11 February 2011

SUY NGHĨ KHI ĐỌC "NGẪM VỀ KHÁT VỌNG CANH TÂN NƯỚC VIỆT"

SUY NGHĨ KHI ĐỌC "NGẪM VỀ KHÁT VỌNG CANH TÂN NƯỚC VIỆT"

Nguyễn Hữu Quý


Có mối liên quan nào giữa mức độ khát khao canh tân đất nước trong quá trình phát triển với một nước Nhật Bản đã hiện đại từ hơn nữa thế kỷ trước và một Việt Nam vừa mới thoát khỏi danh sách nước nghèo dù việc canh tân nước Việt đã được đặt ra từ hơn một thế kỷ trước?

Nhìn lại hôm nay, ta thấy dân tộc Việt Nam là dân tộc đầy bất hạnh; nếu lần giở lại những trang lịch sử dân tộc cận đại, chúng ta thấy rằng, đã có những thời điểm dân tộc Việt Nam đã ngang hàng hoặc thậm chí đứng trên một số các dân tộc khác về các chỉ số và tiền đề phát triển.

Đối với Nhật Bản, nếu như Minh Trị Thiên Hoàng bắt đầu canh tân nước Nhật, thì ở Việt Nam là Quang Trung – Nguyễn Huệ; nhưng rồi lịch sử hẩm hiu của dân tộc lại ập đến khi Nguyễn Huệ chết đột ngột khi đang ở tuổi bắt đầu cho những tham vọng lớn của một tài năng xuất chúng.

"...Nguyễn Trường Tộ là nhà khoa học, nhà chính trị và cũng là nhà tân học nước ta xưa. Tư tưởng và kiến thức của tiên sinh hơn người đồng thời muôn nghìn."

Triều Nguyễn, với hơn 140 năm tồn tại của mình sau đó, đã có không ít lần sứ thần phương Tây, trong đó là Hoa Kỳ đến bái kiến xin thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng với một tầm nhìn thiện cận, chỉ biết lo cho vương triều, dòng họ, truyền ngôi, nối dõi… đã không chấp nhận; Rồi lại đến một danh nhân lỗi lạc Nguyễn Trường Tộ, mặc dù mới tuổi ngoài 30, nhưng ông đã dâng sớ với 58 điểm, mà chỉ trong vài năm ông tiếp cận được với văn minh phương Tây; nhưng rồi, một lần nữa Triều Nguyễn, bên cạnh Hoàng Triều, là những quan cận thần chỉ biết lo cho bản thân và gia đình, quen thói a dua, nịnh hót… đã đem lòng ganh tỵ với ông và thế là cơ hội lại bỏ lỡ…

Rồi đến thời kỳ vào đầu thế kỷ 20, cũng không ít các nhà tiền bối Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… cũng tìm đường canh tân đất nước, mà khởi nguồn được lấy làm xuất phát điểm là "nâng dân trí, chấn dân khí"; thế nhưng, giữa các nhóm người yêu nước Việt Nam, do xuất phát từ những quan điểm và cách làm khác nhau [nhóm thì theo quan điểm học và làm theo cách từ phương Tây; nhóm lại theo quan điểm dựa vào Nhật ở phương Đông…]; cuối cùng là sự du nhập CNCS và dẫn đến một cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, làm 4-5 triệu người thiệt mạng, và những di chứng da cam còn chưa biết đến bao giờ. 

Ở một góc nhìn khác; ngành ngoại giao nước ta, đã ra đời cách đây 65 năm, với việc thiết lập Đại sứ quán và lãnh sự quán ở hầu hết các nước trên thế giới; với hàng ngàn người tham gia; thực lòng, tôi không hiểu được các vị ấy đã làm được gì cho đất nước (?!). 

Ông cha ta nói "đi một ngày đàng, học một sàng khôn"; nghĩ lại 65 năm qua, ngành ngoại giao nước nhà quả thật là phí hoài, vô ích (?!). [nói như vậy là dẫu là chưa đúng lắm]. Đặc biệt là không chọn được mô hình phát triển, một hình thái nhà nước phù hợp… ngay sau ngày nước nhà thống nhất.

Nếu như so sánh với Nguyễn Trường Tộ, khi ông mới ngoài 30 tuổi mà ông đã làm được những điều như vậy, thì so với hàng ngàn người làm công tác ngoại giao, có mặt ở hầu hết các nước trên thế giới trong 65 năm qua, để ta không khỏi mùi lòng, tiếc nuối (?!).

Nhiều khi tôi tự hỏi; Những người làm công tác ngoại giao thường là những người thông minh đặc biệt, thuộc giới tinh hoa của Đất nước; những vị Đại sứ Việt Nam tại các nước, trong quá trình ở nước sở tại, sẽ rút ra được mô hình phát triển của nước đó; tìm ra được ưu, nhược điểm của hình thái nhà nước của nước sở tại…; với nhiều vị Đại sứ ở nhiều nước cùng làm như thế, sau đó Bộ Ngoại giao tổng hợp lại, trình lãnh đạo Quốc gia, tìm ra một mô hình phát triển phù hợp cho đất nước ta, dựa trên những điều kiện cụ thể của mình… Nếu trước đây cụ Nguyễn Trường Tộ chỉ có một thân một mình để suy ngẫm, rút ra và dâng sớ trình [chỉ có hơn 2 năm cụ đi ra được tiếp xúc với bên ngoài]; thì ngày nay [tính từ khi nước ta dành được độc lập từ 1945] là tập thể các Đại sứ quán, là cả một Bộ Ngoại giao, tại sao lại không làm theo cách của cụ Nguyễn Trường Tộ?

Phải chăng, lịch sử đã từng làm như vậy, nhưng ý chí của lãnh đạo nước nhà đã bỏ ra ngoài tất cả, bởi sự tham vọng về quyền lực, lợi ích phe nhóm (?!); để rồi hôm nay, đất nước ta đang đi theo một con đường riêng mà người Việt đương thời không mấy ai hiểu được, con đường đó là gì, về đâu?

Khát vọng để canh tân đất nước thì người Việt Nam không thiếu. Ngôi sao sáng nhất trên bầu trời hiện nay chính là Đặng Lê Nguyên Vũ, mà qua những việc làm của anh trên thực tế, và những trăn trở, ý tưởng của anh về Khát vọng Đại Việt mà ta đọc được trên báo đang cho thấy điều đó…; nhưng tiếc thay, khát vọng đó đang chỉ là nhỏ nhoi, đơn chiếc… và đặc biệt chưa phải là khát vọng ở những người ở tầm lãnh đạo quốc gia. Đôi khi lại còn bị ganh ghét bởi tính đố kỵ cố hữu của người Việt.

Đặng Lê Nguyên Vũ: "Nỗi thôi thúc, hành hạ nội tâm ngày đêm đối với tôi về sự hùng mạnh của dân tộc"; mong rằng anh là ngọn lửa tiên phong làm bùng cháy trở lại khát vọng canh tân của hàng triệu người Việt!

Đội ngũ trí thức của nước nhà; với hàng vạn người học ở trong nước, ở Tây, Tàu… đủ cả; nhưng sống trong môi trường chỉ biết nói một chiều, chiêu theo ý lãnh đạo, dần dần kiến thức mai một, rồi đến buông xuôi (?!); một số đông còn lại thì "chuyển nghề" để phù hợp với thời cuộc, làm kẻ cơ hội, nịnh hót để tìm đường thăng quan, tiến chức nhằm có dịp vơ vét… mà chính đất nước đã tạo ra một xã hội mà quan hệ người – người là quan hệ "xin – cho"; "hành dân là chính"... 

Một cách tổng quát, sự bạc nhược, sống cơ hội… của tầng lớp trí thức đương đại là nguyên nhân của đất nước tụt hậu và sai đường hôm nay; nếu như trước đây các bậc hiền tài của nước nhà, sau khi dâng sớ mà không được Triều đình chấp thuận, thì các vị ấy sẵn sàng rời bỏ chức vụ để về ở ẩn; thì hôm nay, hầu hết trí thức nước nhà cam chịu trước "ý kiến chỉ đạo" của người lãnh đạo; tệ hơn nữa lại quay sang quy phục, gục mặt để làm theo sự sai khiến (?!). 

Thật là trớ trêu cho đất nước một thời (và đang là của hiện tại); một kẻ có học thực thụ, nhưng lại phải nghe một kẻ vô học, nhưng bằng chạy chọt lại đang lãnh đạo trực tiếp đối với mình; đó không phải là sự nhục nhã của kẻ được gọi là có học hay sao? [ở đây muốn nói đến tầng lớp khoa bảng thực thụ]. 

Và hôm nay, tất cả đã như khép lại; bởi một tầm nhìn "Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân Việt Nam"; mặc dù nói rằng "khát vọng của nhân dân", nhưng cũng không thèm hỏi nhân dân một lời (?!); thích là nói, là viết, là in thành khẩu hiệu... Một con đường mà ngay cả tập thể gồm những người tinh hoa nhất của đất nước không ai có thể trả lời được nó là gì; hoang tưởng, vô định (?!).

Canh tân ư? 

Một khi đất nước không huy động được sức mạnh trí tuệ của toàn dân tộc; trong khi tất cả những tiếng nói trái chiều với Đảng CSVN rất dễ bị quy chụp là "chống lại con đường mà Đảng, nhân dân và Bác Hồ đã chọn"; là bọn "phản động", là "âm mưu của các thế lực thù địch"; "âm mưu lật đổ chế độ" v.v..; bài học Cù Huy Hà Vũ là một thí dụ điển hình; cho dù bố anh, Cụ Cù Huy Cận, là một trong những người khai sinh ra chế độ này; và rất đặc biệt, chính ông là một trong 11 người được giao soạn thảo Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước nhà (HP 1946); mà hôm nay, mỉa mai thay, con ông, Cù Huy Hà Vũ, đang đấu tranh để nước nhà được sống trong môi trường được tạo lập từ bản Hiến pháp ấy cách đây 65 năm, cũng chỉ để nhằm… canh tân đất nước; thì lại đang ở trong nhà tù, của chế độ do chính bố anh là người khởi lập (?!). 

Canh tân ư? 

Khi mà đội ngũ tiên phong của Đảng CSVN là những người: "Nhìn thẳng vào sự thật để thấy thực tế đau lòng là tình trạng xa dân, vô cảm với dân… đang dần trở thành phổ biến. Thực trạng này giảm lòng tin vào Đảng. Đây là điều không được phép xem thường vì mất lòng tin của dân là mất dân; mất dân là mất Đảng, mất chế độ" là phát biểu của ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; hoặc một đội ngũ mang tiếng là tinh hoa của Đảng, thế nhưng: "… bây giờ tìm được người gọi là 'sạch sẽ' một tí thì chắc là cũng khó, cũng hiếm", như ý kiến của ĐB Nguyễn Chí Dũng tại một phiên họp trong ĐH XI vừa rồi; hoặc như trong bài phát biểu do ông Nông Đức Mạnh đọc tại buổi lễ khai mạc ĐHXI, ông này nói: "… Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương"…

Một đảng cầm mà toàn những người "chạy" như vậy, người sạch sẽ một tý cũng hiếm… nắm giữ quyền hành, thì chỗ nào để dành cho… canh tân? 

Một đất nước gần 90 triệu dân, nhưng vận mệnh chỉ nằm trong tay 14 người được gọi là Bộ Chính Trị (BCT), được bầu bởi 218 vị gọi là BCHTƯ; để rồi quay lại sai khiến các vị, họ (BCT) đưa ra chủ trương, đường lối…mà chính các vị là người bầu ra họ, các vị cũng không được biết…; tình "đồng chí" có khác nào tình vua – tôi, ban phát, ơn huệ. 

Với việc thay mặt Đảng CSVN, ông Đinh Thế Huynh đã tuyên bố khi trả lời phóng viên người nước ngoài, tại một cuộc họp báo Quốc tế, rằng "Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng", thì xem như khát vọng canh tân đất nước, thông qua việc bầu ra những người tài năng, trong sạch, đức độ… do chính nhân dân lựa chọn [mà không phải là "đảng cử dân bầu"]… đã bị đóng sập. 

Những người lãnh đạo Đất nước là người của Đảng CSVN, mà không phải do nhân dân lựa chọn bầu nên; vậy thì, hỏi đâu là cơ hội để canh tân? 

Khát vọng ư? 

Khi mà ngay cả điều tối thiểu nhất là tinh thần yêu nước của nhân dân còn phải lén lút mới dám thực hiện, như việc phản đối TQ chiếm Hoàng Sa – Trường Sa, bằng các khẩu hiệu HS-TS-Việt Nam? Thử hỏi trên thế giới này có Chính quyền nào cấm nhân dân mình yêu nước hay không? 

Hơn 700 tờ báo, tạp chí của nước nhà, khi đề cập đến bọn bành trướng Bắc Kinh cho quân đội cướp bóc ngư dân ta ngoài Biển Đông để đòi tiền chuộc, mà bản chất của chúng là muốn ngư dân ta bỏ biển, để vô hình trung là công nhận Biển Đông là của chúng…, nhưng tất cả đều phải im lặng (?!); thì hỏi đâu là khát vọng? 

Chỉ cần tóm lược những nội dung trên đây, để ta thấy rằng, Khát vọng canh tân nước Việt trong điều kiện hiện nay chỉ là viễn cảnh xa vời, hoang tưởng.

Nguyễn Hữu Quý



Ngẫm về khát vọng canh tân nước Việt

Nguyễn Thiện

LTS: Đầu Xuân Tân Mão, ông Nguyễn Thiện, tác giả của chương trình "Dân ta biết sử ta", đã gửi tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam những suy ngẫm từ công cuộc cải cách "nâng dân trí, chấn dân khí" đã tạo nên thần kỳ Nhật Bản và liên hệ tới khao khát canh tân nước Việt đã có từ hơn một thế kỷ trước. Tác giả cũng mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến tranh luận từ bạn đọc...
---------------------------------------

Mới đây, từ cảm xúc sâu sắc về câu "Quốc dân không có chí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm" của Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901) được trích đăng trên một tờ báo, tôi đã đọc lại cuốn Khuyến học do ông viết trong khoảng thời gian 1872 - 1876 và từng được Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành.

Theo tôi, sẽ rất thú vị và đầy bổ ích nếu chúng ta có dịp mổ xẻ, phân tích các tư tưởng của Fukuzawa Yukichi (Phúc trạch dụ cát) - bậc khai quốc công thần của nước Nhật Bản hiện đại mà hình ảnh của ông được in trên tờ bạc có mệnh giá cao nhất 10.000 yên, dù ông không phải là một đấng quân vương hay danh tướng lỗi lạc của đất nước Mặt Trời mọc.

Tuy nhiên, bài viết này tôi chỉ xin nêu lên một thông tin: "Khi mới được in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng ấn bản kỉ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng 35 triệu người ....Và kể từ đó đến nay, cuốn sách này đã được tái bản liện tục, chỉ tính từ năm 1942 đến năm 2000, riêng Nhà Xuất bản Iwanami Bunko cũng đã tái bản đến 76 lần" (*) để chúng ta cùng suy ngẫm về mối liên quan của con số này với việc nâng cao dân trí, chấn dân khí ở Nhật Bản và một số cuộc vân động xã hội - văn hóa từng được tiến hành tại nước ta.

Nhìn lại lịch sử cải cách Minh Trị Duy Tân, tôi cho rằng Nhật Bản là một dân tộc khát khao đến cháy bỏng trong việc nâng cao dân trí, chấn dân khí - vì đây mới là nền tảng thật sự vững chắc cho một nước Nhật hiện đại, văn minh. Mọi người vô cùng tha thiết muốn tìm động lực tinh thần mạnh mẽ trong công cuộc canh tân đất nước, quyết lòng tìm chỗ đứng xứng đáng cho quốc gia mình trên trường quốc tế. Có lẽ, sẽ có người nói: dân tộc nào mà chẳng thế !

Đúng, dân tộc nào cũng mong hướng đến các giá trị tốt đẹp vì đó là nhu cầu của con người, nhưng mỗi dân tộc đều có khác nhau về mức độ khát vọng. Với dân số 35 triệu người mà Khuyến học - cuốn sách về khai sáng tinh thần quốc dân - được in lần đầu tới 3,4 triệu bản, trong điều kiện thế giới cách đây gần 150 năm (và cho cả hiện nay nữa) là một tỷ lệ đầy huyền thoại: chiếm gần 10% dân số!

Điều này chỉ có thể giải thích rằng đó là một dân tộc vô cùng khát khao "nâng dân trí, chấn dân khí", và nỗi khao khát này đã lên đến tột độ! Tôi cho rằng đó chính là sức mạnh vô địch đủ sức quét sạch những kềm tỏa của các tập quán, suy nghĩ lỗi thời mà thực chất là xóa bỏ triệt để sự nô lệ tư tưởng, tinh thần để vươn lên làm người tự do, độc lập, và thực tế đã làm nên nước Nhật Bản hiện đại đầy kỳ tích sau này mà mọi người đã biết. Một dân tộc khát khao "nâng dân trí, chấn dân khí" đến tột bực như thế, tất yếu tự thân dân tộc đó đòi hỏi sự xuất hiện của các bậc khai sáng đúng tầm để tụ hội và dẫn dắt tinh thần quốc dân.

Khuyến học của Fukuzawa Yukichi ra đời thực sự kết tinh biết bao tình tự, khát vọng từ trong sâu thẳm của mọi trái tim Nhật Bản nên mới tạo được sức lan tỏa phi thường như vậy. Sự thống nhất "cầu - cung" này đã tạo thành sức mạnh cộng hưởng to lớn, phát huy hiệu quả nhanh chóng, làm nên sức mạnh vô địch trong sự nghiệp canh tân đất nước.

Lịch sử các nước cho thấy không ít trường hợp, nhà tư tưởng tiên phong của dân tộc xuất hiện, họ khởi xướng được con đường tiến lên của đất nước, đưa ra được giải pháp cho những vấn đề mang hơi thở của thời đại họ sống nhưng một bộ phận không nhỏ của dân tộc đó thì thờ ơ, có khi lại đang chìm đắm trong vòng mê muội nên không cùng làm nên sức mạnh đủ sức tạo ra các sự thay đổi cần thiết. Vì thế, hiệu quả và tác động xã hội bị rất nhiều hạn chế. Phải chăng các cuộc vân động xã hội như Phong trào Duy Tân, Phong trào Đông Du của các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục... vào đầu thế kỷ 20 chưa thành công như các cụ mong muốn cũng vì lý do này? Và sẽ là bi kịch cho các bậc tiên phong, các nhà khởi xướng tư tưởng nếu bên cạnh một bộ phận dân tộc u mê mà họ phải lo thức tỉnh, họ lại còn bị cản trở bởi giới cầm quyền thủ cựu, ươn hèn, xa lại với những đòi hỏi mới của cuộc sống! Nguyễn Trường Tộ là một minh chứng cho việc sinh nhầm thời đại!

Viết đến đây, tôi xem lại số lượng xuất bản trong tủ sách mà người ta hay gọi là "tinh hoa tri thức", là "khai trí" của mình trong ba chục năm qua thì thấy thường là 2000 - 3000 bản, cao lắm là 5000 bản, kể cả mấy cuốn được xem là best seller hay gối đầu giường đã được báo chí rùm beng về ảnh hưởng, tác động xã hội! Ngay với tiểu thuyết, tính đến năm ngoái, Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã in 24 lần với 108.000 bản và nhiều người trong giới làm xuất bản đã cho rằng đây là cuốn sách được xem là kỷ lục xuất bản ở Việt Nam! Phải chăng Việt Nam ít có tác phẩm thật sự có giá trị như Khuyến Học?

Hoặc mấy năm gần đây, một số cuộc vân động văn hóa - xã hội được tiến hành như ký tên bình chọn để Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới, thu thập chữ ký ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, vận động đổi tên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) thành biển Đông Nam Á... đã cho thấy số lượng chữ ký hưởng ứng chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. Chưa có cuộc vận động nào chiếm được tỷ lệ 0,1% so với dân số 86 triệu người, dù rằng chúng ta đang sống trong thời đại Internet. Và phải chăng, do dân tộc ta chưa thật sự có khát vọng tột bực, khao khát tột độ, thậm chí còn một bộ phận không nhỏ trong chúng ta theo chủ nghĩa "mackeno" (mặc kệ nó) nên rất nhiều cuộc vận động khác như: xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng con người văn minh - thanh lịch, trật tự an toàn giao thông, chống quan liêu tham nhũng... đều chuyển biến chậm?

Vậy, có mối liên quan nào giữa mức độ khát khao canh tân đất nước trong quá trình phát triển với một nước Nhật Bản đã hiện đại từ hơn nữa thế kỷ trước và một Việt Nam đang vừa mới thoát khỏi danh sách nước nghèo dù việc canh tân nước Việt đã được đặt ra từ hơn một thế kỷ trước? Thiết nghĩ, đây là điều mà chúng ta nên nhìn lại để đánh giá đúng mức về ưu nhược điểm của dân tộc mình, qua đó để tìm ra phương thức nuôi dưỡng, nâng tầm khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam! Mọi ý kiến thảo luận xin mời nhập vào hộp phản hồi phía dưới hoặc gửi về: vef@vietnamnet.vn.(*) Fukuzawa Yukichi, Khuyến Học, NXB Trẻ ấn hành năm 2004, trang 12.



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment