14 September 2011

"Nhất nhật đế vương" gặp nạn


 
   Văn Quang - Từ Sài Gòn, ngày 11.9.2011

  "Nhất nhật đế vương" gặp nạn


Ai cũng biết, muốn làm giàu nhanh phải có "cửa" để lách, có "cánh" để cùng nhau thao túng và có "trụ" để đứng vững mỗi khi có rủi ro hay nói trắng ra là lúc phạm tội phải có người đỡ đòn. Nhất là ở VN bây giờ, không có những thứ đó chẳng bao giờ ngóc đầu lên được chứ đừng nói đến làm giàu. Có tiền mới chỉ là cần chứ chưa hề đủ. Có khi nhiều tiền lại mang "tội", nên lại phải có cách giữ nó và "phát triển" nó. Cho nên một điều kiện cần và đủ thực tế nhất là làm quen, kết thân, chiều đãi những nhân vật có thế lực. Nhỏ thì tô phở, vài món quà vặt. Lớn thì "nhất dạ đế vương", xe hơi, cẳng dài, đô la từng bó. Lớn "chơi" theo lớn, nhỏ "chơi" theo nhỏ. Sự cấu kết giữa đại gia và đại quan, tiểu quan và tiểu gia hoàn toàn trong vòng bí mật. Gọi chung đó là "bảo kê".

Bảo kê, thứ bệnh bất trị rồi lãng quên!

Muốn làm ăn phải có "bảo kê". Không kể đến những loại bảo kê rẻ tiền như bọn du côn du kề, dao búa bảo kê cho mấy cái tiệm nhảy, tiệm karaoke, thậm chí một cô gái nhảy, gái làm tiền cũng phải có đàn anh bảo kê. Bảo kê đề cập đến ở đây là thứ bảo kê cao cấp hơn. Bảo kê có "võng lọng", nắm pháp luật trong lòng bàn tay. Nói trắng ra quan to, quan bé bảo kê cho các đại gia, tiểu gia. Buôn bán nhỏ, lấn chiếm lòng lề đường, giữ xe gắn máy, cà phê đầu ngõ, quán cóc cũng phải có bảo kê, không bảo kê là bị "hốt" lên xe thùng ngay tức khắc. Nói gọn lại buôn bán, làm ăn nhỏ thì phải có bảo kê nhỏ, buôn bán làm ăn càng lớn thì phải có cái "gốc" càng bự. Không ai thoát bảo kê cả. Người dân ai cũng biết và tất nhiên với hệ thống an ninh dày đặc, "các cấp, các ngành" đều biết. Biết từ khuya rồi, nhưng chỉ tóm được bọn bảo kê tép riu, còn bảo kê lớn, thường là vô bằng chứng nên đành "thua". Tôi không nói tới chuyện buôn lậu, tham nhũng, ở đây chỉ đề cập đến chuyện bảo kê mà thôi. Cũng chẳng ai cần nói ra, bởi người dân cho đó là "chuyện tất nhiên phải như thế". Nó thành một thứ "lệ làng" lâu ngày biến thành một thứ "hội chứng bất trị" và quên luôn.
 
Hiện tượng này, bất cứ một người VN nào cũng biết nhưng nếu bạn hỏi, họ sẽ cho là bạn dở hơi, cứ như chuyện đói phải ăn cơm, khát phải uống nước vậy. Với những người chịu khó suy nghĩ một chút thì chỉ còn giá trị như một tiếng thở dài cho đất nước mà thôi. Nhưng tiếng thở dài này chỉ âm thầm từ ngày ấy qua ngày khác, từ thành thị đến thôn quê, từ khu phố nhỏ đến đại lộ huy hoàng. Nó như thứ thuốc độc không màu sắc trong các pho truyện kiềm hiệp Tàu, nó âm ỷ chảy trong dòng chảy nóng bỏng của xã hội khiến người ra quên đi tưởng như không có nó.
 
Lộ diện dòng chảy ngầm không màu sắc

Tuy nhiên, gần đây có một sự việc khá hấp dẫn khiến nó lộ nguyên hình và người dân lại bàn tán xôn xao về câu chuyện mới mà không hề mới này. Đó là chuyện 4 đại gia ở Long An mời 2 ông Viện Trưởng và Phó Viện Trưởng Viện Giám Sát cùng ở địa phương mình đi du hí trên "du thuyền" cùng 6 cô gái nửa quê nửa tỉnh, thơm như mít. 6 ông, 6 cô thành 3 cặp tròn trịa vừa đẹp! Nếu không có vụ một cô lọt tõm xuống sông chết đuối thì vụ này vẫn êm ru bà rù trôi vào cái dòng chảy của lãng quên như bao nhiêu những vụ đã đang và sẽ xảy ra "bình thường" vậy. Không một người dân nào tin rằng đây chỉ là một vụ "cá biệt", tức là lâu lắm nó mới xảy ra một lần. Nó xảy ra gần như thường xuyên và cứ nói trắng ra là ở nơi nào cũng có. Mỗi nơi xảy ra theo một "kịch bản" khác nhau mà thôi. Vậy bạn đọc thử ghé mắt nhìn qua diễn biến của cuộc du hí ngoạn mục này.
 
"Du thuyền" made in Long An

Theo lời anh Lâm Văn Chía ở xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, người trực tiếp lái chiếc "du thuyền" thuê cho các "đại gia". Anh Chía nhớ rất rõ chi tiết: Ngày 20-8, một người đàn ông tên Trung ở Rạch Kiến, huyện Cần Đước điện thoại hỏi thuê chiếc phà 60 tấn với giá 2 triệu đồng và yêu cầu trang trí cho đẹp để chở những người bạn đi chơi trên sông Vàm Cỏ Đông. Thế là chiếc phà được biến thành "du thuyền".
 
                                     
                           Chiếc phà, nơi diễn ra bữa nhậu gây nên cái chết của nạn nhân Đinh Thị Kim Phượng
 
Đến 10 giờ cùng ngày, những người thuê "du thuyền" đi trên 2 chiếc xe hơi mang biển kiểm soát Đồng Nai và Long An, cùng một xe gắn máy chạy thẳng xuống đậu trên "du thuyền". Anh Chía cho biết tất cả gồm 6 người đàn ông và 3 cô gái mang theo bia rượu, thức ăn, sau đó gọi điện thoại thuê người xuống dựng một chiếc rạp ngay trên "du thuyền" để đặt bàn nhậu.

Nhóm người trên còn thuê thêm 2 bé gái bán vé số xuống phà phục vụ nướng tôm, cua. Khi "du thuyền" chạy được một đoạn, các "đại gia" đề nghị anh Chía cho cặp vào bến gần đó để rước thêm 3 cô gái trẻ nữa, sau đó cho "du thuyền" chạy chầm chậm ra giữa sông để họ vừa ngắm cảnh vừa ăn nhậu.
 
Cuộc "nhất nhật đế vương" bắt đầu và tai nạn xảy ra

Đến 14 giờ, "du thuyền" chạy đến khu vực ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, khi đã ngà ngà hơi men, các "đại gia" yêu cầu neo thuyền lại gần bờ để vừa ăn nhậu vừa tắm sông. Ngày xưa các vua quan chơi kiểu "nhất dạ đế vương", hôm nay các quan này lại chơi theo kiểu "nhất nhật đế vương", tức là chơi giữa ban ngày, chơi nổi hơn vua quan xưa một bậc.
 
Mới 2 giờ chiều các quan đã "đuổi khéo" người lái thuyền tức anh Chia và 2 em bé bán vé số "đi chỗ khác chơi cho quan dễ làm việc". Anh Chia cũng nói là "anh cùng 2 em bé ngại nhìn thấy cảnh các đại gia và các cô gái tắm quá mát mẻ nên phải lên bờ".
 
Gần 16 giờ, anh Chía nghe có tiếng kêu cứu từ bên dưới "du thuyền" vì có người té sông. Lập tức, anh Chía quay lại "du thuyền" và thấy 6 người đàn ông và 5 cô gái mặt mày hoảng hốt, cho biết có một cô bị té chìm mất tích. Nghe vậy, anh Chía xuống nước lặn tìm nhưng không được vì khu vực này nước quá sâu. Nhóm "đại gia" đành thuê thợ lặn tìm và đến rạng sáng hôm sau mới vớt được xác cô gái. Nạn nhân là cô Đinh Thị Kim Phượng (20 tuổi, ở ấp Hoà Thuận 1, xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc). Cũng theo anh Chía, trong số 12 người trên phà chỉ có Phượng không chịu xuống tắm vì không biết bơi! Nạn nhân Đinh Thị Kim Phượng mới ly thân với chồng và có một con khoảng 18 tháng tuổi. Cô thường đi chơi với bạn bè và thỉnh thoảng được một số "đại gia" mời đi ăn uống. Hôm đó, ông Quang là người đã mời cô đi chơi. Cô Phượng ngồi một mình buồn tình nên bước ra khỏi lan can phà khá cao, có lẽ mải ngắm nhìn các cặp đùa dỡn quá hấp dẫn trên sông nước nên cô hụt chân rơi xuống sông chăng?
 
Nếu như để người lái sà lan là anh Chía ở trên tàu, may ra có cơ hội cứu được nạn nhân. Rất tiếc là "chuyện riêng tư" của đại gia nên các ngài muốn hưởng thụ trong yên tĩnh tha hồ giở trò mới để anh lên bờ!
 
Một nhân chứng khác, ông Trần Văn Út (ở ấp Nhựt Long, xã Nhật Linh, Huyện Tân Trụ) người giăng lưới ngay bên cạnh chiếc phà hôm 20/8 cho biết, khoảng gần 3 giờ chiều ông cho xuồng cập mũi phà cách chừng 15 mét để nằm nghỉ, đợi nước êm mới giăng lưới cá.
 
                 Ong Ut ke lai su viec. anh: Quoc Thang.
                            Ông Út Lùn - người phát hiện vụ việc và báo công an, chỉ nơi chiếc phà neo đậu.
                            Ông kể lại câu chuyện "mát mẻ" đã được chứng kiến.
 
Lát sau, cả nhóm người trên phà xuống sông tắm. Nữ thì để nguyên cả quần áo, nam thì chỉ mặc quần lót. Ông kể: "Lúc đó tôi nghe tiếng một cô gái la lên "gì thì gì nhưng không được cởi quần à nghen...' Nằm cách đấy không xa nên mọi thứ tôi đều quan sát thấy". Ông Út còn nói: "Xuống sông họ tắm với nhau vui lắm. Các anh, các cô chơi đủ trò lạ mắt, mới thấy lần đầu. Chơi như vậy mới gọi là "đại gia" được?!".
 
Các "đại gia" và "đại quan" là ai?

Danh tính chính thức được mời tham gia cuộc chơi "du thuyền" là 2 ông Nguyễn Kim Đoạn, Viện trưởng và Nguyễn Hương Giang, Phó Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân huyện Cần Giuộc.
 
Nhân vật khá quan trọng khác mà nhiều người coi như "đại gia" là ông Quang, ở huyện Cần Đước, chủ một cửa hàng mua bán xe gắn máy ngay trung tâm huyện. Theo người dân ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, sau khi nạn nhân Đinh Thị Kim Phượng rớt xuống sông, chính ông Quang thuê người lặn tìm vớt xác và bỏ ra 15 triệu đồng cho nhóm thợ lặn đem nạn nhân lên bờ. Nhân vật thứ hai có tên Tuấn, nhân viên một bưu cục ở huyện Cần Giuộc, có thêm nghề tay trái là mua bán bất động sản. Hai người còn lại kinh doanh mua bán ở quận 7 – TP Sài Gòn, vì chuyện làm ăn nên Tuấn, Quang liên lạc với 2 "đại gia" này rồi mời 2 sếp lớn là ông Đoạn và ông Giang đi chung. Người dân ấp Nhựt Long còn nói rõ lúc nạn nhân mất tích và sau đó được vớt lên bờ, 2 ông Đoạn và ông Giang không ở lại chứng kiến mà thuê xe ôm về trước. Chắc chắn 2 ông muốn tránh mặt dân chúng đang tò mò.
 
Các cô gái quê là người như thế nào?

Ngày 01-9, Công an tỉnh Long An, đã công bố danh tánh những người tham gia nhậu trên chiếc phà ở sông Vàm Cỏ ngày 20-8 và kết quả điều tra ban đầu của Công an huyện Tân Trụ. Nhưng theo CA, trên phà chỉ có 5 cô gái chứ không phải 6 như tin ban đầu. (Vậy theo lời khai của người lái "du thuyền" có 3 cô xuống trước, sau đó đón thêm 3 cô xuống sau là 6, chứ 3+3 sao lại chỉ là 5, còn 1 cô gái đi đâu? Ai đúng ai sai hay là có điều gì bí ẩn về cô gái này?).
 
                                         
                                            Hình Nạn nhân Đinh Thị Kim Phượng trong ngày cưới
                                            (Ảnh do gia đình cung cấp)
 
Theo CA, các cô này gồm: Đinh Thị Kim Phượng (người bị chết đuối, ở xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc), Võ Thị Hoa (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc), Mai Thị Ngọc (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), Nguyễn Thị Hồng Cẩm (huyện Bình Minh, Vĩnh Long), Nguyễn Thị Mỹ Hằng (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang). Trong số này, cô Cẩm và Hằng làm "tiếp viên" của quán PT ở huyện Cần Giuộc. Hoa làm công nhân ở Bến Lức (Long An). Nạn nhân Phượng thì đang thất nghiệp, còn Ngọc là bạn của Phổ. Theo kết luận ban đầu nạn nhân chết là do ngạt nước, hiện đang chờ kết quả giám định.
 
Cuộc chơi này nếu không có vụ té sông chết đuối chắc chắn là sẽ rất "hoành tráng" –nói theo chữ nghĩa ở VN ngày nay– và trôi tuột vào với nước sông Vàm Cỏ Đông.
 
Đúng là số con rệp mới gặp tai ương này.

Càng "trần tình" càng nổi rõ một tảng băng chìm như thuốc độc
Thử hỏi các "đại gia" mời "đại quan" đầu huyện đi du hí là không có mục đích nào sao? Tất nhiên là "thả vó quýt phải ăn mắm ngấu" như các cụ ta thường nói. Có đi có lại mới toại lòng nhau. Buôn gian bán lận thoải mái, bề gì đã có các quan đỡ đòn. Đứa nào đụng vào các đại gia cũng có thể rũ tù như chơi. Cái lợi ấy ai chẳng biết.
 
Trò "trần tình" của các quan với "cơ quan chức năng" chỉ là trò chạy tội. Ngày 6-9, ông Nguyễn Kim Đoạn, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân huyện Cần Giuộc tường trình:
 
"Vào thứ bảy 20/8, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (nhân viên Bưu cục Chợ Trạm, Cần Đước) công tác cùng ngành với vợ ông Đoạn đồng thời cũng là đồng nghiệp cũ của ông mời đi nhậu nhưng ông không đi. Từ chối đến lần thứ ba (!) nhưng thấy bạn cũ mời quá nhiệt tình nên ông Đoạn miễn cưỡng đi cùng.

Trước khi đi, Viện trưởng Đoạn rủ vợ nhưng bà từ chối vì bảo cánh đàn ông lâu ngày gặp nhau có thể trò chuyện kéo dài thời gian. Thấy vậy, ông Đoạn mời thêm cấp phó là ông Nguyễn Hương Giang đi cùng.

Khi được ông Tuấn đưa xuống phà đã thấy che rạp, dọn bia ăn uống với một số người lạ, trong đó có nhiều cô gái không quen biết khiến ông Đoạn ái ngại (?). Tuy nhiên, vì nể đồng nghiệp cũ nên ông cùng ông Giang ngồi nhậu.

Đến xế chiều những người nhậu chung nhảy xuống sông tắm ở địa phận Tân Trụ. Hai quan chức kiểm sát cũng tắm sông nhưng bơi xa nhóm có phụ nữ khoảng 50 m để tránh gây tai tiếng (!).

Một lúc sau nghe tiếng lao xao có người té sông, ông Đoạn bơi lại trong tư thế vừa bơi vừa mò xem có gặp được người bị nạn hay không nhưng không có kết quả…"
 
Nhìn thấy mấy em gái quê, trong đó có cả nữ công nhân và cô gái một con mới bỏ chồng chào đón mà ông Viện Trưởng "ái ngại" cái nỗi gì? Ái ngại sao không có can đảm bỏ về? Rồi các quan lại sợ tai tiếng nên bơi xa đến 50m! Liệu bạn đọc tin được bao nhiêu phần trăm? Tôi dự đoán các quan bơi xa chừng 5mm là cùng.
 
Dù sao vụ "nhất nhật đế vương" này cũng làm sáng tỏ được một tảng băng chìm đang làm ung thối xã hội. Hy vọng nó không chìm xuống sông Vàm Cỏ Đông.


Văn Quang 11-9-2011

~~~~~~~~~~~~~~

No comments:

Post a Comment