16 April 2014

Bộ mặt thật của cán cân công lý ở Tuy Hòa

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 14.4.2014

Bộ mặt thật của cán cân công lý ở Tuy Hòa

Trong bài kỳ trước, tôi đã tường thuật với bạn đọc nguyên nhân và kết quả của phiên tòa xử 5 điều tra viên đánh chết anh Kiều tại Phú Yên và chiều 3-4-2014 vừa qua, Tòa án TP Tuy Hòa (Phú Yên) chịu nhiều sức ép của dư luận đã tuyên án một bản án… có vẻ mới, nhưng thực ra chẳng có gì mới, chỉ là thêm 1-2 năm tù cho 2 phạm nhân, còn án treo và tha bổng phó CA TP Tuy Hòa vẫn y nguyên như cũ. Đây chỉ là một kiểu "đối phó với dư luận" đang phẫn nộ mà thôi. 

Người nhà nạn nhân nghe tuyên án

Nhiều người rớt nước mắt khi nhìn đứa con nhỏ hôn di ảnh của cha

Vì thế dù trong tuần vừa qua có khá nhiều sự kiện gây dư luận xôn xao như vụ "bẻ cong đường Trường Chinh tại Hà Nội để tránh nhà quan" còn đang có nhiều tranh cãi và "1.000 tấn hoá chất độc hại giấu dưới lòng đất tại Thanh Hóa"… tôi sẽ tường thuật trong một bài khác.

Trong bài này tôi không thể không tường thuật thêm về những dư luận của người dân sau phiên xử "tệ hại" đó. Nhất là ngày 4-4, khi nghe ông Lương Quang, Chánh án tòa án TP Tuy Hòa đã trả lời báo chí xung quanh vụ xử án "quái đản" này.

Tôi không thể tường trình hết những câu trả lời của ông chánh án này bởi nó khá… dài dòng văn tự, khi "thực" khi "ảo", nửa kín nửa hở như kiểu ăn mặc "xuyên thấu" của các cô cẳng dài trong làng showbiz VN.

Chỉ xin nhấn mạnh đến lời phê phán của người dân, trong đó cũng có trích những câu trả lời "ỡm ờ" của ông chánh án, người trực tiếp ngồi cầm cán cân công lý trong vụ này.

Chúng tôi chịu nhiều áp lực.

Ông Lương Quang - Chánh án Tòa án TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - đã cho biết như trên khi trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động về vụ án 5 công an dùng nhục hình gây phẫn nộ trong dư luận.

Khi phóng viên hỏi: Ông nghĩ sao về bản án mà TAND TP Tuy Hòa vừa tuyên vào chiều 3-4?

Ông Lương Quang nói: Khi HĐXX tuyên án, gia đình người bị hại có phản ứng, la ó không đồng tình, nhất là phần bồi thường dân sự. Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cũng có vẻ không đồng tình. Dư luận đa chiều, chỗ nói nhẹ, chỗ bảo xử vậy là vừa. Vụ án này hết sức phức tạp, nhạy cảm, cả trung ương cũng rất quan tâm. Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực.

Nguyễn Thân Thảo Thành trên đường vào trại tù

Nhưng ông chánh án không nói rõ áp lực từ đâu. Từ dư luận hay từ một cơ quan, một quan chức lớn nào của bộ nào ngành nào "rỉ tai" ông phải xử thế này hay thế kia. Hoặc nghe bà con phản đối dữ quá nên Hội đồng xét xử (HĐXX) bèn cho thêm vài anh vào tù ít ngày cho "thiên hạ vui lòng"? Nếu một phiên tòa chịu áp lực thì còn gì là công tâm, công lý đi chơi chỗ khác, dành chỗ cho những thứ áp lực đó lên ngôi.

Bàng hoàng, phẫn nộ, thất vọng


Đó là cảm nhận của ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó TGĐ Đài Truyền Hình VN về bài trả lời phỏng vấn của Chánh án Tòa án TP Tuy Hòa, khi trả lời báo chí về phiên tòa xử 5 công an dùng nhục hình đánh chết một công dân đăng trên báo Tuổi Trẻ. Ông Tuấn viết: "Không kinh ngạc sao được khi người có trách nhiệm phải phân xử độc lập, chỉ tuân thủ theo pháp luật, lại nói rằng đây là việc "nhạy cảm", "phải biết chọn giải pháp nào để an toàn" (!).

Thật mỉa mai khi ông chánh án lại chọn "giải pháp an toàn" cho mình hay cho cả HĐXX bất chấp pháp luật. Nói trắng ra là ông sợ, cái bệnh "sợ đủ thứ" không ngờ lại ăn sâu cả vào tòa án. Sợ bị trù dập, bị cho về vườn, bị "sờ gáy"…

Giữ mối quan hệ cho tốt đẹp

Không những thế ông chánh án lại thú nhận: "Có những việc biết lẽ ra là như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để đảm bảo mối quan hệ cho tốt" (!).

Nói rõ hơn là đáng lẽ phải xử tội phạm tù 10 năm theo đúng pháp luật thì ông xử nhẹ 5 năm tù nếu là mối quan hệ "vừa phải", xử tù 1 năm nếu là mối quan hệ của ông với một người nào đó "năng ký" hơn và xử án treo hoặc "không cần truy cứ trách nhiệm" có nghĩa là tha bổng, nếu mối quan hệ xã hội rất quan trọng như sếp lớn yêu cầu thế này, địa phương yêu cầu thế kia… Có hàng trăm mối quan hệ xã hội như thế. Nếu chỉ để giữ mối quan hệ cho tốt thì nên đi bán hàng cơm hơn là làm chánh án. Bởi hai chuyện đó là là hai thứ quan hệ khác nhau hoàn toàn.

Với những vết thương khủng khiếp trên người nạn nhânNgô Thanh Kiều,
ông Lương Quang, Chánh án tòa án TP Tuy Hòa cho là tai nạn nghề nghiệp

Ông chánh án còn cho rằng sự đánh đập dã man của mấy anh điều tra viên "chỉ là tai nạn nghề nghiệp". Ông cố tình bẻ cong chữ nghĩa. Thí dụ người tài xế lái xe hơi, đang đi bất ngờ xe bị mất thắng, lao xuống hố, đó là tai nạn nghề nghiệp. Cón cố tình đánh người đến chết có thể gọi là tai nạn nghề nghiệp được không? Đúng là "miệng nhà quan có gang có thép"!

Xử cho xong việc, ôm rơm làm chi cho nặng bụng
 

Người dân còn thấy chua chát và mỉa mai hơn khi vị chánh án của phiên tòa - người phải tìm ra cho được phán quyết đúng nhất với sự thật, người phải chỉ mặt tội ác và đem lại công lý - lại công khai nói rằng chẳng muốn "ôm rơm nặng bụng", "làm cho hết trách nhiệm thôi"? Ông nói: "Có cái cũng đành vậy chứ" và "xét xử còn có phúc thẩm".

Rõ ràng ông đã tự thú nhận phiên tòa vừa qua ông chỉ làm lấy lệ, làm cho xong việc, chứ không muốn hết lòng hết sức tìm ra công lý. Ông không muốn "ôm rơm cho nặng bụng", cứ xử như thế cho xong rồi để phúc thẩm làm gì thì làm. Chắc ông đá bóng rất giỏi nên đá bóng kiểu tiki taka như Messi, chuyền bóng thật nhanh cho anh khác. Xứ nhanh, xử "đẹp", xử biết điều như vào quán nhậu cho tiền boa các em tiếp viên.

Sau phiên tòa, trả lời báo chí của ông Chánh án TP Tuy Hòa càng "đổ thêm dầu vào lửa", làm cho người ta ngao ngán về trình độ, phẫn nộ về thái độ hờ hững, vô tư lự, thiếu trách nhiệm với quyền của người dân...

Sau vụ xử án này, đã có rất nhiều dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ những luật sư đến các viên chức, từ người trí thức đến người bình dân đều đồng loạt lên tiếng phản bác lời phát biểu của ông chánh án Tuy Hòa. Tôi trích dẫn ý kiến của một người dân.

Vở hài kịch lộ liễu

Bạn đọc Hà Giang viết trên báo Người Lao Động ngày 6-4-2014:

"Mấy ngày gần đây, tôi theo dõi rất kỹ diễn biến vụ xử 5 công an dùng nhục hình ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

"Từ xót xa, phẫn nộ trước cái chết đau đớn, oan ức của bị hại; tức giận điên người trước bản án của TAND TP Tuy Hòa đến ngỡ ngàng 'không hiểu gì hết' trước kiểu trả lời phỏng vấn có một không hai của ông Lương Quang, Chánh án TAND TP Tuy Hòa.

"Ai cũng thấy vụ án này được các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa dàn ra như một vở hài kịch.

"Nó phi lý, nực cười tới mức sau khi tòa tuyên án, từ gia đình bị hại đến bị cáo; từ luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bên đến người dự khán đều cật lực phản đối, chỉ trích tòa nặng lời vì đã đạp lên dư luận, xét xử thiếu công bằng; bỏ lọt người, lọt tội.

"Và vở hài kịch ấy chỉ thật sự phô bày khi ông Quang nói rằng đây là một vụ án phức tạp, tòa phải "chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn" và "làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt."

Biết nói gì hơn là hoan hô ông chánh án! Sự thật thà của ông đã giúp dư luận nhận ra bộ mặt thật của cán cân công lý ở Tuy Hòa. Bộ mặt đó làm chúng tôi, những người dân thường cảm thấy chua xót đến cùng cực. Bộ mặt đó như một gáo nước lạnh tạt vào xã hội.

Không biết những người làm trong ngành tư pháp Việt Nam có xấu hổ không khi có đồng nghiệp như ông Quang nói riêng và các cơ quan tố tụng ở TP Tuy Hòa nói chung. Chứ riêng bản thân tôi, với tư cách một công dân, tôi thấy xấu hổ không biết chui vào đâu khi mình làm chủ đất nước này mà lại thiếu sáng suốt đến mức trả lương cho một người đầy tớ đang làm việc không vì công lý mà vì cái ghế của mình.

Tòa sơ thẩm kết thúc, các bên đều kháng án và mong chờ một sự công bằng hơn ở phiên phúc thẩm. Nhưng không phải vì thế mà bỏ qua cho những cú đạp lạnh lùng như vậy. Bởi nó không chỉ đạp vào dư luận mà còn đạp vào nền tư pháp nước nhà…"

Chụp quần lên đầu ông chánh án

Hẳn bạn đọc còn nhớ câu chuyện cứ như tiếu lâm xảy ra tại TP Quy Nhơn khi bà Nguyễn Thị Xuân Đào chụp chiếc quần đen lên đầu ông chánh án. Vụ này tôi đã tường thuật vào ngày 06-12-2013. Bạn đọc nhiều việc, sợ quên, nên xin kể lại sơ lược:

Vì không bán được nhà đất nên bà Đào đến tòa án TP Quy Nhơn để gặp thẩm phán. Tại đây, do thẩm phán thụ lý vụ việc đi vắng nên bà Đào được ông Trương Quốc Dũng, Chánh án, mời vào phòng làm việc và giải thích về việc kê biên.

Bà Đào cho rằng ông Dũng chỉ thị cho cấp dưới làm thiệt hại cho mình, như thế là có dấu hiệu tiêu cực (ăn hối lộ của người khác) nên bà Đào tức tối, lấy một chiếc quần đen bằng vải thun, loại dành cho phụ nữ, bất ngờ trùm xuống đầu ông chánh án.

Mọi việc càng trở nên phức tạp và khôi hài hơn nữa khi bà Đào lôi ông chánh án Dũng ra ngoài hành lang và la to cho… cả làng cả nước cùng biết.

Nhắc lại chuyện này để thấy nỗi phẫn uất của người dân đôi khi rất sắc bén, còn hơn cả vũ khí. Mảnh vải đen không làm chết người nhưng hủy hoại uy tín của cả hệ thống pháp luật. Dù đúng hay sai hình ảnh đó còn in đọng trong lòng người dân.

Bà Nguyễn Thị Xuân Đào chụp quần lên đầu ông chánh án Quy Nhơn

Chắc chắn bà Đào đã chuẩn bị sẵn từ trước nên mới có cái quần đen để sẵn trong bóp khi đến gặp chánh án và bà cũng thừa biết như vậy là phạm tội, nhưng bà vẫn làm. Chẳng qua đây chỉ là một vụ "tức nước vỡ bờ", nó cũng nằm trong cái "hội chứng tự xử". Người dân chỉ còn phản ứng đó để "giải phóng" cho những nỗi giận hờn. Vậy vụ án Tuy Hòa này sẽ đưa dẫn tới đâu, còn phải chờ phiên tòa phúc thẩm chưa biết sẽ được mở vào ngày nào và quả bóng "chịu nhiều áp lực" được đá lên trên có đi vào khung thành như ý muốn hay lại bay tuốt lên không trung kiểu bắn vịt trời? Lúc đó chưa thể biết phản ứng của gia đình người bị hại sẽ ra sao và phản ứng của dư luận sẽ như thế nào.

Hãy thử nhìn qua luật lệ của nhiều nước trên thế giới về vấn đề này.

50 năm tù cho một vụ cảnh sát đánh người và sai lệch hồ sơ.

Ở các nước tiên tiến, chuyện cảnh sát sử dụng bạo lực ngược đãi nghi phạm được xử lý ra sao và biện pháp nào để hạn chế vi phạm này?

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc cảnh sát dùng bạo lực để khiến nghi phạm khai, nhận tội là hành vi bị cấm. Ngay cả khi truy đuổi các nghi can, nếu trong trường hợp không cần thiết mà làm nghi can bị thương tích, thậm chí dùng lời lẽ thô tục để xúc phạm nghi can thì cảnh sát cũng bị xử lý thật nặng. Một vụ án gần đây tại Mỹ đã chứng tỏ thế nào của luật pháp và quyền lợi của một công dân.

Khi nghi phạm đã được đưa tới cơ quan công an thì hiếm có trường hợp nào cảnh sát dám sử dụng dùi cui và nắm đấm. Bởi lẽ chỉ cần bị phát hiện, bất kể người bị tra tấn thương tích nặng nhẹ ra sao thì án tù cho cảnh sát điều tra là không thể tránh khỏi.

Cuối tháng 2-2014 vừa qua, báo chí Mỹ đưa tin một cựu sĩ quan cảnh sát tiểu bang Massachusetts ở Mỹ đã bị kết án tại tòa án liên bang vì sử dụng nhục hình đối với một nghi phạm đã bị bắt giữ tại sở cảnh sát. Viên cảnh sát này sau đó còn làm sai lệch báo cáo chính thức để che đậy hành vi phạm tội của mình.

Các công tố viên tại tòa án liên bang cho biết vị cảnh sát 47 tuổi Shawn Coughlin đã đánh vào đầu, dùng đầu gối thúc vào thân thể của một nghi phạm khi người này đang bị còng tay tại một phòng giam ở đồn cảnh sát thuộc Plymouth vào năm 2011. Thêm nữa, Shawn Coughlin còn cố tình làm sai lệch báo cáo chính thức về vụ việc để trốn tội lạm dụng nhục hình của mình.

Trước những bằng chứng thu thập được cùng lời khai của người bị hại, tòa án liên bang đã xác định Coughlin vi phạm hai tội danh là làm giả hồ sơ và sử dụng nhục hình gây thương tích. Kết quả, viên cảnh sát này vừa bị mất việc làm, vừa phải ngồi thêm 30 năm tù. Trong 30 năm tù đó có 10 năm cho tội đánh người vì vi phạm quyền dân sự, 20 năm cho mức án làm sai lệch hồ sơ. Nếu việc hành hung của Shawn Coughlin gây thương tích nặng thì con số 10 năm có thể sẽ nhân lên nhiều lần, có thể là 30, 40 hoặc thậm chí 50 năm tù.

Đi tìm nguyên nhân

Luật sư Nguyễn Tiến Tài đi tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng coi thường tính mạng người dân, đã viết trên báo Pháp luật ngày 30-3-2014:

Không còn nghi ngờ gì nữa, tình trạng bức tra, nhục hình đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối, xót xa của xã hội.

Xót xa ở chỗ kẻ nhân danh bảo vệ pháp luật lại chà đạp lên pháp luật, đạo lý, chà đạp lên phẩm giá của người khác. Gọi những kẻ ấy là côn đồ được hợp pháp hóa chắc cũng chẳng quá đáng.

Hệ thống pháp luật để kiểm soát việc sử dụng quyền lực còn lỏng lẻo, đúng. Nhưng theo tôi, sâu xa hơn có lẽ là nằm ở chất lượng đội ngũ cảnh sát, công an viên. Chất lượng được hình thành trước hết từ việc giáo dục đào tạo.

Có hai lý do chủ yếu giải thích cho việc dùng nhục hình. Một là do nghiệp vụ quá yếu (vì quá yếu nên người ta mới sử dụng phương pháp bạo lực để điều tra). Hai là do thiếu đạo đức nghề nghiệp.

Đạo đức của "nghề" cảnh sát, theo tôi, hơn ai hết là phải thượng tôn pháp luật, là biết tôn trọng phẩm giá của người khác (vì nhiệm vụ cơ bản của họ là bảo vệ pháp luật, bảo vệ phẩm giá con người). Các trường nghiệp vụ công an liệu có đảm bảo được hai yêu cầu cơ bản này trong việc đào tạo? Thiết nghĩ đã đến lúc cần xem lại.

Tuyển dụng dựa trên tiêu chí con ông cháu cha

Luật sư Tài viết tiếp: Một thực tế dễ thấy là yêu cầu đầu vào, đặc biệt là yêu cầu về năng lực hiện nay của ngành công an còn khá dễ dãi, đặc biệt là đối với lực lượng công an xã.

Chẳng hạn theo quy định, đối với công an viên chỉ cần tốt nghiệp THCS, còn trưởng-phó công an xã chỉ cần tốt nghiệp THPT.

Nhiều doanh nghiệp tuyển nhân viên lễ tân thôi còn đòi bằng đại học. Trong khi công an xã, theo Luật Công an nhân dân, được xem là lực lượng "nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở" mà trình độ cỡ đó thì làm sao đảm đương cho thật tốt nhiệm vụ.

Chưa cần nói chi đến nghiệp vụ, chỉ nội về tác phong, ứng xử của một số công an viên đã khiến nhiều nơi người dân phải sợ hãi, than trời.

Tình trạng nhục hình dẫn đến gây thương tích hoặc chết người tại các cơ quan công an xã rộ lên trong thời gian gần đây phải chăng có nguyên nhân từ chất lượng đầu vào quá thấp?

Nói đến đầu vào, có lẽ cũng không thể không bàn đến một chính sách gây xầm xì lâu nay, đó là quy định về tuyển dụng dựa trên tiêu chí "con ông cháu cha" của ngành công an. Theo đó, cho phép ưu tiên tuyển dụng vào ngành công an đối với con của cán bộ công an có thời gian làm việc trong ngành liên tục từ 15 năm trở lên (Thông tư 30/2009/TT-BCA của Bộ Công an).

Nói cách khác, con của cán bộ công an thì được ưu ái tuyển chọn trước, còn người ngoài ngành thì… chờ đấy!

Không rõ mục đích của chính sách này có phải nhằm trả ơn cho cán bộ của ngành hay nhằm tạo ra các thế hệ phục vụ trung thành hay không.

Nhưng rõ ràng quy định mang đậm đặc quyền nói trên đã làm giảm đi tính cạnh tranh và cơ hội để ngành công an chọn lựa những người ưu tú nhất, trong khi có những người không có năng lực, phẩm chất lại được tạo điều kiện tuyển dụng một cách dễ dàng.

Câu chuyện xảy ra cách đây không lâu khiến ai cũng giật mình là vụ tám chiến sĩ công an thuộc Công an tỉnh Long An (đang được đào tạo để làm việc) bị loại khỏi ngành do phát hiện sử dụng ma túy. Trong số đó có tới bốn người là con của cán bộ công tác trong ngành công an ở Long An. Thật khó mà tưởng tượng được sẽ còn điều gì tồi tệ hơn xảy ra nếu vụ việc không bị phát hiện và họ vẫn khoác lên mình sắc phục nhân danh là những người bảo vệ pháp luật.

Trên đây là những lời bình luận gay gắt, nhưng rất thẳng thắn, mong rằng sẽ thấu đến tai những người "nắm luật pháp trong tay" và những cơ quan có thể làm thay đổi những mảng đen trong nền tư pháp hiện nay. Người dân cần một đời sống thảnh thơi, an bình chứ không phải lúc nào cũng "sợ đủ thứ" thì chẳng bao giờ gọi là tự do hạnh phúc cả./.

Văn Quang

No comments:

Post a Comment