27 September 2011

Tham nhũng là quốc nạn

Tham nhũng là quốc nạn


Phần I: Tham nhũng dễ

Đúng thế, ở Việt Nam thì tham nhũng không khó vì đã có đảng CSVN bảo kê. Theo tài liệu Wikileaks vừa phổ biến trên báo Người Việt ở Nam California thì trong hai công điện mà Tổng lãnh sự Hoa kỳ tại Tp Sài Gòn gởi về Washington DC trong hai tháng cuối năm 2009, có đoạn viết xin lược trích:

"Giới lãnh đạo cấp cao nhất của họ cũng dùng quyền lực tham nhũng, để thu vén về quyền lợi cá nhân". Và vì vậy, " tham nhũng là điều chấp nhận được"…
"Tham nhũng ở Việt Nam diễn ra từ nóc", " và chỉ có thể chấm dứt bắt đầu từ nóc"…
"Mặc dù Việt Nam có cơ quan" thanh tra chính phủ", có vẻ như cơ quan này chỉ tồn tại
"làm vì". Thanh tra chính phủ tại Tp HCM" hoàn toàn không được quyền điều tra đảng viên, bất kể đảng viên cao cấp hay đảng viên quèn, nếu không được phép của thành ủy".
(Người Việt online ngày 21-9-2011)

Cùng một nhận định với Tổng lãnh sự Hoa kỳ, trong lần hội luận trên đài RFA, cựu đại tá  Phạm Quế Dương, người từng bị ở tù vì ông cùng với giáo sư Trần Khuê làm đơn xin thành lập Hội Nhân dân Việt Nam ủng hộ đảng và nhà nước chống tham nhũng hội luận với ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Ủy Ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam có trụ sở đặt tại thủ đô Warsaw, hai ông phát biểu:

PQD
: "Tôi nói thông cảm là ông Trương Vĩnh Trọng phải nói theo nghị quyết của Bộ chính trị, chứ còn bản thân các ông ấy làm sao chống tham nhũng được? Bởi vì người dân ở trong nước bây giờ họ gọi đảng cộng sản Việt Nam là đảng" Cộng đớp – Cộng mút", tham nhũng từ trên tham nhũng xuống thì làm sao có thể xử lý được".
TNT: "Tôi thì tôi thấy những ý kiến của ông Phạm Quế Dương vừa nói thì tôi muốn bổ xung thêm tại sao tình hình tham nhũng tại Việt Nam không những không giảm đi mà lại tăng lên. Ngoài ra ta thấy nguyên nhân tham nhũng tại Việt nam ngày càng trầm trọng hơn là bởi vì các nhà lãnh đạo đứng trên luật pháp, họ kiềm chế tự do báo chí và không có đối lập".
PQD: "Tôi cũng rất là hoan nghênh ông Trần Ngọc Thành, dù là ở nước ngoài nhưng ông Thành nắm rõ tình hình tại Việt nam. Bây giờ nói là dột từ nóc dột xuống tức là từ chính phủ trở xuống, từ nhà nước, từ bộ chính trị đã dột xuống tận cơ sở vì thế dân oan càng ngày càng đông, càng ngày càng nhiều". (RFA online 12-13/10-2007)

Để chứng minh rằng đảng CSVN bảo kê cho tham nhũng đó là việc xử lý vụ Vinashin, đại biểu đòi thành lập ủy ban lâm thời điều tra thì thường trực QH lại bảo không không cần, trong khi những con sâu bự của Vinashin đang ngồi tù chờ lảnh án thì phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng công bố rằng:

"Bộ chính trị đảng CSVN đã thảo luận và bỏ phiếu về việc có nên kỷ luật hay không. Căn cứ theo kết quả bỏ phiếu" Bộ chính trị quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân", yêu cầu nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu tập đoàn Vinashin"
. (RFI online ngày 21-3-2011)

Sự bảo kê cho tham nhũng một cách trắng trợn của đảng CSVN khiến đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Dũng lên tiếng:
"Chính phủ đánh gía sự lãng phí, quan liêu, tham nhũng khá mờ nhạt. Tôi thấy có những vụ chỉ bắt trộm hai con vịt thôi đã bị phạt tù trong khi có những đơn vị thua lỗ, nợ đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng lại không ai bị kỷ luật cả. Như thế dân không hài lòng đâu!" (Buaxite Việt Nam online ngày 25-3-2011)

Ngài thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 10-2006 khi nhiệm chức nhiệm kỳ đầu ông đã dõng dạc tuyên bố một câu xanh rờn: "Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay". Lời hứa này được cụ lão thành cách mạng Nguyễn Văn Bé ghi nhớ và nhắc lại, nhưng cái văn hóa giữ lời hứa và từ chức thì hình như người cộng sản Việt Nam ta chưa có thói quen cho nên "đừng nghe những gì họ nói":
 "Gần 5 năm nay, nạn tham nhũng chẳng những không chống được mà ngày càng phát triển, từ các cơ quan Trung ương xuống tận xã, phường, thôn ấp. Điển hình theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa mới kết luận, tạm xử lý 45 trường hợp nổi cộm khắp toàn quốc khiến dư luận xã hội bất bình". (Đối Thoại online ngày 15-7-2010)

Ngày ông thủ tướng Dũng lên ngôi đáng lẽ ông nên hỏi kỷ và phải học kinh nghiệm của cựu TBT đảng CS Lê Khả Phiêu về tình trạng tham nhũng sau khi ông này bị hai ông cố vấn gìa (Đỗ Mười và Lê Đức Anh) cưa ghế, tức quá khi trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, ông tố:

"Ngay ở xã tôi, làm cái cống cũng bị xơi hơn một nửa. Tôi về thì bà con bảo: Hai trăm triệu mà xơi tới trăm hai, còn có tám chục.  Đấy mới chỉ là công trình nhỏ thôi đấy…
" – Đô chứ. Lúc tôi còn thường trực đã có rồi, lúc làm tổng bí thư càng có. Đối với tôi, họ đến đút tiền không dám đưa thẳng đâu. Thường là có bó hoa xong để cái gói trên bàn rồi về. Mở ra thấy có năm nghìn, mười nghìn tôi gọi anh Hoan và cậu Dần lên, nói:" cái nầy của ông A, ông B…Giao các cậu mời các ông đó lên xem thái độ thế nào. Tại sao lại có phong bì thế này?…" (Tuổi Trẻ online ngày 26-5-2005)

Tình trạng tham nhũng đã lan nhanh từ khi đổi mới. Vì trước đó có tham nhũng thì chỉ vài cân bo bo hoặc khoai lang, khoai mì, bột giặt thôi chớ có cái gì mà tham nhũng nữa đâu. Từ lúc ngã theo kinh tế thị trường, đất nước có phát triển hơn lên, có luật đất đai là sở hữu của toàn dân, làm chủ tập thể, nhưng thật ra chẳng ai được làm chủ cả. Mạnh ai có quyền nấy đớp cho nên có những kẻ giàu kếch xù, cũng có những người bị cướp nhà, cướp đất trở thành trắng tay thành "homeless". Ngày nay tham nhũng đã tràn lan mọi ngỏ ngách, ai có điều kiện gì thì cứ đem ra thi thố" kiếm thêm", những vị lương y có "phong bì" thì như từ mẫu, còn không có" phong bao" thì như dì ghẻ.

"Tại Việt Nam trong nhiều năm qua, tình trạng tiêu cực trong việc khám chữa bệnh của nhiều y bác sĩ trở thành bình thường. Đó là việc bệnh nhân phải lo lót tiền bạc cho bác sĩ, y tá khi nhập viện để được sự chăm sóc tận tâm của nhân viên ý tế…
 "Báo chí trong nước đã nhiều lần đăng tin người trong nước than phiền về y đức của không ít những bác sĩ và y tá trong các bệnh viện. Hiện trạng" phong bì" trở thành" luật bất thành văn" giữa bệnh nhân và y bác sĩ". (RFA online ngày 1-4-2008)

Ngành giáo dục cũng bị tham nhũng hóa trở thành nơi làm tiền cha mẹ học sinh một cách trắng trợn, bà Lê Hiền Đức, nguyên là một nhà giáo chống tham nhũng được Việt Nam và Quốc tế vinh danh đã nói về tham nhũng trong ngành giáo dục như sau:

"Không biết tương lai sẽ như thế nào và rất nhiều chuyện, rất nhiều chuyện, còn kinh khủng hơn nữa là ngành giáo dục và đặc biệt là ngành giáo dục là ngành tôi thấy kinh khủng nhất, mà trồng người, đào tạo ra cả một thế hệ nát như tương…

"Họ để đồng tiền, lợi ích cá nhân lên trên hết chính vì thế những vấn đề nguy hiểm, trầm trọng như giáo dục thế hệ trẻ bây giờ đang xuống cấp, cỗ xe giáo dục đang băng băng lao xuống dốc, nhưng chưa có cách nào để ngăn lại cả". (RFA online ngày 11-1-2011)

Bản tin" Cảnh sát đứng đầu bảng về tham nhũng' theo kết quả khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) năm 2010) cho thấy rằng sự lộng hành của ngành nầy là do cơ chế ưu đải để họ trung với đảng và chỉ biết còn đảng còn mình.
"Trong khảo sát lần đầu tiên tiến hành đầy đủ ở Việt Nam, TI tại Việt Nam nghiên cứu tại 5 thành phố lớn : Hà Nội, Tp HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Cảm nhận chung của đại đa số người dân đô thị ở Việt Nam, theo TI, đó là tham nhũng đang gia tăng trong 3 năm qua, trong đó tham nhũng gia tăng được cảm nhận nhiều hơn ở phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội.
"Một trong những kết quả chính, theo sự khảo sát, là cảnh sát được cho là ngành đứng đầu bảng về tham nhũng ở Việt Nam (82%), hơn cả giáo dục hay hành chính công".
(Đối Thoại online ngày 14-12-2010)

Một số đại biểu Quốc hội không đồng tình với Báo cáo về tình trạng chống tham nhũng của chính phủ vì họ chỉ báo cáo láo, đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) cho hay:
"Tham nhũng dưới địa phương không thể cao hơn Trung ương được", ông Kiệt nói trước Quốc hội, " Con số khiến tôi dở khóc, dở cười".
"Nó đã trở thành thứ quá quen thuộc, là liều thuốc bôi trơn của các cá nhân, tổ chức, đi tới đâu mà không lót tay là không được việc. Lực lượng tham nhũng ngày càng thêm thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Tôi cho rằng tham nhũng chưa chấm dứt. Cái chính là năng lực, trình độ đội ngủ chống tham nhũng của ta chưa tương xứng". (BBC online ngày 6-11-2010)

Theo bảng báo cáo của LHQ hồi năm 2009 thì nạn hối lộ, tham nhũng tại Việt Nam đang diễn ra theo dây chuyền, ngày hôm nay "lo hối lộ cấp trên" để mua quan bán chức và ngày mai sẽ "ăn hối lộ cấp dưới", nhưng chắc chắn là phải có lời, thế thì chỉ có người dân đen chịu lỗ.
"Ông  Martin Gainsborough, một chuyên gia nghiên cứu về Việt nam tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của trường Đại học Bristol, Anh quốc cho hay tham nhũng là vấn đề lớn của hệ thống quyền lực Việt Nam. Ông cho rằng" mọi người sẵn sàng trả tiền để được chức vị trong chính quyền cho dù tiền lương thấp. Điều duy nhất mà những người này hi vọng là có thể thu hồi được khoảng đầu tư này thông qua một số biện pháp khác". (RFA online ngày 11-1-2011)

Hồi tháng ba năm này, luật sư Trần Đình Triển đã chính thức tố cáo một viên chức cao cấp tham nhũng là bà Đặng Thị Bích Hòa, bí thư đảng ủy, chủ tịch Hội đồng quản trị, tổng giám đốc cổ phần chuyễn phát nhanh Bưu điện trong đó có dính líu tới bà vợ của nguyên bộ trưởng Nội vụ vừa mất chức Trần Văn Tuấn và dính líu tới cả thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn.  Hồ sơ đã chuyễn đầy đủ nơi đủ chỗ thế mà vẫn im lặng đáng sợ, ngược lại bà Hòa đã thuê bọn thương phế binh côn đồ tìm đến văn phòng luật sư Triển để hành hung, việc này thủ tướng Dũng có hay chưa, cần làm ngay hay cần làm ngơ?

"Trong quá trình bà độc đoán chuyên quyền, bà sử dụng những hóa đơn gỉa, những khoảng chi gỉa rút ra vài tỷ đồng để tiêu.
" Thậm chí, bà ấy lập ra những đại lý ảo để làm dịch vụ và tiền thì bỏ túi. Bà lợi dụng chức vụ để tổ chức những đoàn đi nước ngoài, chi tiêu một cách khủng khiếp tiền của nhà nước. Rồi những phương tiện, công cụ, kỹ thuật thì không nhập tiên tiến ở các nước mà móc ngoặc để nhập những đồ gỉa dối của Trung quốc về, chênh lệch ra để ăn chia…
" Những chứng từ, tài liệu, hóa đơn gỉa đó đã được gửi đi cách đây 6 tháng. Cũng được biết là bên công an cũng đã triển khai xác minh và cũng đã có bằng chứng rồi nhưng không hiểu sao 6 tháng nay vẫn chưa khởi tố vụ án". (RFA online ngày 8-8-2011)

Nếu thủ tướng Dũng đọc được bản tin này thì ông ta nghĩ sao về những món quà đắt tiền chắc chắn rằng lương ba cọc ba đồng mới vừa định tăng vào đầu tháng mười này là không rớ được, không thấm tháp vào đâu cả. Thế thì ai sẽ mua và biếu cống cho ai với mức tình cảm nào và với mục đích gì? Quà nầy thủ tướng nghe nói chắc cũng phải thèm hoặc là chê ít?

"Những ngày cận Tết, dạo quanh các cửa hiệu bán quà biếu, tặng, nhiều người ngỡ ngàng trước những món quà trị gía từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng đang hút khách",… Đó là những loại hàng hóa đặc biệt từ yến sào, vi cá mập, tới tranh đá hoặc quần áo thời trang hàng hiệu loại top của nước ngoài, có gía từ vài chục tới cả vài trăm triệu đồng…
"Nhiều nơi người ta đã mang hàng tết cho các sếp từ lâu trước tết rồi, có những món quà lên tới cả vài trăm nghìn đô". (BBC online ngày 31-1-2011)

Đầu xuân năm nay, nhà giáo Phạm Toàn tình cờ đến thăm nhà riêng của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, trong câu chuyện hàn huyên khi đề cập đến vấn đề tham nhũng thì hai người bỗng nhắc đến tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, cụ Vĩnh nói:

"Nhưng có khi về chuyện tham nhũng, nghe chừng chú ấy lại khen chính quyền Sài Gòn trước đây?
"Tôi thì lại thấy chú ấy nói đúng ở điều này: ngày trước chính quyền Sài Gòn tham nhũng là họ ăn cắp viện trợ Mỹ, đó là tiền Mỹ, chứ đó không phải là tiền mồ hôi và công sức của người Việt nam. Còn của ta bây giờ, ai giàu lên nhờ bán chác đất đai, nhờ ăn hối lộ, nhờ bán rừng và tài nguyên…thì đó là giàu lên nhờ ăn cắp tài sản của dân tộc Việt Nam này… Tôi cho đó là ý đúng!" (Bauxite Việt Nam online ngày 10-2-2011)

Câu chuyện dưới đây được trang mạng Bauxite Việt Nam đưa lên với tựa đề " Lãng phí hàng nghìn tỷ đồng tại Vinalines" mà tôi không biết nên gọi là lãng phí hay là tham nhũng? Chuyện này ông thủ tướng có biết chưa, hay biết rồi mà cần làm ngơ ? Vụ mua bán tàu loại này nghe quen quen, giống kiểu Vinashin trước đây mua tàu cũ về bán sắt vụn vì dịch vụ mua vô cũng có lót tay, bán ra cũng có lót tay. Lời lỗ thì nhân dân chịu, còn hoa hồng" thầy" bỏ túi.
"Từ đơn tố cáo những dấu hiệu bất thường tại tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Đất Việt đã tổ chức điều tra và phát hiện hai con tàu trị gía hàng nghìn tỷ đồng của Vinalines đang phải nằm"đắp chiếu". Cùng với đó là những dấu hiệu bất thường trong thương vụ mua tàu Nord Brave trị gía 37 triệu USD…giá tàu Nord Brave tại thời điểm đó trên thị trường chỉ khoảng 27,07 triệu USD. Nhưng chẳng hiểu vì sao Vinalines lại" hào phóng" bỏ ra 37 triệu USD để mua con tàu này?…

"Theo thông lệ quốc tế, đáng lẽ Nord Brave (lúc này đang mang quốc tịch Panama) sẽ phải được chuyễn đổi từ quốc tịch Panama sang quốc tịch Việt Nam. Thế nhưng, không hiểu vì sao con tàu này lại được chuyễn sang quốc tịch Singapore…rồi mới được đổi thành quốc tịch Việt nam…Một chuyên gia về hàng hải phân tích mỗi lần chuyễn đổi quốc tịch cho tàu tốn rất nhiều chi phí và thủ tục khá phức tạp. Vì sao tàu Nord Brave được mua gía cao như thế và phải chuyễn qua quốc tịch Singapore rồi mới được chuyễn sang quốc tịch Việt nam? Có lẻ chỉ những người tham gia thương vụ mua bán con tàu này mới có thể trả lời được rõ ràng nhất". (Bauxite Việt Nam online ngày 25-8-2011)

Bệnh tham nhũng chẳng những phát huy ở trong nước mà nó còn lan sang địa hạt quốc tế nữa. Như mọi người đều biết Huỳnh Ngọc Sĩ, giám đốc dự án công trình đại lộ Đông Tây ăn hối lộ của công ty PCI của Nhật đã bị kêu án chung thân, nhưng mới vừa rồi được giảm án còn 20 năm. Vụ thứ hai tầm vốc vĩ đại hơn là vụ in tiền polymer RBA ăn hối lộ của công ty Securency mà tám người Úc và một người Anh lo hối lộ thì đang ra tòa để lảnh án, trong khi đó người nhận hối lộ ở Việt Nam thì vẫn bình yên.

"Bài báo điều tra lần này tiết lộ rằng công ty Securency đã phải bỏ tiền bao việc ăn học cho một trong những đứa con của Lê Đức Thuý tại Đại học Durham, một đại học hàng đầu của Anh quốc. Phí tổn cho việc ăn học và đi lại của cậu ấm họ Lê vào cuối thời điểm của thập niên 90 chắc chắn phải lên đến cả trăm ngàn…
"Nhưng bài điều tra hôm nay, báo SMH xác định chính xác rằng các quan chức của công ty Securency đã dành riêng một khoản tiền lên đến 15 triệu đô la để chi cho các quan chức Việt nam, mà trong đó riêng bản thân Lương Ngọc Anh đã ẵm gọn 5 triệu đô". (Đàn Chim Việt online ngày 24-1-2-11)

Những vụ tham nhũng điển hình kể trên đều xảy ra trong nhiệm kỳ của thủ tướng Dũng, chẳng những nó không thuyên giảm mà còn "khủng" hơn, tầm vóc qui mô hơn và ở diện rộng hơn. Trước kia thì tham nhũng tính bằng triệu đồng VN, ngày nay tham nhũng phải tính bằng tỷ hoặc chục tỷ đồng VN hay tính bằng triệu đồng đô la. Tham nhũng to phải là "con sâu" to, làm sao diệt đây hở ngài thủ tướng?

Giáo sư Hoàng Tuỵ, một nhà toán học khả kính cũng đã nhiều trăn trở với cái bệnh thời đại này và ông đã lên tiếng báo động:
"Tôi cho rằng, tham nhũng là một khối u nhức nhối vô cùng. Nếu chúng ta không cắt được khối u ấy, không cách nào làm cho xã hội phát triển mạnh được. Tham nhũng ở Việt nam đã đến mức nghiêm trọng. Do vậy, chống tham nhũng là vấn đề cấp bách, cần thiết nhất hiện nay. Nhưng theo tôi, trong xã hội ta, từ lâu, tuy mọi người đều lên án mạnh mẽ nhưng không phải ai cũng sẳn sàng tuyên chiến quyết liệt với quốc nạn này…

"Trong vòng vài mươi năm trở lại đây, ai có chút liêm sĩ đều coi tham nhũng là quốc nạn và nhiều vụ tham nhũng lớn cũng đã bị phanh phui và trừng trị, ấy thế mà mỗi năm, số vụ tham nhũng vẫn cứ tăng, không hề giảm mà các thủ đoạn tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi hơn"
. (Dân Luận online ngày 18-9-2011)

Xin ông thủ tướng Dũng vui lòng nhận" Đơn ra đảng" của đảng viên Trần Như Đào 45 tuổi đảng với lý do sau đây và giải quyết giùm, cảm ơn:
"Dân nghèo xác xơ, nhưng nhiều quan chức ở Nam Định xây nhà bạc tỷ, có nhiều cổ phần trong công ty, xí nghiệp, tiền gửi ngân hàng nước ngoài, ăn chơi xa hoa truỵ lạc… thử hỏi tiền của ấy lấy ở đâu nếu không phải là vơ vét bòn rút của nhà nước, của dân? Họ đang biến tổ chức đảng, hệ thống chính trị làm bình phong, làm lá chắn, làm phương tiện để lộng hành, bao che, bảo vệ nhau, kết bè kết cánh, thành hệ thống từ trên xuống dưới, để tham ô, lũng đoạn, lợi nhuận của xã hội đang tuôn chảy vào túi một bộ phận người ấy".
(*Đơn này đã trình bày tại hội nghị thường kỳ chi bộ Đông Mạc ngày 5-8-2008)
(Đối Thoại online ngày 4-8-2009)

Tham nhũng đã là quốc nạn như thế, càng ngày càng phát triển như thế, nhất là trong nhiệm kỳ của thủ tướng Dũng, ông đã diệt được tham nhũng đến đâu? Lời hứa diệt tham nhũng như thế nào ông còn nhớ, hay đã nói rồi làm ngơ? Bán chức bán quyền thì tù có ngày ra, chớ bán nước buôn dân thì chắc chắn là tru di tam tộc. Cái hậu quả của bản thân ông không phải hạ cánh an toàn như những người tiền nhiệm, tất cả rồi sẽ được tính sổ chung vào hồi kết cuộc. Ông hảy nghe nhà giáo Phạm Toàn, người đã nặng lòng và đã góp nhiều công sức cho công cuộc bảo vệ đất nước vẽ lên cái hậu quả ấy ra sao?
"Nước mà Dân bị nhũng nhiễu công nhiên như thế thì chắc chắn sẽ mất thôi- làm sao Dân lại chịu giử cái Nước nơi họ bị đối xử như quân thù, cái đất nước không mang lại hạnh phúc cho họ? Một khi mất nước, liệu những đồng tiền lưu manh kia, thậm chí cả những tài khoản lưu manh to hơn thế nhiều lần, liệu những tài sản ô nhục đó có đủ sức cứu vớt chúng và vợ con chúng và ông bà cha mẹ chúng?" (Bauxite Việt nam online ngày 6-9-2011)


Phần II: Chống tham nhũng khó
. (Lần sau tiếp)

Đại Nghĩa

No comments:

Post a Comment