31 January 2011

Chuyện Xứ Phù Tang tháng 1/2011

Chuyện Xứ Phù Tang tháng 1/2011

Trần Thái Huy

tamthucviet.com
January 30, 2011

Shinnen Akemashite Omedetou Gozaimasu (Chúc Mừng Năm Mới)

Lời chúc tết năm nay tuy được gửi đến quí vị quá muộn màng so với tết Tây và hơi sớm với tết Ta (ngày 3 tháng 2 năm 2011) nhưng cứ phải chúc cho... phải phép, hơn nữa nếu không chúc thì câu này sẽ không dùng được... nữa phải đợi đến năm sau.

"Shinnen Akemashite Omedetou gozaimasu" là câu chúc Tết rất phổ thông của người Nhật, được sử dụng trong mọi tình huống cũng như cho tất cả các đối tượng, nếu cảm thấy quá ngắn, quí vị chỉ cần thêm vài chữ "Kotoshi mo yoroshiku onegaishimasu" là vừa đủ xài. Cái câu ngắn ngắn này có thể hiểu theo nhiều nghĩa, chẳng hạn như "Năm nay, tôi cũng mong được ông, bà, anh, chị tiếp tục dành mọi ưu ái như mọi năm trước", hay "Năm nay, tôi cũng ước mơ những ân tình...nồng thắm sẽ không có gì thay đổi" vân vân và vân vân, dù trong suốt nhiều năm qua... "hai ta" chẳng gặp nhau lần nào cả. Lời chúc "tự động phát sinh từ cửa miệng" này khác hẳn với lời chúc mà có người gọi là phong phú, có người gọi là lỉnh kỉnh của Việt Nam ta, vì câu chúc của cứ phải thay đổi xoành xoạch tùy theo ngôi thứ hai. "Chúc ông bà làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái", "Chúc anh (em, chị, cô) sớm tìm được người trong mộng", "Chúc cháu công thành danh toại cho bố mẹ.... nhờ" v.v....

Nhập gia tùy tục, người viết thường dùng luôn câu chúc tiếng Việt tương đương "Chúc Mừng Năm Mới" mỗi khi gặp.... người Việt, vừa tiện, vừa ngắn khỏi phải suy nghĩ xem "đối tượng" thuộc thành phần nào để chọn câu chúc. Nếu lỡ có bị ai chỉ trích là "mất gốc", không biết "giữ gìn... văn hóa" thì cũng xin được cúi đầu tạ tội vì không biết phải giải thích sao cho phải.


Một lần nữa xin chân thành gửi đến quí vị lời chúc đầu năm

Shinnen Akemashite Omedetou Gozaimasu – Kotoshi mo yoroshiku onegaishimasu.
新年あけましておめでとございます。ことしもよろしくお願いします

Như thường lệ, xin kể hầu quí vị một vài chuyện linh tinh tai nghe mắt thấy của cái xứ Phù Tang Tam Đảo trong cái tháng băng giá này. Mở đầu là chuyện


"Phong trào Mặt nạ Cọp"

Tiếng Nhật gọi là "タイガーマスク運動" (Tiger Mask Undo), chỉ nghe tên chắc ai cũng tưởng mốt mới bây giờ của người Nhật là thích.... đeo mặt nạ cọp, nhưng không phải thế. Xin vào chuyện:

Sáng sớm 25 tháng 12 năm ngoái, tại một trung tâm chăm sóc cô nhi của tỉnh Gunma, nhân viên trung tâm đã "phát hiện" một thùng giấy khá to để trước cổng, trong có đựng 10 ransel (tiếng Hòa Lan - ランドセ) có nghĩa là cặp sách đi học dành cho các em nhập học bậc tiểu học cùng một bức thư có tên người gửi là Date Naoto (伊達直人) chỉ vỏn vẹn vài hàng: "Quà giáng sinh này mong sẽ giúp ích cho các em nhân mùa nhập học", truyền thông Nhật Bản đã loan tin một cách rất bình thường như những tin khác. Nhưng chỉ vài ngày sau thì hành tung "hiệp sĩ mặt cọp Date Naoto" đã xuất hiện cùng khắp, đặc biệt là những nơi có các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi. Các cơ sở này đã nhận được những "món quà bất ngờ" của ai đó mang đến và hầu hết dùng tên Date Naoto hoặc có liên quan đến tên Date Naoto, có người thì lấy tên là "Date Naoto tỉnh Nagasaki", "Date Naoto tỉnh Okinawa" hay "người cảm kích hành động nhân ái của Date Naoto" v.v...

Những "món quà bất ngờ" này không chỉ là cặp sách, bút mực, dụng cụ học sinh còn mới toanh chưa cắt chỉ mà còn có cả tiền mặt hay phiếu mua hàng nữa. Tại một số hộp thơ đặt trước các cửa hàng bách hóa lớn, người ta cũng "phát hiện" được một vài phong bì đựng cả mấy trăm ngàn yen (tương đương với mấy ngàn đô la Mỹ), hoặc có người đến thẳng tòa hành chánh để trao phong bì dầy cộm có đến 1.000.000 yen, khi được hỏi "quí danh" thì ân nhân cười giả lả rồi từ từ xin kiếu. Thế Date Naoto là ai mà nhiều người mượn tên thế?

Date Naoto là vai chính trong tập phim hoạt họa nổi tiếng "Tiger Mask" được chiếu trên màn ảnh Ti Vi vào 40 năm trước. Chuyện kể rằng: mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, Date được nuôi dưỡng tại cô nhi viện "Chibikko House", sau đó được một lò vật (wrestler) "ác đức" "Tora no Ana" (Hang cọp) huấn luyện và trở thành võ sĩ đeo mặt nạ cọp chuyên đánh ngã đối thủ bằng những miếng đòn gian xảo. Phân nửa số thu nhập của Date do chiến thắng đã được chàng âm thầm bí mật gửi giúp "Chibikko House", còn một nửa thì nộp cho "Hang cọp". Rồi đến một ngày, biết được "Chibikko house" gặp khó khăn về tài chánh, chàng dùng luôn số tiền lẽ ra phải đóng cho "Hang Cọp" tặng hết cho "Chibikko house", thế là "Hang Cọp" mất phần và coi Date là kẻ phản bội, cử "thích khách" ám hại hoặc dùng mọi mánh khóe để đánh ngã Date..... Nhưng cũng nhờ thế mà cách đấu vật và cuộc sống của chàng không còn là "tà đạo" mà trở thành "chính đạo".

Tính cho đến nay, toàn quốc Nhật gồm 47 đô huyện phủ đã có khoảng 300 trường hợp tương tự mà hầu hết "hiệp sĩ bịt mặt", trừ phi "bị bắt gặp" khi sáng sớm "len lén" mang quà đến tặng.

Có lẽ quá bất ngờ, nên vào những lúc ban đầu người nhận cũng rất ư là bối rối. Có lần sở cảnh sát của một thành phố nhận được điện thoại thông báo từ một hiệp sĩ lấy tên "người mến mộ Date Naoto": "Tôi vừa để trước bãi đậu xe của sở một thùng quà, nhờ quí vị đưa hộ cho một trung tâm thiếu nhi nào đó, vì tôi không biết địa chỉ". Các chú "bạn dân" lính quýnh chẳng biết tính sao bèn công bố với báo chí: "Cảnh sát coi thùng quà này là đồ nhặt được, trong vòng 3 tháng nếu không có người nhận thì sẽ xung vào quỹ công". Thế là hôm sau cũng hiệp sĩ mang tên "người mến mộ Date Naoto" điện thoại đến dũa: "Đợi 3 tháng nữa thì quá thời gian nhập học rồi thì còn ý nghĩa gì nữa, mấy cha". Bạn dân lại lật đật xin lỗi: Vâng, chúng tôi xin làm theo ý. Nói như thế chứ cũng bối rối lắm vì không biết sẽ giao thùng quà đó cho ai, từ trên xuống dưới lại phải họp lên họp xuống để tìm ra cách giải quyết chung khi gặp trường hợp tương tự. Ngoài ra, tại một vài trung tâm khác thì số quà lại ít hơn số người, chẳng hạn có 6 em nhập học nhưng chỉ có 3 cái cặp, làm sao bây giờ? lại phải chung đầu tính kế sao cho trên thuận dưới hòa.

Bộ trưởng giáo dục Nhật Bản đã nhập cuộc, một mặt bày tỏ lòng cám ơn đến những ân nhân bịt mặt còn một mặt thì khẩn khoản: "Nếu được xin các ân nhân lộ diện để cùng chúng tôi bàn thảo hầu nắm vững nhu cầu cần thiết cho các em, được thế thì mọi việc sẽ vẹn toàn" rồi chỉ thị cho các cơ quan đặc trách phải ra những hướng dẫn cũng như chi tiết về các trung tâm để các hiệp sĩ bịt mặt hiểu rõ mà "liệu cơm gắp mắm".

Trên toàn nước Nhật hiện có 580 cơ sở chăm sóc hơn 30.000 trẻ em mồ côi, trẻ em không thể sống chung với bố mẹ vì bị ngược đãi, hoặc những lý do khác với lứa tuổi từ 1 đến 18. Chi phí về việc nuôi dưỡng được chính phủ trợ cấp toàn phần, nhưng chỉ vừa đủ ăn, đủ mặc, ít có trường hợp các em được học lên cao.

Bình luận về "phong trào mặt nạ cọp" đang nở rộ, có dư luận cho rằng ban đầu chỉ có cá nhân của ai đó muốn giúp trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi ở Gunma đang gặp khó khăn về tài chánh, nhưng không ngờ qua "sức mạnh của truyền thông", hình bóng của hiệp sĩ Date Naoko đã trở lại xuất hiện khắp nơi ra tay làm việc nghĩa. Cũng có thầy bàn phân tích, người Nhật hay có tính mắc cở và rất e ngại phải xuất đầu lộ diện khi thực hiện một nghĩa cử nào đó mà họ nghĩ là không đáng bao nhiêu.

Theo cách nói của đài truyền hình NHK thì phong trào này đã là những tia nắng ấm thổi tan những đám mây mù lạnh lẽo. Mọi người ai cũng cầu mong những tia nắng ấm này sẽ hiện diện mãi mãi trên bầu trời Nhật Bản.


Nhà đối lập tại gia



Tháng 7 năm ngoái, Chuyện Xứ Phù Tang có nhắc đến quyển sách có tên: 「あなたが総理になって、いったい日本の何が変わるの」(Anata ga Shori ni natte, ittai Nihon no nani ga kawaru no? Ông trở thành thủ tướng thì Nhật Bản có gì thay đổi?) của đệ nhất phu nhân Kan Nobuko, có nội dung "chê" nhiều hơn "khen" đương kim thủ tướng Kan Naoto, từ đó bà được coi là một nhà đối lập "tại gia" nghiêm khắc, theo lời bà kể thì cứ mỗi lần ông bà "sáp nhau" bàn chuyện quốc sự, đến lúc gay cấn là ông... bỏ đi nơi khác. Hỏi thì bà cho biết: thắc mắc của tôi cũng là của người dân và tôi muốn "ổng" phải trả lời cho ra lẽ. Lần này, xin tiếp tục kể hầu quí vị thêm vài câu chuyện về nhà "đối lập tại gia nghiêm khắc" hơn "những đối lập gia nghiêm khắc" khác.

Ngày 12 tháng 1, tại đại hội định kỳ toàn đảng Dân Chủ ở thành phố Chiba, trong lúc thủ tướng Kan Naoto đang bị những người cùng đảng "hạch sách" về những thất bại kinh tế, đối ngoại, đối nội...., thì tại câu lạc bộ phóng viên báo chí ngoại quốc ở Tokyo, nhà đối lập tại gia Nobuko cũng đang... tố khổ ông chồng khi bà gặp gỡ nhóm ký giả trong cũng như ngoài nước.

Trả lời câu hỏi: "Nếu được .... đầu thai kiếp khác bà có ý định chọn ... ông Kan Naoto làm người nâng khăn sửa túi không?" bà thẳng thừng: "Không, nhất định là không. Vì tôi đã sống cuộc đời này một lần nên không thích sống lại cuộc đời tương tự một lần nữa." Tuy nhiên, bà Nobuko nói ngay để cho đám ký giả không thêu dệt: "lý do này rất bình thường, chẳng phải tôi ghét ổng, mà là vì tôi chỉ muốn sống một cuộc sống... khác nếu được đầu thai kiếp.... khác".

Bà Nobuko cho hay: "Tôi vừa khích lệ, vừa chỉ trích nhưng chỉ trích có phần nhiều hơn, đôi khi hơi... thách thức, tôi hay hỏi thẳng và đặt ra những câu hỏi đầy gai góc để ổng trả lời". Nhưng bà cũng tâm sự: Có lẽ tôi nên "dễ dãi" hơn với ông ấy một chút, vì thỉnh thoảng ông ấy hay...... bỏ đi hoặc lảng sang chuyện khác, có lần căng thẳng quá ông nói: thà phải ra Quốc hội để trả lời chất vấn còn hơn là trả lời cho bà ở nhà.

Bà Nobuko cho biết bà không muốn chồng bà giống như những nhà lãnh đạo Nhật gần đây thường tính chuyện từ chức chỉ vì tỉ lệ ủng hộ thấp hay bị người chỉ trích. Bà chủ trương phải ở lại đối diện với vấn đề rồi giải quyết. Bà tuyên bố: "Tôi nghĩ là nếu có phải ...chết vì chính trị sau khi đã làm mọi thứ vẫn tốt hơn là bỏ cuộc chỉ vì tỉ lệ ủng hộ thấp hay chỉ bởi những chỉ trích từ phía những người khác". Bà kết luận: "Có lẽ đó là cách tốt nhất để tôi giúp ông ấy".

Tháng 9 năm ngoái, trong cuộc tranh cử "một mất một còn" với ông Ozawa Ichiro, vì đang là thủ tướng nên ông Kan không thể bỏ hết thì giờ cho cuộc tranh cử, bà đã phải thay ông đi đây đi đó gặp từng dân biểu, nghị sĩ kêu gọi mọi người ủng hộ, giữ vai trò không nhỏ giúp ông đắc cử.

Phân tích về thái độ của bà đối với ông Kan, nhiều bình luận gia cho rằng, bà rất khôn khéo trong việc giúp ông Kan giải quyết chuyện đại sự, nhìn thì cứ tưởng là "dũa" nhưng thực ra đó là những "góp ý" mang đến cho ông những kết quả tốt nhất.


Chuyện chính trường

Chưa thấy......

Thế là ông Kan Naoto đã nắm quyền được gần 7 tháng. Như đã được trình bày dài dài trong Câu Chuyện Phù Tang các tháng trước, mức độ ủng hộ của người dân cứ ngày càng đi xuống, nay chỉ còn một nửa so với 65% lúc ban đầu. Lý do thì rất nhiều kể ra không hết, vì kinh tế Nhật Bản èo uột, vì nội các thiếu khả năng lãnh đạo, vì lượng giá tình hình trật lất, vì cùng xuất thân một lò học chung một sách nhưng ông thì nói gà bà thì nói vịt v.v…. Cuối năm ngoái cựu thủ tướng Koizumi đã đánh giá: "Bây giờ các ông các bà trong đảng Dân Chủ mới thấm....". "Chuyển ngữ" câu nói của ông Koizumi sang tiếng Việt thì chắc là không có câu nào thích hợp hơn câu này cả: "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ"

Khó khăn từ "trong nhà"

Ngay từ lúc là thủ tướng "tạm thời" (khi ông Hatoyama từ chức), "chính thức" (khi thắng ông Ozawa Ichiro, ông Kan đã phải đối phó với một quốc hội "chia rẽ" rất khó vận hành (hạ viện thì đảng cầm quyền chiếm đa số, nhưng thượng viện thì thiểu số), với khoản nợ công trái khổng lồ, với nền kinh tế cứ mỗi ngày đi xuống. Ngoài ra ông còn bị vấn đề "chính trị và tiền bạc của ông Ozawa" quấy rầy không ít. Dạo gần đây, vấn đề này lại "nổi cộm" khi ông Ozawa và phe nhóm trước sau như một: không ra Ủy Ban Luân Lý Quốc Hội trình bày với mọi người về những gì bị nghi ngờ là không minh bạch về tài chánh theo đòi hỏi của ban chấp hành đảng với lý do: trước sau cũng sẽ rõ ràng, hãy để tòa án làm việc. Đó là chưa kể những chống đối không ngừng nghỉ của đảng đối lập và ngay cả những đảng viên cùng đảng.


....ra đến "ngoài ngõ"

Sau nhiều năm nằm yên nhận "quà viện trợ", đến lúc cảm thấy "dư lông đủ cánh", hai anh khổng lồ Nga Sô, Trung Quốc kéo theo Bắc Hàn đã bắt đầu quậy, làm khó dễ Nhật Bản đủ điều, nay đòi này mai hăm dọa nọ. Chưa nghĩ tới kịp hay nghĩ không tới sẽ có ngày này nên chính phủ của ông Kan lao đao không ít, cuối cùng chỉ còn biết dựa vào đồng minh duy nhất là Hoa Kỳ, anh bạn có khả năng tạo ra "lực trấn áp", có thể "hóa giải" mọi cuộc tấn công từ ngoài vào Nhật nếu có, nhưng muốn thế thì cũng phải biết điều với anh bạn Hoa Kỳ một chút: gác lại chuyện di dời căn cứ Mỹ ra khỏi Nhật Bản theo đòi hỏi của người dân Okinawa. Nhưng sau bao lần cử sứ giả đi thuyết phục, người dân Okinawa vẫn cương quyết: "không". Đến đây thì ông Kan và nội các cũng chẳng biết phải làm sao cả ngoài cách tiếp tục năn nỉ ỉ ôi cả 2 phía: Hoa Kỳ và người dân Okinawa. Thật là họa vô đơn chí. Năm 2010 đã đi qua với đầy rẫy những khó khăn không có gì là sáng sủa.

Để tồn tại, bước sang năm mới, ông và "nhóm" của ông đã "hạ quyết tâm" tìm đường thoát hiểm. Với chủ trương giải quyết dứt điểm từng vấn đề một còn các vấn đề khác ... tính sau, ông đặt ưu tiên cho việc tăng thuế và phúc lợi xã hội. Việc đầu tiên là


Cải tổ nội các: lấy.... thù làm bạn!


Hôm 15/1 ông Kan vừa trình diện người dân thành phần nội các mới. Đây là nội các thứ ba của ông Kan trong vòng 7 tháng cầm quyền, có 3 bộ trưởng "bị" thay thế là bộ trưởng Phủ Thủ Tướng Sengoku, bộ trưởng giao thông Mabuchi, bộ trưởng bộ nội vụ Okazaki để làm... vừa lòng đảng đối lập. Nhưng trong lần cải tổ này, việc ông Kan bổ nhiệm một "cựu thù không đội trời chung" là ông Yosano Kaoru làm bộ trưởng kinh tế đã gây ngạc nhiên và bất mãn không ít cho cả "bạn" lẫn "thù".

Được biết, Ông Yosano vốn là cựu bộ trưởng Kinh Tế thời ông Asao (đảng Tự Dân), lấy lý do là đảng Tự Dân quá yếu không đủ khả năng đối đầu với đảng Dân Chủ, ông và một vài người đã bỏ đảng Tự-Dân thành lập đảng Tachiagare Nihon, với mục đích đầu tiên rất dứt khoát: phải đánh đổ đảng Dân Chủ bằng mọi giá, vì nếu không thì Nhật Bản sẽ đi vào con đường mạt lộ. Ngoài ra, khi còn là bộ trưởng kinh tế, ông chủ trương: cho đến năm 2015, Nhật Bản phải tăng thuế tiêu thụ là 10%. Nói tóm lại là tất cả những gì mà ông Yosano tính toán đều ngược hẳn với những gì mà đảng cầm quyền đang nhắm tới. Thế thì tại sao ông Kan lại níu áo ông Yosano biến thù thành bạn?

Một số nhà bình luận cho rằng: Sau vài tháng cầm quyền và cũng từng là bộ trưởng tài chánh dưới thời ông Hatoyama, ông Kan đã thấy rõ những giới hạn về ngân sách, nếu không khai thông thì có nước là.... vỡ nợ, dù biết là nêu vấn đề tăng thuế trong thời điểm này là thất sách, nhưng ông Kan cũng phải cắn răng làm tới, và người nắm vững tình hình, có khả năng hoạch định chính sách tăng thuế trong thời điểm hiện tại không có ai bằng cựu thù Yosano cả. Lẽ dĩ nhiên là ông Yosano cũng bị đảng Tự Dân xem là người phản bội. Tưởng cũng nên biết thêm rằng, trong cuộc bầu cử hạ viện vào tháng 8/2009, ông Yosano đã rớt đài "khu tuyển cử" nhưng "đậu vớt" vì được xếp đầu bảng trong "tỷ lệ khu". Hỏi lý do tại sao ông Yosano tham gia nội các mà trước đây ông chủ trương lật đổ, ông này nói: chẳng có gì đi ngược những gì mà tôi nói trước đây cả, tôi tham dự là để thực hiện những gì mà tôi chủ trương. Còn ai muốn chửi thì cứ tự nhiên, tôi xin nhận tất cả.

Việc bổ nhiệm này cho thấy ông Kan Naoto nhất quyết định sẽ tăng thuế tiêu thụ trong thời gian sắp tới, vì tài nguyên đã cạn.


Tuy lên gân, nhưng xuống nước


Trong các lời phát biểu gần đây, tuy có nhiều lúc lên gân: chúng tôi đã đạt được hơn một nửa những gì đã hứa với người dân, nhưng ông cũng thú nhận là "có một vài vấn đề được lượng giá quá lạc quan không thực hiện ngay được", ông và nội các sẽ xem xét lại và nếu cần thì sửa đổi.

Ông xin lỗi giới quan liêu vì những quyết định mà ông nghĩ là quá đà khi đảng chủ trương "chính trị chủ đạo" khiến sự hợp tác, phối hợp giữa hai bên (quan liêu-chính trị gia) không hiệu quả, và chỉ thị cho các bộ rà xét lại sự phối hợp này.

Ông cũng kêu gọi các đảng đối lập hợp tác với đảng cầm quyền đưa đất nước qua cơn sóng gió, "hãy đưa ra những dự án của quí vị để chúng ta cùng bàn thảo và lựa chọn", nhưng cũng thòng thêm một câu khích bác: "Nếu không hợp tác với chúng tôi thì quí vị đã đi ngược giòng lịch sử".

Các đảng đối lập đáp ngay: "Trước hết, hãy hủy bỏ ngay những công ước "lèo" đã hứa, xin lỗi người dân và giải tán quốc hội, tổ chức bầu cử rồi tính gì thì tính."

Báo chí đã chỉ trích và kêu gọi cả 2 phía: các ông các bà phải vào bàn hội nghị, suy xét cho kỹ, thông qua những dự án nào có thể thực hiện được và mạnh dạn cắt bỏ những dự án nào không thực hiện được. Nếu không thì chỉ có người dân là lãnh đủ.

Đúng thế, vì cứ tình trạng này thì quốc hội sẽ chỉ là nơi cãi nhau, ngân sách không được bàn thảo và thông qua thì lấy tiền đâu ra để vận hành cho năm tới.

Đến đây xin chấm dứt bản tường trình vì đã nói hết những gì muốn nói.
Hẹn gặp lại quí vị tháng sau

Trần Thái Huy
Yoroshiku onegaishimasu




Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment