22 January 2011

Con dân – con cá – cò mồi

Vietsoul:21

 Thời gian trôi qua hơn 35 năm tôi mới dám nghĩ lại đến phận đời phó thường dân của mình. Chuyện cũ, chuyện mới, chuyện ngắn, chuyện dài, chuyện bên ni, bên nớ.

(tiếp theo kỳ trước: (1) Anh tám hồ hởi(2) Nôị-thực-dân(3) Sợ(4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông)


Con dân – con cá – cò mồi

 

Con Cá

Năm mới sắp đến bà con cô bác hải ngoại bắt đầu rục rịch chuyện đi về Việt Nam ăn/chơi Tết. Ai nấy cũng rần rần chạy đầu trước, lục ngõ sau, hơ hớt hốt hụi cho chuyến về cố hương.

Việt kiều chính hiệu con nai vàng hay người rơm, người rừng nếu không về cuối năm thì cũng ráng gởi chút đỉnh cho anh em, họ hàng hưởng Tết. Dễ thường số lượng kiều hối chính thức cộng với kiểu gởi chui cũng đạt gần 10 phần trăm tổng sản lượng quốc gia chứ không phải chơi. Y chang đàn cá hồi Đại tây dương (Atlantic salmon) mà ông Tưởng Năng Tiến đã ví von về người Việt hải ngoại.[1]

Người ta nói con cá nó sống vì nước. Vậy mà đám phó thường dân sau 1975 thì hết nước sống. Lớp bị bắt đi cải tạo lao động, lớp bị đánh tư bản mại sản bắt đi kinh tế mới. Lớp bắt đi thủy lợi, phải gia nhập thanh niên "xung phong" (không chịu xung phong thì gia đình bị tổ trưởng dân phố công an phường đến thăm hỏi dài dài). Thế nên mạnh ai nấy chạy tìm đường sống.

Ngay cả hiện giờ—trong thời kinh tế thị trường "định hướng xã hội chủ nghĩa"—cả đạo quân thời cửu vạn, ô sin lay lắt tìm nước sống. Không thiếu gì người phải bỏ nước ra đi làm người rơm, người rừng, theo dạng xuất khẩu lao động, thông hành du lịch mại dâm, v.v… cá cược đời tàn cho số mệnh nổi trôi, kiểu Vinashin ra biển lớn!

À mà ta đâu còn chủ quyền biển lớn nào nữa để mà ra? Anh cả nước lớn đã thè cái lưỡi bò dài thòng đớp hết. Tàu thuyền đánh cá nào xớ rớ anh ủi thẳng cho mà chìm xuồng. Ngay cả cỡ "sói biển" Mai Phụng Lưu cũng chào thua, đành chấp nhận bỏ biển, bỏ nghề sinh nhai.[2]

Đám cá hồi này ra biển lớn, trầy vi tróc vẩy, chịu làm mồi hà bá. Nên có gì đáng ngạc nhiên đâu khi mỗi lần về nguồn là hết xíu quách. Vậy chứ mà xem VTV4 quảng cáo thì khác à nhen.

Việt kiều người nào người nấy cũng bộ kẻng súng sính, phốp pháp, nhởn nhơ, phơi phới. Những hình ảnh bóng mướt này được lồng trong những lời "ân tình" của bài ca con cá ("dù bất cứ ở đâu cũng chung dòng máu lạc hồng luôn luôn hướng về tổ quốc"). Nghe cái bổn cũ soạn đi soạn lại kêu gọi thống thiết Việt kiều về đóng góp xây dựng quê hương hằng năm một này mà não lòng, rụng rún.

 

Cò mồi

Năm Mão gần đến cửa rồi nên phó thường dân tôi nhìn lại năm Dần sau lưng để học kinh nghiệm. Lục lọi các tài liệu, và xem lại vài đoạn video trong lưu trữ thì gặp ngay cái cảnh đoạn Youtube tưng bừng "Tết Việt Kiều"[3] kiêm/kèm phóng sự "Đại hội Việt kiều" ở Hà Nội.

Hổng biết họ đào ra đâu được mấy người Vẹt kiều rất là "ấn tượng" để phỏng vấn. Tiêu biểu những khuôn mặt thì đủ mọi thành phần ca sĩ, văn sĩ, giáo sư, thương gia, cựu chính trị gia. Đủ xị. Những mặt sàng lọc này ca tụng hết cỡ cái tâm tình quê hương nghe thấy rơi ống điếu.

Dùng thủ thuật khêu gợi lòng luyến tiếc quá khứ thì chưa đủ thấm lòng những "người con xa xứ"—"Việt kiều là máu của máu, thịt của thịt, một bộ phận không thể tách rời của dân tộc". Quá phải rồi, bán máu thịt xứ người đem về tiếp máu quê hương. Máu mủ gì. Đẩy người ta ra biển thâu tiền, đuổi người ta lên rừng khai hoang, đày người ta vào trại cải tạo lao tù.

Thêm một nhà văn(g) bên Đức hư cấu "con người không có hộ chiếu là con người vô gia cư", "dù có tỷ đô cũng không thể mua đươc tiếng bánh chưng sôi lịt sịt bay qua lũy tre làng … có tiếng ríu rít của đám trẻ thơ đang chạy ở cái vườn nhà … hoặc là cái tiếng giết lợn eng éc… hoặc là cái tiếng bò kêu, cái tiếng gà gáy, ở Đức không có". Mèn đét ơi, anh này văn(g) vẻ mùi còn hơn sáu câu vọng cổ hoài lang.

Ai đời có gã phát biểu, "Đảng ta đâu chỉ có một người nên không phải độc tài, đảng ta có nhiều người nên rất là dân chủ". Dân chủ kiểu gì? Kiểu "Đảng lãnh đạo (độc quyền, độc đoán, độc tài), nhà nước quản lý (theo chủ trương-đường lối-nghị quyết của Đảng), dân làm chủ (nhưng để Đảng "no" dùm bằng cách đứng tên sổ đỏ)" thì chính thị kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông rồi!

Rồi lại thêm một anh chàng GS mào đầu, "Chính phủ đã làm nhiều cho cởi mở, cũng như thể chế chính trị bắt đầu có cái hướng chấp nhận sự khác biệt". Hổng biết chàng này ở bụi nào ra mà nói nghe quải thiệt. Cởi mở cỡ (hồi) nào đây cha?

Mẹ Nấm, cô Quỳnh, chỉ viết vài hàng tổng kết thành tích công an cuối năm, trích dẫn báo lề phải 100%, mà đã được mời lên phường ("uống trà") nghe lên lớp. Cô Tạ Phong Tần, nhà báo tự do "liên quan" đến Điếu Cày và HS-TS-VN, thì được mời đi "uống trà" đến té đái! Chuyện công dân lên phường này mà không vượt kỷ lục trên toàn thế giới[4] như "chuyện thường ngày ở huyện" thì thôi.

Còn những ai được ưu ái hơn thì xin mời dùng "trà (nhà) đá". Gần đây nhất là bà Hồ Thị Bích Khương, mục sư Nguyễn Trung Tôn, anh ba Sài Gòn đi nhà đá theo chân Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và cùng chung số phận với nhiều người đã phản biện với nhà nước trước đây. Đảng CSVN, chính phủ cởi (khóa) mở (nhà tù) tống giam những người đấu tranh dân chủ, nhân quyền, công đoàn, nông đoàn độc lập, tự do tôn giáo thì có. Cởi mở kiểu anh chàng GS này tiếp thị thì vái (dzái) dài thôi.

Trong đám Vẹt kiều này thì đặc biệt nhất là cặp đào/kép Tuyết Mai/Cao Kỳ thiệt là nhập vai. Ngày xưa phó thường dân coi cải lương trên truyền hình mê nhứt là đào Thanh Nga và kép Thanh Sang. Cũng ưa không kém là kép Văn Chung chuyên đóng vai nịnh thần, gian thần, và dâm quan. Các đào kép đóng vai chánh tà rõ ràng nên cảm xúc thương ghét cũng rạch ròi.

Bây giờ xem cặp tài tử Tuyết Mai/Cao Kỳ thì hổng biết họ đóng cái tuồng chi. Văn Chung giờ đã về hưu. Còn Cao Kỳ về vườn từ lâu nhưng ráng đóng vai nịnh thần để lãnh "huy chương vàng" bỏ túi. Chắc chắn trăm phần trăm đạt danh hiệu nghệ sĩ ưu tú chứ không phải giỡn đâu.

Cặp đào/kép Tuyết Mai/Cao Kỳ kể lể đóng góp xây dựng đất nước cái kiểu kiếm cơm à la "thời thượng" không mất li ti sợi tóc nào. Đêm thì hát phòng trà "đem tiếng ca cho đời", ngày thì hót món phở Mai "quốc hồn quốc tuý" để gầy dựng túi tiền. Hoặc ung dung ngồi sa lông tha thiết gởi lời ủy lạo chiến sĩ ngoài Hoàng Sa/Trường Sa. Thiệt tình hết thuốc chữa.

Mà tưởng kiểu gì! Chứ lối hành trình về với quê hương đem những năm tháng ngày thừa còn sót lại của đời mình để đóng góp như kiểu gánh hát Tuyết Mai/Cao Kỳ thì hết chỗ chê.

Phó thường dân tui thấy đảng và nhà nước nên làm mạnh đi—phải thực thi nghị quyết 36 cho thêm phần hiệu quả hơn. Đảng và nhà nước phải suy tính lập kế hoạch làm sao góp hết đám dân vô sản, phá sản, người rơm, người rừng cho về đóng bộ, nhận vai cò mồi (hay "cai thầu văn hóa nô dịch") để diễn tuồng cho đỡ đời cơ cực.

Phó thường dân tôi chợt nhớ lại lúc thời đi học xa nhà phải đón xe lam. Ở bến xe nào bao giờ cũng có mấy tay bịp bài ba lá. Mấy tay này luôn có đám cò mồi bảnh bao đứng chung quanh đặt tiền và nhà cái chung tiền cho cò mồi tá lả. Thấy tưởng như thiệt! Đám cò cười hể hả quơ tiền vào túi trong khi luôn miệng thúc người khác cá tiền vào. Nhiều người thấy quá dễ, đặt tiền độ, được cho nhử ăn ván đầu, rồi được đám cò hùa thêm vào, tưởng bở nên hăng máu chơi xả láng. Thế là sạch túi.

Còn nữa. Ngoài đám cò mồi thì lại có thêm giới Việt kiều thời thượng: sáng (cà) phê, phở; trưa sushi, bulgogi, martini; chiều pasta, vodka; tối phòng trà, ta cứ tà tà.

Không phải Việt kiều hồi hương, cũng chẳng là cựu lưu vong (expat). Phải gọi cho đúng tên đúng mặt để chẳng hổ ngươi.

Đây là những nhân vật đã nhập vai đô thị toàn cầu (cosmopolitan) nhuần nhuyễn chỉ dừng chân lãng tử (sojourner) nơi này. Họ tự gắn víu vào thời trang đương đại, va vịn trong văn hoá đa chủng, và sành điệu siêu kỹ nghệ. Họ khoác áo "tân thực dụng" (neo-pragmatism), đóng vai trùm tác nhân cung phụng cho hệ thống tư bản tài chánh xuyên quốc gia, và dĩ nhiên không cần ngâm nga hay gồng mình trong hoạt cảnh khi chọn vai đóng làm nhịp cầu tạo lợi nhuận cho giới thống trị (cả tư bản xanh lẫn tư bản đỏ).

Những đào kép ni chỉ nghĩ cho riêng mình (me, me, me, and me), và mong vơ được tất cả (having a cake and eat it too). "Thu tiền đô, chi tiền đồng". Thế nhưng lúc nào cũng sướt mướt đầu môi, rung rung xúc động trước ống kính thu hình để tuyên bố "làm một cái gì cho đất nước".

Thôi đi má! Kỹ nghệ phở (bên) Tây thì cạnh tranh không nổi nên đành về vùng đất (thị trường) sơ nguyên ( "Vietnam is still a virgin land!") để mở Phở Ta hồi 9 giây, 9 phút, 9 giờ ngày 9 tháng 9 năm 2009—mơ "làm thời trang cho sợi bánh phở Việt nam" trở thành "một nét văn hóa thưởng thức thức ăn truyền thống Việt cao cấp". Thời mở cửa ít xe đạp mà lắm xe máy, nhưng ta về ta đi ô tô (Tadioto) ngao du Ba Vì (Đình) cho bảnh bao nghệ sĩ.[5]

Quanh đi quẩn lại thì vẫn mòn gương mặt cũ, vài phát ngôn(g) viên đại diện (ai cho / cho ai) Việt kiều để mại dô hàng độc.

 

Con dân

Qua đại hội XI, Đảng CSVN lại "vũ như cẩn"—qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong "thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" và "hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Người dân nghe xong mà không tán thán "bótay.com" hay bị tâm thần phân liệt (schizophrenic) thì cũng là chuyện lạ. Cứ như là tay phải tát má trái, và chân trái đá mông phải, nói một đằng làm một nẻo, nửa gà nửa vịt nửa đười ươi. Ai hiểu nổi cái "quá độ chủ nghĩa xã hội" là cái quái gì.

Thiên hạ chỉ thấy công an quá quắt, cán bộ quá quắt, và bộ chính trị trung ương đảng quá quắt. Đám "đầy tớ nhân dân" tác ai tác quái quá độ này tùy tiện coi trời bằng vung, coi dân là thằng.

Gần đây nhất Đảng đã đánh tiếng là sẽ chủ trương thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân. A hèm, vậy chứ khẩu hiệu "công nông" giờ bỏ đi đâu đây? Hay là đổi thành "thương công nông"? Chắc dzậy rồi. Chỉ đáng thương cho người nông dân bị mất đất khiếu kiện từ năm này qua năm nọ không ai giải quyết. Thật đáng tội cho người công nhân lao động bị bóc lột, lương chết đói chẳng một công đoàn nào trợ giúp.

Thiệt ra chủ trương "đảng hóa" doanh thương này là một hình thức hợp thức hoá cho băng đảng CSVN tạo chuỗi rễ trong thương nghiệp tự do để nắm trọn hai đầu doanh nghiệp nhà nước (DNNH) và doanh nghiệp tư nhân. Đảng CSVN trở thành chủ xị lãnh tiền bảo kê và nhà cái ăn tiền xâu. Những doanh nghiệp tư nhân vào Đảng sẽ được bảo vệ. Doanh nghiệp tự do sẽ là đám con ghẻ. Hơn chuyện Tấm Cám là chắc.

Kết quả? Dân ta bị đặt đâu ngồi đó như là con dân. Bộ chính trị, trung ương đảng còn hơn bố của dân.

Ngày xửa, ngày xưa (ít gì cũng xưa hơn thời cha sanh, mẹ đẻ của phó thường dân này) ở thời vua chúa, con trời (thiên tử) trị vì thiên hạ thì ông vua coi dân như con. Còn bây giờ ra rả, oang oang trên loa phường là Việt Nam đang phăng phăng sang "thời kỳ quá độ" mà sao quay lại thời phong kiến hồi nào vậy cà?

Tưởng qua rồi tháng ngày "con vua thì lại làm vua, con sải ở chùa phải quét lá đa". Sao bây giờ có chuyện sắp xếp trắng trợn cậu ấm Nông Đức Tuấn (con cựu TBT Nông Đức Mạnh), Nguyễn Thanh Nghị (con TT Nguyễn Tấn Dũng) thành ủy viên "ưu tú tài đức"? Đám thường dân, phó thường dân vậy rồi thì là mà…sẽ khó (khổ) ba (vạn) đời[6]. Làm sao sống với lũ này được!

Người dân đâu phải là con giun, cái kiến để cứ bị dày xéo mãi. Người dân không phải là con dân. Phải trả quyền công dân, quyền làm người cho nhân dân Việt Nam.

Người dân không là con cá, chẳng phải con cò. Họ là những Công Dân.

http://vietsoul21.net/2011/01/21/pho-thung-dan-5/

© 2011 VietSoul:21



NOTES:

[1] Tưởng Năng Tiến – Năm Cọp Nói Chuyện Cá, talawas

[2] Làm gì khi ngư dân bỏ biển?, Bauxite Việt Nam

[3] Tết Việt kiều (1, 2, 3)

[4] Chuyện Hà Sĩ Phu & mấy con đinh vít – Tưởng Năng Tiến, Đàn Chim Việt (danchimviet.info)

[5] "Viet Kieu", overseas Vietnamese, are moving home

[6] Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, Dân Làm Báo (danlambaovn.wordpress.com)



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment