12 October 2012

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ - Bài số 9

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ
Bài số 9

HỐ TẤN VINH

4.-NẾU ÔNG DIỆM KHÔNG DẸP CÁC GIÁO PHÁI VÀ ĐẢNG PHÁI?
Chủ quyền quốc gia là gì?
Trong lúc nước nhà còn bị lệ thuộc, người thật lòng đi tranh thủ nền độc lập quốc gia rất sợ nếu không lập công được thì thôi, chớ đừng đem nước đang lệ thuộc nước này sang lệ thuộc một nước khác, - nặng nề hơn. Trên đường đi tranh thủ, có khi ta phải nhờ đến sự giúp đở của ngoại bang. Nhưng nếu tất cả mọi việc - từ viên đạn, cây súng của người lính, đến lương tháng của cảnh sát, công chức - việc gì cũng nhờ ngoại bang thì bề ngoài dầu có che đậy khéo kéo tới đâu, thì trên thực tế, nước đã bị lệ thuộc rồi. Đây phải là mối âu lo hạng nhứt.
Năm 1945, Hồ Văn Ngà có dựa vào Nhựt lúc Nhựt đang đánh cờ tàn. Nhưng ông luôn luôn vun trồng sức mạnh của miền Nam. Đó là lý do ông thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt trong đó quy tụ cả 7 tổ chức mà thành phần chánh là Cao Đài và Hòa Hảo. Cái thế nhân dân là cái căn bản để đề kháng lại sự khống chế của ngoại bang, dầu nhứt thời họ là đồng minh.
Khi ông Diệm về, các bộ phận quân sự của Bình Xuyên, Đại Việt, Việt Nam QDĐ, của các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo đều có sẳn.

Nếu ông Diệm biết khéo léo dựa vào các lực lượng này thì ông đã có một thế nhân dân rất là vững chắc. Đó là cái nội lực cần thiết để cân bằng ngọai lực thì mới bảo vệ được chủ quyền quốc gia.
Nhưng ông Diệm lại hiểu chủ quyền quốc gia theo một nghĩa khác. Ông không chấp nhận trong nước có nhiều sứ quân nên ông phải dẹp các sứ quân để tóm thâu quyền hành và chỉ dựa vào 'ba xê' (catholique, centre, cần lao) mà ông tự đắc cho là nội lực, nên ông nuôi dưỡng nó bằng lợi lộc. Nhưng khi hữu sự, khi ông đi vô nhà thờ Cha Tam thì ông mới biết cái nội lực này là nội lực ma.
 (Dù cho kết nạp được mấy trăm ngàn đảng viên như Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia của Trần Chánh Thành hay Đảng Cần Lao của Ngô Đình Nhu kia chỉ là một sớm đáo sự là . . . . sẽ không thấy mặt đảng viên nào. . .? Những đảng viên nồng cốt sẽ là những người đốt thẻ đảng viên một cách mau mắn nhất để chối bai bải là: 'Tôi không phải là đảng viên của đảng đó!') Chu Bằng Lĩnh, tr. 158.
Trong những lúc nguy kịch, Sihanook biết đi dây. Ông Diệm đã tự mình chặt hết dây, nên khi cần, ông không có dây để đi, ông đã nằm gọn trong tay của người ta rồi. Cái mạng của ông người ta muốn bóp, muốn thắt thế nào cũng được thì còn nói làm chi đến cái tự do hay độc lập của đất nước.
Tóm lại, bất kỳ ai thật sự yêu nước cũng phải lấy thế nhân dân làm nội lực cho mình. Ngô Đình Diệm từ đầu cho đến chết chỉ dựa duy nhất vào Mỹ. Lúc ông mới về, Nguyễn Bảo Toàn và Hồ Hán Sơn lập Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng để ủng hộ cho ông, nhưng hậu quả là ông bài kế giết Hồ Hán Sơn trước, rồi sau đó giết Nguyễn Bảo Toàn, Phạm Xuân Gia luôn.
Trong lúc ông Diệm ôm miết có một dây thì Hồ Chí Minh có tới ba sợi dây lận.
Làm sao thắng cộng?
Nếu như quần chúng chỉ vì bận rộn hằng ngày lo kiếm chén cơm mà không màng đến chánh trị, nhưng các đảng phái và giáo phái từ 1945 đến 1954 đã đổ rất nhiều xương máu vì CS nên biết rất rõ hiễm họa CS. Nếu họ được giao trách nhiệm quản lý vùng họ có ảnh hưởng thì chắc chắn họ sẽ thành công. Kinh nghiệm đã chứng minh rằng CS không thể thâm nhập vào các vùng đó.
Một khuyết điễm của chủ trương này là người dân trong vùng nếu không thuộc cùng đảng hay cùng tôn giáo, trong đời sống hằng ngày có thể bị áp bức. Tuy nhiên, ở thời điễm đó, trong lúc có nhu cầu trước tiên là thắng cộng thì chủ trương này tạm thời là hợp lý. Các sai trái sau này sẽ sửa lại.
Nảy giờ là lập luận đơn thuần lý thuyết, bây giờ là thực tế đã xảy ra trong địa phận của Phật Giáo Hòa Hảo, Nguyễn Long Thành Nam viết:
Kết quả mà Phật Giáo Hòa Hảo đã thành đạt trong công cuộc chống lại Việt Minh Cộng Sản là những thành công đáng kể. Tại các khu vực hoạt động của Phật Giáo Hòa Hảo, họ đã:
          1.- Loại trừ toàn bộ các phần tử thân Việt Minh, từ lúc đầu.
          2.- Ngăn chặn mọi kế hoạch xâm nhập của Việt Minh. Từ 1947 đến đầu 1954, công việc bình định lãnh thổ đã phát triển liên tục và chắc chắn, trong các vùng ảnh hưởng Hòa Hảo.
          3.- Vùng 'hòa bình Hòa Hảo' quả là hiện tượng ít có tại Việt Nam. Từ 1951 về sau, lưu thông từ Cần Thơ đến Tân Châu (biên giới Cao Miên) trên khoảng 120 cây số, không còn cần thiết phải có hộ vệ quân sự nữa. Xe nào cũng có thể tự đi một mình, không bị nguy hiểm hay phục kích.

Ngược lại, không có sự ủng hộ của quần chúng, tại Tây Ninh, Đỗ Mậu viết:
Ngày 26 tháng Giêng năm 1960 một trung đoàn thuộc sư đoàn 21 đóng ở Trảng Sập, cách tỉnh lỵ Tây Ninh khoảng 12 cây số, bị Việt Cộng tấn công gây thiệt hại nặng nề cả nhân mạng lẫn vũ khí.
 . . .Vì họ không hợp tác với Sư đoàn 21, không thông báo những hoạt động của Việt Cộng trong vùng họ sinh sống cho Sư đoàn, do đó Sư đoàn mới bị tấn công bất ngờ, bị thiệt hại hết sức nặng nề, mất toàn bộ vũ khí của cả một Trung đoàn. Chính Trung tá Trần Thanh Chiêu, Tư lệnh Sư đoàn 21 đã công nhận thái độ thiếu thân thiện của Cao Đài. Đỗ Mậu tr. 400.
(Theo Đỗ Mậu, ông Trần Thanh Chiêu người Nam Ngải vì gia đình có liên hệ với gia đình Ngô Đình Khôi và là đảng viên đảng Cần Lao, không có kinh nghiệm chiến trường, nhưng trong 5 năm đuợc thăng quan từ Trung úy lên Trung tá. Có một trường hợp khác thăng quan còn lẹ hơn. Theo Tướng Lý Tòng Bá, Trung tá Thiện, Chỉ huy trưởng Binh chủng Thiết giáp, trong một năm, thăng từ Đại úy lên Trung tá cũng vì hai lý do trên.)
Vì các lực lượng tôn giáo là các lực lượng tự vệ, họ chỉ hữu hiệu ngay tại địa phương của mình mà thôi. Đó là con cá trong nước. Nếu đưa các lực lượng đó ra miền Trung thì họ sẽ thua ngay. Đó là con cá lên cạn.
Sau này đơn vị quân sự Hòa Hảo Nguyễn Trung Trực, một trong những đơn vị đầu tiên của quân đội Quốc gia VN, trung đoàn 55 và 63 bị đưa ra miền Trung, binh sĩ đâm ra chán nản, xin giải ngũ trở về quê (Trung đoàn 63 bị giải tán ngày 19-6-1956, cùng một lúc với nhiều đơn vị gốc Phật giáo Hòa hảo và Cao đài). Đã biết con cá lên cạn là con cá chết, thì có ẩn tình gì mà người ta đưa con cá lên cạn?
Khi biện luận cho các lực lượng tự vệ tại địa phương, ta mới thấy vai trò của quân lực VNCH vẫn là chủ chốt trong việc bảo vệ lãnh thổ và trước mắt là đương đầu với VC trong các chiến trường lớn. Nhưng phải nhờ có một hậu phương vững mạnh, thì quân lực VNCH mới an tâm hành quân. Có tướng lãnh nào ra trận mà không muốn cái lưng mình được che?
Cũng cần nói rõ rằng hậu phương đây không phải chỉ Saigon và các tỉnh lỵ mà nó bao phải gồm rừng rậm miền Đông và đồng ruộng miền Tây.
Cho nên dựa vào các lực lượng nhân dân mới có thể thắng chớ không phải sẽ đương nhiên thắng, nhưng đó là điều kiện cần có để có thể thắng. Ngược lại, nếu không dựa vào các lực lượng ấy thì sẽ đương nhiên thua cộng. Dựa vào hay không dựa vào sức mạnh của nhân dân một khi đã quyết định rồi thì lịch sử không chạy ngược dòng được.

HỒ TẤN VINH
Melbourne
                        Ngày 12 tháng 10 năm 2012
                       (Còn tiếp)

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

No comments:

Post a Comment