20 September 2011

Đạo Phật và chính trị


Đạo Phật và chính trị

K.S Dhammananda

Thảo Hiền Sucitto lược dịch


Đức Phật xuất thân từ giai cấp vương tướng, và do đó, Ngài có nhiều liên hệ với các vị quốc vương, hoàng tử, quan lại, trong triều đình. Mặc dù có nhiều liên hệ như thế, Ngài không bao gìơ dùng các thế lực chính trị để truyền đạo, và Ngài cũng không bao giờ cho phép giáo pháp của Ngài bị lợi dụng cho các ý đồ chính trị.
 
Tăng sĩ Miến Điện biểu tình phản đối chế độ Quân phiệt 26.9.2007
 
Căn bản của tôn giáo là đạo đức, lòng trong sạch, và đức tin; trong khi đó, căn bản của chính trị là quyền lực. Trong tiến trình lịch sử, tôn giáo thường bị lạm dụng để biện minh cho chiến tranh và thôn tính, đàn áp, chém giết, tàn bạo, nổi loạn, tàn phá các công trình văn hóa và nghệ thuật.
 
Mục đích của Phật pháp không phải nhắm đến việc thành lập các định chế và cơ cấu về chính trị mới. Trên cơ bản tôn giáo tìm cách giải quyết các vấn đề trong xã hội bằng cách giáo hóa mỗi cá nhân, vốn là thành viên của xã hội, và bằng cách đề nghị các nguyên tắc tổng quát để điều hướng xã hội tiến đến một phong thái nhân bản, cải thiện đời sống của mọi thành viên, và cổ động sự phân phối các nguồn vật lực một cách công bằng hơn.
 
Không một hệ thống chính trị nào, dù rằng có vẻ rất lý tưởng, có thể mang lại hạnh phúc và hòa bình, nếu người dân trong thể chế đó còn bị bao trùm bởi lòng tham, sân hận và mê si. Thêm vào đó, dù có theo một hệ thống chính trị nào đi nữa, cũng còn có những nhân tố phổ quát mà từng cá nhân trong xã hội phải trực diện: Kết quả của các nghiệp thiện và bất thiện của riêng mình, và sự khiếm khuyết và thiếu vắng của một nền an lạc trường cửu vì bản chất của thế gian vốn là hoạn khổ, vô thường, và vô ngã. Đối với những người con Phật, không một nơi nào trong cõi Ta bà này là có được một tự do, giải thoát thật sự, kể cả các cõi tiên của chư Thiên.
 
Một hệ thống chính trị tốt và công bằng - có những bảo đảm cho các quyền căn bản của con người, và có những định chế giám sát và cân bằng việc sử dụng quyền lực - là điều kiện quan trọng cho cuộc sống hạnh phúc trong xã hội. Tuy nhiên, tự do tuyệt đối không thể nào có được trong các định chế chính trị, mà chỉ có được trong tâm thức khi nó được giải thoát. Để được giải thoát, chúng ta cần nhìn vào nội tâm của chính mình, và nổ lực giải phóng nó ra khỏi các gông xiềng của vô minh, hận thù và tham dục. Tự do trong ý nghĩa đích thực tuyệt đối chỉ có được khi nào chúng ta dùng Chính Pháp để phát triển tâm lý qua lời nói và hành động hướng thiện, và để huân tập tâm ý, để phát triển tâm linh, đạt đến cứu cánh tuyệt đối của giác ngộ.
 
Có nhiều khía cạnh qua các lời dạy của đức Phật có những tương quan với các bố cục chính trị ngày nay.
 
Thứ nhất, đức Phật đã giảng dạy về tính cách bình đẳng của con người cả mấy ngàn năm trước tuyên ngôn của Abraham Lincoln (Tổng thống Mỹ). Ngài dạy rằng các giai cấp, tầng lớp trong xã hội chỉ là những hàng rào nhân tạo do xã hội dựng ra. Việc sắp xếp thứ bậc của xã hội loài người, theo lời Ngài, chỉ có thể dựa trên phẩm chất giới hạnh của họ mà thôi.
 
Thứ hai, đức Phật khuyến khích tinh thần hợp tác bình đẳng và tiếp tục tham gia đóng góp trong xã hội. Đây là một tinh thần đã được cổ võ trong tiến trình chính trị của các xã hội hiện nay.
 
Thứ ba, Ngài đã không chỉ định một người nào để kế thừa Ngài. Ngài chỉ dạy rằng mọi người phải tự mình mà tu học, lấy Chính pháp làm nền tảng và làm nơi nương tựa. Các thành viên của Tăng đoàn chỉ chịu sự hướng dẫn của Giáo pháp và Giới luật như là một bộ luật sinh hoạt. Cho đến ngày nay, mỗi tu sĩ đều phải tuân thủ bộ Giới luật đó để làm kim chỉ nam hướng dẫn cho mọi sinh hoạt tu học của mình.
 
Thứ tư, đức Phật đã khuyến khích tinh thần tham vấn và tiến trình dân chủ. Điều này được thể hiện qua cộng đồng Tăng sĩ, trong đó mỗi thành viên đều có quyền quyết định về các vấn đề chung. Khi có một nghi vấn nghiêm trọng cần phải được giải quyết, các vấn đề có liên quan được đem ra giữa các tu sĩ để thảo luận trong một phương cách tương tự như trong hệ thống Quốc hội ngày nay. Tiên trình tự quản này có lẽ sẽ làm nhiều người ngạc nhiên vì nó đã được áp dụng trong các cộng đồng tăng sĩ Phật giáo tại Ấn Độ trong 2500 năm trước đây, và phương cách điều hành có rất nhiều điểm tương đồng với các thủ tục thảo luận trong Quốc hội.
 
Một tu sĩ, tương tự như vị "phát ngôn nhân ", được chỉ định để có tiếng nói chung, đại diện cho cộng đồng. Một tu sĩ khác, tương tự như vị "chủ tịch", được bầu ra để điều hành diễn đàn. Các vấn đề được đưa ra như các nghị trình để được thảo luận công khai. Trong một vài trường hợp khi vấn đề có tính cách nghiêm trọng và phổ quát, thì nó có thể được đem ra thảo luận nhiều lần, tương tự như các vòng thảo luận của Quốc hội về các dự luật. Nếu qua các cuộc thảo luận mà còn nhiều ý kiến xung khắc, bất đồng thì vấn đề sẽ được biểu quyết qua một cuộc bỏ phiếu để lấy quyết định theo đa số. Đạo Phật khuyến khích nền tảng đạo đức và việc sử dụng quyền lực công cộng với ý thức trách nhiệm. Đức Phật tuyên giảng về hòa bình và bất bạo động như là một thông điệp phổ quát. Ngài không chấp nhận bạo lực và hủy hoại sinh mạng. Ngài dạy: "Người thắng tạo căm thù, kẻ thua sống khổ sở. Người nào từ bỏ thắng và bại thì người đó sống an vui và hạnh phúc". Chẳng những đức Phật dạy về hòa bình và bất bạo động, có lẽ Ngài cũng là vị Đạo sự đầu tiên và duy nhất đã ra tận chiến trường để tìm cách ngăn chận chiến tranh. Nhài đã hóa giải xung đột giữa bộ tộc Sakya và bộ tộc Koliya khi họ muốn khởi sự đánh nhau vì tranh chấp nước sông Rohina. Ngài cũng đã thuyết phục vua Ajatasanu bỏ ý định tấn công vương quốc của bộ tộc Vaiji.
 
Đạo Phật đã giảng dạy về sự quan trọng và về các điều kiện thiết yếu của một chính phủ tốt, Ngài dạy rằng khi người lãnh đạo tham nhũng và bất công thì xứ sử trở nên tham nhũng, băng hoại, và đau khổ. Ngài chống lại sự tham nhũng và đã dạy rằng chính phủ phải biết quản trị dưạ trên các nguyên tắc nhân ái.
 
Ngài nói: "Khi người lãnh đạo xứ sở có tính công bình và thiện ái thì triều đình có tính công bình và thiện ái. Khi triều đình có tính công bình và thiện ái thì các quan chức có tính công bình và thiện ái. Khi các quan chức có tính công bình và thiện ái thì các cán bộ hạ tầng có tính công bình và thiện ái. Khi các bộ hạ tầng có tính công bình và thiện ái thì người dân có tính công bình và thiện ái". (Tăng Chi bộ kinh)
 
Trong kinh Cakkavatti Sibananda (Chuyển Luân Thánh Vương sư tử Hống, Trường Bộ kinh), đức Phật nói rằng các điều hung các và tội phạm, như ăn cắp, lường gạt, bạo lực, thù ghét, bạo tàn... đều bắt nguồn từ sự nghèo khó. Quốc vương và triều đình có thể sử dụng sự trừng phạt để kiềm chế tội phạm, nhưng không bao giờ có thể tiêu trừ các tội phạm bằng quyền lực của mình.
 
Trong kinh Kutadanta (Trường Bộ kinh), đức Phật chủ trương phát triển kinh tế, thay vì dùng quyền lực, để xóa giảm tội phạm. Triều đình phải biết sử dụng các nguồn tài nguyên để cải thiện điều kiện kinh tế trong nước. Họ phải biết phát triển nông nghiệp và thôn quê, trợ giúp giới buôn bán, cung cấp lương bổng đầy đủ cho công nhân để đảm bảo một đời sống tốt có nhân phẩm.
 
Trong kinh Bổn sanh (Jakata) đức Phật có đưa ra 10 nguyên tắc của một chính quyền tốt, gọi là "Thập Vương Pháp" (Dasa Raja Dhamma). Mười nguyên tắc này vẫn có thể áp dụng trong thời đại ngày nay cho bất cứ một chính quyền nào, để quản trị xứ sở một cách hài hòa. Đó là:
 
1. Phải cởi mở và không ích kỷ,
2. Duy trì đạo đức cao,
3. Sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ an sinh của dân chúng,
4. Phải thành thật và ngay thẳng,
5. Phải dịu dàng và giàu lòng nhân ái,
6. Phải sống giản dị để làm gương cho dân chúng,
7. Phải vượt lên trên mọi hận thù,
8. Biết áp dụng tinh thần bất bạo động,
9. Biết nhẫn nại,
10. Tôn trọng ý kiến dân chúng, và biết phát triển sự hòa bình và hòa hợp.

 
Về cách hành xử của người lãnh đạo thì người giảng thêm (Kinh Cakkavatti Sihanada):
 
a. Người lãnh đạo tốt phải biết cư xử công bình, không thiên vị bất cứ nhóm nào,
b. Người lãnh đạo tốt không bao giờ gieo lòng thù hận trong dân chúng,
c. Người lãnh đạo tốt không bao giờ ngần ngại áp dụng luật pháp khi cần thiết,
d. Người lãnh đạo tốt phải thông hiểu luật pháp rõ ràng mỗi khi áp dụng. Luật pháp không phải chỉ áp dụng vì người ấy có uy quyền, mà phải được áp dụng hợp tình hợp lý.

 
Bộ Mi Tiên Vấn Đáp (Milanda Panha) có viết: "Nếu người nào không có tài năng, không đạo đức không phạm hạnh, không xứng đáng là vua, mà lại tự mình tôn xưng là vua hay người lãnh đạo với nhiều quyền lực thì người ấy bị nguyền rủa và trừng phạt bởi dân chúng, bởi vì người ấy, vì không xứng đáng và không tài năng, đã tự đặt mình một cách vô lý vào vị trí của người lãnh đạo. Người lãnh đạo cũng như những người đã vi phạm những nguên tắc đạo đức và giớ luật căn bàn của xã hội loài người, sẽ bị trừng phạt như bao nhiêu người khác, nhất là đối với những người lãnh đạo ăn cắp tài sản của dân chúng". Kinh Bổn Sanh cũng có đề cập đến người lãnh đạo nào mà chỉ trừng phạt người vô tội và không trừng phạt người phạm tội thì người lãnh đạo ấy không xứng đáng lãnh đạo xứ sở.
 
Vì vậy, Trung Bộ kinh cũng có nói về vị quốc vương biết tự thăng tiến và lúc nào cũng nổ lực gìn giữ hành động, lời nói và tâm ý, lúc nào cũng biết lắng nghe ý kiến của dân chúng về sự cai trị của mình, để biết mình có phạm lỗi lầm nào không trong khi điều hành đất nước. Nếu vị quốc vương ấy cai trị xấu, người dân sẽ than phiền rằng họ đang bị phá hoại bởi một vị lãnh đạo xấu vì các chính sách hà khắc, nhũng lạm, bất công, sưu cao thuế nặng, và do đó, dân chúng sẽ có phản ứng chống lại vị vua ấy. Ngược lại nếu vị vua cai trị tốt thì dân chúng sẽ chúc tụng: "Cầu xin cho quốc vương của chúng tôi được trường thọ".
 
Lời dạy của đức Phật về các bổn phận đạo đức của vua chúa để sử dụng công quyền, bảo đảm an sinh người dân đã giúp cho vua A Dục (Asoka) vào thế kỷ 3 TCN, cai trị đất nước của ông. Hoàng đế A Dục, là một thí dụ điển hình về nguyên tắc đạo đức này, đã sống và thực hành Chính Pháp cho tất cả mọi người dân trong triều đại của ông. Ông quảng bá chính sách bất bạo động đến các vương quốc lân cận, cam đoan các thịên ý của ông, và gửi sứ giả đi khắp nơi để truyền bá thông điệp hòa bình và bất bạo động. Ông cổ võ sự ứng dụng của các nguyên tắc đạo đức trong xã hội, như chân thật, từ bi, bác ái, bất bạo động, nhân từ không hoang phí, không chiếm đoạt và không gây sát hại cho mọi loài vật. Ông khuyến khích tự do tôn giáo và bình đẳng tương kính giữa mọi đức tin. Ông thường du hành thuyết giảng Đạo pháp đến người dân ở tận thôn quê. Ông thiết lập các công trình công cộng như bệnh xá, cung cấp thuốc men, trồng cây gây rừng, đào giếng các công trình thủy lợi, và nhà tạm trú. Ông cũng đặc biệt ngăn cấm việc đối xử tàn ác với các loài thú vật.
 
Có người cho rằng đức Phật là một nhà cải cách xã hội. Trong các bài giảng, Ngài đã lên án hệ thống giai cấp và Ngài công nhận quyền bình đẳng của con người. Ngài giảng về nhu cầu cải thiện về các điều kiện kinh tế xã hội, công nhận tầm quan trọng của việc phân bố công bằng các của cải giữa ngừơi giàu và người nghèo, nâng cao vị trí của phụ nữ, khuyến khích việc áp dụng tinh thần nhân bản trong guồng máy hành chính. Ngài dạy rằng xã hội phải được điều hành trên tình thương và lòng từ bi, chứ không dựa vào lòng tham lam. Hơn thế nữa, sự đóng góp của Ngài cho nhân loại còn cao quý hơn, vì Ngài còn đi xa hơn các nhà cải cách xã hội thời đó, vì không ai có thể chỉ thẳng vào cốt lỗi của các cơn bệnh trong tâm thức con người. Chỉ ở trong tâm thức thì sự cải cách mới thật sự có ý nghĩa. Các cải cách bên ngoài do các quyền lực áp đặt thì chỉ có hiệu quả ngắn hạn vì nó không có cội rễ. Chỉ có cải cách nào dựa trên căn bản cải thiện tâm thức thì nó mới có cội rễ vững chắc. Có cội rễ vững chắc thì các cành nhánh của cải cách xã hội mới được phát triển tươi tốt, vì chúng được nuôi dưỡng bởi nguồn sinh lực liên tục, đó là nguồn tâm lực của dòng sinh hóa trong cuộc đời. Như thế các cải cách xã hội chỉ có thể khả thi khi nào mà tâm ý của con người đã được sửa soạn sẵn sàng cho các việc đó. Các cải cách đó sẽ tiếp tục sống mạnh khi nào mà con người sẵn sàng nuôi dưỡng chúng qua sự chuyên cần và tôn trọng sự thật và công lý, và tôn trọng đời sống của đồng bào của họ.
 
Giáo thuyết của đức Phật không dựa trên một "Triết lý Chính trị" nào cả. Giáo thuyết này không khuyến khích con người đi vào con đường hành lạc vật chất. Giáo thuyết này vạch ra con đường đưa đến giải thoát tối hậu, là Niết bàn. Nói một cách khác, mục tiêu tối hậu của một Giáo thuyết ấy là đoạn diệt lòng tham ái vốn đã cột chặt con người trong vòng trầm luân, khổ ải. Một câu thơ trong kinh Pháp Cú (câu 75) đã tóm tắt điều này: "Con đường đưa đến thủ đắc vật chất là một con đường, còn con đường đưa đến Niết bàn là một con đường khác.
 
Điều này không có nghĩa là các Phật tử không nên tham gia vào tiến trình chính trị, vốn là một thực tại xã hội. Đời sống của mọi người trong xã hội được uốn nắn bởi luật pháp và các quy định, bởi các bố trí kinh tế của quốc gia, bởi guồng máy quản trị hành chính, và như thế chịu ảnh hưởng của các bố cục chính trị của quốc gia đó. Tuy nhiên, nếu người cư sĩ Phật tử có muốn tham gia chính trị thì người đó không nên lạm dụng tôn giáo để mưu đồ tạo các quyền lực chính trị cho mình.
 
Tóm lại, đức Phật là bậc Giác Ngộ, vượt lên trên mọi vấn đề của thế gian. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời hoằng dương Chính pháp, Ngài luôn luôn có những lời dạy quý báu cho các quốc vương và triều đình để quản trị tốt xứ sở của họ-/-
 
 
Thảo Hiền Sucitto
(Lược dịch bài "Buddhism and Politics" trong quyển sách "What Buddhist Believa" của Hòa thượng Dhammananda, trang 229-236, do Hội Buddha Educational Foundation ấn tống năm 1995)

No comments:

Post a Comment