hóa về mặt pháp lý. Đề xuất mang tính khái niệm vấn đề chuyển sang phía Đông tiếp tục được đề cập ở một trong bảy bài viết mang tính cương lĩnh, nói về chính sách đối ngoại của Nga đặc biệt trong đó nhấn mạnh việc nâng cao vai trò của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong các quá trình kinh tế và chính trị toàn cầu, nhấn mạnh ý nghĩa của việc sử dụng các nguồn lực của Trung Quốc để nâng cao đời sống kinh tế ở vùng Xibêri và Viễn Đông. Ông Putin kêu gọi "mượn gió của Trung Quốc để nâng cánh buồm kinh tế của chúng ta". Bài báo "đề cập đến việc "nâng ảnh hưởng của toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương" và "những chân trời mới đang được mở ra cho hoạt động có hiệu quả".

Bộ Phát triển khu vực Viễn Đông, Sân bay vũ trụ mới, Hội nghị thượng đỉnh

Khuôn khổ của bài viết trước bầu cử không cho phép ông Putin nêu ra đầy đủ mọi thuận lợi và bất lợi khiến Nga sẽ phải gia tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trước hết Tổng thống Mỹ Obama đã đưa ra tuyên bố về việc chuyển ưu tiên của Mỹ trong chính sách đối ngoại và những chuẩn bị về mặt quân sự từ khu vực Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương nhằm "kiềm chế" Trung Quốc. Chiến lược này của Mỹ sẽ động chạm không chỉ đến Trung Quốc mà đến tất cả các nước trong châu Á-Thái Bình Dương, cho dù các nước này có quan hệ với Oasinhtơn hay Bắc Kinh như thế nào đi chăng nữa. Đối với Nga, việc "kiềm chế" Trung Quốc làm gia tăng áp lực của Mỹ và đồng minh của Mỹ đối với khu vực Xibêri, đặc biệt là Viễn Đông. Mỹ định hạn chế việc Trung Quốc khai thác các nguồn nguyên nhiên liệu của các nước khác – từ Libi đến Mianma, từ Xuđăng đến Mỹ Latinh. Tình trạng di cư ít ỏi và tương đối chưa phát triển của các khu vực phía Đông của chúng ta có thể trở thành cái cớ để họ kêu gọi "quốc tế hóa" khu vực này. Họ tranh luận rằng "những nguồn tài nguyên mà Nga đang sử dụng một cách không hợp lý là thuộc về toàn thể nhân loại", vấn đề bảo vệ khu vực Xibêri và Viễn Đông có thể, trước hết, thông qua việc đẩy nhanh sự phát triển các khu vực này, mở rộng các xí nghiệp hiện có và xây dựng các xí nghiệp mới, các tuyến đường giao thông vận tải, các thành phố và làng mạc. Việc xao nhãng những vấn đề phía Đông đất nước làm nảy sinh tư tưởng phân lập trong cư dân địa phương. Trong một cuộc điều tra dân số mới đây, hàng nghìn người đã gọi mình là "người Xibêri". Sự tồn tại không lâu của nước Cộng hòa Viễn Đông "có chủ quyền", đã bị những người Bônsêvích giải thể vì ảnh hưởng của Mỹ ngày càng tăng lên, đang được nhắc lại với sự hoài niệm.

Vài tháng trước đây, vai trò đột phá trong sự hồi sinh một nửa phía Đông của nước Nga đã được giao cho Tổng công ty nhà nước về phát triển khu vực Xibêri và Viễn Đông. Trước hết, Tổng Công ty này bắt tay vào việc xây dựng các cảng, đường sá và sân bay, phát triển hệ thống thông tin liên lạc. Điều đáng chú ý là những thống tin đầu tiên về việc thành lập bộ mới (Bộ Phát triển khu vực Viễn Đông) đã gặp phải sự chỉ trích gay gắt của một số nhà kinh tế có ảnh hưởng. Những người có xu hướng hướng sang phương Tây chỉ trích mạnh mẽ nhất. Họ lo ngại việc làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác Nga – Trung và trong "Chương trình – 2020" do họ soạn thảo, họ công khai gọi Trung Quốc là "mối đe dọa chiến lược chủ yếu của Nga". Những lời chỉ trích nhằm vào việc "con quái vật có quyền hành vô hạn của nhà nước đang ngăn cản sự phát triển của các lực lượng thị trường". Tuy nhiên, những kết quả không hài lòng của việc tự gạt bỏ vai trò của nhà nước có lợi cho các lực lượng thị trường ở khu vực Xibêri và Viễn Đông trong những năm "thắng lợi của chủ nghĩa tự do tiên tiến" đang chứng minh sự mong muốn có những

cách tiếp cận mới đối với khu vực này. Có lẽ, việc thành lập Bộ Phát triển khu vực Viễn Đông thuộc về những cách tiếp cận đó. Chưa bao giờ trong các cơ cấu chính phủ của Liên Xô trước đây hoặc Nga hiện nay có bộ này. Hiện chưa rõ, liệu bộ này có bãi bỏ ý tưởng thành lập tổng công ty nhà nước hay không. Nhưng rõ ràng bộ mới sẽ có quyền hạn hết sức rộng lớn và có nguồn lực tài chính đáng kể. Không phải ngẫu nhiên mà ông Viktor Ishayev, cựu Thống đốc khu vực Khabarovsk được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ này. Ông Ishayev sẽ đồng thời giữ chức Đại diện toàn quyền của Tổng thống tại khu vực Viễn Đông thuộc Liên bang. Việc bố trí trụ sở của Bộ Phát triển khu vực Viễn Đông tại Khabarovsk, chứ không phải ở Matxcơva, sẽ là việc chưa từng có. Bởi để làm việc này thậm chí phải sửa đổi Hiến pháp Nga. Hiến pháp quy định trụ sở của các bộ chỉ đóng ở Matxcơva. Dường như, Bộ Phát triển khu vực Viễn Đông đóng ở Khabarovsk sẽ đáp ứng được sự phát triển của vùng Xibêri.

Trong các dự án phát triển vùng Xibêri – Viễn Đông gắn với tên của ông Putin, nổi lên việc xây dựng Sân bay vũ trụ mới "phương Đông" và việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok vào tháng 9 năm nay. Cũng có nhiều bình luận và chỉ trích gay gắt và sự hoài nghi đối với những dự án này. Thật vậy, tham nhũng và tình trạng bừa bãi, trình độ chuyên môn thấp và sự thiếu hụt sức lao động đã ảnh hưởng đáng kể tới việc thực hiện nhiều sáng kiến, cho dù ở phía Tây hay ở phía Đông nước Nga. Nhưng việc mới đây kết nối khâu cuối cùng của cây cầu treo khổng lồ dẫn tới "đảo Nga", nơi sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC, chứng tỏ sự đúng đắn của câu thành ngữ "Có đi mới đến".

Thủ tướng Stolypin trước đây, Tổng thống Putin hiện nay

Tại sao ông Putin lại quan tâm nhiều tới các khu vực phía Đông của nước Nga đến vậy? Bản thân ông sinh ra và lớn lên Lêningrát, thành phố phía Tây nước Nga, học tiếng Đức và trải qua những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời ở Đức. Sau khi nắm quyền lực, ông đã nhanh chóng thiết lập các mối quan hệ chính thức với các đồng nghiệp Đức, Pháp, Italia, Mỹ, giành được uy tín đối với họ. Phải chăng điều đáng thất vọng chính là trong sự tương tác với các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ, những người luôn nói những lời ấm áp và vồ vai, nhưng vẫn tiếp tục bao vây Nga bằng một vòng các căn cứ quân sự và ép đẩy các công ty của Nga ra khỏi các thị trường mà chúng ta đã giành được? Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, mặc dù không vỗ vai, nhưng họ thực hiện đầy đủ những cam kết trong quan hệ đối tác chiến lược, họ cho chúng ta vay tín dụng để thực hiện các dự án về dầu mỏ – những dự án rất quý giá đối với ông Putin.

Có lẽ niềm say mê đối với lịch sử và địa lý của ông Putin trong thời gian gần đây đã thúc đẩy việc mở rộng tầm nhìn chiến lược của ông. Việc khai thác vùng Xibêri và Viễn Đông trong đầu thế kỷ XX là một phần quan trọng trong những thành tựu cua Thủ tướng Stolypin (triều đại Nikolai II, Hoàng đế cuối cùng trong lịch sử Nga) mà ông ngưỡng mộ Việc di chuyển thành công ba triệu nông dân từ Ucraina và Nga sang phía Đông cùng với việc dành cho họ những khuyến khích về tài chính và ưu đãi về thuế đang gợi lên những liên tưởng về cơ cấu hoàn hảo được ông Putin ủng hộ. Thủ tướng Stolypin đã nói vào năm 1908 khi thảo luận tại Đuma Quốc gia vấn đề về xây dựng tuyến đường sắt Amursk "Con đại bàng của chúng ta, di sản của Đế chế Bidăngtin – là con đại bàng hai đầu. Tất nhiên, những con đại bàng một đầu khỏe mạnh và mạnh mẽ, nhưng con đại bàng của Nga nếu chặt cái đầu nhìn sang phía Đông, thì các vị sẽ không thể biến nó thành con đại bàng một đầu, các vị sẽ chỉ làm cho nó chảy máu". Có lẽ ông Putin hồi tưởng lại những lời nói này của Thủ tướng Stolypin trong một chuyến công cán bằng chiếc Lada màu vàng trên con đường cao tốc Chita – Khabarovsk, ông nhận ra những cơ hội hết sức to lớn và tình trạng chưa phát triển của vùng Viễn Đông, ông cũng chợt nhớ lại chuyến du hành trong những năm 1890-1891 của Hoàng thái tử Nikolai Alexandrovich bằng đường biển vòng quanh châu Âu và châu Phi đến Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản và trở lại Xanh Pêtécbua bằng đường bộ qua vùng Viễn Đông và Xibêri. Tận mắt nhìn thấy các nước láng giềng và sự rộng lớn của nước Nga. sau khi trở thành Hoàng đế, Nikolai đã bật đèn xanh cho một số dự án phát triển quy mô lớn, xây dựng các thành phố, bến cảng và đường sắt. Nhà phương Đông học Esper Ukhtomsky, người đi hộ tống chuyến đi của Hoàng Thái tử và trở thành người bạn thân cận của vị hoàng đế chuyên quyền, đã đứng đầu Ngân hàng Nga – Trung Quốc và Hội đồng quản trị đường sắt Mãn Châu Lý, thực hiện các sứ mệnh ngoại giao tế nhị.

Sự phát triển "rượt đuổi" – mô hình phát triển hiệu quả

Trong thời kỳ Liên Xô và tiếp theo là Nga, Chính quyền đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng sụy giảm dân số và chậm phát triển kinh tế của vùng Xibêri và Viễn Đông. Không ít chương trình, dự án dài hạn và ngắn hạn của các công ty nhà nước và các chủ thể thuộc Liên bang đã được thông qua. Những nguồn tài chính khổng lồ đã được phân bổ để thực hiện những chương trình và dự án đó. Thường những chương trình và những dự án này không đồng bộ và không hướng vào mục tiêu chung – phát triển khu vực này. Rõ ràng, hiện nay các phương pháp tiếp cận mới và sáng tạo có thể bảo đảm hiệu ứng tương đối nhanh chóng, sẽ được đặt ra. Những việc đã làm trước đây liệu có bổ ích cho những người hoạch định chiến lược mới, những người không có thời gian để soạn thảo "từ đầu" hay không. Tuy nhiên, bên cạnh chúng ta có một mô hình phát triển các khu vực chậm phát triển hiện đang có hiệu quả. Ở đây chúng tôi muốn nói tới Trung Quốc. Các chương trình chiến lược như "mở cửa các khu vực cận biên" (từ năm 1992), "khai thác quy mô lớn phần phía Tây đất nước" (từ năm 1999), "hiện đại hóa các cơ sở công nghiệp cũ ở phía Đông Bắc Trung Quốc" (từ năm 2007) đang được thực hiện ơ Trung Quốc, tuy không cho phép đuổi kịp sự phát triển kinh tế và xã hội của các tỉnh ven biển, nhưng làm giảm đáng kể tình trạng phát triển không đồng đều, cải thiện sự cân bằng của các quá trình phát triển kinh tế, nhân khẩu học và xã hội. Việc nhà nước trực tiếp trợ cấp cho các khu vực, cấp tài chính từ ngân sách cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở và sản xuất lớn, cũng như các phương pháp kích thích kinh tế, mở rộng quyền hạn của chính quyền cơ sở, khuyến khích sáng kiến của cá nhân đã trở thành những công cụ để thực hiện các chương trình và dự án nói trên. Chúng ta tận mắt nhìn thấy thành phố Mãn Châu, cách làng Zabaikalsk của chúng ta khoảng 2 km, xuất hiện trong 20 năm như một câu chuyện cổ tích, các đường cao tốc và những thành phố với những tòa nhà cao chọc trời, những trường đại học và sân vận động ở tỉnh Quý Châu nghèo nhất…

Kinh nghiệm đó hiện nay đối với Nga là vô cùng quý giá và chúng ta không có gì phải xấu hổ khi "vay mượn" kinh nghiệm cửa các đối tác Trung Quốc. Điều này liên quan tới các nhà lãnh đạo đất nước, những người chắc chắn thích thú với công nghệ chuẩn bị các quyết sách chiến lược ở Bắc Kinh và điều quan trọng là việc các cơ quan chính quyền ở trung ương và cơ sở đưa các quyết sách đó vào cuộc sống. Điều này cũng liên quan tới các nhà lãnh đạo các khu vực và các tỉnh của Nga. Kinh nghiệm của những đồng nghiệp Trung Quốc ở các tỉnh lân cận và các khu tự trị, những hình thức khác nhau mà họ áp dụng để có được và sử dụng các nguồn kinh phí từ trung ương, các quyền hạn bổ sung trong lĩnh vực ưu đãi về thuế và các hình thức thu hút vốn đầu tư nước ngoài khác v.v… là rất hữu ích đối với họ. Điều này liên quan tới thị trưởng các thành phố, thị xã, đặc biệt là các thành phố, thị trấn gần biên giới. Họ nhìn thấy sự phát triển nhanh chóng của các điểm dân cư và các xí nghiệp trong các khu vực lân cận và muốn tìm hiểu những bí quyết của thành công.

về vấn đề này tôi đề nghị nên tổ chức những cuộc gặp giữa tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc luân phiên nhau ở các thành phố lân cận – chẳng hạn, Hắc Hà và Blagoveshchensk hoặc Mãn Châu và Zabaikalsk. Và nên đưa việc này vào chương trình các cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Trung. Trong các cuộc gặp gỡ thường kỳ, thủ tướng hai nước cũng nên tới thăm các thành phố và các khu vực đã có sự hợp tác có hiệu quả, ủng hộ các nhà lãnh đạo các thành phố và khư vực đó. Các nhà lãnh đạo cần càng sớm càng tốt thông qua những thoả thuận tương ứng về trao đổi kinh nghiệm phát triển khu vực và đưa ra những chỉ đạo cần thiết cho các cơ quan chính quyền ở trung ương và địa phương.

Chúng tôi muốn Bộ Phát triển khu vực Viễn Đông ngay từ khi bắt đầu hoạt động nên thiết lập sự hợp tác với các bộ phận tương ứng của Chính phủ Trung Quốc, thành lập ở Matxcơva và Khabarovsk, cũng như ở trung tâm các khu vực, tỉnh những nhóm công tác thường trực nghiên cứu kinh nghiệm phát triển các khu vực lạc hậu của Trung Quốc. Chúng ta không nên loại trừ việc có thể sử dụng các hình thức như vậy để thu hút các cố vấn Trung Quốc làm việc trong bộ này. Một việc làm đúng đắn là tiến hành dịch sang tiếng Nga và phân tích các văn kiện của Chính phủ Trung Quốc trong những năm gần đây – những văn kiện tập trung vào vấn đề phát triển hạ tầng cơ sở, tạo môi trường sống trong sạch, phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục và xây dựng các điểm phát triển mới năng động, ưu tiên các phát triển của ngành công nghiệp tiên tiến sử dụng các nguồn lực tại địa phương và truyền thống, nâng cao đáng kể mức dịch vụ công, loại bỏ các rào cản hành chính trên con đường thu hút vốn đầu tư nước ngoài và vốn của tư nhân, trong đó có vốn của các nước láng giềng và các điểm dân cư lân cận. Tất cả những việc nêu trên sẽ mở ra những lĩnh vực hợp tác mới của "quan hệ đối tác chiến lược Nga- Trung".

Mối quan tâm chung

Chiến lược "Phát triển về phía Đông của Nga" đã được vạch ra trùng hợp với thời điểm tình hình kinh tế đối ngoại của Trung Quốc đang xấu đi. Các chuyên gia Trung Quốc nhận thấy một trong những phương thức làm giảm thiểu những hậu quả của việc cắt giảm các thị trường xuất khẩu truyền thống là nhanh chóng tìm lối ra thị trường ở các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Nga. Việc chủ động sử dụng kinh nghiệm, công nghệ, thiết bị và cán bộ của các công ty Trung Quốc trong việc xây dựng đường sá, nhà ở, các công trình công nghiệp và nông nghiệp hết sức cần thiết đối với vùng Xibêri và Viễn Đông, sẽ có lợi cho cả Trung Quốc và Nga. Việc thực hiện ngay từ đầu, chí ít là một số dự án thí điểm lớn với phương thức "chìa khóa trao tay" sẽ cho thấy tốc độ, hiệu quả và tính kinh tế của việc sử dụng "gió của Trung Quốc để thổi cánh buồm kinh tế của chúng ta", điều mà ông Putin đã viết trong bài báo của mình. Một điều không kém quan trọng là việc thực hiện thành công các công trình thí điểm sẽ chứng minh sự vô căn cứ của những lo ngại về "mối đe dọa" Trung Quốc, hiện vẫn còn trong tâm trí những thường dân Nga cũng như một bộ phận giới tinh hoa đô thị.

Nga bắt đầu "quay về phía Đông". Bây giờ điều quan trọng là đẩy nhanh sự "quay về phía Nam" của các khu vực Xibêri và Viễn Đông, còn đối với các tỉnh của Trung Quốc là "quay về phía Bắc". Những điều chỉnh các véctơ phát triển này phù hợp với xu hướng toàn cầu hoá và khu vực hóa, được các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện theo nguyên tắc "hài hòa" và "phát triển toàn diện". Đối với các nhà lãnh đạo Nga, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh trong bài viết về chính sách đối ngoại của mình: "Nước Nga cần Trung Quốc thịnh vượng và ổn định" và ngược lại, ông tin rằng "Trung Quốc cũng cần một nước Nga hùng mạnh và thành công"./.

TTXVN

No comments:

Post a Comment